Không gian và môi trường diễn xướng của dân ca hò, ví, giặm xứ Nghệ

Ngôn ngữ - Văn hóa
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 2307 22/07/2021 19:11:23

KHÔNG GIAN VÀ MÔI TRƯỜNG DIỄN XƯỚNG CỦA

 DÂN CA HÒ, VÍ, GIẶM XỨ NGHỆ

Trần Thị Lam Thủy

 

1. Về khái niệm không gian và môi trường diễn xướng

Thiết tưởng sẽ là thừa khi dùng đồng hành hai khái niệm không gian và môi trường trong một bài viết, bởi lẽ, bản thân khái niệm môi trường đã bao hàm trong nó cả thời gian và không gian rồi. Ấy vậy mà ở đây, chúng tôi vẫn phải đồng thời sử dụng cả hai khái niệm cùng một lúc, không những vậy còn phải đặt không gian lên vị trí đầu tiên. Điều này có lí do riêng, bởi không gian của hò, ví, giặm xứ Nghệ không đơn thuần chỉ là một thành tố của môi trường. Không gian ở đây là không gian văn hóa, không gian thấm đẫm chất men của thơ và nhạc. Bao thế hệ người Nghệ sinh ra trong không gian ấy, sống trong không gian ấy và chết đi trong không gian ấy. Thời gian thì vẫn cứ trôi, hết thế hệ này đến thế hệ khác, kế tiếp, sinh thành, tồn tại và phát triển. Riêng non nước, đất trời xứ Nghệ vẫn đầy đặn với sông Lam núi Hồng, với Ngàn Phố, Ngàn Sâu, với Hoàng Trù, Trường Lưu... và những câu ví, giặm đắm say bao lớp người.

            Vậy phải hiểu thế nào là không gian văn hóa và môi trường diễn xướng?

            Không gian (cùng với thời gian) là khái niệm vật lí chỉ khoảng không được thể hiện trong chiều sâu của thế giới tự nhiên. Nhưng khi nói tới văn hóa là nói tới những hoạt động của con người, do con người tạo ra, liên quan đến con người. Bởi vậy mà có không gian rộng – không gian hẹp, không gian tự nhiên – không gian xã hội. Không gian tự nhiên là bất định, vô thủy, vô chung, nhưng khi lấy con người làm chủ thể, làm tâm điểm, không gian được phản chiếu qua sự tri nhận của con người, lúc này không gian có kích thước, có đặc tính nhất định. Đó chính là không gian văn hóa mà chúng tôi đề cập trong bài viết này.

            Môi trường có thể hiểu là nơi xảy ra một hiện tượng hoặc diễn ra một quá trình, trong quan hệ với hiện tượng, quá trình ấy hoặc toàn bộ nói chung những điều kiện tự nhiên, xã hội, trong đó con người hay một sinh vật tồn tại, phát triển, trong quan hệ với con người, sinh vật ấy. Hiểu như vậy thì môi trường diễn xướng của dân ca hò, ví, giặm xứ nghệ chính là nơi (không gian cụ thể: sông, đồng, ao, nhà...), các điều kiện hình thức (thuyền, ghe, chài lưới, khung cửi...) cùng với thời gian (sáng, trưa, chiều, đêm, khuya...) diễn ra quá trình sinh hoạt dân ca.

            Chính từ cơ sở lí thuyết này mà chúng tôi song song sử dụng hai khái niệm: không gian và môi trường diễn xướng khi tìm hiểu về dân ca hò, ví, giặm xứ Nghệ.

2. Không gian văn hóa trong hò, ví, giặm xứ Nghệ

            Nghệ thuật là sản phẩm của con người. Dù là loại hình nghệ thuật gì cũng đều mang hơi thở và cảm quan tri nhận của con người, phản ánh tâm tư, tình cảm của con người. Với văn hóa dân gian, đặc biệt là dân ca - sản phẩm nghệ thuật của quần chúng, sự phản ánh thế giới tri nhận và cảm xúc của cộng đồng lại càng đậm đặc.

            Không gian trong nghệ thuật, nhất là trong văn học dân gian là không gian nguyên sơ, không gian gắn liền với không gian cụ thể (môi trường diễn xướng). Khi tìm hiểu về không gian trong dân ca hò, ví, giặm, chúng tôi nhận thấy một điểm độc đáo: hò, ví, giặm tồn tại hai lớp không gian: không gian trong ca từ (lời) dân ca và không gian ngoài ca từ dân ca. Không gian trong dân ca là không gian qua thế giới từ ngữ, qua tri nhận của con người; không gian ngoài dân ca là không gian tiền đề, không gian cơ sở phát sinh và phát triển dân ca - không gian trong môi trường diễn xướng. Điểm độc đáo hơn ở đây là hai không gian ấy gần như trùng khít trong hò, ví, giặm.

2.1. Không gian ngoài lời

            Không gian tự nhiên của hò, ví giặm xứ Nghệ bao gồm vùng địa lí của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, thủa xưa đây là vùng đất đầu sóng ngọn gió của Đại Việt. Một vùng đất mà mưa thì mưa thối đất, nắng thì nắng cháy trời. Đã đất cằn sỏi đá lại còn gió Lào mùa hạ, gió Bắc mùa đông... người dân nơi đây quanh năm phải chống chọi với thiên tai, địch họa. Như để bù lại cho vùng đất nghèo khó này, tạo hóa dành cho cái phần đủ đầy của vạn vật. Chỉ là một khoảng nhỏ – cái thắt lưng của đất nước - mà xứ Nghệ có đủ cả núi rừng, trung du, đồng bằng và biển cả, có sơn thủy hữu tình, có non xanh nước biếc như tranh họa đồ. Có phải bởi không gian đẹp đẽ mà tâm hồn con người nơi đây cũng nên thơ. Bởi vậy mà dù khó nghèo lam lũ, người xứ nghệ vẫn để lại một kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ trong đó có các làn điệu dân ca.

            Không gian ngoài lời của dân ca hò, ví, giặm không đơn thuần chỉ có tự nhiên. Đó cũng là không gian của văn hóa – vừa có tự nhiên (sông suối, núi non, ruộng đồng, biển cả), vừa có những yếu tố liên quan trực tiếp tác động đến quá trình sáng tác và thưởng thức dân ca:

            - Con người – chủ thể trữ tình – sáng tạo và thưởng thức;

            - Phương tiện lao động (hò, ví, giặm gắn liền với lao động, bởi vậy những dụng cụ lao động có khi cũng là đối tượng trực tiếp tác động đến cảm xúc của con người, từ đó sản sinh lời ca. Ví dụ: Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa...);

            - Không gian lao động: Không gian lao động là một thành tố trong không gian tự nhiên, song không gian ấy đã có sự tác động của con người, có thể đó là thành quả của lao động (bãi mía, nương dâu), có thể đó là đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của lao động (cá, tôm, đất cày, lúa cấy).

            Toàn bộ không gian tự nhiên ấy được con người tri nhận, thông qua sự tri nhận mới trở thành không gian văn hóa. Bốn yếu tố (không gian tự nhiên, không gian lao động, nghề nghiệp - phương tiện lao động, con người) tương tác với nhau, tạo mối tương liên, gắn bó đến một mức độ nào đó tức cảnh sinh tình mới nên thơ, nên nhạc. Dân ca hò, ví, giặm được sản sinh trong sự tương tác của các yếu tố đó, vì vậy mà có sự gặp gỡ giữa không gian tự nhiên và không gian văn hóa.

            Điểm trùng khít đầu tiên dễ nhận thấy đó là sự xuất hiện của địa danh trong ca từ của làn điệu. Chẳng hạn: Đường vô xứ Nghệ quanh quanh / Non xanh nước biếc như tranh họa đồ hoặc: Người ơi! Dưới bến Tam Soa sương trùm sóng vỗ, trên ngọn Tùng Sơn thông rủ gió gào, cánh buồm bạt gió lao đao, hận chìm đáy nước hờn cao ngất trời (Ví đò đưa sông La); Ơ! Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục, biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh, thuyền em lên thác xuống ghềnh, nước non là nghĩa, là tình ai ơi! (Ví đò đưa sông Lam). Các điệu ví gắn với các địa danh khác nhau, có mặt trong câu hát. Đây có thể coi là sự trùng khít thứ nhất.

            Điểm trùng khít thứ hai, không gian góp phần quy định tính nhạc cho các làn điệu. Trong dân ca, rất nhiều câu hát, nhiều làn điệu không trực tiếp nhắc đến không gian (địa danh), song không gian vẫn luôn hiển hiện trong cách phô diễn của nó. Ở đây không đi sâu phân tích về nhạc, song xin được so sánh về âm hưởng nhạc điệu của hai làn điệu trên.

            Ví đò đưa sông La được diễn xướng trong không gian: sông hẹp, uốn khúc quanh co, hai bên bờ sông là núi cao, hai con thuyền cùng trôi trên dòng sông phải thuyền trước thuyền sau, có khi chỉ cách vài chục cây sào (cách tính khoảng cách của người đi thuyền – lấy cây sào chèo thuyền để ước tính) đã không còn thấy nhau, thậm chí đã cách một ngọn núi. Muốn ví (hát ví) được với nhau, tiếng hát phải vút cao, vượt ra khỏi tầm chắn của núi non, cây cối đại ngàn. Bởi thế mà Ví đò đưa sông La hầu hết sử dụng những nốt nhạc ở âm vực cao bắt đầu với các nốt Rế – Mí và kết thúc câu hát ở nốt Sol:

(Theo bản phổ ghi âm của cố nhạc sĩ Vi Phong)

            Ví đò đưa sông Lam được diễn xướng trong không gian rộng, dòng sông mênh mang, hai bên bờ sông bãi mía nương dâu ngút ngàn, bởi thế mà nhịp điệu câu ví trên dòng Lam chậm, mênh mang, sâu lắng, tiếng ca cất lên như lan tỏa ra bốn bề bát ngát, thấm vào từng bãi mía nương dâu. Những nốt nhạc ở đây vì thế cũng được sử dụng ở âm vực thấp hơn, bắt đầu với các nốt Đố – đố và kết thúc câu hát ở nốt Fa:

(Theo bản phổ ghi âm của cố nhạc sĩ Vi Phong)

            Rõ ràng không gian đã góp phần tạo nên âm hưởng, giai điệu của câu hát. Đây là biểu hiện thứ hai của sự trùng khít về không gian ngoài lời và không gian trong lời của hò, ví, giặm xứ nghệ.

           Dân ca hò, ví, giặm hình thành và gắn liền với nghề nghiệp lao động của người dân xứ Nghệ. Mỗi một nghề nghiệp lại có câu hát, làn điệu hát riêng phù hợp với công việc của mình. Bởi vậy, không gian của hò, ví, giặm xứ Nghệ rất phong phú. Trong không gian rừng núi, có Ví trèo non; không gian đồng ruộng lại sinh ra Ví phường cấy, Ví đồng ruộng; không gian lao động sông nước lại có Hò trên sông; Ví đò đưa sông La, Ví đò đưa sông Lam... Khi cùng với không gian, thời gian có những dấu hiệu đặc biệt, tạo thành điểm nhấn sự kiện, chúng ta lại có Giặm cửa quyền, Giặm Đức Sơn... Cái đặc sắc của hò, ví, giặm chính bởi sự gắn bó chặt chẽ với không gian, môi trường lao động của nhân dân, nhịp điệu của hò, ví, giặm cũng đa phần là nhịp điệu của lao động (Hò xeo gỗ, Hò đầm đất đắp đê, Hò trên sông...). Chính vì vậy mà đến với hò, ví, giặm xứ Nghệ, người nghe không chỉ cảm nhận cái hay của câu hát, giọng hát mà còn thấy được trong đó cả một nền văn hóa lao động của bao thủa cha ông người Nghệ. Đó là những trầm tích văn hóa được lưu giữ, bảo tồn trong lời ca. Có lẽ đó cũng là một lí do để hò, ví, giặm trở thành vốn quý, thành kho báu vô giá của xứ Nghệ.

          Đa phần các làn điệu hò, ví, giặm có môi trường diễn xướng tương đối tự do, linh hoạt trong các không gian và thời gian. Tuy nhiên, cũng có những sinh hoạt mà không gian, thời gian bị quy định chặt chẽ với thủ tục cuộc hát như ví phường vải.

          Thời gian hát phường vải thường bắt đầu vào chập tối, khi các cô gái lên đèn, tập trung lại cùng ngồi quay xa, các chàng trai chơi hát dập dìu ngoài ngõ... và kết thúc vào nửa đêm, gần sáng. Không gian cuộc hát cũng dần dần thay đổi theo thời gian: lúc đầu hai bên nam nữ có khoảng cách, người trong nhà, kẻ ngoài ngõ; về sau, khi cuộc hát đã đến hồi thân thiết, gắn bó, các chàng trai mới được mời vào trong sân, trong nhà. Không gian, thời gian ấy tuân thủ theo từng bước trong thủ tục của cuộc hát:

           Chặng 1: thời gian đầu, các chàng trai mới đến ngoài ngõ thì hát dạo, hát chào, hát mừng, hát hỏi. Trong lời hát của hai bên nam nữ thường đã có những dấu hiệu về thời gian và không gian:

         Chẳng hạn trong các lời hát dạo của bên nam:

                        - Chiều chiều khăn bận áo ôm

            Đi tìm người bạn từ đầu hôm đến giừ (bây giờ).

                        - Đi qua nghe tiếng em đàn

            Cá mười khe đứng lại, chim trên ngàn độ (đậu) im.

         Lời chào của bên nữ cũng thấy rõ đặc điểm của không gian, thời gian và cả thái độ trân trọng, lịch sự đối với người đến hát:

                        - Đêm khuya trời lạnh sương im

            Tai nghe tiếng nhạc chàng Kim tới gần.

                        - Bóng ai thấp thoáng vườn hoa

            Hình như Kim Trọng tới nhà Kiều, Vân.

Hoặc:

                        Đến đây đầu lạ sau quen

            Đầu đứng ngoài ngõ, sau len vô nhà.

          Chặng 2: hát đố (hát đối) – Đây là giai đoạn thử thách đối với bên nam, chính vì vậy mà không ít trường hợp đã than thở:

                        Ở đây nỏ (không) thấy có thành

            Ngõ ngoài không đóng mà anh khó vào.

          Khi đã thực sự ý hợp tâm đầu, khoảng cách giữa hai bên được rút ngắn, bên nữ thường chủ động mời bên nam vào trong:

                        Ra tay mở khóa động đào

            Thực tiên thời được bước vào chơi tiên.

Hoặc:

                        Sẵn sàng kiếu gụ giường đồng

            Mời chàng nho sĩ thong dong phản ngồi.

          Chặng 3: thời gian lúc này đã về khuya, qua lời hát mà hai bên đã thân thiết, gắn bó hơn. Lúc này thường là bên nam đã được mời vào nhà, cuộc hát từ chỗ trong nhà – ngoài ngõ nay đã chuyển sang cùng một không gian (cùng trong sân hoặc trong nhà). Các cô gái tay xe suốt, vừa làm vừa hát; các chàng trai vừa ngắm nhìn bên nữ làm việc, vừa hát. Họ chuyển sang hát xe kết, hát cưới, cuối cùng khi sắp phải chia tay thì hát tiễn:

                        - Ai về nhắn nhủ trăng già

            Nhủ trăng khoan lặn, nhủ gà khoan kêu.

                        - Anh về, nước mắt (em) nhỏ dòng

            Thấu thiên, thấu địa, thấu lòng anh chăng.

          Có thể nói, đây là đoạn hát mà không gian và thời gian có tác động mạnh tới tâm trạng, cảm xúc của người hát nhất. Sự quyến luyến, niềm nhớ thương, có khi cả sự tiếc nuối... thể hiện rõ nhất trong đoạn hát này. Đại thi hào Nguyễn Du (thế kỉ XVIII) thời trai trẻ đi hát phường vải cũng có lần phải than thở:

                        Tiếc thay duyên Tấn phận Tần

            Chưa quen đã lạ, chưa gần đã xa

                        Chưa chi đông đã rạng ra

            Đến giờ chỉ giận con gà chết toi.

                                    (Nguyễn Du, Thác lời trai phường nón)

          Không gian thời gian trong hát ví phường vải không chỉ là môi trường diễn xướng đơn thuần, đây là không gian của quan hệ, không gian ứng xử, không gian gắn kết mối quan hệ giữa người với người, tạo nên sự ứng tác và xác lập mối quan hệ. Người ta trổ tài văn chương thơ phú trong không gian ấy, quyến luyến, yêu thương nhau trong không gian ấy.

          Có thể nói, không gian hò, ví, giặm xứ Nghệ là không gian thấm đẫm chất văn hóa, tinh thần nhân văn sâu sắc.

2.2. Không gian trong lời

          Cũng như mọi yếu tố nghệ thuật khác, không gian phải được thể hiện qua hệ thống ngôn từ. Dân ca hò, ví, giặm cũng sử dụng một hệ thống từ ngữ biểu thị không gian riêng của mình. Qua phân tích các ví dụ trong cuốn Hát ví phường vải, Kho tàng vè xứ Nghệ của tác giả Ninh Viết Giao, Dân ca Nghệ Tĩnh (các làn điệu), chúng tôi tạm chia hệ thống từ biểu thị không gian trong hò, ví, giặm xứ Nghệ thành các nhóm sau:

          Nhóm 1- không gian trong thời gian được xác định qua hệ thống các từ như: hôm qua, hôm nay, sẽ, đã, đang... Chẳng hạn:

       Hôm qua anh đi qua cửa nhà nàng

       Anh thấy cha mẹ đánh đập nàng, nàng khóc nàng than

       Nhà nàng cửa sổ song loan

       Anh muốn ghé lưng vô anh chịu trận đòn oan cho nàng.

Hoặc:

            Đã thương thì thương cho chắc

            Đã trục trặc thì trục trặc cho luôn

            Đừng như con thỏ đứng đầu truông

            Khi vui thì rỡn bóng, khi buồn lại bỏ đi.

            Nhóm 2 – không gian qua hệ thống đại từ nhân xưng. Đại từ nhân xưng trong tiếng Việt không chỉ là những từ dùng để xưng, gọi (kiểu đơn thuần như I – You của tiếng Anh) mà còn thể hiện quan hệ, tình cảm của người xưng gọi, xác định đối tượng mà người gọi hướng tới. Trong dân ca hò, ví, giặm còn lưu giữ cả một hệ thống đại từ xưng gọi cổ: chàng, nàng (nường), thiếp, anh, em, ai ơi, người ơi... Chúng tôi xin được phân tích qua một làn điệu Ví phường vải (theo ghi âm của cố nhạc sĩ Vi phong):

            Người ơi ơ thiếp thương chàng đừng cho ai biết, chàng thương thiếp (thì) đừng để ai ờ hay i rồi ra miệng thế lắt lay chứ cực chàng chín rưỡi (thì) khổ thiếp đây i ơ mười phần.

            Một làn điệu ví ngắn thôi nhưng có tới bảy lượt xuất hiện đại từ xưng gọi. Đầu tiên là một từ phiếm chỉ: người ơi hướng đến đối tượng chung. Đây là cơ sở để tiếng lòng, tâm sự của một người, trong một hoàn cảnh cụ thể trở thành tâm sự của nhiều người trong nhiều hoàn cảnh tương đương. Sau đó là lời xưng (thiếp) và lời gọi (chàng), qua lời xưng và gọi này, ta có thể thấy ngay đây là lời của người con gái ví với người con trai, quan hệ của họ là quan hệ thân thiết, yêu đương. Như vậy, chỉ qua ba từ xưng gọi trong lời ca mà đã định danh được mối quan hệ, hướng đối tượng... không gian văn hóa của làn điệu.

            Nhóm thứ 3 – Không gian qua định từ và danh từ, đây là không gian được xác định rõ bằng địa điểm tương đối cụ thể: bến, thuyền, ngọn, đồng, ruộng, bãi... và các từ thay thế đây, kia, này, nọ... Không gian có khi được xác định rõ: dưới bến Tam Soa, trên ngọn Tùng Sơn, Ngàn Hống, sông Rum, chợ Thượng, chợ Hạ... Chẳng hạn:

                                    Bao giờ Ngàn Hống hết cây

                        Sông Rum hết nước, đó với đây mới hết tình

            Đọc câu ca lên, người ta dễ dàng nhận ra những địa danh cụ thể: Ngàn Hống, sông Rum, đối tượng có thể xác định: đó (người nghe), đây (người ví), nhưng khi câu ví cất lên ngọt ngào, tha thiết thì còn đâu những đối tượng cụ thể ấy nữa, tất cả bỗng nhòa đi như mây khói, chỉ còn lại tiếng lòng ngân vang trong lời hẹn thề của trai gái yêu nhau, của ân tình xứ Nghệ. Mới hay từ không gian thực đến không gian tri nhận, không gian văn hóa trong câu ví xứ Nghệ tinh tế và ý nhị biết nhường nào.

3. Không gian, môi trường diễn xướng với việc bảo tồn và phát huy di sản dân ca hò, ví, giặm xứ Nghệ

            Không gian, môi trường diễn xướng của hò, ví, giặm xứ Nghệ đa dạng, phong phú. Bất kì không gian nào cũng có thể là môi trường tạo ra dân ca. Chính vì vậy mà dân ca xứ Nghệ giàu làn điệu, nhiều biến thể, có khả năng ứng tác cao. Đây là một điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn và phát huy, phát triển nó trong mọi thời đại. Thực tế công tác bảo tồn và phát huy dân ca của chúng ta bấy lâu nay đã chứng minh điều đó khi chúng ta tiến hành phát triển dân ca thành một bộ môn kịch hát sân khấu; tái tạo các làn điệu dân ca cổ bằng lời mới phù hợp với thực tế cuộc sống đương đại; sử dụng chất liệu dân ca trong sáng tác những ca khúc mới mang hơi thở của thời đại... Tuy nhiên, môi trường diễn xướng của dân ca hò, ví, giặm vốn là môi trường của lao động; không gian của dân ca là không gian của vũ trụ bao la với sông, với đồng, với núi non đại ngàn, với biển cả... và đời sống chân chất thôn dã. Trong khi đó, không gian chúng ta đang bảo tồn dân ca hiện nay chủ yếu là không gian nhân tạo với sân khấu, lễ hội... không đủ sức để tái tạo và phản ánh không gian ban đầu của dân ca. Để đại chúng hóa, đưa dân ca đi vào đời sống quần chúng hiện nay là một việc hết sức khó khăn. Trong khi cơ cấu kinh tế – ngành nghề thay đổi, thị hiếu âm nhạc của công chúng thay đổi. Dân ca không chỉ bảo tồn mà còn phải cạnh tranh quyết liệt với những dòng nhạc hiện đại, Ta có, Tây có, để tồn tại và phát huy giá trị của mình.

            Thực tế hiện nay của dân ca hò, ví, giặm là rất nhiều không gian, môi trường diễn xướng không còn nữa, nhiều hình thức sinh hoạt dân ca đã chìm vào dĩ vãng và có nguy cơ bị lãng quên như hát ví phường vải, giặm xẩm... Đó là những sinh hoạt lành mạnh nhất, giàu tính nhân văn nhất, và có tác dụng giáo dục, tuyên truyền, di dưỡng tâm hồn vào bậc nhất. Nếu được khôi phục, chắc chắn nó sẽ còn phát huy giá trị của mình trong thời đại ngày nay. Vì vậy, chúng ta không thể để quá trình bảo tồn diễn ra một cách tự nhiên mà cần có những động thái tích cực để thúc đẩy. Có thể bằng nhiều biện pháp như: xây dựng những đề án khôi phục không gian và hình thức sinh hoạt trong chương trình du lịch, giới thiệu quảng bá về văn hóa địa phương; đưa sinh hoạt dân ca vào những nghi lễ, lễ hội; dạy hát và hát dân ca trong nhà trường, trên truyền hình; tổ chức các câu lạc bộ sinh hoạt dân ca; xây dựng những chủ đề dân ca trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng... Phải làm sao cho không gian văn hóa hôm nay thấm đẫm dân ca. Đó là một trong những điều kiện cần và đủ cho nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản dân ca hò, ví, giặm trong đời sống hiện nay.                                                  

                                                           

 

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
27876
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26810
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
23836
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18751
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18504
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
11956
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
11898
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9064
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Ngôn ngữ - Văn hóa
5502
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5470
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5420
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Tiếng Việt Phổ thông
5408
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Anh
4053
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3267
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
3010
Từ trái nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:39:45
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo