Câu chuyện không nhỏ về hai con chữ i, y trong chính tả tiếng Việt
CÂU CHUYỆN KHÔNG NHỎ VỀ HAI CON CHỮ I, Y TRONG CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT GS. TS. VŨ ĐỨC NGHIỆU |
|
GS. Vũ Đức Nghiệu |
|
ABSTRACT
Đó là những điều có thể thấy được trong cuốn sách I và Y trong chính tả tiếng Việt của Cao Tự Thanh, một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp rất quen thuộc trong giới Hán Nôm hiện nay, do NXB Văn hoá Văn nghệ TP Hồ Chí Minh ấn hành vào quý 3 năm 2014. Cầm trên tay, đọc tên sách, chúng tôi tưởng cuốn sách chỉ bàn thảo về hai con chữ này, nhưng không phải vậy, mà câu chuyện phong phú, lí thú hơn nhiều. Sách không đặt tên chương, phần chính khoảng 200 trang, gồm 4 mục lớn có thể coi như 4 chương: I và Y trong chính tả tiếng Việt hiện nay, I và Y trong từ điển và tài liệu chữ Quốc ngữ, I và Y theo vận thư chữ Hán, I và Y qua chữ Nôm. Sau đó là Kết luận và một Phụ lục. I và Y trong chính tả tiếng Việt của Cao Tự Thanh không nhằm thảo luận sự hợp lí - bất hợp lí của I/Y hay trình bày ý kiến tán thành - không tán thành cải cách chính tả, xử lí vấn đề I, Y… thế nào, mà tập trung vào việc khảo xét các nguồn ngữ liệu hữu quan, làm sáng tỏ sự xuất hiện, hoạt động của con chữ I và Y trong chính tả Việt ngữ từ thế kỉ XVII đến nay, quá trình lịch sử của chúng trong hệ thống chính tả Việt ngữ đã diễn ra như thế nào, vai trò của chúng ra sao, chúng đã có những “xuất xứ” như thế nào, và việc đồng quy chúng về I trong hầu hết các trường hợp như một số văn bản quy định cách viết hiện nay… là kết quả của cái gì… Qua các miêu tả và phân tích thực tiễn tiến trình ngôn ngữ - văn tự, ta có thể tự hình dung ra được những gì là hơn, thiệt. Theo tác giả, “lịch sử chính tả của chữ Quốc ngữ không song hành với lịch sử chữ Quốc ngữ, hay nói khác đi, lịch sử chữ Quốc ngữ mang trong nó nhiều lịch sử chính tả” (tr. 28); và cách viết i/y trong chữ Quốc ngữ “có nguồn gốc và diễn trình phức tạp hơn rất nhiều so với quan niệm của những người đưa ra cải cách i và y trong Quy định 1980 và Quy định 2002 (tr. 28). Đọc xong I và Y trong chính tả tiếng Việt, người đọc có thể dễ dàng nhận ra những nội dung chính đã được trình bày, khảo luận trong sách như dưới đây. 1. Sau khi phác thảo một số nét về tình trạng chính tả Việt ngữ nói chung và cách viết I, Y nói riêng hiện nay, sách khảo luận về thực trạng viết I, Y trong nhiều từ điển và tài liệu chữ quốc ngữ từ thời Dictionarium Annnamiticum Lusitanum et Latinum ope (Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latin) của A. de Rhodes năm 1651 đến nay. Mười bốn cuốn từ/tự điển, một bản thảo Truyện nước An Nam Đàng Trong đã được khảo sát và 3 từ điển, nhiều tài liệu, văn bản khác đã được tham khảo. Thông tin quan trọng, rất đáng được chú ý mà kết quả khảo luận các nguồn ngữ liệu đó cho thấy: việc đồng quy, ghi tất cả là I hay ghi phân biệt I, Y nhưng không nhất quán trong các từ/tự điển và các văn bản viết bằng chữ quốc ngữ trước đây không chỉ đơn giản là quy ước về trật tự con chữ trong các từ/tự điển đó chưa được thống nhất (như chúng ta vẫn tưởng là thế); mà là một câu chuyện khác, liên quan đến nguồn gốc cách đọc, âm đọc Hán Việt (tác giả sách I và Y trong chính tả tiếng Việt gọi là cách đọc, âm đọc Việt Hán). Đặc biệt, tác giả phát hiện và xác định trong chữ quốc ngữ trước nay có hai dòng chính tả chủ yếu mà anh gọi là dòng ngoại nhập và dòng Việt hoá (tr. 71). Các từ/tự điển như Dictionarium Annnamiticum Lusitanum et Latinum ope (Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latin, 1651) của A. De Rhodes, Dictionarium Annamitico-Latinum (Tự vị Annam - Latin, 1773) của Pigneaux de Béhaine, Dictionarium Annamitico-Latinum (Nam Việt dương hiệp tự vị, 1838 ) của J. B. L. Taberd, Đại Nam quấc âm tự vị (1895-1896) của Huình Tịnh Paulus Của, Từ điển Annam - Pháp (Đại Nam quốc âm tự vựng hợp giải Đại Pháp quốc âm, 1899-1900) của J. Bonet, Chữ Nôm tự điển (1988) của Yonosuke Takeuchi… (những từ/tự điển duy trì cách viết chính tả theo con chữ Latin và sắp xếp các mục theo thứ tự trong bảng chữ cái Latin) là đại diện cho dòng chính tả ngoại nhập. Ngược lại, các từ điển như Dictionaire Élémentaire Annamite - Français (Từ điển giản yếu Annam - Pháp, 1868) của L. G. de La Liraye, Dictionaire Annamite - Français (Từ điển Annam - Pháp, 1898) của F. J. Genibrel, Dictionaire Annamite - Français (Từ điển Annam - Pháp, 1930) của G. Cordier, Việt Nam tự điển (1931) của Hội Khai trí Tiến đức, Giản yếu Hán Việt tự điển (1932) của Đào Duy Anh, Dictionaire Vietnamien - Chinois - Français (Từ điển Việt - Hán - Pháp, 1957) của E. Gouin… “lấy thực tế ngữ âm và từ vựng tiếng Việt làm cơ sở và xử lí chính tả trên nguyên tắc ghi theo âm tiết” [thực ra là kết hợp thứ tự chữ cái Latin với thứ tự phụ âm đầu của âm tiết để sắp xếp từ ngữ trong từ/tự điển - VĐN] (tr. 74) là đại diện cho dòng chính tả Việt hoá. Đây là một phân loại khá tinh tế và thực tế, vừa là nhân, vừa là quả của những sự kiện ngôn ngữ, văn tự, từ điển học khác nhau (đã được phân tích trong công trình của anh). Tuy nhiên, ở chỗ này có lẽ tác giả nên phân tích và trình bày kĩ hơn một chút thì tốt hơn. Chính tả là câu chuyện của quy định phép tắc về cách viết chữ; còn việc sắp xếp tổ chức các mục từ trong từ/tự điển là việc gắn liền, nhưng không phải là một. Các từ điển đại diện cho dòng chính tả ngoại nhập (theo phân loại của anh) sắp xếp các mục từ thuần tuý theo thứ tự trong bảng chữ cái Latin (tức là theo kiểu của châu Âu hoàn toàn), còn các từ điển đại diện cho dòng chính tả Việt hoá thì thực ra là kết hợp trật tự chữ cái trong bảng chữ cái Latin với ngữ âm, âm vị trong hệ thống âm vị tiếng Việt để sắp xếp thứ tự các mục từ. Ví dụ, nếu như dòng ngoại nhập xếp các từ được viết với chữ C mở đầu vào chung vần C, tất nhiên là kể cả CH thì dòng Việt hoá tách những từ được viết với CH ở đầu ra thành một vần riêng, độc lập với “vần C”. Vần C chỉ gồm những từ có phụ âm đầu C là phụ âm /k/; còn vần CH trong từ điển là tập hợp của các từ có phụ âm /c/ với chữ cái đầu tiên là C. Ở vần T với TH và TR, vần K với KH cũng tách ra tương tự như vậy. Phân biệt hai dòng từ điển như thế, ứng với hai cách sắp xếp mục từ khác nhau, là hoàn toàn chính xác. Hai cách sắp xếp mục từ khác nhau ở hai dòng từ điển phản ánh sự nhận thức khác nhau, cách xử lí chính tả - ngữ âm khác nhau đối với thực tiễn ngữ âm, từ điển học và từ tiếng Việt. Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ và tán đồng tư tưởng này của tác giả. Nhưng nói rằng hai dòng từ điển này đại diện cho hai dòng chính tả ngoại nhập và Việt hoá thì có lẽ tác giả nên có những phân tích và giải thích thêm cho cặn kẽ hơn để tránh làm cho người đọc có thể hơi quá đơn giản trong cách hiểu vấn đề. 2. Nội dung thứ hai, rất quan trọng mà I và Y trong chính tả tiếng Việt đã khảo sát và trình bày, cho thấy sau những văn bản viết bằng chữ Quốc ngữ (1651) của A. de Rhodes, khởi đầu chính thức là Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latin, Phép giảng tám ngày… nhất loạt ghi âm /i/ trong các từ Hán Việt bằng I cả, thì từ năm 1659, khởi đầu là văn bản (viết bằng chữ Quốc ngữ) Lịch sử nước Annam [1] của Bento Thiện, rồi về sau, trong các từ điển, văn bản khác của nhiều học giả, trí thức, người viết nói chung, lại có ý thức phân biệt (với những mức độ nhất quán khác nhau) trong cách viết I và Y ở các từ Hán Việt. Cụ thể là, trong Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latinh, các nguyên âm /i/ đều viết bằng I (i, í, ích, jì, im, in, ỉnh ương, ít), còn khi thể hiện thành phần I trong nguyên âm đôi /ie/ thì viết với Y (yả, yểm, yên, yến, yết hầu, yêu, yếu, yểu); trong Phép giảng tám ngày Rhodes viết “sinh là kí dã, tử là qui dã”, “thờ ma khấn quỉ” … Đối với các tiếng Hán Việt, Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latinh và Phép giảng tám ngày… nhất loạt viết nguyên âm /i/ bằng I cả trong tiếng “không có phụ âm đầu” (kí hiệu 0 + i/y) lẫn trong tiếng có phụ âm đầu (kí hiệu x + i/y). Có thể tóm tắt cách viết I, Y cho các tiếng / âm tiết / từ đơn tiết Hán Việt có phần vần là I/Y trong các nguồn văn bản mà tác giả đã khảo sát như sau: a) Loại nhất quán viết cả 0 + i/y lẫn x + i/y bằng I, chỉ có Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latin (1651, Rhodes) b) Loại nhất quán viết 0 + i/y bằng Y, viết x + i/y bằng I, có: Tự vị Annam Latinh (1773,de Béhaine), Truyện nước An nam Đàng Trong (1822. P.Bỉnh), Từ điển Việt - Hán - Pháp (1957,E. Gouin), Nam Việt Dương hiệp tự vị (1838, Taberd, viết x + i/y chủ yếu bằng I, có một vài ngoại lệ), Từ điển giản yếu Annam-Pháp (1868, de La Liraye; viết x + i/y chủ yếu bằng I, một số tiếng đã viết Y), Chinois-Annamite Latin-Français (1867, G. Pauthier; một số tiếng loại 0 + i/y viết bằng Y, loại x + i/y nhất quán viết I). c) Loại nhất quán viết 0 + i/y bằng Y còn tiếng x + i/y được viết không nhất quán, có: Đại Nam quấc âm tự vị (1895-1896, Huình Tịnh Paulus Của): một số tiếng có âm đầu K, L viết với Y, tất cả còn lại viết với I. Từ điển Annam – Pháp (1898, F. J. Genibrel): I hoặc Y khi đi với âm đầu L, một tiếng có âm đầu K: kí/kí. Đại Nam quốc âm tự vựng hợp giải Đại Pháp quốc âm (1899-1900,J. Bonet): I/Y khi đi với âm đầu K, L. Còn lại, viết I. Từ điển Annam – Pháp (1930, G. Cordier): Viết Y khi đi với âm đầu K, L. Việt Nam tự điển (1931, Hội Khai trí Tiến đức): I. Đi với âm đầu K nhất loạt viết Y. Phụ trươngTự vựng của Nam Phong tạp chí (1917 -18): Đi với âm đầu K nhất loạt viết Y. Đi với âm đầu L, viết I hoặc Y. Giản yếu Hán Việt tự điển (1932, Đào Duy Anh): I hoặc Y nhất quán tuỳ theo phụ âm đầu mà nó đi cùng. Việt Hán thông thoại tự vị (1933, Đỗ Văn Đáp): I/Y nhất quán hoặc không nhất quán tuỳ theo từng phụ âm đầu mà nó đi cùng. Hán Việt tự điển (Thiều Chửu): I/Y không nhất quán, tuỳ theo từng phụ âm đầu mà nó đi cùng. Theo Cao Tự Thanh, việc viết I hay Y cho nguyên âm /i/ có lí do ở ý muốn phân biệt tiếng/từ (đơn tiết) thuần Việt hay Hán Việt. Cách viết “y dài” trong những từ như y, ý trong văn bản Lịch sử nước Annam (năm 1659) của Bento Thiện là những chứng tích sớm nhất mà chúng ta có được hiện nay về cách viết này cho những tiếng/từ Hán Việt loại 0 + i/y, để phân biệt với cách viết tương ứng I ở những tiếng/từ không phải là Hán Việt. 3. I và Y trong chính tả tiếng Việt đã phân tích một cách mạch lạc, cho thấy sự tồn tại song song I/Y trong chính tả chữ quốc ngữ là do việc viết các từ Hán Việt có lai nguyên từ những tiếng/từ có âm vị I vốn xuất thân từ hai nguồn gốc khác nhau (tức là hai âm vị I khác nhau). Chính tả chữ Quốc ngữ từ thế kỉ XVII đến nay, nhất quán viết nguyên âm I của các tiếng thuần Việt bằng I, chỉ riêng trong các tiếng Hán Việt thì nó mới có thể viết với song thức I/Y, bởi vì nguyên âm I Hán Việt đó vốn xuất thân từ hai nguồn gốc: I Tam đẳng Khai khẩu và I Tam đẳng Hợp khẩu. Kết quả khảo sát các bộ vận thư, đặc biệt là bộ Bội văn vận phủ [2] biên soạn và ấn hành đầu thế kỉ XVIII thời Thanh cho thấy rõ vần trong các bộ vần Bình thanh Tứ chy ngũ vi, các bộ vần Thượng thanh Tứ chỉ Ngũ vĩ, các bộ vần Khứ thanh Tứ chí Ngũ vị có hai nguyên âm I khác nhau, tuy cùng thuộc Tam đẳng nhưng một là I Hợp khẩu và một là I Khai khẩu, trong đó, nhiều tiếng Hán Việt thuộc Tam đẳng Khai khẩu được viết với Y. Để chứng minh và khẳng định những điều này (lịch sử và sự phân biệt cách viết I/Y cho các tiếng/từ Hán Việt), Cao Tự Thanh đã công phu khảo chứng I và Y trong các vận thư chữ Hán và: - Phân biệt rành mạch cách đọc Hán Việt với âm đọc Hán Việt. - Tìm hiểu âm vận học Hán ngữ và cách đọc Hán Việt ở Việt Nam hồi thế kỉ XVII, XVIII, khi chữ Quốc ngữ Latin vừa xuất hiện; khảo sát lại vấn đề âm vận, cách đọc Hán Việt ở Đàng Trong qua các văn bản thơ của Mạc Thiên Tích, Trịnh Hoài Đức để quan sát ảnh hưởng cách đọc theo Thanh âm (ngữ âm tiếng Hán thời Thanh) trong trong Bội văn vận phủ; khảo sát việc phiên thiết trong Bội văn vận phủ. Quy tắc của việc phiên thiết cũng tiếp tục được anh phát hiện và trình bày với việc thu thập và phân tích 25 trường hợp trong Tống bản Quảng vận. Từ đó anh còn đi tới một kết luận mang tính thực tiễn là trong âm vận học Hán ngữ thì việc phiên thiết không thể tách rời với vấn đề vận bộ - một vấn đề dường như trước nay chưa được coi trọng đúng mức trong hoạt động nghiên cứu và đào tạo Hán Nôm ở nước ta. - Kiểm kê các từ Hán Việt (1.103 chữ/tự/từ Hán được sử dụng phổ biến trong thực tiễn văn tự Hán văn ở Việt Nam) có I/Y thuộc sáu bộ vần Tứ chy Ngũ vi, Tứ chỉ Ngũ vĩ, Tứ chí Ngũ vị theo cách đọc trong Bội văn vận phủ để khảo sát các từ Hán Việt có phần vần là I/Y. - Khảo sát I/Y qua chữ Nôm. Từ các khảo sát, phân tích rất nhiều nguồn ngữ liệu đáng tin cậy cả về số lượng lẫn nguồn gốc và thực tiễn ngôn ngữ - văn tự phản ánh trong đó, tác giả sách I và Y trong chính tả tiếng Việt đi đến những nhận xét phản ánh thực tiễn chính tả tiếng Việt hiện nay, trong đó, những điểm đáng chú ý nhất có thể kể ra như sau: - Trong câu chuyện I/Y của chính tả chữ quốc ngữ, có phần rất quan trọng là I/Y trong các tiếng Hán Việt. Đối với cách đọc Hán Việt trước đây, việc phân biệt I/Y Tam đẳng Khai khẩu với Tam đẳng Hợp khẩu là việc có tính nguyên tắc. - Cách đọc Hán Việt có thể được huy động vào việc phát triển và chuẩn hoá chính tả chữ quốc ngữ, nhưng từ năm 1862 đến nay, vì nhiều lí do khác nhau, điều đó đã không diễn ra, mặc dù chính tả chữ Quốc ngữ vẫn ghi âm đọc Hán Việt. - Từ năm 1862 đến nay, số tiếng Hán Việt có I/Y được viết với Y càng ngày càng tăng lên, sang thế kỉ XX thì tiêu chuẩn để viết I hay Y càng ngày càng trở nên không rõ ràng; và từ sau 1945, trong nhiều từ điển, chính tả hoàn toàn không thể hiện I trong tiếng Hán Việt khai khẩu và hợp khẩu nữa. Về điều này, tác giả nêu câu hỏi: Vấn đề là sự phân biệt ấy có còn cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay không? (tr.194); và cho rằng phân biệt I/Y trong các tiếng Hán Việt là phân biệt về mặt giá trị âm vị học; mà trong âm vị học tiếng Việt hiện đại thì I Hán Việt Khai khẩu, Hợp khẩu và I thuần Việt đã đồng quy thành một rồi. - Quá trình Việt hoá của chữ quốc ngữ Latin được thực hiện một cách tự phát dưới thời Pháp thuộc đã gạt cách đọc Hán Việt ra khỏi việc chuẩn hoá chính tả (chữ Quốc ngữ), trong đó nổi bật là vấn để phân biệt I/Y. Tuy nhiên, việc phân biệt I/Y vẫn được bảo lưu một cách tự phát. Hiện nay, về cơ bản, người Việt không cần biết tới cách đọc Hán Việt khi viết chính tả các từ Hán Việt nữa. Việc đồng quy I/Y trong các tiếng Hán Việt thành I dường như đã có thể giải quyết đơn giản theo Quy định 1980 và Quy định 2002. “Nhưng các từ Việt Hán i/y là một bộ phận của tiếng Việt, phải được đặt vào quan hệ tổng thể của nó, tức truyền thống và tương lai của tiếng Việt” (tr.196). Xoá bỏ sự phân biệt cách viết I/Y ở các từ Hán Việt thì “tiếng Việt được chuẩn hoá về chính tả lại rơi vào nguy cơ “phi quy chuẩn” về mặt từ pháp. Sự giữ gìn ranh giới ấy hoàn toàn không phải chỉ có giá trị hoài niệm dĩ vãng mà còn có lợi ích rất hiển nhiên” (tr.196). Nếu đồng nhất I/Y đó thành một I, thì theo tác giả, cũng tức là “tước bỏ một quy ước chính tả - một công cụ ngôn ngữ có thể góp phần giúp người ta nhận dạng mảng từ Việt Hán đồng thời phân biệt từ Việt Hán với từ thuần Việt, từ đó sử dụng tiếng Việt đúng hơn hay hơn” (tr.198). 4. Nhìn một cách tổng quát, phải thừa nhận rằng, quả đúng hai con chữ I/Y thì nhỏ nhưng câu chuyện liên quan đến chúng không hề nhỏ. Vốn là người ưa “dò cho đến tận ngọn nguồn lạch sông” trong việc khảo cứu chữ nghĩa, Cao Tự Thanh đã làm được việc đó trong cuốn sách này của anh. Diễn trình I/Y của các tiếng/từ Hán Việt trong Việt ngữ và quá trình đồng quy, đồng nhất chúng với I thuần Việt, như vậy là đã rõ. Chính tả chữ Quốc ngữ của chúng ta hiện nay đã qua một quá trình từ thời Pháp thuộc đến nay, bỏ dần nguyên tắc nguồn gốc (từ nguyên), một trong những nguyên tắc có nhiều hệ chính tả áp dụng (áp dụng toàn bộ hoặc áp dụng cho bộ phận nào cần). Bài toán đặt ra là: nếu đồng nhất cách viết I/Y ở các từ Hán Việt thành một I thì gọn được vấn đề chuẩn hoá về chính tả, nhưng có những điểm bất lợi về việc nhận diện nguồn gốc, tìm hiểu ý nghĩa gốc của các từ đó; nếu duy trì, quy định phân biệt về chính tả I/Y cho các từ Hán Việt thì phải mất thời gian trui rèn chính tả, gắn với một số vấn đề về từ vựng, nhưng sẽ được ở chỗ, về sau, không (hoặc đỡ) mất nhiều thời gian, công sức trong việc giảng dạy về việc nhận diện nguồn gốc, tìm hiểu ý nghĩa, cách dùng của các từ đó; và như thế thì chính tả có thể góp phần lớn và rất quan trọng vào việc nhận diện bộ phận từ ngữ Hán Việt này. Vấn đề ở đây không phải là níu kéo truyền thống văn tự - ngôn ngữ cổ, mà vì lí do thực tiễn. Nếu giữ nguyên tắc này cho bộ phận từ ngữ Hán Việt thì cũng không ảnh hưởng gì đến việc “nệ” hay “thoát”. Quá ưu tiên nguyên tắc thực tiễn thuần âm, tưởng bỏ được cái “khó” của nguyên tắc từ nguyên, nhất quán hoá và chuẩn hoá được cách viết I/Y (quy về một mối là I) thì lại gặp phải cái phiền mới là những trường hợp tuỳ nghi ai muốn viết ngắn (i) / dài (y) đều được; và tất cả những lưu tích về mặt “từ nguyên” đều rũ bỏ hết. Đó là những thông tin và những suy ngẫm đáng để chúng ta cùng bàn tính; tác giả chưa kêu gọi phải nhất định như thế này hay thế khác. 5. Bên những thành công của công trình I và Y trong chính tả tiếng Việt, tôi thấy có một số điểm cần nêu ra đây để tác giả xem lại: - Trong từng chỗ trình bày và phân tích, diễn giải, nên nói rõ chữ i/y đang được nói đến đó đang đóng vai trò (thực hiện chức năng) gì, bởi vì có trường hợp i/y đóng vai trò (thực hiện chức năng) ghi nguyên âm /i/ (cũng có khi một nguyên âm này đã đảm nhận vai trò là một vần - vần I), có trường hợp i/y ghi âm chính /i/ trong vần có giới âm (âm đệm) -u- (ví dụ: uy), có trường hợp i/y ghi âm cuối (chung âm) /i/ (như trong mai, tài, khải…). Không giới thuyết kĩ, chỉ nói chung luôn là hai chữ I/Y, thì có thể có những chỗ, một độc giả nghiêm khắc có thể sẽ bắt bẻ. Chính vì thế, ở trang 172, khi nói “những từ Hán Việt có nguyên âm tròn môi như chuỳ (cái dùi), thuỷ (nước), truy (đuổi) dù là khai khẩu hay hợp khẩu cũng đều phải ghi với -y”, thì cần phải lưu ý rằng: mấy chữ truy, chuỳ... vốn là từ có nguyên âm (vần) tròn môi, nhưng khi vào tiếng Việt, chúng có /i/ là chính âm, u đằng trước nó là giới âm (tròn môi), nên phải viết y để phân biệt (về chính tả và âm vị học) với i là chung âm như trong các từ trui, trũi, chùi, chúi, chũi... thuần Việt. - Lại có những chỗ, tôi cho rằng tác giả sơ suất, nhầm lẫn trong phát biểu hoặc minh hoạ. Ở trang 14, phần dẫn nhập về I/Y trong từ điển và tài liệu chữ Quốc ngữ, tại điểm c., anh nói i/y có thể là âm cuối, rồi minh hoạ bằng các tiếng/từ:đại, tối, nhưng lại đưa thêm cả thụy, nguy. Tại điểm d., khi nói về các nguyên âm đôi, mặc dù tuỳ thuộc vào giải thuyết âm vị học, nhưng tôi không cho rằng có nguyên âm đôi /iu/ ở mảng từ thuần Việt (như ở từ rìu chẳng hạn). Trongđoạn cuối của trang 14, tác giả nói rằng “Ở các từ (tiếng) không có phụ âm đầu, i trong ia dễ bị chuyển thành bán nguyên âm y” cũng không được chuẩn; bởi vì ia là một trong những cách viết (dạng chính tả) của nguyên âm đôi /ie/ của chính tả chữ quốc ngữ ngày nay. /ie/ có thể được viết là ia, ya, iê, yê tuỳ theo từng bối cảnh âm vị học (mía, khuya, tiên, chuyên…). Ở chỗ nói về việc các từ điển xưa, do người Pháp làm, đã viết ia thành ya trong những tiếng/từ như yả (ỉa), yếc (diếc, diếc móc), [tr.14], thì phải nói cặn kẽ và chi tiết hơn để tránh bị hiểu sai (có lẽ họ viết và hình dung y- như một bán nguyên âm hoặc phụ âm trong từ yếc). Tương tự, tác giả cũng cần xem lại chỗ nói về một số từ/tự điển Việt Hán ghi theo âm đọc trong Khang Hy tự điển là dánh (trà), diểu (xa), diến (xa xăm) trong Đường âm đã chuyển thành mính, miểu, miến trong Thanh âm, khác xa với cách đọc Việt Hán vốn có nguồn gốc Đường âm ở Việt Nam (tr. 63, 67). Thứ tự trước/sau của Đường âm và Thanh âm cần được đảo lại thì mới phải. Myanmar lập quốc từ thế kỉ XII, tên gọi đi vào thư tịch chữ Hán tất nhiên phải là Miến Điện trước, rồi sau đó, vì lí do ngữ âm mới chuyển thành Diến Điện, chứ không lẽ nào đến cuối Minh đầu Thanh mới có tên gọi Miến Điện. Sự nhầm lẫn ở một điều rất đơn giản như thế, thật kì lạ, nhất là đối với một người chuyên nghiệp và thận trọng như Cao Tự Thanh. Cũng xin lưu ý thêm, ở tr. 23, tác giả nói: Trong từ điển Pegnau de Bahaine đã không còn bl, kl, ml, tl nữa. Đúng là trong cuốn tự vị này không còn ghi nhận bl, kl, ml nữa, nhưng tl thì vẫn còn được ghi ở một từ: tla, tla tlỉ (xếp sau ti- đến tl- ), chưa phải là đã hết hoàn toàn. 6. Công trình I và Y trong chính tả tiếng Việt của tác giả Cao Tự Thanh, quả như chúng tôi đã nói ban đầu: thảo luận những vấn đề không nhỏ quanh lịch sử phân biệt và sử dụng hai con chữ nhỏ, bằng những khảo sát và phân tích rất kì công. Nói cho công bằng, không thấu hiểu đủ mức cần thiết về âm vận học Hán ngữ, về phiên thiết, về tiếp xúc Việt Hán, về Hán ngữ học và Việt ngữ học thì khó lòng bàn thảo được về câu chuyện chính tả này. Tác giả đã thành công trong việc khảo luận vấn đề đặt ra và cũng tỏ thái độ khách quan khi cho rằng: chúng ta đã “không nối tiếp được trọn vẹn và toàn diện truyền thống ngôn ngữ của mình trong phạm vi ghi âm các từ Việt Hán i/y. Đó là một thực tế lịch sử, nhưng thực tế ấy còn phụ thuộc vào quan điểm nhìn nhận. Chẳng hạn từ quan điểm phải tiếp nối truyền thống mà nhìn thì có thể nói sự bất lực của cách đọc Việt Hán truyền thống đối với việc chuẩn hoá cách viết i/y là một bằng chứng về nét đứt gãy đến nay chưa được hàn gắn trong sự phát triển văn hoá ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc trở đi. Nhưng nếu từ quan điểm phải vượt thoát truyền thống mà nhìn thì lại có thể nói việc đơn thuần ghi theo âm đọc của chữ quốc ngữ là một thành công của tiếng Việt trên con đường vượt ra khỏi không gian âm vận học Hán ngữ. Cho nên, chọn lựa chính tả về cách viết các từ Việt Hán i/y hiện nay còn mang ý nghĩa là một chọn lựa văn hoá, nó đòi hỏi sự thận trọng và sáng suốt trong việc nhìn nhận để xác định con đường phát triển của tiếng Việt trong đó có chính tả tiếng Việt trong tương lai” (tr. 200-201). I và Y trong chính tả tiếng Việt làmột công trình khảo cứu công phu, rất thiết thực phục vụ nghiên cứu và học tập. Tôi xin trình bày những cảm nhận cá nhân của mình và trân trọng giới thiệu sách cùng đông đảo bạn đọc.
[1] Tên gọi này do Linh mục Đỗ Quang Chính, tác giả sách Lịch sử chữ Quốc ngữ, chứ không phải do Bento Thiện đặt. [2] Bội văn vận phủ là bộ vận thư được biên soạn vào thời Thanh từ 1704 đến 1711. Năm 1716, vua Khang Hy cho soạn thêm phần phụ gọi là Vận phủ thập di (hoàn thành năm 1720). Bộ sách này có 212 quyển, thu thập 18.000 chữ với khoảng 700.000 đơn vị là từ ghép, thành ngữ… Nguồn: Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư. Số 3 (35), 5-2015. |