Lời tỏ tình qua một bài ca dao từ góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận

Ngôn ngữ - Văn hóa
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 749 22/07/2021 19:21:35

LỜI TỎ TÌNH QUA MỘT BÀI CA DAO

TỪ GÓC NHÌN CỦA NGÔN NGỮ HỌC TRI NHẬN

 PGS.TS. Lê Đình Tường - Đại học Vinh

    

  1. Bài ca dao:

                         Trèo lên cây khế nửa ngày,

                     Ai làm chua xót lòng này, khế ơi!

                         Mặt trăng sánh với mặt trời,

                     Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng.

                         Mình ơi! Có nhớ ta chăng?

                     Ta như sao Vượt chờ Trăng giữa trời.

    Được đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 10, tập Một (Sách học sinh) (Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội – 2006). Hướng dẫn dạy bài này, Ngữ văn 10, Sách giáo viên (Nhà xuất bản Giáo dục, 2006) viết “Nếu Thân em như… là nỗi đau thân phận của người phụ nữ, thì lối mở đầu này là nỗi chua xót vì lỡ duyên, thường là của các chàng trai”. “Từ ai phiếm chỉ nhưng ở đây lại bao hàm ý nghĩa xác định. Còn ai vào đây nữa, nếu không phải là cái xã hội phong kiến xưa đã từng ngăn cách, làm tan nát bao mối tình của những lứa đôi yêu nhau?” [Ngữ văn 10, Sách giáo viên, tr. 110], “Mặc dầu lỡ duyên nhưng tình nghĩa con người vẫn bền vững thủy chung như thiên nhiên vũ trụ vĩnh hằng…”, “Trong hình ảnh sao Vượt chờ trăng giữa trời giữa trời có cái mòn mỏi của sự chờ đợi, có cái cô đơn của sự ngóng trông, có nỗi đau của con người lỡ duyên thất tình…” [Ngữ văn 10, Sách giáo viên, tr. 111].

     Nhận xét trên quá chủ quan và áp đặt.

     Bài ca dao có giá trị khác - sâu sắc hơn, tinh tế hơn và đặc biệt Việt Nam hơn nhiều nếu nhìn từ bình diện ngôn ngữ học tri nhận, khuynh hướng ngôn ngữ học nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy của con người, nghiên cứu cách con người nhận thức thế giới (thực tại và phi thực tại) qua lăng kính ngôn ngữ và văn hóa.  

  1. Con người sống, giao tiếp, hành động trong thế giới của những khái niệm, hình ảnh, khuôn mẫu hành vi, giá trị, tư tưởng… thì đồng thời cũng là sống, suy nghĩ, giao tiếp trong thế giới của những ý niệm (concept), đơn vị tối thiểu và cơ bản của ngôn ngữ học tri nhận.

     2.1. Ý niệm (concept) là kết quả của quá trình tri nhận, là quá trình tạo ra các biểu tượng tinh thần (mental representation). Ý niệm là một mảng của bức tranh thế giới và mang tính chủ quan của người nói; nó phản ánh thế giới khách quan qua lăng kính của ý thức ngôn ngữ dân tộc. Nó là kết quả của sự tác động qua lại của hàng loạt những yếu tố như truyền thống dân tộc, hệ tư tưởng, kinh nghiệm sống. Nó được cấu thành từ tri thức (của cá nhân, của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ) về tín ngưỡng, nghệ thuật, luật pháp, phong tục tập quán, thói quen mà con người tiếp thu được với tư cách là thành viên của xã hội…

     Ý niệm khác với khái niệm. Sao Hôm và sao Mai “vốn chỉ là sao Kim, như ánh sáng mặt trăng cũng vốn là ánh sáng từ mặt trời mà có” [Ngữ văn 10, Sách giáo viên, tr. 111]; sao Kim (Venus) là hành tinh thứ hai từ Mặt Trời, là một trong bốn hành tinh đất đá trong hệ Mặt Trời. Đó là khái niệm, là tri thức bách khoa phản ánh cái chung, cái đặc thù và cái đơn nhất của sự vật. Còn sao Hôm, sao Maisao Vượt (hay sao Vược), những ngôi sao sáng nhất, khác nhau trên bầu trời ban đêm (và những đặc trưng khác nữa gắn với các tên sao này) là những nét đặc trưng gắn với các ý niệm của người Việt về chúng. Bầu trời trong ý niệm của cộng đồng sử dụng tiếng Việt trước đây có các nét nghĩa như: khoảng không gian hình vòm úp xuống mặt đất (măt đất lại được coi là phẳng), có giới hạn là các đường chân trời.

     Ý niệm về sao Hôm (trong cộng đồng người Việt) có ít nhất các nghĩa như: sáng nhất trong các vì sao (sáng) xuất hiện ở phía tây, lúc chiều tối, nhìn thấy bằng mắt thường, một thời gian ngắn sau khi trời tối, nó lặn xuống phía tây chân trời. Thực ra cái sao được gọi là sao Hôm không phải không hiện diện trên bầu trời trước đó, nhưng không nhìn thấy (rõ bằng mắt thường). Ý niệm về sao Mai của người Việt là ngôi sao sáng nhất, nhìn thấy vào sáng sớm, trên bầu trời phía đông. Thực chất thì sau đó nó vẫn hiện diện trên bầu trời nhưng không nhận thấy bằng mắt thường (vì ánh sáng mặt trời). Còn sao Vượt là tên gọi (theo cách tri nhận) của ngôi sao xuất hiện lúc chiều tối, nhìn thấy sáng nhất trên bầu trời, chênh chếch về phía đông. Sao này di chuyển và vượt qua đỉnh đầu (con người) để về phía tây (có lẽ vì thế mà nó được gọi là sao Vượt).

     Ý niệm thường được sử dụng dưới dạng ẩn dụ. Ẩn dụ ý niệm (conceptual metaphor) là một trong những hình thức ý niệm hóa. Nó, hiểu chung nhất, là cách nhìn đối tượng này qua đối tượng khác, là phương thức biểu tượng tri thức dưới dạng ngôn ngữ. Nói đến cảnh một người cô đơn, đang chờ đợi một ai đó, người ta có thể không dùng trực tiếp những lời trên mà phản ánh qua mối quan hệ giữa sao Hôm, sao Mai, sao Vượt: Có Hôm thì chẳng có Mai / Còn như sao Vượt đợi ai giữa trời. Đó là ẩn dụ ý niệm.

     2.2. Có nhiều cách tiếp cận ẩn dụ ý niệm. Một trong những cách đó là không gian tinh thần (mental space) hay hội nhập ý niệm (conceptual blending) của G. Fauconnier và M. Turner.

     Không gian tinh thần tương ứng với thế giới khả hữu trong ngữ nghĩa điều kiện chân ngụy. Theo G. Fauconnier [3: 240], sự khác biệt cơ bản giữa không gian tinh thần và thế giới khả hữu là không gian tinh thần không chỉ giới hạn trong việc phản ánh thực tế một cách chính xác, mà còn miêu tả một mô hình tri nhận đã được lý tưởng hóa. Hội nhập  ý niệm là thao tác tri nhận cơ sở biểu hiện năng lực của con người trong việc suy nghĩ, suy luận, đánh giá, sáng tạo… V. Evans & M. Green [2: 394] cho rằng, xây dựng không gian tinh thần và thiết lập các ánh xạ giữa các không gian tinh thần ấy là hai quá trình chính trong việc tạo nghĩa.

     Có ba loại không gian: không gian nền (base space), không gian cơ sở (foundation space) và không gian mở rộng (expansion space). Không gian nền, còn được gọi là không gian thực tế, theo W. Croft & D. A. Cruse [1: 33], trình bày kiến thức của chủ ngôn về thế giới hiện thực; những thành tố tạo nên không gian đó là các yếu tố của câu, và chính các yếu tố của câu tạo nên các không gian khác với không gian nền nhưng lại liên quan đến chính không gian (nền) này. Các yếu tố của câu có thể là cụm giới từ, trạng từ, liên từ, và các kết hợp vị từ cùng chủ thể của nó. Không gian gian nền có thể tạo ra hai không gian khác là không gian cơ sở và không gian mở rộng đối với không gian nền.  

     2.3. Một nội dung gắn chặt với ẩn dụ tri nhận là ánh xạ (mapping). Đây là một phép biến đổi toán học và được N. Chomsky sử dụng trong phân tích cấu trúc ngôn ngữ. Trong ngôn ngữ học tri nhận, ánh xạ là một quá trình chuyển tập hợp những thông tin từ các thực thể ở miền nguồn (source domain) sang các thực thể ở miền đích (target domain) một cách có hệ thống. Có nhiều yếu tố của ý niệm đích xuất phát từ miền nguồn nhưng lại không tồn tại từ trước. Nhận biết ẩn dụ ý niệm, theo Z. Kövecses [6], là nhận biết tập hợp các ánh xạ thích ứng với một cặp nguồn-đích cụ thể nào đó.   

  1. Bài ca dao “Trèo lên cây khế…” có ba không gian tinh thần. Mỗi không gian được hình thành từ một câu gồm hai dòng. Không gian thứ nhất S1: Trèo lên cây khế nửa ngày/ Ai làm chua xót lòng này, khế ơi!; không gian thứ hai S2: Mặt trăng sánh với mặt trời/ Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng; không gian thứ ba S3 gồm hai câu cuối cùng của bài ca dao.

     3.1. Không gian nền (S1) được tạo nên nhờ các yếu tố: trèo, lên, cây khế, nửa ngày; khế - người được nghe lời bộc lộ: ai (là kẻ/người), làm chua  xót, lòng này (người nói).

     Nhờ các yếu tố của câu thứ hai, S1 được hiểu là: người nói đã trèo lên cây khế nửa ngày và bây giờ bộc lộ ra với khế (người nghe) là ai đó (đang) làm chua xót lòng mình.

     Không gian này gồm hai phần: chuyện đã qua và tình trạng hiện tại.

     Chuyện đã qua được tạo nên nhờ: người nói, trèo lên, cây khế và nửa ngày. Các yếu tố của miền nguồn (hiện thực đã kết thúc) ánh xạ lên miền đích (nghĩa ẩn dụ) như sau:

Miền nguồn

ánh xạ lên

      Miền đích

người nói

người chủ động

trèo lên

di chuyển từng bước/bậc hướng lên/đến

cây khế

đích di chuyển

nửa ngày

một thời gian

     Chuyện đã qua ánh xạ lên chuyện hiện tại và các yếu tố của tình trạng hiện tại ánh xạ lên miền đích (gắn với nhận thức của người nghe):    

ai

kẻ/người tác động

làm chua xót

làm xao xuyến, nhớ nhung

lòng

nơi chứa tình cảm

này

của người nói/người bộc lộ

khế ơi

người tiếp nhận lời bộc lộ, * người tác động làm cho người nói xao xuyến, nhớ nhung

      * Khế là loại quả chua, nhìn thấy mọi người đều muốn ăn, ăn xong thường bị xốn ruột. Khế ơi ánh xạ ngược (inverse mapping) giúp người nghe xác định được cây khế (trong trèo lên cây khế) ở S1 là đối tượng mà người nói/bộc lộ di chuyển tới và ai là khế, chính là người nghe, kẻ/tác động làm người nói cảm thấy xao xuyến, nhớ nhung. Kiểu ánh xạ ngược này này giúp người nghe/đọc nhận biết người thực hiện hành động trèo ở câu đầu chính là người nói.

     Trèo lên cây khế nửa ngày → người nói/bộc lộ đã có một quãng thời gian di chuyển từng bậc đến với người nghe và kết quả Ai làm chua xót lòng này, khế ơi! → người nghe bây giờ đã làm làm người nói/bộc lộ rất xao xuyến và nhớ nhung. 

     Các yếu tố thời hiện tại, người bộc lộ lòng mình, người nghe và tình trạng người nghe làm xao xuyến người nói dẫn đến không gian thứ hai S2 - quan hệ giữa người nói và người nghe xét từ bên ngoài: Mặt trăng sánh với mặt trời/ Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng.

     3.2. Không gian S2 là không gian của bầu trời với các yếu tố mặt trăng, mặt trời, sao Hôm, sao Mai ánh xạ dây chuyền (chain mapping) lên miền đích theo kiểu sánhchằng chằng. Loại ánh xạ này tạo nên một miền đích đa dạng và phong phú về giá trị.

     Không gian với sánh với ẩn dụ loại (a):   

M. trăng

đêm (một khoảng không gian)

một vùng

M. trời

ngày (một khoảng không gian)

một vùng

S. Hôm

chập tối (một khoảng không gian)

một vùng

S. Mai

sáng sớm (một khoảng không gian)

một vùng

     Độ sáng của mặt trăng (sáng nhất bầu trời ban đêm), mặt trời (sáng nhất bầu trời ban ngày), của sao Hôm (sáng nhất bầu trời buổi chập tối) và sao Mai (sáng nhất bầu trời buổi sáng sớm) ở (a) ánh xạ lên một miền đích khác và cho ta có kết quả (b):         

M. trăng

nhất vùng

đơn

M. trời

nhất vùng

đơn

S. Hôm

nhất vùng

đơn

S. Mai

nhất vùng

đơn

            Bên cạnh (a) và (b) còn có loại ánh xạ (c):         

M. trăng

người nói / bộc lộ

M. trời

người nghe

S. Hôm

người nói / bộc lộ

S. Mai

người nghe

     Kết hợp (a) với (b) và (c) ta có được tập hợp ánh xạ sánh với:

M. trăng

người nói / bộc lộ

nhất vùng

chưa vợ/chồng

M. trời

người nghe

nhất vùng

chưa chồng/vợ

S. Hôm

người nói / bộc lộ

nhất vùng

chưa vợ/chồng

S. Mai

người nghe

nhất vùng

chưa chồng/vợ

     So sánh này ánh xạ đến ý niệm trai chưa vợ, gái chưa chồng trong câu ca dao:

                            Anh còn son, em cũng còn son,

                          Ước gì ta được làm con một nhà.

     Không gian với chằng chằng trong quan hệ thời gian (đối lập và xoay vần liên tục) giữa mặt trăng, mặt trời, sao Hôm và sao Mai được ánh xạ như sau:        

   M. trăng

 

  M. trời

 

 M. trăng

 

S. Mai

 

S. Hôm

 

  →

  →

 →

  →

  →

ban đêm

sáng sớm

ban ngày

chập tối

ban đêm

     Chằng chằng giữa người nói/bộc lộ và người nghe trong quan hệ với mặt trăng, mặt trời, sao Hôm và sao Mai được ánh xạ như sau:

M. trăng

em

thì

M. trời

anh

M. trời

em

thì

M. trăng

anh

S. Hôm

em

thì

S. Mai

anh

S. Mai

em

thì

S. Hôm

anh

     Với những kiểu ẩn dụ nêu trên, Mặt trăng sánh với mặt trời/ Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng được hiểu như một lời tuyên bố: tôi (anh/em) với cô (em/anh), tương xứng với nhau, mỗi người đều có vị thế cao nhất ở một vùng, và hơn nữa, cả hai đều cùng chưa vợ, chưa chồng.                             

     3.3. Không gian S2 với các yếu tố bầu trời, người nói, người nghe, thời hiện tại, quan hệ tương xứng nhìn từ bên ngoài ánh xạ lên không gian thứ ba: không gian của hiện tại, của mình, ta, bầu trời và sao Vượt.

     Mình ơi! Có nhớ ta chăng? phản ánh trực tiếp hiện thực: người nói (ngôi thứ nhất) bộc lộ sự thân mặt, gần gũi và băn khoăn muốn biết liệu ngôi thứ hai (người nghe) có tình cảm với mình và muốn gặp, muốn thấy mình không. Cái đẹp, cái hay, cái cao thượng và cái cao tay trong lời thuyết phục người nghe ở đây là người nói chờ đợi một tình cảm hai chiều. Trong không gian thứ nhất (biểu đạt qua hai dòng đầu), người nói đã tự thú là mình bị người nghe làm chua xót, tức người nói đã có tình cảm, tình cảm một chiều (người nói → người nghe). Đến không gian thứ ba (hai dòng cuối), người nói mong và đợi tình cảm của người nghe đối với mình (người nói ← người nghe). (Mũi tên chỉ hướng tình cảm người này dành cho người kia.) Chỉ trong điều kiện đó, con người mới có được tình cảm hai chiều: nam  ↔ nữ. 

     Chiều hướng của tình cảm đang được đề cập ở trên, nói cách khác mình nhớ ta, còn được biểu đạt tiếp trong ý niệm về sao Vượt.

     Sao Vượt, trong tiềm thức người Việt (trước đây) ngoài những đặc trưng đã nêu ở Mục [1.1], còn gắn với đợi chờ: Vắng sao Hôm, có sao Mai/ Kìa ông sao Vượt đón ai giữa trời. Sao Vượt sau khi xuất hiện (vào những mùa gian nhất định trong năm, những ngày nhất định trong tháng) trên bầu trời một thời gian ngắn (có khi vài chục phút, có khi vài tiếng) thì trăng bắt đầu mọc. 

       Các yếu tố của không gian này ánh xạ lên miền đích:

S. Vượt

người nói / bộc lộ

chờ Trăng

mong và ngóng người nghe đến

giữa trời

ở chung cùng một nhà, lấy nhau

     Không gian đích thể hiện ý muốn cơ bản của người nói là: anh (em) mong và trông đợi em (anh) về với anh (em) một nhà.                         

                                        Ảnh mối quan hệ sao Vượt và Mặt trăng

4. Ca dao là nơi lưu giữ và thể hiện một cách sống động nhất trải nghiệm nhiều đời của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ về các vấn đề cụ thể trong cuộc sống của họ. Đúng vậy, bằng ba không gian tinh thần nền, với chỉ 42 từ, tác giả dân gian đã sử dụng rất nhiều loại ánh xạ: ánh xạ tuyến tính (chain mapping) để lập luận, để dẫn người nghe đến mong muốn của mình; ánh xạ ngược để kín đáo bộc lộ tình cảm của mình, ánh xạ đồng nhất (identity mapping) để nói đến quan hệ giữa người nói, người bộc lộ với đối tượng mà anh/chị ta đã hướng đến trong thời gian qua và tình cảm của anh ta/chị hiện tại; ánh xạ vào (mapping into) để ánh xạ tập hợp các yếu tố của không gian thứ hai vào tập hợp các yếu tố của không gian đầu… bài ca dao Trèo lên cây khế nửa ngày… đã chuyển tải nhiều thông tin qua các ý niệm về khế, về bầu trời với các tinh tú trong những không gian và thời gian khác nhau để bộc lộ lòng mình với người nghe. Nói cách khác, tập hợp các ánh xạ do bài ca dao tạo nên thích ứng với cặp miền nguồn-đích mà bài viết đề cập.

     Bài viết chấp nhận người nói, người bộc lộ có thể là một nam và cũng có thể là một nữ thanh niên. Tùy nam, nữ mà xưng (anh/em) và hô (em/anh), chàng trai/cô gái, bằng những trải nghiệm chung của cộng đồng sử dụng tiếng Việt, đã ngụ ý: “anh đã di chuyển từng bước một và đã tới được bên em; bây giờ lòng anh bâng khuâng, xao xuyến, nhớ em nhiều; đôi ta tương xứng, anh chưa vợ, em chưa chồng; xin hỏi, em có tình cảm với anh, có muốn đến với anh không? Còn anh, anh đang mong ngóng, trông chờ em đến với anh đây”. 

     Ca dao là nơi lưu giữ và thể hiện một cách sống động nhất trải nghiệm nhiều đời về các vấn đề cụ thể trong cuộc sống muôn màu của họ. Mỗi một bài ca dao chỉ chấp nhận cách hiểu thông qua ý niệm của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ trong những giai đoạn mà nó thích ứng. Bài ca dao “Trèo lên cây khế…” thực sự là một lời tỏ tình tinh tế, trí tuệ, đầy thuyết phục và rất Việt Nam. Xin đừng hiểu nó là một lời than thân, trách phận của một người lỡ duyên.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

  1. Croft W. & Cruse D. A., Cognitive Linguistics, Cambridge University Press, 2004.
  2. Evans V. & Green M., Cognitive Linguistics: An Introduction, Edinburgh University Press, 2006.
  3. Fauconnier G., Mental Spaces: Aspects of Meaning Construction in Natural Language, Cambridge University Press, 1994.
  4. Fauconnier G., & Turner M., Conceptual Projection and Middle Spaces, University of California, San Diego, 1994.
  5. Fauconnier & Turner M., The Way We Think, New York, Basic Books, 2002.
  6. Kövecses Z., Metaphor: A Practical Introduction, Oxford University Press, 2010.
  7. Laoff G. & Johnson M., Metaphors we live by, The University of Chicago Press, 1980.

 

TÓM TẮT

     Ca dao là nơi lưu giữ và thể hiện một cách sống động trải nghiệm nhiều đời về các vấn đề cụ thể trong cuộc sống muôn màu của họ. Nó không những thể hiện nghệ thuật sử dụng ngôn từ của tác giả dân gian mà còn lưu giữ cách tri nhận thế giới độc đáo của cộng đồng sử dụng tiếng Việt. Bài ca dao “Trèo lên cây khế…” được nhiều nhà nghiên cứu coi là lời than thân, trách phận của một người lỡ duyên. Khảo sát từ bình diện ý niệm hóa thế giới và không gian tinh thần của ngôn ngữ học tri nhận thì bài ca dao là lời tỏ tình tuyệt mỹ của một thanh niên đối với người mình yêu.

SUMMARY

     Folk verses are a vivid expression of people’s experience in their colorful life. They are not only beautiful literary works, but also culturally constructed conceptualizations. Vietnamese folk verses "Trèo lên cây khế..." are considered by some researchers for a young person’s complaint about his/her bad luck in love. But  they are a young person’s declaration of his/her love to a friend he/she loves and an expression of his/her hope to share with her/him their life in the light of conceptualizations and the mental space.

 

Nguồn: Tác giả

Email: tuongld@gmail.com, tuongld@vinhuni.edu.vn

 

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
27876
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26810
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
23836
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18751
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18504
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
11956
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
11898
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9064
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Ngôn ngữ - Văn hóa
5502
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5470
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5420
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Tiếng Việt Phổ thông
5408
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Anh
4053
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3267
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
3010
Từ trái nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:39:45
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo