Quản lý dạy học theo định hướng giáo dục thông minh, một số vấn đề cần lưu ý

Giáo dục và PPDH
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 122 27/11/2023 14:47:44

QUẢN LÝ DẠY HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG GIÁO DỤC
THÔNG MINH, MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý

Smart education-oriented teaching management,
some issues to note

Bài đăng trong Kỉ yếu Hội thảo khoa học “Giáo dục và Quản lí giáo dục trong thời đại 4.0” (trang 18 – 31)

Cổ Tồn Minh Đăng(1) - Trần Thị Tâm Minh(2)

(1)ThS. Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng - Trường Đại học Sài Gòn

Email: ctmdang@sgu.edu.vn

(2)TS. Khoa Giáo dục Mầm non - Trường Đại học Sài Gòn
Email: minhtran.ece@sgu.edu.vn

XEM THÊM báo cáo của tác giả tại Hội thảo

 

TÓM TẮT

Giáo dục thông minh đã được nghiên cứu và triển khai từ những năm 2002 tại nhiều quốc gia và đã đạt được nhiều thành tựu nhất định. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Giáo dục thông minh đã và đang được triển khai tại một số trường ở nhiều bậc học từ phổ thông đến đại học và đang dần mở rộng quy mô. Tuy nhiên, hầu hết các chiến lược liên quan đến giáo dục thông minh hiện nay chỉ mới tập trung vào hoạt động chuyển đổi số và chủ yếu chuyển đổi trong phạm vi quản lý hành chính (thu chi, sổ sách, kế hoạch...) và công nghệ trong giáo dục chưa đi sâu về môi trường học tập thông minh cũng như chuẩn bị các nguồn lực mang tính quyết định (sự sẵn sàng của người dạy và người học). Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác triển khai dạy học theo định hướng giáo dục thông minh, trên cơ sở nghiên cứu lý thuyết, bài báo khái quát những nội dung cơ bản về dạy học theo định hướng giáo dục thông minh, những nội dung cần quan tâm trong quá trình triển khai hoạt động này ở góc độ nhà quản lý giáo dục và các yêu cầu cần thiết đồng thời đề xuất một số giải pháp liên quan. Kết quả nghiên cứu vừa làm cơ sở tham khảo cho các nhà quản lý, vừa là cơ sở để phát triển nghiên cứu tiếp tục cho các nội dung liên quan đến dạy học theo định hướng giáo dục thông minh.

Từ khóa: quản lý, dạy học, định hướng giáo dục thông minh

 

ABSTRACT

Smart education has been researched and implemented since 2002 in many countries, achieving significant accomplishments. Vietnam is no exception to this trend. Smart education has been and is being deployed in various schools at all levels, from primary to higher education, with an expanding scale. However, most of the strategies related to smart education currently focus on digital transformation activities, primarily within the scope of administrative management (revenue and expenditure, record-keeping, planning, etc.) and educational technology, without delving deeply into smart learning environments or preparing decisive resources (readiness of teachers and learners).

To contribute to enhancing the effectiveness of the implementation of smart education-oriented teaching, on the basis of theoretical research, the article summarizes the basic contents of smart education-oriented teaching, the contents of concern in the process of implementing this activity from the perspective of educational administrators, the necessary requirements, and proposes several relevant solutions. The research results serve as a reference for administrators and as a basis for further developing research on topics related to teaching in the direction of smart education.

Keywords: management, teaching, smart education-oriented teaching

  1. Mở đầu

Giáo dục thông minh (GDTM) đã được quan tâm và triển khai ở nhiều quốc gia như Malaysia (2002) với “Kế hoạch triển khai trường học thông minh”, Hàn Quốc (2013) với Dự án giáo dục SMART; Phần Lan (2014) với Giải pháp học tập hệ thống (SysTech); Singapore (2015) với “Kế hoạch tổng thể quốc gia thông minh”; châu Úc (2016) Hệ thống giáo dục thông minh lấy học sinh làm trung tâm; các nước Ả Rập (2017) với “Khung học tập thông minh ALECSO & ITU; các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (2018) với “Chương trình học tập thông minh của Mohammed Bin Rashid” (MBRSLP)... và đã đạt được nhiều thành tựu nhất định. Bắt nhịp xu thế phát triển của giáo dục trên thế giới, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, rất tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có giáo dục. Mô hình GDTM nói chung và hoạt động dạy học (HĐDH) theo định hướng GDTM đã được đề xuất và thử nghiệm tại một số trường Phổ thông ở Việt Nam từ năm 2017 (Quyết định 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”; Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 – 2025”; Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030”). Theo đó, Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM được hỗ trợ để xây dựng đô thị thông minh. Hiện nay, không chỉ 3 địa phương trên mà Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu… cũng đã có lộ trình triển khai đô thị thông minh và GDTM; TP. HCM phê duyệt đề án “Xây dựng TP. HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Trong đó, ngành giáo dục triển khai giáo dục thông minh với việc xây dựng Trung tâm điều hành giáo dục thông minh tại Sở và hệ thống trường học thông minh (THTM) tại 5 trường THPT, gồm: chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền và Nguyễn Du. THTM được xây dựng với 5 tiêu chí: thi trực tuyến, hướng nghiệp trực tuyến, ứng dụng tối đa CNTT trong giảng dạy; giáo viên được trang bị tin học văn phòng quốc tế; phủ sóng internet tốc độ cao; triển khai thư viện thông minh, học bạ điện tử; học sinh được sử dụng thiết bị cầm tay thông minh trong giờ học và trong kiểm tra, đánh giá, v.v. Tại Hà Nội, quận Long Biên đã thí điểm triển khai “mô hình trường học điện tử” cho 7 trường, Trường THPT Cầu Giấy đã có “lớp học thông minh” do Bộ Giáo dục Hàn Quốc tài trợ, Trường Tiểu học Archimedes Academy đã xây dựng được mô hình “lớp học thông minh” với sự tài trợ của tập đoàn VNPT và Tập đoàn NTT Nhật Bản; UBND TP Cần Thơ vừa có văn bản về việc triển khai thực hiện Ðề án số 09-ÐA/TU của Thành ủy Cần Thơ về giáo dục thông minh và học tập suốt đời, trọng tâm là học ngoại ngữ giai đoạn 2021–2030; Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai đề án “Xây dựng triển khai các dịch vụ, tiện ích quản lý giáo dục thông minh đáp ứng yêu cầu giáo dục 4.0”. Tuy nhiên, hầu hết các chiến lược liên quan đến GDTM hiện nay chỉ mới tập trung vào hoạt động chuyển đổi số và chủ yếu chuyển đổi trong phạm vi quản lý hành chính (thu chi, sổ sách, kế hoạch...) và công nghệ trong giáo dục chưa đi sâu về môi trường học tập thông minh cũng như chuẩn bị các nguồn lực mang tính quyết định (sự sẵn sàng của người dạy và người học). Để góp phần nâng cao hiệu quả của công tác triển khai dạy học theo định hướng GDTM, trên cơ sở nghiên cứu lý thuyết, bài báo khái quát lại những nội dung cơ bản về dạy học theo định hướng GDTM, những nội dung cần quan tâm trong quá trình triển khai hoạt động này ở góc độ nhà quản lý giáo dục và các yêu cầu liên quan cần thiết, đồng thời đề xuất một số giải pháp liên quan. Kết quả nghiên cứu vừa làm cơ sở tham khảo cho các nhà quản lý, vừa là cơ sở để phát triển nghiên cứu sau này cho các nội dung liên quan đến dạy học theo định hướng GDTM.

  1. Nội dung

2.1. Dạy học theo định hướng giáo dục thông minh

Hiện nay, HĐDH theo định hướng GDTM đang dần trở nên phổ biến vì những thay đổi trong môi trường giáo dục do sự phát triển của CNTT, học tập thông minh mang lại cơ hội thực hành và cá nhân hóa để thu nhận thông tin, quản lý kiến thức, tương tác với bạn bè và người hướng dẫn để người học có thể áp dụng kiến thức và kỹ năng của họ để giải quyết vấn đề và đạt được mục tiêu trong bối cảnh hiện đại. HĐDH theo định hướng GDTM là một phương pháp dạy học lấy con người làm trung tâm và tự định hướng, kết nối CNTT truyền thông đến môi trường học tập (Noh, Joo và Jung, 2011).

HĐDH là hệ thống những hành động phối hợp, tương tác giữa giáo viên và học sinh, trong đó dưới tác động chủ đạo của giáo viên, học sinh tự giác, tích cực, chủ động lĩnh hội hệ thống tri thức khoa học, kỹ năng, kỹ xảo, phát triển năng lực nhận thức, năng lực hành động, hình thành thế giới quan khoa học và những phẩm chất của nhân cách (Trần Thị Hương, 2009). Nói cách khác HĐDH là sự phối hợp giữa việc truyền thụ kiến thức của người dạy và việc lĩnh hội kiến thức của người học. Trong mối quan hệ này, người dạy giữ vai trò chủ đạo và người học giữ vai trò chủ động, nghĩa là người dạy định hướng, tạo môi trường, tạo động lực và hỗ trợ người học còn người học tự giác, chủ động trong việc kiến tạo tri thức cho bản thân.

Cụ thể hơn, có thể hiểu HĐDH theo định hướng GDTM là hệ thống những hành động phối hợp, tương tác giữa người dạy và người học trong môi trường học tập được trang bị trên nền tảng của CNTT và truyền thông, của nền tảng Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây... cũng như các thiết bị công nghệ hiện đại khác. Trong HĐDH theo định hướng GDTM, dưới tác động chủ đạo của người dạy, người học tự giác, tích cực, chủ động lĩnh hội hệ thống tri thức khoa học, kỹ năng, kỹ xảo, phát triển năng lực nhận thức, năng lực hành động, hình thành thế giới quan khoa học và những phẩm chất của nhân cách thông qua việc tương tác với môi trường học tập thông minh, bao gồm tương tác với nguồn học liệu số cũng như các ứng dụng học tập có tính tương tác phản hồi, tương tác với bạn học và người dạy. Trong suốt quá trình diễn ra HĐDH, người dạy vẫn phải theo sát hoạt động của người học để có thể hỗ trợ kịp thời hoặc đưa ra những giải pháp sư phạm phù hợp, giúp người học thích ứng cũng như đạt được các kết quả học tập phù hợp. Trong mô hình giáo dục này, người dạy thật sự phải có năng lực sư phạm lẫn năng lực số phù hợp đủ để có thể đảm bảo được vai trò chủ đạo của mình và khai thác được thế mạnh của nền tảng công nghệ đúng với định hướng của GDTM. Ngoài ra, việc học tập cần được diễn ra liên tục và cơ hội học hỏi mọi lúc, mọi nơi, theo bất kỳ cách nào và ở bất kỳ tốc độ nào tùy từng người học. Cuối cùng, các dữ liệu về tiến độ học tập, kết quả học tập, nhật ký học tập... đều được ghi lại và phân tích, phản hồi (trên cơ sở đối sánh sự tiến bộ của cá nhân người học, với mục tiêu chương trình dạy học...) cần được cung cấp thường xuyên, định kỳ cho các bên liên quan. Có thể sơ đồ hóa cấu trúc HĐDH theo định hướng GDTM như sau:

Mô hình hóa hoạt động dạy học
theo định hướng GDTM (Demir, Kadir, 2021)

2.2. Yêu cầu của dạy học theo định hướng giáo dục thông minh

Có thể thấy, hầu hết các văn bản, nghiên cứu về GDTM nói chung và dạy học theo định hướng GDTM nói riêng đều nhấn mạnh đến khía cạnh công nghệ, kỹ thuật số, vì đây là yếu tố then chốt quyết định bản chất cũng như thành công của GDTM. Tuy nhiên, để có thể đạt được các định hướng, mục tiêu của GDTM trong dạy học đúng với bản chất của nó, không bị lệch hướng sang ứng dụng CNTT trong dạy học theo kiểu truyền thống hoặc ứng dụng CNTT trong quản lý hoạt động trường học, trong quá trình triển khai, cần lưu ý các vấn đề sau:

(1) Bên cạnh việc đảm bảo các mục tiêu giáo dục theo chương trình quốc gia, cần bám sát các mục tiêu về năng lực theo định hướng GDTM: tư duy phản biện, năng lực sáng tạo và trí tuệ cảm xúc, giao tiếp và xử lý tình huống có vấn đề. Muốn như vậy, việc lựa chọn nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục cũng như kiểm tra đánh giá phải đảm bảo thực hiện được mục tiêu này. Về bản chất, nội dung giáo dục có thể không thay đổi nhưng cách thức cho người học khám phá cần được thay đổi trên cơ sở phối hợp các phương pháp dạy học truyền thống và một số kỹ thuật dạy học hiện đại để tăng cơ hội trải nghiệm, thực hành cho người học, trao quyền lựa chọn nội dung học cũng như kế hoạch học tập của bản thân, có sự giám sát và gợi ý định hướng học tập cá nhân hóa... và hiển nhiên, công tác kiểm tra đánh giá cũng phải đảm bảo phản ánh được các kết quả đầu ra như đã nêu. Không những vậy, trong GDTM, kiểm tra đánh giá còn có thể tích hợp vào phương pháp dạy học.

(2) Đảm bảo tài nguyên và môi trường cho học tập thông minh. Trong đó, môi trường học tập bao gồm các lớp học thực và ảo, đan xen giữa trực tiếp và trực tuyến, hệ thống mạng, băng thông rộng, phòng lab, các thiết bị điện tử liên quan, v.v. Tài nguyên học tập thông minh bao gồm nguồn dữ liệu để tra cứu, tìm hiểu, các ứng dụng hỗ trợ học tập trải nghiệm – khám phá – tư duy và sáng tạo. Nếu tài nguyên học tập không đáp ứng mục tiêu dạy học nêu trên thì không thể xem là tài nguyên học tập thông minh mà chỉ là tài nguyên CNTT thông thường.

(3) Tuy nhiên, nếu nền tảng công nghệ được xây dựng đúng chuẩn nhưng không có kế hoạch vận hành hợp lý, không có phương pháp khai thác hiệu quả cũng như nguồn nhân lực không đủ khả năng làm chủ hệ thống thì không những không đạt được hiệu quả mong đợi mà còn có thể gây ra những tác dụng tiêu cực như bị thuộc công nghệ, thụ động, rối loạn cảm xúc, gặp cản trở giao tiếp và các vấn đề khác liên quan đến đạo đức cũng như pháp luật. Do vậy, yếu tố nguồn nhân lực từ cấp quản lý đến người thừa hành và thụ hưởng đều cần đảm bảo năng lực số phù hợp.

(4) Việc ứng dụng CNTT vốn đem lại cơ hội bình đẳng học tập cho mọi người, thế nên việc huy động, đầu tư tài chính cần hợp lý để đảm bảo nội dung này. Nếu GDTM có tính phân hóa, phân biệt giai cấp thì nó không thể là nền giáo dục được toàn thể nhân loại hoan nghênh, nó đi ngược lại các giá trị nhân văn của giáo dục truyền thống lẫn hiện đại.

(5) Mọi sự thay đổi hiệu quả đều cần tiến hành dựa trên sự kế thừa ưu điểm và khắc phục hạn chế. Do đó, cần có sự nghiên cứu kĩ lưỡng, lộ trình chuẩn bị phù hợp. Tránh nôn nóng hoặc phủ định sạch trơn sẽ dẫn đến thất bại từ nhiều phía.

2.3. Một số lưu ý khi triển khai

2.3.1. Phối hợp giữa nhà nước và tư nhân trong đầu tư, xây dựng nền tảng công nghệ cho học tập thông minh

Mặc dù trong GDTM, yếu tố bảo mật và tính riêng tư là một trong những điều cần lưu ý nhưng đó không phải là lý do để độc quyền trong đầu tư cũng như phân phối nguồn lực về cơ sở vật chất cho học tập thông minh. Nói cách khác, cần có chính sách kêu gọi, tạo điều kiện cho các đơn vị tư nhân uy tính, đủ tiềm lực tham gia vào công cuộc đầu tư cũng như xây dựng, thiết kế, thi công, bảo trì và phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở về đường truyền, các ứng dụng quản lý trường học – ứng dụng hỗ trợ học tập – nền tảng thực tế ảo, thực tế tăng cường hỗ trợ dạy học, v.v. Thậm chí, theo đề xuất của một số nghiên cứu, không chỉ phối hợp giữa nhà nước và tư nhân, cần có kế hoạch và chiến lược huy động nguồn lực kinh tế – kỹ thuật từ nước ngoài để đảm bảo có được nền tảng công nghệ hiện đại, vững mạnh nhất. (Roychowdhury, Devashree, 2023; Nimesha Sahani Jayasena, et al., 2022).

Việc làm này vừa đảm bảo sự đầu tư kinh tế mạnh mẽ, vừa tránh được tình trạng cung cấp độc quyền, từ đó người học được thụ hưởng các chế độ tốt nhất. Thật vậy, mọi cải tiến giáo dục đều phải đảm bảo quyền học tập, cơ hội học tập cho mọi người. Chính vì vậy, bài toán đầu tư trong dạy học theo định hướng GDTM nếu không huy động từ xã hội cũng như các tổ chức bên ngoài sẽ khó đảm bảo được tiêu chí này.

Để đạt được hiệu quả và tránh những mặt trái phát sinh, các nhà quản lý cần xác định rõ bối cảnh, các chiến lược ngắn hạn – dài hạn – trung hạn cũng như các quy định rõ ràng, chặt chẽ để đảm bảo quyền hạn cũng như trách nhiệm của các bên liên quan tham gia vào xây dựng, phát triển nền tảng công nghệ này. Bên cạnh các chính sách thu hút, tạo động lực cần có những điều luật để chế tài, ngăn ngừa các hành vi vi phạm tính bảo mật, riêng tư, hoặc lợi dụng tài nguyên để làm những việc đi ngược với đạo đức và pháp luật. Ngoài ra, cần đảm bảo sự kết nối giữa các hệ thống công nghệ của các đơn vị cung cấp liên quan để tạo sự thuận lợi trong chuyển giao thông tin.

2.3.2. Tập trung xây dựng môi trường học tập thông minh

Như đã trình bày ở phần đầu, học tập thông minh được thực hiện trên sự hỗ trợ của mạng internet, các ứng dụng hỗ trợ học tập (phần mềm học tập, thực tế ảo, thực tế tăng cường, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo...). Do đó, nếu chuyển đổi số chỉ dừng lại ở phương diện quản lý như quản lý thu chi, sổ sách, kế hoạch, quản lý thư viện, quản lý người học – người dạy (điểm danh, điểm số, kết quả hoạt động...) thì bản chất chỉ là ứng dụng CNTT trong quản lý trường học, chưa thực sự hướng đến dạy học theo định hướng GDTM. Như các mô hình giáo dục truyền thống, môi trường học tập, hoạt động dạy và học vẫn là trung tâm của trường học. Do đó, việc chuyển đổi số cần được tập trung vào chuyên môn, cụ thể là xây dựng các ứng dụng học tập, nguồn tài nguyên hỗ trợ học tập theo nhu cầu – học tập mở rộng và học tập suốt đời của người học.

Chính vì vậy, việc huy động nguồn nhân lực trong việc tạo ra nền tảng học tập thông minh để cung ứng cho các trường học tiến hành dạy học theo định hướng GDTM là điều mang tính then chốt. Đội ngũ này cần là sự phối hợp giữa chuyên gia về công nghệ và chuyên gia về giáo dục. Nếu thiếu một trong hai, sẽ khó làm được các sản phẩm phù hợp. Trước đây, việc ứng dụng CNTT vốn chỉ thực hiện việc chuyển tải bài dạy truyền thống sang một cách thức khác để tăng tính thực tế, sống động cho bài học. Ngày nay, ứng dụng CNTT trong GDTM còn đòi hỏi các nội dung giáo dục có tính tương tác cao, đảm bảo cơ hội phát triển tính sáng tạo và tư duy phản biện, nuôi dưỡng cảm xúc cũng như động cơ học tập lâu dài và tích cực cho người học. Chính vì vậy, yêu cầu về nguồn lực này càng cao hơn, khắt khe hơn.

Để đáp ứng yêu cầu này, việc bồi dưỡng năng lực công nghệ cho đội ngũ giáo dục cần chia ra nhiều giai đoạn, trong kế hoạch ngắn hạn sẽ tập trung nguồn lực từ hai lĩnh vực liên quan phối hợp với nhau, từ cơ sở này mở rộng bồi dưỡng cho đội ngũ giáo dục và định hướng lâu dài là đào tạo nguồn nhân lực thiết kế môi trường học tập thông minh. Ngoài ra, cần lưu ý, tuy mỗi nhà giáo đều có nhiệm vụ học tập nâng cao, nhưng việc yêu cầu mọi nhà giáo trau dồi năng lực số là điều bất khả thi vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan. Đầu tiên, chuyên môn chính của nhà giáo vẫn là giảng dạy, việc sử dụng CNTT chỉ là phương tiện hỗ trợ. Tiếp theo, việc sử dụng các ứng dụng lập trình, trí tuệ nhân tạo, khai thác dữ liệu lớn... là chuyên môn sâu của lĩnh vực CNTT, do đó không thể yêu cầu đội ngũ giáo viên đơn phương thiết kế, xây dựng các ứng dụng hỗ trợ học tập, họ chỉ có thể cố vấn, đưa ra ý tưởng để đội ngũ kỹ thuật thực hiện. Nếu không quán triệt tinh thần này, việc quản lý sẽ dễ vấp phải sự phản ứng tiêu cực từ đội ngũ giảo viên, là một trong những yếu tố quan trọng của dạy học theo định hướng GDTM.

2.3.3 Chuẩn bị nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông song song với việc chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho nguồn nhân lực

Tâm thế sẵn sàng của nguồn nhân lực bắt đầu từ sự đón nhận, đồng tình việc chuyển đổi dạy học truyền thống sang dạy học theo định hướng GDTM là tất yếu. Điều này không chỉ đạt được thông qua các hoạt động tuyên truyền mà còn cần thông qua trải nghiệm sự cần thiết, hữu ích, tiện dụng của GDTM.

Tiếp theo, tâm thế sẵn sàng của nguồn nhân lực còn tùy thuộc vào năng lực số liên quan đến việc sử dụng môi trường học tập trong quá trình tổ chức dạy học theo định hướng GDTM. Năng lực số này không đơn thuần là kỹ năng sử dụng các phần mềm mà đòi hỏi sự liên hệ giữa tính năng của các nền tảng CNTT với chương trình giáo dục. Ở góc độ người dạy, cần hiểu rõ để sử dụng CNTT triển khai nội dung giáo dục phù hợp với mục tiêu chương trình cũng như đặc điểm người học. Ở góc độ người học cần nắm bắt mục tiêu, định hướng cũng như phương pháp học tập hiệu quả với CNTT. Nếu nguồn nhân lực có năng lực tốt, sẽ tự tin và thích ứng tốt hơn khi chuyển sang học tập thông minh.

Bên cạnh đó, tâm thế sẵn sàng của nguồn nhân lực còn là bản lĩnh của nhân cách, khả năng chọn lọc thông tin, tuân thủ pháp luật trong quá trình khai thác tài nguyên học tập (tính bản quyền, tính bảo mật và riêng tư cũng như các vấn đề đạo đức khác). Song song với những thế mạnh như các nghiên cứu về GDTM đã nêu, học tập thông qua mạng intenet và các nền tảng công nghệ cũng khiến người dạy và người học đối diện với nhiều nguy cơ bị tấn công về mặt tinh thần, cảm xúc. Do đó, việc hình thành các kỹ năng xã hội cho nguồn nhân lực ngay từ các bậc học dưới là vô cùng cần thiết. Nếu không có lộ trình lâu dài, sẽ rất khó đưa các giá trị, nguyên tắc sống, đạo lý làm người vào trong tư tưởng cũng như hành động của người học và người dạy để họ có đủ bản lĩnh nói không với các cám dỗ, nguy cơ phạm pháp thông qua nền tảng công nghệ.

  1. Kết luận

Tóm lại, dạy học theo định hướng GDTM là tất yếu cho mọi nền giáo dục đương đại vì nó đảm bảo hình thành năng lực cần thiết cho nguồn nhân lực của kỷ nguyên số trong tương lai. Tuy nhiên, con đường đi đến mô hình dạy học theo định hướng GDTM hoàn chỉnh, đúng bản chất cũng như đạt được các kết quả mà các nhà giáo dục kỳ vọng đòi hỏi các cấp lãnh đạo cần có những chính sách, chiến lược phù hợp, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho nguồn nhân lực, đặc biệt là quyền được học tập. Bên cạnh đó, các chính sách, chiến lược cũng cần cân bằng về kinh tế và pháp luật, nói không với độc quyền nhưng vẫn giám sát hiệu quả các bên liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện. Quá trình chuyển đổi từ giáo dục truyền thống sang giáo dục ứng dụng CNTT, từ giáo dục ứng dụng CNTT sang GDTM là chặng đường dài, lộ trình cần căn cứ trên điều kiện hiện có của bối cảnh địa phương, không nóng vội hoặc đốt cháy giai đoạn hay tiến hành khi một trong các yếu tố liên quan chưa sẵn sàng. Từ các yêu cầu cũng như những lưu ý bài báo trình bày, các nghiên cứu chuyên sâu để thực hiện các nội dung trên đã và đang được tiến hành theo hướng cụ thể hóa cho từng bậc học, từng yếu tố ảnh hưởng cũng như các thành phần liên quan đến dạy học theo định hướng GDTM.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bernd Meier, Nguyễn Văn Cường. (2016). Lý luận dạy học hiện đại: Cơ sở đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học. Hà Nội: NHÀ XUẤT BẢN Đại học Sư phạm.

Chan, F. M. (2002). ICT in Malaysian schools: Policy and strategies. In Conference presentation. Workshop on the promotion of ICT in education to narrow the digital divide, 15-22.

Dunleavy M, and Dede C. (2014). Augmented aeality teaching and learning. In M. M. Spector J., In Handbook of research on educational communications and technology, 735-745. New York: Springer.

Demir, Kadir. (2021). Smart education framework. Smart Learning Environments, DOI: 10.1186/s40561-021-00170-x. 8(29), 1-36. Springer.

Jo, J., Y. Yang, and H. Lim. (2012). Design of a structured plug-in smart education system, in Computer Science and its Applications, 891-901. Springer.

Kwon, H.-I., et al. (2013). The framework of the smart learning infrastructure in South Korea-Focus on Agriculture Education system. in Free and Open Source Software Conference (FOSSC-13).

Nguyễn Thúy Nga. (2018). Trường học thông minh trong bối cảnh đổi mới giáo dục: từ câu chuyện ở Malaysia và Singapore. Kỷ yếu hội thảo quốc tế: Giáo dục cho mọi người (tr. 43-51). Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nimesha Sahani Jayasena, Daniel W. M. Chan, et al. (2022). Applicability of public-private partnerships in smart infrastructure development: the case of Hong Kong. International Journal of Construction Management (pp. 1-13). Taylor & Francis.

Noh, K.-S., S.-H. Ju, and J.-T. Jung. (2011), An exploratory study on concept and realization conditions of smart learning. Journal of Digital Convergence, 9(2), 79-88.

Quốc hội. (2019). Luật Giáo Dục 2019, Luật số: 43/2019/QH14, ban hành ngày 14 tháng 06 năm 2019.

Roychowdhury, Devashree. (2023). Smart Education in India. India: Devashree Roychowdhury P. P. Savani University.

Trần Khánh Đức (chủ biên). (2022). Khoa học tư duy và phát triển năng lực tư duy khoa học trong giáo dục và đào tạo. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội.

Trần Thị Hương. (2009). Giáo trình Giáo dục học đại cương. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM.

UNESCO. (2022). Global innovations in smart education: an analytical review. Unesco Institute for Information Technologies in Education, Higher School of Economics, and Beijing Normal University.

 

 

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
27867
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26806
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
23831
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18746
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18501
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
11932
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
11893
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9059
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Ngôn ngữ - Văn hóa
5497
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5462
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5402
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Việt Phổ thông
5398
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Tiếng Anh
4051
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3263
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
2999
Từ trái nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:39:45
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo