Vai trò của các yếu tố giao tiếp phi lời trong giao tiếp sư phạm

Giáo dục và PPDH
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 617 31/12/2022 17:09:05

VAI TRÒ CỦA CÁC YẾU TỐ GIAO TIẾP PHI LỜI TRONG GIAO TIẾP SƯ PHẠM

The Role of Non-Verbal Factors in Communication

  Bài đăng trong Kỉ yếu Hội thảo "Giáo dục và Quản lí giáo dục trong thời đại 4.0", NXB Thông tin Truyền thông, 2022, trang 222 - 229

PGS.TS. Mai Thị Hảo Yến

Trường Đại học Tân Tạo

TÓM TẮT

Trong giao tiếp bằng lời, ngoài vai trò quan trọng hiển nhiên của ngôn ngữ, thì các yếu tố phi lời cũng có một giá trị tương đối. Yếu tố phi lời không chỉ có mặt cùng với lời trong hội thoại, mà nó còn giúp cho quá trình “hiểu lời” được chính xác hơn. Trong giao tiếp sư phạm, yếu tố phi lời có nhiều vai trò hơn thế. Bài viết sẽ làm rõ hơn những giá trị mà yếu tố phi lời mang lại trong giao tiếp sư phạm, để việc dạy học đạt hiệu quả tốt hơn.

Từ khoá: yếu tố phi lời, giao tiếp sư phạm

ABSTRACT

In verbal communication, in addition to the obviously important role of language, non-verbal elements also have a relative value. The non-verbal element is not only present with the words in the conversation, but it also helps the process of understanding more accurately. In pedagogical communication, non-verbal factors play more roles than that. The article will clarify the values that non-verbal elements bring in pedagogical communication, so that teaching can be more effective.

Keyword: Non-verbal elements, communication

1. Đặt vấn đề

Giao tiếp là một quá trình gồm nhiều nhân tố. Theo quan điểm ngữ dụng học, thì giao tiếp gồm các nhân tố cơ bản như: ngữ cảnh, ngôn ngữ và diễn ngôn. Một trong các yếu tố có mặt trong các nhân tố trên là yếu tố phi lời. Tất cả các khía cạnh của đời sống đều không thể không có giao tiếp. Trong giáo dục, giao tiếp là một trong những phương diện được chú trọng. Giao tiếp sư phạm có thể hiểu: là sự trao đổi, tiếp xúc giữa thầy và trò, góp phần tạo nên "môi trường tinh thần của lớp học", là "phương thức tác động lên các quan hệ của học sinh. Giao tiếp giữa thầy và trò là một khâu quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách, phát triển tính tích cực nhận thức và tính xã hội của học sinh trong quá trình hình thành tập thể học sinh" [1]. Quá trình này cũng mang bản chất của giao tiếp nói chung. Vì vậy, không thể thiếu yếu tố phi lời - một trong những yếu tố góp phần tạo nên hiệu quả giao tiếp - tức hiệu quả dạy học.

2. Nội dung

2.1. Một số khái niệm liên quan

2.1.1. Khái niệm giao tiếp và giao tiếp sư phạm

Có nhiều cách quan niệm khác nhau về giao tiếp.

Từ điển tiếng Việt [7] cho rằng: giao tiếp là trao đổi, tiếp xúc với nhau.

Sự tiếp xúc và trao đổi có thể ở nhiều phương diện, nhiều lĩnh vực trong đời sống con người. Và, con người trong quá trình giao tiếp ấy có thể thực hiện bằng nhiều cách thức khác nhau với nhiều phương tiện khác nhau. Nhưng phương tiện phổ biến và quan trọng nhất của con người là giao tiếp bằng ngôn ngữ.

Theo I.U.V. Rogjestvenski, giao tiếp là khi “một người có thể nói với người khác một điều gì đó, người nghe có thể hiểu được và trả lời bằng từ ngữ, hành động hay tư duy. Một quá trình phát ngôn như thế gọi là hoạt động giao tiếp” [Dẫn theo 8].

Như vậy, có thể thấy giao tiếp là một trong những hoạt động cơ bản của con người. Con người sống không thể không có giao tiếp. Vì vậy, giao tiếp không chỉ là mối quan tâm của ngôn ngữ học, mà còn là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác như tâm lý học, giáo dục học…

Chúng tôi cho rằng, giao tiếp là sự tiếp xúc, trao đổi giữa con người với con người về tư tưởng, tình cảm, thái độ… trong một ngữ cảnh nhất định với một mục đích nhất định và bằng một phương tiện nhất định.

Giao tiếp sư phạm là một hình thức giao tiếp đặc biệt. Tính đặc biệt ở đây chính là sự chuẩn mực. Sự chuẩn mực diễn ra trong suốt quá trình giao tiếp và ở mọi khía cạnh – nhân tố giao tiếp. Sự chuẩn mực đó, trước hết là ở người thầy – giáo viên. Ngoài những chuẩn mực khác của quá trình giao tiếp sư phạm, thì các yếu tố phi lời trong giao tiếp sư phạm cũng đòi hỏi sự chuẩn mực. Bởi những yếu tố này sẽ góp phần tạo nên tình cảm, xúc cảm giữa các nhân vật giao tiếp, tức giữa giáo viên và học sinh, tạo nên một môi trường giao tiếp "thân thiện" và từ đó góp phần thực hiện tốt các mục tiêu dạy học.

2.1.2. Yếu tố phi lời trong giao tiếp và giao tiếp sư phạm

Trước hết, yếu tố phi lời (non verbal) được hiểu là "những yếu tố không phải là yếu tố kèm lời (paraverbal) được dùng trong đối thoại mặt đối mặt. Đã có nhiều công trình, bài viết, gọi yếu tố phi lời bằng những tên gọi khác nhau: “cử chỉ điệu bộ”, “ngôn ngữ cử chỉ”, “ngôn ngữ cơ thể”, “ngôn hiệu”, “hệ thống tín hiệu phi lời”, “phương tiện á ngữ học”, “truyền thông phi ngôn ngữ”...

Chúng tôi đồng ý với quan niệm: Yếu tố phi lời (non – verbal) là những yếu tố không phải là những yếu tố kèm lời được dùng trong đối thoại mặt đối mặt. Thuộc yếu tố phi lời là: cử chỉ, khoảng không gian, tiếp xúc cơ thể, tư thế cơ thể và định hướng cơ thể, vẻ mặt, ánh mắt (gesture, proxemics, body, contact, posyure and body orientation, facian expression, gaze). Cũng được tính là tín hiệu phi lời là những tín hiệu âm thanh như: tiếng gõ, tiếng kéo bàn, xô ghế, tiếng huýt sáo, tiếng cò... Có thể kể cả vào đây trang phục, bài trí của thoại trường, tức là những tín hiệu của âm thanh không nằm trong hệ thống ngữ âm – âm vị học của một ngôn ngữ [3, tr.220].

Các yếu tố cơ thể - vận động được tiếp nhận bằng thị giác là những tín hiệu xuất hiện trong hội thoại như: ánh mắt, cử chỉ, nét mặt, những cử chỉ, điệu bộ, hành động, động tác con người tạo ra trong quá trình hội thoại. Thuộc về ngôn ngữ cử chỉ điệu bộ của con người “là tất cả những điệu bộ, cử chỉ mà con người đã dùng một cách cố ý hay không cố ý trong khi giao tiếp với người khác. Do tính độc lập và hiệu quả mạnh của phương tiện này, nên khác với phương tiện đi kèm khác trong giao tiếp, trong điều kiện cụ thể của giao tiếp, cử chỉ, điệu bộ có thể dung độc lập không có ngôn ngữ bằng lời đi kèm nhưng vẫn có nội dung tương tự khi phải hiển ngôn hóa bằng lời. Chúng là những phù hiệu trong hoạt động giao tiếp và luôn gắn liền với ngôn ngữ bằng lời” [6; tr 19].

Trong giao tiếp sư phạm, những yếu tố phi lời trên không phải là của người nói (SP1) và người nghe (SP2) một cách chung chung, mà chính là của giáo viên và học sinh. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến các yếu tố phi lời trong giao tiếp sư phạm nhìn từ phía giáo viên.

Một số yếu tố phi lời trong giao tiếp sư phạm đã được quy định rõ ràng trong Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT về Quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có thể thấy, các yếu tố giao tiếp phi lời được quy định rõ ràng trong Điều 4 (Chương 2), đó là “Bảo vệ, giữ gìn cảnh quan cơ sở giáo dục; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, xanh, sạch, đẹp; Cán bộ quản lý, giáo viên phải sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp với môi trường và hoạt động giáo dục; nhân viên phải sử dụng trang phục phù hợp với môi trường giáo dục và tính chất công việc; người học phải sử dụng trang phục sạch sẽ, gọn gàng phù hợp với lứa tuổi và hoạt động giáo dục; Không sử dụng trang phục gây phản cảm…” [9].

2.2. Hiệu quả trong việc ý thức và phát huy yếu tố phi lời trong giao tiếp sư phạm

Những yếu tố phi lời trong giao tiếp của GV có thể được biểu hiện bằng cử chỉ. Chẳng hạn, "sự im lặng của giáo viên có thể đem đến cho người học sự tiếp nhận (một sự suy nghĩ, một sự do dự, thậm chí là không đồng ý của giáo viên hay khi GV nhấn mạnh sự nghiêm túc cần phải thêm vào cho thông tin ở lời nói)" [4]; ánh nhìn của GV cũng vô cùng quan trọng (nhìn trìu mến, ấm áp, nhìn khích lệ, nhìn yêu thương và thậm chí có thể nhìn nghiêm khắc khi HS có biểu hiện không tập trung trong giờ học); những động tác của tay một cách hợp lý cũng có ý nghĩa rất nhiều khi GV ý thức được điều đó, sự vung vít thái quá sẽ làm HS mất tập trung vào lời nói của GV; hoặc GV đi lại quá nhiều và quá nhanh…

Sự tiếp xúc cơ thể ở một chừng mực nào đó cũng có ý nghĩa nhất định. Chẳng hạn, khi HS mệt, GV có thể đến bên em và đặt tay lên trán; khi HS trả lời tốt có thể vỗ vai khen ngợi; một cái nắm tay có thể chia sẻ nỗi buồn phiền nào đó…

Tư thế cơ thể của GV là một trong các yếu tố có thể nói là vô cùng quan trọng tác động trực tiếp đến thị giác HS và tạo nên hình ảnh về người thầy. Tư thế cơ thể có thể được hiểu là dáng đi, dáng đứng, phong thái của GV. Trong dạy học, GV phải sử dụng bảng rất nhiều. Tư thế đứng trên bảng của GV hợp lý, thì HS vừa có thể nhìn thấy nội dung GV viết trên bảng, vừa tạo ra cảm xúc gần gũi cho HS... Kèm với tư thế cơ thể có thể gồm cả những yếu tố về trang phục từ kiểu dáng đến màu sắc, thậm chí đến cả chất liệu. Những yếu tố này sẽ tác động không nhỏ đến người học (tác động vô thức) tạo ra những phản ứng (có thể tích cực hoặc tiêu cực; tạo ra thiện cảm, hấp dẫn hay gây ra phản ứng chối bỏ). Yếu tố này quan trọng đến mức mà nhiều trường đã phải qui định trang phục cho GV (và cả trang phục cho HS)…

Vận động của cơ thể cũng là một trong những yếu tố cơ bản góp phần làm tăng hiệu quả giao tiếp giữa GV và HS. Sự vận động cơ thể của GV xuất hiện trong giao tiếp với HS. Chúng có thể chậm, từ từ như: sự thay đổi khoảng cách, tư thế ngồi hay đứng khi giảng bài. Trong quá trình giao tiếp, tuỳ vào nội dung của bài học, mà GV có thể có những di chuyển phù hợp để tạo thêm hiệu quả cho lời nói… Vận động của cơ thể trong hội thoại nói chung có thể linh hoạt hơn nhiều tuỳ vào nhiều yếu tố. Nhưng nhìn chung "những người tham gia giao tiếp có thể thay đổi tư thế, nét mặt, cử chỉ, điệu bộ tuỳ theo từng lượt lời, từng đoạn thoại, thậm chí từng từ ngữ được dùng" [3]. Nhưng trong giao tiếp sư phạm, thì sự thay đổi này cần phải nằm trong "tính toán" của GV. Khoảng cách của cơ thể (khoảng cách vật chất) trong giao tiếp là một điều mà bất cứ người giao tiếp nào cũng phải tính đến, nhất là GV trong giao tiếp với HS.

Những yếu tố phi lời như cử chỉ, khoảng không gian, tiếp xúc cơ thể, tư thế cơ thể, vẻ mặt, ánh mắt… là những yếu tố có tính dân tộc. Trong giao tiếp, người phương Đông và người phương Tây thể hiện có những khác biệt nhất định. Người phương Đông luôn kiểm soát chặt chẽ các động tác của cơ thể và hạn chế đến mức tối thiểu khi giao tiếp, còn người phương Tây thì có thể nói là tương đối thoải mái. Trong giao tiếp sư phạm, thì các yếu tố phi lời trên càng cần phải được GV kiểm soát chặt chẽ hơn.

Những tín hiệu âm thanh của GV, ngoài giọng nói, còn có thể kể đến tiếng động của giầy dép, tiếng cọ xát của trang phục, tiếng động từ việc sử dụng những giáo cụ trực quan…Những tín hiệu âm thanh này cũng góp phần tác động đến học sinh có thể tích cực hoặc tiêu cực. Một đôi giầy hay đôi dép phát ra những tiếng động quá lớn thì không thể nói đến hiệu quả dạy học; một tiếng "phịch" rất to khi GV để cặp xuống bàn cũng gây cho học sinh một cảm giác chắc chắn là không tốt…

Một trong những yếu tố phi lời mà chúng ta thường cho là không quan trọng và đễ dàng bỏ qua, nhưng lại có ảnh hưởng không nhỏ, thậm chí làm thành điều kiện tiên khởi cho hội thoại, đó là những tín hiệu cung cấp thông tin về thoại trường. Trong giao tiếp sư phạm, thì đó là những thông tin về môi trường lên lớp: học ở phòng lý thuyết hay phòng thực hành, trong lớp học hay ngoài trời, phòng học lớn hay nhỏ... Với những không gian khác nhau thì người dạy sẽ phải có cách giao tiếp khác nhau. Chẳng hạn, phòng học nhỏ, thì không nói quá to và ngược lại phòng học to thì không thể nói quá nhỏ; phòng học nhỏ, khoảng cách tiếp xúc gần, thì phải tính đến không chỉ là âm lượng của giọng nói, mà còn phải tính đến cả các yếu tố khác như trang phục, đến cử chỉ, đến tư thế, đến khoảng cách với HS…

Trong “thời kỳ Covid”, thoại trường không còn là lớp học truyền thống. Mà đó là hình ảnh không gian được thu lại trên màn hình máy tính, hoặc điện thoại – tức là học onlie, hay học trực tuyến. Mặc dù là gián tiếp, nhưng những yếu tố của thoại trường vẫn được các thầy cô cũng như học sinh chú ý. Bằng chứng là các thầy cô luôn đặt máy tính ở phòng đọc sách, phòng mà background có thể đảm bảo sự chuẩn mực cần thiết khi học sinh nhìn vào – màn hình.

Những yếu tố thông tin về thời gian như: buổi sáng, buổi chiều hay buổi tối… không bao giờ hoàn toàn là sự thuần tuý về thời gian lên lớp - tức thời gian mà cuộc giao tiếp diễn ra. Nhiều nghiên cứu cho rằng, thời gian ở những thời điểm khác nhau trong ngày, con người cũng có những khả năng tiếp thu khác nhau. Khi GV ý thức được điều này cũng đồng nghĩa với sự ý thức về năng lực tiếp thu bài của HS trong giao tiếp ở những thời gian nhất định, để có thể có những điều chỉnh thích hợp về dung lượng kiến thức, về thái độ, về giọng nói, về trang phục, v.v. Từ đó, mới có thể đạt được hiệu quả dạy học - hiệu quả giao tiếp như mong muốn.

Những yếu tố phi lời không chỉ tạo lập, duy trì và phát triển tình cảm tốt đẹp giữa GV và HS, mà còn góp phần lý giải nghĩa của lời nói - tức lý giải nghĩa của nội dung bài học một cách đầy đủ. Đỗ Hữu Châu viết: "Chúng ta biết rằng nghĩa trực tiếp, theo câu chữ của phát ngôn là do lời diễn đạt. Nhưng nhiều khi chính các yếu tố phi lời mới giúp chúng ta hiểu đúng lời của nhau" [3]. Chính nhờ các yếu tố phi lời mà GV có thể lôi cuốn HS vào bài dạy, cũng như có thể điều chỉnh các hành vi lệch chuẩn trong giờ học của học sinh. Đúng như A.A. Leonchiev đã nhận định: " Sự giao tiếp này tạo điều kiện tốt cho sự phát triển động cơ của HS và tính sáng tạo của hoạt động học tập, cho sự phát triển đúng đắn nhân cách HS, tạo nên bầu không khí xúc cảm trong dạy học" [2].

Các yếu tố phi lời trong giao tiếp nói chung và giao tiếp sư phạm nói riêng tuy là thứ yếu, nhưng chúng rất quan trọng. Trong giao tiếp sư phạm, lại càng đặc biệt quan trọng và ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dạy học trong nhà trường. Arbercrombie cho rằng: "Chúng ta nói bằng các cơ quan cấu âm nhưng chúng ta hội thoại bằng cả cơ thể chúng ta… Những sự kiện kèm ngôn ngữ (paralinguistic) xuất hiện song song với ngôn ngữ nói và cùng ngôn ngữ nói hình thành nên một hệ thống giao tiếp trọn vẹn…" [Dẫn theo 3]. Vì vậy, vai trò của các yếu tố phi lời trong giao tiếp sư phạm quả là không nhỏ.

3. Kết luận

Giao tiếp sư phạm là cả một nghệ thuật, mà người giao viên đôi lúc như là một diễn viện thực sự. Người giáo viên không chỉ có kiến thức chuyên môn, có phương pháp sư phạm, mà cần phải có sự sáng tạo trong từng giờ lên lớp, cần phải biết cách "trình diễn" những mục tiêu dạy học của mình đến "công chúng" - HS một cách "đẹp" và hiệu quả nhất với tất cả tình yêu, trách nhiệm và lòng say mê nghề nghiệp. Góp phần làm nên những điều đó chính là các yếu tố phi lời trong giao tiếp sư phạm. Vì vậy, để phát huy vai trò của các yếu tố này, người GV khi lên lớp, tức khi giao tiếp với HS có lẽ cần phải lưu ý đến những biểu hiện phi lời. Sự "kiểm soát" của GV về những yếu tố phi lời trong giao tiếp với HS cũng là cách mà chúng ta thể hiện sự tôn trọng đối với học trò và chính điều này sẽ là yếu tố cơ bản tạo nên sự cuốn hút mạnh mẽ của GV đối với HS trong từng giây phút trôi qua của giờ học và từ đó sẽ góp phần không nhỏ vào việc thực hiện tốt các mục tiêu dạy học mà chúng ta đang hướng tới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. A.A. Leonchiev, 1979, Giao tiếp sư phạm, NXB Giáo dục.
  2. Hoàng Anh - Ngô Công Hoàn, 2002, Giao tiếp sư phạm, NXB Giáo dục.
  3. Đỗ Hữu Châu, Bùi Minh Toán (1992), Đại cương về ngôn ngữ học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  4. Đỗ Hữu Châu, 2005, Đỗ Hữu Châu tuyển tập, Tập 2, NXB Giáo dục.
  5. Vũ Lệ Hoa, 2010, Khéo léo trong giao tiếp, ứng xử sư phạm, Tạp chí Giáo dục, Số 236.
  6. Trần Thị Nga (2005), Nghiên cứu đặc điểm văn hóa ngôn ngữ cử chỉ của người Việt, Đề tài NCKH, ĐHQG, Hà Nội.
  7. Hoàng Phê (chủ biên), 2011, Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
  8. Saussure F.de (2007), Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  9. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-06-2019-TT-BGDDT-Quy-dinh-Quy-tac-ung-xu-trong-co-so-giao-duc-mam-non-pho-thong-411660.aspx

 

Địa chỉ liên hệ:

PGS.TS. Mai Thị Hảo Yến

Trưởng khoa Nhân văn & Giáo dục Khai phóng – Trường Đại học Tân Tạo

ĐC: Đại lộ Tân Tạo - TP. Tri thức Tân Đức - TP. Tân Đức – Đức Hòa – Long An

ĐT: 0911.336.529; Email: yen.mai@ttu.edu.vn

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
28065
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26917
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
23868
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18820
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18569
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
12124
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
11987
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9111
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Tiếng Việt Phổ thông
5821
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Ngôn ngữ - Văn hóa
5549
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5523
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5458
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Anh
4119
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3301
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
3071
Từ cũ và từ Hán Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 05/09/2021 12:05:39
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo