Các nhân tố chi phối xưng hô trong giao tiếp sư phạm

Giáo dục và PPDH
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 732 31/12/2022 17:01:37

CÁC NHÂN TỐ CHI PHỐI XƯNG HÔ TRONG GIAO TIẾP SƯ PHẠM

The Factors Drivering Value in Pedagogical Communication

 Bài đăng trong Kỉ yếu Hội thảo "Giáo dục và Quản lí giáo dục trong thời đại 4.0", NXB Thông tin Truyền thông, 2022, trang 222 - 229

PGS.TS. Mai Thị Hảo Yến

Trường Đại học Tân Tạo

TÓM TẮT

Trong giao tiếp sư phạm, xưng hô không chỉ thể hiện mối quan hệ trong giao tiếp giữa thầy và trò, mà nó còn thể hiện văn hóa trọng tình của người Việt, cùng rất nhiều chi phối khác. Bài viết sẽ làm rõ những nhân tố chi phối việc xưng hô trong giao tiếp sư phạm từ góc nhìn ngữ dụng học, gồm: Vai giao tiếp (vai nói, vai tiếp thoại); Quan hệ liên cá nhân; Ngữ vực; Thoại trường; Tình cảm, thái độ của các vaiPhép lịch sự trong giao tiếp.

Từ khóa: xưng hô, giao tiếp sư phạm, lịch sự trong giao tiếp…

SUMMARY

In pedagogical communication, address not only shows the relationship between teacher and student, but it also shows the respectful culture of Vietnamese people, along with many other influences. The article will clarify the factors that govern the address in communication from a pragmatic point of view, including the Communicative role (speaking role, conversational role); Interpersonal relationships; Language area; Voice; Affection, Attitude, and Courtesy in communication.

Keywords: address, communication, courtesy in communication…

1. Đặt vấn đề

Trong tiếng Việt, để xưng hô người ta có thể sử dụng một tập hợp các từ ngữ từ các “nguồn” khác nhau như: đại từ, từ thân tộc, tên riêng,...với những sắc thái biểu cảm riêng và giữa chúng có thể linh hoạt thay đổi trong các hoàn cảnh giao tiếp khác nhau. Cho nên, xưng hô không chỉ đơn thuần là xưng và hô mà chứa đựng cả hàm ý văn hoá ứng xử của người Việt. Trong giáo dục, giao tiếp là một trong những phương diện được chú trọng. Giao tiếp sư phạm có thể hiểu: là sự trao đổi, tiếp xúc giữa thầy và trò, góp phần tạo nên "môi trường tinh thần của lớp học", là "phương thức tác động lên các quan hệ của học sinh và giáo viên. Giao tiếp giữa thầy và trò là một khâu quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách, phát triển tính tích cực nhận thức và tính xã hội của học sinh trong quá trình hình thành tập thể học sinh" [1]. Quá trình này cũng mang bản chất của giao tiếp nói chung. Vì vậy, không thể thiếu xưng hô, một trong những yếu tố góp phần tạo nên hiệu quả giao tiếp - tức hiệu quả dạy học.

2. Nội dung

2.1. Từ điển tiếng Việt [9] cho rằng, xưng là tự gọi mình là gì đó khi nói với người khác, biểu thị tính chất, mối quan hệ giữa mình với người ấy.

Xưng hô là tự xưng mình và gọi người khác là gì đó khi nói với nhau để biểu thị tính chất của mối quan hệ với nhau [3].

Theo Bùi Minh Yến, “Khái niệm xưng hô được ý thức như là một hành vi ngôn ngữ có chức năng xác lập vị thế xã hội của những người tham gia giao tiếp và tương quan tâm thế giữa họ với nhau trong quá trình giao tiếp. Khi thực hiện chức năng này, hành vi ngôn ngữ xưng hô đồng thời đảm nhận nhiệm vụ khởi sự tạo sự tương tác ngôn ngữ cho cuộc thoại, điều chỉnh cuộc thoại theo đích đã định, đảm bảo hiệu lực hành vi” [11].

Đỗ Hữu Châu [4] cho rằng: Xưng hô là một hành vi chiếu vật, ở đây là qui chiếu các đối ngôn trong ngữ cảnh, nó sẽ gắn diễn ngôn với người nói, người tiếp thoại. Xưng hô thể hiện quan hệ vai giao tiếp.

Ngữ pháp truyền thống chia xưng hô thành ba ngôi: ngôi thứ nhất là người nói, ngôi thứ hai là người tiếp thoại và ngôi thứ ba là ngôi của người, sự vật, sự việc... được nói tới trong diễn ngôn. Biểu thức ngôn ngữ ngữ pháp hóa các ngôi để xưng hô trong các ngôn ngữ là các đại từ nhân xưng. Các đại từ nhân xưng trong tiếng Anh là I, you, we, he, she, it, they, me, us, him, its, them, myself...; trong tiếng Pháp: Je, tu, elle, il, nous, ils, elles...; trong tiếng Việt: tôi, tớ, tao, tui, qua, mày, mi, mình; choa, chúng tao, chúng ta, chúng tôi, chúng mình, chúng tớ, bầy (bi), choa, chúng mày; bay, hắn, nó, y, thị, va... Các đại từ nhân xưng tiếng Việt không có sự phân chia rạch ròi về ngôi thứ như trong tiếng Anh, tiếng Pháp.

Ngoài các đại từ nhân xưng đích thực trên, để xưng và hô, tiếng Việt còn sử dụng các từ chỉ quan hệ thân tộc. Từ chỉ quan hệ thân tộc trong tiếng Việt là những từ chỉ người trong gia đình, họ tộc có quan hệ huyết thống, nội ngoại xa gần với nhau. Các từ thân tộc trong tiếng Việt có thể chia thành hai nhóm: các từ thân tộc đơn (kị, cụ, ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì, mợ, thím, cha, mẹ, bố, tía, ba, má, u, bầm anh, chị, em, con, cháu, chút chít, chồng, vợ, dâu, rể...) và các từ thân tộc phức (kị ông, kị bà, kị nội, kị ngoại, cụ ông, cụ bà, cụ nội, cụ ngoại, ông nội, ông ngoại, bà nội, bà ngoại, bác trai, bác gái, anh trai, chị gái, cháu trai, cháu gái...).

Tiếp theo, để xưng và hô gọi, người Việt (và các dân tộc khác) có thể dùng tên riêng. Tên riêng – tên chính (không kể tên gọi theo tên của chồng – với phụ nữ có chồng và tên gọi theo tên con – với phụ nữ đã có con) có thể dùng một mình để tự xưng, đối xưng và tha xưng. Khi được dùng để tự xưng và đối xưng, các tên chính thường được dùng ở dạng một âm tiết. Việc dùng tên chính hai âm tiết cũng có thể, nhưng không phổ biến. GS. Đỗ Hữu Châu cho rằng “Tự xưng tên chính hai âm tiết có vẻ kiểu cách, do đó hiện nay chỉ có các nghệ sĩ trên sân khấu mới tự xưng như vậy khi tự giới thiệu mình để cho vừa thân tình, lại vừa điệu với khán giả” [4].

Để xưng hô, tiếng Việt và các ngôn ngữ khác còn dùng từ chức danh, nghề nghiệp. “Nghề nghiệp là tính chuyên nghiệp trong sản xuất, điều hành, quản lý xã hội, trong tôn giáo mà một người được đảm nhiệm. Chức danh bao gồm chức và hàm. Chức hay chức vụ là trách nhiệm và quyền lực được giao trong việc điều hành một tổ chức kinh tế, hành chính, xã hội, quân đội, tôn giáo... Hàm là danh nghĩa được phong tặng hay công nhận theo tài năng, đức độ, sự cống hiến”[4].

Cuối cùng, là các bán đại từ. Đây là các từ dùng xưng hô không phải từ thân tộc, cũng không phải là các đại từ thực sự. Có ba nhóm bán đại từ: Thứ nhất, là các từ như: ngài, ngươi, trẫm, khanh, thiếp, chàng, nàng... Thứ hai, là những tổ hợp từ Hán Việt như: ngu đệ, hiền huynh... Thứ ba, là các từ chỉ xuất không gian hoặc những tổ hợp từ có chỉ xuất không gian ở sau để tự xưng: đây, thằng này (con này), đấy, đằng ấy...

Để xưng hô, ngoài sự sử dụng các đại từ nhân xưng đích thực, tiếng Việt còn sử dụng rất nhiều từ khác nữa. Chẳng hạn, ngoài các cách xưng hô như vừa nêu trên, Lã Thị Thanh Mai trong [7, 51-53] còn chỉ ra thêm một số cách xưng hô như: xưng hô bằng đại từ chỉ định; xưng hô bằng một số danh từ chung (đồng chí, quý vị); xưng hô bằng biệt danh. Vũ Thị Sao Chi [5] còn bổ sung thêm một cách xưng hô nữa. Đó là cách xưng hô bằng biểu thức miêu tả. Ví dụ: Không thèm chào hỏi ai, tên Chột hách dịch:

- Lão thọt khọm già có nhà hay không? (Tạ Duy Anh, Hiệp sĩ áo cỏ)

Trong thực tiễn sử dụng, chúng tôi cho rằng việc xưng hô của người Việt rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, trong giao tiếp sư phạm, xưng hô không thể phong phú và đa dạng, bởi tính quy thức và chuẩn mực của môi trường giao tiếp – sư phạm. Mặc dù vậy, xưng hô trong giao tiếp sư phạm tức trong nhà trường ở quan hệ giao tiếp giữa thầy/cô và học trò cũng dấy lên những tranh luận đáng kể với những cặp từ xưng – hô như: cô/thầy – em hoặc cô/thầy – con… Vậy tại sao có lúc, có nơi dùng cô/thầy – em, có lúc, có nơi lại dùng cô/thầy – con, hoặc thậm chí dùng cả hai. Trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi xin bàn đến các yếu tố chi phối việc dùng từ xưng hô nói chung với sự nhấn mạnh vào xưng hô trong nhà trường giữa các thầy cô giáo và các em học sinh, ngõ hầu mang đến những kiến giải nhất định về vấn đề này.

2.2. Theo Đỗ Hữu Châu [4], xưng hô là một hành vi chiếu vật, ở đây là quy chiếu các đối ngôn trong ngữ cảnh, nó sẽ gắn diễn ngôn với người nói, người tiếp thoại. Xưng hô thể hiện quan hệ vai giao tiếp. Theo tác giả, những nhân tố chi phối việc dùng các từ xưng hô trong giao tiếp gồm: xưng hô phải thể hiện vai giao tiếp (vai nói, nghe); xưng hô phải thể hiện cho được quan hệ quyền uy; xưng hô phải thể hiện cho được quan hệ thân cận;xưng hô phải phù hợp với ngữ vực; xưng hô phải thích hợp với hoàn cảnh, môi trường; xưng hô phải thể hiện cho được thái độ, tình cảm của người nói đối với người nghe” [4, tr. 79]. Sau đây, chúng tôi sẽ làm rõ sự chi phối của các nhân tố này đối với việc xưng hô trong giao tiếp sư phạm.

2.2.1. Vai giao tiếp (vai nói, vai tiếp thoại)

Chúng tôi cho rằng, sự xưng hô không phải là ngẫu hứng, kể cả trong xưng hô đời thường – phi qui thức. Còn đối với ngữ cảnh qui thức thì việc xưng hô càng phải được suy xét, lựa chọn một cách kỹ càng. Đối với giao tiếp sư phạm – một ngữ cảnh qui thức chuẩn và có tính phổ quát rộng rãi - thì việc xưng hô càng là một yêu cầu vô cùng quan trọng. Và, càng phải hết sức thận trọng trong việc xưng hô đối với một ngôn ngữ có quá nhiều “sắc màu” như tiếng Việt của chúng ta.

Như đã nói, “Vai giao tiếp là một thuật ngữ dùng để biểu thị vị thế xã hội của các nhân vật tham gia hội thoại” [4]. Trong trường học, vai giao tiếp đồng thời cũng dùng để biểu thị vị thế xã hội của các nhân vật tham gia hội thoại của thầy, cô trong giao tiếp với người học – học sinh. Vì vậy, trong mọi cuộc thoại, vị thế xã hội và vai giao tiếp của họ không thay đổi. Đây là một đặc thù nghề nghiệp trong văn hóa giao tiếp của người Việt. Thầy, cô giáo luôn xưng hô với học trò là thầy, cô – không chỉ trong trường học, mà cả ở ngoài xã hội. Và luôn hô – gọi học trò là em (cho dù em đó đang học hay đã học).

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, cặp xưng hô thầy/cô – em không phải là bất biến. Với các hình thức tổ chức lớp học đa dạng và tiện ích như hiện nay trong giáo dục, thì việc “đến trường” không phải là đặc quyền của lứa tuổi nhi đồng, thanh thiếu niên, mà còn có sự tham gia của rất nhiều người tuổi không còn ít nữa và cũng không chỉ là đi học để có nghề, thậm chí họ không những có nghề, mà còn có vị trí lãnh đạo nữa. Vậy nên, cách xưng hô giữa thầy/cô và người đi học còn có thể được điều chỉnh bởi một yếu tố mang tính “quyền lực” trong văn hóa ứng xử của người Việt, đó là tuổi tác. Người Việt trọng tuổi tác, chẳng thế mà các cụ có câu “sống lâu lên lão làng” là nói đến vai trò của tuổi tác. Do đó, tùy từng độ tuổi (của thầy/cô và học trò), tùy từng cấp học, mà việc xưng hô có những điều chỉnh nhất định, mặc dù vai giao tiếp là quan trọng và cơ bản nhất để những người tham gia giao tiếp lựa chọn cặp từ xưng hô cho phù hợp (với chuẩn mực sư phạm, cũng như văn hóa).

2.2.2. Quan hệ liên cá nhân

Trong giao tiếp phi qui thức - tức giao tiếp đời thường - thì yếu tố quan hệ liên cá nhân là yếu tố hết sức quan trọng chi phối đến việc lựa chọn cách dùng từ xưng và hô. Nhưng trong giao tiếp sư phạm, điều này dường như là không thể vận dụng. Không phải chỉ vì tính qui thức của giao tiếp sư phạm, mà là vì tính trung lập và khách quan của thầy/cô đối với học trò – người học là như nhau. Và bước đầu của sự “trung lập, khách quan” ấy là việc thầy/cô – người nói – SP1 và học trò – người nghe – đối ngôn - SP2 phải xưng - hô. Vì vậy, trong tất cả các hoạt động giao tiếp trong trường học, thầy/cô chủ yếu vẫn xưng hô bằng các từ mang tính nghề nghiệp ngôi thứ nhất, số ít (hoặc nhiều): thầy/các thầy, hoặc cô/các cô.

Tính liên nhân chi phối cách xưng hô ở đây hoàn toàn phải được người dạy học, tức thầy/cô ý thức. Quan hệ liên nhân với sự chi phối các nhân vật giao tiếp theo hai trục: trục tung – trục vị thế xã hội (trục quyền uy - power) và trục hoành – trục của quan hệ khoảng cách (distance) phải luôn nằm trong sự kiểm soát của những người làm thầy. Ví tính chất quy phạm của môi trường giao tiếp, nên hầu như quan hệ xưng hô trong nhà trường luôn bị chi phối bởi quan hệ quyền uy. Đây là điều mà những người làm giáo dục luôn coi trọng, bởi nghề dạy học luôn được xem là một nghề cao quý. Trong sự câu thúc về vai trò nghề nghiệp và sự thân thiết, gần gũi tất yếu nảy sinh trong quá trình dạy học, hoặc đối tượng người học nhỏ tuổi – học sinh mầm non, học sinh tiểu học, hoặc THCS hay thậm chí cả THPT, nhiều nơi thầy/cô vẫn xưng là thầy/cô và hô – gọi học trò là con. Chúng tôi cho rằng, đây là điều bình thường và có thể chấp nhận ở một mức độ phù hợp (lứa tuổi như trên) và vùng miền (miền Nam xưng thầy/cô – con nhiều hơn miền Bắc).

2.2.3. Thoại trường

Một cuộc giao tiếp bao giờ cũng diễn ra ở một thời gian, không gian cụ thể. Đỗ Hữu Châu cho rằng, “không gian thoại trường là không gian có những đặc trưng chung, đòi hỏi người ta phải xử sự, nói năng theo những cách thức ít nhiều cũng chung cho nhiều lần xuất hiện. Ví dụ: trường học, chùa chiền, nhà thờ, cung điện…”[4]. Như vậy, trường học được xem là một thoại trường.

Rõ ràng, trong chùa hay trong nhà thờ, người ta không thể nói tùy tiện được. Cũng như vậy, người ta sẽ chịu nhiều “áp lực” khi nói trên lớp hay rộng hơn trong trường. Bởi xưng – hô là khởi đầu của cuộc giao tiếp và quyết định chất lượng – hiệu quả của cuộc giao tiếp đó. Chẳng hạn, trong lớp học, vì một lý do nào đó, cô/ thầy có thể nổi giận và không xưng là thầy/cô, mà xưng tôi, cũng như không hô – gọi học trò – đối ngôn là em/các em, mà là anh/chị, thì lập tức “tính chất” của cuộc thoại sẽ khác…

Cũng theo Đỗ Hữu Châu, mỗi thoại trường sẽ có một cách thức nói năng nhất định. Như vậy, giao tiếp sư phạm – tức thoại trường trường học - sẽ có một cách thức nói năng riêng biệt, mà bước đầu chính là xưng hô.

Một yếu tố đặc biệt quan trọng nữa của thoại trường chi phối đến việc giao tiếp, nói chung, và xưng hô, nói riêng, đó là sự “có mặt” của người nghe thứ ba - công chúng. Công chúng không chỉ nghe – mà còn thấy hình ảnh của thầy/cô, trường lớp và học trò. Vì vậy, mới có nhiều “ý kiến” về việc xưng – hô của thầy/cô và học sinh trong trường học.

Trong thực tế, rất nhiều học sinh, đồng thời là con của thầy hoặc cô trong trường, thậm chí là trong lớp học. Ở đây, họ sẽ xưng – hô thế nào! Quan hệ liên nhân của họ không phải theo trục thân cận nữa, nên không thể xưng hô mẹ - con, con – mẹ (má – con, con - má), hay bố - con, con – bố (ba – con, con - ba). Vai giao tiếp cũng đã thay đổi. Người con không còn là con gái hay con trai của người mẹ ấy (hay người bố). Lúc này họ là những công dân. Và họ phải làm những việc cần thiết liên quan đến công việc của mỗi người và sự liên quan lẫn nhau trong công việc. Và đặc biệt là một thoại trường hoàn toàn khác. Và vì vậy, họ phải xưng - hô theo quan hệ như những người học và người dạy khác trong trường học, tức vẫn xưng thầy/côem hoặc có thể là con (nếu người con đó còn nhỏ và trong trường các học trò đều xưng con với thầy/cô).

2.2.4. Ngữ vực

Từ điển định nghĩa “Ngữ vực (register – phong cách học, xã hội ngôn ngữ học) là một biến thể của ngôn ngữ theo các hoàn cảnh xã hội (social situation – tức thoại trường). Phương ngữ là biến thể quan hệ với người dùng, còn ngữ vực là biến thể liên quan đến cách dùng” [Dẫn theo 4].

  1. Halliday đề ra ba căn cứ để xác định ngữ vực: trường (field), phương thức (mode) và sắc điệu (tenor). Trường do hiện thực đề tài và đích của diễn ngôn quyết định, phương thức do phương tiện (nói hoặc viết) và loại thể (genre) của ngôn ngữ, còn sắc điệu do quan hệ liên cá nhân quyết định. Từ những căn cứ này, R.A/ Hudson diễn đạt như sau: Trường liên quan đến câu hỏi “tại sao” (why) và “về cái gì (about what)”, phương thức liên quan đến câu hỏi “như thế nào” (how), còn sắc diện liên quan đến câu hỏi “nói với ai” (to whom).

Như vậy, theo căn cứ của M. Halliday thì ít nhất có thể có ba ngữ vực: ngữ vực qui thức (fomal), ngữ vực thân tình (familiar) và ngữ vực phi qui thức (infomal) [Dẫn theo 4].

Đỗ Hữu Châu cho rằng, quyết định ngữ vực là thoại trường và quan hệ liên cá nhân. Vì vậy, trước khi quyết định lựa chọn một cách thức giao tiếp nào đó (qui thức, thân tình hay phi qui thức), những người tham gia giao tiếp phải tính đến thoại trường và quan hệ liên nhân.

Như trên chúng tôi đã nói, thoại trường của nhà trường trong tất cả các cuộc giao tiếp đều mang tính qui thức. Vì vậy, những người tham gia giao tiếp trong trường phải tổ chức diễn ngôn – lời nói của mình một cách chuẩn mực. Và sự chuẩn mực đầu tiên phải tính toán đó là xưng.

2.2.5. Tình cảm, thái độ đánh giá của các vai với nhau và của các vai với sự vật được thưa xưng

Trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi chỉ đề cập đến khía cạnh “Tình cảm, thái độ đánh giá của các vai với nhau” mà thôi.

Người Việt Nam vốn trọng tình. Đó cũng chính là lý do trong ngôn ngữ tiếng Việt có quá nhiều từ xưng hô thể hiện nhiều sắc thái tình cảm đến thế.

Trong tiếng Việt, “bằng cách lựa chọn từ để tự xưng và để hô người giao tiếp, người nói định một khung quan hệ liên cá nhân cho mình và cho người đối thoại với mình. Từ xưng hô như vậy, không chỉ là công cụ để người nói thực hiện cái việc không thể không làm là đưa mình và người đối thoại với mình vào diễn ngôn, mà còn là công cụ để câu thúc (bó buộc) mình và câu thúc người trong khuôn khổ một kiểu quan hệ liên cá nhân nhất định” [4]. Hơn nữa, các từ xưng hô trong các ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng luôn làm thành từng cặp đối xứng. Vì vậy, các nhân vật giao tiếp trong môi trường sư phạm, khi xưng hô, ngoài sự chi phối về vai giao tiếp, về quan hệ liên cá nhân, về ngữ cảnh, còn luôn bị chi phối bởi tình cảm, thái độ đánh giá. Trong môi trường giao tiếp sư phạm, việc biểu lộ tình cảm giữa những người dạy và người học một cách “lộ liễu” bằng việc xưng hô thường khó xảy ra, kể cả những lớp đặc thù với người dạy và người học có thể đều lớn tuổi.

Chúng tôi cho rằng, trong giao tiếp sư phạm, mặc dù mang tính qui thức cao, nhưng các quan hệ tình cảm – quan hệ liên nhân nói chung vẫn có thể được biểu hiện, nhất là những lớp học, mà người học nhỏ tuổi, hay những lớp học chuyên biệt… người dạy hoàn toàn có thể biểu lộ tình cảm thái độ bằng việc tự xưng và hô người đối thoại với mình bằng xưng hô. Tuy nhiên, trường học là nơi “đông người”, nên việc biểu lộ một “kiểu” tình cảm nào đó nhất thiết luôn được kiểm soát bởi một thứ tình cảm rộng lớn hơn, đó là công dân.

2.2.6. Phép lịch sự trong giao tiếp

Như chúng tôi đã nói, trong hội thoại, lịch sự là một nguyên tắc đặc biệt quan trọng. Để cuộc hội thoại có thể diễn ra như mong muốn của những người tham gia – các nhân vật giao tiếp, bước đầu tiên người nói và cả người nghe phải xác lập trên cơ sở của yếu tố lịch sự là xưng hô – lựa chọn cách xưng hô chuẩn mực trong khuôn khổ của cuộc giao tiếp.

Đối với giao tiếp sư phạm - một lĩnh vực giao tiếp mà tính qui thức câu thúc mạnh mẽ cả người nói và người nghe – tức cả đối với người dạy và người học, thì lịch sự không những là điều tối quan trọng đối với thầy/cô, mà đối với học trò thì điều này cũng vô cùng thiết yếu.

Vì vậy, việc lựa chọn cách xưng hô phù hợp và lịch sự là mong muốn của cả người nói và người nghe. Lịch sự và chuẩn mực luôn gắn với các yếu tố khác chi phối việc xưng hô như: vai giao tiếp, quan hệ liên nhân, thoại trường, ngữ vực và tình cảm của các vai giao tiếp. Và đặc biệt lịch sự còn gắn với văn hóa Việt. Văn hóa của người Việt là văn hóa trọng tình. Trọng người lớn tuổi. Trong giao tiếp phi qui thức, giao tiếp đời thường, thì xưng hô quan trọng nhất là dựa vào tuổi tác. Điều này trong giao tiếp sư phạm –giao tiếp qui thức tuổi tác chỉ là một trong các yếu tố chi phối xưng hô, nhưng rõ ràng là không thể không tính đến. Rất nhiều trường họp, người học lớn tuổi hơn người dạy, nhưng văn hóa “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” vẫn tuyệt đối được xem trọng.

3. Kết luận

Trong quá trình dạy học, người dạy có thể thay đổi các mô hình hô - gọi, để tạo sự linh hoạt... song phải đảm bảo các yếu tố chi phối đến việc lựa chọn sử dụng từ xưng hô. Và yếu tố vai vẫn là yếu tố chi phối quan trọng nhất. Rõ ràng, nếu hệ thống xưng hô chỉ chiếu vật vai giao tiếp thì rất tiện dụng. Nhưng trong giao tiếp, không chỉ có vai, còn có nhiều nhân tố khác: có quan hệ liên nhân, có ngữ cảnh, ngữ vực, có tính lịch sự... “Những nhân tố này đòi hỏi phải được biểu hiện trong nói năng, trước hết là trong xưng hô. Như vậy, ngoài cái cốt lõi vai, các từ xưng hô còn đồng thời thể hiện vị thế xã hội, thể hiện các mức thân cận khác nhau, bảo đảm sự lịch sự của người nói đối với những người cùng giao tiếp và phải phù hợp với ngữ vực của cuộc giao tiếp”[4] nữa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. A.A. Leonchiev, 1979, Giao tiếp sư phạm, NXB Giáo dục.
  2. Hoàng Anh - Ngô Công Hoàn, 2002, Giao tiếp sư phạm, NXB Giáo dục.
  3. Diệp Quang Ban, (2005), Ngữ pháp tiếng Việt, NXB Giáo dục.
  4. Đỗ Hữu Châu (chủ biên), Bùi Minh Toán (1993), Đại cương ngôn ngữ học, tập hai, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  5. Vũ Thị Sao Chi, Cách xưng hô bằng biểu thức miêu tả trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 8-9, 2015.
  6. Vũ Lệ Hoa, 2010, Khéo léo trong giao tiếp, ứng xử sư phạm, Tạp chí Giáo dục, Số 236.
  7. Lã Thị Thanh Mai, Đặc điểm xưng hô của người Hàn và người Việt, Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học, Học viện KHXH, 2014.
  8. Phạm Minh Thảo, 2003, Nghệ thuật ứng xử của người Việt, NXB Văn hoá thông tin.
  9. Hoàng Phê (chủ biên), 2011, Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
  10. Mai Thị Hảo Yến (2015), Xưng hô của cư dân vùng ven biển Quảng Xương -Thanh Hóa, Tạp chí Ngôn ngữ, số 12.
  11. Bùi Minh Yến (2001), Từ xưng hô trong gia đình đến ngoài xã hội, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội.

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
27867
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26806
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
23831
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18746
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18501
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
11932
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
11893
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9059
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Ngôn ngữ - Văn hóa
5497
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5462
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5402
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Việt Phổ thông
5398
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Tiếng Anh
4051
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3263
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
2999
Từ trái nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:39:45
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo