Mẹ và dư luận - 1001 câu chuyện cảm động
Mẹ và dư luận
Lên đại học, học môn tâm lý tôi mới hiểu một phần về sức mạnh dư luận. Nó có thể ví như ngọn gió: hoặc khiến người ta có cảm giác dễ chịu, khoan khoái, hoặc khiến người ta lao đao, khổ sở. Và ngọn gió thứ hai ấy đã đi qua đời mẹ tôi kể từ một ngày…
Nóng quá nó không bú được. Tội nghiệp em tôi, nhưng có bao giờ mẹ về trước 12 giờ trưa đâu. Vẫn còn đó ánh lửa chập chờn bóng mẹ mỗi sớm: nồi cơm một bên, nồi cám lợn một bên để cải thiện cuộc sống. Mẹ ngồi xuống, đứng lên một cách chậm chạp. Đứa em thứ ba của tôi sắp ra đời. Sao mẹ lại khóc? Mẹ xoa đầu tôi rồi nhìn vào xa xăm: con chưa hiểu gì đâu. Thế nhưng bây giờ tôi đã hiểu: dư luận từ đó, bão táp từ đó…
Thật là nghiệt ngã khi đứa em thứ ba của tôi ra đời. Nó sẽ không bao giờ được nhìn thấy và sẽ không được gọi tiếng “bố” thân thương cho đến khi nó nói được, hiểu được đã đành; nhưng còn mẹ tôi - sống ở nông thôn, nơi tư tưởng phong kiến và cực đoan trong cách phán đoán vẫn còn ăn sâu vào tâm thức của nhiều người thì lời giải thích nào là thỏa đáng khi thời gian bố mất đến lúc em bé ra đời lại rất trùng khớp. Nằm ở giường sinh mà mẹ chỉ có một mình. Họ ngoại thì quá xa, họ nội thì nặng lời cay nghiệt: không thể chấp nhận kẻ đánh rơi chữ hạnh. Câu nói ấy nặng hơn ngàn búa bổ. Họ đến rồi đi ngay với vài món quà để lại. Đó là sự thương tình với mấy đứa cháu mồ côi. Phận làm dâu của mẹ họ coi như không còn. May thay vẫn có bà cụ neo đơn cùng xóm, thân với nhà tôi từ lúc bố còn sống, đến để chia sẻ nước mắt cùng mẹ.
Ba tháng sau ngày sinh con, mẹ lại ra đồng. Khớp tay mẹ vẫn còn đau nhưng không đau hơn cái nhìn miệt thị như dao cắt của mọi người xung quanh. Theo họ, tội của mẹ là cỏ mộ chồng chưa xanh mà đã... Mẹ cắn răng chịu đựng, “ông Trời có mắt mà con!”. Sau này tôi thắc mắc thì mẹ chỉ nói thế nhưng tôi biết lúc ấy là cả một sự hi sinh lớn lao.
Và nỗi đau của mẹ như chất chồng khi không thể chia sẻ cùng ai. Nhưng có tình cảm nào thiêng liêng hơn tình mẫu tử. Dường như mẹ bất chấp tất cả, suốt ngày làm việc để đánh đố với nỗi day dứt trong lòng. Mẹ gửi hai đứa em tôi cho bà cụ. Tiếng khóc trẻ thơ xua tan nỗi cô quạnh của tuổi già nên bà cụ rất thương chúng nó, trông nom, chăm sóc mà không một đồng thù lao. Sáu tháng, một năm rồi hai năm, cuộc sống của mẹ hướng dần về phía mặt trời mọc.
Đứa em út lớn lên, con bé giống bố như tạc. Mũi cao, mắt đen, sâu là những gì người ta bảo nó “ăn cắp” từ bố. Thế là rõ, mẹ tôi “vô tội” mà không cần một lời thanh minh. Thật ra mẹ cũng bất ngờ về cái thai ấy. Mẹ kể và dự đoán, hóa ra lần cuối cùng mẹ gần bố đã nảy nở một mầm sống. “Sống phải chịu sự đàm tiếu của dư luận nhưng không phụ thuộc vào dư luận”. Đó là mẹ tôi. Còn tôi luôn coi lời dạy ấy như một bài học trong cách làm việc sau này. Nói vậy nhưng không dễ chút nào nếu tình thương con và niềm tin của mẹ không vượt lên tất cả.
Kinh tế gia đình tôi từ đó cũng khá lên nhờ mẹ liên tiếp trúng những mí tằm. Một phần là sự giúp đỡ của các cô trong hội phụ nữ xã. “Nhờ họ mà mẹ con mình bớt khổ”. Mẹ nói với tất cả lòng biết ơn và một chút duy tâm: “Bố phù hộ các con”.
Có được một ít vốn, mẹ vào Nam với ngoại. Tôi được gửi cho người dì ruột ở quê để đi học. Thế là mọi người tiếp tục nghi ngờ nhưng với thái độ dễ chịu hơn: chuẩn bị có bố mới rồi nhé, năm năm nay không được gọi bố rồi còn gì... Có lẽ đó là lời ám chỉ mẹ, tôi loáng thoáng hiểu ra nhưng bỏ ngoài tai. Nhớ mẹ, tôi chỉ mong mẹ về thật sớm và họ nói sai. Và cuối cùng, tất cả mọi lời ám chỉ đều sai. Lần đó mẹ chỉ đi chữa bệnh khớp xương hai năm rồi về. Và 15 năm nay, kể từ ngày bố mất, mẹ vẫn ở vậy để nuôi chúng tôi khôn lớn.
Mẹ không cần chứng minh mà mọi người phải công nhận. Mẹ đã vượt qua ngọn gió thứ hai bằng sức mạnh của tình thương con và niềm tin vào chính mình.