Chất trí tuệ qua biện pháp chơi chữ trong hát đối đáp của ví phường vải xứ Nghệ

Ngôn ngữ - Văn hóa
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 630 25/07/2021 19:12:12

 

CHẤT TRÍ TUỆ QUA BIỆN PHÁP CHƠI CHỮ TRONG HÁT ĐỐI ĐÁP CỦA VÍ PHƯỜNG VẢI XỨ NGHỆ

                                                              GS.TS. Nguyễn Nhã Bản(*)

Trong các tác phẩm thơ ca dân gian, các tác giả dân gian đã phát huy một trong những nét đặc sắc của mình là sự nhạy bén, thông minh qua hiện tượng chơi chữ. Chính qua các thao tác này, cách sử dụng ngôn ngữ như thế là những tư liệu chứng tỏ trí tuệ của cư dân một vùng, mảnh đất ham học, hiếu học và rất thông minh. Chơi chữ là một hoạt động ngôn ngữ chuyên sử dụng quan hệ liên tưởng để tạo nên những ý nghĩa bất ngờ, có thể nói chơi chữ đã trở thành một trong những nét đặc sắc của người Nghệ Tĩnh khi sử dụng ngôn ngữ. Lối chơi chữ của người Nghệ Tĩnh rất đa dạng, phong phú, nó biểu hiện tài năng tiềm tàng trong mỗi con người ở xứ này. Mà thật sự nó đã phản ánh đất hiếu học, khổ học và cũng rất thông minh. Một trong những cách chơi chữ mà ta bắt gặp trong thơ ca văn học dân gian Nghệ Tĩnh là lối chiết tự chữ Hán. Từ Hán - Việt hay yếu tố Hán - Việt là những đơn vị mượn tiếng Hán thông qua cách đọc Hán - Việt. Điều này hiện rõ trong quá trình hội thoại, trao - đáp, hỏi - đáp giữa bên nam và bên nữ trong hát ví phường vải, phường nón:

Truyện Kiều anh giảng đã tài,

Đố anh giảng được câu này anh ơi.

“Biết thân đến bước lạc loài

Nhị đào thà bẻ cho người tình chung

Chàng trai đáp lại:

Tình chung chẳng phải ai xa

Chính chàng Kim Trọng vào ra sớm chiều

Chàng trai quả thật nhanh ý bởi chữ “chung” là do chữ “Kim” và chữ “Trọng” ghép lại. Có những lúc tác giả dân gian vận dụng cả hai cách chơi chữ: Vừa chiết tự vừa ngụ ý:

Cố nhân hỏi khách hồng lâu

Chữ thiên nay đã trồi đầu hay chưa?

Chữ “thiên” viết nếu trồi đầu lên một tý sẽ thành “phu” nghĩa là chồng. Chàng trai muốn qua lối chơi chữ để ngụ ý hỏi cô gái một điều hết sức quan trọng: Em đã có chồng chưa?

Rất thông minh, cô gái đối đáp:

Hồng lâu thưa khách chương đài

Chữ thiên sổ dọc đá dài phân minh

                                                     (HPV)

Hay ở chỗ khác, vẫn cái lối vừa chiết tự, vừa ngụ ý đó:

- Bấy lâu em vắng đi đâu

Bây giờ thiên đã trồi đầu ra chưa?

- Từ ngày thiếp vắng mặt chàng

Bây giờ liễu đã có ngang ra rồi.

                                  (HPV)

Hoặc hàng loạt văn bản:

- Đấm một đấm hai tay ôm quàng

Thuyền chèo lên núi, thiếp hỏi chàng chữ chi?

- Lại đây anh nói nhỏ em nì

Ấy là chữ “mật” một khi rõ ràng.

- Hỏi chàng học sách kinh thi,

Đàn bà đi lọng chữ chi rứa chàng?

       - Anh đây đọc sách cửu thiên

Đàn bà đi lọng chữ “yên” rõ ràng...

                                  (HPV)

Lại có lúc xuất hiện sự đối chữ, chơi chữ giữa Hán - Việt và thuần Việt:

                    Cây tam thất trồng ba bẩy chậu

                    Pháo cửu trùng đốt nổ chín nghìn phong.

                    Chàng mà đối được thiếp theo không chàng về?

                               Núi ngũ hổ vẫy vùng năm khái,

                              Gió bốn mùa đúc lại tứ phương

                              Anh đà đối được thì nường tính sao?

                    Mẹ thương con qua cầu Ái Tử

                    Gái trông chồng đứng núi Vọng Phu,

                    Chàng mà đối được thiếp làm du mẹ thày?

                              - Lúa ba trăng cấy hồ bán nguyệt

                              Con hươu sao ăn lá hoàng tinh,

                              Anh đà đối được, em thuận tình em nha.

                    Con kiến đất leo cây thục địa

                    Con ngựa trời ăn cỏ chỉ thiên,

                    Chàng mà đối được gái thuyền quyên xin về?

                              - Con rắn mà lặn qua ,

                              Con mổ bông,

                              Chàng đã đối được, thiếp phải về hôm nay.

Thật là những cuộc đối thoại đầy chữ nghĩa, đầy trí tuệ. Hơn thế, chúng ta còn được thấy sự thông minh, linh hoạt của các tác giả dân gian trong việc khai thác giá trị nghệ thuật của vốn từ Hán Việt và vốn từ địa phương: tam thất/bẩy, cửu trùng/chín nghìn phong, ngũ hổ/năm khái, bốn/tứ, thương con/ái tử, trông chồng/vọng phu, hươu sao/hoàng tinh, kiến đất/thục địa, trời/thiên, rắn/xà, gà/kê. Ở đấy hai vế có khi là Hán với Việt và cũng có lúc trật tự đảo Việt với Hán trong đối chữ. Các địa danh cũng được vận dụng sáng tạo trong đối đáp:

- Người Kim Mã cợi con ngựa vàng,

Đất Phù Long rồng nổi thì chàng đối chi?

- Người Thanh Thủy gặp khách nước trong,

Hoành Sơn ngang núi đã thỏa lòng em chưa?

Kỳ thực lối chơi chữ vừa nêu là tác giả dân gian dựa vào hiện tượng đồng nghĩa. Từ đồng nghĩa là những từ có vỏ ngữ âm khác nhau, nghĩa giống nhau mà trong nhiều ngữ cảnh có thể thay thế cho nhau được. Trong hát phường vải, lối chơi chữ này xuất hiện khá nhiều, bởi như ta đã biết, ngữ âm của phương ngữ Nghệ Tĩnh có rất nhiều sự khác biệt, điều này dẫn tới một thực tế: có lúc âm khác nhau mà nghĩa giống nhau:

Giả đò neo chiếc thuyền tình

Bạn mối lái mành gấp ghe

                                        (HPV)

Đò, thuyền, bè, lái, mành, ghe là các từ đồng nghĩa rất gần với một khái niệm chung được người Nghệ Tĩnh biểu thị trong “nốc”. Lối dùng hiện tượng đồng nghĩa này được người Nghệ Tĩnh sử dụng nhiều, nhất là hiện tượng cùng nghĩa giữa các yếu tố Hán Việt và thuần Việt như mấy ví dụ trên. Trong các ví dụ đó, ta thấy cứ một yếu tố Hán cùng nghĩa với một yếu tố Việt tạo nên một cặp đối xứng rất chuẩn mực: đất/địa, trời/thiên, rắn/xà, gà/kê. Cách dùng hiện tượng đồng nghĩa giữa yếu tố Hán và yếu tố Việt đã tạo nên một cách nói vừa trang trọng vừa gần gũi, dễ đi vào lòng người và để lại ấn tượng đậm nét:

- Dở dang dang giở vì sông,

Ngày làm công nhật, đêm trông dạ chàng.

- Nhớ anh nhất nhật một ngày

Đêm tơ tưởng dạ lòng rày nhớ trông.

                                 (HPV)

Đồng âm khác nghĩa cũng là hiện tượng được các tác giả dân gian xứ Nghệ khai thác, vận dụng thành lối chơi chữ khá hay:

                       Cây đứng giữa đất gọi cây độ

                       Cây đứng một chỗ nói cây trôi

                       Chàng mà đối được chàng lôi em về

                                                         (HPV)

Ở phương ngữ Nghệ Tĩnh “độ” và “đỗ” phát âm giống nhau nên “cây đỗ” vừa có nghĩa là đậu (như chim trên cành không bay). Tác giả dân gian đã sử dụng hình thức đồng âm cú pháp, tạo ra một ngữ cảnh nước đôi, biểu hiện hai quan hệ cú pháp khác nhau trên một dạng cấu trúc ngôn từ. “Cây độ” vừa có thể phân tích như một từ ghép chính phụ, vừa có thể phân tích như một cụm C - V. Tương tự “cây trôi” cũng vừa là danh từ, đối ứng về nghĩa với “cây xoài” trong  vốn từ chung (một số nơi ở Nghệ Tĩnh còn gọi là cây quéo), nhưng “cây trôi” lại là một cụm C - V có đối tượng là “cây” và một nội dung thông báo là “trôi”. Rõ ràng ở đây tác giả dân gian đã chú ý khai thác những hiện tượng đồng âm giữa vốn từ chung với vốn từ địa phương, tạo ra những liên tưởng thú vị. Ví dụ:

             Con ngựa chạy giữa đàng gọi con ngựa cất

             Con cá bán giữa chợ nói con cá thu

             Chàng mà đối được thiếp làm du mẹ thầy?

             - Con rắn bò giữa đàng nói con rắn lại

             Con cá bội dưới nước gọi con cá leo

             Anh đã đối được em phải theo anh về.

                                                     (HPV)            

Hiện tượng chơi chữ trong thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh nhiều khi được hình thành nhờ cách dùng từ thuộc cùng một trường từ vựng:

Sao chàng vội cáo về mau,

Hay là ngận nghĩ mấy câu đã chờn?

- Ngồi ri trơ tráo thêm lâu

Gọi bằng khách địa vài câu biết

                                                 (HPV)

Ở đây cáo vừa có thể là động từ “xin rút lui”, vừa có thể hiểu là danh từ “con cáo”, ngận đi với nghĩ vừa là “ngẫm nghĩ” lại vừa có thể hiểu là “con ngận” chờn vừa hiểu là “nản chí” lại vừa là cách đọc chệch âm của từ chồn. Cáo, ngận, chồn đều thuộc loài cáo. Còn ở câu đáp “tráo” tiếng Nghệ có sự đối ứng ngữ âm đầu tr/s: tráo/sáo, trập/sập,… nên có nghĩa là “chim sáo” nhưng “tráo” đi liền với “trơ” đàng trước thành “trơ tráo”. Tráo, khách, gà, đều là những từ thuộc trường từ vựng về động vật. Quả thực một cuộc thoại đầy chất trí tuệ.

Có khi lại dùng hàng loạt từ địa phương cùng trường từ vựng để làm tăng mức độ diễn đạt:

  • Rú, rừng, núi, động, đèo, truông,

Ngàn xanh cách trở mây luồng cũng theo.

- Bể, hồ, khe, hói, lạch, rào

Sông sâu nước lội, ước ao kết nguồn

                                   (HPV)

Một sự hỏi đáp giữa rừng và nước. Tất cả các từ rú, rừng, núi, động, đèo, truông, ngàn, mây, luồng nằm trong một trường liên quan đến núi rừng, đến “ngàn”. Còn các từ bể, hồ, khe, hói, lạch, rào, nước, ao, nguồn nằm trong một trường từ vựng khác liên quan đến sông nước. Cũng như trường từ vựng về các mùa với từ chỉ hướng không gian:

             - xuân mà đi chợ hạ

             Mua một con cá thu về chợ hãy còn đông,

             Trai nam nhi đối đặng thiếp theo không chàng về?

             - Trai nam thanh ngồi hàng thuốc bắc

             Gái đông sàng cảm bệnh lâu tây

             Hai ta tình nặng nghĩa dày,

             Đối ra đáp được lúc này tính răng.

                                                     (HPV)

Hoặc như trường về các loại hoa quả, cây cối:

- Vườn hoa quả thị hồng

Mận mơ quấn quýt đèo bòng cho cam

- Nguồn cơn chánh liễu gia đình

khăng khế đang dành đó na.

                                  (HPV)

Trong nhiều trường hợp chơi chữ của người Nghệ có thể trở thành phương tiện để tuyên truyền cách mạng:

Trăng xưa dọi tỏ lòng người

Treo gương nhật nguyệt cho đời soi chung

                                                        (HPV)

Câu ca dao nghe qua chỉ là lời nhắn nhủ bình thường, đọc kỹ mới thấy, đó là lời nhắn nhủ thủy chung với cách mạng, Bác Hồ. Trăng xưa có nghĩa là “cổ nguyệt”, cổ ghép với nguyệt tạo thành chữ Hồ; lòng người: sĩ tâm, sĩ ghéo với chữ tâm tạo thành chữ chí, còn chữ nhật, nguyệt ghép lại với nhau thành chữ Minh. Câu thơ đã ghép thành ba chữ Hồ Chí Minh.

Bên cạnh việc sử dụng cấu tạo và ý nghĩa của các yếu tố Hán, sử dụng hiện tượng đồng âm, đồng nghĩa, đa nghĩa, trường ngữ nghĩa, các tác giả dân gian Nghệ Tĩnh còn sử dụng lối tách ghép để tạo hiện tượng chơi chữ nhằm biểu hiện kín đáo hơn điều mình muốn nói trong điều kiện không cho phép:

                       Tình cờ đó mới sáp dây

             Ước sao vàng đá trước sau vững vàng

                                               (DCNT)

Mới nghe qua tưởng là ước ao trọn vẹn thủy chung: “cờ” trong “tình cờ” với “đó” (người Nghệ đọc gần giống “đỏ”) thành “cờ đỏ”, ghép “sao” trong “ước sao” với “vàng” trong “vàng đá” sẽ tạo thành “sao vàng”. Cả hai câu là biểu tượng “cờ đỏ sao vàng” được nhắc đến kín đáo trong hai câu thơ.

Người Nghệ khéo sử dụng lối chia tách, kết hợp để tạo nên những cách biểu hiện khá sinh động:

- Cực lòng thiếp lắm chàng ơi,

Biết là lên ngược xuống xuôi đường nào

- Ước gì đó thất đây gia,

Châu - Trần hai họ giao hòa cùng nhau.

                                 (HPV)

Lối tách kết hợp đan chéo trên đây đã tạo được một cách nói rất dân dã, dân gian gần với lối nói hàng ngày nhưng đã để lại trong lòng người nghe những ấn tượng khá đậm nét.

Ngoài việc chia tách, lặp từ thì cũng phải kể đến vai trò và khả năng của các đơn vị thành ngữ được đưa ra. Ví như:

- Cầm sào mà đợi nước lên

Cầm duyên đợi bạn cho nên đến giừ

- Khi đầu em nói em thương

Bây giờ gánh nặng giữa đường đứt dây

Tưởng là rồng ấp lấy mây

Ai ngờ rồng ấp lấy cây bạch đàn

                                                                (HPV)

Ngoài những cách chơi chữ trên đây, người Nghệ còn dùng lối nói lái. Nói lái cũng là một nghệ thuật dùng từ, ở đó, người ta đã tráo đổi phụ âm đầu và phần vần trong các âm tiết để tạo nên những từ ngữ khác với nội dung mới một cách bất ngờ. Âm tiết tiếng Việt, như đã biết, không phải là một khối đông đặc, nó được cấu thành từ phụ âm đầu, vần và thanh điệu là các bộ phận có tính độc lập tương đối, việc đánh tráo vần có khả năng tạo nên trong nhiều trường hợp những đơn vị mới có nghĩa. Các tác giả thơ dân gian Nghệ Tĩnh đã tận dụng đặc điểm trên để tạo nên những từ hết sức bất ngờ thú vị:

             Anh bứt cỏ ngựa ngồi đầu cửa ngọ

             Kẻ bắn con nây ngồi cội cây non

             Chàng mà đối được thiếp trao chàng một quan

Câu đáp của chàng trai cũng sử dụng hình thức nói lái:

             Con cá đối nằm trên cối đá

             Con mèo cụt nằm tận mút kèo

             Trai thanh tân đã đối đặng, tiền cheo mô mà.

                                                               (HPV)

Trong những trường hợp này từ địa phương Nghệ Tĩnh đã phát huy được tác dụng của nó: nếu trong tiếng Nghệ không có hiện tượng biến thanh ngã - nặng thì “ngọ” trong “cửa ngọ” sẽ không có giá trị gì hết. Ở đây do có hiện tượng biến thanh trong vốn từ Nghệ Tĩnh “ngọ” được hiểu là ngõ và “cửa ngọ” mới có nghĩa đối ứng với “cửa ngõ” trong vốn từ chung. Trường hợp “con nây” cũng tương tự như vậy, nếu là “con nai” thì lái sẽ thành “cai non”, chẳng có ý nghĩa gì cả, nhưng vì người Nghệ nói “con nây” cho nên khi lái sẽ thành “cây non” là từ có nghĩa. Rõ ràng từ Nghệ có một lợi thế cho người sử dụng trong hình thức chơi chữ này.

Nói lái không phải là hiện tượng chỉ có trong cách dùng từ của người Nghệ. Người ngoài Bắc cũng có nói lái nhưng cách nói lái của người Bắc có khác. Ở Bắc, người ta nói lái bằng cách đánh tráo âm đầu và phần vần của âm tiết, giữ nguyên vị trí thanh điệu. Ví dụ:

Lấy chồng = chống lầy, tổ kiến = kiển tố, tượng lo = lọ tương…

Cách nói lái của người Nghệ đa dạng, linh hoạt hơn. Có thể bằng cách giữ nguyên âm đầu, đánh tráo phần vần, thanh điệu đổi chỗ theo vần như kiểu: mèo cái = mái kèo, khuê các = khác quê… lại cũng có thể nói lái bằng cách giữ nguyên âm đầu, đánh tráo phần vần, thanh điệu giữ nguyên vị trí mà không đổi chỗ theo vần, như kiểu: cháy chợ = chớ chạy, con ngựa = cưa ngọn… Khi kết hợp cả hai cách nói lái trên đây người Nghệ đã tạo ra nhiều từ mới có nghĩa bất ngờ. Ví dụ: “mèo cái” người Nghệ có thể nói lái thành “mái kèo”, lại cũng có thể lái thành “mài kéo”. Nhờ vậy mà lối chơi chữ nói lái của người Nghệ khá phổ biến. Trong các tác phẩm thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh, lối này được dùng rất nhiều và thường đem đến cho người nghe, người đọc lượng thông tin cao và bất ngờ:

             - Hàng cá khô gặp khô kho cá

             Quả đào non gánh nặng đòn nao

             Trai nam nhi giảng được, gái má đào xin theo

             - Hay nôm gặp bạn hôm nay

             Thấy chàng có một tháng chầy không đi

             - Đi rông gặp hội đông ri

             Thì đường bông vải thường đi lối này   

                                                               (HPV)

Những lối chơi chữ trên đây được dùng rất phổ biến trong khẩu ngữ cũng như trong các tác phẩm thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh, đặc biệt trong hát ví. Đó là những thí dụ sinh động, minh chứng cho lối dùng từ rất linh hoạt, biến hóa của người Nghệ, đồng thời cũng chứng tỏ khả năng tiềm tàng của vốn từ địa phương Nghệ Tĩnh khi vốn từ đó đi vào sáng tác văn học nghệ thuật./.

* Đại học Vinh

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
27867
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26806
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
23831
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18746
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18501
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
11932
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
11893
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9059
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Ngôn ngữ - Văn hóa
5497
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5462
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5402
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Việt Phổ thông
5398
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Tiếng Anh
4051
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3263
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
2999
Từ trái nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:39:45
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo