Tích hợp trong bài học của “English for family”

Giáo dục
1111 28/02/2021 13:46:16

Tích hợp trong bài học của “English for family”

TÍCH HỢP TRONG BÀI HỌC CỦA “ENGLISH FOR FAMILY”

Để tạo nên những bài học phong phú, đa dạng - trình bày đa phương thức - tác động đa giác quan - giúp người học ghi nhớ vững bền - chúng tôi đã tìm hiểu và nghiên cứu từ cơ chế hoạt động của não và cách kích hoạt các chức năng của não hiệu quả nhất.

 

Khoa học đã chứng minh, 5 thùy não đảm nhiệm 5 chức năng khác nhau trong hoạt động của não bộ và trí thông minh của con người: thùy trước trán – chức năng nhận thức; thùy trán – chức năng suy nghĩ; thùy đỉnh – chức năng vận động; thùy chẩm – chức năng thị giác; thùy thái dương – chức năng thính giác. Đặc biệt, thùy thái dương, thùy đỉnh và thùy chẩm là 3 phân khu đầu vào, giúp chúng ta tiếp nhận thông tin thông qua thính giác, xúc giác (vận động) và thị giác. Chính vì vậy, 3 thùy này cùng với 3 giác quan tương ứng đóng vai trò rất quan trọng trong việc học hỏi và tiếp nhận thông tin.

 

Hình 1. Hình ảnh biểu thị chức năng của thùy não

Để phát huy được chức năng của các thùy não, ứng dụng hiệu quả vào việc dạy học và truyền đạt kiến thức cho người học, người dạy phải dựa trên nguyên tắc trực quan, tạo điều kiện cho người học sử dụng các giác quan để trải nghiệm và lĩnh hội kiến thức. Bởi lẽ, đối với con người, các cơ quan cảm giác như thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác đều vận động và góp phần vào quá trình tiếp nhận thông tin.

Trong thực tế, con người có xu hướng bị thu hút bởi màu sắc và hình ảnh. Chính vì vậy, khi thiết kế bài giảng, cần phải hấp dẫn người học bằng các hoạt động mới, mang màu sắc, tích chất đặc biệt khác lạ so với bình thường. Khi đó sẽ kích thích người học cảm nhận, tri giác tích cực và chính xác. Việc học vì thế sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Để phát huy được tất cả các đặc điểm đã phân tích ở trên trong dạy học, cần phải có phương pháp phù hợp - Đó chính là phương pháp trực quan. Ngày nay, nhờ khoa học kĩ thuật, đặc biệt là Công nghệ thông tin, phương pháp dạy học trực quan có rất nhiều hình thức, phương tiện chuyển tải phong phú để hỗ trợ tối đa cho bài giảng như hình ảnh (hình ảnh động), âm thanh, phim (video) sơ đồ, các chương trình tương tác.v.v.

Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc đặc điểm và hiệu quả của từng hình thức, cách chúng tôi vận dụng trong các bài học của “English for Family”.

(1) Hình ảnh/hình ảnh động 

Có thể nói hình ảnh/hình ảnh động có khả năng diễn đạt thay cho hàng nghìn từ khác nhau và giúp người học kích hoạt trí tưởng tượng. Nó tạo ra một bước phát triển mới cho bài giảng để có mặt một cách hấp dẫn trên nhiều địa hạt của thông tin. Ví dụ: bài giảng trên các trang web, báo mạng điện tử, vô tuyến truyền hình.v.v. Đặc biệt, hình ảnh động, là sự kết hợp của nhiều hình ảnh tĩnh thay đổi, gần giống với nguyên lí làm phim hoạt hình. Học sinh Tiểu học rất thích và hứng thú với những chuyển động của những hình ảnh tĩnh như vậy vì so với hình ảnh tĩnh thông thường, các em có thể cảm nhận rõ hành động, thái độ và cảm xúc của nhân vật, tạo được cảm giác chân thật hơn nhiều so với việc dùng ngôn ngữ biểu đạt. Nhờ vậy, bài giảng có thể “kiệm lời” nhưng lại tạo được hiệu ứng “Trăm nghe không bằng một thấy”. Chính vì lẽ đó mà một đoạn hình ảnh động đôi khi có thể khiến một sản phẩm bài giảng hấp dẫn hơn hẳn, khiến người học “bừng tỉnh” và không hề nhàm chán trong quá trình học. Việc tích hợp hình và hình ảnh động với ngôn ngữ được thực hiện trên 100% từ vựng và bài tập trong English for Family.

(2) Phim (video) 

Bản thân những đoạn video đã mang tính đa phương tiện (gồm cả hình ảnh động và âm thanh). Trực quan thông qua phim (video) thật sự là loại bài giảng ưu việt nhất từng có trong lịch sử. Vì chính tính đa phương tiện của video đã cung cấp cho người học đầy đủ các thông tin, nội dung của đối tượng, của bài học. Thậm chí, nếu có thể thiết kế được những video riêng cho từng bài học: tức nội dung video chính là nội dung của bài học, kèm theo phần đọc mẫu được tích hợp vào video đó, thì đây sẽ là công cụ dạy ngôn ngữ rất hữu dụng. Việc tích hợp này đã được vận dụng 100% bài học phát âm và hội thoại trong English for Family.

(3) Âm thanh

Những sản phẩm bài giảng có âm thanh không đơn thuần giống như phát thanh thông thường. Âm thanh được tích hợp có thể là âm thanh mô tả lại các âm thanh xuất hiện trong bài đọc (tiếng gõ cửa, tiếng cười…). Nhưng quan trọng nhất đó là phần đọc mẫu bằng tệp âm thanh thu sẵn, nhất là đối với những từ ngữ mới, những đoạn hội thoại của các nhân vật. Đối với người học ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ thứ hai, âm thanh có sẵn (bằng giọng nói/đọc của người bản ngữ) sẽ là nguồn tư liệu quý giá giúp người học có thể luyện nói/đọc theo và dễ dàng phát âm chuẩn mực được như người bản ngữ. Nếu có thể gắn âm thanh nào đi liền cùng với từ ngữ đó thì hiệu quả càng cao, vô cùng tiện lợi và đơn giản cho việc học của mọi người. Điều này đã được thực hiện triệt để trong English for Family - 100% câu/từ tiếng Anh xuất hiện đều được gắn âm thanh là phát âm của người bản ngữ.

(4) Sơ đồ tư duy

Sơ đồ tư duy (SĐTD - Mind map) do Tony Buzan (1942) phát triển xuất phát từ cơ sở sinh lí thần kinh về quá trình tư duy: não trái đóng vai trò xử lí dữ liệu logic (con số, phép tính), não phải làm nhiệm vụ xử lí dữ liệu trực quan (hình ảnh, màu sắc). Để vận dụng và phối hợp sự cộng tác của não trái và não phải trong quá trình tiếp nhận và xử lí thông tin, Tony Buzan đã đề xuất SĐTD. Đây có thể nói là một phương tiện vô cùng hữu hiệu cho việc ghi nhớ.

Lí do là hai nửa bán cầu não của chúng ta có chức năng xử lí thông tin khác nhau. Não trái có chức năng xử lí các thông tin logic mang tính chất học thuật (phân tích, lí luận…) trong khi đó, não phải có chức năng xử lí các thông tin mang tính tưởng tượng (màu sắc, hình ảnh, âm thanh…). Trong thực tế, 90% các môn học ở trường hầu như chỉ sử dụng não trái. Và trong khi não trái phải làm việc hết công suất thì não phải “ngồi không”. Do đó, chúng ta cần bắt cả hai bán cầu não cùng làm việc. Đây là cách phát huy hết công suất của não. Hiệu quả được ví như là một người chạy bằng hai chân bao giờ cũng nhanh và bền hơn người chạy một chân. SĐTD giải quyết được vấn đề này.

Vậy, SĐTD đã giải quyết điều này bằng cách nào?

Hình 2. Hình ảnh biểu thị công năng của hai bán cầu não

SĐTD thực chất là một hình thức ghi chép bằng việc sử dụng màu sắc, hình ảnh để mở rộng và đào sâu các ý tưởng. Đưa các kiến thức logic, lí luận thành các biểu tượng có thể hình dung, tưởng tượng, liên tưởng; tạo ra các điểm nhấn bằng màu sắc, đường nét… thu hút bán cầu não phải. Nói cách khác, nó buộc não phải cùng hoạt động để tiếp nhận thông tin cùng não trái. Nhờ vậy SĐTD giúp khả năng nhớ của con người vượt trội so với các phương pháp khác.

Tuy nhiên, SĐTD không chỉ cho thấy thông tin mà còn phản ánh cấu trúc tổng thể của một chủ đề và mức độ quan trọng của các thành phần riêng lẻ.

Ví dụ, sau khi học xong một bài học, người học cần xem lại một cách tổng quan các nội dung kiến thức đã học. Sử dụng sơ đồ tư duy giúp hệ thống hóa được dung lượng kiến thức bao phủ theo bề rộng, đem đến cái nhìn toàn cảnh. Chẳng hạn:

 

Hình 3. Sơ đồ tư duy tổng hợp nội dung một bài học của “English for Family 7”

Vì vậy, đối với người học, học qua sơ đồ tư duy còn giúp rèn luyện khả năng nắm bắt và sáng tạo, tổ chức và phân loại. Có thể nói, học tập bằng sơ đồ tư duy là trải nghiệm khoa học nghiêm túc để tìm kiếm góc nhìn tổng thể nhanh nhất, đánh giá vấn đề chính xác nhất. Đó là lí do vì sao sơ đồ tư duy giúp chúng ta có một trí nhớ tuyệt vời và khả năng bao quát tổng thể, phân tích logic như một nhà khoa học.

Trong các bài học của English for Family, SĐTD được sử dụng trong phần REVIEW và INTRODUCTION  của mỗi bài học.

(5) Bảng - biểu đồ

Phương pháp biểu đồ - còn gọi là phương pháp Graph (trong tiếng Anh cũng có nhiều cách gọi khác nhau như table - graph/chart/diagram). Đây là cách xâu chuỗi các nội dung rời rạc thành một hệ thống bằng các mô hình trực quan như hình ảnh, bảng thống kê, biểu đồ với nhiều dạng thức khác nhau. Với mỗi dạng thức, tiếng Việt có từ để gọi khác nhau như bảng, biểu đồ, đồ thị, sơ đồ.v.v. 

Có nhiều kiểu lập biểu đồ. Ví dụ:

- Kiểu biểu đồ ở mức độ khái quát, tức là từ khái niệm và đơn vị tổng hợp, sau đó chia nhánh đến các ý cụ thể ở bậc hai hoặc bậc ba. Điều này giúp cho người học có được cái nhìn bao quát và hệ thống về đối tượng một cách dễ dàng dù đối tượng đó có nhiều tầng bậc phức tạp đến đâu cũng sẽ trở nên đơn giản.

- Lập bảng tập hợp các hiện tượng, các đối tượng cụ thể có những nét tương đồng về những luận điểm, những chùm ý khái quát hơn.

Với đối tượng kiến thức này, chúng ta có thể sử dụng bằng bảng, lập các tiêu chí để so sánh, tìm/thể hiện điểm tương đồng và khác biệt. Chẳng hạn:

 

Hình 4. Bảng hệ thống dạng thức của động từ to BE ở thì hiện tại đơn

trong bài học của “English for Family”

Bằng việc sắp xếp các đơn vị kiến thức đồng cấp, tương đương vào một hệ thống như trong bảng, người học sẽ dễ dàng nhận ra điểm chung và khác giữa các dạng thức. Tự người học sẽ rút ra được mà không cần lời giải thích nào của người dạy. Điều đó giúp cho người học chủ động lĩnh hội và kiến thức tự nó sẽ khắc sâu trong nhận thức của họ.

Dạng bảng, biểu đồ như trên chủ yếu được sử dụng trong phần Grammar của “English for Family”.

Khi người học tiếp xúc với bài giảng để tiếp thu kiến thức, mức độ tiếp thu phụ thuộc vào các thành tố: trình độ của cá nhân người học, hình thức trình bày của sách giáo khoa/tài liệu và cách triển khai hoạt động dạy học của giáo viên. Trong đó, hình thức trình bày là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến các thành tố còn lại. Đối với giáo viên (người triển khai bài giảng), hình thức trình bày của tài liệu giảng dạy hợp lí sẽ hỗ trợ tối đa cho phần chuẩn bị bài dạy. Nếu các bộ phận của hình thức bài giảng phối hợp chặt chẽ, logic, đa dạng, giáo viên hoàn toàn có thể triển khai nội dung bài học phù hợp, theo tiến trình trực quan và nhận thức một cách dễ dàng; không cần thiết tìm thêm nguồn tư liệu tham khảo hoặc chuẩn bị quá nhiều phương tiện trực quan khác; có thể tiết kiệm được thời gian và công sức. Đối với người học (người tiếp nhận bài giảng) hình thức bài giảng phù hợp, rõ ràng và độc đáo sẽ kích thích hứng thú học tập, tìm hiểu; chuyển hóa nội dung khô khan, khó hiểu thành những đơn vị kiến thức sinh động; và còn giúp người học khắc sâu kiến thức, gợi nhớ nhanh chóng khi cần thiết.

Từ mong muốn tạo một nguồn tài liệu tiên tiến cho người dạy và người học, những người biên soạn đã cố gắng để tích hợp các hình thức trình bày; tạo sự tương tác linh hoạt, thông minh nhất giữa tài liệu và người học; nhằm làm cho bài học hấp dẫn, thú vị, dễ nhớ, dễ vận dụng và không hề nhàm chán. Bạn có thể gặp kiến thức bài học trong English for Family ở bất kì tài liệu học tập hay trang Web nào biên soạn theo nội dung chương trình SGK, song tích hợp và vận dụng đa phương thức để tác động tới đa giác quan của người học, bằng các phương pháp sư phạm để người học làm chủ kiến thức dễ dàng thì có lẽ, đến nay chỉ duy nhất có trên TIENGANHGIADINH.COM.

Hi vọng, các bài học của chúng tôi sẽ góp phần giúp các bạn học sớm thành công hơn trên hành trình học tập của mình.

 

 

 

 

 

VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo