Một số vấn đề về dạy học theo tiếp cận năng lực thực hiện ở bậc đại học nhìn từ góc độ quản lý

Giáo dục và PPDH
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 674 31/12/2022 18:14:07

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ DẠY HỌC THEO TIẾP CẬN NĂNG LỰC THỰC HIỆN Ở BẬC ĐẠI HỌC NHÌN TỪ GÓC ĐỘ QUẢN LÝ

Some issues of teaching by accessing capacity at university viewing from management performance

                                    Bài đăng trong Kỉ yếu Hội thảo "Giáo dục và Quản lí giáo dục trong thời đại 4.0", NXB Thông tin Truyền thông, 2022, trang 214 - 221          

Cao Thị Thanh Xuân - Trường Đại học Sài Gòn

Email: cttxuan@sgu.edu.vn

TÓM TẮT

Nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cho sinh viên trong các trường đại học, việc tìm kiếm các cách tiếp cận dạy học mới là hết sức cần thiết. Bài báo đề cập đến vấn đề bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên theo tiếp cận năng lực thực hiện, trong bối cảnh chuyển đổi số hướng đến Cách mạng Công nghiệp 4.0 ở Việt Nam.

Từ khóa: Quản lý, Bồi dưỡng, nâng chuẩn chức danh nghề nghiệp

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Một trong những giải pháp có tính chiến lược để chấn hưng nền giáo dục nước nhà, thực hiện đổi mới giáo dục là chú trọng đổi mới công tác quản lý. Trong công tác giáo dục - đào tạo, hoạt động giảng dạy của giáo viên và hoạt động học tập của học viên là hai hoạt động cơ bản của một nhà trường. Kết quả học tập của học viên phản ánh trực tiếp chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường. Chính vì thế, hoạt động học tập đã trở thành một nội dung cơ bản cần quan tâm, đầu tư, quản lý của các nhà quản lý giáo dục.

Thay vì chuyển tải nội dung, nhồi nhét kiến thức cho SV nhớ máy móc hoặc ghi chép chính xác để khi hành nghề mở ra như một bửu bối, ngày nay các trường ĐH cần đổi mới dạy học theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện của sinh viên khi hành nghề.

Hiện nay, “Đội ngũ nguồn nhân lực giáo dục còn bộc lộ nhiều bất cập về phẩm chất và năng lực, một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết với nghề, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp”. Như vậy, “Bồi dưỡng cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục – đào tạo” là giải pháp mang tính then chốt nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Các nhà giáo dục hiện đại đã đi sâu nghiên cứu khoa học giáo dục và tiếp tục khẳng định vai trò chủ động của hoạt động học trong quan hệ với hoạt động dạy, tìm kiếm những cách thức để nâng cao hiệu quả, chất lượng học ở người học dưới sự chỉ đạo của giáo viên trong quá trình dạy học.

Các nhà giáo dục Ấn Độ S.D.Sharma và Shakti R.Ahmed, trong tác phẩm “Phương pháp dạy học ở trường đại học” đã trình bày hoạt động tự học trên lớp như một hình thức dạy có hiệu quả. Tác giả M.U.Piskunov và X.G.Luconhin chỉ ra những phương pháp học cần thiết đảm bảo cho người học đạt kết quả cao. Trong đó, các tác giả rất coi trọng phương pháp đọc sách, coi đó là phương pháp quan trọng nhất của hoạt động tự học.

Trong các công trình nghiên cứu của mình, các tác giả ở Việt Nam đã đề cập đến nhiều lĩnh vực liên quan đến công tác tổ chức hoạt động dạy học, quản lý hoạt động dạy học nhằm không ngừng phát huy tính sáng tạo, chủ động của người học; nâng cao chất lượng hoạt động học tập của nhà trường.

Từ thời cổ đại, Khổng Tử với tư tưởng “Quản lý - Cai trị” và Đạo nhân của mình, ông đã đưa ra phương thuốc để trị loạn cho xã hội, bằng cách giáo hóa cho mọi người, cả người cai trị lẫn người bị cai trị, mong con người ngày càng nên hoàn thiện. Tiếp theo tư tưởng “Quản lý - Cai trị” của Khổng Tử là tư tưởng “Pháp trị” của Hàn Phi Tử…, tuy chưa đưa ra được học thuyết quản lý rõ ràng, song với các tư tưởng: “Quản lý - Cai trị”, “Pháp trị” đã đặt nền móng cho các học thuyết quản lý ra đời ở thời kỳ xã hội công nghiệp như các lý thuyết quản lý khoa học của Charles Babbage; Fededric W.Taylor; Henry Lawrence Gantt; Lillian Gilbreth… kế tiếp là các “Lý thuyết quản lý hành chính - Tổ chức” của Henry Fayol; Max Weber, v.v.

Các công trình nghiên cứu trong nước về lĩnh vực này đã đề cập nhiều đến việc quản lý hoạt động dạy học; biện pháp quản lý của Hiệu trưởng để nâng cao năng lực dạy học, v.v.

Để sản phẩm đầu ra là nhân cách của học viên ra trường đáp ứng được nhu cầu xã hội, công tác bồi dưỡng thường xuyên và theo chuyên đề nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên trong các nhà trường là hết sức cấp thiết. Bài báo này đề cập đến vấn đề bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên trong bối cảnh chuyển đổi số, hướng đến Cách mạng Công nghiệp 4.0.

2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

2.1. Một số khái niệm sử dụng trong bài báo

2.1.1. Quản lý là gì?

Theo tiếng Anh: Quản lý - Management có nghĩa là sự điều tiết. Theo Đại từ điển tiếng Việt, NXB Văn hóa – Thông tin, 1999, thì quản lý là: 1, “Tổ chức, điều khiển hoạt động của một số đơn vị, cơ quan”; 2, “ Trông coi, gìn giữ và theo dõi việc gì”.

Hướng tới Cách mạng Công nghiệp 4.0, quản lý được hiểu theo tiếp cận lý thuyết hệ thống và điều kiện học như sau:

Quản lý là quá trình hoạt động điều khiển có hướng đích của con người lên một hệ thống nhằm đạt được các mục tiêu đề ra của hệ thống đó. (Bùi Đức Tú, 2021)

Từ định nghĩa trên đây về quản lý, có thể rút ra một số nhận xét như sau:

Quản lý thể hiện mối quan hệ giữa hai bộ phận, đó là chủ thể quản lý (là cá nhân hoặc tổ chức làm nhiệm vụ quản lý điều khiển) và đối tượng quản lý (là một bộ phận chịu sự quản lý), đây là quan hệ ra lệnh phục tùng, không đồng cấp và có tính chất bắt buộc.

Quản lý là hoạt động trí tuệ mang tính sáng tạo bằng những quyết định đúng quy luật, trên cơ sở thông tin chính xác và có hiệu quả quản lý nhưng phải hướng đến mục tiêu quản lý với những nguyên tắc nhất định và trong một môi trường luôn biến động.

Quản lý có 4 chức năng cơ bản là: Kế hoạch hóa - Tổ chức – Lãnh đạo (chỉ đạo) và kiểm tra, trên cơ sở ra quyết định đúng đắn, điều chỉnh linh hoạt và nắm bắt, xử lý thông tin chính xác, kịp thời. Vì vậy, có thể hiểu một cách khái quát là “Kê -Tổ - Đạo - Kiểm / Quyết - Điều - Thông”. “Kế - Tổ - Đạo - Kiểm” được coi là tứ trụ chức năng quản lý. Cụ thể như sau:

Kế hoạch: Căn cứ thực trạng ban đầu của tổ chức và căn cứ vào mục tiêu cần phải hướng tới để cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ của tổ chức trong từng thời kỳ, từng giai đoạn. Từ đó, tìm ra con đường, biện pháp đưa đơn vị đạt được mục tiêu.

Tổ chức (tổ chức bộ máy và tổ chức hoạt động): Là quá trình thiết lập cấu trúc quan hệ giữa các thành viên, các bộ phận. Từ đó, chủ thể quản lý tác động đến đối tượng quản lý một cách có hiệu quả nhất bằng cách điều phối các nguồn lực của tổ chức như nhân lực, vật lực và tài lực.

Lãnh đạo (chỉ đạo): Là sự tác động của chủ thể quản lý nhằm điều hành tổ chức - nhân lực đã có của đơn vị vận hành theo đúng kế hoạch đã vạch ra. Lãnh đạo bao hàm cả liên kết, liên hệ, uốn nắn hoạt động của người khác, động viên, kích thích họ hoàn thành nhiệm vụ.

Kiểm tra: Là hoạt động của chủ thể quản lý tác động đến khách thể quản lý thông qua một cá nhân, nhóm hay tổ chức để xem xét thực tế, đánh giá, giám sát thành quả hoạt động, đồng thời uốn nắn, điều chỉnh các sai sót lệch lạc.

Nếu coi Kế - Tổ - Đạo – Kiểm như bốn phần việc (công tác) trong quá trình quản lý, thì mỗi hần việc đó cũng cấu thành bởi tứ trụ chức năng quản lý. Chẳng hạn, với công tác lập năm học, người hiệu trưởng phải có kế hoạch cụ thể cho việc lập kế hoạch năm học; phải phân công tổ chức nhân sự những ai tham gia công tác lập kế hoạch và tổ chức quá trình thực hiện việc lập kế hoạch; trong quá trình lập kế hoạch năm học ấy, hiệu trưởng phải điều chỉnh những sai lệch, những sự động viên khích lệ, hướng đẫn và kiểm tra, giám sát việc thực hiện của từng cá nhân, từng bộ phận đang thực hiện công tác lập kế hoạch năm học để phát hiện những sai lệch, những tình huống phát học của môi trường tự nhiên và xã hội. Có thể mô hình hóa điều này thành Sơ đồ 1 sau đây:

 

    Sơ đồ 1: Sơ đồ hóa về Tứ trụ chức năng quản lý

(Bùi Đức Tú, 2021)

2.1.2. Dạy học và quản lý hoạt động dạy học

Dạy học và giáo dục trong sự thống nhất là hoạt động trung tâm của nhà trường. Mọi hoạt động đa dạng và phức tạp của nhà trường đều hướng vào hoạt động trung tâm đó. Vì vậy, trọng tâm của việc quản lý trường học là quản lý hoạt động dạy học và giáo dục. Đó chính là quản lý hoạt động lao động sư phạm của người thầy và hoạt động học tập rèn luyện của học học mà nó được diễn ra chủ yếu trong hoạt động dạy học.

Quản lý hoạt động dạy học là quản lý một quá trình xã hội, một quá trình sư phạm đặc thù, nó tồn tại như là hệ thống, bao gồm nhiều thành tố cấu trúc như: mục đích và nhiệm vụ dạy học, phương pháp và phương tiện dạy học, thầy với hoạt động dạy, trò với hoạt động học tập, kết quả dạy học.

Quản lý hoạt động dạy học là phải tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau:

- Cụ thể hóa mục tiêu dạy học qua các nhiệm vụ dạy học nhằm nâng cao tri thức, kỹ năng, bồi dưỡng thái độ và hình thành, phát triển những năng lực, phẩm chất tốt đẹp cho người học.

- Quản lý việc xây dựng và thực hiện nội dung dạy học. Nội dung dạy học phải đảm bảo bao gồm hệ thống những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo mà người học cần phải nắm vững trong quá trình dạy học.

- Quản lý hoạt động giảng dạy của giảng viên (biên soạn giáo trình, giáo án, chuẩn bị đồ dùng dạy học, lên lớp, giúp đỡ kiểm tra học viên học tập).

- Quản lý hoạt động học tập của học viên (nề nếp, thái độ học tập, kết quả học tập).

- Quản lý cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động dạy học: đầu tư mua sắm, tập huấn việc sử dụng hiệu quả và bảo quản trang thiết bị đúng cách.

2.1.3. Đào tạo theo tiếp cận năng lực thực hiện ở cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh chuyển đổi số

Khái niệm phát triển năng lực ở đây cũng được hiểu đồng nghĩa với phát triển năng lực thực hành một công việc hay còn gọi là năng lực thực hiện (Competency).

Năng lực thực hiện bao gồm: Các kỹ năng thực hành tâm vận; các kỹ năng trí tuệ; Kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề; khả năng thích ứng để thay đổi; khả năng áp dụng kiến thức của mình vào công việc; khát vọng học tập và cải thiện; khả năng làm việc cùng với người khác trong tổ, nhóm... thể hiện ý thức, đạo đức lao động nghề nghiệp chuẩn mực.

Dạy học theo tiếp cận năng lực thực hiện (Competency-Based Training): Để người học có thể nhanh chóng hòa nhập thực tế sản xuất, có năng lực đáp ứng với các tiêu chuẩn, rút ngắn thời gian đào tạo, v.v.

Có thể thấy, nội dung đào tạo theo năng lực thực hiện không phải là hệ thống khái niệm, hệ thống kỹ năng, nhưng là hệ thống năng lực thực hiện nhiệm vụ sản xuất, dịch vụ. Địa điểm đào tạo theo năng lực thực hiện có thể là trong nhà trường hay tại nơi làm việc. Tiêu chuẩn đánh giá đào tạo theo năng lực thực hiện được xác định từ năng lực của người lao động lành nghề trong sản xuất kinh doanh, nên sau khi kết thúc đào tạo người học có thể đảm đương luôn vị trí lao động tương ứng.

2.2. Hoạt động dạy học theo tiếp cận năng lực thực hiện trong bối cảnh chuyển đổi số.

2.2.1. Xây dựng chương trình giảng dạy theo tiếp cận năng lực thực hiện

Xây dựng chương trình giảng dạy thực chất là xây dựng chương trình hoạt động của chuyên ngành theo năm học, học kỳ nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhất chất lượng giáo dục. Chương trình hoạt động này bao gồm các chi tiết: mục tiêu, nội dung hoạt động, thời gian, biện pháp thực hiện và phân công người chịu trách nhiệm về những hoạt động đó.

Lập chương trình kế hoạch hoạt động dựa vào mục tiêu của chương trình bồi dưỡng nâng hạng nghề nghiệp do Bộ Giáo dục - Đào tạo đề ra, dựa vào tiềm lực của nhà trường và các hoàn cảnh và điều kiện cụ thể hiện tại. Quản lý xây dựng chương trình thực chất là: Chỉ đạo đổi mới, cập nhật chương trình thường xuyên; Khuyến khích hợp tác trong phát triển chương trình; Định hướng chương trình lấy người học làm trung tâm; Chỉ đạo đa dạng các hình thức, phương pháp dạy học; Khảo sát nhu cầu và mức độ hài lòng của người học.

2.2.2. Hoạt động giảng dạy của giảng viên theo tiếp cận năng lực thực hiện

Giảng viên dạy nâng hạng trong nhà trường đại học là những người có trình độ chuyên môn tốt, có trình độ từ tiến sĩ chuyên ngành trở lên.

Trong các khoa, tổ chuyên môn của nhà trường đại học, việc quản lý hoạt động dạy của giảng viên được thực hiện qua hai nội dung chủ yếu là quản lý hoạt động dạy ở trên lớp (Quản lý việc thực hiện chương trình giảng dạy: nội dung, tiến trình giảng dạy; Quản lý giờ lên lớp và việc vận dụng phương pháp, sử dụng phương tiện dạy học) và việc thực hiện quản lý hồ sơ chuyên môn của giảng viên.

Với quản lý hoạt động giảng dạy theo tiếp cận năng lực thực hiện bao gồm một số nội dung cơ bản sau:

Hình thức dạy học trên lớp đối với các trường đại học hiện nay vẫn được coi là một trong các hình thức cơ bản và chủ yếu của quá trình dạy học. Chất lượng của hoạt động dạy học phụ thuộc rất lớn vào chất lượng các giờ lên lớp của cán bộ giảng dạy. Quản lý giờ lên lớp của các cán bộ giảng dạy cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:

Xây dựng và giám sát chặt chẽ việc thực hiện giờ lên lớp và đảm bảo tiến độ về nội dung, chương trình, kế hoạch dạy học.

Xây dựng kế hoạch trang bị các phương tiện dạy học, quản lý tốt việc sử dụng phương tiện dạy học trong các giờ lên lớp.

2.2.3. Thực hiện quy chế kiểm tra, đánh giá chất lượng

Kiểm tra đánh giá là khâu quan trọng và không thể thiếu trong hoạt động dạy học. Kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên là quá trình thu thập xử lý thông tin về trình độ và khả năng học tập của học viên, trên cơ sở đó đề ra những biện pháp phù hợp giúp học viên học tập tiến bộ.

Thông qua việc quản lý hoạt động kiểm tra đánh giá học viên của các cán bộ giảng dạy, ban chủ nhiệm khoa sẽ nắm được chất lượng dạy của các cán bộ giảng dạy và chất lượng học tập của mỗi học viên ở mỗi chuyên ngành, trên cơ sở đó đề ra những biện pháp cụ thể đối với cán bộ giảng dạy và học viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Với các cán bộ quản lý chuyên môn trong khoa, việc quản lý công tác kiểm tra, đánh giá của các cán bộ giảng dạy là rất cần thiết và nó không chỉ giúp cho cán bộ quản lý nắm được chất lượng dạy và học mà còn là cơ sở để đánh giá công tác tổ chức hoạt động dạy học và từ đó có những điều chỉnh kịp thời trong công tác chỉ đạo.

Hoạt động kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên phải đạt được những yêu cầu cơ bản sau: Quản lý việc thực hiện quy chế của các cán bộ giảng dạy trong kiểm tra điều kiện, thi học phần, đánh giá xếp loại học viên; Tổ chức và thực hiện nghiêm chỉnh quy định, quy trình chuyên môn trong công tác kiểm tra đánh giá học viên. Tổ chức tốt và giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ ra đề, trong thi và chấm thi đảm bảo đúng quy chế; Xây dựng các phương án, hình thức đánh giá phù hợp với từng học phần, tín chỉ đảm bảo được tính chính xác và sự công bằng.

2.2.4. Công tác đào tạo, sử dụng đội ngũ giảng viên đại học

Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ giảng dạy đồng thời tổ chức tốt công tác tự học, tự bồi dưỡng của các cán bộ giảng dạy nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy đáp ứng tốt nhiệm vụ dạy học nâng hạng theo tiếp cận năng lực thực hiện trong bối cảnh chuyển đổi số.

2.2.5. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trong bối cảnh mới

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ cho hoạt động dạy học nâng hạng trong nhà trường một phần do bộ môn quản lý, một phần do nhà trường trực tiếp quản lý song cho dù là đơn vị nào quản lý thì cũng cần phải đảm bảo các yêu cầu sau: Đảm bảo đủ cơ sở vật chất – phương tiện dạy học; Sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất – phương tiện trong hoạt động dạy học; Phối hợp chặt chẽ giữa phòng giáo dục thường xuyên, các chuyên ngành và phòng quản lý cơ sở hạ tầng để tổ chức quản lý bảo quản tốt cơ sở vật chất – phương tiện dạy học; Với mỗi chuyên ngành đào tạo, cơ sở vật chất và các phương tiện dạy học có thể có như phòng học, bàn ghế, thiết bị nghe nhìn, mạng wifi…

 

Sơ đồ 2: Nội dung quản lý hoạt động dạy học nâng hạng theo tiếp cận năng lực thực hiện trong bối cảnh chuyển đổi số.

3. KẾT LUẬN

Trong bối cảnh khoa học côngn nghệ phát triển như vũ bão, cần phải có nhiều cách tiếp cận mới phù hợp hơn trong môi trường giáo dục đại họcĐể sản phẩm đào tạo của nhà trường là nhân cách - sức lao động của sinh viên ra trường đáp ứng nhu cầu xã hội, người giảng viên phải không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ. Vì vậy, công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực theo từng hạng nghề nghiệp cho giảng viên theo tiếp cận năng lực thực hiện trong bối cảnh chuyển đổi số là hết sức quan trọng và cấp thiết. Muốn vậy, công tác quản lý của nhà trường cần thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý như: Tăng tính linh hoạt trong chương trình bồi dưỡng, luôn cập nhật nội dung để phù hợp với bối cảnh mới; Chú trọng tiếp cận năng lực thực hiện trong việc tổ chức thực hiện việc bồi dưỡng nâng hạng phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số; Lập kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho giảng viên bộ môn; Có các chế độ khuyến khích đặc biệt cho các giảng viên có nhiều trải nghiệm thực tiễn để thu hút họ tích cực tham gia bồi dưỡng cho học viên; Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra (đột xuất và định kỳ) với sự khai thác triệt để tiến bộ khoa học công nghệ và xử lý thông tin nhanh nhạy, chính xác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bui Duc Tu, Dang Nhu Thuy Vy, Bui Nguyen Tu My (2021), Implementation of total quality management in university training in the new context, Innovation for sustainable education in the changing context - Proceedings of the 2nd International Conference on Innovation in Learning Instruction and Teacher Education – ILITE 2, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  2. Lê Đình Trung, Phan Thị Thanh Hội (2020). Dạy học theo định hướng hình thành và phát triển năng lực người học ở trường phổ thông. Hà Nội: NXB Đại học Sư phạm.
  3. Mukhopadhyay, M (2006), Quality management in higher education (2 ed.): SAGE Publications India.
  4. Nguyễn Thị Mỹ Lộc (2008), Quản lý, lãnh đạo nhà trường thế kỉ XXI. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  5. Tu Duc Bui, Anh Chuong Huynh Lam and Nga Thuy Thuy Nguyen (2020), The Qualities and Competencies of School Educators in the Era of Industrial Revolution 4.0, International Journal on Emerging Technologies 11(5): 35-40(2020). (Received 30 May 2020, Revised 02 July 2020, Accepted 17 July 2020).

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
28241
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26966
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
24005
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18869
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18651
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
12218
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
12052
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9176
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Tiếng Việt Phổ thông
6137
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Ngôn ngữ - Văn hóa
5632
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5599
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5519
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Anh
4172
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3346
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
3207
Từ cũ và từ Hán Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 05/09/2021 12:05:39
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo