Chữ viết và ý nghĩa tên gọi di sản ‘‘Ví, Giặm xứ Nghệ’’ - Trần Thị Lam Thủy

Ngôn ngữ - Văn hóa
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 755 28/07/2021 20:29:00

CHỮ VIẾT VÀ Ý NGHĨA TÊN GỌI DI SẢN ‘‘VÍ, GIẶM XỨ NGHỆ’’

Writing and meaning of the name of ‘‘Ví and Giặm of Nghệ country’’ heritage

Trần Thị Lam Thủy

Bài viết được đăng trên Từ điển học & Bách khoa thư, số 4 (54), 7-2018

TÓM TẮT

Bài viết này góp phần trả lời những băn khoăn về tên gọi của di sản Ví, giặm xứ Nghệ như: Ý nghĩa của tên gọi Ví, Giặm là gì? Tại sao người Nghệ lại gọi tên hai thể hát của mình là Ví và Giặm? Tại sao có lúc gọi là Ví, Giặm xứ Nghệ, có lúc lại gọi là Ví, Giặm Nghệ Tĩnh? Viết Dặm hay Giặm? …

Từ khóa: tên gọi Ví Giặm, Ví Giặm xứ Nghệ, di sản văn hóa Ví, Giặm

ABSTRACT

This paper contributes to answer some questions about the names of Ví and Giặm as: “What are the meaning of Ví and Giặm names?”, “Why did Nghệ people name their two sing-styles to be Ví and Giặm?”, “Why did they sometimes call Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, sometimes call Ví, Giặm “xứ Nghệ”? Which name is appropriate? The name of “Giặm” must be written as “giặm” or “dặm”? Which is exactly how to write? and so on and so forth.

Keywords: The Name of Ví, Giặm; the Name of Ví Giặm “xứ Nghệ”, Ví, Giặm cutural Heritage

  1. Đặt vấn đề

      Năm 2014, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trở thành di sản thứ 9 của Việt Nam được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sau sự kiện trọng đại ấy, chúng tôi đã nhận được nhiều câu hỏi quan tâm đến Ví, Giặm. Trong đó có một số câu hỏi về tên gọi như: ‘‘Tên gọi Ví và Giặm có ý nghĩa gì?’’, ‘‘Vì sao người Nghệ lại gọi tên hai thể hát của mình là Ví và Giặm?’’, ‘‘Vì sao có lúc gọi là Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, có lúc lại gọi là Ví, Giặm xứ Nghệ?’’, ‘‘Tên gọi nào là phù hợp?’’, “Tên gọi của Giặm phải được viết là giặm hay dặm? Cách viết nào là chính xác?”, v.v. Bài viết này góp phần trả lời những câu hỏi trên.

      Trong thực tế, tên gọi là yếu tố ngôn ngữ được sử dụng có ý thức. Trong một chừng mực nào đó, nó thể hiện tư tưởng, văn hóa của người đặt tên. Có thể hiểu tên gọi là tín hiệu nhằm định danh đối tượng, phân biệt đối tượng này với đối tượng khác.

       Nhiều khi tên gọi và đối tượng được gọi tên không có mối liên hệ nào. Chẳng hạn, tên gọi của cá nhân một người nào đó với ý nghĩa của từ/âm là tên gọi của anh ta.  Một người tên là Hiền song tính nết, thậm chí cả vẻ mặt chưa chắc đã hiền; một người tên Hổ chắc chắn về hình dáng (thậm chí cả tính cách) chẳng thể nào gợi cho người ta nghĩ đến chúa sơn lâm… Tuy nhiên từ phương diện văn hóa - tư tưởng của người đặt tên, người ta có thể lí giải được vì sao người đó lại mang cái tên đó. Cha mẹ sinh con, mong con lớn lên thành người hiền tài nên đặt tên là Hiền, mong con thành đạt hoặc mong mãi mới sinh được con nên đặt tên là Đạt, hoặc như các cụ xưa - trong hoàn cảnh thiếu thốn, sinh con khó nuôi và cho rằng vì tà ma - họ lại đặt cho con mình những cái tên thật xấu để ma quỷ không thèm ngó tới. Như vậy, mối quan hệ giữa tên gọi và tư tưởng của người đặt tên lại có lí do nhất định.

        Với những đối tượng mang tính tập thể, là sản phẩm của cả một cộng đồng thì tên gọi lại càng cần phải có lí do, có ý nghĩa phù hợp với tri nhận của cộng đồng đó về đối tượng. Bởi lẽ nó không phải là một sự sản sinh đặc biệt của một cá nhân cụ thể, mà ngược lại, nó ra đời từ sự lưu hành và lặp đi lặp lại trong lòng một cộng đồng ngôn ngữ, văn hóa và tư tưởng. Tên gọi mà họ đặt cho sản phẩm của mình không đơn giản chỉ là để cho nó một cái tên mà còn là niềm tin, biểu tượng tinh thần mang tính tập thể; được các cá nhân trong cùng một cộng đồng chia sẻ và có tác dụng chi phối nhất định đối với nhận thức của mọi người về đối tượng được gọi tên. Nói cách khác, ở một góc độ nào đó, tên gọi thể hiện một cách cô đúc nhất, khái quát nhất những đặc điểm cơ bản của đối tượng. Qua tên gọi, người ta có thể hình dung được phần nào về đối tượng được gọi tên.

            Với cách hiểu về vai trò của tên gọi với đối tượng được gọi tên như vậy, chúng tôi tìm hiểu về ý nghĩa của tên gọi hai di sản văn hóa đặc biệt của xứ Nghệ: Ví và Giặm.

  1. Về tên gọi Ví, Giặm

       Ví và Giặm là hai thể hát của dân ca xứ Nghệ (bao gồm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh). Người dân nơi đây vẫn thường gọi là hát Ví và hát Giặm. Tuy nhiên vì sao gọi là “ví” và vì sao gọi là “giặm” thì đến nay vẫn chưa có sự thống nhất. Hầu hết, các lí giải đều chưa thật thỏa đáng. Dưới đây, xin điểm qua các cách giải thích về tên gọi Ví, Giặm đã có từ trước và một vài kiến giải của chúng tôi về tên gọi của hai thể hát này.

2.1. Về tên gọi “Ví”

       Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo “Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca Hò – Ví – Giặm xứ Nghệ” tổ chức tại Nghệ An năm 2011, tác giả Ninh Viết Giao viết:

        “Nhiều người cho rằng Ví là ví von, như câu:

                      Em như hoa nở trên cành,

            Anh như con bướm lượn vành khát khao.

       Lại có người cho rằng với, bên nam hát với bên nữ. Nhiều người lại cho rằng hát ví hát vói, bên nam đứng ngoài ngõ, ngoài đường "hát vói" vào sân, vào nhà với các cô gái đang kẹo vải, hoặc đám con gái đang cấy lúa ở đỗi ruộng này "hát vói" sang đỗi ruộng bên cạnh với đám con trai đang nhổ mạ. Ý kiến thứ ba này cần chú ý hơn” [10; tr. 7].

      Còn tác giả Nguyễn Đổng Chi cho rằng:

      “Nguồn gốc của từ “ví” có người cho là xuất xứ từ ý nghĩa “ví von”, tức là lối “tỉ” (mượn vật này so sánh với vật kia làm cho nổi bật ý định nói). Nhưng cũng có người cho “ví” là “với”, nghĩa là không hát một mình (độc thoại) mà phải hát cùng với đối tượng (đối thoại). Thực ra còn cần phải tìm hiểu thêm nữa, vì cả hai cách giải đáp đều có ý nghĩa nhưng chưa đủ căn cứ” [6; tr. 299].

       Xét thêm về nội dung các lời hát Ví, chúng tôi nhận thấy rất nhiều câu hát không có hình ảnh so sánh, ví von, mượn vật này so sánh với vật kia làm cho nổi bật ý định nói như các tác giả đã dẫn ở trên. Còn nếu nói rằng bởi Ví được hát trong một không gian rộng, lại có người hát với nhau nên có thể hiểu là với, là vói cũng rất có lí, song đây lại là đặc điểm chung của sinh hoạt ca hát dân ca của tất cả các vùng miền. Đối đáp khi giã gạo của hò Bình Trị Thiên, hò Bài chòi của Nam Trung bộ, Quan họ của Bắc Ninh… đều có nam nữ hát với nhau. Và với quan niệm xưa Nam nữ thụ thụ bất thân thì chẳng có ai ghé được sát tai bạn hát mà hát cả. Vả lại, kể cả thời nay, không còn bị ràng buộc bởi những quy tắc ấy thì khi đã ghé sát tai bạn hát rồi, chắc họ sẽ "thầm thì" chứ chẳng ai hát nữa. Một lí do nữa, trong hát Ví có hình thức hát lẻ (hát một mình) thì cách lí giải này hoàn toàn không thuyết phục được.

        Tìm trong cuốn Từ điển tiếng địa phương Nghệ Tĩnh (Nguyễn Nhã Bản – chủ biên, NXB. Văn hóa Thông tin, H., 1999) chúng tôi không tìm được từ ví. Tuy nhiên, theo kết quả tìm hiểu từ địa phương ở một số vùng của Thanh Hóa và Bình – Trị – Thiên, ví lại là từ được sử dụng với ý nghĩa là vói, với. Dù cùng một dải đất miền Trung, có nhiều từ địa phương giống nhau, song sẽ rất khó thuyết phục khi người Nghệ lại gọi một sản phẩm đặc trưng của cộng đồng khu vực mình theo nghĩa của một địa phương khác. Bởi vậy, chúng tôi đồng ý với GS. Nguyễn Đổng Chi khi cho rằng “cách giải đáp có ý nghĩa nhưng chưa đủ căn cứ”.

        Tìm vào những câu hát Ví của người Nghệ, chúng tôi đặc biệt chú ý đến một trong những bài ca thường được mở đầu trong nhiều cuộc hát:

Đồn rằng có gái tốt tươi,

Ví hay tăm tiếng đến tay anh rày,

Anh nói cho dì mình hay,

Dì mình hay ví ra tay ví cùng.

Ví cho con gái bỏ chồng,

Con trai bỏ vợ, mẹ dòng bỏ con.

Ví cho nát đám cỏ non,

Điếu kia long nõ kêu tròn như vo.

Ví cho nước Hán sang Hồ,

Nước Tần sang Sở, nước Ngô sang Lào.

Ví cho sóng nổi ba đào,

Một trăm cuộn chỉ lọt vào trôn kim.

Ví ở đây được dùng đồng nghĩa với hát:

- Hát lên ta nhởi ta chơi,

Mấy khi đèn hạnh soi nơi quyển vàng.

- Hát dăm ba chuyện mà chơi,

Chuyện đối với chuyện, ai đối với người mà lo.

          Như vậy, Ví được dùng như một động từ chỉ hoạt động ca hát.

        Tìm trong các cuốn từ điển tiếng Việt từ xưa tới nay, chúng tôi có được ý nghĩa của ví như sau:

        Xem cuốn Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (xuất bản năm 1651), tác giả Alexandre de Rhodes đã thu thập 8000 từ tiếng Việt, trong đó ví được giải thích:

        Ví: So sánh, ví. Ví chẳng kịp: không thể so sánh. Ví bằng: Ví dụ; Thí (thí) dụ (cùng một nghĩa). Ví dù: nếu quả thực. [1; tr.68] [2; tr.48].

       Trong cuốn Đại Nam quấc âm tự vị của học giả Huình Tịnh - Paulus Của, xuất bản năm 1895, có giải thích về ví như sau:

“Ví: tiếng chỉ nghĩa sánh, so

Ví bằng: nhược bằng, nếu mà

Ví dầu (id)                 

Ví thể  (id)

Ví như: dường như

Ví dụ: giả như

Ví tày: sánh dường, chẳng khác gì

Lời ví: lời nói tỉ, nói thi.’’ [7; tr. 1165].

        Một nguyên tắc trong giải thích từ điển là sử dụng từ đồng nghĩa, gần nghĩa để giải nghĩa cho từ. Bởi vậy, chúng tôi đã từ thêm từ sánh, so.

       Xem lại cuốn Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum của Alexandre De Rhodes, sánh được giải thích như sau:

‘‘Sánh: So sánh, cân bằng. Sánh nhau. Bì nhau.’’ [2; tr. 201].

So: So sánh vật gì với nhau để coi vật nào tốt hơn. So cùng nhau. So lại cái nào tốt. [2; tr. 204].

       Xem thêm cuốn Dictionnaire Annamite - Français của tác giả Jean Bonet (xuất bản năm 1899), sánh được giải thích như sau:

       Sánh: Agréments féminins, élégance, distinction; s'enquérir, s'informer [5; tr. 201]. (Chúng tôi tạm dịch là: Sự đùa vui của phụ nữ / lời bông đùa lịch sự, sang trọng, khác biệt, tìm hiểu, hỏi thăm.)

       Như vậy, xét trong mối tương quan, đồng nghĩa với sánh, ví còn được hiểu là sự giải trí, tìm hiểu, hỏi thăm; nó không chỉ là một danh từ chỉ sự so sánh, ý nghĩa so sánh mà còn là một động từ chỉ hoạt động so sánh, đối chiếu giữa các đối tượng nhằm kiểm tra sự tương ứng, cân bằng giữa các đối tượng đó như thế nàođây là những ý nghĩa mà chúng ta dễ dàng nhận thấy mối liên quan với hát Ví của người Nghệ xưa.

       Tìm nghĩa của ví trong cuốn từ điển gần đây hơn, chúng tôi có kết quả sau:

- Trong cuốn Việt Nam tự điển (xuất bản năm 1931), ý nghĩa của từ ví được giải thích như sau:

Ví. 1. So sánh: Lấy người nọ ví với người kia. – 2. Lối ca dao, lấy truyện này để ví hay gợi truyện khác; Hát ví.

Ví von. Nói chung về hát ví: Bọn thợ vừa làm vừa ví von với nhau [9; tr. 632].

- Trong cuốn Từ điển tiếng Việt, ví được giải thích như sau:

‘‘Ví I đg. So sánh sự giống nhau về một tính chất nhất định với cái cụ thể nào đó để tạo thành một hình ảnh gợi tả. Công ơn ví như trời bể.

Ví II d (id.). Hát ví (nói tắt)’’ [11; tr. 1091].

        Còn hát ví được giải thích là: Lối hát đối đáp có tính chất trữ tình giữa trai và gái trong lao động. Hát ví đò đưa [11; tr. 426].        

            Qua các cuốn từ điển, chúng tôi có thể khẳng định, ví là một từ phổ thông đã xuất hiện từ lâu trong vốn từ vựng tiếng Việt. Xem xét các ý nghĩa được liệt kê qua các cuốn từ điển, chúng tôi có mấy nhận xét sau:

            Thứ nhất, ví là một danh từ được dùng với ý nghĩa chỉ sự so sánh.

            Thứ hai, ví là một động từ để chỉ hành động đối chiếu, so sánh giữa hai hoặc nhiều đối tượng nhằm xác định sự khác biệt hay tương ứng giữa các đối tượng như thế nào.

            Thứ ba, ví tham gia vào các tổ hợp có tính chất quán ngữ để nêu lên các giả thiết: ví bằng, ví dù, ví dụ hoặc gợi lên một tình huống giả định nào đó.

            Qua tìm hiểu về hát Ví ở xứ Nghệ từ các phương diện nội dung, tính chất của ca từ, mục đích sử dụng của người hát, đặc biệt là xem xét cách thực hành di sản này của người Nghệ xưa, chúng tôi nhận thấy có các đặc điểm tương ứng với các ý nghĩa của ví đã nêu ở trên. Với chức năng là tên gọi của một thể hát dân ca, theo chúng tôi, ‘‘ví’’ trong ‘‘hát ví’’ là một danh từ được chuyển loại từ động từ với các ý nghĩa sau:

(1). Hoạt động ca hát để giải trí, gợi cảm hứng hoặc gợi một câu chuyện, một tâm sự hoặc nêu lên một giả định nào đó.

(2).  Đối đáp để tìm hiểu, hỏi thăm về đối tượng, giao tiếp với đối tượng.

(3). Đối sánh, thi thố giữa các bên tham gia hát.

(4). Tính chất so sánh, ví von trong lời ca.

         Như vậy, ví trong hát Ví không phải là một từ với một vài nghĩa chuyển tự đơn thuần mà là một từ chỉ một chuỗi các hoạt động có mục đích, đặc điểm, ý nghĩa của nó. Các ý nghĩa này đều thể hiện rõ trong các đặc điểm của sinh hoạt hát Ví của người Nghệ xưa. Có thể nói, tên gọi hát Ví là một điển tín văn hóa của người Nghệ về một sản phẩm văn hóa của cộng đồng.

  1. 2. Về tên gọi ‘‘Giặm’’

        Tác giả Ninh Viết Giao trong báo cáo đề dẫn Hội thảo đã viết:

         ‘‘Hát giặm là gì?

         Có người cho rằng giặm là giẫm chân và hát giặm là lối hát có đánh nhịp bằng chân. Lại có người cho rằng, tiếng giặm xuất phát từ tính phân đoạn trong một bài hát giặm, tức là trong một bài hát có nhiều đoạn nhiều khúc. Còn có người cho rằng, giặmgiắm vào, điền vào như giắm lúa, điền nan (trong một cái rổ). Ý kiến này căn cứ những câu láy lại trong một bài hát giặm. Thực ra những ý kiến trên chưa thuyết phục hoàn toàn đối với những người muốn tìm hiểu về hát giặm.

         Thật ra, theo tôi nó là tiếng vang lại của giọng nói nơi núi rừng. Nhất là khi chúng ta đi vào những khu núi rừng có nhiều vách đá thẳng tắp cheo leo. Khi nói một câu chúng ta thường nghe lại những tiếng của chính mình. Câu láy lại trong một đoạn hay một khúc có thể là tiếng vọng đó của con người thời xa xưa. Ý kiến trên của tôi mới có tính chất tương đối mà thôi, nhưng đã được một số người cho là có tính chất khám phá’’ [sđd ; tr. 11].

        Còn GS. Nguyễn Đổng Chi nhận xét:

       ‘‘Từ giặm về ngữ nghĩa, cho đến nay vẫn còn mơ hồ. Có người cho là nó xuất phát từ tính cách phân đoạn của bản thân hát giặm. Nhưng cách lí giải ấy chưa được thỏa đáng. Có người lại cho nó xuất phát từ tính cách chắp vần và láy lại của một khúc hát trong đối thoại (tương tự với ý nghĩa từ giặm trong ngôn ngữ thông tục). Cách giải thích này tương đối có lí nhưng chưa hoàn toàn đủ sức thuyết phục. Nói chung, dân ca hát giặm sẽ bao hàm trong nó ba nghĩa: 1) là một hình thức dân ca; 2) là một thể thơ; 3) là một hình thức văn tự sự (giặm, vè)’’ [6; tr. 291].

        Dù không nêu ra cơ sở một cách thỏa đáng song cả hai tác giả đều đã tổng hợp được những điểm chung khi tìm cách giải thích về tên gọi giặm: 1) căn cứ vào tính phân đoạn của câu hát; 2) căn cứ vào tính chất láy lại ở câu cuối trong mỗi trổ([1]); 3) căn cứ vào lối hát có đánh nhịp bằng chân. Còn cách đề xuất cho rằng giặm là tiếng vang lại của giọng nói nơi núi rừng của tác giả Ninh Viết Giao, suy đến cùng, điều đó cũng xuất phát từ tính chất láy lại ở câu cuối của Giặm. Ba nét nghĩa trên tương đối phổ biến về cách hiểu hiện nay và hầu như đã được nhiều người Nghệ thừa nhận.

        Chúng tôi lại phải tìm về quá khứ để cố gắng xác định những cơ sở khoa học cho ý nghĩa tên gọi của từ giặm trong hát giặm.

        Trong cuốn từ điển của Alexandre de Rhodes (sđd), giặm được giải thích như sau:

Giạm = vít lỗ thủng như của chiếc thúng hay những vật tương tự, bằng việc thêm vào những rẽ tre, giặm.

Giạm = tiếng động, giạm chên: tiếng động của chân. [2; tr. 104].

            Như vậy, có thể thấy, ở thế kỉ XVII, giặm là biến âm của giạm với hai nghĩa tương ứng mà chúng ta xác định hiện nay:

            - Giặm: điền vào, chêm vào;

            - Giặm: tiếng động của chân, đánh nhịp bằng chân.

            Cuốn từ điển thứ hai, xuất hiện vào thế kỉ XIX của Huình Tịnh Paulus Của, trong đó giải thích nghĩa của từ giặm như sau: 

            Giặm: thêm thắt, xen vào, kể thêm

Giặm vào: xen vào [7; tr. 366].

            Có thể thấy tiếng Việt ở thế kỉ XIX đã có sự phát triển, tiếng giặm đã tách ra khỏi ảnh hưởng của giạm ở thế kỉ XVII và bổ sung thêm những nét nghĩa mới. Trong đó, có nét nghĩa đáng chú ý là thêm vào, nói thêm vào. Xét cách sáng tạo lời giặm của người Nghệ xưa, nét nghĩa này rất tương xứng, đó là một người đặt lời, những người sau kế tiếp đặt thêm, cuối cùng hình thành những bài giặm dài, có khi hàng chục câu với nhiều trổ khác nhau. Ý nghĩa này cũng phù hợp với cách giải thích trong từ điển tiếng Việt hiện nay:

            Giặm đg: 1. Đan vá vào chỗ nan hỏng. Giặm nong. Giặm thúng. 2. (kết hợp hạn chế). Thêm vào chỗ còn trống, còn thiếu. Giặm mạ vào ruộng. Ăn giặm thêm vào giữa buổi [11; tr. 398].

            Qua các tài liệu trên, có thể thấy, cách hiểu về nghĩa của từ giặm trong hát giặm của cộng đồng người Nghệ hiện nay là hoàn toàn có cơ sở, phù hợp với những ý nghĩa của từ đã tồn tại từ trước tới nay.

            Tuy nhiên, hiện nay, trên các văn bản (báo, tạp chí…) vẫn còn tồn tại hai cách viết dặm và giặm, đây cũng là vấn đề cần làm sáng tỏ. Theo các nhà ngôn ngữ học, khi "dặm" với tư cách là một danh từ dùng để gọi tên sự vật, ta viết chữ "d", chẳng hạn như: dặm ngàn, dặm trường (dặm là độ dài chỉ quãng đường), hoặc trong từ địa phương Nghệ Tĩnh, dặm là dụng cụ bắt cá nhỏ, tép ven sông... (theo Nguyễn Nhã Bản, sđd). Như vậy, với quan điểm coi "dặm" là danh từ gọi tên một thể hát dân ca xứ Nghệ, thì lẽ đương nhiên phải được viết là "hát dặm". Tuy nhiên, như chúng tôi đã phân tích ở trên, cùng quan điểm với các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian xứ Nghệ, xuất phát từ đặc điểm, cấu trúc của thể hát này thì giặm trong "hát giặm" có nguồn gốc từ động từ và phải được viết là GIẶM.

            Tại Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca hò, ví, giặm xứ Nghệ" tổ chức vào tháng 3/2012 ở thành phố Vinh – tỉnh Nghệ An, vấn đề tên gọi của các thể hát đã được đặt ra trao đổi và lựa chọn. Sau khi nghe ý kiến các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, văn hoá, Hội thảo đã thống nhất tên gọi với cách viết là GIẶM (Đây cũng là cách viết để phân biệt với hát dặm của người Việt ở Hà Nam).

  1. Về tên gọi của di sản: VÍ, GIẶM XỨ NGHỆ hay VÍ, GIẶM NGHỆ TĨNH

            Trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hiện nay vẫn tồn tại hai cách gọi về Ví, Giặm và dân ca nói chung là dân ca xứ Nghệ, Ví Giặm xứ Nghệ và dân ca Nghệ Tĩnh, dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh. Vì sao có những cách gọi này, chúng tôi lại phải tìm về lịch sử của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

         Về mặt địa giới, đây là vùng đất nằm ven biển vùng bắc Trung bộ Việt Nam, trải dài từ Khe Nước Lạnh (điểm giáp ranh giữa Nghệ An và Thanh Hóa) đến Đèo Ngang (điểm giáp ranh giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình). Hà Tĩnh và Nghệ An được ngăn cách bởi con sông Lam. Phía nam sông Lam là Hà Tĩnh; phía bắc sông Lam là Nghệ An.

           Mặc dù thuộc hai đơn vị hành chính song về đặc điểm địa hình, khí hậu cả hai tỉnh đều có những điểm giống nhau. Về thổ âm, thổ ngữ và các phong tục, nếp sống của cư dân hai tỉnh cũng hoàn toàn giống nhau. Có thể nói, tuy hai mà là một.

          Thủa xưa, hai tỉnh này có tên chung là quận Cửu Chân (thời nhà Hán), Cửu Đức (thời nhà Tần), Nhật Nam (thời nhà Tùy), Hoan Châu (thời nhà Đinh và Tiền Lê), Nghệ An châu (thời Lý, Trần), xứ, thừa tuyên Nghệ An (thời Lê Thánh Tông), Nghệ An trấn (thời Tây Sơn và thời Nguyễn). Năm 1831, trấn Nghệ An được vua Minh Mệnh chia thành 2 tỉnh Nghệ An (bắc sông Lam) và Hà Tĩnh (nam sông Lam). Năm 1976, hai tỉnh sát nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh và đến năm 1991 lại tách ra hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

           Nói thêm về thời Lê Thánh Tông, năm 1469, Triều đình định lại bản đồ cả nước, chia làm 12 đơn vị hành chính và đặt tên thừa tuyên cho 12 đơn vị hành chính đó. Vùng đất Nghệ An và Hà Tĩnh bây giờ là một thừa tuyên. Đến năm 1490, tên gọi thừa tuyên được chuyển thành xứ. Tên xứ Nghệ được gọi cùng đồng thời với xứ Thanh, xứ Quảng, xứ Lạng, xứ Huế, xứ Đoài, xứ Bắc, v.v.

         Điều thú vị là từ đó, tên gọi các vùng miền gắn liền với xứ đi vào ca dao, dân ca rất phổ biến. Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều các câu ca xưa gắn với xứ như:

- Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

- Đường vào xứ Quảng bao xa

- Ai lên xứ Lạng cùng anh

- Ai vô xứ Huế thì vô

v.v.

         Với việc gắn liền tên gọi địa danh các vùng, xứ trở thành một danh từ đơn vị để chỉ riêng một vùng dân cư được kết tụ các giá trị về vật chất và tinh thần, về tự nhiên và xã hội, về phong tục tập quán, lễ nghi tín ngưỡng, về địa lý, dân cư… hình thành ý niệm về vùng văn hóa sâu đậm trong tâm thức của người Việt. Dù trải qua bao thay đổi tên gọi, cách gọi và sự chia cắt về mặt hành chính, song những giá trị văn hóa được tạo nên từ đó, có thể nói, không mất đi mà ngược lại, tồn tại và in đậm trong tâm thức của mỗi người dân, trở thành một nét bản sắc truyền thống của các vùng miền trong cả nước. Cũng bởi vậy mà tên gọi xứ Nghệ với dân ca xứ Nghệ, Ví Giặm xứ Nghệ được hình thành và sâu đậm trong các thế hệ người dân Nghệ An và Hà Tĩnh cho đến mãi hôm nay.

            Về tên gọi Nghệ Tĩnh, năm 1976, Quốc hội khoá VI đã quyết định nhập hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Từ đó tên gọi Nghệ Tĩnh được quen dần trong cách dùng thuật ngữ để chỉ một địa danh hành chính. Tuy nhiên, đây cũng là thời kì nở rộ của các hoạt động văn hóa, văn nghệ gắn với đương đại, nhiều công trình nghiên cứu ra đời, có ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình bảo lưu và phát triển văn hóa của hai tỉnh. Hầu hết các công trình đó đều đặt tên theo định danh hành chính Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ như Hát Ví Nghệ Tĩnh (Nguyễn Chung Anh), Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh (Nguyễn Đổng Chi), Hát giặm Nghệ Tĩnh (Nguyễn Đổng Chi), Hát giặm Nghệ Tĩnh (Ninh Viết Giao), Dân ca Nghệ Tĩnh (Vi Phong), v.v. Tên gọi này đã gắn bó và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa xứ Nghệ hiện nay. Thực tế, trong cộng đồng những người nắm giữ di sản không có ranh giới văn hóa giữa hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Với họ, dù có thế nào đi nữa, vùng văn hóa này vẫn là một thể thống nhất không thể tách rời.

  1. Kết luận

Hiện nay, trong cộng đồng người Nghệ An - Hà Tĩnh và trong giới học thuật đã đang tồn tại ba cách gọi và viết tên của di sản Ví, Giặm như sau:

VÍ, GIẶM XỨ NGHỆ hoặc DÂN CA VÍ, GIẶM XỨ NGHỆ

VÍ, GIẶM NGHỆ TĨNH hoặc DÂN CA VÍ, GIẶM NGHỆ TĨNH

VÍ, GIẶM NGHỆ – TĨNH hoặc DÂN CA VÍ, GIẶM NGHỆ – TĨNH

Vấn đề ở đây không còn là chuyện đúng – sai mà là cộng đồng người sử dụng đã chấp nhận và sử dụng nó như những dấu hiệu của niềm tin, của biểu tượng mang tính cộng đồng về Ví, Giặm. Điều quan trọng hơn nữa là dù ở nơi đâu, khi nghe đến hai tiếng Ví và Giặm, bất kì ai cũng nghĩ ngay đến một miền quê chan chứa ân tình – một miền quê đầy bản sắc cùng với câu hát Ví, Giặm - di sản văn hóa tinh thần quý giá của người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tuy nhiên với chữ viết và học thuật, chúng ta cần có sự thống nhất và đảm bảo cho tính khoa học của tên gọi.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Alexandre de rhodes, Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum, Vatican, 1651
  2. Alexandre de rhodes, Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (thường được gọi là Từ điển Việt – Bồ – La), Viện Khoa học Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh, 1991
  3. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: https://www.wikipedia.org
  4. Nguyễn Nhã Bản (Chủ biên), Từ điển tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, NXB Văn hóa Thông tin, H., 1999
  5. Jean Bonet, Dictionnaire Annamite - Français, Paris Imprimerie Nationale, 1899
  6. Nguyễn Đổng Chi, Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ An, 2010
  7. Huình Tịnh – Paulus Của, Đại Nam quấc âm tự vị, Sài Gòn, 1895.
  8. Ninh Viết Giao, Hát phường vải, Nxb Văn học, H., 1961
  9. Hội Khai trí Tiến Đức, Việt Nam tự điển, 1931.
  10. Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Nghệ An, Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Ví Giặm xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 2012.
  11. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam – Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Trung tâm từ điển ngôn ngữ, H., 1992

 

 

[1] Một bài Giặm thường có nhiều trổ (tương đương với khổ thơ), câu cuối cùng của mỗi trổ thường được láy lại.

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
28242
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26966
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
24006
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18870
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18651
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
12219
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
12053
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9178
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Tiếng Việt Phổ thông
6139
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Ngôn ngữ - Văn hóa
5633
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5600
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5519
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Anh
4173
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3346
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
3208
Từ cũ và từ Hán Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 05/09/2021 12:05:39
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo