Con số hai trong thành ngữ, tục ngữ và ca dao người việt nhìn từ góc độ ngôn ngữ - văn hoá

Ngôn ngữ - Văn hóa
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 800 25/07/2021 17:01:59

 CON SỐ HAI TRONG THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ VÀ CA DAO NGƯỜI VIỆT NHÌN TỪ GÓC ĐỘ NGÔN NGỮ - VĂN HOÁ

Trần Thị Lam Thuỷ

1. Đặt vấn đề

            Con số là một hiện tượng mang tính phổ quát của nhân loại được nhiều ngành khoa học quan tâm: triết học, ngôn ngữ học, văn hoá học… và nhiều ngành khoa học tự nhiên khác. Trong mọi lĩnh vực, con số vừa là đối tượng, vừa là phương tiện được xem xét nhằm rút ra những kết luận phù hợp với mục đích nghiên cứu của từng chuyên ngành. Triết học tìm hiểu về con số nhằm trả lời câu hỏi: con số thể hiện quy luật nhận thức của con người như thế nào; Ngôn ngữ học tìm hiểu để trả lời câu hỏi: con số hành chức trong xã hội như thế nào; Văn hoá học tìm hiểu nhằm trả lời câu hỏi: con số phản ánh tinh thần xã hội như thế nào, v.v.

            Trong thực tế, không một lĩnh vực giao tiếp nào, không một sản phẩm ngôn ngữ nào lại không có mặt của các từ ngữ chỉ lượng - các con số - và sự có mặt ấy với một tần số không phải nhỏ. Điều đó đã nói lên vai trò của con số trong đời sống xã hội. Chắc chắn những dấu tích trí tuệ, ý thức, tình cảm của cộng đồng dân tộc hiển nhiên là in dấu trong hệ thống từ ngữ về con số cũng rất sâu sắc và đậm nét.

            Qua tìm hiểu các đơn vị thành ngữ, tục ngữ, ca dao, chúng tôi nhận thấy những con số thường xuyên được nhắc đến là: một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, trăm… Đây là những con số trong dãy số tự nhiên, song trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao, các con số lại mang nhiều ý nghĩa mới. Có thể gọi đó là “Con số văn hoá”.

            Với con số hai, có thể nói đây là con số đặc biệt nhất trong những "con số văn hoá" nói chung và những con số chẵn (hai, bốn, sáu, tám, mười…) nói riêng. Sự đặc biệt của nó không chỉ ở chỗ nhiều hay ít ý nghĩa biểu trưng (dấu tích về tinh thần trí tuệ, tình cảm… của dân tộc) mà còn bởi hình thức phong phú gắn với nhiều ngữ cảnh sử dụng của nó và bởi nó còn gắn liền với kiểu tư duy đặc trưng của người Việt, của dân tộc Việt.

2. Một vài quan niệm về con số hai

           a. Không chỉ riêng ở Việt Nam, con số hai cũng đặc biệt để lại những ấn tượng sâu sắc trong văn hoá của nhiều nước trên thế giới. Những người theo trường phái Pi-ta-go tại Hi Lạp cổ đại (580 - 500 TCN) cho rằng số hai là số chẵn đầu tiên tượng trưng cho sự bất túc hoặc quá độ của vũ trụ, hai là ác, là cội nguồn của hắc ám, là tính đàn bà, là sự vận động bất định. ở Châu phi, toàn bộ hệ biểu tượng dựa trên quan điểm nhị nguyên cơ bản - đó là con số hai. Với họ, số hai biểu thị tính đối kháng, từ tiềm ẩn trở thành hiện thực, một sự tranh đua, một sự tương hỗ trong hận thù cũng như trong tình yêu; một thế đối ứng, có thể là đối nghịch và không thể dung hoà, nhưng cũng có thể bổ sung cho nhau và đơm hoa kết trái (3 - tr199). Với người I-ran, con số hai còn được gắn với nhiều biểu tượng khác nhau như: biểu tượng ngày và đêm; hạ giới bên này và thế giới bên kia được biểu tượng bằng hai trú sở hoặc hai cung điện; cuộc sống trần gian được thể hiện bằng hình ảnh một ngôi nhà được làm bằng bụi đất trong đó có hai cửa, một để vào và một để ra, tức là chết; sự ngắn ngủi của cuộc đời được minh hoạ bằng hai ngày lưu trú ở thế giới này. Đặc biệt khi miêu tả nhan sắc của người phụ nữ trong văn học dân gian I-ran thì vẻ đẹp của người phụ nữ được chú ý bởi những sự vật hiện ra theo từng cặp: đôi hoa tai bằng ngọc trai tô điểm cho đôi tai, hai bím tóc như hai bó thuỷ tiên, hai nốt ruồi gợi tưởng đến hai người Hin-đu, đôi vú như hai quả cam Om-man, đôi chân có vẻ đẹp duyên dáng của hai chiếc cột ngà… (3 - tr 200). Người Trung Quốc xem số hai là biểu tượng cho điềm lành. Người ta chọn ngày hai âm lịch để làm lễ khánh chúc và gọi là Hảo sự thành song (song là hai). Tuy nhiên cũng có nơi coi con số hai với ý nghĩa tiêu cực trong các thành ngữ: Tam tâm nhị ý (chỉ sự thay lòng đổi dạ), Trung trinh bất nhị (người trung trinh không hai lòng).

            Như vậy, có thể thấy quan niệm về con số nói chung và con số hai nói riêng đã trở thành nét văn hoá trong đời sống của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó không chỉ là chuyện tính toán, đo đếm, đánh giá sự vật mà còn cả những triết lí nhân sinh, những quan niệm về vũ trụ, thế giới và con người.

            b. Với người Việt, nói đến con số hai là nói đến cặp, đôi. Bất kì hình ảnh biểu trưng nào của dân tộc Việt cũng đều có đôi, từ tư duy đến cách sống, từ các dấu vết cổ xưa đến thói quen hiện đại. Điều này đã được tác giả Trần Ngọc Thêm chỉ ra trong cuốn Cơ sở văn hoá Việt Nam:

- Vật tổ của người Việt là một cặp đôi trừu tượng tiên rồng; kể cả những dân tộc thiểu số ta vẫn gặp những khái niệm truyền thuyết mang tính cặp đôi: người Mường (chim Ây - cái ứa), người Tày (Báo Luông - Slao Cải), người Thái (nàng Kè - tạo Cặp)… đó là những dấu vết của tư duy âm dương thời xa xưa.

- Nguyên tắc âm dương chi phối đến tất cả mọi yếu tố trong đời sống của người Việt, vì vậy mọi thứ thường đi đôi từng cặp: ông đồng - bà cốt, đồng cô - đồng cậu, đồng Đức Ông - đồng Đức Bà…  Khi xin âm dương (xin keo) thì hai đồng tiền phải một sấp một ngửa; ngói âm dương lợp nhà phải viên ngửa viên sấp; khi ghép gỗ thì phải một tấm có gờ lồi ra khớp với tấm kia có rãnh lõm vào… Lối tư duy âm dương khiến người Việt nói đến đất, núi liền nghĩ ngay đến nước, nói đến cha liền nghĩ ngay tới mẹ… tạo thành những cặp khái niệm thường trực: đất - nước, núi – sông, non - nước, cha - mẹ, ông - bà, lửa - nước…và tổ quốc đối với người Việt cũng là một khối âm dương.

- Những khái niệm vay mượn đơn độc khi vào Việt Nam cũng thành đôi thành cặp: ở Trung Hoa thần mai mối là một ông Tơ Hồng thì vào Việt Nam biến thành ông Tơ - bà Nguyệt, ở ấn Độ chỉ có Phật ông thì vào Việt Nam xuất hiện Phật Ông - Phật Bà [4 - tr 57, 58].

            Trong đời sống hàng ngày, con số hai (và những con số chẵn) cũng được người Việt thường xuyên sử dụng: chọn ngày khởi công làm nhà, ngày cưới vợ, ngày khai thương cửa hàng, cửa hiệu… và nhiều việc đại sự khác cần chọn ngày, chọn giờ. Nhiều hình ảnh, biểu tượng của người Việt cũng được thể hiện bằng con số hai: đôi nam nữ trên nắp thạp Đào Thịnh, biểu tượng vuông và tròn lồng vào nhau trên rìa ngoài mặt trống đồng Yên Bồng (Lạc Thuỷ - Hoà Bình), hình ảnh chim và hươu, hình ảnh đồng tiền tròn với mặt vuông ở giữa… Đây là kết quả của lối tư duy lưỡng phân lưỡng hợp dựa trên nguyên lí âm - dương. Lối tư duy lưỡng phân lưỡng hợp này cũng được thể hiện rất rõ trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ, ca dao của người Việt.

3. Một số ý nghĩa biểu trưng của con số hai trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao

            Ngoài chức năng định lượng các sự vật cụ thể như: Mua cá thời phải xem mang, người khôn xem lấy hai hàng tóc mai; Quan hai lại một; Hai vợ chồng son đẻ một con thành bốn (Tng) Sáng ngày tôi đi hái dâu, gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn… Đông Ba, Gia Hội hai cầu, có chùa Diệu Đế bốn lầu hai chuông…(Cd), hoặc xác định thứ tự của sự vật: Nhất bạch, nhị hoàng, tam khoang, tứ đốm; Tháng tám mưa trai, tháng hai mưa thóc (Tng) Nhất cao là núi Ba Vì, thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn (Cd)…con số hai còn được dân gian sử dụng với những ý nghĩa biểu trưng khác nhau, chủ yếu những ý nghĩa này xuất phát từ quan niệm âm dương của người Việt.

a. "Hai" chỉ hai mặt tách rời trái ngược, đối lập

            Với ý nghĩa này, thành ngữ thường dùng để chỉ những người có tính cách hai mặt, tráo trở: Thò lò hai mặt; Đòn xóc hai đầu; Hạt gạo cắn làm đôi; Chữ nhất bẻ làm đôi; Chẻ đôi sợi tóc…Tục ngữ cũng cảnh báo mọi người về sự trái ngược này tồn tại trong một cá thể, điều đó hết sức nguy hiểm: Gươm hai lưỡi, miệng trăm hình; Làm trai cứ nước hai mà nói… Đặc biệt trong ca dao, với nét nghĩa này thường chỉ những kẻ không chung tình: ở chi hai dạ ba lòng / Dạ cam thì ngọt, dạ bòng thì chua. Hoặc: Hai tay cầm hai quả hồng / Quả chát đưa chồng, quả ngọt cho trai… Với những ý nghĩa như trên, con số hai thường xuất hiện trong các văn bản với những sự vật, hiện tượng, con người… bao hàm cả cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác, sự tử tế và đểu cáng, chung tình và bội bạc, nam và nữ… với hai mặt tồn tại của một sự vật hay hiện tượng.

b. "Hai" chỉ cái toàn thể biểu trưng cho sự vật, hiện tượng có ý nghĩa là tất cả

            Với quan niệm trong âm có dương, trong dương có âm của người Việt, con số hai khi bao gồm trong nó cả âm và dương thì nó không còn là một con số với số lượng nhỏ nữa mà đã mang ý nghĩa biểu trưng cho những sự vật lớn lao. Thành ngữ biểu đạt ý nghĩa này bằng những hình ảnh: Hai bàn tay trắng (tình trạng hoàn toàn không có chút vốn liếng, tài sản gì), Hai tay buông xuôi (nói đến cái chết, người đã xong việc đời), Hai vai nặng gánh hoặc Hai vai gánh vác sơn hà (trách nhiệm công việc nặng nề), Hai thứ tóc trên đầu (chỉ người đã có tuổi, từng trải)… Dù là sự vật gì đi kèm con số hai thì sự vật đó cũng diễn đạt cái lớn lao, số nhiều.

            Tục ngữ có cách diễn đạt riêng mang tính khuyên răn nhiều hơn, bởi vậy, con số trong nó được cụ thể hoá như là kết quả của những phép tính: Chín đụn mười trâu, chết cũng hai tay cắp đít; Của giàu tám vạn ngàn tư, chết cũng hai tay cắp đít; Một người thì kín, hai người thì hở… Như vậy, con số hai ở đây như là tổng của những phép cộng trong đó các số hạng lớn hơn nó rất nhiều lần, đủ để thấy ý nghĩa tuy bé mà lớn, không chỉ lớn mà là tất cả.

            Trong ca dao, với ý nghĩa này, khi con số hai xuất hiện là nói sự cân đối, sự hoàn thiện: Làng tôi có luỹ tre xanh / Có sông Tô Lịch uốn quanh xóm làng / Bên bờ vải nhãn hai hàng / Dưới sông cá lội từng đàn tung tăng; Hoặc:  Cái quạt mười tám cái nan / ở giữa phết giấy hai nan hai đầu… Hoặc phản ánh tình yêu lứa đôi, tình cảm vợ chồng: Phải chi mình vợ tôi chồng / Biểu tôi đi lấy gan rồng cũng đi / Hai đứa mình xứng nút vừa khuy / Lựa ngày nào tốt dẫn đi cho rồi. Ở nội dung này, "hai" thường được diễn tả bằng "đôi", "đôi ta": Đôi ta như thể con tằm / Cùng ăn một lá cùng nằm một nong; Đôi ta như thể con ong / Con quấn con quýt con trong con ngoài…Theo thống kê của tác giả Nguyễn Xuân Kính thì trong 370 lần số 2 (và các từ đồng nghĩa) được sử dụng có đến 74 lần tác giả dân gian dùng từ "đôi ta" (3 - tr202) chiếm 20%. Tỉ lệ đó đã cho thấy tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng là một trong những nội dung được phản ánh nhiều qua con số hai, được khái quát hoá qua từ “đôi”.

Thử lí giải hiện tượng đa nghĩa trên đối với con số hai trong lịch sử văn hoá cuả người Việt, theo chúng tôi, có ba lí do cơ bản sau:

Không chỉ riêng người Việt mà người phương Đông nói chung đều coi con số hai là con số âm. Theo thuyết âm dương, trong trời đất vốn tồn tại hai loại khí: khí âm và khí dương. Những con số lẻ được gọi là những con số dương - đại diện cho khí dương. Những con số chẵn được gọi là những con số âm - đại diện cho khí âm. Con số hai được coi là con số âm đầu tiên, hay còn gọi là số âm sinh hoặc âm khởi [1 – tr. 270]. Khí âm biểu hiện cho cái bên trong của sự vật, luôn tịnh, đứng yên và ít biến đổi, bởi vậy mà con số hai xuất hiện như là dấu hiệu của sự bình yên, của những sự khởi đầu tốt đẹp.

Cách tư duy lưỡng phân lưỡng hợp của người Việt trong ấn tượng cặp - đôi cũng là một trong những nguyên nhân lí giải vì sao người Việt ưa dùng con số hai. Đặc biệt chọn con số hai như biểu tượng của lứa đôi, của hạnh phúc, của những sự cân đối, đẹp đẽ.

Mặt khác, sự phong phú và linh hoạt về ý nghĩa của con số hai một phần còn do chính địa vị của con số hai trong tư duy logic và những quan niệm về con số của triết lí âm dương (thể hiện rõ nhất trong Kinh dịch). Đây là con số chẵn đầu tiên - con số sinh - con số khởi đầu - con số bé nhất trong những con số chẵn. Trong logic tư duy nó lớn hơn một, trong mối tương quan giữa số âm và số dương nó bằng một, xét địa vị giữa số âm và số dương nó thấp hơn một... Mỗi phương diện, con số hai lại mang một sắc thái ý nghĩa khác nhau. Điều đó cũng góp phần làm nên tính đa nghĩa của con số hai.

4. Những hình thức và ngữ cảnh sử dụng con số Hai

            Song song tồn tại cùng con chữ "Hai", con số hai còn được sử dụng dưới nhiều hình thức khác: nhị, nhì, cặp, đôi, vài… mỗi con chữ có một ngữ cảnh sử dụng khác nhau nhưng cùng chỉ sự vật tồn tại với số lượng là hai hoặc vị thứ hai. Trong Từ điển tiếng Việt giải thích:

- Hai: (1) Số tiếp theo số một trong dãy số tự nhiên. Hai quyển sách. Một trăm lẻ hai. Chín hai…Hạng hai. (2) (Phương ngữ: dùng trong những tổ hợp chỉ người quan hệ gia đình thân thuộc; thường viết hoa). Lớn tuổi hơn cả, đứng đầu trong hàng những người cùng một thế hệ trong gia đình: (Cả) Anh Hai, Bác Hai… (trang 417).

- Đôi: Tập hợp gồm hai vật cùng loại, hai cá thể tương ứng với nhau và làm thành một đơn vị về mặt chức năng, công dụng hoặc sinh hoạt. Một đôi đũa. Đôi giày. Đôi bạn trăm năm. (trang 342).

- Cặp: Tập hợp gồm hai cá thể, hai vật cùng loại đi đôi với nhau thành như một thể thống nhất. Cặp môi. Cặp má. Cặp vợ chồng… (trang 131).

- Nhì: (Thứ) hai. Giải nhì. Thứ nhất cày nỏ, thứ nhì bỏ phân. (trang 711).

- Nhị: giải thích nhị diện, nhị phân, nhị tâm (trang 712).

- Vài: Số ước lượng không nhiều, khoảng hai, ba. Nhà có vài ba người. Nói vài câu. (trang 1074).

            Với ý nghĩa như trên, có thể nói đây là những từ đồng nghĩa song không dễ gì thay thế cho nhau trong mọi ngữ cảnh, nói cách khác, đây là những từ đồng nghĩa không hoàn toàn. Những từ dùng liên quan với hai như trên đã có hiện tượng chuyển loại, chuyển nghĩa và chuyển cách sử dụng. Sau đây là một số trường hợp sử dụng có liên quan đến con số hai nhưng đã chuyển loại, chuyển nghĩa.

a. Con số hai khi được dùng là "Nhị"

            Nhị có nghĩa là hai, là yếu tố gốc Hán. Khi được tiếp nhận vào tiếng Việt, nhị chỉ được dùng hạn chế trong các từ phức và thành ngữ Hán - Việt. Chẳng hạn: Nhị diện (hình tạo nên do hai nửa mặt phẳng cùng giới hạn bởi một đường thẳng); Nhị phân (lấy cách chia cho hai làm cơ sở. Hệ đếm nhị phân - có cơ số là hai); Nhị tâm (hai lòng, không trung thành); Nhị thức (đa thức có hai số hạng); Nhị viện chế (chế độ hai viện) và nhị nguyên, nhị đơn, nhị thức…. Như vậy, nhị được dùng như là yếu tố Hán - Việt dùng để tạo từ.

            Nhị xuất hiện trong các thành ngữ Hán Việt: Độc nhất vô nhị (có một không hai); Nhất sống nhị chết (một là sống, hai là chết; Nhị tâm lưỡng ý (hai lòng, hai ý, không chung thuỷ); Nhị thụ vị ngược (bệnh tật làm khổ); Nhị tính chi hảo (hai bên trai gái đều tốt đẹp); Nhị thập tứ tiết (hai mươi tư tiết: lập xuân, vũ thuỷ, kinh trập, xuân phân, thanh minh, cốc vũ, lập hạ, tiểu mãn, mang chủng, hạ chí, tiểu thử, đại thử, lập thu, xử thử, bạch lộ, thu phân, hàn lộ, xương giáng, lập đông, tiểu tuyết, đại tuyết, đông chí, tiểu hàn, đại hàn); Nhị thập bát tú…(hai mươi tám vì sao. Bốn phương, mỗi phương bảy sao. Đông (Thanh Long): Giốc, Cang, Đô, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ. Bắc (Huyền Vũ): Đẩu, Ngưu, Vũ, Hư, Nguy, Thất, Bích. Tây (Bạch hổ): Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủng, Sâm. Nam (Chu Tước): Tinh, Quỷ, Liễu, Tính, Trương, Dực, Chẩn. Và Nhị thập tứ hiếu, Nhị tam kì đức, Nhị màu tam bình, Nhị đào sát tam sĩ… Nhị được dùng với tư cách là một yếu tố trong tổ hợp và chỉ tồn tại trong tổ hợp, nhị mới có nghĩa (hai).

b. Con số hai khi được dùng là "Nhì"

            Nhì vốn là yếu tố nhị được Việt hoá, song khi sử dụng, người Việt không dùng để nói về số lượng mà dùng để nói về thứ tự: Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò (Tng); Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ bần cùng khố dây (Cd). Với nghĩa chỉ thứ tự, nhì có thể đồng nghĩa hoàn toàn với hai (thay thế được cho hai trong nhiều trường hợp): Nó đứng thứ hai trong lớp hoặc Nó đứng thứ nhì trong lớp đều có nghĩa như nhau. Tuy nhiên giữa nhì hai vẫn có sự khác nhau trong cách dùng. Hai thường dùng sóng đôi với đầu: Nó đứng ở hàng đầu, tôi đứng ở hàng thứ hai; đội họ đứng đầu bảng, đội chúng tôi chỉ đứng thứ hai (2 - tr 25), hoặc với nhất thì phải có ba: Thứ nhất vợ dại trong nhà, thứ hai nhà dột, thứ ba rạ cùn (Cd). Còn nhì bao giờ cũng dùng sóng đôi với nhất, hoặc trong tập hợp nhất, nhì, tam, tứ: Nhất ếch, nhì Đa, tam La, tứ Bích. (Tng); Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. (Tng); Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân (Cd).

c. Con số hai khi được dùng là "vài"

            Vài vốn là một lượng từ (có người gọi là danh từ chỉ lượng) dùng để chỉ số lượng không chính xác khoảng hai hoặc hơn hai một chút. Vì thế ta quen nói một vài, vài ba (thường là người nói không chắc chắn về số lượng nhưng hàm ý vẫn là chỉ hai hoặc ít) mà không thể nói vài năm, vài sáu… được. Trong thơ ca, khi nói đến sự vật, hiện tượng ít ỏi, thưa thớt, lẻ tẻ, người ta cũng thường dùng vài, một vài, vài ba. Điều quan trọng là sự vật ấy thường đặt trong một không gian rộng lớn hoặc bên cạnh những sự vật, hiện tượng lớn lao và vì thế, những sự vật ấy đã ít ỏi thưa thớt lại càng yếu ớt, thưa thớt hơn. Chẳng hạn: Lom khom dưới núi Tiều vài chú, Lác đác bên sông chợ mấy nhà. (Qua đèo Ngang - Bà Huyện Thanh Quan). Đặc biệt trong việc biểu hiện tình cảm, khi vài xuất hiện thường biểu hiện sự sơ sài thiếu trân trọng: Cưới em có một tiền hai / Có dăm sợi bún, có vài sợi xôi / Họ hàng ăn uống xong rồi / Tôi xin cái chão, tôi lôi nó về (Cd). Hoặc có khi là để cười cợt một cách hài hước, dí dỏm: Cưới em có cánh con gà / Có dăm sợi bún, có vài hạt xôi / Cưới em còn nữa anh ơi! / Có một đĩa đậu, hai môi rau cần / Có xa dịch lại cho gần / Nhà em thách cưới có ngần ấy thôi / Hay là nặng lắm anh ơi / Để em bớt lại một môi rau cần (Cd), v.v.

d. Con số hai khi được dùng là "cặp", "đôi"

            Cũng như vài, cặp đôi đã chuyển về từ loại thành những danh từ chỉ đơn vị nhưng trong đó vẫn có nghĩa gốc ban đầu (hai) làm cơ sở. Cặp, đôi, với nghĩa mới, từ loại mới chỉ những (hai) sự vật gắn bó, không tách rời. Chẳng hạn: Vừa đôi phải lứa, Vừa lứa hợp đôi (thng); Ca dao thường chỉ tình yêu đôi lứa và tình cảm vợ chồng: Bước đi ba bước lại ngừng / Đôi ta ở vậy cầm chừng đợi nhau; Vợ chồng như đôi cu cu / Chồng thì đi trước, vợ gật gù theo sau. Hoặc: Dù cho cha đánh ngõ đình / Mẹ ngăn ngõ chợ, đôi đứa mình đừng xa…

            Trong tục ngữ, khi đã thành đôi, thành cặp thì mọi việc thêm bớt đều trở nên khập khiễng: Một thuyền một lái chẳng xong, một chĩnh hai gáo chớ nong tay vào; Một cong hai gáo, chẳng khua náo cũng loong coong; Một vợ không khố mà mang, hai vợ bỏ làng mà đi…(Tng). Trong khẩu ngữ, khi đôi con người, sự vật gắn bó với nhau đến mức không thể tách rời, dân gian thường gọi là cặp: Cặp vợ chồng. Tuy nhiên có thể do sự chi phối về niêm luật bằng trắc trong gieo vần, tạo nhịp điệu nên chủ yếu dân gian ta vẫn sử dụng từ đôi để diễn tả mọi cung bậc của tình yêu nam nữ, tình vợ chồng.

5. Kết luận

            Dưới góc độ ngôn ngữ, con số hai quả thật là một hiện tượng lí thú. Một con số mà mỗi ngữ cảnh sử dụng lại được xuất hiện dưới một hình thức khác nhau (ít nhất có 7 từ đồng nghĩa: cặp, đôi, nhì, nhị, hai, lưỡng (Tam tâm lưỡng ý), vài); mỗi hình thức lại có mỗi ngữ cảnh sử dụng khác nhau. Nó là một minh chứng cho sự phong phú của tiếng Việt (về cả hình thức ngữ âm, ý nghĩa và ngữ cảnh sử dụng của từ).

            Dưới góc độ văn hoá, con số hai - có thể nói là một hiện tượng độc đáo trong đời sống của nhân loại nói chung và của dân tộc Việt Nam nói riêng. Nó vừa là số, vừa là những ước lệ văn chương mà trong đó tác giả dân gian đã gửi gắm bao ý tình. Ngoài ý nghĩa logic hiển nhiên chỉ số lượng sự vật là hai, chỉ vị thứ của sự vật trong mối quan hệ với tổng thể là hai, nhì, con số hai có khi chỉ là một nửa bị tách ra làm đôi trong một sự vật, hiện tượng; có khi lại lớn hơn chính nó rất nhiều lần; có khi chỉ là những sự vật, hiện tượng lẻ tẻ, ít ỏi; có khi lại là những đối tượng gắn bó đến mức không thể tách rời… Kèm theo những ý nghĩa biểu trưng ấy là những thái độ của người nói đối với sự vật được nói đến: khi tha thiết, khi trân trọng, khi lại sơ sài, qua loa…; có khi đánh giá rất nhỏ mà có khi lại rất lớn.

Qua tìm hiểu con số hai, có thể thấy lối tư duy của người Việt rất linh hoạt, phong phú. Cũng là một con số song đi vào đời sống, số không còn là số nữa mà trở thành những ý nghĩa biểu trưng, góp phần tạo nên những “giá trị truyền thống” của văn hóa dân tộc. Tìm hiểu con số hai, phần nào chúng ta đã đến được với những “giá trị” đó.

                                                                                         

                                                            TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Thu Giang Nguyễn Duy Cần (1992), Dịch học tinh hoa, Nxb thành phố Hồ Chí Minh.
  2. Hoàng Văn Hành, Hoàng Phê, Đào Thản (2002), Sổ tay dùng từ tiếng Việt. Nxb Khoa học xã hội, H.
  3. Nguyễn Xuân Kính (2004), Thi pháp ca dao, Nxb đại học quốc gia Hà Nội.
  4. Trần Ngọc Thêm (1998), Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb Giáo dục, H.
  5. Viện KHXH Việt Nam - Viện Ngôn ngữ học (1992), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm từ điển ngôn ngữ, H.

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
27867
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26806
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
23831
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18746
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18501
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
11932
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
11893
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9059
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Ngôn ngữ - Văn hóa
5497
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5462
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5402
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Việt Phổ thông
5398
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Tiếng Anh
4051
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3263
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
2999
Từ trái nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:39:45
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo