Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích cực

Giáo dục và PPDH
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 655 31/12/2022 13:28:26

DẠY HỌC BIỆN PHÁP TU TỪ CHO HỌC SINH TIỂU HỌC THEO HƯỚNG TÍCH CỰC

Teaching Rhetorical Measures for Elementary Pupils in Positive Direction

Bài đăng trong Kỉ yếu Hội thảo "Giáo dục và Quản lí giáo dục trong thời đại 4.0", NXB Thông tin Truyền thông, 2022, trang 197 - 209

Trần Thị Lam Thủy - Đại học Sài Gòn

ttlthuy@sgu.edu.vn

TÓM TẮT

Trong bài viết này, chúng tôi đã lần lượt trình bày một số biện pháp và cách thức rèn luyện kĩ năng dạy học các biện pháp tu từ cho học sinh Tiểu học. Những biện pháp này được xây dựng trên tinh thần đổi mới phương pháp dạy học hiện nay, hướng người học tới khả năng chủ động, tích cực, sáng tạo trong quá trình học tập và lĩnh hội kiến thức, rèn luyện kĩ năng.

Từ khóa: dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học, lĩnh hội kiến thức, rèn luyện kĩ năng, tích cực sáng tạo

ABSTRACT

In this writing, a number of measures and methods to practice teaching skills of figurative language for elementary pupils were presented in succession. These were built basing on changing current teaching methods, directing learners to their ability of being proactive, active and creative in learning process in knowledge digesting and skill training.

Keywords: teaching figurative language for elementary pupils, knowledge digesting, skill training, active creativity

  1. Đặt vấn đề

Tính tích cực là một đặc điểm vốn có của con người. Con người không chỉ là khách thể mà còn là chủ thể của các quan hệ xã hội, thể hiện ở chỗ tích cực tiếp thu có chọn lọc tất cả những tác động bên ngoài để sáng tạo và xây dựng nhân cách riêng của mình. Nguồn gốc của tính tích cực là nhu cầu. Con người sinh ra cùng với một loạt nhu cầu bẩm sinh khác nhau, thí dụ nhu cầu ăn, uống... và sau đó xuất hiện nhu cầu xã hội như tương tác, giao tiếp, v.v. Những nhu cầu này không bao giờ cạn và luôn trở thành động cơ thúc đẩy con người hoạt động. Khi nhu cầu nhận thức xuất hiện thì nó sẽ thúc đẩy hoạt động học tập.

Muốn xây dựng động lực của quá trình dạy học có hai điều quan trọng cần phải lưu ý:

Thứ nhất, phải biến yêu cầu của chương trình dạy học thành nhu cầu nhận thức của người học bằng cách tạo dựng các tình huống nhận thức, đưa học sinh (HS) tới đỉnh điểm của những mâu thuẫn chứa đựng những khó khăn vừa sức đối với HS.

Thứ hai, phải giáo dục tính tích cực, tự giác học tập và tạo điều kiện cho những cố gắng vươn tới của HS bằng khả năng của mình.

Trong quá trình lĩnh hội kiến thức, rèn luyện kĩ năng ở HS, tính tích cực được thể hiện từ cấp độ thấp nhất đến cấp độ cao nhất như sau (1):

          [1]. Bắt chước --> [2]. Tìm hiểu và khám phá --> [3]. Sáng tạo

                  Sơ đồ 1. Các cấp độ phổ biến của tính tích cực

Trong quá trình dạy học, giáo viên (GV) là chủ thể tổ chức, điều khiển và HS là chủ thể hoạt động học tích cực chủ động và sáng tạo. GV phải cải tiến không ngừng phương pháp dạy học (PPDH) và giúp HS cải tiến phương pháp học. Một số phương pháp dạy học tích cực hiện nay thường được áp dụng trong dạy học Luyện từ và câu ở tiểu học như:

- Phương pháp phân tích ngôn ngữ

- Phương pháp luyện tập theo mẫu

- Phương pháp thảo luận nhóm

- Phương pháp trò chơi

- Phương pháp thực hành giao tiếp

v.v.

Bằng việc áp dụng những phương pháp tích cực này, GV có thể giúp HS biết cách chủ động chiếm lĩnh tri thức. Những tri thức đã học sẽ tạo ra một trình độ ở người học, GV phải dựa vào trình độ này để hướng dẫn HS nâng cao lên một trình độ mới.

Bài viết này trình bày khả năng và cách thức vận dụng một số phương pháp dạy học tích cực trong rèn kĩ năng dạy học các biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học.

  1. Nội dung nghiên cứu

2.1. Vận dụng một số phương pháp dạy học tích cực trong rèn kĩ năng dạy học biện pháp tu từ

2.1.1. Phương pháp luyện tập theo mẫu

Phương pháp luyện tập theo mẫu là phương pháp dạy học (PPDH) mà GV đưa ra các mẫu cụ thể về lời nói hoặc mô hình lời nói (cũng có thể cùng HS xây dựng mẫu lời nói), để thông qua đó, hướng dẫn HS tìm hiểu đặc điểm của mẫu, cơ chế tạo mẫu. Từ mẫu đó, HS biết cách tạo ra các đơn vị lời nói theo định hướng của mẫu. Mẫu ở đây được coi là một phương tiện để "thị phạm hoá", giúp HS tiếp nhận những lí thuyết ngôn ngữ không phải chỉ bằng cách nghe qua lời giảng của GV mà còn được tận mắt chứng kiến, tận mắt được "nhìn" một cách tường minh mẫu mà mình cần làm theo.

Để áp dụng phương pháp luyện tập theo mẫu, giáo viên có thể tiến hành các bước:

Bước 1: Cung cấp mẫu lời nói hoặc hành động lời nói;

Bước 2: Hướng dẫn HS phân tích mẫu theo một số yêu cầu;

Bước 3: HS mô phỏng mẫu để tạo ra lời nói của mình;

Bước 4: Kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm.

Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu phương pháp luyện tập theo mẫu với một bài tập cụ thể. Ví dụ: Tiết Luyện từ và câu tuần 21 (Tiếng Việt 3, tập 2) về biện pháp tu từ (BPTT) nhân hóa.

  1. Đọc bài thơ sau:

Chị mây vừa kéo đến

Trăng sao trốn cả rồi

Đất nóng lòng chờ đợi

Xuống đi nào, mưa ơi!

Mưa! Mưa xuống thật rồi!

Đất hả hê uống nước

Ông sấm vỗ tay cười

Làm bé bừng tỉnh giấc.

Chớp bỗng lòe chói mắt

Soi sáng khắp ruộng vườn

Ơ! Ông trời bật lửa

Xem lúa vừa trổ bông.

  1. Trong bài thơ trên, những sự vật nào được nhân hóa? Chúng được nhân hóa bằng những cách nào?

Gợi ý:

  1. a) Các sự vật được gọi là gì?
  2. b) Các sự vật được tả bằng những từ ngữ nào?
  3. c) Trong câu Xuống đi nào, mưa ơi! tác giả nói với Mưa thân mật như thế nào?

Để giúp HS làm những bài tập này, GV có thể làm mẫu hoặc hướng dẫn HS làm mẫu một phần. Sau khi làm mẫu, HS quan sát mẫu và suy ra cách làm các bài tập tương tự còn lại. Có thể áp dụng hình thức bảng, sơ đồ để giúp HS dễ quan sát.

Chẳng hạn, có thể tạo bảng như sau để HS điền vào chỗ trống với dòng đầu tiên là mẫu, các dòng còn lại: 1, 2, 3, 4, 5 yêu cầu HS thực hiện:

 

Các sự vật được nhân hoá

Các sự vật được gọi bằng

Những từ ngữ tả các sự vật

Mẫu

mặt trời

ông trời

bật lửa

1

 

chị

 

2

 

 

trốn

3

đất

 

 

4

sấm

 

vỗ tay cười

5

 

 

xuống

Hoặc bằng hình thức nối ghép (GV chỉ cần làm mẫu hoặc gọi 1 HS lên bảng hướng dẫn làm mẫu một trường hợp đầu tiên, sau đó cả lớp tiếp tục thực hiện phần còn lại của bài tập).

Ví dụ: Nối các ô ở bên trái với các ô ở bên phải và ô ở giữa cho phù hợp.

Từ chỉ người dùng chỉ sự vật

Các sự vật được nhân hoá

Những từ ngữ miêu tả sự vật

ông

mây

đi trốn

trăng sao

nóng lòng chờ đợi, hả hê uống nước

sấm

bật lửa

chị

mặt trời

xuống

mưa

kéo đến

đất

vỗ tay cười

Hoặc với bài tập vận dụng BPTT so sánh, chúng ta có thể tiến hành như sau.

Ví dụ: Em hãy đặt 3 câu trong đó có sử dụng biện pháp tu từ so sánh với các từ sau:

  1. Con đường

- ……………………………………………………………………………

- ……………………………………………………………………………

- ……………………………………………………………………………

M: Con đường uốn cong như một dải lụa.

Cách tiến hành:

Bước 1: GV treo bảng phụ có ghi bài tập và hình ảnh so sánh mẫu lên bảng.

Bước 2: GV hướng dẫn HS phân tích mẫu.

- Ở câu trên, sự vật nào được so sánh với sự vật nào?

- Con đường và dải lụa có đặc điểm gì giống nhau?

- Ở câu trên, từ nào là từ dùng để so sánh?

- Con đường còn có thể so sánh với những sự vật nào?

- Dựa vào mẫu trên, em hãy đặt thêm một câu với từ con đường, trong đó có sử dụng phép so sánh.

Bước 3: HS tập đặt câu.

Có thể nói, dạy học BPTT theo phương pháp thực hành, luyện tập theo mẫu rất phù hợp với đối tượng HS tiểu học. Điều quan trọng là GV cần tạo ra một khoảng cách cần thiết giữa mẫu với phần thực hành theo mẫu để các em có thể phát huy tính tích cực của mình trong học tập.

2.1.2. Phương pháp phân tích ngôn ngữ

Đây là PPDH dưới sự tổ chức và hướng dẫn của GV, HS tiến hành tìm hiểu các hiện tượng ngôn ngữ, quan sát và phân tích các hiện tượng đó theo định hướng của bài học, cũng tức là theo định hướng của nội dung khoa học bộ môn. Trên cơ sở đó rút ra những nội dung lí thuyết hoặc thực hành cần ghi nhớ.

Sự thể hiện của phương pháp phân tích ngôn ngữ nằm ở chính bản thân quá trình phân tích. Quá trình này được hiểu là sự phân chia đối tượng ra thành những bộ phận, những khía cạnh, những mặt khác nhau... để lần lượt tìm hiểu một cách kĩ càng hơn, sâu sắc hơn, nhằm mục đích nhận thức về đối tượng một cách đầy đủ, chính xác.

Yêu cầu phân tích ngôn ngữ đối với HS tiểu học chỉ ở mức độ đơn giản, với sự giúp đỡ, gợi ý, hướng dẫn tỉ mỉ của GV. Bởi vậy, phương pháp phân tích ngôn ngữ được vận dụng để dạy học BPTT là cần thiết và phù hợp với HS và mức độ kiến thức về BPTT được học trong Chương trình.

Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu phương pháp phân tích ngôn ngữ đối với dạng bài tập nhận diện BPTT cụ thể. Ví dụ: Tiết Luyện từ và câu tuần 1 (Tiếng Việt 3, tập 1)

Bài tập 2: Tìm những sự vật được so sánh với nhau trong các câu thơ, câu văn dưới đây:

  1. Hai bàn tay em

Như hoa đầu cành

  1. Mặt biển sáng trong như tấm thảm khổng lồ bằng ngọc thạch.
  2. Cánh diều như dấu “á”

Ai vừa tung lên trời.

  1. Ơ cái dấu hỏi

Trông ngộ ngộ ghê,

Như vành tai nhỏ

Hỏi rồi lắng nghe.

            (TV3, T1, tr.8)

Với bài tập này, chúng ta có thể triển khai các bước như sau:

Bước 1: GV nêu nhiệm vụ và phổ biến hình thức hoạt động.

Thao tác 1: 1 đến 2 HS đọc to ngữ liệu trong SGK, cả lớp theo dõi, đọc thầm.

Thao tác 2: GV nêu nhiệm vụ: Các em hãy đọc kĩ các câu văn, câu thơ rồi tìm ra những sự vật được so sánh với nhau trong các câu văn, câu thơ đó.

Thao tác 3: Phổ biến hình thức hoạt động (làm việc theo nhóm hoặc cá nhân).

Thao tác 4: Phát phiếu giao việc cho HS.

Bước 2: HS tiến hành phân tích ngữ liệu và điền kết quả vào phiếu.

Bước 3: Tổ chức cho HS báo cáo kết quả.

Thao tác 1: GV treo bảng phụ (hoặc chiếu hình với bảng điện tử) có ghi các ví dụ làm ngữ liệu trong SGK.

Thao tác 2: HS báo cáo kết quả. GV đánh dấu (gạch chân) những sự vật được so sánh với nhau.

Thao tác 3: HS cả lớp theo dõi kết quả phân tích của bạn, nêu nhận xét hoặc bổ sung (nếu có).

Bước 4: GV tổ chức cho HS rút ra bài học thông qua các câu hỏi dẫn dắt, gợi ý.

Mục đích chính của việc phân tích ngữ liệu ở đây là để các em tự tiến hành phân tích - phát hiện là chủ yếu. Hướng tập trung vào cấu trúc cơ bản của phép so sánh và nhận diện được các yếu tố cơ bản trong cấu tạo của phép so sánh là cái so sánh, cái được so sánh.

Lưu ý: Với những bài tập phức tạp hơn hoặc đối tượng HS chậm hơn, GV có thể vừa cho HS quan sát bằng mắt để phân tích, tìm ra các sự vật được so sánh, vừa kết hợp với việc cho các em đọc và phân tích ngữ liệu bằng việc tìm từ trả lời cho câu hỏi như Ai? / Cái gì? / Con gì? / Sự vật gì? v.v.

Ví dụ, đọc ngữ liệu a) ở trên và yêu câu:

(1). Hãy tìm cho cô những từ trả lời cho câu hỏi Cái gì trong hai câu thơ đó. Kiến thức về câu hỏi Ai? / Cái gì? / Con gì? / Sự vật gì? HS đã được học và luyện kĩ ở lớp 2, vì vậy các em sẽ dễ dàng tìm ra được hai cụm từ là: hai bàn tay em và hoa đầu cành.

(2). Từ nối giữa 2 cụm từ các em vừa tìm được là từ gì? Ý nghĩa của từ đó là gì? HS có thể dễ dàng xác định từ “như”, có ý nghĩa chỉ sự giống nhau.

Từ 2 câu hỏi này, GV dễ dàng giúp HS xác lập được mô hình “A như B” để hiểu và nắm vững cấu trúc so sánh.

Cần lưu ý thêm, khi sử dụng phương pháp phân tích ngôn ngữ, để tích cực hóa hoạt động nhận thức của HS, GV nên phối hợp với các hình thức dạy học như làm việc nhóm, làm việc cá nhân có sự hỗ trợ của phiếu giao việc.

2.1.3. Phương pháp thực hành giao tiếp

Phương pháp thực hành giao tiếp là PPDH bằng cách sắp xếp tài liệu ngôn ngữ sao cho vừa đảm bảo tính chính xác, chặt chẽ trong hệ thống ngôn ngữ, vừa phản ánh được đặc điểm chức năng của chúng trong hoạt động giao tiếp. Phương pháp này không chỉ là phương pháp hướng dẫn HS vận dụng lí thuyết được học vào thực hiện các nhiệm vụ của quá trình giao tiếp, mà còn là phương pháp cung cấp lí thuyết cho HS trong chính quá trình giao tiếp.

Sử dụng phương pháp thực hành giao tiếp trong dạy học BPTT là cách đưa ra những bài tập tình huống để HS đặt mình vào hoàn cảnh nói năng cụ thể, sản sinh ra những câu có sử dụng BPTT phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp.

Để hướng dẫn HS làm bài tập này, GV có thể chuẩn bị tình huống, cho HS đóng vai. Ví dụ, vận dụng phương pháp thực hành giao tiếp trong việc củng cố tri thức và hình thành kĩ năng giao tiếp cho HS ở Tiết TLV tuần 8 – Kể về một người hàng xóm (Tiếng Việt 3).

Bước 1: GV chuẩn bị các tình huống.

Tình huống 1: Tình cờ một hôm em gặp bác hàng xóm mà nay đã chuyển nhà đi nơi khác. Bằng một câu có sử dụng biện pháp so sánh, hãy tả lại bác hàng xóm cho mẹ nghe.

Tình huống 2: Em và bác hàng xóm đang đi trên đường bỗng nhìn thấy phía trước có một tên cướp giật đồ của một cô gái rồi bỏ chạy. Bác hàng xóm đã đuổi kịp tên cướp và lấy lại đồ cho cô gái. Bằng phép so sánh, hãy tả lại hành động chạy của bác hàng xóm lúc đó.

Bước 2: GV nêu lần lượt các tình huống. Sau đó chỉ định hoặc lấy tinh thần xung phong của HS giải quyết các tình huống đặt ra. Mỗi tình huống có hai bạn, mỗi bạn sẽ sắm vai một nhân vật trong từng tình huống đó. Các HS khác sẽ bổ sung, góp ý hoặc nêu ra hình ảnh so sánh khác.

Ví dụ:

Tình huống 1:

Con: Mẹ ơi, con vừa gặp bác Nam ngoài phố.

Mẹ: Ừ, bác ấy có khỏe không con?

Con: Không mẹ ạ. Trông bác ấy gầy như que củi.

GV định hướng cho các HS khác nhận xét: Em có nhận xét gì về hình ảnh so sánh mà bạn đã sử dụng? Nếu là em, em sẽ nói thế nào?

Tình huống 2:

Trung: Bắc này, bạn biết không, bác hàng xóm nhà tớ rất dũng cảm.

Bắc: Có chuyện gì sao?

Trung: Hôm vừa rồi tớ chứng kiến bác ấy đuổi theo một tên cướp để lấy lại đồ cho một cô gái đấy.

Bắc: Bác ấy chạy nhanh thế cơ à?

Trung: Ừ! Chạy như ma đuổi ấy.

Đối với tình huống này, GV lưu ý cho các em nhận xét về cách so sánh của Trung:

- Em có nhận xét gì về cách so sánh của bạn Trung?

- “Chạy như ma đuổi” là hình ảnh so sánh thường chỉ để miêu tả người chạy nhanh trong tình huống nào?

- Em sẽ thay hình ảnh đó bằng hình ảnh so sánh nào?

(Gợi ý: chạy như tên bắn, chạy nhanh như cắt) [1, tr. 46].

Khi vận dụng phương pháp thực hành giao tiếp vào dạy học BPTT, GV cần cho HS biết, nói năng là hành động do nhu cầu nhất định của sự giao tiếp thúc ép. Trong thực tế của hoạt động ngôn ngữ, không có những câu đối lập với tình huống và ngữ cảnh. Chính vì vậy, để nói được những câu có hình ảnh, phù hợp với mục đích giao tiếp, cần đặt nó vào trong ngữ cảnh. Đồng thời người nói cũng cần có kĩ năng để xác định, hoàn cảnh nào thì phải nói như thế nào. Như vậy, dạy học cho HS bằng phương pháp thực hành giao tiếp, chúng ta đã tận dụng vốn hiểu biết về ngôn ngữ nói của HS vào dạy học để trẻ cảm thấy nhẹ nhàng hơn trong việc tiếp nhận kiến thức và rèn luyện các kĩ năng học tập mới.

2.1.4. Phương pháp tổ chức trò chơi

Phương pháp tổ chức trò chơi là hình thức tổ chức cho HS học mà vui – vui mà học – nhằm phát triển trí thông minh, khả năng sáng tạo để đáp ứng yêu cầu giao tiếp hàng ngày và phục vụ cho việc học tập đạt kết quả tốt. Đây là một trong những biện pháp tích cực giúp HS ghi nhớ và vận dụng kiến thức học tập rất hiệu quả.

Ứng dụng phương pháp tổ chức trò chơi trong dạy học BPTT có nhiều ưu điểm:

- Tạo tâm lí thoải mái, thư giãn cho các em trong quá trình học tập.

- Rèn luyện khả năng ghi nhớ và phản xạ nhanh trong mọi tình huống.

- Kết hợp ôn luyện những kiến thức trong chương trình học.

- Tích hợp những kiến thức liên quan trong chương trình học của các phân môn khác và kiến thức cuộc sống.

- Tạo được sự thân thiện, tình cảm giữa những người cùng chơi, giữa GV và HS, giúp các em tự tin hơn để tích cực, sáng tạo trong quá trình học tập.

Bởi vậy, chỉ bằng việc chơi, song GV có thể rèn luyện cho HS khả năng biết tổng hợp kiến thức vào giải quyết một nhiệm vụ cụ thể.

Một số yêu cầu khi xây dựng trò chơi vào dạy học BPTT:

- Về mục đích: Trò chơi phải hướng tới nhiệm vụ chính: củng cố kiến thức và rèn luyện kĩ năng vận dụng BPTT trong giao tiếp.

- Về nội dung: Trò chơi phải đặt trọng tâm là BPTT. Thực chất đây là những bài tập vui, nhẹ nhàng về BPTT.

- Về hình thức tổ chức: Tổ chức theo hình thức nhóm hoặc cả lớp vào đầu hoặc cuối giờ nhằm mục đích làm quen hoặc củng cố kiến thức.

- Về cách chơi: Cách chơi đơn giản, dễ nhớ, dễ thực hiện. Nên có quy định thưởng và phạt để kích thích.

Ví dụ 1: Trò chơi “Thử tài so sánh”

Trò chơi này được tiến hành sau khi học xong bài Luyện từ và câu tuần 15, (TV3, T.1, tr.124)

  1. MỤC ĐÍCH

- Rèn kĩ năng sử dụng từ ngữ bằng cách tạo nhanh các cụm từ có hình ảnh so sánh đúng.

- Luyện phản ứng nhanh, trau dồi trí tưởng tượng và khả năng liên tưởng.

  1. CHUẨN BỊ

- Làm các bộ phiếu bằng giấy (kích thước khoảng 3x4 cm) ghi từ chỉ hoạt động, trạng thái, màu sắc, đặc điểm, tính chất, mỗi bộ phiếu có thể gồm 5 từ chỉ hoạt động, trạng thái hoặc 5 từ chỉ màu sắc, đặc điểm, tính chất.

Ví dụ:

+ Bộ phiếu A: (5 phiếu từ chỉ hoạt động, trạng thái): đọc, viết, cười, nói, khóc.

+ Bộ phiếu B: (5 phiếu từ chỉ màu sắc): trắng, xanh, đỏ, vàng, đen.

+ Bộ phiếu C: (5 phiếu từ chỉ đặc điểm, tính chất): đẹp, cao, khỏe, nhanh, chậm.

Chú ý: phiếu từ được gấp 4 để làm phiếu “bắt thăm”.

- Cử trọng tài theo dõi cuộc thi, có giấy bút để ghi lại kết quả.

III. CÁCH TIẾN HÀNH

- Trọng tài để một bộ phiếu trên bàn (ví dụ bộ phiếu A); cho từng HS lần lượt xung phong lên “thử tài so sánh” (một bộ phiếu chỉ nên dành cho 2 - 3 HS thử tài).

- Người thứ nhất (HS1) lên “bắt thăm”, mở phiếu đọc từ cho các bạn nghe rồi nêu thật nhanh cụm từ có hình ảnh so sánh để làm rõ nghĩa từ đó.

- Ví dụ: bắt thăm được từ “trắng” có thể nêu cụm từ so sánh: trắng như tuyết hoặc trắng như trứng gà bóc…

Trọng tài cùng các bạn chứng kiến và xác nhận kết quả Đúng – Sai:

- Trường hợp Đúng: được 2 điểm (Đúng cả 5 phiếu được 10 điểm)

- Trường hợp Sai hoặc đếm từ 1 đến 5 vẫn không nêu được cụm từ so sánh: không được điểm.

HS1 thử tài hết 5 phiếu thì về chỗ, trọng tài công bố điểm của HS1. Sau đó gấp lại các phiếu để HS thứ 2 (HS2) lên “bắt thăm”, mở phiếu đọc từ và cụm từ có hình ảnh so sánh của mình. Không được nhắc lại cụm từ so sánh mà (HS1) đã nêu.

- Dựa vào điểm số của những người “thử tài so sánh” theo bộ phiếu đưa ra, trọng tài cùng các bạn biểu dương người thắng cuộc (có số điểm cao nhất).

- Tùy thời gian cho phép, trọng tài tiếp tục điều khiển cuộc “thử tài” với các bộ phiếu tiếp theo. Cuối cùng dựa vào điểm số của những người tham gia, trọng tài có thể xếp giải nhất, nhì, ba… cho toàn cuộc chơi.

Ví dụ 2: Trò chơi “Tìm vật được biến hóa”

Mục đích:

- Rèn kĩ năng nhận biết BPTT nhân hóa.

- Luyện phản ứng nhanh

- Luyện kĩ năng làm việc nhóm.

Bước 1: Chuẩn bị

- GV chuẩn bị sẵn 3 nhóm ngữ liệu để treo/chiếu trước lớp.

  1. Những chị lúa phất phơ bím tóc

Những cậu tre bá vai nhau thì thầm đứng học

Đàn cò áo trắng

Khiêng nắng

Qua sông

Cô gió chăn mây trên đồng

Bác mặt trời đạp xe qua ngọn núi.

                        (TV3, T2, tr. 61)

  1. Chim gõ kiến nổi mõ

Gà rừng gọi vòng quanh

Sáng rồi, đừng ngủ nữa

Nào, đi hội rừng xanh!

Tre, trúc thổi nhạc sáo

Khe suối gảy nhạc đàn

Cây rủ nhau thay áo

Khoác bao màu tươi non.

Công dẫn đầu đội múa

Khướu lĩnh xướng dàn ca

Kì nhông diễn ảo thuật

Thay đổi hoài màu da.

Nấm mang ô đi hội

Tới suối nhìn mê say:

Ơ kìa, anh cọn nước

Đang chơi trò đu quay.

                        (Ngày hội rừng xanh, TV3, T2, tr. 62)

  1. Gió thì thầm với lá

Lá thì thầm cùng cây

Và hoa và ong bướm

Thì thầm điều chi đây.

Trời mênh mông đến vậy

Đang thầm thì với sao

Sao trời tưởng im lặng

Lại thì thầm cùng nhau.

                                    (Thì thầm, TV3, T2, tr. 133)

Lưu ý: GV có thể thay ngữ liệu cho phù hợp với đối tượng HS của mình.

- Cử trọng tài hoặc GV làm trọng tài phổ biến các quy định của trò chơi.

- Chia lớp thành 3 nhóm (tùy thuộc vào ngữ liệu, số nhóm tương ứng với số ngữ liệu mà GV đã chuẩn bị). Các nhóm sẽ tiến hành bắt thăm nhóm ngữ liệu của mình.

- Phát phiếu trả lời cho các nhóm.

- Yêu cầu: tìm những vật được biến hóa như người trong các đoạn thơ, bài thơ trên trong vòng 3 đến 5 phút.

- GV có thể làm mẫu (chơi nháp) một ngữ liệu ngắn trước. Ví dụ:

Mặt trời lật đật

Chui vào trong mây

Vật được biến hóa: Mặt trời (chui lật đật).

Bước 2: Tiến hành chơi

- Chiếu / treo bảng các nhóm ngữ liệu

- GV tính thời gian

- Các nhóm phân công đọc và viết ra phiếu

- Hết thời gian, các nhóm báo cáo kết quả theo phiếu đã có. Đội nào ghi được 5 sự vật được biến hóa trở lên trong thời gian quy định là thắng cuộc. Đội nào chậm so với thời gian (chưa hoàn thành phiếu khi GV rung chuông báo hết giờ) bị coi là phạm quy, không được tính kết quả.

Bước 3: Nhận xét, tuyên dương / khen thưởng đội có kết quả nhanh nhất, chính xác nhất.

Tham khảo bảng kết quả:

Ngữ liệu 1

Ngữ liệu 2

Ngữ liệu 3

các chị lúa (phất phơ bím tóc)

gõ kiến (nổi mõ)

gió (nói thì thầm)

các cậu tre (bá vai nhau, học)

gà rừng (gọi)

lá (nói thì thầm)

đàn cò trắng (khiêng nắng)

tre, trúc (thổi sáo)

hoa, bướm (nói thì thầm)

cô gió (chăn mây)

khe suối (gảy đàn)

trời (nói thì thầm)

bác mặt trời (đạp xe)

cây (thay áo)

sao (nói thì thầm)

2.1.5. Phương pháp thảo luận nhóm

Phương pháp thảo luận nhóm là cách đặt HS vào tình huống giao tiếp và buộc các em phải cùng cộng tác để thực hiện nhiệm vụ học tập. Đây là phương pháp được vận dụng để hỗ trợ cho các phương pháp khác trong quá trình dạy học. Chẳng hạn, vận dụng phối hợp trong phương pháp phân tích ngôn ngữ, phương pháp thực hành giao tiếp (như chúng tôi đã trình bày ở trên). Với phương pháp thảo luận nhóm, GV cần lưu ý một số điểm sau:

  1. a) Mục đích

- Tạo ra sự tranh đua.

- Tạo ra nhiều cách nghĩ, nhiều phương án hành động.

- HS có thể hỗ trợ nhau, đóng góp những ý kiến riêng vào ý kiến chung, phát huy khả năng độc lập và sáng tạo trong hoạt động cùng nhau.

- Cách thức này giúp HS chuyển từ thói quen chỉ nghe, ghi nhớ sang hình thức hoạt động, cùng nhau tìm kiếm, hình thành kiến thức bằng trí tuệ chung.

- HS sẽ có kĩ năng phối hợp làm việc trong nhóm và khẳng định được mình thông qua tập thể.

  1. b) Kĩ thuật triển khai

- Giao nhiệm vụ cho các nhóm và ấn định thời gian hoạt động.

- Phân chia lớp thành số nhóm theo mục đích của GV.

- Xác định vị trí hoạt động của các nhóm.

- Các nhóm về vị trí của mình và tiến hành hoạt động, thực hiện nhiệm vụ đã giao và bầu ra một đại diện để trình bày và một thư kí ghi biên bản.

- GV giám sát hoạt động của các nhóm và hỗ trợ khi cần thiết.

- Kết quả thảo luận nhóm được ghi chép lại.

- Đại diện của mỗi nhóm trình bày kết quả thảo luận.

- GV tổng kết, nhận xét.

  1. c) Một số lưu ý

- Vấn đề thảo luận phải là những vấn đề gây tranh cãi, bàn bạc và không quá vụn vặt. Mỗi vấn đề cần thảo luận ít nhất trong khoảng 5-10 phút mới nên sử dụng phương pháp này.

- Số lượng người trong nhóm nhiều hay ít tùy theo mức độ của vấn đề cần thảo luận, có thể là nhóm 2, nhóm 4 (tốt nhất là từ 4 đến 6 người). Chuẩn bị trước các phương tiện liên quan như giấy, bút, bảng.

2.2. Biện pháp và quy trình rèn luyện kĩ năng dạy học các phương tiện và biện pháp tu từ cho học sinh Tiểu học

Trong chương trình Tiếng Việt ở tiểu học, các BPTT được triển khai dạy học qua hệ thống bài tập. Với cả hai dạng bài (bài tập nhận diện và bài tập vận dụng) đều có thể áp dụng quy trình dạy học như sau:

(1). GV giúp HS nắm vững yêu cầu của bài tập (bằng câu hỏi, giải thích);

(2). GV giúp HS chữa một phần của bài tập để làm mẫu;

(3). GV tổ chức cho HS làm bài;

(4). GV tổ chức cho HS trao đổi, nhận xét về kết quả, rút ra những điểm ghi nhớ.

Tuy nhiên, với mỗi dạng bài tập sẽ vận dụng một vài phương pháp riêng. Vì vậy, chúng tôi sẽ trình bày một vài định hướng về quy trình vận dụng các phương pháp vào quá trình dạy học với từng dạng bài cụ thể.

2.2.1. Dạng bài tập phát hiện các biện pháp tu từ

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
27947
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26878
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
23852
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18776
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18526
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
12076
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
11946
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9081
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Tiếng Việt Phổ thông
5603
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Ngôn ngữ - Văn hóa
5519
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5497
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5426
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Anh
4078
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3281
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
3039
Từ trái nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:39:45
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo