Vận dụng lí thuyết diễn ngôn đa phương thức vào việc dạy học Tập đọc cho học sinh lớp 5

Giáo dục và PPDH
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 1492 31/12/2022 16:04:56

VẬN DỤNG LÝ THUYẾT DIỄN NGÔN ĐA PHƯƠNG THỨC
VÀO VIỆC DẠY HỌC TẬP ĐỌC CHO HỌC SINH LỚP 5

Applying the Multi-Modal Language Theory in the Teaching Reading for Grade 5th Students

 

Bài đăng trong Kỉ yếu Hội thảo "Giáo dục và Quản lí giáo dục trong thời đại 4.0", NXB Thông tin Truyền thông, 2022, trang 210 - 219

 

  1. Trần Thị Lam Thủy(1) - TS. Nguyễn Thị Thu Hằng(2) - TS. Trịnh Cam Ly(3) - Nguyễn Thụy Nguyên(4)

(1), (2) Đại học Sài Gòn

(3) Sở Giáo dục & Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh

(4) Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục Việt Mỹ

ttlthuy@sgu.edu.vn

TÓM TẮT

Bài viết trình bày khả năng và phương pháp vận dụng lý thuyết diễn ngôn đa phương thức vào việc dạy học Tập đọc cho học sinh lớp 5. Qua đó, cho thấy tính ưu việt của lý thuyết này đối với việc chuyển tải thông tin bài giảng của giáo viên và tiếp nhận kiến thức của học sinh.

Từ khóa: bài giảng, diễn ngôn đa phương thức, Tập đọc cho học sinh lớp 5

ABSTRACT

The article presents the ability and method of applying multi-modal discourse theory in the teaching reading for grade 5th sudents. Thereby, it shows the preeminence of this theory for the transmission of lecture information of teachers and receiving knowledge of students.

Keywords: lectures, Multi-modal discourse, Teaching Reading for Grade 5th Students

1. Đặt vấn đề

Khoa học đã chứng minh, thùy thái dương, thùy đỉnh và thùy chẩm là ba phân khu đầu vào, giúp con người tiếp nhận thông tin thông qua thính giác, xúc giác (vận động) và thị giác. Theo đó ba giác quan tương ứng là thính giác, xúc giác và thị giác đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc học hỏi và tiếp thu kiến thức. Chính vì vậy, nếu tạo điều kiện cho học sinh sử dụng đồng thời các giác quan để trải nghiệm và lĩnh hội kiến thức thì việc dạy học sẽ đạt hiệu quả cao hơn rất nhiều so với việc chỉ tiếp nhận từ một kênh giác quan. Đối với học sinh Tiểu học nói chung, học sinh lớp 5 nói riêng, các cơ quan cảm giác đều đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện. Để giúp các em phát triển toàn diện, tiếp thu bài học tốt, việc tác động đồng thời lên nhiều cơ quan cảm giác trong quá trình dạy học là điều cần thiết và rất có ý nghĩa.

Một trong những phương tiện giúp giáo viên thực hiện được điều này chính là bài giảng tích hợp đa phương thức (vận dụng nhiều phương thức biểu đạt trong một bài giảng). Đây là lí thuyết đang được sử dụng như một phương pháp để phát huy khả năng lĩnh hội kiến thức, tính tích cực sáng tạo trong quá trình học tập cho học sinh. Cộng thêm sự hỗ trợ của công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy, lí thuyết này sẽ phát huy tối đa hiệu ứng của bài giảng. Giúp học sinh có nhiều trải nghiệm thú vị, lĩnh hội bài giảng, rèn luyện kĩ năng đạt hiệu quả cao.

Trong việc dạy học cho học sinh hiện nay, nhiều giáo viên tiểu học đã có tìm tòi, sáng tạo để bài giảng hấp dẫn hơn bằng việc vận dụng, đưa một số phương thức khác ngoài ngôn ngữ vào bài dạy. Tuy nhiên, hoạt động này còn mang tính bộc phát, chưa có cơ sở lí luận, chưa hình thành tính hệ thống. Chính vì vậy, bài viết này phân tích, đề xuất một số phương pháp vận dụng lý thuyết diễn ngôn đa phương thức vào việc dạy học một phân môn cụ thể - Tập đọc cho học sinh lớp 5 nhằm đề xuất một số nội dung và phương hướng khai thác hiệu quả cho bài giảng của giáo viên trong tương lai.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Lí thuyết diễn ngôn đa phương thức và bài giảng

2.1.1. Khái niệm

2.1.1.1. Diễn ngôn và văn bản

Diễn ngôn là thuật ngữ có nguồn gốc từ châu Âu, được dịch từ thuật ngữ Discourse. Thuật ngữ này có nội hàm rộng và không ngừng phái sinh nghĩa. Sara Mills từng cho rằng có vô số cách quan niệm và định nghĩa khác nhau về diễn ngôn trong nghiên cứu khoa học. Mặc dù ra đời sau thuật ngữ văn bản, song diễn ngôn dần dần được sử dụng rộng rãi và trở thành hiện tượng “bùng nổ” từ cuối những năm 1960; tạo ra một bước ngoặt ngôn ngữ học mà các nhà ngôn ngữ hậu hiện đại gọi là “bước ngoặt diễn ngôn” [3] .

Theo Teun Adrianus Van Dijk định nghĩa “Diễn ngôn là sự kiện giao tiếp diễn ra giữa người nói và người nghe (người quan sát…) trong tiến trình hoạt động giao tiếp ở một ngữ cảnh thời gian, không gian, hay những ngữ cảnh khác nào đó. Hoạt động giao tiếp này có thể bằng lời nói, bằng văn viết, những bộ phận hợp thành của nó có thể bằng lời và không lời”. [Dẫn theo 2; tr. 24].

Geoffrey Leech và Michael Short cho rằng: “Diễn ngôn là sự giao tiếp bằng ngôn ngữ, được xem như một sự trao đổi giữa người nói và người nghe, như một hành vi liên cá nhân mà hình thức được xác định bằng mục đích xã hội của nó. Văn bản là sự giao tiếp bằng ngôn ngữ (ngôn ngữ nói hoặc ngôn ngữ viết), được coi như một thông điệp được mã hoá bằng các phương tiện nghe nhìn của nó” [Dẫn theo 2; tr. 35].

Văn bản và diễn ngôn là những thuật ngữ tương đương, gần nghĩa, song lưu ý rằng, trong những cách dùng khác, một văn bản có thể được viết ra, trong khi một diễn ngôn có thể được nói ra… một văn bản có thể ngắn hay dài trong khi một diễn ngôn thường ngụ ý một độ dài nhất định bị chi phối bới mục đích giao tiếp; một văn bản buộc phải có liên kết trong khi một diễn ngôn buộc phải có một mạch lạc sâu hơn.

2.1.1.2. Diễn ngôn đa phương thức

Diễn ngôn đa phương thức là loại diễn ngôn không chỉ giới hạn ở hệ thống ngôn ngữ, được xây dựng ý nghĩa trong văn bản tương tác, phụ thuộc vào ảnh hưởng và tác dụng tương hỗ của tài liệu kí hiệu đa phương thức. Một sản phẩm diễn ngôn đa phương thức phải bao gồm ít nhất từ hai trong những thành phần sau trở lên: văn bản (text), hình ảnh tĩnh và đồ họa (still image & graphic), âm thanh (audio), hình ảnh động (video & animation)... và gần đây nhất là các chương trình tương tác (interactive program).

Theo Kress (2010) “Sử dụng ba chế độ trong một dấu hiệu - chữ viết, hình ảnh và màu sắc - có những lợi ích thực sự. Mỗi chế độ thực hiện một việc cụ thể: hình ảnh hiển thị những gì mất quá nhiều thời gian để đọc và viết tên những gì sẽ khó hiển thị. Màu sắc được sử dụng để làm nổi bật các khía cạnh cụ thể của thông điệp tổng thể ” [1; tr. 1]. Do đó, việc xem xét nhiều chế độ cùng một lúc sẽ tạo ra một phân tích phức tạp và nhiều sắc thái hơn, đặc biệt là khi xem xét các môi trường trực tuyến.

Tóm lại, đa phương thức ở diễn ngôn là việc sử dụng nhiều loại phương thức (ngôn ngữ văn tự và phi văn tự) để thực hiện một sản phẩm diễn ngôn. Một sản phẩm phải mang đến cho người đọc từ hai đến ba cách thức truyền tải trở lên.

Trong bài viết này, chúng tôi quy ước dùng thuật ngữ văn bản cho dạng/phần diễn ngôn sử dụng một loại kí hiệu là ngôn ngữ; thuật ngữ diễn ngôn cho các văn bản/bài đọc tích hợp từ hai phương thức biểu đạt trở lên.

2.1.2. Các phương thức biểu đạt của diễn ngôn đa phương thức và bài giảng dành cho học sinh tiểu học

2.1.2.1. Hình ảnh/hình ảnh động

Có thể nói hình ảnh/hình ảnh động có khả năng diễn đạt thay cho hàng nghìn từ khác nhau và giúp người học kích hoạt trí tưởng tượng. Nó tạo ra một bước phát triển mới cho bài giảng để có mặt một cách hấp dẫn trên nhiều địa hạt của thông tin. Ví dụ: bài giảng trên các trang web, báo mạng điện tử, vô tuyến truyền hình, v.v. Đặc biệt, hình ảnh động, là sự kết hợp của nhiều hình ảnh tĩnh thay đổi, gần giống với nguyên lí làm phim hoạt hình. Học sinh Tiểu học rất thích và hứng thú với những chuyển động của những hình ảnh tĩnh như vậy vì so với hình ảnh tĩnh thông thường, các em có thể cảm nhận rõ hành động, thái độ và cảm xúc của nhân vật, tạo được cảm giác chân thật hơn nhiều so với việc dùng ngôn ngữ biểu đạt. Nhờ vậy, bài giảng có thể “kiệm lời” nhưng lại tạo được hiệu ứng “Trăm nghe không bằng một thấy”. Chính vì lẽ đó mà một hình ảnh hoặc đoạn hình ảnh động đôi khi có thể khiến một sản phẩm bài giảng hấp dẫn hơn hẳn, khiến người học “bừng tỉnh” và không hề nhàm chán trong quá trình học.

2.1.2.2. Phim

Bản thân những đoạn phim (video/clip) đã mang tính đa phương tiện (gồm cả hình ảnh động và âm thanh). Trực quan thông qua phim thật sự là loại bài giảng ưu việt nhất từng có trong lịch sử. Vì chính tính đa phương tiện của phim đã cung cấp cho người học đầy đủ các thông tin, nội dung của đối tượng, của bài học. Thậm chí, nếu có thể thiết kế được những phim riêng cho từng bài học, tức là nội dung phim chính là nội dung của bài học, kèm theo phần đọc mẫu được tích hợp vào phim đó thì sẽ là công cụ dạy ngôn ngữ vô cùng hữu dụng.

2.1.2.3. Âm thanh

Những sản phẩm bài giảng có âm thanh không đơn thuần giống như phát thanh thông thường. Âm thanh được tích hợp có thể là âm thanh mô phỏng lại các âm thanh xuất hiện trong bài đọc (tiếng gõ cửa, tiếng cười…). Quan trọng nhất là phần đọc mẫu bằng tệp âm thanh thu sẵn, nhất là những từ ngữ khó phát âm đối với địa phương, những văn bản diễn cảm hoặc những đoạn hội thoại của các nhân vật trong bài. Âm thanh nghệ thuật sẽ tác động sâu vào tiềm thức, gợi lên cảm xúc và từ đó việc cảm thụ của người đọc đối với tác phẩm/bài học sẽ trở nên đơn giản. Giờ dạy học vì thế sẽ nhẹ nhàng, hiệu quả hơn.

2.1.2.4. Sơ đồ tư duy

Sơ đồ tư duy (SĐTD - Mind map) do Tony Buzan (1942) phát triển xuất phát từ cơ sở sinh lí thần kinh về quá trình tư duy: não trái đóng vai trò xử lí dữ liệu logic (con số, phép tính), não phải làm nhiệm vụ xử lí dữ liệu trực quan (hình ảnh, màu sắc). Để vận dụng và phối hợp sự cộng tác của não trái và não phải trong quá trình tiếp nhận và xử lí thông tin, Tony Buzan đã đề xuất SĐTD. Đây có thể nói là một phương tiện vô cùng hữu hiệu cho việc ghi nhớ.

Lí do là hai nửa bán cầu não của chúng ta có chức năng xử lí thông tin khác nhau. Não trái có chức năng xử lí các thông tin logic mang tính chất học thuật (phân tích, lí luận…) trong khi đó, não phải có chức năng xử lí các thông tin mang tính tưởng tượng (màu sắc, hình ảnh, âm thanh…). Trong thực tế, 90% các môn học ở trường hầu như chỉ sử dụng não trái. Và trong khi não trái phải làm việc hết công suất thì não phải “ngồi không”. Do đó, chúng ta cần bắt cả hai bán cầu não cùng làm việc. Đây là cách phát huy hết công suất của não. Hiệu quả được ví như là một người chạy bằng hai chân bao giờ cũng nhanh và bền hơn người chạy một chân. SĐTD giải quyết được vấn đề này.

Thực chất của việc sử dụng SĐTD là hình thức ghi chép bằng việc sử dụng màu sắc, hình ảnh để mở rộng và đào sâu các ý tưởng; đưa các kiến thức logic, lí luận thành các biểu tượng có thể hình dung, tưởng tượng, liên tưởng; tạo ra các điểm nhấn bằng màu sắc, đường nét… thu hút bán cầu não phải. Nói cách khác, nó buộc não phải cùng hoạt động để tiếp nhận thông tin cùng não trái. Nhờ vậy SĐTD giúp khả năng nhớ của con người vượt trội so với các phương pháp khác.

Tuy nhiên, SĐTD không chỉ cho thấy thông tin mà còn phản ánh cấu trúc tổng thể của một chủ đề và mức độ quan trọng của các thành phần riêng lẻ. Ví dụ, sau khi học xong một bài học, người học cần xem lại một cách tổng quan các nội dung kiến thức đã học. Sử dụng sơ đồ tư duy giúp hệ thống hóa được dung lượng kiến thức bao phủ theo bề rộng, đem đến cái nhìn toàn cảnh. Vì vậy, đối với người học, học qua sơ đồ tư duy còn giúp rèn luyện khả năng nắm bắt và sáng tạo, tổ chức và phân loại. Có thể nói, học tập bằng sơ đồ tư duy là trải nghiệm khoa học nghiêm túc để tìm kiếm góc nhìn tổng thể nhanh nhất, đánh giá vấn đề chính xác nhất. Đó là lí do vì sao sơ đồ tư duy giúp người học có một trí nhớ tuyệt vời và khả năng bao quát tổng thể, phân tích logic như một nhà khoa học.

2.1.2.5. Bảng - biểu đồ

Phương pháp biểu đồ - còn gọi là phương pháp Graph (table - graph/chart/diagram). Đây là cách xâu chuỗi các nội dung rời rạc thành một hệ thống bằng các mô hình trực quan như hình ảnh, bảng thống kê, biểu đồ với nhiều dạng thức khác nhau. Với mỗi dạng thức, tiếng Việt có từ để gọi khác nhau như bảng, biểu đồ, đồ thị, sơ đồ, v.v. 

Có nhiều kiểu lập biểu đồ. Ví dụ:

- Kiểu biểu đồ hình chậu, hình cây, xương cá… biểu thị hệ thống kiến thức từ khái quát đến cụ thể hoặc ngược lại. Điều này giúp cho người học có được cái nhìn bao quát và hệ thống về đối tượng một cách dễ dàng dù đối tượng đó có nhiều tầng bậc phức tạp đến đâu cũng sẽ trở nên đơn giản.

- Lập bảng tập hợp các hiện tượng, các đối tượng cụ thể có những nét tương đồng về những luận điểm, những chùm ý khái quát hơn.

Với đối tượng kiến thức này, chúng ta có thể sử dụng bằng bảng, lập các tiêu chí để so sánh, tìm/thể hiện điểm tương đồng và khác biệt.

Bằng việc sắp xếp các đơn vị kiến thức đồng cấp, tương đương vào một hệ thống, người học sẽ dễ dàng nhận ra điểm giống và khác giữa các dạng thức. Từ đó, tự người học sẽ rút ra được kiến thức cần thiết mà không cần lời giải thích nào của người dạy. Điều đó giúp cho người học chủ động lĩnh hội và kiến thức tự nó sẽ khắc sâu trong nhận thức của họ.

Khi người học tiếp xúc với bài giảng để tiếp thu kiến thức, mức độ tiếp thu phụ thuộc vào các thành tố: trình độ của cá nhân người học, hình thức trình bày của sách giáo khoa/tài liệu và cách triển khai hoạt động dạy học của giáo viên. Trong đó, hình thức trình bày là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến các thành tố còn lại. Đối với giáo viên (người triển khai bài giảng), hình thức trình bày của tài liệu giảng dạy hợp lí sẽ hỗ trợ tối đa cho phần chuẩn bị bài dạy. Nếu các bộ phận của hình thức bài giảng phối hợp chặt chẽ, logic, đa dạng, giáo viên hoàn toàn có thể triển khai nội dung bài học phù hợp, theo tiến trình trực quan và nhận thức một cách dễ dàng; không cần thiết tìm thêm nguồn tư liệu tham khảo hoặc chuẩn bị quá nhiều phương tiện trực quan khác; có thể tiết kiệm được thời gian và công sức. Đối với người học (người tiếp nhận bài giảng) hình thức bài giảng phù hợp, rõ ràng và độc đáo sẽ kích thích hứng thú học tập, tìm hiểu; chuyển hóa nội dung khô khan, khó hiểu thành những đơn vị kiến thức sinh động; và còn giúp người học khắc sâu kiến thức, gợi nhớ nhanh chóng khi cần thiết.

Diễn ngôn đa phương thức tích hợp các hình thức trình bày; tạo sự tương tác linh hoạt, thông minh giữa tài liệu và người học; nhằm làm cho bài học hấp dẫn, thú vị, dễ nhớ, dễ vận dụng và không hề nhàm chán.

2.2. Các phương thức chủ yếu trong diễn ngôn Tập đọc lớp 5

Các phương thức chủ yếu được sử dụng trong văn bản Tập đọc lớp 5 là phương thức phối hợp ngôn ngữ, hình ảnh và ký hiệu. Hệ thống các ký hiệu giúp học sinh phân biệt được các phần riêng biệt và hiểu được mục đích, công dụng của từng phần trong cấu trúc diễn ngôn đa phương thức của văn bản tập đọc trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5, để tri giác và tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả, nhanh chóng. Bên cạnh đó, mỗi văn bản tập đọc đều có một tranh/ảnh minh họa đi kèm.

Dưới đây là sơ đồ hình ảnh và các kí hiệu trong bài học:

 

 Sơ đồ 1. Hệ thống kí hiệu và bố cục trong bài đọc Tập đọc - Tiếng Việt 5

Qua bài đọc “Thư gửi các cháu học sinh” - Tuần 1, Tiếng Việt 5, Tập 1

Nhìn vào sơ đồ có thể thấy rõ dụng ý của nhà soạn sách trong bố trí dạng chữ (font), cỡ chữ (site), các phần trong diễn ngôn (parts), các kí hiệu (icons) và đặc biệt là hình minh họa (image). Các kí hiệu được sử dụng với vai trò đánh dấu các phần văn bản, hình ảnh minh họa cho nội dung bài học; các kiểu chữ và cỡ chữ phân biệt các phần văn bản với nhau... tạo nên một diễn ngôn được trình bày vừa hấp dẫn, vừa khoa học.

Khảo sát 62 bài Tập đọc trong sách giáo khoa Tiếng Việt 5, chúng tôi có 62 hình đi kèm (100% bài học có hình ảnh minh họa). Nội dung các bức tranh chủ yếu tập trung vào ba nhiệm vụ sau:

(1) Minh họa chủ đề của bài học

(2) Minh họa nhân vật chính trong bài đọc

(3) Minh họa nội dung bài đọc.

Hầu hết là những bức tranh vẽ hoặc ảnh chụp thực tế để giới thiệu nhân vật hoặc địa danh hoặc phong cảnh, sự việc liên quan đến nội dung trong bài. Ví dụ:

  • Nghìn năm văn hiến: Ảnh chụp cổng vào Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Những con sếu bằng giấy: Ảnh chụp đài tưởng niệm thiếu nhi hòa bình dành cho trẻ em đã thiệt mạng trong vụ ném bom năm 1945 ở Nhật Bản.

  • Sự sụp đổ của chế độ A-pác-thai: Ảnh chân dung Nen-xơn Man-đê-la.
  • Kỳ diệu rừng xanh: Ảnh chụp rừng cây um tùm, xanh biếc.
  • Trồng rừng ngập mặn: Ảnh chụp một góc rừng ngập mặn với rừng cây xanh tốt, um tùm.
  • Nhà tài trợ đăc biệt của Cách mạng: Ảnh chân dung nhà tài trợ Đỗ Đình Thiện (1904 – 1972).
  • Tà áo dài Việt Nam: Ảnh bức tranh sơn dầu “Thiếu nữ bên hoa huệ”.
  • Bầm ơi: Tranh vẽ hình ảnh người chiến sĩ suy tư đang nhớ về bầm của mình ở quê nhà, nhớ lúc bầm đang cấy lúa trong trời mưa phùn lạnh giá.
  • Thư gửi các học sinh: tranh vẽ Bác Hồ đang viết thư, nghĩ tới các em nhỏ hân hoan tới trường trong ngày đầu tiên đi học, v.v.

Hình ảnh minh họa trong các bài học thể hiện khá chân thực nhân vật, địa danh hoặc nội dung bài đọc; có khả năng thu hút sự chú ý và tạo ra sự tò mò, hứng thú cho học sinh khi tìm hiểu bài. Thực tế cho thấy, hình ảnh minh họa là cầu nối giữa học sinh và nội dung bài đọc. Thông qua những hình ảnh ấy, học sinh vừa nhìn, vừa nghe, vừa đọc – vận dụng nhiều giác quan trong quá trình tiếp nhận thông tin. Nhờ vậy, hình ảnh minh họa hỗ trợ đắc lực trong việc khắc sâu cũng như tái hiện và gợi nhớ nội dung bài đọc.

Như vậy, sách giáo khoa đã tạo một tiền đề rất cơ bản, việc còn lại của người dạy chính là làm thế nào để phát huy được tối đa sức mạnh của hình ảnh trong bài giảng của mình.

2.3. Vận dụng lí thuyết diễn ngôn đa phương thức trong bài dạy học Tập đọc

2.3.1. Phát huy khả năng kích thích của hình ảnh, tạo hứng thú tìm hiểu và ghi nhớ bài học

a. Quan sát hình ảnh – khởi động bài học

Thông thường trước khi vào bài dạy, bất cứ giáo viên nào cũng đều thực hiện hoạt động khởi động. Hoạt động này có thể vận dụng nhiều hình thức khác nhau như cùng hát một bài hát; chơi một trò chơi; thi - đố... liên quan đến chủ đề, nội dung bài đọc để tạo hứng thú học tập cho học sinh. Một trong những hình thức đó là sử dụng ngay hình ảnh trong bài với phương pháp trực quan, tạo sự chú ý của học sinh ngay từ đầu bài học. Theo lẽ thông thường, để phù hợp với tiến trình bài học, giáo viên nên chọn những hình ảnh được bố trí ngay dưới tiêu đề bài đọc để sử dụng cho hoạt động khởi động.

Ví dụ, khởi động cho bài học Trí dũng song toàn (Tuần 21, Tiếng Việt 5, tr. 25), giáo viên có thể yêu cầu học sinh chưa đọc bài mà quan sát tranh và đoán xem chuyện gì đang xảy ra trong bức tranh hoặc thái độ của những người trong bức tranh như thế nào. Ví dụ:

- Quan sát bức tranh và cho biết, thái độ của các nhân vật trong bức tranh như thế nào?

- Quan sát bức tranh và cho biết, các nhân vật trong tranh đang làm gì?

Hình 1. Hình minh họa dưới tiêu đề bài đọc Trí dũng song toàn

(Hoàng đế mặc hoàng bào đang rất tức giận đập tay xuống bàn; 2 viên quan phía sau sợ sệt lo lắng trong khi người đối diện đang tranh luận với nhà vua tư thế rất tự tin, kiên nghị).

Yêu cầu này giúp cho học sinh phát huy khả năng tái hiện hiện thực qua quan sát, phát huy trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo của mình để tìm câu trả lời; từ đó mà gợi tò mò, kích thích mong muốn đọc để tìm hiểu nội dung thực sự của bài đọc.

b. Quan sát hình ảnh - khắc sâu kiến thức bài học

Trong bố cục của bài đọc, nhiều hình ảnh được sắp xếp lùi về cuối hoặc giữa bài đọc.

Giáo viên có thể vận dụng những hình ảnh này để cho học sinh quan sát, gợi nhớ nội dung đã/vừa được học trong quá trình giảng dạy của mình.

Ví dụ, sau khi đọc, tìm hiểu bài Út Vịnh (Tuần 32, Tiếng Việt 5, Tập 2), giáo viên có thể yêu cầu học sinh thuyết minh về hình ảnh trong bài, từ đó đặt ra một số câu hỏi khắc sâu bài học.

Hình 2. Hình minh họa cuối bài đọc Út Vịnh – Trang 136

(Hai bạn nhỏ Hoa và Lan đang chơi chuyền thẻ ngay trên đường ray trong khi con tàu đang tiến lại gần – tình thế vô cùng nguy hiểm. Út Vịnh lao đến báo hiệu nguy hiểm để cứu hai em nhỏ).

- Tình thế của hai em nhỏ trong bức tranh như thế nào? (vô cùng nguy hiểm, tai nạn sắp xảy ra trong gang tấc).

- Út Vịnh đã làm gì để cứu hai em nhỏ? Em hình dung như thế nào về tư thế chạy về phía hai bạn nhỏ của Út Vịnh? (Chạy lao đến, bất chấp nguy hiểm).

Trong thực tế, bộ não con người có khả năng lưu giữ hình ảnh tốt hơn chữ viết. Chính vì vậy, dùng việc phân tích hình ảnh để khắc sâu nội dung bài học là hoạt động rất hiệu quả.

2.3.2. Tích hợp âm thanh, phim trong bài giảng

a. Âm thanh đọc diễn cảm

Trên thực tế, sách giáo khoa Tiếng Việt không cung cấp âm thanh bài đọc cho giáo viên. Chính vì vậy, để có được nguồn tài nguyên này, giáo viên phải chủ động khai thác bằng nhiều hình thức như tự ghi âm giọng đọc của mình, tìm tệp âm thanh giọng đọc của các nghệ sĩ trên Internet hoặc thậm chí nhờ những người có giọng đọc tốt, chuẩn xác và diễn cảm đọc để ghi âm. Với sự hỗ trợ của công nghệ, giáo viên có thể dễ dàng đính kèm tệp âm thanh vào bài giảng để mở ra cho học sinh nghe, tập đọc... trong quá trình dạy học.

Hoạt động đọc thành tiếng trong giờ Tập đọc lớp 5 thường giải quyết hai vấn đề: 1) đọc đúng (đọc từ khó do phát âm địa phương; đọc câu đúng chỗ ngừng nghỉ); 2) đọc nâng cao (luyện đọc lại). Nếu giáo viên phải đảm đương cả hai bước này trong giờ dạy sẽ có thể quá tải nếu lớp đọc có nhiều học sinh đọc yếu; thậm chí nhiều giáo viên đã than là bị khản cả cổ sau giờ tập đọc cho học sinh. Như vậy, giáo viên có thể linh hoạt tích hợp tệp âm thanh trong bài dạy vừa giảm bớt nỗi vất vả, vừa đảm bảo độ chính xác trong mọi hoàn cảnh. Đồng thời tệp âm thanh có thể giúp học sinh nghe lại khi luyện đọc ở nhà để đọc được chính xác hơn, phụ huynh nhờ thế cũng hỗ trợ được con em mình luyện đọc tốt hơn.

b. Phim nhạc hoặc nội dung liên quan đến bài học

Trong thực tế, có rất nhiều bài đọc dành cho học sinh tiểu học là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, đã được phổ nhạc, dựng thành phim. Ví dụ, bài thơ Hạt gạo làng ta của Trần Đăng Khoa, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm, Con chim chiền chiền của Huy Cận đã được phổ nhạc; nhiều nhân vật lịch sử đã được dựng thành phim như Thái sư Trần Thủ Độ, Anh hùng Núp; nhiều địa danh, thắng cảnh đã được giới thiệu trên các kênh truyền hình, youtube, v.v. Tất cả đều có thể khai thác trở thành nguồn tài liệu để giáo viên đưa vào trong bài giảng, tích hợp vào nội dung bài học, làm cho bài học hấp dẫn hơn, học sinh hứng thú học tập hơn.

2.3.3. Cấu trúc kiến thức thành sơ đồ, sơ đồ tư duy, biểu đồ

Việc xâu chuỗi, sắp xếp các kiến thức đã học thành sơ đồ (SĐTD, bảng, biểu đồ) là một thao tác vô cùng ý nghĩa, giúp học sinh nhìn lại một cách tổng quát kiến thức đã được học. Với những từ khóa ngắn gọn, với hình ảnh gắn với từ ngữ, với cách bố trí tầng bậc… sẽ là những kí hiệu giúp học sinh nắm nội dung bài học một cách dễ dàng. Ví dụ, với bài học Quang cảnh làng mạc ngày mùa (Tập 1, tr. 11), hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài, giáo viên có thể xây dựng biểu đồ như sau:

Sơ đồ 2. Sơ đồ tư duy – Màu vàng trù phú, ấm no của làng mạc ngày mùa

Việc vận dụng SĐTD kết hợp từ ngữ và hình ảnh như trong Sơ đồ 2 (Mỗi đối tượng được biểu thị theo 3 cấp độ: tên đối tượng – hình ảnh đối tượng - từ chỉ đặc điểm) sẽ giúp học sinh vừa nhìn và cảm nhận được một cách khái quát bức tranh làng mạc ngày mùa trù phú ấm no như thế nào, vừa hiểu được ý nghĩa và nhìn thấy một cách trực quan những sắc độ của màu vàng trong tiếng Việt.

4. Kết luận và kiến nghị

Có thể nói, công nghệ thông tin phát triển là một trong những điều kiện cơ bản, tạo điều kiện cho sự ra đời và phát triển diễn ngôn đa phương thức. Bài giảng đã phát triển từ một dạng kí hiệu chủ yếu (ngôn ngữ) đến ngôn ngữ kết hợp hình ảnh. Cho đến nay, các phần mềm soạn thảo trên PowerPoint, Word… cho phép tích hợp hình ảnh, âm thanh, video… các chương trình SmartArt, Chart, Icons… đều cho phép giáo viên làm phong phú thêm bài giảng của mình với nhiều phương thức khác nhau. Tất cả tích hợp trong một diễn ngôn (bài giảng) giúp người dạy đạt được hiệu quả giảng dạy cao nhất có thể, giúp người học tiếp thu tốt hơn, huy động được hết khả năng tiếp nhận để tiếp thu đơn giản và hiệu quả hơn.

Hiện nay, việc thay sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục 2018 đang trong quá trình tiến hành. Đến năm học 2022 – 2023 này, Tiếng Việt 3 đã đi vào sử dụng sách giáo khoa mới. Nghĩa là chỉ còn vài năm nữa, học sinh lớp 5 đã học sách mới. Tuy nhiên, nhiều bài đọc trong sách giáo khoa hiện nay vẫn giữ nguyên giá trị giáo dục và nên được giữ lại, chẳng hạn như Hạt gạo làng ta, Con chim chiền chiện (Tiếng Việt 4); Quang cảnh làng mạc ngày mùa, Một vụ đắm tàu, Tiếng rao đêm (Tiếng Việt 5), v.v. Tuy nhiên, qua nghiên cứu này, chúng tôi có một số đề xuất gửi đến các nhà biên soạn sách trong tương lai.

Thứ nhất, việc đưa hình ảnh vào diễn ngôn Tập đọc nói riêng, sách Tiếng Việt nói chung cần được chú ý hơn tới độ sáng, độ rõ, màu sắc… để phát huy được giá trị của hình ảnh cao hơn trong bài học.

Thứ hai, cần có sự định hướng tích hợp hình ảnh cho giáo viên và học sinh trong hướng dẫn tìm hiểu bài (Theo thống kê của chúng tôi từ 62 bài tập đọc của Tiếng Việt 5 hiện tại, không có bài đọc nào có câu hỏi định hướng liên quan đến hình ảnh được đưa vào trong bài). Như vậy, việc phát huy vai trò của hình ảnh sẽ được thực hiện một cách có ý thức hơn.

Thứ ba, từ phía các nhà quản lí giáo dục, cần tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng kĩ năng soạn giảng bài giảng đa phương thức cho giáo viên.

Trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi chỉ đề cập đến việc vận dụng lí thuyết diễn ngôn đa phương thức vào một phân môn cụ thể - phân môn Tập đọc trong Tiếng Việt 5 làm ví dụ cho việc vận dụng lí thuyết này. Từ đó, giáo viên có thể vận dụng để phát triển bài giảng của mình ở nhiều phân môn, môn học khác nhau, giúp cho giờ học hiệu quả, hứng thú và bổ ích hơn.

Bài viết là một phần trong đề tài Vận dụng lý thuyết diễn ngôn đa phương thức vào việc dạy học tập đọc cho học sinh lớp 5; Mã số: CS2020-54. Nhóm tác giả trân trọng cám ơn Trường Đại học Sài Gòn đã tài trợ cho nghiên cứu này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. G. Kress (2010), Multimodality: A social semiotic approach to contemporary communication. Journal of Pragmatics, 43 (14), 3624-3626. https://doi.org/10.1016/j.pragma.2011.06.013
  2. M. Jorgensen và L. Phillips (2002), Discourse Analysis as a Theory and Method, SAGE Publications Ltd.
  3. Sara Mills (1997) Discourse, Routledge, London and New York, Introduction.
  4. Tony & Barry Buzab (2005), The min map book (Sơ đồ tư duy). Bản dịch của Lê Huy Lâm, NXB Tổng hợp TP. HCM.
  5. Trần Thị Lam Thủy (2019) Vận dụng phương pháp biểu đồ trong dạy và học tiếng Việt ở trung học cơ sở, Tạp chí Khoa học - Trường Đại học Sài Gòn – Số 61/2019.

TÀI LIỆU KHẢO SÁT

Bộ Giáo dục & Đào tạo (2015), Tiếng Việt 5, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam.

Bộ Giáo dục & Đào tạo (2015), Tiếng Việt 5, Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam.

 

 

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
27867
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26806
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
23831
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18746
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18501
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
11932
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
11893
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9059
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Ngôn ngữ - Văn hóa
5497
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5462
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5402
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Việt Phổ thông
5398
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Tiếng Anh
4051
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3263
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
2999
Từ trái nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:39:45
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo