Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh – Những giá trị trường tồn

Ngôn ngữ - Văn hóa
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 1580 28/07/2021 19:34:35

DÂN CA VÍ, GIẶM NGHỆ TĨNH – NHỮNG GIÁ TRỊ TRƯỜNG TỒN

(THE ETERNAL VALUES OF VÍ AND GIẶM FOLK SONGS OF NGHỆ TĨNH)

 TS. Trần Thị Lam Thủy

Bài đăng trên Tạp chí Khoa học Đại học Sài Gòn - Số 5 (30) - Tháng 7/2015

TÓM TẮT

Năm 2014, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trở thành di sản văn hóa thứ 9 của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh sách các Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có thể nói, việc vinh danh này là sự thừa nhận những giá trị của Ví, Giặm trong đời sống cộng đồng. Câu hỏi mà chúng tôi đặt ra ở đây là: Điều gì đã đem lại cho Ví, Giặm vinh dự trở thành một trong những di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại? Những giá trị nào của Ví, Giặm đã, đang và sẽ tồn tại vĩnh hằng cùng với thời gian? Bài viết này góp phần xác định rõ điều đó.

Từ khóa: Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, di sản văn hóa, giá trị của Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

ABSTRACT

In 2014, Ví and Giặm folk songs of Nghệ Tĩnh became the 9th cultural heritage of Vietnam that were entered intoRepresentative List of the Intangible Cutural Heritage of Humanity by UNESCO. It can be said, this glory is recognition for the values of Ví and Giặm in community life. The questions that we pose here is: What were Ví and Giặm the honor of becoming one of the intangible cultural heritage of humanity? Which values of Ví and Giặm were, being and will be eternally in the fullness of time? This paper contributes to define it clearly.

Keywords: Ví and Giặm folk songs of Nghệ Tĩnh, cultural heritage, the values of Ví and Giặm folk songs of Nghệ Tĩnh

 

  1. Đặt vấn đề

          1.1. Ví và Giặm là hai thể hát độc đáo của người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trải qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển, Ví, Giặm đã trở thành một phần máu thịt của

người xứ Nghệ. Năm 2014, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của nhân loại. Việc vinh danh này, có thể nói, là sự khẳng định những giá trị của Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong đời sống cộng đồng.

          Nếu nói lịch sử là câu chuyện chúng ta nói chúng ta là ai, thì câu chuyện liên quan đến lịch sử - văn hóa sẽ luôn tồn tại hai mặt: tính khách quan và sự phản ánh chủ quan của những người viết nên câu chuyện này. Hẳn nhiên sẽ có những cách đánh giá khác nhau với mỗi thời đại và mỗi thế hệ. Tuy nhiên, với sản phẩm văn hóa đạt đến giá trị chân chính, nó sẽ trường tồn với thời gian. Đến nay, qua bao thăng trầm, Ví, Giặm đã được thừa nhận như là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt nói chung và người dân xứ Nghệ nói riêng.

           1.2. Một di sản văn hóa phi vật thể là kiệt tác về tài năng sáng tạo của con người, là bằng chứng độc đáo về một truyền thống văn hóa hay một nền văn minh đang tồn tại hoặc đã biến mất. Qua di sản, có thể thấy sự giao lưu quan trọng giữa các giá trị của nhân loại, trong một khoảng thời gian hoặc trong phạm vi một vùng văn hoá của thế giới. Đồng thời nó cũng cho thấy sự gắn bó trực tiếp hoặc cụ thể giữa những sự kiện hoặc truyền thống sinh hoạt với các ý tưởng, hoặc các tín ngưỡng, các tác phẩm văn học nghệ thuật có ý nghĩa nổi bật. Bởi vậy, để có một cái nhìn tổng quát về giá trị của Ví, Giặm từ nhiều góc độ khác nhau, chúng tôi sẽ tìm hiểu từ việc phân tích mục đích, ý nghĩa, các đặc điểm đặc trưng của Ví, Giặm trong sự biến đổi của thời gian và mối tương quan giữa hai mặt lịch đại và đồng đại của di sản văn hóa này.

  1. Giá trị văn hóa của Ví, Giặm

2.1. Giá trị của Ví, Giặm nhìn từ phương diện mục đích

         Song hành cùng người dân xứ Nghệ suốt bao thế kỉ, Ví và Giặm đã được đánh giá là “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người dân nơi đây. Bởi lẽ người xứ Nghệ hát Ví, Giặm trong khi lao động. Họ hát để vui và quên hết mệt nhọc. Trong niềm vui ấy, hiệu quả công việc thu lại cao hơn. Đến nay, trong kí ức của rất nhiều người về Ví, Giặm ở xứ Nghệ vẫn còn hình ảnh những cuộc hát đối đáp. Nam nữ cùng làm việc trên đồng ruộng như đào đất đắp đê, cày bừa, tát nước, cấy lúa, nhổ mạ, hái dâu… dưới cái nắng cháy da mùa hạ hay cái lạnh thấu xương mùa đông của xứ Nghệ, thỉnh thoảng lại cất lên câu hát. Người ta cười vui mà quên đi sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nỗi cực nhọc của công việc. Trong thôn xóm, sau một ngày làm việc đồng áng, đêm đêm các cô gái lại tụ tập kẹo vải, làm nón… họ quây quần vừa làm vừa hát. Tiếng hát hòa lẫn với tiếng cười tạo nên niềm vui. Điều đó giúp họ có thể làm việc đến canh khuya mà không biết mệt mỏi. Vậy là Ví, Giặm, dẫu không trực tiếp đào đất đắp thành những con đê ngăn lũ, không trực tiếp kéo sợi… song lại tạo ra tất cả những sản phẩm đó cùng với con người. Chính trong môi trường này, Ví, Giặm tạo nên niềm vui, niềm hăng say trong công việc, trở thành một động lực tinh thần giúp con người kiên cường hơn, yêu hơn công việc lao động và cuộc sống của mình.

           Đồng thời Ví, Giặm cũng là nơi thổ lộ tâm tình của người Nghệ. Với câu hát ru người mẹ ru con, Ví, Giặm là nguồn sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ trẻ của xứ Nghệ. Cũng trong câu hát ru mà người mẹ kí gửi vào đó những tâm sự, nỗi lòng của mình hay nhắn nhủ tới những người xung quanh (người có thể nghe hát) những lời nhắc nhở, những bài học cuộc đời – không ít những bà mẹ mượn lời ru con để khéo léo nhắc nhở chồng, hay giãi bày tâm sự với ông bà, cha mẹ. Với những chàng trai, những cô gái, Ví, Giặm là phương tiện để họ thổ lộ tâm tình, tìm hiểu, trao gửi yêu thương, hẹn thề chung thủy… ngay cả khi ước nguyện lứa đôi không thành, họ cũng mượn Ví, Giặm để trách cứ hay tỏ lòng tiếc nuối. Vậy là Ví, Giặm đã là “người phát ngôn” bộc lộ cho nỗi lòng, tâm sự của họ. Nói cách khác, người Nghệ đã sử dụng Ví, Giặm như một kiểu nói lưỡng ngôn – trực tiếp bày tỏ được suy nghĩ của mình song lại có thể hoàn toàn vô can. Quả thật, Ví, Giặm lại là một trong những chiến lược giao tiếp độc đáo của người Nghệ.

          Ví, Giặm còn tạo ra một sân chơi đậm chất trí tuệ và nhân văn với môi trường giao tiếp đầy chất thơ và nhạc ở những cuộc hát đối đáp. Bởi điểm đặc biệt trong các cuộc hát của người Nghệ là tính chất thi thố nên có thể thu hút được mọi tầng lớp xã hội tham gia, trong đó có cả tầng lớp tri thức nho học. Trong đó có những tên tuổi đã lưu lại cùng sử sách như Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự, nhà yêu nước Phan Bội Châu... Chính họ cùng với muôn thế hệ người Nghệ làm nên một kho tàng ca từ đồ sộ với không ít những câu ca long lanh ánh ngọc trong văn học nước nhà.

          Trong các cuộc hát Ví, Giặm, đặc biệt là Ví phường vải, họ đều chia phe (bên nam / bên nữ) để đối đáp (riêng hát giặm thường chia theo xóm, làng). Tuy nhiên hát đối đáp của người xứ Nghệ có nhiều điểm khác với một số vùng miền khác. Nếu hát Đúm, hát Trống quân của xứ  Bắc chỉ tổ chức vào những dịp lễ hội thì Ví, Giặm của người Nghệ lại được hát trong lao động, hễ nam nữ gặp nhau hoặc cùng làm việc với nhau là họ có thể tổ chức hát. Bởi vậy Ví, Giặm phổ biến hơn, sức lan tỏa trong cộng đồng mạnh mẽ hơn. Cũng không giống hát Đò đưa, hát Giã gạo ở Huế thường đối đáp theo những bài bản có sẵn, người xứ Nghệ tùy người, tùy cảnh, tùy công việc, tùy mối quan hệ thân sơ giữa hai bên mà đặt lời, ứng khẩu ngay trong khi hát. Nhờ vậy mà lời ca của Ví, Giặm vô cùng phong phú đồng thời những người đã tham gia hát có khả năng đặt lời, đối đáp linh hoạt trong mọi tình huống. Họ không bao giờ được chuẩn bị trước là mình sẽ hát gì. Say hát thì cứ đi, muốn thử tài thì cứ đến, nhớ người “đàng gái” thì phải lặn lội mà tìm. Và rồi sau lời hát dạo, người ta bắt đầu bị dẫn vào cuộc đố, đối. Kể cả chị em là người thường nắm quyền chủ động ra đề cũng không thể nào liệu trước được bởi vai hỏi và đáp luôn luân phiên giữa hai bên. Đối ra mà đáp không được thì “mất mặt”. Bởi vậy mà phải đối nhanh. Nhanh chưa đủ mà còn phải hay, phải đối chỉnh, nếu không chị em sẽ hỏi: “Hay, răng chưa cân?”. Vì vậy mà môi trường cuộc hát đã rèn cho những người đi hát một năng lực sáng tác đặc biệt, khả năng ứng xử mau lẹ và chuẩn mực.

2.2. Giá trị của Ví, Giặm nhìn từ phương diện ý nghĩa

     Trước hết, là những giá trị được tạo nên từ ca từ của Ví, Giặm.

Ngôn ngữ là nơi lưu giữ và thể hiện đặc trưng văn hóa của dân tộc. Chính trong ngôn ngữ, người ta lưu lại được những giá trị cuộc sống và thể hiện tài năng nghệ thuật ngôn từ, bản sắc văn hóa của mình. Người xứ Nghệ đã nối tiếp giữ gìn, phát triển và làm đẹp thêm cho Ví, Giặm bằng nguồn ngôn liệu dồi dào của mình, để lại một kho tàng ca từ đồ sộ hàng ngàn lời ca với những thể thơ truyền thống dân tộc như lục bát, vãn tư, ngũ ngôn... góp thêm vào kho tàng văn học dân gian của dân tộc những hạt ngọc quý của cộng đồng xứ Nghệ (được ghi lại trong các tài liệu đã xuất bản: Ví phường vải, Kho tàng ca dao người Nghệ (2 tập), Kho tàng vè xứ Nghệ (9 tập – mỗi tập có độ dày trên 600 trang, khổ 14cm x 20cm) của Ninh Viết Giao, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Tất Thứ, v.v.). Những lời ca được lưu giữ lại đến ngày nay hầu hết đều đạt đến độ hoàn mĩ với các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, hoán dụ..., cách chơi chữ, cách sử dụng phối hợp từ toàn dân và từ địa phương, cách sử dụng các điển tích, điển cố... các hình ảnh biểu trưng trong câu hát. Ngôn ngữ và nghệ thuật ngôn từ của Ví, Giặm đã trở thành một trong những đối tượng được quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà ngôn ngữ học, lí luận văn học, văn hóa học, v.v.

Thứ hai, những giá trị được tạo nên từ cách thức thực hành Ví, Giặm

Cách thức thực hành của Ví, Giặm là một điểm hết sức độc đáo. Ngoài hình thức hát lẻ (hát một mình khi ru con hay cảm tác bộc lộ tâm sự...), hát Ví, Giặm chủ yếu được thực hành trong các cuộc hát đối đáp có thủ tục và quy trình nghiêm ngặt. Đơn giản nhất là hát Giặm cũng có ba chặng (hát chào, hát đố/đối và hát tiễn), chặt chẽ nhất là hát ví phường vải có đến ba chặng và chín bước (chặng một: hát dạo, hát chào, hát mừng và hát hỏi; chặng hai: hát đố, hát đối; chặng ba: hát mời, hát xe kết – còn gọi là hát tự tình, hát tiễn). Điều kì diệu là chẳng cần đợi có luật lệ nào quy định mà tất cả những người đến hát đều tuân thủ một cách nghiêm túc. Tất nhiên, không phải không có lúc có người muốn phá lệ, song chỉ biết than thở:

Ở đây nỏ (không) có cấm thành

Cổng ngoài không khóa mà anh khó vào.

Điều này cho chúng ta thấy rõ nền tảng văn hóa được tạo dựng trong hát Ví rất vững chắc và chuẩn mực. Sự chuẩn mực ấy tạo cho người đến hát sự tôn trọng, tính cộng đồng và phép lịch sự hơn hẳn mọi hoàn cảnh giao tiếp khác. Trong một chuyến điều tra tìm hiểu về hát Ví vào tháng 5 năm 2012, khi trò chuyện với Nghệ nhân hát phường vải Nam Đàn – cụ Trần Văn Tư – chúng tôi đã hỏi cụ về trang phục của những người tham gia hát Ví. Thật bất ngờ, cụ Tư cho biết: “Không giống như các anh chị dựng lại cuộc hát trên sân khấu bây giờ đâu. Thưở đó, chúng tôi trọng các cuộc hát, trọng bạn hát lắm. Những anh con nhà khá giả thì đã đành, còn tụi tui (chúng tôi), dù nghèo, ai nấy cũng gắng sắm cho mình một bộ cánh – cũng áo the khăn xếp đàng hoàng, dành khi đi hát có mà mặc. Nhiều hôm trời mưa hoặc phải bơi qua sông, tụi tui phải để quần áo vào cái hụ (hũ, bình có đậy nắp kín) để không bị ướt. Khi đến gần phường hát mới thay quần áo đàng hoàng rồi vô hát. Còn các o – nhất là các o phường vải – cũng chú ý mặc đẹp. Chỉ tiếc là thời đó nghèo quá, vải vóc không có như bây giờ nên chủ yếu chỉ có nâu sồng” (1). Hóa ra các cụ xưa lịch sự đến thế! Từ chuyện trang phục mà chúng tôi hiểu thêm về văn hóa của người Nghệ xưa. Ứng xử của người Nghệ trong các cuộc hát có thể nói -  thực sự là lịch sự, văn minh.

Thứ ba, hệ giá trị đạo đức được tạo nên từ Ví, Giặm

Khi so sánh nội dung lời ca của Ví, Giặm với lời ca của một số vùng miền khác trong cả nước, chúng ta sẽ thấy người Nghệ rất có ý thức sử dụng Ví, Giặm để giáo dục đạo đức và giáo huấn đạo lí. Xin lấy một ví dụ về ru con của người Nghệ và một vài miền khác trong cả nước. “Nếu người Bắc và người Nam chú trọng đến giai điệu để ru cho trẻ ngủ thì người Nghệ, ngoài mục đích ru trẻ bằng giai điệu còn rất chú ý đến ý nghĩa giáo dục trong lời ca. Chẳng hạn, ba lời ru dưới đây là một ví dụ:

- Lời ru con của người xứ Bắc:

Cái ngủ mày ngủ cho lâu

Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về

Bắt được mười tám, mười chín con trê

Cầm cổ lôi về cho cái ngủ ăn.

(Theo La Thăng: Dân ca đồng bằng Bắc bộ, Nxb Văn hoá 1983).

- Lời ru con của người xứ Nam:

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ

Năm canh chầy thức đủ vừa năm

Hỡi chàng ơi, hỡi người ơi!

Em nhớ tới chàng…

                    (Theo La Thăng: Dân ca Việt Nam (chọn lọc), Nxb Văn hoá 1978)

Trong khi đó, bài hát ru xứ Nghệ sau đây cho thấy ý thức giáo huấn trong đó rất rõ:

Ru con con ngủ à ơi

Mai sau cho lớn nên người khôn ngoan

Làm trai gánh vác giang san

Mẹ cha trông xuống, thế gian trông vào

(Theo Lê Hàm (Chủ biên): Âm nhạc dân gian xứ Nghệ, Nghệ An, 2000)”(2)

Qua câu hát, người xứ Nghệ dặn dò nhau từ cách ứng xử của vợ chồng con cái trong gia đình đến đối đãi láng giềng, bè bạn, đến trách nhiệm với cộng đồng, với non sông đất nước... Trong kho tàng Vè Giặm xứ Nghệ, số lượng những câu có nội dung giáo huấn tương đối lớn, mang ý nghĩa giáo dục cao qua những lời dặn dò bằng câu hát. Chẳng hạn, chồng dặn vợ:

Khi người (3) đang ngon giấc

Đừng tiếng bấc, tiếng chì

Một tiếng “vâng”, tiếng “ì”

Tiếng “vâng” hơn biết mấy

“Dạ” hơn “ì” biết mấy

Khi anh em qua lại

Khi bầu bạn đến nhà

Em múc đọi(4) nước ra

Tiếng chào cao hơn cỗ

Cao tiếng chào, hơn mâm cỗ

Đừng chửi mèo, mắng chó

Đừng xán(5) rá, đá đòn(6)

Ví dầu giận chồng con

Anh xin em khoan nói

Bạn về nhà em nói.

                   (Dạy vợ từ thuở mới đưa vợ về - Hát giặm)

          Mẹ dạy con:

Phụ tử tình thâm

Công thầy rồi nghĩa mẹ

Đừng tiếng tăm chi nặng lời

Đừng cả tiếng dài hơi

Nói mẹ cha sao nên

Cãi mẹ thầy sao phải

                   (Phụ tử tình thâm – Hát giặm)

Anh em, bạn bè dặn dò nhau… đều có thể hát thành lời. Họ hát khi ru con, hát khi cùng làm việc, khi tâm tình, v.v. Đặc biệt hơn nữa, những bài ca giáo huấn đó lại là những bài mà các ông xẩm(7) thường hát. Vì vậy, sức lan tỏa, ý nghĩa giáo dục của bài hát càng sâu đậm với nhiều người, hình thành nên một hệ giá trị đạo đức, một nếp chung cho cộng đồng của xứ Nghệ.

Thứ tư, sự tích hợp đa văn hóa trong hát Ví, Giặm

Lịch sử văn hóa Việt Nam đã trải qua nhiều thời kì với nhiều tín ngưỡng văn hóa khác nhau: tín ngưỡng Phồn thực, Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo, v.v. Điều đặc biệt là khi tìm hiểu Ví, Giặm, chúng ta có thể thấy biểu hiện của những tín ngưỡng này trong nội dung ca từ của Ví, Giặm. Có thể thấy biểu hiện tín ngưỡng Phồn thực trong câu hát nghịch ngược:

- Con rồng kia phải bệnh ngáp dài

Hỏi chàng nho sĩ uống bài thuốc chi?

- Hai củ nhân sâm, một củ hoàng kì (!)

Đem cho nó uống bệnh gì cũng thôi.

                                       (Hát Ví)

Hoặc tư tưởng Nho giáo:

- Quân sư phụ là tam cương giả,

Đi một chuyến đò đắm cả cứu ai?

- Anh liều nhảy xuống sông ba,

Trên đầu đội chúa, lưng cõng cha, tay dắt thầy

                                       (Hát Ví)

v.v.

Và rất nhiều câu hát có nội dung tương tự. Tựa hồ như những tư tưởng đó đã thấm nhuần trong từng suy nghĩ, nếp sống của người xứ Nghệ, đến mức có thể sử dụng, đối đáp ngay trong những tình huống gay cấn nhất. Nếu chú ý hơn, chúng ta sẽ thấy sự hài hòa âm dương trong lời ca, nhạc điệu và cách thức hát Ví, Giặm của người xứ Nghệ: các cuộc hát bao giờ cũng có hai bên: bên nữ (âm), bên nam (dương); các chặng hát, bước hát chú ý đến dương (ba chặng, chín bước – các con số dương) nhưng quyền quyết định sự phát triển các chặng hát lại do phái nữ (âm); lời hát có lúc đùa nghịch, dí dỏm mang tính hát trạng (dương), có lúc lại tha thiết, đằm sâu, chứa chất tâm sự (âm); nhạc điệu có lúc mạnh mẽ, hùng tráng như hát Giặm (dương), có lúc lại sâu lắng, tha thiết của hát Ví (âm)... sự hài hòa âm dương ấy, phải chăng đã nói lên sự cầu mong phát triển hướng tới sự hoàn thiện của người Nghệ. Quả là từ lời ca, đối tượng tham gia ca hát đến cách thức và quy trình đều hài hòa, tích hợp một cách nhuần nhị các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và mang đậm bản sắc văn hóa phương Đông.

2.3. Những giá trị văn hóa của Ví, Giặm trong chiều dài lịch sử

          Với tư cách là một di sản văn hóa của cộng đồng, các giá trị văn hóa của Ví, Giặm  được định hình trong tiến trình lịch sử văn hóa của dân tộc nói chung và xứ Nghệ nói riêng. Tuy nhiên, mọi giá trị của sản phẩm văn hóa không bao giờ là bất biến trong mọi điều kiện xã hội. Bởi vậy, khi hình thái kinh tế – xã hội của đất nước thay đổi, nhiều giá trị văn hóa cũng đổi thay. Có những giá trị trước đây là ưu việt thì nay trở thành lỗi thời, lạc hậu. Và tất yếu, nó sẽ bị đào thải. Có những giá trị có thể trước đây không được coi trọng – thậm chí không được khai thác đến - thì nay, lại là giá trị thịnh hành. Âu đây cũng là một biểu hiện của việc chọn lọc và tiếp biến của văn hóa.

          Nếu trước đây, người Nghệ vừa làm vừa ca hát thì nay, điều đó là không thể trong điều kiện các làng nghề thủ công đã biến mất; hình thức ca xướng thi thố tài năng văn chương cũng không còn. Bởi vậy, những giá trị được tạo nên từ cách thức thực hành di sản này không thể tồn tại. Thay vào đó, Ví, Giặm trở thành một loại hình nghệ thuật sân khấu đáp ứng được nhu cầu thưởng thức âm nhạc của cộng đồng.

Với nền âm nhạc hiện đại, giai điệu của Ví, Giặm đã góp phần tạo nên sự thành công của những ca khúc hiện đại viết trên âm hưởng dân ca xứ Nghệ. Rất nhiều ca khúc đã làm say đắm lòng người, sống mãi với thời gian như: Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Hà Tĩnh mình thương của nhạc sĩ An Thuyên, Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ, Tiếng hát quê hương, Ân tình xứ Nghệ của Hồ Hữu Thới... đều sáng tác trên nền nhạc của Ví, Giặm.

Với nền nghệ thuật sân khấu dân tộc, Ví, Giặm cùng các thể hát dân ca Nghệ Tĩnh đã làm nên một loại hình kịch hát mới mẻ, đầy bản sắc: Kịch hát dân ca xứ Nghệ. Dù chỉ mới hình thành và phát triển chưa đến 50 năm, song kịch hát Nghệ Tĩnh đã dành được nhiều thành tựu đáng kể. Nhiều vở kịch giành được giải cao trên sân khấu kịch chuyên nghiệp như Mai Thúc Loan, Cô gái sông Lam, Lời Người lời của nước non, Một cây làm chẳng nên non, Người thi hành án tử... góp phần khẳng định giá trị của Ví, Giặm trong quá trình đổi mới để thích ứng với đời sống hiện đại.

Với giáo dục cộng đồng, những bài ca giáo huấn của Ví, Giặm luôn là những bài học quý giá cho mọi người, mọi thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ trên bước đường hoàn thiện nhân cách, đạo đức. Đồng thời trong nội dung ca từ, Ví, Giặm để lại một bức tranh đa dạng và phong phú về hình ảnh xứ Nghệ và cuộc sống lao động, sinh hoạt văn hóa của con người nơi đây. Tìm hiểu Ví, Giặm, thế hệ trẻ hôm nay có thể nhìn thấy đầy đủ từ những sự kiện trọng đại của đất nước, của cộng đồng trong từng giai đoạn lịch sử đến từng câu chuyện riêng tư của làng xã, của dòng tộc, họ hàng đến số phận từng con người tiêu biểu của xứ Nghệ. Từ đó mà Ví, Giặm khơi dậy trong mỗi người tình yêu quê hương, đất nước, có ứng xử đẹp hơn trong đời sống thường nhật. Đây là một đặc điểm thể hiện rõ tính phổ quát và ý nghĩa giáo dục của di sản văn hóa Ví, Giặm.

          Có thể thấy những giá trị hôm nay của Ví, Giặm là sự kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống được tạo nên trong suốt chiều dài lịch sử văn hóa của xứ Nghệ. Những gì đã có từ xa xưa và những gì đang tạo dựng hôm nay đều đang góp phần lưu giữ và làm đậm đặc thêm bản sắc của một vùng văn hóa của xứ Nghệ với những giá trị đã định hình trong lịch sử.

  1. Kết luận

Cũng như nhiều di sản văn hóa của dân tộc trong tiến trình hội nhập quốc tế, Ví, Giặm đang được phát triển để thích ứng và phát huy hết giá trị của mình cho một Việt Nam giàu bản sắc văn hóa và hiện đại. Dù ở nơi đâu, vào lúc nào, sau những bộn bề lo toan với nhịp sống hối hả của thời hiện đại, khi chợt tìm về với Ví, Giặm, mỗi người đều sẽ cảm nhận được sự thanh thản với giai điệu sâu lắng của quê hương. Bởi Ví, Giặm qua bao thăng trầm, đã là một phần máu thịt của cha ông, là hồn quê, tình quê trong mỗi người dân xứ nghệ nói riêng và người Việt nói chung. Có lẽ, hơn hết mọi giá trị mà Ví, Giặm có được, chính linh hồn dân tộc trong câu hát của người xứ Nghệ đã đem đến cho Ví, Giặm niềm vinh quang trở thành một trong những di sản của nhân loại.

Chú thích:

[1] Ghi nguyên văn lời kể của cụ Trần Văn Tư  (Nam Đàn – Nghệ An) theo băng ghi âm.

2 Dẫn theo Nguyễn Xuân Đức, Tính bảo thủ trong gia phong xứ Nghệ qua vè gia huấn, in trong cuốn “Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ” (trang 317)

3 Chỉ cha mẹ

4 “đọi”: bát, chén

5 “xán”: ném

6 Ghế ngồi thấp

7 Các ông già mù kiếm sống bằng nghề hát, thường ngồi ở các cửa chợ hoặc nơi tụ tập đông người, họ kéo nhị và hát. Những bài hát của họ được gọi là “giặm xẩm”.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ninh Viết Giao, Hát phường vải, Nxb Nghệ An, 1993.
  2. Ninh Viết Giao, Kho tàng vè xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 1999.
  3. Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Nghệ An, Tuyển tập dân ca xứ Nghệ, NXB Nghệ An, 2012.
  4. Thanh Lưu – Lê Hàm – Vi Phong, Âm nhạc dân gian xứ Nghệ, Nxb Âm nhạc, 1994.

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
28242
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26966
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
24006
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18870
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18651
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
12219
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
12053
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9178
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Tiếng Việt Phổ thông
6139
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Ngôn ngữ - Văn hóa
5633
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5600
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5519
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Anh
4173
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3346
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
3208
Từ cũ và từ Hán Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 05/09/2021 12:05:39
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo