Từ cũ và từ Hán Việt - Trần Thị Lam Thủy
BÀI 7
TỪ CŨ VÀ TỪ HÁN VIỆT
Tác giả: Trần Thị Lam Thủy
Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn từ trang này
1. Từ cũ
Lưu ý:
- Từ cũ có thể là từ Hán Việt: hoàng thượng, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử, v.v.
- Từ cũ cũng có thể là từ Hán cổ: chàng, thiếp, buồng, ả, v.v.
- Từ cũ có thể là từ biến âm (bị phát âm chệch đi) do phạm húy trong một giai đoạn phong kiến nào đó: huỳnh (hoàng), bổn (bản), nhơn (nhân), v.v.
Tất cả đều chung một điểm là không còn hoặc ít dùng trong giao tiếp hiện đại nữa.
2. Từ Hán Việt
Song song tồn tại với từ thuần Việt (Từ thuần Việt là những từ được dân tộc ta dùng từ rất lâu đời đến nay làm thành vốn từ vựng cơ bản của tiếng Việt. Ví dụ: cha, mẹ, mưa, nắng, bếp, vườn, mặt trời, đẹp, xấu…), từ Hán Việt là bộ phận từ vựng tiếng Việt vay mượn của tiếng Hán nhưng phát âm theo cách của người Việt Nam (theo ngữ âm tiếng Bắc Kinh, Trung Quốc đời nhà Đường), chịu sự chi phối của các quy luật ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa của tiếng Việt. Như: tổ quốc, giang sơn, sơn thuỷ, thiên địa, v.v. Từ Hán Việt chiếm một số lượng khá lớn trong kho từ vựng tiếng Việt và đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp của người Việt trên các lĩnh vực văn hóa, khoa học, chính luận, báo chí, văn chương.
Hiện nay trong vốn từ vựng của tiếng Việt vẫn đang tồn tại hàng loạt cặp từ thuần Việt và Hán Việt có nghĩa tương đương (đồng nghĩa) nhưng khác nhau về sắc thái ý nghĩa, về màu sắc biểu cảm, cảm xúc, bình giá, phong cách… Chẳng hạn: phụ nữ - đàn bà, nhi đồng – trẻ em, phu nhân – vợ, hi sinh – chết, thổ huyết – hộc máu, v.v. Sự khác nhau đó là do người Việt trong quá trình sử dụng đã tạo ra các đặc trưng của từ Hán Việt.
3. Đặc trưng cơ bản của từ Hán Việt
3.1. Từ Hán – Việt tạo sắc thái tao nhã, tránh thô tục hoặc tránh gây ấn tượng ghê sợ trước một số hiện tượng
Ví dụ:
- Dùng từ để tránh thô tục (sắc thái tao nhã): hậu môn, phân, tiểu tiện, đại tiện, hộ sinh, khoả thân, v.v.
- Giảm ấn tượng ghê rợn: thổ huyết, xuất huyết, thi hài, hài cốt, thương vong, di hài, hoả táng, v.v.
3.2. Tạo sắc thái trang trọng, cao quý
- Sử dụng trong các trường hợp giao tiếp, lễ nghi: phụ nữ, phu nhân, nông dân, từ trần, mai táng…
- Dùng để đặt tên người, tên đất: Nhân Mục (Kẻ mọc), Cổ Loa (Kẻ Lũ), Hùng, Trung Dũng, Đức Mạnh, Bình Nguyên, Thuỵ Nguyên, v.v.
3.3. Tạo sắc thái cổ khi tái tạo hình ảnh các nhân vật và cuộc sống xã hội ngày xưa, đưa người đọc, người nghe trở về không khí của quá khứ. Chẳng hạn dùng các từ như: hoàng thượng, hoàng hậu, trẫm, khanh, hoàng tử, công chúa, xa giá, ngự triều, hạ chỉ, bái yết, bình thân, vấn an, giai nhân, thuyền quyên, tiểu thư, v.v.
3.4. Gợi hình ảnh của thế giới khái niệm im lìm, bất động
Ví dụ:
Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Kẻ chốn Chương Đài người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.
(Chiều hôm nhớ nhà, Bà Huyện Thanh Quan)
Với việc sử dụng một loạt từ Hán–Việt, bài thơ đã kéo ta về cõi vĩnh viễn của ý niệm và nỗi u hoài của nhà thơ - nỗi u hoài của một kiếp người không biết đến tháng năm, thời đại, không có sự tách biệt giữa tôi với anh.
4. Đối chiếu từ Hán Việt và thuần Việt
Có thể so sánh từ thuần Việt và từ Hán Việt qua bảng đối chiếu sau:
Tiêu chí so sánh |
Từ Hán Việt |
Từ thuần Việt |
Về ý nghĩa |
Trừu tượng, khái quát mang tính tĩnh tại, không gợi hình, không mang tính chất miêu tả sinh động |
Cụ thể, sinh động, gợi hình. |
Sắc thái biểu cảm – cảm xúc |
Trang trọng, thanh nhã, cổ kính. |
Thân mật, trung hoà, giản dị, khiếm nhã |
Màu sắc phong cách |
Phong cách gọt giũa, cổ kính, không thông dụng. |
Đa phong cách, hiện đại, thông dụng. |
Lưu ý:
Từ Hán Việt bản thân nó không có những đặc điểm đặc trưng nêu trên. Nguyên nhân là do quá trình sử dụng lớp ngôn ngữ này của người Việt đã tạo nên đặc trưng riêng so với từ thuần Việt như vậy. Cụ thể:
- Nguyên nhân đầu tiên là từ tiếng Hán vào Việt Nam chủ yếu vào bằng con đường khoa cử và hệ thống chính quyền. Vì vậy, chỉ những người thuộc tầng lớp trên của xã hội tiếp nhận và sử dụng;
- Nguyên nhân thứ 2 là khi thâm nhập rộng vào đời sống giao tiếp của người Việt, từ tiếng Hán vốn không phải là ngôn ngữ thân thuộc hàng ngày, vì vậy người Việt chỉ sử dụng trong những môi trường giao tiếp có tính khách khí (cần lịch sự, trang trọng nhưng xa cách).
Lâu dần, môi trường sử dụng của người Việt đã cấp cho từ tiếng Hán những đặc điểm trên.
5. Sử dụng từ Hán Việt
Từ những đặc điểm trên của từ Hán Việt, người Việt khi sử dụng cũng cần lựa chọn để dùng đúng với ngữ cảnh giao tiếp và người giao tiếp với mình. Ví dụ:
- Không sử dụng từ Hán Việt nhiều khi nói với người thân hoặc trong hoàn cảnh cần giúp đỡ. Ví dụ:
Con đề nghị mẹ mua giùm một cuốn sách. (chỉ cần thay đề nghị bằng nhờ)
Anh có thể hỗ trợ tôi khiêng thùng đồ này được không? (chỉ cần dùng giúp thay cho hỗ trợ)
Con mình cần đi đại tiện, anh làm nhé! (em bé con của mình, không ai lại dùng từ đại tiện)
v.v.
- Không dùng quá nhiều từ Hán Việt trong một câu nói. Ví dụ:
Tôi đã yêu cầu đồng chí A hỗ trợ để di dời các hộ công dân ngụ tại tầng thượng ra khỏi tòa nhà. (có thể thay hỗ trợ bằng giúp, di dời bằng chuyển, hộ công dân bằng nhà dân, ngụ bằng sống tại – câu nói sẽ nhẹ nhàng hơn).
Mọi trao đổi về chuyên môn, vui lòng liên hệ tới: TS. Trần Thị Lam Thủy, Email: dr.lamthuytran@gmail.com