Đặc điểm cấu trúc ngữ nghĩa của câu giặm trong hát giặm Nghệ Tĩnh
ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC NGỮ NGHĨA CỦA CÂU GIẶM TRONG HÁT GIẶM NGHỆ TĨNH
Đỗ Thị Kim Liên (*)
- Đặt vấn đề
Cùng với thể Hát ví, thể hát giặm được xem là “đặc sản” của Nghệ Tĩnh, nghĩa là chúng chỉ tồn tại ở địa phương Nghệ Tĩnh mà không có ở bất kì địa phương nào khác.
Chữ Giặm gần với chữ giắm (chứ không phải dặm 1), có lẽ bởi bài nào cũng chứa ít nhất là một câu lặp lại câu đi trước giữa khoảng trống hai khổ thơ, giống như giắm mạ thêm vào chỗ trống nhưng có biến cải một từ, một ngữ so với từ ngữ của câu đứng trước. Bài nhiều thì có đến 12 cặp lặp lại (như bài Mời quí vị dạo chơi tỉnh nhà). Trong hai tập Hát giặm Nghệ Tĩnh, do Ninh Viết Giao và Nguyễn Đổng Chi sưu tầm, chúng tôi thống kê tập 1, trong tổng số 95 bài có 302 câu lặp lại, tập 2, trong tổng số 72 bài có 201 câu lặp. Thể Hát giặm chủ yếu là 5 chữ. Trong một bài, số câu 4, 6, 7, 8 chữ có thể có nhưng những câu phá cách này không nhiều.
Mời quý vị dạo chơi tỉnh nhà
Bây giờ mùa đã giãn rồi (6 chữ)
Xin mời quý vị dạo chơi tỉnh nhà (8 chữ)
Quỳnh Lưu đó không xa (từ câu thứ ba đến cuối 5 chữ)
Mời các ngài đến thử
Lụa sồi không mấy trự (đồng)
Cứ may mặc tự nhiên (5 chữ)
Chẳng ai dám hỏi tiền,
May một khi mười bộ
May một lần chục bộ
....
Nước mắm ngon thượng hạng
Thêm ruốc ngọt trổi (nổi) mùi
Nếu ngài chẳng chê hôi
Xin biếu không chục hũ
Xin biếu ngài mươi hũ. (2, tr.22).
Do giới hạn của bài viết, ở bài này, chúng tôi chỉ đi sâu tìm hiểu đặc điểm của câu giặm (câu lặp lại) trong thể Hát giặm Nghệ Tĩnh.
- Phân biệt hiện tượng lặp trong Hát giặm Nghệ Tĩnh với phép điệp ngữ trong tu từ học
Theo Đinh Trọng Lạc, điệp ngữ (còn gọi: lặp) là lặp lại có ý thức những từ ngữ nhằm mục đích nhấn mạnh, mở rộng ý, gây ấn tượng mạnh hoặc gợi ra những cảm xúc trong lòng người đọc, người nghe (5, tr.275). Điệp ngữ có cơ sở tâm lí: một vật kích thích, xuất hiện nhiều lần sẽ làm người ta chú ý. Điệp ngữ được sử dụng rộng rãi trong tất cả các phạm vi của lời nói. Trong giới hạn của một phát ngôn, điệp ngữ được dùng như một phương tiện tăng cường logic cảm xúc cái nghĩa của phát ngôn đó. Ví dụ:
- Ứ, ừ, bà không chết! Bà không được chết.
- Ừ, bà không chết. Bà chết thế nào được. Bà chết thì ai nuôi dạy cháu bà. Khi nào cháu lớn, học hết lớp 10, cháu đi Liên Xô học đại học, bà mới chết.
- Ứ, ừ, lúc ấy bà cũng không được chết cơ! (Ma Văn Kháng)
Ở ví dụ trên, từ chết được lặp đi lặp lại 7 lần ở 7 câu nhằm nhấn mạnh điều mà cả người nói và người nghe cùng hướng đến, cùng mong mỏi là bà không chết. Qua sự lặp lại đó, tác giả gián tiếp nói đến tình yêu thương, quý mến lẫn nhau giữa hai bà cháu.
Theo Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học của tác giả Nguyễn Như Ý thì phép lặp có ba cách hiểu:
- Việc tăng gấp đôi độ dài của âm tố.
- Việc tái lập lại một chữ cái trên văn tự để biểu thị tính chất dài của nguyên âm.
- Lối nhắc lại một từ hoặc một ngữ để làm rõ ý nghĩa cần nhấn mạnh. Ví dụ: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành thành công, đại thành công. (7, tr.209)
Cách quan niệm phép lặp của Nguyễn Như Ý cũng trùng với cách quan niệm của Đinh Trọng Lạc ở nhóm nghĩa thứ ba.
So sánh với cách hiểu phép lặp ở hai tác giả Đinh Trọng Lạc và Nguyễn Như Ý, chúng tôi thấy câu lặp trong Hát giặm Nghệ Tĩnh có điểm riêng, khác với phép lặp trong tu từ học, đó là:
Về số lượng, trong Hát giặm Nghệ Tĩnh chỉ lặp lại hai câu đứng cạnh nhau, còn phép lặp trong tu từ học có thể tự do: trong một câu, lặp hai câu, ba câu hoặc lặp cách quãng.
Về tính chất lặp: trong Hát giặm Nghệ Tĩnh, ở câu thứ hai, tuy lặp lại câu đi trước nhưng nhất thiết phải có một từ nào đó biến đổi khác với từ cùng vị trí với câu đứng trước. Còn ở phép lặp trong tu từ học lại không đòi hỏi đặc trưng này.
Ví dụ, ở hai câu Hát giặm tuy lặp lại nhưng vẫn có từ ông / bà; từ chè / nước không lặp.
- Tui giận ông hàng cá /Tui giận bà hàng cá. (2, tr.193)
- Ngọt ra đằng sau ót / Ngọt tận đằng sau ót. (2, tr. 23)
Trong Bài thơ Khi mẹ vắng nhà của Trần Đăng Khoa có sử dụng phép lặp lại ở 5 dòng thơ (lặp cú) hoàn toàn giống nhau:
- Khi mẹ vắng nhà, em luộc khoai
Khi mẹ vắng nhà, em cùng chị giã gạo
Khi mẹ vắng nhà, em thổi cơm
Khi mẹ vắng nhà, em nhổ cỏ trong vườn
Khi mẹ vắng nhà, em quét sân và quét cổng. (4, tr.35)
Chính hai đặc điểm trên làm nên đặc trưng riêng cho thể loại Hát giặm Nghệ Tĩnh. Có thể nói, cách sử dụng từ ở câu thứ hai tuy không lặp lại từ ở câu đi trước nhưng luôn bị chi phối bởi một số nhân tố nhất định. Sau đây chúng tôi đi sâu phân tích, mô tả những nhân tố chi phối đó.
- Sự khác biệt giữa từ ngữ ở câu đi trước so với từ ngữ của câu lặp trong Hát giặm Nghệ Tĩnh
3.1. Về âm vực của hai từ ở câu đứng trước và câu lặp
Câu lặp thứ hai luôn chứa một từ nào đó có thể đứng ở giữa câu (âm tiết thứ hai hoặc thứ ba) hoặc đứng cuối câu (âm tiết thứ năm) có sự biến đổi về âm vực. Ở hai dòng, sự biến đổi theo quy tắc như sau: Câu đứng trước chứa từ (hay âm tiết) có thanh điệu thuộc âm vực cao, từ (âm tiết) ở câu lặp luôn có thanh điệu thuộc âm vực thấp.
Dạng 1
Từ thuộc âm vực |
Từ chứa thanh điệu |
Ví dụ |
Cao |
Thanh không |
Quế Quỳ Châu tốt nhất |
thấp |
Thanh huyền |
Quế Phủ Quỳ tốt nhất |
Ví dụ: Thanh không --> thanh huyền
- Quế Quỳ Châu tốt nhất / Quế Phủ Quỳ tốt nhất. (2, tr.26)
- May một khi mười bộ / May một lần chục bộ. (2, tr.26)
- Tới Cồn Dinh ta nghỉ /Tới Cồn Đà ta nghỉ. (2, tr.130)
Dạng 2
Từ thuộc Âm vực |
Từ chứa thanh |
Ví dụ |
cao |
Thanh không |
Trăm cơn chi cũng khô
|
Thấp |
Thanh sắc |
Ngàn cơn chi cũng héo. |
Ví dụ: Thanh không --> thanh sắc
- Trăm cơn chi cũng khô / Ngàn cơn chi cũng héo. (2, tr. 29)
- Trăm cơn chi cũng khô / Ngàn cơn chi cũng đốt. (2, tr. 30)
- Nay o nọ dì kia / Mốt o ni dì khác. (2, tr.70)
- Nước sông Cái chảy sang / Nước Thủy Triều lên xuống. (2, tr. 132)
Dạng 3
Từ thuộc Âm vực |
Từ chứa thanh |
Ví dụ |
cao |
- Thanh không/ - thanh huyền |
- Em mừng riêng trong tâm - Nước chè Gay vàng rộm |
Thấp |
- Thanh nặng |
- Em mừng riêng trong dạ. - Nước chợ Gay vàng rộm |
Ví dụ: Thanh không --> thanh nặng
- Không kể sớm với trưa / Không kể hàng với họ (2, tr.123)
- Trách chi mà không xinh / Trách chi mà không lạ. (2, tr.143)
- Nước chè Gay vàng rộm / Nước chợ Gay vàng rộm (2, tr.23)
3.2. Về đặc điểm từ loại và ngữ nghĩa của từ ở câu đứng trước và từ ở câu lặp
Câu đứng trước và câu lặp không giống nhau hoàn toàn như phép điệp từ ngữ, mà chúng luôn có một từ nào đó biến đổi về vỏ ngữ âm. Từ biến đổi về âm thanh này phải cùng từ loại (cùng đại từ, cùng danh từ, cùng tính từ, cùng động từ, cùng số từ) với từ loại câu đứng trước. Chẳng hạn câu: Ông mô rồi cũng có/ Bà mô rồi cũng có (2, tr.23) đều cùng từ loại danh từ. Nhưng hai từ này lại có những điểm khác nhau sau:
- Hai từ khác nhau về vỏ ngữ âm nhưng thuộc cùng trường nghĩa;
- Hai từ khác âm nhưng đồng nghĩa;
- Hai từ có đảo trật tự vỏ ngữ âm đưa đến sự khác biệt về nghĩa;
- Một từ ghép gồm hai yếu tố được tách thành hai từ đơn.
- Hai từ trái nghĩa.
Sau đây, chúng tôi đi vào mô tả những biểu hiện khác biệt trên.
- a) Hai từ có sự hô ứng thuộc cùng trường nghĩa
a1) Sử dụng đại từ
* Sử dụng đại từ nhân xưng
Đại từ nhân xưng là những từ xưng hô giữa người và người trong hoạt động giao tiếp. Trong Hát Giặm, chúng tôi thường gặp nhất là các cặp từ: ta / mình; người ta / mình; ai / người; kẻ / người, ta / bạn...
- Phúc nhà ta biết mấy / Phúc nhà mình biết mấy (2, tr. 36)
- Kẻ trôi lợn lợn trôi bò / Người có chi trôi hết. (2, tr.35)
- Kẻ chở lúa chở ngài / Người chở tiền chở bạc. (2, tr.36)
- Trông người ta thêm nhớ / Trông ra mình thêm nhớ. (2, tr.124)
- Ta mừng riêng trong dạ / Bạn mừng thầm trong dạ (2, tr.128)
* Sử dụng đại từ chỉ định
Đại từ chỉ định là những từ thường đi kèm phía sau danh từ để hạn định ý nghĩa không gian, thời gian gần hay xa so với người nói: lúc nãy / lúc ni; mô / nào; ni / này; nớ / ni; bữa ni / bữa rày...
- Trâu mi bữa ni tau lấy / Bò mi bữa rày tau lấy. (2, tr. 37)
- Thầy bỏ tớ lúc ni / Vợ bỏ chồng lúc khác. (2, tr.72)
a2) Sử dụng danh từ
* Danh từ chỉ người
Đây là những danh từ chỉ người, thuộc tiểu nhóm danh từ tổng hợp, có hai, ba âm tiết, mang nghĩa số nhiều.
- Van anh em sắp bó / Van bạn bầu sắp bó. (2, tr.79)
- Anh em ta chịu cả / Chị em mình chịu cả (2, tr.79)
a3. Sử dụng số từ (đi kèm danh từ )
- Năm ngày mưa một trộ / Mười ngày mưa một trộ. (2, tr.30)
- Năm ba tiền cũng được / Vài ba hào cũng được. (2, tr.190)
- Mười người nhất tâm / Trăm người như một. (2, tr.119).
- Trăm nghề chi không có, không được / Vạn nghề gì, không có / không được. (2, tr.35)
- b) Từ ở câu lặp khác âm nhưng đồng nghĩa với từ của câu đứng trước
Có thể nói trong Hát giặm Nghệ Tĩnh, việc sử dụng hai từ khác âm nhưng đồng nghĩa là một nghệ thuật biến cải (vỏ ngữ âm của từ) hết sức độc đáo, không gây sự nhàm chán, tạo tính mới mẻ đối với người nghe. Trong Hát giặm Nghệ Tĩnh, chúng tôi bắt gặp chủ yếu là 3 từ loại: đại từ, động từ, phụ từ.
b1. Đồng nghĩa đại từ
Với dạng này, hai câu thường có hai từ đồng nghĩa: đồng nghĩa giữa từ địa phương và từ toàn dân. Chúng gồm những cặp từ đối ứng như: chi / gì; mô / nào ...
- Đánh trận mô cũng được / Đánh trận nào cũng được (2, tr.189).
- Mi đến mần chi đó nữa / Mi đến mần gì đó nữa. (2, tr.37).
- Không biết cơ man mô mà kể / Không biết cơ man nào mà kể (2, tr. 42).
- Ở nơi mô cũng thế/ Ở nơi nào cũng thế (2, tr.139).
Có những từ đặt riêng thì không đồng nghĩa nhưng nhờ ngữ cảnh sử dụng, chúng lại trở nên đồng nghĩa. Nhờ đó, nó tạo nên nét phong cách riêng của Hát giặm Nghệ Tĩnh. Chẳng hạn từ ta và từ mình trong câu: Đưa anh em ta đi khẩn / Đưa anh em mình đi khẩn. (2, tr.183).
b2. Đồng nghĩa phụ từ
Phụ từ là những từ không mang nghĩa từ vựng chân thực mà thường đi kèm trước (hoặc sau động từ, tính từ) để bổ sung ý nghĩa ngữ pháp cho động từ và tính từ đó. Chúng gồm những cặp từ như: nỏ/ không; nỏ/mô; đừng/ chớ, ra /tận...
- Đừng nghe mồm thiên hạ / Chớ nghe mồm thiên hạ. (2, tr.167)
- Không chi mạnh bằng gạo / Nỏ chi bạo bằng tiền. (2,tr.111).
- Khoai trồng không ra củ / Lúa lổ nỏ ra đòng (2, tr.29).
- Không việc chi việc khó / Nỏ việc chi việc khó (2, tr.336)
b3. Đồng nghĩa động từ
Đây là nhóm đồng nghĩa xuất hiện với tần số nhiều nhất, thường là đồng nghĩa từ địa phương với từ toàn dân: nom / chộ; thấy / chộ; mắc / nợ hoặc từ địa phương với từ địa phương.
Sau đây là những cặp từ đồng nghĩa địa phương và toàn dân:
- Nom bốn phương vui vẻ / Nhìn bốn phương vui vẻ. (2, tr.115)
- Không mắc ai nửa chự / Không nợ ai nửa đồng (2, tr.165)
Từ địa phương và từ địa phương:
- Nom rừng sâu xanh ngắt / Chộ mây phủ trong ngoài. (tr.114)
Hoặc đồng nghĩa ngữ cảnh: qua / về; giao / nạp; co khu / co giò; khuyên / dặn...
Đây là trường hợp hai từ vốn không đồng nghĩa nhưng nhờ ngữ cảnh, chúng trở thành đồng nghĩa (có thể khác nhau về sắc thái). Chúng tôi gọi những hiện tượng này là đồng nghĩa lâm thời. Chẳng hạn: Giao và nạp; qua và về; khuyên và dặn.
- Giao cho bà thủ quỹ / Nạp cho bà thủ quỹ. (2, tr.188)
- Qua Thanh Chương cũng tiện / Về Thanh chương cũng tiện (2, tr.24)
- Ghé qua chơi một tỉ / Ghé về chơi một tỉ (một tí) (2, tr.25)
- Ta khuyên mình đừng vội / Ta dặn mình đừng vội (2, tr.130)
- Em ngong chừng đường ngái / Em tưởng chừng đường ngái (2, tr. ).
- Ta khoan thai chưa vội / Ta dần dà chưa vội. (2, tr. 126)
- Thuê vài người xay giã / Mượn vài người xay giã. (2, tr.109)
- Anh co khu anh lủi / Anh co giò anh lủi (2, tr.157)
b4. Đồng nghĩa danh từ
* Đồng nghĩa danh từ chỉ người
Cặp danh từ chỉ vợ chồng cũng được sử dụng hết sức tài tình:
- Thuận ông thuận mụ / Thuận vợ thuận chồng. (2, tr.161)
- Ném quân Tây cho chết / Ném quân thù cho chết (2, tr.185)
* Đồng nghĩa danh từ chỉ đấng tối cao
- Sổ trời xanh đã định / Sổ Nam Tào đã định (tr.119).
* Đồng nghĩa danh từ chỉ thời gian (nhờ ngữ cảnh)
- Biết khi nào cho biết / Biết ngày nào cho biết. (2, tr117)
- May một khi mười bộ / May một lần chục bộ (2. tr.22)
- Lúc canh khuya trò chuyện / Lúc canh trường trường trò chuyện ( 2, tr.129)
* Đồng nghĩa giữa từ Hán Việt và từ Hán Việt
- Anh mới cam trong tâm / Anh mới đành trong dạ. (tr.157)
b5. Đồng nghĩa số từ
Thuộc nhóm này, chúng ta chỉ gặp cặp số từ chục / mười
- Xin biếu không chục hũ / Xin biếu ngài mươi hũ (2, tr.23)
- May một khi mười bộ / May một lần chục bộ (2, tr.21)
b6. Đồng nghĩa tính từ
Trong Hát Giặm Nghệ Tĩnh, hiện tượng đồng nghĩa tính từ không nhiều
- Kể còn lâu chưa hết / Kể còn dài chưa hết (2, tr.129)
- c) Sử dụng từ ghép tách thành hai câu
- Ở cho được mùa / Ở cho được màng. (2, tr.42) --> Mùa màng.
- Kiếm nát trong bụi cơn (cây) / Kiếm nhàu trong bụi cỏ (2, tr.336)--> nhàu nát; cây cỏ
- Sao nỡ để người khinh / Sao nỡ để người bỉ. (2, II, tr.145)
- d) Đảo trật tự các thành tố trong cụm từ
- Lên đình trung đứng nhởi / Hội giữa đình đứng nhởi. (2, tr.130)
- Viết bức thư gửi lại / Bức thư tình gửi lại. (2, tr.127)
- Xuống đò chung với bạn / Xuống chung đò với bạn. (2, tr.110)
- Tấm lòng riêng thêm bận / Riêng tấm lòng thêm bận. (2, tr. 126)
đ) Sử dụng cặp từ trái nghĩa
Nhóm này rất ít xuất hiện. Trong tư liệu, chúng tôi chỉ gặp một câu:
*Danh từ thời gian trái nghĩa
- Ngày núi khe làm bạn / Đêm vượn hót làm vui. (2, tr.115)
*Danh từ trừu tượng
- Lắm điều vui, điều tủi / Lắm điều buồn, điều tủi (2. tr.264)
- Nét văn hóa đặc trưng của người Nghệ Tĩnh qua các bài Hát Giặm Nghệ Tĩnh
3.1. Ưa sử dựng cấu trúc cân đối hài hòa
Con người Nghệ Tĩnh nói riêng và người Việt nói chung ưa sử dụng cấu trúc câu nói theo lối hài hòa, cân đối. Trong Hát giặm Nghệ Tĩnh, việc sử dụng câu lặp lại luôn tuân theo sự hô ứng một cách khá nghiêm ngặt với từ ngữ cùng vị trí ở câu đi trước, như phân tích trên, là biểu hiện của việc người Nghệ Tĩnh ưa sử dụng cấu trúc cân đối, hài hòa. Đặc điểm ưa sử dụng cấu trúc có tính cân đối này còn được thể hiện rõ qua cấu trúc của thành ngữ, tục ngữ. Theo Hoàng Văn Hành, "Thành ngữ đối là loại thành ngữ phổ biến nhất trong tiếng Việt. Chúng chiếm tới 56% tổng số thành ngữ có trong thực tế tiếng Việt. Đặc điểm nổi bật về mặt cấu trúc của thành ngữ đối là tính chất đối ứng giữa các bộ phận và các yếu tố tạo nên thành ngữ. Chẳng hạn: "Mẹ tròn / con vuông, Đầu tắt / mặt tối, Ăn xổi / ở thì, Tay bắt / mặt mừng, Đầu cua / tai nheo, Thay lòng / đổi dạ" (3, tr.38). Theo Đỗ Thị Kim Liên trong Tục ngữ Việt Nam dưới góc nhìn ngữ nghĩa - ngữ dụng, khi đi sâu nghiên cứu ba kiểu quan hệ ngữ nghĩa chủ yếu trong tục ngữ: quan hệ lập luận, quan hệ so sánh, quan hệ đối lập thì quan hệ đối lập cũng chiếm tỉ lệ cao nhất (6, tr.166 - 168). Điều kiện để xem hai vế A và B có quan hệ đối lập khi:
- Cấu trúc phải cân đối có hai phần Đề và Thuyết
- Nghĩa của phần Đề và Thuyết hoặc của cả phần Đề và Thuyết phải trái ngược nhau: Tiên trách kỉ (A) / Hậu trách nhân (B); Cháu bên nội (A) /, tội bên ngoại (B); Khoai đất lạ (A) /, Mạ đất quen (B)...
Trong Hát Giặm Nghệ Tĩnh, ở các câu lặp lại câu đi trước thường chứa từ tuy khác vỏ ngữ âm với từ ở vị trí tương ứng với câu đi trước nhưng luôn nằm trong sự cân đối hài hòa về từ loại, về ngữ nghĩa (cùng trường nghĩa, lặp nghĩa, đồng nghĩa, trái nghĩa).
3.2. Ưa sử dụng cấu trúc ngắn gọn
Theo ông Hoàng Minh Đạo, đối với thể Hát giặm Nghệ Tĩnh, khi hát thường có nhịp 3/2, tạo sự ngắt gãy, ngắn gọn. Ví dụ: Nhút Thanh Chương / cũng ngọt, Kể chẳng mấy / đồng tiền, Xơ mít chất / đầy hiên, Băm một khi / tám nống, Băm một lần / tám nống (2, tr.25). Ngay bài thơ của Huy Cận Gửi bạn người Nghệ Tĩnh được Phạm Tuyên phổ nhạc thành bài hát Ai vô xứ Nghệ cũng ngắt nhịp tương tự như ngắt nhịp trong Hát giặm: Ai ơi cà / xứ Nghệ, Càng mặn lại / càng giòn, Nước chè xanh / xứ Nghệ, Càng chát lại / càng ngon... Trong khi đó, ở những câu thơ bình thường 5 chữ, theo ngắt nhịp truyền thống, người đọc thường hay ngắt nhịp 2/3 để tạo độ kéo dài, ngân vang cho câu thơ (Em ơi / đợi anh về). Các nhà ngôn ngữ học gọi đó là nhịp thể loại. Tuy vậy, tùy theo cảm xúc, mạch thơ, người đọc có thể ngắt nhịp, hay phải ngừng giọng theo những bộ phận các từ có quan hệ về nghĩa, không bắt buộc theo nhịp 2/3. Sau đây, chúng tôi chọn bài thơ 5 chữ của Trần Đăng Khoa làm ví dụ minh họa.
Nửa đêm tỉnh giấc
Nửa đêm / em tỉnh giấc
Bước ra hè / em nghe
Nghe tiếng sương / đọng mật
Đọng mật / trên cành tre
Nghe ri rỉ / tiếng sâu
Nó / đang thở cuối tường
Nghe rì rầm / rặng duối
Há miệng / đòi uống sương.
(Trần Đăng Khoa, 4, tr.35)
3.3. Ưa lối nói hài hước, lạc quan và giàu tính triết lí
Trong số 165 tiêu đề các bài Hát giặm Nghệ Tĩnh nổi lên hai chủ đề chính:
- a) Ở tập 1, Hát Giặm Nghệ Tĩnh giới thiệu cho người đọc về những con người, vùng đất, cảnh quan, nghề nghiệp (các nghề: chăn tằm, dệt vải, đi củi, chăn vịt, câu cá, làm nón, hàng xáo, buôn bán, buôn dâu, buôn gạo...), phong tục tập quán, quan niệm, lối sống của người dân Nghệ Tĩnh. Cuộc sống của những người dân nơi đây hết sức khó khăn, lam lũ nhưng họ coi trọng học hành, luôn đề cao trí tuệ, giàu mơ ước. Điều này được phản ánh qua một loạt các bài: Thân phận người đi ở (bài thứ nhất, bài thứ hai); Thân phận người đi lính (bài thứ nhất, bài thứ hai); Cảnh làm lẽ (bài thứ nhất, bài thứ hai). Vượt lên cái lam lũ, vất vả, con người xứ Nghệ luôn có đức tính hài hước, dí dỏm, lạc quan và họ luôn đúc kết những kinh nghiệm đó thành triết lí sống, có tác dụng răn dạy người nghe những bài học hết sức bổ ích. Chẳng hạn bài: Mời quí vị dạo chơi tỉnh nhà, Nói trạng, Triết lí sự đời, Luận về đồng tiền, Đối thoại giữa ông bếp và bà Thiên Đài...
- b) Ở tập 2, chủ đề chủ yếu là ca ngợi lòng yêu nước, chống Pháp. Mảnh đất Nghệ Tĩnh với những tên núi, tên sông, tên người tự đời nào đã được xem là địa linh nhân kiệt. Điều này được thể hiện hết sức rõ nét ở tập 2. Hầu như, chúng tôi bắt gặp hàng loạt tiêu đề phản ánh lòng yêu nước của người dân Nghệ Tĩnh: Khởi nghĩa Văn thân năm Giáp Tuất do Tú Tấn, Tú Mai cầm đầu; Phong trào Văn thân năm giáp Tuất (bài thứ nhất, bài thứ hai); Phong trào Cần vương; Vận động binh lính (bài thứ nhất... bài thứ sáu); Tuyên truyền cách mạng; Vận động phụ nữ cứu nước; Em bé rải truyền đơn...
Với hàng loạt bài theo các chủ đề trên cho phép chúng tôi rút ra nét đặc trưng văn hoá chủ đạo của người Nghệ Tĩnh là thiên về hài hước, lạc quan, giàu tính triết lí.
- Kết luận
Trên đây, chúng tôi đã đi sâu tìm hiểu những khác biệt về câu lặp so với câu đứng trước trong Hát giặm Nghệ Tĩnh cũng như biện pháp lặp trong tu từ nói chung. Qua sự khảo sát trên, có thể khẳng định Hát giặm Nghệ Tĩnh là kho tư liệu quí giá lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của người Nghệ Tĩnh. Nhờ vốn tư liệu quí này, chúng ta có thể tìm thấy vốn ngôn ngữ phong phú của người Nghệ Tĩnh, nhận biết những phong tục tập quán, con người xứ Nghệ đậm đà tình người, sống lạc quan. Đặc biệt là sự kiên cường quật khởi của người dân xứ Nghệ trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Diệp Quang Ban, Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2010
- Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao, Hát giặm Nghệ Tĩnh, Nxb Khoa học, tập 1+ 2, năm 1962.
- Hoàng văn Hành, Kể chuyện thánh ngữ, tục ngữ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002.
- Trần Đăng Khoa, Thơ chọn lọc, Nxb Văn hóa - Thông tin, năm 1998.
- Đinh Trọng Lạc, Phong cách học tiếng Việt, Nxb Giáo dục, năm 1998.
- Đỗ Thị Kim Liên, Tục ngữ Việt Nam dưới góc nhìn ngữ nghĩa - ngữ dụng, Hà Nội, năm 2006.
- Nguyễn Như Ý, Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1996.
* Khoa Ngữ Văn – Trường Đại học Vinh
1 Theo ông Hoàng Minh Đạo (giảng viên môn Văn học dân gian, khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Vinh) thì Hát giặm ở Hà Nam (tức hát giặm đường) vừa đi vừa hát trong dịp lễ mừng Lí Thường Kiệt, còn Hát giặm ở Nghệ Tĩnh là hát thêm vào, giặm vào một câu ở cuối mỗi khổ thơ (xem ví dụ bài Mời quý vị dạo chơi tỉnh nhà).