Người nghệ sĩ dương cầm - 1001 câu chuyện cảm động
Người nghệ sĩ dương cầm
TTO - Tôi tên là Mildred Hondorf. Tôi nguyên là giáo viên dạy môn âm nhạc trường trung học Des Moines, bang Iowa (Hoa Kỳ), và tôi đã làm việc này hơn 30 năm nay. Sau từng ấy năm dạy học, tôi nhận ra rằng, mỗi đứa trẻ có một khả năng cảm thụ âm nhạc khác nhau. Tôi không bao giờ thấy thích thú với những gì được gọi là phi thường, dù rằng tôi đã từng dạy cho không ít những sinh viên tài năng.
Robby vẫn không ngừng cố gắng luyện tập từ tháng này qua tháng khác trong khi tôi chăm chú lắng nghe và tìm cách để động viên cậu bé. Cuối mỗi tuần, Robby đều nói với tôi “Một ngày nào đó. Mẹ sẽ đến để nghe em đàn”. Nhưng dường như chẳng có mảy may hy vọng gì cả. Cậu ấy không có năng khiếu bẩm sinh. Tôi chỉ biết mẹ của cậu bé khi thấy bà đứng từ xa vẫy tay hoặc đứng chờ Robby bên cạnh chiếc xe hơi cũ kỹ. Bà ta chỉ vẫy tay, mỉm cười nhưng không bao giờ tiến lại gần.
Một ngày nọ, Robby không đến lớp học. Tôi đã nghĩ đến việc đi gọi cậu bé nhưng lại cho rằng đó là do cậu ta nhận ra mình không có năng lực và quyết định từ bỏ âm nhạc để theo đuổi điều gì đó. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi thấy Robby không đến lớp nữa.
Vài tuần sau, tôi gửi thư mời tham dự buổi biểu diễn báo cáo kết thúc khóa học đến nhà của các em học sinh. Đáp lại sự ngạc nhiên của tôi, Robby (cũng nhận được giấy mời) xin tôi cho phép cậu cùng tham gia chương trình này. Tôi cho cậu bé biết buổi biểu diễn chỉ dành cho các học sinh theo học trọn khóa, và bởi vì cậu bé đã bỏ lớp giữa chừng nên không thể tham gia được.
Robby nói rằng mẹ cậu bé bị bệnh, và không thể đưa cậu đến lớp học, thế nhưng cậu vẫn tập luyện đều đặn. “Em sẽ chơi được!” – cậu quả quyết. Tôi không biết cái gì đã khiến tôi gật đầu đồng ý. Có thể đó là thái độ chân thành của cậu bé mà cũng có thể là có điều gì đó trong tôi nói rằng đó là một hành động đúng đắn.
Buổi tối biểu diễn cũng đến. Sân thể dục của trường học đầy ắp khán giả. Tôi để cho Robby biểu diễn cuối cùng trong chương trình trước khi có thể bước ra sân khấu để nói lời cảm ơn tới tất cả mọi người đã tham dự. Tôi nghĩ rằng điều đó không có hại gì cho Robby, và khi cậu ấy biểu diễn ở cuối chương trình, tôi có thể ngưng ngang phần diễn tệ hại của cậu ấy bằng cách “hạ màn” kết thúc.
Buổi biểu diễn đi dần đến kết thúc. Các em học sinh đã lần lượt lên trình diễn. Cuối cùng, Robby tiến ra sân khấu. Cậu bé mặc một quần áo nhăn nhúm, và mái tóc thì rối tung lên. “Tại sao cậu bé lại ăn mặc không giống những học sinh khác?” – tôi nghĩ – “Tại sao mẹ cậu bé không chải chuốt, diện cho cậu ấy trông thật lịch sự trong buổi tối đặc biệt này kia chứ? Ít nhất bà ta cũng nên làm thế!”.
Robby bước đến bên cây đàn dương cầm và bắt đầu. Tôi ngạc nhiên quá đỗi khi nghe Robby thông báo rằng cậu sẽ chơi bản Concerto số 12, cung Đô trưởng của Mozart. Tôi còn chưa chuẩn bị tinh thần để nghe nữa là…
Những ngón tay của cậu bé lướt trên bàn phím, chúng như nhảy múa thật nhanh nhẹn và thông minh phía trên những phím đàn bằng ngà. Cậu bé dìu dắt từng phím đàn qua các cung bậc: lúc bổng, lúc trầm, khi nhanh, khi chậm rãi, du dương. Từng nốt nhạc trong bản hòa tấu của Mozart được cậu bé chơi một cách thật ấn tượng. Tôi chưa từng nghe bất cứ ai chơi nhạc của Mozart hay đến thế ở độ tuổi như Robby. Sau sáu phút rưỡi, Robby kết thúc phần trình diễn của mình. Ngay lập tức, tất cả mọi người đều đứng lên và vỗ tay tán thưởng không ngừng!
Quá đỗi sung sướng và bất ngờ, tôi chạy ra sân khấu, ôm chặt lấy Robby và nói “Cô chưa bao giờ nghe ai đàn hay đến thế! Làm sao em có thể làm được điều đó?”. Thông qua chiếc micro, cậu bé nói “Thưa cô!... Cô có nhớ em đã từng nói với cô rằng mẹ em bị ốm? Thực sự là mẹ em bị ung thư, và đã qua đời vào sáng nay. Mẹ em bị điếc bẩm sinh và đêm nay là lần đầu tiên mẹ có thể nghe em chơi đàn dương cầm. Chính vì thế, em phải làm điều gì đó thật đặc biệt”.
Tất cả mọi người đều lặng đi, không ai cầm được nước mắt. Khi những nhân viên của Trung tâm xã hội đến đưa Robby đến trại trẻ mồ côi, tôi để ý thấy đôi mắt họ cũng đỏ hoe và ngấn lệ. Tôi nghĩ rằng cuộc đời mình đã trở nên giàu có hơn, may mắn hơn kể từ khi Robby là học trò của mình.
Không, tôi không bao giờ có được sự kỳ diệu trong cuộc sống, nhưng tối hôm đó, tôi đã trở thành sự diệu kỳ của Robby. Cậu bé đã dạy cho tôi một bài học thật quý báu. Đó là bài học về ý nghĩa của sự kiên nhẫn, tình yêu thương, sự tin tưởng và biết nắm bắt lấy những cơ hội mà người khác trao cho mình. Tôi tin rằng: có những thiên thần luôn ở quanh ta, có những thiên thần luôn ở bên cạnh ta, và cả ở bên trong mỗi người chúng ta. Ai cũng có ít nhất một thiên thần trong cuộc đời mình…