Cấu trúc thông tin và biến thể cú pháp của câu tiếng Việt - Nguyễn Hồng Cổn
CẤU TRÚC THÔNG TIN VÀ BIẾN THỂ CÚ PHÁP
CỦA CÂU TIẾNG VIỆT
Nguyễn Hồng Cổn
1. Khi dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, chúng ta thường gặp những tình huống hội thoại, trong đó để trả lời câu hỏi (1a, 2a), sinh viên dùng các câu (1b, 2b), trong khi theo giáo viên lẽ ra phải dùng các câu (1c, 2c):
- 1) a. Em đến Hà Nội bao giờ?
- b.*Chủ nhật tuần trước em đến Hà Nội.
- c. Em đến Hà Nội chủ nhật tuần trước.
- 2) a. Ai dạy em học tiếng Việt?
- b.* Thầy Nam dạy em học tiếng Việt
- c. Thầy Nam/ Thầy Nam dạy em.
Giải thích lí do chỉnh sửa những trường hợp này, nhiều giáo viên cho rằng đơn giản chỉ vì các câu trả lời (1c, 2c) tự nhiên hơn, phù hợp với cách nói của người Việt hơn các câu (1b, 2b). Cách giải thích đó đúng nhưng chưa đủ. Theo chúng tôi, nếu coi giao tiếp là một hoạt động trao đổi thông tin thì sự thay đổi hình thức của câu ở đây còn liên quan đến một nhân tố hết sức quan trọng là sự khác biệt về vị thế thông tin của các thành phần câu biểu hiện qua cấu trúc thông tin của câu. Với cách nhìn như vậy, trong bài viết này, chúng tôi tập trung xem xét mối quan hệ giữa cấu trúc thông tin và hình thức của câu, thể hiện qua các biến thể cú pháp (BTCP). Nội dung bài viết bao gồm hai phần:
(1). Về khái niệm cấu trúc thông tin.
(2). Vai trò của cấu trúc thông tin đối với BTCP của câu.
- Về khái niệm cấu trúc thông tin