Bằng lí thuyết tri nhận, góp phần giải mã tư duy văn hóa dân tộc qua những quan niệm về con số
BẰNG LÍ THUYẾT TRI NHẬN, GÓP PHẦN GIẢI MÃ TƯ DUY VĂN HÓA DÂN TỘC
QUA NHỮNG QUAN NIỆM VỀ CON SỐ
Trần Thị Lam Thủy
- Đặt vấn đề
1.1. Tri nhận là khái niệm trung tâm của khoa học tri nhận, bao gồm quá trình nhận thức hoặc tổng thể những quá trình tâm lí (tinh thần, tư duy) – tri giác, phạm trù hóa, tư duy, lời nói... phục vụ cho việc xử lí và chế biến thông tin.
Tri nhận là tất cả những quá trình trong đó những dữ liệu cảm tính được cải biến khi truyền vào trong não dưới dạng những biểu tượng tinh thần (hình ảnh, mệnh đề, khung, cảnh, v.v.) để có thể lưu lại trong trí nhớ con người. Quá trình tri nhận của con người có thể đi qua các giai đoạn sau:
(1). HOÀN CẢNH THỰC TẾ (hay TÌNH HUỐNG)
(2). Tình huống lặp đi lặp lại nhiều lần hình thành KINH NGHIỆM
(3). Sự tích lũy kinh nghiệm tạo ra HIỂU BIẾT (hay KIẾN THỨC, KĨ NĂNG)
(4). Tập hợp những kiến thức cụ thể hình thành nên TRI THỨC
(5). Tri thức lưu giữ trong bộ nhớ của con người biến thành Ý THỨC
(6). Ý thức kết hợp với tâm lí, văn hóa, những quan điểm triết học... hình thành nên Ý NIỆM
Tổng hợp quá trình từ tình huống thực tế đến kinh nghiệm – hiểu biết – tri thức – ý thức – ý niệm là một quá trình TINH THẦN hay còn gọi là quá trình hoạt động TRI NHẬN của con người [4; tr. 90].
1.2. Một trong những phương tiện lưu giữ và phản ánh quá trình tri nhận của con người chính là ngôn ngữ. Ngôn ngữ đưa những ý niệm – thế giới tinh thần của con người thành những phác họa bằng những chất liệu ngôn ngữ, tạo thành những bức tranh ngôn ngữ. Bởi ngôn ngữ có liên quan mật thiết tới đặc trưng văn hóa – dân tộc nên bức tranh được vẽ ra thường phản ánh một mảng của đời sống người bản ngữ với những gam màu đặc trưng cho nền văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, bức tranh ngôn ngữ vừa mang tính phổ quát, vừa mang tính đặc thù. Những ý niệm về con số trong văn hóa dân tộc Việt cũng vậy. Chúng tôi xin dẫn một số cứ liệu chứng tỏ ý thức về việc sử dụng con số của người Việt ngay từ xa xưa – có thể nói, những ý niệm này đã tạo thành bức tranh toàn vẹn về con số.
- Nội dung
2.1. Con số trong tư duy truyền thống của người Việt
Trong cuốn “Phép biện chứng của tự nhiên”, Engel đã viết: “giống như con số, vũ trụ cũng phục tùng những quy luật nhất định”. Điều đó có thể nói ngược lại, giống như vũ trụ, con số cũng tồn tại theo những quy luật nhất định, thể hiện những quy luật nhất định của đời sống. Nếu trong các khoa học tự nhiên, con số tồn tại với những trật tự logic của nó thì trong đời sống văn hóa, con số cũng không đi ra ngoài quy luật này.
2.1.1. Qua các thần thoại, truyền thuyết của người Việt
Nếu làm một thao tác sắp xếp các truyện dân gian của người Việt theo trật tự từ khi hình thành người Việt đến lập nước và đến xây dựng đất nước thì câu chuyện đầu tiên là Truyện trăm trứng (còn có các tên gọi: Họ Hồng Bàng; Con Rồng cháu Tiên). Trong câu chuyện này, ý niệm về con số đã rất rõ ràng. Chuyện kể về mẹ Âu Cơ là tiên nữ thuộc họ Thần Nông, lấy Lạc Long Quân thuộc nòi Rồng, sinh ra một cái bọc một trăm trứng. Trăm trứng ấy lại nở thành trăm người con trai khỏe mạnh. Đó là những người đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Nguồn gốc cao quý Tiên và Rồng cùng với con số một trăm đã thể hiện niềm tự hào về nòi giống của dân tộc.
Câu chuyện thứ hai về vua Hùng kén rể, khi cả hai chàng trai Sơn Tinh và Thủy Tinh đến cầu hôn cùng một lúc, vua không biết chọn ai đã yêu cầu một sính lễ là Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao (truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh). Ai đem đến trước, người đó được cưới công chúa Mị Nương.
Truyện An Dương Vương xây thành Cổ Loa (còn có các tên gọi: Truyện nỏ thần; An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy) kể về việc An Dương Vương xây dựng Loa Thành gồm ba vòng. Theo Nguyễn Đăng Duy, con số ba hẳn đã nói lên sự mong muốn sức mạnh vũ trụ, âm dương kết tụ vào tòa thành (số một dương, số hai âm). Số ba cũng nói lên thiên địa nhân nhất thể, tam trùng nhất điểm. Loa là con ốc, phải chăng khi ấy cùng với con số ba, tên Loa Thành còn ẩn dụ ý nghĩa sự vật phát triển theo đường xoáy trôn ốc [5, tr. 79].
Truyện thứ tư là Sự tích trầu cau. Câu chuyện kể về mối tình chung thủy của hai anh em Tân và Lang với người con gái tên Liên. Cả ba chết hóa thành cây cau, dây trầu và đá vôi. Một lần vua Hùng đi tuần thú đến trước một ngôi miếu thờ, thấy có một cây xum xuê quả, dây leo quấn quanh thân cây đầy lá xanh tươi, dưới gốc cây lại có tảng đá trắng. Hỏi ra mới biết đó là hóa thân của Tân, Lang và Liên. Vua sai lấy quả trên cây, lấy lá dây leo nhai thử, nhổ nước bọt xuống phiến đá thấy có sắc đỏ, mùi vị thơm tho. Vua sai lấy đá nung vôi nhai chung với quả cây, lá dây leo, thấy mùi vị thơm tho, môi đỏ, má hồng. Từ đó về sau, mỗi khi cưới gả vợ chồng đều lấy trầu cau làm đồ sính lễ. Từ câu chuyện gắn liền với con số ba này, nhiều lễ nghi trong sinh hoạt văn hóa của dân gian được bắt đầu bằng miếng trầu - Miếng trầu là đầu câu chuyện.
Truyện Thạch tướng quân, kể về vị tướng đã giúp vua Hùng thứ mười sáu dẹp giặc ở vùng Tiên Lát Bắc Giang được sinh ra từ một tảng đá nứt vỡ làm ba mảnh. Tảng đá ấy trước có một con rắn dài mười trượng đủ ngũ sắc phủ lên đêm ngày. Khi ra trận, Thạch tướng quân dùng roi đá, ngựa đá, cờ đá dẹp tan quân Man.
Như vậy, chỉ qua năm truyền thuyết thời vua Hùng, chúng ta có thể thấy những quan niệm về con số đã hình thành và vững chắc trong tư duy của người Việt từ rất sớm – Trước cả thời kì văn hóa Trung Hoa du nhập vào nước ta.
2.1.2. Qua các di chỉ để lại
Để có thể thấy sự xuất hiện của con số, chúng tôi xin liệt kê một số di chỉ có dấu tích của con số trên một số di vật được tìm thấy qua các nền văn hóa:
- Văn hóa Hòa Bình (cách ngày nay khoảng 11000 đến 8000 năm): trong các di chỉ mài đá làng Mý phát hiện một hòn cuội, một mặt khắc mười tám nhóm vạch, mỗi nhóm ba vạch; tại di chỉ Lam Gan, phát hiện hòn cuội, cạnh có chín nhóm vạch, mỗi nhóm ba vạch.
- Văn hóa Bắc Sơn (cách ngày nay khoảng từ 8000 đến 7000 năm): Di chỉ Bản Tắc Bắc Thái phát hiện một hiện vật hai mặt đều khắc mười lăm nhóm vạch.
- Văn hóa Phùng Nguyên (cách ngày nay chừng 4000 đến 3500 năm), trên các đồ gốm, họa tiết hoa văn thường chạy vòng tròn lặp lại sáu lần.
- Văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay khoảng 3000 đến 2000 năm): Trống đồng Đông Sơn, tang sống thường thấy sáu hình thuyền; giữa mặt trống là hình ngôi sao, phần nhiều là sao mười hai cánh, ngoài ra có một số trống hình sao tám cánh và mười cánh; xen giữa các cánh sao là họa tiết lông công hoặc những đường vạch chéo có hình tam giác lồng vào nhau; vành chim trên mặt trống có khi khắc bốn con, một vài trống là sáu con, phần lớn mỗi vành có mười tám con chim.
- Trống đồng Sông Đà: về trống đồng Sông Đà, đến nay còn lưu lại câu chuyện người nghệ nhân do lúc đầu sơ ý đã chia nhầm thành mười bảy cung bằng nhau, khi khắc đến hình chim thứ mười sáu thì chỉ còn một đoạn, do đó đã phải cố khắc hai con chim vào vành cuối này cho đủ số lượng là mười tám con, bởi vậy mà có mười sáu con chim bay và hai con chim đứng.
Như vậy có thể thấy con số mười tám (mười tám đời Hùng Vương, mười tám bộ lạc liên minh tạo nên nhà nước Văn Lang, mười tám người con trong câu chuyện Đẻ đất đẻ nước của người Mường…) đều có ý nghĩa rất đặc biệt với đời sống tinh thần của cư dân Văn Lang thời đó. Con số mười tám chiếm một vị trí khá quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của người Lạc Việt, giống như số sáu mươi của người Babilon ở Lưỡng Hà hay số hai mươi của người Maya cổ.
Điểm qua các dấu hiệu về con số xuất hiện trong các di chỉ, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự lặp lại của các con số ba, chín (số 18 cũng là 1 + 8 = 9), 15, 6 (1 + 5 = 6), 10, 100... Điều đó cho thấy ý thức rõ rệt của người Việt cổ trong việc sử dụng các con số. Để giải thích về hiện tượng này, có lẽ phải bắt đầu từ chính những quan niệm về con số trong tư duy của người Việt.
2.1.3. Con số và triết lí âm dương của người Việt
Có thể khẳng định, quan niệm về con số của người Việt gắn liền với những tư duy về vũ trụ, đó là những yếu tố âm dương. Ban đầu những biểu hiện tư duy này chưa hoàn chỉnh, chưa được kí hiệu hoá song đã biểu hiện ra bằng nhiều biểu tượng: những đôi nam nữ giao hợp trên nắp thạp Đào Thịnh; hình tượng con cóc trên mặt trống đồng; hình ảnh chim và hươu; biểu tượng vuông - tròn... đều là những biểu tượng biểu hiện âm dương hoà hợp đạt đến độ hoàn thiện [7]. Nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao của người Việt đã diễn đạt sự hoàn thiện ấy bằng hình tượng vuông tròn: Mẹ tròn con vuông, Ba vuông bảy tròn... Ba vuông sánh với bảy tròn / Đời cha vinh hiển, đời con sang giàu, v.v.
Với những quan niệm như trên, chắc chắn hệ thống con số cũng chịu sự chi phối của triết lí âm dương - Những triết lí ấy đã nảy nở trong tư duy người Việt từ rất xa xưa (những truyền thuyết, di chỉ để lại đã nói lên điều đó). Tác giả Nguyễn Hữu Lương cho rằng, về sau này khi Kinh Dịch từ Nho giáo du nhập vào nước ta, quan niệm âm dương được thể hiện rõ qua hệ thống con số, chính danh hoá những yếu tố âm dương ngũ hành sẵn đã nẩy nở trước đó ở nước ta [6]. Theo đó, mười con số từ một đến mười cũng được chia thành hai hệ thống số âm và số dương.
Về các số dương, theo Thu Giang Nguyễn Duy Cần thì Dương là nam (đàn ông), cương, thiện, đại, chánh, thành, thực, quân tử, phú, quý, cho (phát ra), động, nóng, phía trên, bên ngoài, sáng… Các con số Dương là các số lẻ: một, ba, năm, bảy, chín. Các con số này đều để nói lên sự thành, thịnh, suy, huỷ của dương khí...Con số một thường gọi là thiếu dương, con số ba thường gọi là thái dương. Kì thực số một là thiếu dương ở thời kì vừa sinh ra, mà số ba là thiếu dương ở thời kì thành... Số bảy như vậy mới thực là thái dương (theo nghĩa của tứ tượng) tức là ở thời “thịnh”. Số chín là thái dương ở thời kì cực thịnh (nên gọi là lão dương) [3, tr. 275].
Về các con số âm, có thể hiểu Âm là nữ (đàn bà), nhu, ác, tiểu, tà, ngụy, hư, tiểu nhân, bần, tiện, lấy (thu hút), tịnh, lạnh, phía dưới, bên trong, tối, v.v. Các con số chẵn hai, bốn, sáu, tám, mười là các số âm. Trong đó số hai là thiếu âm (thời sinh), số bốn là thiếu âm (thời thành), số sáu mới là thái âm (theo nghĩa của tứ tượng) có khi cũng gọi là lão âm. Số tám mới thực là lão âm vì âm khí đã đến kì cực thịnh. Số mười được gọi là chung âm (số âm cuối) [3; tr.276]. Có lúc số mười được quan niệm như số một trăm - con số vạn hữu - chỉ tất cả thế giới sự vật rộng lớn, toàn thể. Kiểu như chín phương trời, mười phương đất, v.v.
2.2. Một số biểu hiện quan niệm về con số trong đời sống của người Việt
2.2.1. Những quan niệm gắn với con số lẻ
Người Việt rất thích dùng con số lẻ. Khi thống kê các con số được sử dụng trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao [6, 7, 8], chúng tôi nhận thấy các con số lẻ đặc biệt được sử dụng rất nhiều: thành ngữ (316 đơn vị có số lẻ / 464 đơn vị sử dụng số chiếm 68,1%); tục ngữ (1515 câu sử dụng số lẻ / 2164 câu sử dụng số chiếm 70%); ca dao (1321 bài sử dụng số lẻ / 1920 bài sử dụng số chiếm 68,8%). Số liệu trên cho thấy con số lẻ chiếm ưu thế trong tư duy, trong nếp nghĩ và thói quen sử dụng ngôn ngữ của người Việt. Trong các truyền thuyết, các di chỉ ở trên, các con số xuất hiện chủ yếu cũng là số lẻ (số 3, 9 – 18 cũng là bội của 9). Trong các sinh hoạt đời sống hàng ngày, con số cũng rất được người Việt chú ý:
- Trong kiến trúc: khi thiết kế cho ngôi nhà của mình hoặc cho những không gian thiêng liêng nơi đền chùa, người Việt lại rất chú trọng đến con số lẻ. Cổng là cổng tam quan, bậc là bậc tam cấp hoặc nhiều hơn thì cũng phải là số lẻ (5, 7, 9 bậc), nhà dựng theo lối nhà tam tòa, số gian của một ngôi nhà ít nhất là ba gian và chỉ chọn số gian là số lẻ, ... Các thành Cổ Loa, thành Huế đều có kiến trúc ba lớp vòng thành; Ngọ Môn ở Huế nhìn chính diện có ba cửa, chùa Thầy (Hà Tây) khởi dựng từ thời vua Lí Thần Tông cũng theo ba nếp kiến trúc chính (gọi là hạ, trung, thượng điện); chùa Phật Tích (Tiên Sơn – Hà Bắc) cũng được xây dựng trên ba cấp, đến nay, trên nền chùa ở sườn núi còn rõ ba cấp nền chính... ở nhiều ngôi chùa, tòa đặt điện thờ Phật cũng gọi là tòa Tam bảo...
- Trong việc thờ cúng người Việt có ý thức rõ rệt về sự hiện diện của con số - Đặc biệt là con số ba, coi đó như là con số thiêng của mình. Điều đó ta có thể thấy ngay trong sự sắp xếp trong điện thờ ở các ngôi chùa của người Việt: Trong chính điện, tầng cao nhất của bàn thờ bày ba pho tượng “Tam thế Phật”; tầng tiếp theo là 3 pho tượng “Di đà tam tôn” (còn gọi là Tây phương tam Thánh); dưới tượng “Di đà tam tôn” là ba pho tượng: Phật Thích Ca Mầu Ni (ở giữa) hai bên là Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi và Bồ Tát Phổ Hiền (có nơi thay bằng hai đệ tử của Phật Thích Ca Mầu Ni là Ca Diếp và A Nan Đà khi ngài còn ở dương gian); lớp bàn thờ thứ tư là ba pho tượng: tượng Cửu Long (ở giữa) và hai bên là tượng Đế Thích, Phạm Thiên. Tầng thứ năm của bàn thờ mới là 4 pho tượng “Tứ Thiên Vương” hoặc “Tứ Bồ Tát”, có chùa rộng hơn thì bày thêm tượng tám vị Kim Cương (Bát bộ Kim Cương) và tượng Phật Bà Quan Âm nghìn tay nghìn mắt... Như vậy, con số ba chiếm số đông trong sự sắp xếp các sự vật tại các đền chùa – Là hình ảnh phản ánh thế giới thiêng của người Việt nói riêng và các nước phương Đông nói chung.
- Trong các nghi lễ thờ cúng tại gia đình, rất nhiều hoạt động của người Việt cũng gắn với con số lẻ: Việc tang lễ có cúng ba ngày (tam tiêu) hay còn gọi là tế ngu (ngu là yên - cúng để âm dương biến hóa sinh người, yên vị tiêu đi); cúng tuần bảy ngày (7 x 7 = 49 ngày); Lễ vật cúng tổ tiên ngày giỗ, ngày tết là cỗ tam sinh (xôi gà, xôi chè, hoa quả), mâm quả phải là ngũ quả (5 thứ quả), khi hành lễ bao giờ cũng lễ ba, vái ba; nén nhang là số lẻ một, ba, năm, chín... nhưng chủ yếu người Việt vẫn dùng ba nén. Việc chịu tang cũng gắn nhiều với con số lẻ: con chịu tang cha mẹ ba năm, cháu chịu tang ông bà một năm, chút chịu tang kị ba tháng, em chịu tang anh chị ruột chín tháng, v.v.
- Trong lời ăn tiếng nói hàng ngày người Việt rất ưa dùng con số lẻ, Ba mặt một lời; Ba xôi nhồi một chõ; Ba thưng cũng vào một đấu; Ba hồn bảy vía; Ba hồn chín vía; Ba dãy bảy tòa; Ba bè bảy mối; Ba vợ bảy nàng hầu; Năm người mười làng; Năm cha ba mẹ; Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh; Ba bị chín quai, v.v.
- Tuy nhiên hình như người Việt thích những con số lẻ bao nhiêu thì cũng sợ nó bấy nhiêu. Trong việc chọn ngày, người Việt tuyệt đối không sử dụng con số lẻ: Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba; Mồng năm, mười bốn, hai ba / Đi chơi cũng lỗ nữa là đi buôn; Việc đặt nền móng cho ngôi nhà, lợp nhà, khai thương cửa hàng, cửa hiệu, cưới vợ gả chồng... bắt đầu cho một sự việc trọng đại nào đó trong cuộc đời... rất ít khi họ bắt đầu vào ngày lẻ; Cùng làm một việc gì mang tính tập thể họ không làm ba người (Tam nhân bất đồng hành); không bao giờ họ chụp ảnh ba hoặc ảnh năm người (nếu hoàn cảnh đặc biệt, nhà nhiếp ảnh thường đề nghị họ bế thêm một con thú nhồi bông hoặc búp bê để xóa đi ấn tượng về những con số này)… Ngay cả trong đời sống tình cảm, những mối quan hệ, ứng xử có ba người cũng được nhân dân ta phản ánh không mấy tốt đẹp: Một vợ không nợ mà mang, hai vợ bỏ làng mà đi (câu ca dao không nhắc đến con số ba song thực chất đó là mối quan hệ ba người) hoặc Ba người đàn bà thành một cái chợ; hoặc để nói sự lộn xộn: Năm người mười làng; Ba bè bảy mối;…Những vận hạn trong cuộc đời cũng thường vận vào con số lẻ: Bốn chín chưa qua, năm ba đã tới, v.v.
Như thế trong tâm thức của người Việt, con số lẻ cũng ẩn chứa trong đó những điều không may mắn.
2.2.2. Những quan niệm gắn với con số chẵn
Các con số chẵn – số âm, dưới sự chi phối của triết lí âm dương, những con số này thường được người Việt xem là số ổn định (tĩnh), biểu trưng cho những sự vật, hiện tượng mang tính hướng nội như tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, những sự vật thể hiện sự cân đối, hài hòa, đẹp đẽ.
- Với con số hai, ấn tượng mạnh nhất với người Việt là ấn tượng cặp, đôi. Bất kì hình ảnh biểu trưng nào của dân tộc Việt cũng đều có đôi, từ tư duy đến cách sống, từ các dấu vết cổ xưa đến thói quen hiện đại. Bởi vậy người Việt nói đến đất, núi liền nghĩ ngay đến nước, nói đến cha liền nghĩ ngay tới mẹ… tạo thành những cặp khái niệm thường trực: đất - nước, núi – sông, non - nước, cha - mẹ, ông - bà, lửa - nước… Thậm chí những khái niệm vay mượn đơn độc khi vào Việt Nam cũng thành đôi thành cặp: ở Trung Hoa thần mai mối là một ông Tơ Hồng thì vào Việt Nam biến thành ông Tơ - bà Nguyệt, ở Ấn Độ chỉ có Phật ông thì vào Việt Nam xuất hiện Phật Ông - Phật Bà [7; tr. 57, 58].
- Trong đời sống tâm linh người Việt, sự hiện diện của con số Bốn cũng rất được chú ý: thần thiêng trong dân gian có bốn vị được coi là “Tứ bất tử”; trong kiến trúc đền đình các con vật linh thiêng được chạm khắc có “Tứ linh”; trong thờ cúng, trên bàn thờ của gia đình họ cũng giữ lại bài vị của bốn vị thần chủ bốn đời [1, tr. 43, 44]. Nhiều ngôi chùa ở miền Trung cũng được chú ý bố trí theo hình ảnh con số bốn. Thập tháp Bình Định, Chùa Thiên Mụ – Huế, chùa Một Cột cũng được xây dựng dựa theo sự kết hợp giữa số một và bốn (bên trong là linh chiểu (ao thiêng) hình vuông, bao quanh bên ngoài là viên trì (hồ tròn), bốn mặt ra vào bắc bốn cầu bích ngọc, bốn hướng tụ vào nhất trụ (một cột) vươn lên từ nước), v.v.
- Trong đời sống sinh hoạt, con số chẵn cũng được chú ý như là biểu tượng của sức mạnh vật chất, sự thành đạt: Đồng tiền xưa được đúc bằng đồng, hình tròn, ở giữa là lỗ vuông bốn cạnh đều, trên đồng tiền có bốn chữ (đời Hậu Lê: Cảnh Hưng thông bảo, đời Tây Sơn: Bảo Đại thông bảo...). Khi một gia đình nào đó sinh được bốn người con trai thì đó là một điều đại phúc. Các tiên chỉ, chức sắc trong làng sẽ tổ chức khao vọng, gọi là “Tứ tử trình làng”; khi biểu thị tình bạn giao kết thân tình, không phân biệt địa giới, người xưa dùng số bốn, gọi là “Tứ hải giai huynh đệ”; quan niệm về nhân sinh, để chỉ thế gian, dân gian Việt Nam xưa cũng dùng con số Bốn – “Tứ đại giai không” – Thế gian này bao gồm bốn thứ: thủy, hỏa, địa, phong, bốn thứ này có mà không, không mà có, là giả tạm. Bởi thế mà sinh ra thuyết “sống tạm” (Sống gửi thác về); để diễn tả sức mạnh của mối quan hệ thân thích, người Việt nói: Một đứa cháu xô ngã sáu người dưng; nói về sự giàu có, người Việt nói: Của giàu tám vạn ngàn tư, v.v. Trong việc khai thương cửa hàng, cửa hiệu, làm nhà, vào nhà mới, cưới vợ, v.v. Nói chung những việc khởi đầu có tính chất trọng đại trong cuộc đời, người Việt rất chú ý chọn ngày chẵn.
Như vậy, với người Việt Nam nói chung (kể cả người Kinh và các dân tộc anh em khác) hầu hết đều coi số lẻ (số dương) là số động, số phát triển; số chẵn (số âm) là số tĩnh, số đứng im. Có lẽ xuất phát từ quan niệm này mà các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên, khi làm nhà mồ cho người chết thường làm số bậc cầu thang theo sỗ chẵn. Tuy nhiên, với người Việt, số chẵn cũng là số ổn định, số thu hút (dương tán, âm tụ), số biểu thị sự cân đối, chính vì vậy, họ vẫn rất yêu mến những con số này.
2.2.3. Một số quan niệm về con số thịnh hành hiện nay
Qua một số điều tra xã hội hiện nay, chúng tôi nhận thấy các quan niệm về số chi phối khá nhiều trong đời sống. Từ việc chọn ngày làm nhà, khai thương cửa hàng, cửa hiệu, cưới vợ, chọn số phòng làm nhà, số bậc cửa, cầu thang… đặc biệt kể cả biển số xe, số điện thoại.
Trong tập hợp các con số của một dãy số, người Việt thích những dãy số “tiến” – Đó là những dãy số được sắp xếp theo trình tự từ bé đến lớn như: 0912345678; hoặc tập hợp các con số lẻ như: 0913737379, 0903559779… Đặc biệt những số điện thoại có nhiều con số 9 rất được yêu chuộng. Nắm được thị hiếu này của khách hàng, nhiều công ti dịch vụ viễn thông đã kinh doanh cả việc bán sim đẹp, số đẹp. Xin đơn cử một vài ví dụ:
- Trong chương trình giao lưu văn hoá nghệ thuật từ thiện trực tiếp trên kênh VTV3 “Một trái tim - Một thế giới” thu hút sự chú ý của khán giả xem truyền hình, bởi cuộc đua tranh ngoạn mục giữa các mạnh thường quân trong phần bán đấu giá. Trong đó, số sim điện thoại đẹp nhất Việt Nam 0909999999 đã được bán với giá 680 triệu đồng. Mặc dù trước khi đến buổi đấu giá, chủ nhân của số điện thoại này đã dự định, có thể mức giá sẽ bị đẩy lên trên 1 tỉ đồng.
- Vương quốc Qatar đã lập kỉ lục thế giới mới khi một người dân nước này bỏ ra tới 2,75 triệu USD để mua số điện thoại 666 6666 trong một cuộc bán đấu giá gây quỹ từ thiện.
- Kỉ lục thế giới trước đó thuộc về số điện thoại của Trung Quốc 8888 8888. Hãng hàng không Tứ Xuyên ở nước này đã mua với giá khoảng 508.000 USD vì trong tiếng Quảng Đông, số tám được phát âm gần giống với từ “phát” - thể hiện sự giàu có, thịnh vượng.
Như vậy, việc “mê tín” với số trong số điện thoại không chỉ của người Việt mà là một điểm tương đồng trong văn hóa giữa các quốc gia trên thế giới.
- Các số cặp đôi cũng là một điểm lưu ý của người Việt; một số cặp đặc biệt: cặp số sáu – tám hoặc tám – sáu rất được ưa chuộng vì cho rằng đó là số phát lộc; số bảy – tám ít được dùng vì bị cho rằng là số thất bát (mất mát). Riêng số tám nếu dùng độc lập, một số người cho rằng dễ bị liên quan đến pháp luật.
2.3. Bước đầu lí giải cơ sở của những quan niệm về con số
2.3.1. Ảnh hưởng của triết lí âm dương
Biểu hiện rõ nhất trong cả ba thể loại là cách tư duy về số, cách vận dụng số gần như trùng khít với cách tư duy về số trong văn hóa dân tộc. Từ khởi thủy là những tư duy về số âm và số dương, cách tư duy lưỡng phân lưỡng hợp, những con số vào thành ngữ, tục ngữ, ca dao cũng mang đậm đặc điểm tư duy này. Những con số lẻ (số dương) được sử dụng nhiều, luôn được đặt trong sự vận động, phát triển, biểu trưng cho những sự vật hiện tượng đang vận động, phát triển: Sinh năm, đẻ bảy; Ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh (thng); Ăn nồi ba, làm ra nồi bảy; Buôn ba bán bảy, Chín đụn còn muốn một đụn nữa là mười (tng); những con số chẵn (số âm) ngược lại ít được sử dụng, luôn được coi là đứng yên, ổn định, bởi vậy, những sự vật, sự việc, hiện tượng mang tính ổn định, hoặc toàn vẹn theo thế ổn định, đúng quy luật đều được gắn với con số chẵn: Bốn phương tám hướng; Bốn dài hai ngắn (thng); Bốn cẳng là bò, bốn giò là lợn; Của giàu tám vạn nghìn tư... (tng); với con số hai biểu trưng rõ nhất cho kiểu tư duy lưỡng phân lưỡng hợp luôn gắn với đôi, cặp, với đời sống tình cảm, tình yêu... của người bình dân.
2.3.2. Tri nhận của người Việt từ mối liên quan giữa con số với thế giới tự nhiên
Sự sắp đặt của tạo hóa tưởng như khách quan song khi đã liên quan tới con người, phản chiếu trong tư tưởng của con người, nó lại mang đậm dấu ấn chủ quan. Từ những tên đất, tên làng gắn với con số tưởng như rất khách quan: đèo Ba Dội, Tam Đảo, sông Cửu Long… song lại ghi dấu vào sự lựa chọn con số của người Việt. Có thể hỏi vì sao lễ vật vua Hùng kén rể xưa lại là voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao và một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng? Vì sao An Dương Vương xây thành Cổ Loa lại là ba lớp vòng thành? Vì sao vua chúa xưa thường chọn con số chín? Vì sao người Việt làm nhà, bậc cầu thang, số phòng lại thường là số lẻ và vì sao người Tây Bắc làm nhà mồ cho người chết bậc cầu thang lại là số chẵn trong khi bậc cầu thang lên nhà sàn của họ lại là chín bậc?
Cho đến nay, bằng chứng về ý thức lựa chọn con số của người Việt từ xa xưa vẫn được lưu giữ rõ nét trong các di chỉ để lại mà chúng ta tìm thấy được trong văn hóa Hòa Bình, văn hóa Phùng Nguyên… trong các truyền thuyết, qua dấu tích đền chùa và ý thức dùng số của người Việt hôm nay. Rõ ràng, đã có một quá trình lâu dài, từ tình huống biến chuyển thành kinh nghiệm, thành tri thức, thành ý thức và cuối cùng, việc dùng số trở thành một giá trị văn hóa tinh thần. Đây là một quá trình tri nhận về con số. Như vậy, việc sử dụng số của người Việt trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao là bức tranh phản chiếu sự tri nhận về con số trong văn hóa của người Việt. Điều đó góp phần lí giải vì sao, ba thể loại với những đặc thù riêng về hình thức, cách thức biểu đạt lại trùng nhau trong việc vận dụng con số.
2.3.3. Ảnh hưởng của ngôn ngữ
Ngôn ngữ là một trong những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất tới văn hóa. Ngôn ngữ dân tộc và văn hoá dân tộc, có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, chúng phát triển trong sự tác động qua lại lẫn nhau. Là một thành tố của văn hóa tinh thần, ngôn ngữ giữ một vị trí đặc biệt trong nó. Bởi ngôn ngữ là phương tiện tất yếu và là điều kiện cho sự nảy sinh, phát triển và hoạt động của những thành tố khác trong văn hoá. Ngôn ngữ là một trong những đặc trưng nhất của bất cứ nền văn hoá - dân tộc nào. “Chính trong ngôn ngữ, đặc điểm của nền văn hoá dân tộc được lưu giữ rõ ràng nhất” [8; tr. 20, 21]. Hoặc nói như Whorf: “Ngôn ngữ là cái lăng kính mà qua đó người bản ngữ tri giác thế giới, và do đó quy định cách tư duy của họ về hiện thực” [Dẫn theo Cao Xuân Hạo, 6; tr. 288].
Những quan niệm về con số trong văn hóa của người Việt, có thể nói, là tấm gương phản ánh rõ mối quan hệ biện chứng giữa ngôn ngữ và văn hóa, dựa trên các cơ sở:
Cơ sở thứ nhất: nguyên tắc tượng hình
Là nguyên tắc dựa vào cách viết chữ số hay hình ảnh con số mà quan niệm về số may mắn hay rủi ro, sử dụng nhiều hay ít. Thủa xưa, dân tộc ta dùng Hán tự, bởi vậy, lối viết tượng hình của chữ Hán ảnh hưởng một cách sâu đậm trong cách quan niệm số của người Việt. Đây cũng là lí do mà quan niệm về con số của người Việt và người Trung Hoa có nhiều điểm gần như trùng khít với nhau. Chẳng hạn: con số ba được viết thành ba vạch ngang - (quẻ càn) biểu tượng của trời - được cho rằng biểu trưng cho sức mạnh của Trời, bởi vậy mà được người Việt sử dụng với rất nhiều ý nghĩa, trong đó ý nghĩa được biểu trưng nhiều nhất là sức mạnh, sự toàn vẹn, chắc chắn; con số tám được viết lối có hai nét đều từ trên xuống giống kèn loe ra, giống như cuộc đời mỗi con người, càng ngày càng làm ăn phát đạt; số tám còn là con số của Bát Quái mà hình Bát Quái là một biểu tượng của sự chuyển biến tốt lành, là biểu tượng cho sự toàn vẹn với Bốn phương tám hướng (của không gian), với Của giàu tám vạn nghìn tư (của vật chất); con số một với một vạch ngang hoặc một cột đứng (hình ảnh cột trụ trời, con người đứng thẳng... con số đầu tiên của dãy số tự nhiên), bởi thế, con số một được sử dụng với nhiều ý nghĩa khác nhau: cái tôi cá nhân - khi lẻ loi, đơn chiếc, khi vững chãi mạnh mẽ có thể làm khuynh đảo cả vũ trụ; cái toàn thể của vũ trụ có thể bao quát tất cả với thiên nhân hợp nhất, v.v.
Cơ sở thứ hai: Nguyên tắc tượng thanh
Nguyên tắc tượng thanh được xây dựng trên nguyên lí đồng âm hoặc gần âm giữa con số và một số từ mang nghĩa khác trong ngôn ngữ. Đây là hiện tượng mà người Nhật Bản, Hàn Quốc kiêng kị con số bốn (tứ gần âm với tử - chết) hoặc người Việt, thích con số sáu - tám (phát âm là lục bát - gần âm với lộc phát), kị con số bảy (thất - gần âm với mất: Hai ngang hai phết kết lại chữ thất / Thất là mất, mất bạc mất vàng / Mất nhà mất cửa, nỏ đau bằng mất nàng, nàng ơi!). Bởi những lí do này mà thành ngữ Việt, hầu hết con số bảy đều gắn với những sự vật mang tính lộn xộn, lấp lửng, thiếu chắc chắn, hàm chứa nhiều rủi ro: Ba bè bảy bối; Ba cha bảy mẹ; Ba vợ bảy nàng hầu; Bảy nổi ba chìm.v.v...
Một điểm dễ thấy trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao là yếu tố vần, nhịp, phối thanh (bằng - trắc) trong một câu cũng có những ảnh hưởng đối với việc lựa chọn con số. Ví dụ, với hai vế của thành ngữ, về nguyên tắc đối thanh, một vế thanh bằng thì một vế phải thanh trắc: bảy nổi (T-T) ba chìm (B-B); Năm tao (B-B) bảy tiết (T-T) hoặc BT-TB: Năm liệu bảy lo... hoặc nguyên tắc bắt vần: Năm cha ba mẹ... điều đó buộc người sáng tạo phải lựa chọn con số để diễn đạt sao cho câu nói đảm bảo vần, nhịp, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ vận dụng... từ đó quy định đến việc lựa chọn, sử dụng con số trong các ngữ cảnh.
Như vậy, việc sử dụng số, quan niệm số (dựa theo ngữ cảnh) trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao cũng tuân theo quy luật của ngôn ngữ, đọc viết như thế nào - suy luận như thế ấy. Chính vì vậy, việc vận dụng con số trở nên gần gũi, tự nhiên như khả năng về ngôn ngữ của mỗi người. Đây là một trong những lí do mà con số được người Việt sử dụng nhiều, thống nhất trong cả ba thể loại.
- Kết luận
Quan niệm về số là một trong những vấn đề lí thú bởi con số có mặt trong rất nhiều phương diện của cuộc sống. Hầu như không một lĩnh vực nào lại không có sự có mặt của con số. Bởi thế, con số in sâu trong tâm thức, tri nhận của con người là tất yếu. Với cách phân tích theo lý thuyết tri nhận, bước đầu, chúng tôi mong góp phần giải mã một cách khoa học, phù hợp nhất cho những quan niệm trong cuộc sống gắn với con số. Tất nhiên, con số là một vấn đề mở, luôn luôn tồn tại và phát triển. Bởi một lẽ, con số gắn với tư duy, nhận thức của con người – mà con người thì vốn dĩ Chín người mười ý – những quan niệm về con số cũng sẽ luôn phát triển, luôn luôn mới trong mọi thời đại là vì vậy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trần Gia Anh. Con số với ấn tượng dân gian. Nxb Hải Phòng, 2003.
- Bùi Hạnh Cẩn. Từ vựng chữ số và số lượng. Nxb Văn hoá - Thông tin, 1997.
- Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Dịch học tinh hoa. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 1992.
- Trần Văn Cơ (2007), Ngôn ngữ học tri nhận, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Nguyễn Đăng Duy. Văn hóa tâm linh. Nxb Văn hóa thông tin. H. 2001.
- Cao Xuân Hạo (2001) Tiếng Việt - văn Việt - người Việt, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh
- Nguyễn Hữu Lượng (1992), Kinh dịch với vũ trụ quan phương Đông, Nxb TP. Hồ Chí Minh.
- De Saussure (1973), Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, (bản dịch tiếng Việt), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Trần Ngọc Thêm. Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. Nxb thành phố Hồ Chí Minh. 2001.