Con số bốn trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao nhìn từ góc độ ngôn ngữ – văn hóa

Ngôn ngữ - Văn hóa
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 2493 22/07/2021 10:36:53

CON SỐ BỐN TRONG THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ, CA DAO

NHÌN TỪ GÓC ĐỘ NGÔN NGỮ – VĂN HÓA

                                                                                         Trần Thị Lam Thủy

1. Đặt vấn đề

Ngôn ngữ là phương tiện hành chức mang tính xã hội, là thành tố của văn hoá. Chính trong ngôn ngữ, đặc điểm của nền văn hóa dân tộc được lưu giữ rõ ràng nhất. “Ngôn ngữ vừa là điều kiện tồn tại vừa là sản phẩm văn hoá của nhân loại. Bởi vậy, trong mọi nghiên cứu về ngôn ngữ nhất thiết cũng phải coi chính văn hoá là đối tượng của mình” (Vinocua – 1960 – dẫn theo PMC [2]). Xuất phát từ định hướng đó, khi tìm hiểu về con số, chúng tôi đặc biệt chú ý đến đặc điểm văn hóa của nó.

Xét đến những đặc trưng văn hóa trong ngôn ngữ, có thể thấy, yếu tố văn hóa được thể hiện rõ nét nhất, kết đọng nhất chính là ngôn ngữ dưới dạng khuôn mẫu kiểu như thành ngữ, tục ngữ, các hình ảnh và sự so sánh của mỗi dân tộc. Bởi vậy, khi chọn tìm hiểu về văn hóa dân tộc qua ngôn ngữ, những đối tượng đầu tiên mà chúng ta tìm đến là các thể loại thành ngữ, tục ngữ, ca dao. Điều này đã có cơ sở lí luận và khoa học.

Con số bốn tồn tại trong nhiều quan niệm khác nhau giữa các nền văn hóa trên thế giới và ngay trong văn hóa Việt Nam, mỗi phương diện đời sống lại có những quan niệm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Tìm hiểu con số bốn trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao, chúng tôi nhằm lí giải, làm sáng tỏ nguyên do về những quan niệm trên, đồng thời góp phần đưa con số vào quá trình nghiên cứu dưới góc độ ngôn ngữ - văn hóa một cách có hệ thống.

2. Một số quan niệm về con số bốn

2.1. Quan niệm của một số nước trên thế giới

2.1.1. Quan niệm của người Trung Quốc

Người Trung Quốc rất ưa dùng con số bốn. Nhiều sự vật, hiện tượng trong cuộc sống của người Trung Quốc được khái quát bằng sự hiện diện của con số bốn. Bàn ăn của người Trung Quốc thường có bốn chỗ hoặc số chẵn. Món ăn bày trên bàn cũng thành bốn hoặc số chẵn (Tứ oản bát – bốn bát tám đĩa) để cho mọi người thấy đối xứng, sum họp. Kiến trúc của người Trung Quốc cũng rất chú ý đến con số Bốn: sân ở giữa, nhà bốn bên (Tứ hợp viện, Tứ đại đồng đường). Nhiều sự vật trong cuộc sống của họ cũng thường được khái quát bằng sự hiện diện của con số bốn: hình ảnh người quân tử được biểu tượng bằng bốn loại cây: trúc, lan, mai, cúc (hoặc tùng, trúc, cúc, đào); nghệ thuật có bốn ngành tiêu biểu: cầm, kì, thi, họa; về sách có Tứ thư; về đồ vật quý báu của người trí thức Tứ bảo; trong muôn ngàn loài hoa, người Trung Quốc cũng tôn vinh bốn loại: hoa mẫu đơn ở Lạc Dương, Hà Nam; hoa thủy tiên ở Dương Châu, Phúc Kiến; hoa cúc ở Hàng Châu, Triết Giang; hoa sơn trà ở Đại Lí, Vân Nam… bốn mùa cũng có bốn loại hoa tiêu biểu: hoa phù dung mùa xuân; hoa hải đường mùa hạ; hoa kim cúc mùa thu; hoa lạp mai mùa đông; nói về người đẹp, họ cũng tôn vinh bốn mĩ nữ - Tứ đại mỹ nhân; Phật giáo của Trung Quốc cũng có bốn thánh địa lớn: núi Ngũ Đài ở Sơn Tây (Ngũ Đài Sơn), núi Nga Mi ở Tứ Xuyên (Nga Mi Sơn), núi Cửu Hoa ở An Huy (Cửu Hoa Sơn), núi Phổ Đà ở Triết Giang (Phổ Đà Sơn); về văn hóa, họ có rất nhiều thư viện, nhưng được xây dựng quy mô và nổi trội hẳn cũng có bốn thư viện: Bạch Lộc Động, Nhạc Lộc, Thạch Cổ và Ứng Thiên Phổ; chữ viết của người Trung Quốc cũng có bốn kiểu chữ là: chữ Khải, chữ Thảo, chữ Lệ, chữ Triện; trong thần thoại, truyền thuyết, người Trung Quốc cũng có rất nhiều truyện có số bốn: Tứ đại bộ châu, Tứ đại thiên vương, Tứ hải long vương, Tứ đại bồ tát. Ngay cả trong bộ tiểu thuyết nổi tiếng Tây du kí cũng có bốn nhân vật chính đi lấy Kinh: Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng; thậm chí đến cách an táng người chết cũng có bốn cách: thủy táng, hỏa táng, thổ táng, điểu táng [4, tr. 38 – 42].

2.1.2. Quan niệm của người Nhật Bản, Hàn Quốc

           Người Nhật Bản, Hàn Quốc và một số vùng ở Quảng Đông, Bắc Kinh (Trung Quốc) đặc biệt không thích con số bốn đến mức khiến người ta phải giật mình. Các bệnh viện ở Nhật Bản, Hàn Quốc không có phòng bệnh nhân số bốn, nhà cao tầng ở Nhật Bản không gọi tầng thứ tư, mười bốn (người ta gọi là 3a, 3b, 13a, 13b…); thậm chí ngay cả trong nhà tù, cũng không có buồng giam số bốn.

            Lí giải về điều này, các nhà nghiên cứu cho biết: trong tiếng Nhật, tứ (bốn) và tử (chết) là hai từ đồng âm. Người Nhật Bản liên tưởng đến những từ đồng âm với tử không tốt lành, gợi cho người nghe nghĩ đến sự chết chóc, vì vậy mà sinh ra kiêng kị số bốn. Trường hợp này cũng tương tự với Hàn Quốc, Bắc Kinh và một số vùng ở Quảng Đông (Trung Quốc) [4, tr. 44; 1, tr. 43].

2.2. Con số bốn trong đời sống của người Việt

            Quan niệm về con số bốn trong văn hóa Việt và văn hóa Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng. Mỗi khía cạnh của đời sống người Việt chúng ta đều có thể tìm thấy những hình ảnh liên quan đến con số bốn.

2.2.1. Trong đời sống tâm linh

Trong đời sống tâm linh người Việt, sự hiện diện của con số bốn cũng rất được chú ý: thần thiêng trong dân gian có bốn vị được coi là “Tứ bất tử” (Phù Đổng Thiên Vương, Chữ Đồng Tử Tiên ông, Tản Viên Sơn Thánh và Mẫu Liễu Hạnh); trong kiến trúc đền đình các con vật linh thiêng được chạm khắc có “Tứ linh” (Long, Li, Quy, Phượng); trong thờ cúng, trên bàn thờ của gia đình họ cũng giữ lại bài vị của bốn vị thần chủ bốn đời (gồm: Khảo – Cha mẹ mình, Ông bà tổ – Người sinh ra cha mẹ mình, Ông bà tằng tổ – Người sinh ra ông bà mình, Ông bà cao tổ – Người sinh ra tằng tổ) [1, tr. 43, 44]… Trong Phật giáo, rất nhiều quan niệm triết lí của nhà Phật gắn với con số bốn:  Tứ vô lượng tâm, Tứ diệu đế, Tứ khổ... Sự bất tử cũng được xếp thành bốn hạng là Thần, Tiên, Phật, Thánh; trong đời thường cũng có bốn mẫu người được xem là bất tử gồm: người có đạo đức lớn, người có sự nghiệp lớn, người có tác phẩm văn học bất hủ lưu truyền lâu dài, người có công lao lớn, v.v.

2.2.2. Trong kiến trúc

Trong kiến trúc thông thường của người Việt, họ đặc biệt rất ít khi sử dụng các con số chẵn cũng như số bốn. Tuy nhiên vẫn có một số công trình có kiểu thiết kế liên quan đến con số bốn như: Thập tháp Bình Định, Chùa Thiên Mụ – Huế... bố trí theo lối chữ khẩu, bốn toà nhà bao quanh, sân ở giữa, Chùa Một Cột (Thăng Long – Hà Nội) xây dựng dựa theo sự kết hợp giữa số một và bốn (bên trong là linh chiểu (ao thiêng) hình vuông, bao quanh bên ngoài là viên trì (hồ tròn), bốn mặt ra vào bắc bốn cầu bích ngọc, bốn hướng tụ vào nhất trụ (một cột) vươn lên từ nước)... [3, tr. 220].

Tuy nhiên trong việc làm nhà ở, người Việt gần như tuyệt đối không sử dụng con số bốn. Điều này có sự tương đồng với quan niệm về quá trình phát triển của sự vật trong Kinh dịch. Dịch cho rằng, muôn vật trong tự nhiên đều trải qua chu kì Sinh – Lão – Bệnh – Tử (hay Thành – Thịnh – Suy – Hủy). Nếu bước vào nhà dừng lại ở bậc thứ tư là đã bước vào giai đoạn tử hay hủy rồi. Vì vậy, trong công trình kiến trúc, bậc cửa thường được lấy số một (một bậc) hoặc lấy số năm (năm bậc) để lấy số sinh, ngụ ý cầu mong sự sinh sôi phát triển(**).

Ngược lại với ngôi nhà ở, một số dân tộc miền núi làm nhà mồ lại chú ý đến các con số chẵn, trong đó có số bốn. Các bậc cầu thang của nhà mồ bao giờ cũng là số chẵn: bốn, sáu, tám. Họ cho rằng, nhà cho người chết (cõi âm) phải là tĩnh, lặng. Những con số chẵn chính là những con số tĩnh, con số âm [5]. Đây cũng là một hiện tượng thú vị có thể cho thấy một phần tư duy và văn hóa của người Việt từ chính những quan niệm về con số bốn.

2.2.3. Trong đời sống sinh hoạt: Trong đời sống sinh hoạt, con số bốn cũng được chú ý và đề cập đến hầu hết trong các phương diện. Con số bốn là biểu tượng của sức mạnh vật chất, sự thành đạt: đồng tiền xưa được đúc bằng đồng, hình tròn, ở giữa là lỗ vuông bốn cạnh đều, trên đồng tiền có bốn chữ (đời Hậu Lê: Cảnh Hưng thông bảo, đời Tây Sơn: Bảo Đại thông bảo...ở Trung Quốc đời Đường: Khai Nguyên thông bảo, đời Thanh: Tuyên Thống thông bảo...); khi một gia đình nào đó sinh được bốn người con trai thì đó là một điều đại phúc. Các tiên chỉ, chức sắc trong làng sẽ tổ chức khao vọng, gọi là “Tứ tử trình làng”, v.v.

Quan niệm về nhân sinh, để chỉ thế gian, dân gian xưa cũng dùng con số bốn – “Tứ đại giai không” – Thế gian này bao gồm bốn thứ: thủy, hỏa, địa, phong, bốn thứ này có mà không, không mà có, là giả tạm. Bởi thế mà sinh ra thuyết “sống tạm” (Sống gửi thác về); Khi biểu thị tình bạn giao kết thân tình, không phân biệt địa giới, người xưa dùng số bốn, gọi là “Tứ hải giai huynh đệ” (bốn biển đều là anh em). Nói về đạo đức và nhân phẩm của con người, các bậc tiền nhân cũng thường liên hệ với con số bốn: đối với phái nam phải hiếu, để, trung, tín; đối với phái nữ phải công, dung, ngôn, hạnh; bốn phẩm chất đạo đức để duy trì lòng người: lễ, nghĩa, liêm, sỉ; những điều ham mê tai hại có thể đẩy con người vào chỗ hư hỏng cũng liên quan đến số bốn với bốn điều: tửu, sắc, tài, khí… Thậm chí những điều vui sướng của con người cũng được liệt đủ Tứ khoái, v.v.

Nói đến thiên nhiên, xã hội, nhiều hiện tượng mang tính quy luật cũng liên quan tới con số bốn: về không gian có bốn phương đông, tây, nam, bắc; về thời gian có bốn mùa (tứ quý, tứ thời) xuân, hạ, thu, đông; trong ngành nông xưa cũng được khái quát thành bốn nghề ngư, tiều, canh, mục; xã hội xưa cũng phân thành bốn tầng lớp: sĩ, nông, công, thương, v.v.

Nhiều hiện tượng nhỏ trong đời sống xã hội cũng được đánh giá theo con số bốn. Một ví dụ ở Thăng Long (Hà Nội), người dân nơi đây khái quát rất nhiều hiện tượng liên quan đến số bốn: Tứ trấn (gồm: Huyền Thiên Trấn Vũ – trấn cửa Bắc; Thần Mã trấn cửa Đông; Thần Linh Lang trấn cửa Tây; thần Cao Sơn trấn cửa Nam); Tứ khí (gồm: chuông Quy Điền – ngay cạnh chùa Một Cột; tháp Bảo Thiên – phố Lí Quốc Sư; Tượng đồng Trấn Vũ - đền Quan Thánh; Tượng Phát Lâm - tượng có nụ cười yêu đời ở chùa Bà Đá). Hiện nay trong tứ khí chỉ còn có tượng đồng Trấn Vũ; Tứ quan (gồm: Cầu Dền, Đồng Lầm, Cầu Giấy, Yên Phụ); Tứ hồ (gồm: Hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Bảy Mẫu, Hồ Ba Mẫu (Thanh Nhàn); về đặc sản có Tứ thái (bốn loại rau: húng láng, dưa la, cải canh, cà cáo), Tứ vị (gồm: bún thang Tế Mĩ, bún chả Đồng Xuân, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng). Chỉ một địa chỉ văn hóa của đất nước, chúng ta đã có hàng loạt dấu hiệu được biểu trưng với con số bốn, điều đó chứng tỏ những quan niệm về số và số bốn đã trở thành nét tư duy sâu đậm trong tâm thức của người Việt.

3. Con số Bốn trong thành ngữ, tục ngữ và ca dao người Việt

Dưới đây là bảng thống kê cụ thể con số bốn trong từng thể loại trong mối tương quan với tổng số câu sử dụng số mà chúng tôi thống kê được:

TT

Thể loại

Tổng số bài (câu)

Số bài (câu) có con số Bốn

Tỉ lệ

1

Ca dao

3067

321

10,79%

2

Tục ngữ

2164

135

6,23%

3

Thành ngữ

464

42

9,05%

Có thể thấy, tần số sử dụng của số bốn không nhiều. Tuy nhiên, ý nghĩa của nó cũng không kém phần phong phú.

3.1. Con số bốn dùng với nghĩa gốc

Trong Từ điển tiếng Việt, con số bốn được giải thích: Số tiếp theo số ba trong dãy số tự nhiên. Một năm có bốn mùa. Ba bề bốn bên. Bốn phương tám hướng, bốn dài hai ngắn... số bốn còn tồn tại với tứ, tư: Tháng tư, Thứ tư, Trống lầu đã điểm canh tư / Tôi còn than vãn láo lư đợi nàng, Ước gì anh biến ra cau / Em hóa ra bẹ ấp nhau tứ mùa, tam tứ núi cũng trèo, v.v.

Hẳn nhiên trong ý nghĩa từ vựng của con số bốn, thành ngữ, tục ngữ, ca dao – với tư cách là những đơn vị lời nói, những văn bản giàu tính nghệ thuật – con số bốn cũng được sử dụng trong rất nhiều ngữ cảnh với ý nghĩa gốc của nó:

3.1.1. Con số được sử dụng trong những kinh nghiệm liên quan đến thời gian

Đó là những kinh nghiệm về thiên nhiên, về lao động sản xuất: Mưa tháng tư hư đất, mưa tháng ba hoa đất; Rét tháng tư, nắng dư tháng tám; Thiếu tháng tư khó nuôi tằm, thiếu tháng năm khó làm ruộng; Tháng giêng đúc từ, tháng tư đúc vạc, lạc xạc thì đúc khoai nưa… Hoặc là những kinh nghiệm liên quan đến các lễ hội truyền thống của dân tộc: Vui nhất mồng bốn Đông Viên, lắm bạc nhiều tiền là hội Hiền Quan; Mồng bốn tháng ba, trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy… Thời gian ở đây là thời gian mang tính chính xác. Đó là những thông báo, những kinh nghiệm… mang tính ổn định và bền vững trong đời sống dân gian.

3.1.2. Con số bốn trong những kinh nghiệm cần đến sự đo đếm chính xác: Cất tứ cất nhì, thù thì đè ba (kinh nghiệm đan nia đan thúng); Giường bốn thước hai, quan tài bốn thước tư; Tiểu rộng bốn tấc hai, đầu lâu ai cũng lọt; Mồi thường bốn thước năm, mồi xông năm thước chẵn (nói về lạt dùng để lợp nhà vùng biển).

Có thể thấy con số bốn chính xác chủ yếu được dùng trong thể loại tục ngữ - Sự đúc kết của trí tuệ dân gian, giàu tính duy lí - những thông tin trong đó cần độ chính xác tương đối cao (so với thành ngữ và ca dao).

3.2. Con số bốn dùng với nghĩa biểu trưng

Biểu trưng (Symbole) trong ngôn ngữ học được dùng theo hai nghĩa khác nhau: 1) Biểu trưng là kí hiệu (signe) có tính võ đoán; 2) Biểu trưng là kí hiệu mà quan hệ với quy chiếu là có nguyên do. Ở đây, biểu trưng được hiểu theo nghĩa thứ hai.

3.2.1. Con số bốn biểu trưng cho những sự vật, hiện tượng tồn tại mang tính quy luật.

Trong thành ngữ, tục ngữ và ca dao, đầu tiên tính quy luật ấy thể hiện ở sự đánh giá về thời gian: Trên trời có ông sao thần / Bốn mùa chỉ lối cho dân ăn làm; đánh giá về không gian: Bốn phương tám hướng (thng); Tua rua trên bốn dưới ba / Ở giữa bát tú gọi là thất tinh (ca dao). Sự tồn tại của sự vật gắn với con số bốn ở đây như là một tất yếu của tự nhiên, của cuộc sống, không ai có thể thay đổi được. Hồ Chủ Tịch đã từng mượn ý nghĩ con số bốn để nhận xét trong lời giáo huấn về đạo đức: Trời có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông / Đất có bốn phương: đông, tây, nam, bắc / Người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính / Thiếu một mùa không gọi là trời / Thiếu một phương không gọi là đất / Thiếu một đức không gọi là người, nếu thiếu một phần trong tổng số bốn ấy, chắc chắn sự vật không tồn tại như đúng bản chất của nó. Sự xuất hiện của con số bốn trong những lời giáo huấn trên không phải là một sự vô tình, ngẫu nhiên, mà là một sự lựa chọn có dụng ý của Hồ Chủ Tịch. Mượn trời đất với tính quy luật và đủ đầy của nó để giáo huấn về đạo đức của con người, hẳn nhiên con số bốn ở đây đã mang một giá trị biểu trưng độc đáo và thú vị.

3.2.2. Con số bốn biểu trưng cho sự khái quát

3.2.2.1. Con số bốn gắn với thời gian, không gian rộng lớn, mang tính toàn thể

Hầu như trong rất nhiều ngữ cảnh, khi tình cảm, tư tưởng được biểu đạt gắn với không gian rộng lớn thì không gian ấy luôn đi kèm với con số bốn. Trong thành ngữ, tục ngữ, khi nói mối quan hệ rộng lớn, người Việt nói: Tứ hải giai huynh đệ hoặc Anh em bốn bể một nhà; Bốn biển gây nên một nhà;… Khi thể hiện chí làm trai: Đi cho khắp bốn phương trời / Cho trần biết mặt, cho đời biết tên; Có thân trước phải liệu đường / Làm trai chí ở bốn phương mới là;… Trong ca dao, khi biểu lộ tình cảm nhớ thương trong tình yêu, không gian gắn với con số bốn trở nên mênh mông: …Tìm mô trong bốn phương trời / Đông tây hay nam bắc mà gửi lời nhớ thương; Bạn vàng gióng giả ra về / Thuyền quyên ngó dọi bốn bề chơi vơi;… Đặc biệt khi không gian ấy gắn với ý nghĩa khẳng định, nó mang tính toàn vẹn, chắc chắn: Nón che tay ngoắt chơi vơi / Lòng anh thương cảm bốn phía trời đều hay; Thiếp ra về nón che tay ngoắt, con mắt ngó dọi chơi vơi / Lòng thương nhau cảm động, bốn phương trời đều hay, v.v.

Bên cạnh sự toàn vẹn về không gian, con số bốn còn được gắn với sự toàn vẹn của thời gian: Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông / Thiếp ngồi canh cửi chỉ trông bóng chàng… và cả sự đủ đầy về vật chất: An Phú có ruộng tứ bề / Có ao tắm mát, có nghề kẹo nha.

 Thậm chí để diễn tả nỗi cô đơn, bẽ bàng của người phụ nữ, dân gian vẫn đặt cái lẻ loi, đơn chiếc ấy trong cái mênh mông, rợn ngợp của không gian gắn với con số bốn: Gió đưa tàu lá tan tành / Ôm duyên đi bán, bốn phía thành đều hay; Gió đưa tàu lá tan tành / Em đem duyên đi bán, bốn cửa thành không ai mua, v.v.

Qua khảo sát 96 bài ca dao sử dụng con số bốn, chúng tôi thống kê được 39 bài con số bốn gắn với không gian qua các kết hợp: bốn phương, bốn phía, bốn bên, tứ bề, tứ phương... chiếm 40,6%; 15 (15,7%) bài gắn với thời gian qua các kết hợp bốn mùa, tứ mùa. Tỉ lệ đó cho thấy với nội dung này, con số bốn thực sự đắc dụng trong khả năng biểu trưng của mình.

3.2.2.2. Con số bốn gắn với những suy luận mang tính khái quát về những hiện tượng trong cuộc sống.

Với nét nghĩa biểu trưng này, tục ngữ thực sự là địa hạt chiếm ưu thế. Rất nhiều những hiện tượng trong cuộc sống được khái quát với con số bốn. Nói đến bệnh tật, người ta khái quát thành bốn bệnh nguy hiểm: Phong, lao, cổ, lại, tứ chứng nan y; nói đến vận hạn của con người trong mối quan hệ tuổi tác cũng chia theo nhóm, mỗi nhóm bốn tuổi Tứ hành xung: Thìn, tuất, sửu, mùi: tứ hành xung; nói đến một hiện tượng trong cuộc sống gia đình: Hai vợ chồng son đẻ một con thành bốn; hoặc để khái quát những hiện tượng đặc biệt trong cuộc sống: Đồng Nai có bốn rồng vàng: Lộc hoạ, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi; Nước Nam có bốn mĩ miều: Ngạn cờ, Thiện vẽ, Tam tiêu, Dùng Đờn... Thậm chí: Ở đời có bốn chuyện ngu: làm mai, lĩnh nợ, gác cu, cầm chầu... Đành rằng thực tế số người trong gia đình vợ chồng mới sinh con có thể nhiều hơn bốn, và rồng vàng, mĩ miều, chuyện ngu có thể còn nhiều hơn song con số bốn ấy là con số đủ, con số cần để khái quát sự vật, hiện tượng.

Nhiều hiện tượng văn hóa (như chúng tôi đã trình bày ở mục 2.2) được thể hiện rõ trong các thể loại. Chẳng hạn, nói về tứ đức của người phụ nữ, ca dao khuyên nhủ: Phận gái tứ đức vẹn tuyền / Công, dung, ngôn, hạnh giữ gìn chớ sai. Hoặc nói về đạo là con: Song thân bên thiếp cũng như phụ mẫu bên chàng / Đồng tình bốn chữ cưu mang / Lẽ thời ta khảm phết vàng thờ chung. Bốn chữ vàng được nhắc đến ấy có khi cũng là cái nguyên cớ đẹp đẽ để bày tỏ tình cảm: Ngó vô nhà nhỏ / Thấy đôi liễn đỏ / Có bốn chữ vàng / Thạnh suy anh chưa biết, thấy nàng vội thương. Với ý nghĩa biểu trưng này, có thể coi thành ngữ, tục ngữ và ca dao là tấm gương phản chiếu của văn hóa.

3.2.3. Con số bốn biểu trưng cho sự toàn vẹn, cân đối, hài hòa, đẹp đẽ

Lẽ thường trong cuộc sống, khi xuất hiện một tập hợp có bốn sự vật thì đó là một chỉnh thể được sắp đặt cân đối, bởi rất dễ dàng người ta có thể chia ra thành bốn điểm tạo thành hình vuông, hình chữ nhật, hình bình hành… Các sự vật có thể đăng đối, hài hòa. Bởi thế mà trong tri nhận của con người, ấn tượng về con số bốn luôn gắn với những gì hài hòa nhất, toàn vẹn và đẹp đẽ nhất.

Không phải ngẫu nhiên, thành ngữ Việt có rất nhiều đơn vị được cấu tạo có bốn âm tiết. Theo thống kê của tác giả Hoàng Văn Hành, có hơn 70% thành ngữ có cấu tạo bốn âm tiết. Đây là những đơn vị có cấu trúc cân đối, nhịp nhàng, dễ nhớ, dễ vận dụng. Với tư cách là công cụ lưu giữ và truyền tải văn hóa, cấu trúc bốn âm tiết thực sự đã giúp cho thành ngữ có mặt hầu khắp trong lời ăn tiếng nói của nhân dân dù ở phương diện nào của đời sống. Có thể thấy rõ sự hóa mình đó của thành ngữ bốn âm tiết trong các sáng tác văn chương. Chẳng hạn: Nào ai kẻ năm thê bảy thiếp, khen khéo trăng hoa chi lắm những quấn quýt thêm rầy (Xử thế phú); Người sao bảy thiếp năm thê / Người sao côi cút sớm khuya chịu sầu (Ca dao); hoặc trong thơ Hồ Xuân Hương: Năm thì mười họa chăng hay chớ / Một tháng đôi lần có cũng không; hay trong thơ Tú Xương: Một duyên hai nợ âu đành phận / Năm nắng mười mưa gắng quản công; và cả trong sáng tác của các nhà thơ hiện đại: Năm tao bảy tiết anh hò hẹn / Để cả mùa xuân cũng lỡ làng (Nguyễn Bính), Khu phố ngoại ô / Chân đất, đôi áo nối vai / Le te chợ Hôm, chợ Mai / Đầu tắt mặt tối (Nguyễn Khoa Điềm), v.v.

Trong ca dao, chúng ta có thể thấy ngay sự cân đối ấy trong cách trang trí của dân gian: Anh đi làm thợ nơi nao / Để em gánh đục, gánh bào đi theo / Cột queo anh đẽo cho ngay / Anh bào cho thẳng, anh xoay mọi bề / Bốn cửa anh chạm bốn con nghê / Bốn con nghê đực chầu về xứ đông / Bốn cửa chạm bốn con rồng / Ngày thời rồng ấp, tối thời rồng leo / Bốn cửa chạm bốn con mèo / Đêm thời bắt chuột ngày leo xà nhà / Bốn cửa chạm bốn con gà / Đêm thời gà gáy, ngày ra bới vườn / Bốn cửa chạm bốn con lươn / Ngày thời chui ống, tối trườn xuống ao / Bốn cửa chạm bốn con dao / Chăm liếc thời sắc, chăm chào thời quen / Bốn cửa chạm bốn cây đèn / Ngày thời đèn tắt, tối thời đèn chong / Bốn cửa chạm bốn cái cong / Để em gánh nước tưới hồng tưới hoa / Ngày mai khi anh về nhà / Trăm năm em gọi anh là chồng em. Hoặc: Khen ai khéo xé khăn vuông / Khéo đột chỉ tím, khéo luồn chỉ xanh / Khăn vuông bốn góc rành rành / Ở giữa con nhạn bốn vành thêu hoa… Từ sự cân đối của sự vật, người ta nghĩ tới sự trọn vẹn, hoàn mĩ của cuộc sống. Chính vì vậy mà sự sắp đặt của người thợ trong bài ca dao trên, mọi sự vật gắn liền với con số bốn cũng gắn liền với mơ ước và khát vọng về hạnh phúc lứa đôi.

Sự sắp đặt sự vật liên quan đến con số bốn cũng thể hiện một sự trang trọng, đẹp đẽ: Làng ta mở hội vui mừng / Chuông kêu, trống dóng vang lừng đôi bên / Long ngai Thánh ngự ở trên / Tả văn hữu võ bốn bên rồng chầu / Sinh ra nam tử công hầu / Sinh ra con gái vào chầu thánh quân, v.v.

4. Một vài kết luận

Nằm trong hệ văn hóa của phương Đông, văn hóa Việt Nam tiếp thu và ảnh hưởng từ nhiều luồng văn hóa khác nhau. Điều đó cho thấy tính đa dạng và linh hoạt trong tư duy văn hóa của người Việt. Có thể thấy rất rõ các quan niệm về con số bốn của người Việt đã có sự ảnh hưởng rõ nét, gần như trùng khít với văn hóa Trung Hoa. Bên cạnh đó, chúng ta có sự tiếp thu văn hóa từ nhiều tôn giáo khác nhau (Phật giáo, Bà-la-môn giáo...) và của chính triết lí âm dương của người Việt. Tất cả góp phần tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh, đa sắc màu cho con số bốn trong văn hóa. Đó là một biểu hiện đặc sắc của văn hóa Việt.

Với sự phản chiếu văn hóa trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao, có thể khẳng định, các thể loại dân gian này là tấm gương phản chiếu các tầng văn hóa của dân tộc, đây cũng là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa một cách rõ ràng nhất, và đến lượt nó, văn hóa lại góp phần làm phong phú ngôn ngữ; làm phong phú thêm cho chính nền văn hóa – văn học của dân tộc.

Dưới góc độ tri nhận, các con số nói chung và con số bốn nói riêng đã góp phần cho thấy một kiểu tư duy của người Việt, rất linh hoạt, luôn luôn học hỏi, tiếp thu cái mới; rất rõ ràng trong mọi ứng xử xã hội. Chính vì vậy mà con số có mặt trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao có thể nói rất nhiều. Riêng với con số bốn, nó còn cho thấy hình ảnh tư duy, ý niệm của loài người về vũ trụ, thế giới. Có thể con số bốn trong ý niệm đất vuông, xung quanh là bốn biển đã chi phối rất nhiều đến những kiểu khái quát liên quan đến con số bốn trong đời sống và trong các thể loại thành ngữ, tục ngữ, ca dao xưa.

            Trên đây là một vài kết luận bước đầu của chúng tôi về con số bốn trong văn hóa Việt, qua tìm hiểu các thể loại thành ngữ, tục ngữ và ca dao. Mong rằng những kết quả của bài viết có thể giúp hình dung rõ nét thêm về bản sắc văn hóa Việt qua những thể loại quen thuộc của văn hóa và văn học dân tộc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Gia Anh (2006), Con số dân gian. Nxb Văn hóa Sài Gòn.
  2. Phan Mậu Cảnh (2008), Lí thuyết và thực hành văn bản tiếng Việt. Nxb ĐHQG Hà Nội.
  3. Nguyễn Đăng Duy (2001), Văn hóa tâm linh. Nxb Văn hóa – Thông tin.
  4. Lê Văn Quán (2006). Văn hóa ứng xử truyền thống của người Việt. Nxb Văn hóa – Thông tin.
  5. Trần Ngọc Thêm (1998), Cơ sở văn hoá Việt Nam. Nxb Giáo dục.
  6. Viện KHXH Việt Nam - Viện ngôn ngữ học (1992), Từ điển tiếng Việt. Trung tâm từ điển ngôn ngữ, H.

 

** Về điểm này, theo điều tra của chúng tôi trong dân gian, nhất là các cụ đồ nho xưa cho rằng, cách tính quy luật phải là: Sinh – Mệnh – Lão – Tử. Vòng đời của vạn vật bắt đầu là sinh ra (Sinh); được sinh ra thì gắn với mệnh (bởi thế mà có những cung hạn như 33, 49, 53…); vượt qua được Mệnh mới đến Lão (hưởng thọ); lão rồi mới đến 100 tuổi (Tử). Vì vậy mà người Việt làm nhà thường chú ý số lẻ: một (cầu Sinh – ngụ ý sinh sôi, phát triển), ba (cầu lão – cầu mong bách niên giai lão, mọi việc bền vững), năm (sau một chu kì lại quay về Sinh).

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
28242
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26966
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
24006
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18870
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18651
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
12219
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
12053
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9178
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Tiếng Việt Phổ thông
6139
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Ngôn ngữ - Văn hóa
5633
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5600
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5519
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Anh
4173
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3346
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
3208
Từ cũ và từ Hán Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 05/09/2021 12:05:39
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo