Khái niệm "Thị trường ngôn ngữ" với một số vấn đề về thị trường từ điển tiếng Việt hiện nay
KHÁI NIỆM "THỊ TRƯỜNG NGÔN NGỮ" VỚI MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ THỊ TRƯỜNG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT HIỆN NAY
GS.TS NGUYỄN VĂN KHANG
TÓM TẮT
Bài viết vận dụng khái niệm “thị trường ngôn ngữ" của ngôn ngữ học xã hội để tìm hiểu, phân tích thị trường từ điển tiếng Việt ở Việt Nam hiện nay; chỉ ra những bất cập về nội dung, do chạy theo “cung” mà không chú ý tới chất lượng chuyên môn của từ điển - một dòng sách có đặc thù riêng. Điều này làm ảnh hưởng không tốt đến người sử dụng, phương hại đến sự chuẩn hoá tiếng Việt và nguy cơ kéo lùi việc ứng dụng lí luận ngôn ngữ học, lí luận từ điển học vào biên soạn Từ điển tiếng Việt.
SUMMARY
This contribution employs the term of “linguistic market” of sociolinguistics to explore and analyze the Vietnamese dictionary market in Vietnam today, and points out the discrepancies in the contents due to the pursuit of ensuring “supply” while disregarding the professional quality of dictionaries – a kind of books characterized by their own specific features. This would have adverse effects on users, jeopardize the standardization of the Vietnamese language and pose the threat of pushing back the application of linguistic and lexicographic theory to Vietnamese dictionary compilation.
1. Ra đời ở thời kì hậu cấu trúc tại phương Tây với nền kinh tế thị trường, ngôn ngữ học xã hội đã sớm sử dụng khái niệm “thị trường ngôn ngữ” trong nghiên cứu. Khái niệm này được hình thành trên cơ sở của mối quan tâm mang tính liên ngành trong ngôn ngữ học xã hội, đó là mối quan hệ giữa ngôn ngữ với kinh tế, ngôn ngữ với chính trị, ngôn ngữ với tôn giáo, ngôn ngữ với môi trường sinh thái… Nhất là những thập niên trở lại đây, sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật đã và đang thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế của từng quốc gia nói riêng, làm cho các quốc gia, các dân tộc cũng như các vùng miền trong nội bộ một quốc gia, dân tộc… phải liên kết, hợp tác và trao đổi, “dựa vào nhau” để phát triển. Sự trao đổi đó không thể không có sự tham gia của ngôn ngữ. Hay, nói cách khác, ngôn ngữ là chiếc cầu nối cho mọi quan hệ. Khái niệm “thị trường ngôn ngữ” (language market), cùng với các cách gọi khác như “công nghệ ngôn ngữ” (language industry), “dịch vụ ngôn ngữ” (language service) ngày càng trở nên phổ biến, thông dụng. Nói đến thị trường ngôn ngữ là nói đến:
(i) Mối quan hệ cung cầu giữa một ngôn ngữ nào đó với cộng đồng/người sử dụng ngôn ngữ;
(ii) Thực lực kinh tế của khu vực, quốc gia, dân tộc hoặc vùng miền sử dụng ngôn ngữ nào đó;
(iii) Lợi ích kinh tế có được do nắm được một ngôn ngữ nào đó.
Khái niệm này được ứng dụng trước hết trong việc học tập và sử dụng ngôn ngữ. Chẳng hạn, câu hỏi đặt ra là, tại sao ngôn ngữ này được người ta “đổ xô” đi học hay được “trọng dụng”, trở nên phổ biến, trong khi đó, các ngôn ngữ khác người ta lại không mấy mặn mà, thậm chí hờ hững, quay lưng? Cũng vậy, tại sao ở giai đoạn này, ngôn ngữ này trở thành ngôn ngữ thời thượng của bao người nhưng ở giai đoạn khác cũng chính nó lại bị người ta (có khi chính những người đã từng yêu mến nó) không chú ý, thậm chí lãng quên? Mối quan hệ cung - cầu của thị trường ngôn ngữ sẽ giúp cho việc trả lời các câu hỏi này. Tiếng Nga là một ví dụ. Tiếng Nga với Liên Xô hùng mạnh một thời - ở những năm trước 90 của thế kỉ XX (tức là trước khi Liên Xô tan rã) đã trở thành một trong số ít ngôn ngữ có vị thế và uy tín hàng đầu trên thế giới, nhất là ở các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa như ở Việt Nam. Những biến động chính trị - xã hội của thế giới với sự sụp đổ của Liên Xô đã kéo theo thảm hoạ cho tiếng Nga mà chính các nhà Nga ngữ học Xô viết đã ví rằng, đó làm thảm hoạ ngôn ngữ mà cộng cả ba thảm hoạ đã xảy ra ở Liên Xô cũng không sánh bằng (vụ nổ nhà máy điện Chernobyl, 1986 + vụ cháy Tháp truyền hình Ostankino, 2000 + vụ chìm tàu ngầm nguyên tử Kursk, 2000). Trong khi đó, bắt đầu từ cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI, với sự toàn cầu hoá (globalization), thế giới được gọi ẩn dụ là “ngôi làng toàn cầu” (global village) thì tiếng Anh được coi như ngôn ngữ toàn cầu (English as a global language). Theo đó, người ta năng nổ học và sử dụng tiếng Anh; các cơ quan, tổ chức coi việc biết, sử dụng được tiếng Anh là một tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ viên chức. Cũng vì tính toàn cầu của tiếng Anh mà mặt trái của nó là nguy cơ ảnh hưởng dẫn đến sự xâm nhập của các yếu tố tiếng Anh đối với mọi ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ quốc gia/ chính thức của các nước trên thế giới. Nếu coi sự lan tràn và ảnh hưởng của tiếng Pháp khắp các quốc gia châu Âu vào thế kỉ thứ XVI là cơn đại hồng thuỷ thứ nhất của thế giới về ngôn ngữ, thì cơn đại hồng thuỷ thứ hai về ngôn ngữ chính là tiếng Anh ở thế kỉ XXI này. Dù người ta có cố gắng “đắp đập be bờ” với các cách nói mạnh như “ô nhiễm ngôn ngữ” cùng khẩu hiệu “ bảo vệ sự trong sáng của ngôn ngữ” thì tiếng Anh vẫn được sử dụng rộng rãi, các yếu tố tiếng Anh vẫn tràn vào khắp mọi ngôn ngữ. Tiếng Việt cũng nằm trong vòng xoáy đó: Các cách diễn đạt theo kiểu văn phạm Anh, từ ngữ tiếng Anh đang tràn vào tiếng Việt; Người Việt Nam giờ đây cả trong giao tiếp hành chính cũng nói “ô kê” (OK) thay cho “được/tốt/đồng ý,…”; những cụ bà chốn thôn quê hay tận vùng sơn cước cũng thích sử dụng “bai bai (bye bye)cháu nhé” mõi khi con cháu về thăm nhà, thay cho “tạm biệt cháu” / “cháu đi nhé”.
Khái niệm thị trường ngôn ngữ không chỉ áp dụng trong việc dạy - học ngoại ngữ mà ngay cả trong cách nhìn nhận và sử dụng bản ngữ. Điều này liên quan đến thái độ ngôn ngữ (language attitude) - một khái niệm thường dùng trong ngôn ngữ học xã hội. Không thể giải thích khác hơn ngoài lí do mưu sinh mà rộng hơn là quan hệ cung - cầu khi mà ngày càng có nhiều người trẻ tuổi vùng dân tộc thiểu số từ bỏ tiếng mẹ đẻ của mình để học và sử dụng ngôn ngữ quốc gia (tiếng Việt) và ngoại ngữ (tiếng Anh). Ngay đối với tiếng Việt, khái niệm “tiếng Việt toàn dân” theo quan niệm truyền thống cũng đang bị lung lay bởi tác động này. Chẳng hạn, các từ ngữ xưa nay quen gọi là phương ngữ Nam Bộ những năm nay trở lại đây tràn vào tiếng Việt toàn dân và được người Việt khắp mọi miền sử dụng một cách tự nhiên. Ví dụ: kẹt xe (thay cho tắc đường, tắc xe); rảnh thì đến chơi (thay cho rỗi); uống li trái cây (thay cho cốc nước hoa quả), giá mắc (thay cho đắt); tiêu chảy (thay cho ỉa chảy); cùng hàng loạt các từ ngữ khác như bao tiêu sản phẩm, bóng đá nhí, quần áo dơ, trễ giờ, đeo bông tai,…? Không thể có cách giải thích khác ngoài sự tác động của nhân tố xã hội trong đó nổi lên hàng đầu là nhân tố về sự phát triển, tính năng động của nền kinh tế TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.
2. Từ điển là công cụ tra cứu hữu hiệu cho người sử dụng ngôn ngữ. Vì thế, người sử dụng cần từ điển thì từ điển sẽ được biên soạn và ấn hành. Đó chính là mối quan hệ cung cầu của thị trường từ điển. Từ điển tiếng Việt cũng nằm trong quy luật đó. Nếu ngược về những năm trước 90 của thế kỉ XX, số lượng từ điển tiếng Việt được đếm trên đầu ngón tay. Ở ngoài Bắc vào những năm 70 trở về trước, chỉ có một hai cuốn từ điển tiếng Việt được lưu hành rộng rãi như cuốn Từ điển tiếng Việt phổ thông của Văn Tân (1967), Từ điển học sinh do Nguyễn Lương Ngọc và Lê Khả Kế chủ biên (1971). Sau khi đất nước thống nhất (1975), thị trường từ điển ở Việt Nam xuất hiện thêm một vài cuốn từ điển tiếng Việt khác như Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931), Tự điển Việt Nam phổ thông của Đào Văn Tập (1951), Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức (1970), v.v.
Phải chờ đến năm 1988, sự xuất hiện của cuốn Từ điển tiếng Việt – công trình nhà nước do Viện Ngôn ngữ học chủ trì với sự tham gia của 17 tác giả (Hoàng Phê chủ biên) đã làm thay đổi một cách cơ bản cả về lượng và chất của từ điển tiếng Việt. Từ đó đến nay, số lượng từ điển tiếng Việt cũng tăng dần và tăng vọt vào thời gian mấy năm trở lại đây. Sử dụng khái niệm “thị trường ngôn ngữ” để nhìn nhận vấn đề từ điển tiếng Việt hiện nay, có thể thấy nổi lên một số điểm đáng chú ý như sau:
(i) Về số lượng từ điển tiếng Việt
Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi tại một số cửa hàng bán sách (nhà sách, hiệu sách), hiện thị trường từ điển tiếng Việt có khoảng 35 loại khác nhau (không kể các cuốn về từ điển tiếng Việt lịch sử hoặc chuyên về một mảng nào đó của tiếng Việt hoặc từ điển song ngữ Việt với ngôn ngữ khác). Những cuốn từ điển này thuộc các tác giả khác nhau, còn tên gọi thì cơ bản là giống nhau (chỉ khác ở phần cụ thể nhằm làm rõ đối tượng): Từ điển tiếng Việt, Từ điển tiếng Việt phổ thông; Từ điển tiếng Việt bỏ túi; Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh; Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh phổ thông; Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học... Trong khi từ điển tiếng Việt in khổ to, dày chỉ có vài cuốn (khoảng 5-6 cuốn) thì từ điển tiếng Việt in khổ nhỏ (kiểu từ điển bỏ túi) chiếm số lượng chủ yếu. Sự tăng nhanh này gắn với nhu cầu của người sử dụng từ điển (bao gồm người Việt và người nước ngoài, trong đó người Việt là chủ yếu). Sự nở rộ về số lượng và cách thức (các khổ to nhỏ) thể hiện một phần của thị trường ngôn ngữ ở tính cung - cầu.
Tuy nhiên, do nhiều loại như vậy nên lại đặt người sử dụng vào thế phải lựa chọn. Người sử dụng dựa vào đâu để lựa chọn: Tên tuổi của tác giả? Tên nhà xuất bản? Hình thức cuốn từ điển?,... Chúng tôi đã tiến hành một điều tra nhỏ với người mua thì thấy, người mua thường có hai cách chọn: Một là, hỏi qua người khác, nhất là những người nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt; Hai là, chọn bất kì theo kiểu gặp là mua, tiện là mua, bởi họ vẫn có niềm tin vào từ điển như niềm tin vào báo đài (đài nói thế, tivi nói thế, báo viết thế và đương nhiên là từ điển giải thích như thế, tức là đúng, là chính xác). Người mua không có thời gian và cũng không đủ khả năng để “chọn” chất lượng của từ điển. Cho nên, có thể nói, sự nở rộ của từ điển tiếng Việt hiện nay trên thị trường cùng với tín hiệu vui, thể hiện vị thế của tiếng Việt cũng như sự quan tâm, nhu cầu và niềm tin của người sử dụng vào từ điển tiếng Việt, nhưng cũng có thể đặt người sử dụng vào cái thế khó về lựa chọn và, rất có thể, người sử dụng sẽ gặp phải “hoạ” nếu như chất lượng của một cuốn từ điển tiếng Việt bất kì “có vấn đề”. Đó đang là một thực tế.
(ii) Về tên tác giả và tên cơ quan chủ quản của các cuốn từ điển tiếng Việt
Về tên tác giả. Nếu như trước đây, tác giả biên soạn từ điển chỉ đếm trên đầu ngón tay (và người ta quen thuộc với một vài tên tuổi đó) thì ngày nay số lượng từ điển tăng lên với nhiều soạn giả mới (gồm cả chính danh và bút danh). Ở mặt nào đó, đây cũng là tín hiệu đáng mừng về lực lượng tham gia của lĩnh vực từ điển tiếng Việt, nhưng mặt khác, cũng đặt ra những vấn đề liên quan đến chất lượng từ điển. Bởi, từ điển học - tự thân tên gọi này cũng thể hiện đây là một trong những khoa học chuyên sâu của ngôn ngữ học (Theo cách phân loại của ngành ngôn ngữ học trên thế giới, ngôn ngữ học gồm ba chuyên ngành lớn là ngôn ngữ học lí thuyết, ngôn ngữ học ứng dụng và ngôn ngữ học liên ngành. Từ điển học được xếp vào chuyên ngành ngôn ngữ học ứng dụng). Nói cụ thể hơn, biên soạn từ điển nói chung, từ điển tiếng Việt nói riêng ắt phải có “lí thuyết dẫn đường” và theo đó là những quy trình biên soạn nghiêm nhặt. Vì thế, ngay cả ai đó có sự quý mến, thậm chí say mê một cách chân chính đối với việc biên soạn từ điển tiếng Việt mà chỉ thuần dựa vào kinh nghiệm chủ nghĩa cộng với sự trợ giúp của công nghệ thông tin thì cũng khó có thể biên soạn được một cuốn từ điển tiếng Việt có chất lượng.
Về tên cơ quan chủ quản. Sách ở Việt Nam nói chung và từ điển tiếng Việt nói riêng, tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, có thể ghi có thể không ghi; nếu ghi thì thường được ghi ở bìa sách, phía trên tác giả. Trong số hơn 30 cuốn từ điển tiếng Việt hiện có, chỉ có một số ít ghi cơ quan chủ quản. Trong số những cuốn ghi cơ quan chủ quản thì chỉ một hai cuốn có thể tìm thấy địa chỉ cơ quan chủ quản đích thực, còn lại là những cái tên khó nhận biết như: Khoa học - Xã hội - Nhân văn; Ngôn ngữ học Việt Nam; Ngôn ngữ Việt Nam; VIETVANBOOK, Viện ngôn ngữ (không phải “Viện Ngôn ngữ học”). Trong đó, đáng chú ý là có một cuốn ghi Khoa học - Xã hội - Nhân văn và dưới là Viện Ngôn ngữ học. Chúng tôi đã tìm hiểu và được biết, hiện nay ở Việt Nam chỉ có một Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam… Những cách ghi kiểu này, thiết nghĩ, cũng làm phần nào làm giảm lòng tin, nếu không muốn nói là nghi ngờ về chất lượng của cuốn từ điển. Bởi, đã gọi là “cơ quan chủ quản” thì phải chính xác và cần gì phải “ẩn danh”, tạo sự mơ hồ như vậy. Cho nên, sự lo lắng, hoài nghi này là có cơ sở.
(iii) Về cấu trúc vĩ mô của các cuốn từ điển tiếng Việt
Có thể thấy, mục từ (hay cách gọi cũ từ điều) là xương sống của một cuốn từ điển. Lựa chọn mục từ có liên quan đến “cỡ to nhỏ” của từ điển xét về mặt số lượng cũng như đối tượng phục vụ. Trong số gần 30 cuốn từ điển tiếng Việt cỡ nhỏ, có tới hàng chục cuốn ghi rõ “dành cho học sinh”, “40.000 từ dành cho học sinh tiểu học”, “khoảng 150.000 từ dành cho học sinh tiểu học”, 75.000 từ, 65.000 từ,... Tuy nhiên, có một câu hỏi đặt ra mà bấy lâu nay chưa được làm rõ, đó là: tiêu chí để biên soạn một cuốn từ điển cỡ nhỏ nói chung, dành cho học sinh phổ thông nhất là cho học sinh tiểu học nói riêng là như thế nào, bao gồm việc lựa chọn từ ngữ cho bảng từ, cách định nghĩa, cách chú từ loại, cách đưa ví dụ,… (Liệu có khác gì các cuốn từ điển tiếng Việt không thuộc dành cho học sinh)? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã tiến hành khảo sát cụ thể chỉ riêng về mục từ và nhận thấy:
- Mục từ giữa các cuốn từ điển tiếng Việt dành cho học sinh rất khác nhau. Điều này cho thấy, khi biên soạn từ điển tiếng Việt cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học đã chưa có điều tra, “đo” vốn từ vựng tiếng Việt thực tế của học sinh mà, ngược lại, chủ yếu dựa vào thói quen ngôn ngữ của chính người biên soạn;
- Có cuốn thì không thu thập một thành ngữ tiếng Việt nào. Trong khi đó, cũng chính cuốn này lại thu thập nhiều tổ hợp từ. Ví dụ: tổ hợp ăn + X (ăn bám, ăn báo, ăn báo cô,…) thu thập tới 70 mục từ. Điều này đặt ra suy nghĩ, chẳng lẽ vốn từ tiếng Việt của học sinh tiểu học không có thành ngữ và làm sao mà học sinh tiểu học có thể đã biết sử dụng tới 70 mục từ của tổ hợp ăn + X (như ăn báo cô, ăn hoa hồng, ăn đút, ăn nằm, ăn sương,…);
- Có cuốn chỉ thu thập toàn từ đơn tiết, còn các tổ hợp đều đưa vào trong giải thích nghĩa của từ đơn. Ví dụ, từ ăn được giải thích là:
- gồm 11 nghĩa (riêng nghĩa 11 được giải thích là “từ kết hợp với một số từ đơn sau nó” và kèm theo đó là 9 nghĩa “nhỏ”);
- không thấy có (?).
III. “Từ ghép trước vào một động từ….”
- Có cuốn thu thập cả các từ ngữ mà ngay từ điển tiếng Việt cỡ lớn cũng không có mục từ này. Đó là những từ ngữ gọi là Hán Việt như: chủ tỉnh (người đứng đầu coi việc cai trị một tỉnh), hoa liễu (nhà thổ), hậu trọng, hậu thổ, hậu thê (vợ sau), hồng chủng (chủng tộc da đỏ), hồng danh (danh tiếng lớn), hồng đồ (mưu đồ lớn lao), hồng hỉ (sự vui mừng lớn), nhuệ độ (độ sắc bén), nhuệ giác (góc nhọn), thụ tử (chịu chết), bưu hoa, nhuệ thị, phì địa, thiên tượng, thụ tử,… Chúng tôi có tiến hành đối chiếu với Hán Việt tự điển giản yếu của Đào Duy Anh (1931) - một cuốn từ điển chuyên sâu về từ ngữ Hán Việt - cũng không thấy có những từ ngữ này;
- Những từ ngữ địa phương, khẩu ngữ được thu thập một cách tuỳ tiện mà chưa có sự cân nhắc để tạo sự phân bố “cân đối” giữa từ ngữ tiếng Việt toàn dân với từ ngữ tiếng Việt phương ngữ. Ví dụ: phê điểm (chấm bài và cho điểm), kiềm hãm (kìm hãm), tợ (tựa), xeo (bắn lên, mạnh lên), lãy (nảy lên và bật lại), hụp (ngụp đầu xuống), đồng bịnh (không có mục đồng bệnh; trong khi đó mục từ bịnh lại ghi là: bệnh (bịnh)),…
(iv) Về cấu trúc vĩ mô của các cuốn từ điển tiếng Việt
Cấu trúc vĩ mô của các cuốn từ điển tiếng Việt liên quan đến chất lượng về nội dung giải thích từ ngữ trong từ điển và tất nhiên có liên quan đến “cỡ to nhỏ của từ điển cùng đối tượng sử dụng”, đó là: lời giải thích nghĩa của từ và sự gắn kết giữa lời giải thích nghĩa của từ với việc chú từ loại, chú sắc thái và ví dụ minh hoạ.
Trước hết, để biên soạn một cuốn từ điển, người biên soạn phải “thiết kế” được các mô hình định nghĩa cho các kiểu loại từ khác nhau. Trên cơ sở đó mới có thể đưa ra những lời giải thích thống nhất như: mô hình lời giải thích nghĩa của các từ phân chia theo từ loại như danh từ, động từ, tính từ, đại từ,…; mô hình lời giải thích nghĩa của từ ngữ phân chia theo cấu tạo như từ ghép, từ láy,…
Thứ hai, ví dụ đóng vai trò quan trọng để làm rõ, minh chứng cho lời giải thích (trong một số trường hợp đặc biệt, ví dụ nó có thể thay cho lời giải thích). Vì thế, việc lựa chọn ví dụ cho từng từ ngữ, cho nghĩa của từng từ ngữ phải vừa chính xác vừa dễ hiểu và có tác dụng tường minh hoá lời giải thích.
Thứ ba, việc chú sắc thái (như địa phương, cũ, cổ, văn chương,...) giúp cho việc nhận diện từ ngữ trong sử dụng.
Đấy là những yêu cầu tối thiểu về mặt nội dung giải thích nghĩa của từ đối với bất kì một cuốn từ điển giải thích nào. Tiếc rằng, có thể vì các lí do nào đó mà rất nhiều các cuốn từ điển tiếng Việt đang có trên thị trường, nhất là những cuốn từ điển dành cho học sinh chưa đáp ứng được một số yêu cầu tối thiểu như vừa nêu. Chẳng hạn:
- Lời giải thích hoặc quá đơn giản hoặc luẩn quẩn hoặc quá chi tiết, trong đó sử dụng cả cách nói mang tính khẩu ngữ. Ví dụ (những gạch chân là của chúng tôi để lưu ý, nhấn mạnh, NV Khang):
Ăn đt. Hành động ăn uống, thoả mãn sự đói dạ, gồm có đút đồ ăn vào miệng mà nhai rồi nuốt.
Ăn đt. Cắn, nhai và nuốt.
Thu Thu hoạch . d. Thu hút , thu mua, thu nhập.
- Lời giải thích không tạo sự thống nhất đối với từ loại, tức là sự thiếu nhất quán trong lời giải thích cho những từ ngữ cùng một từ loại. Ví dụ, về lời giải thích cho các mục từ á hậu, hoa hậu, hoa khôi trong một cuốn Từ điển tiếng Việt:
Á hậu Người chiếm giải nhì sau hoa hậu.
Hoa hậu Danh hiệu dành cho người con gái chiếm giải nhất trong một cuộc thi người đẹp có quy mô lớn [một nước, một khu vực hay toàn thế giới].
Hoa khôi 1. Ví người con gái chiếm giái nhất trong một cuộc thi sắc đẹp có quy mô nhỏ. 2. Ví người phụ nữ được coi là đẹp nhất trong một vùng, một lĩnh vực.
Cũng ba từ này, trong một cuốn Từ điển tiếng Việt khác đã giải thích như sau:
Á hậu Người chiếm giải nhì trong một cuộc thi hoa hậu.
Hoa hậu Người phụ nữ chiếm giải nhất trong một cuộc cuộc thi sắc đẹp; hoa khôi.
Hoa khôi Hoa đẹp nhất trong các thứ hoa; thường dùng để chỉ người phụ nữ được đựơc coi là đẹp nhất.
- Một số từ ngữ có lời giải thích thiếu tính cập nhật do không chú trọng tới sự phát triển của nghĩa từ hoặc do quá chú trọng tới việc cắt nghĩa từ nguyên. Ví dụ:
Nhà nghỉ Nhà có đầy đủ tiện nghi để nghỉ ngơi, thường được xây dựng để cho thuê, ở những nơi có phong cảnh đẹp hay những ở khu du lịch.
Chỉ với nghĩa này thì từ điển không giúp cho việc giải thích các nhà nghỉ đang mọc lên như nấm ở khắp mọi nơi hiện nay.
Chủ từ Tiếng đứng chủ động trong một câu.
Vấn nạn Hỏi khó, hỏi hóc.
Đây là nghĩa từ nguyên của từ này mà không phải nghĩa sử dụng trong tiếng Việt hiện nay.
Trong đó có cả những từ giải thích ngược, tức là lấy từ ít dùng, khó hiểu để làm lời giải thích cho mục từ, làm cho nghĩa của từ càng khó hiểu hơn. Ví dụ:
“Người yêu” được giải thích là “tình nhân”.
“Ăn” được chú là “ht. thực, thực đơn; xan xan thất: phòng ăn” (?).
“Thu mua” được giải thích là “Nói mậu dịch mua những sản phẩm của nông dân” .
Đáng tiếc, đây lại là những mục từ trong các cuốn từ điển tiếng Việt dành cho học sinh.
- Không có sự cân nhắc, lựa chọn về ví dụ, nên các ví dụ dẫn ra vừa lộn xộn vừa gây hiểu lầm và có cả cách dùng từ thiếu văn hoá, cách nói khẩu ngữ, nôm na. Ví dụ:
Ví dụ ở mục từ “ăn”:
Nghĩa 1: ăn bánh, ăn mì, ăn cơm, ăn cỏ, ăn thịt, ăn hoa quả, ăn sâu bọ.
Người sử dụng có cảm giác “rờn rợn” khi đọc một mạch các ví dụ này vì từ điển đã xếp ăn bánh mì, ăn cơm là của người với ăn cỏ của động vật và ăn côn trùng của sâu bọ làm một.
Nghĩa 3. “Canh bạc ấy hắn ăn hay thua”.
Ví dụ này có trong cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học, thiết nghĩ, nó không phù hợp.
Nghĩa 3 tiếp theo dạo nầy gạo hút vì có tàu ăn nhiều; ăn huê lợi; bỏ học về nhà ăn đòn.
Cách sử dụng các từ nầy , hút , huê thuộc tiếng Việt phương ngữ, không phù hợp với một cuốn từ điển tiếng Việt phổ thông. Ví dụ “bỏ học về nhà ăn đòn” một phần là cách nói khẩu ngữ (vì bỏ học nên về nhà bị ăn đòn) một phần thể hiện cách giáo dục con cái.
- Việc xử lí đồng âm và đa nghĩa cũng là một vấn đề đáng chú ý giữa các cuốn từ điển tiếng Việt. Trong khi một số cuốn đã chú ý tới vấn đề này thì một số cuốn lại làm cho người sử dụng không biết đâu là đồng âm, đâu là đa nghĩa. Ví dụ, một cuốn từ điển (khổ nhỏ) đã xử lí sau:
ba 1. Cha, bố. 2. Số tiếp theo số hai trong dãy số tự nhiên. 3. (Bar) quán rượu.
ăn 1. Đưa thức ăn vào miệng và nhai, nuốt. 2. Nhận được gì đó. 3. Tiếp nhận. 4. Giành được (…).
Với cách xử lí như thế này thì người sử dụng không thể phân biệt được đồng âm và nhiều nghĩa (nghĩa) và đối với học sinh phổ thông thì thực sự là với các bài học trong sách giáo khoa về hiện tượng đồng âm và đa nghĩa trong tiếng Việt.
(v) Về chính tả trong các cuốn từ điển tiếng Việt
Như đã biết, cho đến nay vẫn chưa có các quy định mang tính thống nhất cả nước cho vấn đề chính tả tiếng Việt mà chỉ có quy định chính tả của từng ngành. Ví dụ: “Một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa và cải cách giáo dục (11-1980) dựa “trên cơ sở những ý kiến thảo luận qua các hội nghị về chính tả, thuật ngữ trong những năm 1978 và 1979 và sự chuẩn bị của Viện Ngôn ngữ học thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam và Trung tâm biên soạn Sách cải cách giáo dục thuộc Bộ Giáo dục”; “Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt (5-3-1984) “căn cứ Quyết định ngày 1-7-1983 của Hội đồng chuẩn hoá chính tả và Hội đồng chuẩn hoá thuật ngữ”; “Quy định tạm thời về viết hoa trong văn bản của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ ngày 22-11-1998”; “Quy tắc chính tả tiếng Việt và phiên chuyển tiếng nước ngoài của Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam”. Vì thế, việc không thống nhất trong các viết chính tả giữa các cuốn từ điển cũng là điều dễ hiểu (chủ yếu tập trung vào cách viết i/y; các từ mượn Âu - Mĩ; các biến thể chính tả cho các từ ngữ địa phương). Điều đáng nói ở đây là:
- Vì chưa có sự thống nhất chung nên việc chọn cách viết nào cũng như biến thể nào là “quyền” của người biên soạn, nhưng cần tạo sự nhất quán ngay trong một cuốn từ điển. Một số cuốn từ điển tiếng Việt hiện nay chưa làm được điều này;
- Đành rằng, sự sai sót về chính tả trong một cuốn từ điển tiếng Việt là khó tránh khỏi, nhưng cần hạn chế ở mức tối đa, nhất là cần tránh cách viết chính tả chịu ảnh hưởng của cách phát âm địa phương. Ví dụ: trong mục từ “dính” có ví dụ “hồ dáng không dính”.
3. Khi đặt vấn đề ai là người làm kế hoạch hoá ngôn ngữ nói chung và chuẩn hoá nói ngôn ngữ nói riêng, ngôn ngữ học xã hội cho rằng, tất cả mọi cá nhân, mọi tổ chức đều có thể thực hiện công việc này ở mọi lúc, mọi nơi, ngay cả khi “trà dư tử hậu”. Nhưng, thực tế nhất, hữu hiệu nhất và có thể thể định hướng sử dụng ngôn ngữ cho toàn xã hội lại chính từ điển. Vì thế, từ điển tiếng Việt đóng vai trò tiên phong trong việc chuẩn hoá tiếng Việt. Nói cách khác muốn thực hiện vấn đề chuẩn hoá tiếng Việt một cách phổ biến thì phải dựa vào từ điển tiếng Việt. Tuy nhiên, những gì chúng tôi phân tích ở trên về từ điển tiếng Việt hiện nay là điều đáng lo ngại. Bài viết này không nhằm “bới lông tìm vết” về từ điển tiếng Việt, bởi như đã biết, công việc biên soạn từ điển là công việc “khổ sai” - nếu kẻ nào phạm tội bị làm khổ sai thì thay vào đó là bắt cả đời làm từ điển! (Zgusta L.). Công việc từ điển thật nặng nhọc, từ việc chuẩn bị tư liệu đến xây dựng mô hình biên soạn rồi biên soạn và các các công việc “bếp núc” từ khi bắt đầu đế khi kết thúc đưa in. Không chỉ đơn thuần là lao động nặng nhọc như vậy, một cuốn từ điển xuất hiện cũng là thể hiện một đường hướng lí thuyết về nghĩa từ, về lí luận từ vựng học,… Với việc xuất hiện không ít cuốn từ điển tiếng Việt biên soạn theo kinh nghiệm chủ nghĩa và công nghệ tin học như hiện nay,… chỉ thuần tuý chạy theo “cung” không chỉ làm ảnh hưởng không tốt đến người sử dụng mà còn phương hại đến sự chuẩn hoá tiếng Việt, có nguy cơ kéo lùi việc ứng dụng lí luận ngôn ngữ học, lí luận từ điển học vào việc biên soạn Từ điển tiếng Việt.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
VÀ THAM KHẢO CHÍNH
[1] Nguyễn Văn Khang, Kế hoạch hoá ngôn ngữ - Ngôn ngữ học xã hội vĩ mô, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003.
[2] Nguyễn Văn Khang, Một số vấn đề về Từ điển tiếng Việt với Việt ngữ học, tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, s. 7, 2007.
[3] Nguyễn Văn Khang, Những vấn đề chuẩn hoá ngôn ngữ và chuẩn hoá tiếng Việt, tạp chí Ngôn ngữ, s. 12, 2008 + 1, 2009.
[4] Nguyễn Văn Khang, Sự tác động của xã hội đối với ngôn ngữ và những vấn đề đặt ra đối với chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Ngôn ngữ, s. 8, 2010.
[5] Viện Ngôn ngữ học, Một số vấn đề từ điển học, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997.
[6] Zgusta. Z., Manual of Lexicography, The Hague - Prague, 1971.
Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 05, năm 2012