Mảnh đất, con người xứ Nghệ với dân ca hò, ví, giặm - Trần Thị Lam Thủy

Ngôn ngữ - Văn hóa
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 1031 25/07/2021 17:55:38

MẢNH ĐẤT, CON NGƯỜI XỨ NGHỆ

 VỚI DÂN CA HÒ, VÍ, GIẶM

Trần Thị Lam Thủy 

                                                    

  1. Mảnh đất và con người xứ Nghệ

Xứ Nghệ bao gồm vùng địa lí của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Thủa xưa đây là vùng đất đầu sóng ngọn gió của Đại Việt. Trải qua biết bao nhiêu cuộc chiến đấu trường kì và dữ dội để dựng nước và giữ nước, dải đất từ Khe nước lạnh đến Đèo Ngang đã để lại nhiều ấn tượng đặc biệt so với các vùng miền trong cả nước. Lẽ dĩ nhiên, giữa các vùng địa phương với nhau có những nét đại đồng, tiểu dị là chuyện bình thường. Nếu nét đại đồng làm cho sự đồng điệu, đồng màu thêm thắm đậm, thể hiện rõ tính thống nhất của quốc gia, dân tộc thì nét tiểu dị lại góp phần tạo nên một thế giới đa sắc màu, làm cho bức tranh toàn cảnh phong phú hơn, đa dạng hơn với trăm sắc ngàn hương. Xứ Nghệ là một vùng đất có điều kiện hoàn cảnh đặc biệt và có những sắc thái riêng. Những sắc thái riêng này sẽ tạo nên cái độc đáo của xứ Nghệ, đồng thời cũng góp phần làm nên cái tươi đẹp chung của giang sơn tổ quốc.

            Vùng đất này đã thu hút nhiều nhà chuyên môn thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau như địa lí học, khí hậu học, dân tộc học, ngôn ngữ học, địa chất học, khảo cổ học, sử học, văn học... quan tâm tìm hiểu từ nhiều khía cạnh. Có thể rút ra một số điểm chính như sau:

            Về địa hình, địa mạo, xứ Nghệ có núi rừng trùng điệp mênh mông, sách Đại Nam nhất thống chí gọi là “đất tứ tắc”, ý nói bốn bề hiểm trở. Một vùng đất choáng ngợp những núi và biển, sông suối ngắn, nhỏ, độ dốc nhiều, mặt đất gồ ghề, lởm chởm... Núi sông như thế vừa tạo thành nét đẹp kì thú, nên thơ khêu gợi những tâm hồn sính thơ ca nhưng cũng tạo nên vẻ gân guốc, rắn rỏi cho thiên nhiên và con người xứ Nghệ.

            Về khí hậu, xứ Nghệ nằm trong một khu vực khá đặc biệt, có thể nói vô cùng khắc nghiệt. Mùa nóng thì nóng đến đồng điền nứt nẻ, cây cỏ khô cháy, lại còn gió nóng Nam Lào; mùa lạnh thì vừa lạnh vừa khô, vừa có những đợt lạnh đột xuất; thường xuyên phải gánh chịu thiên tai lũ lụt, hạn hán... Để tồn tại nơi đây, con người xứ Nghệ phải vượt qua nhiều khó khăn vất vả. Từng tấc đất ở đây đều thấm máu và mồ hôi của bao thế hệ người Nghệ, cuộc vật lộn giữa con người và thiên nhiên hầu như diễn ra liên tục. Cuộc sống của con người dường như luôn luôn bị đe dọa.

            Về mặt dân tộc và ngôn ngữ, xứ Nghệ cũng là một vùng đáng chú ý bởi có nhiều tộc người sinh sống, ngôn ngữ – văn hóa nơi đây dù đã trải qua hàng ngàn năm tiến hóa, biến chuyển vẫn còn lưu giữ khá nhiều dấu vết cổ.

            Về tính cách của con người nơi đây, dù không đến nỗi biệt lập song cũng có những nét độc đáo riêng do sự chi phối của hoàn cảnh. Tác giả Bùi Dương Lịch (Nghệ An kí) đã viết: Người Nghệ An khí chất [chất] phác [đôn] hậu, tính tình số đông thường chậm chạp không sắc sảo, cho nên làm việc gì cũng giữ gìn cẩn thận, bền vững, ít bị xao động bởi những lợi hại trước mắt. Tựu trung, con người xứ Nghệ có những tính cách tiêu biểu sau: gan góc, mưu trí, bền bỉ phấn đấu để thích nghi với thiên nhiên mặc dù trong cái gan góc có cái bướng bỉnh, trong cái mưu trí có liều lĩnh; dũng cảm, nghị lực, sẵn sàng quên mình vì nghĩa lớn; khẳng khái, thủy chung, trung thực, giàu tình cảm... đó là những nét tiêu biểu của con người xứ Nghệ.

            Cũng bởi những tính cách riêng nói trên mà con người xứ Nghệ luôn giữ vai trò tiên phong trong công cuộc đấu tranh giữ nước. Bởi có những người con nổi tiếng gan góc, mưu trí, kiên cường, bất khuất nên hầu hết các triều đại phong kiến kén lính loại “ưu binh” thường nhằm vào xứ Nghệ; cũng bởi địa thế thiên nhiên nơi đây mà xứ Nghệ luôn được chọn làm căn cứ địa, làm “Cối kê” để quật lại kẻ thù. Xứ Nghệ, người Nghệ đã góp phần mình làm nên lịch sử của tổ quốc nói chung, đồng thời mở ra những trang sử vẻ vang cho xứ Nghệ nói riêng.

            Bởi địa linh nên sinh nhân kiệt, thời đại nào xứ Nghệ cũng có những tài năng xuất chúng. Hầu như ở lĩnh vực nào, từ đông y, kiến trúc, khai hoang, tìm mỏ, văn học... đến những nghề như hát ví, đá cầu, thậm chí phương thuật phong thủy... xứ Nghệ đều có những nhân vật “nổi đình đám” (chữ dùng của GS. Nguyễn Đổng Chi). Đúng với một câu phương ngôn cổ: Ngàn Hống chon von / Biển Ngư bát ngát / Thịnh trị gặp thời / Nhân tài đua phát (Nguyên văn là: Hồng Lĩnh sơn cao / Song ngư bát khoát / Nhược trị minh thời / Nhân tài tú phát).

Đây cũng là quê hương của nhiều chiến sĩ Cách mạng lỗi lạc: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Đặng Thúc Hứa, Trần Phú, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai... Là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam, đưa dân tộc lên đường đánh Pháp, đuổi Nhật, chống Mỹ đi đến toàn thắng, giành độc lập từ do cho tổ quốc. Đồng chí Lê Duẩn từng khẳng định: Chúng ta không lấy làm ngạc nhiên ở Nghệ An đã sinh trưởng những vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Cái đó không phải tình cờ mà là lịch sử tự nhiên, lịch sử lâu đời, lịch sử xây dựng kiến thiết đã hun đúc tại Nghệ An: nhân dân anh dũng, cần cù lao động và có nhiều năng lực phi thường. (Lời phát biểu trong Đại hội tỉnh Đảng bộ Nghệ An khóa 6 năm 1961).

  1. Mảnh đất, con người xứ Nghệ với sự ra đời của dân ca Hò, Ví, Giặm

            Xứ Nghệ có một kho tàng văn hóa dân gian (folklore) khá phong phú và độc đáo. Có đến ngót ngàn bài vè, hàng trăm truyện tự sự đủ các loại, hàng ngàn bài ca dao và chuyện ví hát, hàng vạn thành ngữ, tục ngữ, phương ngôn, câu đố, trò chơi... Trong đó có một gia sản dân ca độc đáo và giàu bản sắc. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đi sâu tìm hiểu về ba thể Hò, Ví, Giặm.

            Hò, Ví, Giặm xứ nghệ là những hình thức văn nghệ tự túc, hình thành từ trong lao động – nghề nghiệp, sau mới phát triển thành thể hát dân ca sinh hoạt – trữ tình. Trước hết, cần phải nói rằng, không phải nơi nào, lúc nào quần chúng lao động cũng có khả năng tự túc được văn nghệ của mình trên cả ba phương diện: sáng tác, diễn xướng và lưu truyền. Muốn có khả năng đó thì phải có các điều kiện:

  1. có truyền thống sáng tác, biểu diễn;
  2. có phương tiện (thể loại) thích hợp và quen thuộc;
  3. có nhu cầu sinh hoạt tinh thần của tập thể;
  4. có quan điểm về thẩm mĩ.

            Chúng tôi sẽ lần lượt xem xét từng điều kiện:

            Thứ nhất, quan điểm thẩm mĩ của dân ca Hò,Ví, Giặm

            Hò, ví, giặm hình thành trong lao động, gắn liền với lao động và nghề nghiệp, hầu như nghề nghiệp nào trong xã hội nông thôn trước đây cũng có làn điệu, câu hát của riêng mình: trẻ em có đồng dao, nghề chài lưới, nghề sông biển có Hò trên sông, người xẻ gỗ có Hò xeo gỗ, người làm nghề nông có Ví đồng ruộng, Ví đi cấy, người hái củi, lấy gỗ có Ví trèo non, người hành nghề ca hát trên các chợ, thôn xóm thì có Giặm xẩm, rồi Ví phường vải, Ví đò đưa sông La, Ví đò đưa sông Lam, Ví đò đưa sông Phố, Ví phường chắp gai đan lưới, Ví phường đan, Ví phường nón, Ví phường buôn, Ví phường vàng, Ví phường bện võng, Ví phường nốc, Ví trèo non, Ví phường cấy, Ví phường củi, Ví róc cau lau mía, Ví nhổ mạ, Ví huê tình, Ví đò đưa chuyển phường vải, Ví đò đưa nước ngược... Tất cả hợp thành một nền âm nhạc dân gian phong phú và đa dạng. Điều đó khẳng định tính đại chúng của dân ca Hò, Ví, Giặm.

            Cũng qua các làn điệu, có thể thấy đề tài sáng tác của Hò, Ví, Giặm là đề tài mở. Không hạn chế trong một nhóm người, một tầng lớp, một nghề nghiệp nào, mọi người đều có thể sáng tác, biểu diễn thưởng thức với bất kì đề tài nào trong cuộc sống, từ chuyện ăn, chuyện ngủ, chuyện yêu thương, chuyện cắt cỏ, chăn trâu, chuyện đồng áng, nghề nghiệp, đến chyện đùa vui, nghịch ngợm... đều có thể đi vào câu hát. Thậm chí đến chửi... cũng có thể hát:

- Đồn rằng chàng học Kinh thi

Cha thày Mạnh Tử tên chi rứa chàng?

- Thày Mạnh cụ Mạnh sinh ra

Đù mẹ con hát, tổ cha thằng bày.

            Chẳng những phong phú, phổ rộng về đề tài, phổ quát với mọi đối tượng, không gian, môi trường diễn xướng của Hò, Ví, Giặm cũng lại là môi trường, không gian mở: mọi lúc, mọi nơi... quanh năm trên đất Nghệ, đâu đâu chúng ta cũng có thể được nghe tiếng hát, câu hò. Từ sáng sớm đến canh khuya, lúc nào cũng có thể nghe lời ca điệu ví cất lên, văng vẳng trong lũy tre xanh, quyện vào bãi mía nương dâu, hòa vào nhịp điệu lao động...

Các yếu tố đó chính là cơ sở đầu tiên quyết định việc hình thành những làn điệu dân ca.

Thứ hai, nhu cầu sinh hoạt tinh thần của tập thể:

Nếu con người – chủ thể của mọi hoạt động xã hội – không có nhu cầu, không có động lực thôi thúc và mong muốn thực hiện thì sẽ không xảy ra điều gì. Sinh sống trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, cuộc sống khó khăn, con người nơi đây phải đấu tranh sinh tồn từng giây từng phút: Nuôi cái sống nơi đầu ghềnh cuối bãi / Đôi tay trần chống chọi với thiên nhiên. Vươn lên không chỉ bằng đời sống vật chất mà còn phải có một đời sống tinh thần đẹp đẽ để vững vàng trong gian khó, không chỉ mỗi cá nhân mà phải phát huy sức mạnh cộng đồng. Chính vì vậy, ý thức cộng đồng gia tộc, cộng đồng làng xã nơi đây rất đậm. Cảnh trí thiên nhiên, như đã nói, có thể gợi lên cho mọi người niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước, gợi cả những tình cảm lai láng trong cuộc sống. Điều kiện để mọi người nối kết, hòa nhập, bộc lộ... chính là những sinh hoạt tinh thần tập thể. Bất cứ ở đâu, làm nghề gì, họ cũng tự tổ chức được - những phường, hội, tập thể những người cùng nghề – những cuộc sinh hoạt văn nghệ (ví hát nam nữ, kể vè...). Một trong những hình thức sinh hoạt văn nghệ phát triển đến đỉnh cao ấy là hát ví phường vải, giặm xẩm.

            Có thể nói, đây là chiếc nôi sinh thành và nuôi dưỡng dân ca Hò, Ví, Giặm của xứ Nghệ.

            Thứ ba, về phương tiện (thể loại):

            Một số thể loại thơ dân tộc quen thuộc, phổ biến trong toàn quốc từ xưa như thể thơ lục bát, vãn tư được người Nghệ sử dụng một cách có thể nói khá nhuần nhuyễn, điêu luyện - Theo Giáo sư Hoàng Xuân Hãn trong Nguồn gốc văn Kiều (Tạp chí Thanh Nghị số 32, 1943), những câu ví phường vải là một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến văn Kiều (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Đó là kết quả của những ngày Đại thi hào Nguyễn Du về quê ở Tiên Điền – Nghi Xuân đi hát phường vải – Bên cạnh đó, người Nghệ sáng tạo ra thể loại hát giặm độc đáo dùng riêng cho xứ Nghệ. Cả hai thể thơ này trước hết rất quen thuộc, sau nữa rất thích hợp với việc phô diễn tình cảm, kể chuyện... được sử dụng với khúc thức mở, đơn giản về cao độ và tiết tấu, tự do về nhịp điệu... càng phát huy được khả năng ứng tác rộng rãi.

            Đây là một trong những điều kiện cần thiết cho quá trình sáng tác, diễn xướng và lưu giữ dân ca Hò, Ví, Giặm được thuận lợi.

            Thứ tư, về truyền thống sáng tác, biểu diễn:

            Nếu ba yếu tố trên là điều kiện cần thì đây là yếu tố đủ – là cội rễ của sự sáng tạo - của Hò, Ví, Giặm xứ Nghệ. Truyền thống giống như mạch ngầm trong lòng đất, dù không lộ thiên nhưng luôn luôn tiềm tàng, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ bao giờ và ai là người Nghệ đầu tiên cất lên câu ví có lẽ không còn ai xác định nổi, nhưng với 9 tập sách Kho tàng vè xứ Nghệ của tác giả Ninh Viết Giao (mỗi cuốn dày trung bình 650 trang khổ 14.5 x 20.5), 2 tập Hát phường vải của Ninh Viết Giao, Nguyễn Tất Thứ thôi cũng đủ để thấy sự đồ sộ của kho tàng dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Đó là thành quả không chỉ một đời mà có sự kế tục, trao truyền, phát huy của nhiều đời.

            Có thể nói, cả bốn điều kiện của Hò, Ví, Giặm đều có thể đảm bảo để nền văn nghệ tự túc phát triển được thường xuyên, liên tục. Thực tế đã chứng minh, người Nghệ bao đời nay, vừa là người sáng tác, vừa là người diễn xướng, và cũng chính người Nghệ đời này qua đời khác lưu giữ và trao truyền. Điều đó lí giải vì sao, dân ca Hò, Ví, Giặm xứ Nghệ lại có sức sống mạnh mẽ, lâu bền đến vậy trong đời sống văn hóa của nhân dân.

  1. Mảnh đất và con người xứ Nghệ trong dân ca Hò, Ví, Giặm

Ngôn ngữ là tấm gương thực sự của nền văn hóa dân tộc (V.G. Kostomarov). Qua ngôn ngữ, có thể hình dung từ tên đất, tên làng, tên sông, tên núi, đến thổ ngữ, văn hóa... bản sắc của mỗi vùng, mỗi quốc gia dân tộc. Hò, Ví, Giặm cũng như bao thể hát dân ca khác, là nơi con người kí gửi tâm tình, lòng tự hào, niềm yêu mến, nỗi than thân trách phận... đều có thể được cất lên trong câu hát. Đến lượt nó, dân ca lại vọng lại hình ảnh của thiên nhiên, của đời sống lao động, thế giới tâm hồn con người, v.v.

Xứ Nghệ vốn là mảnh đất khắc nghiệt, như để bù lại cho vùng đất nghèo khó này, tạo hóa dành cho cái phần đủ đầy của vạn vật với đủ cả núi rừng, trung du, đồng bằng và biển cả. Thiên nhiên ấy đi vào câu ví mới thực sự nên thơ, hữu tình:

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.

Và cái khắc nghiệt của thiên nhiên cũng đi vào câu hát giặm:

Chưa đến tiết mùa hè

Chó hác mồm le lại

Với thiên nhiên ấy, cuộc sống của con người vô cùng cơ cực:

Gió mưa chi lắm hỡi trời

Lúa mùa toan gặt lại trôi đầy đồng

Con đau vợ đói nhìn chồng

Khóc thảm, khóc thiết đỏ tròng con ngươi.

Như thể đất nghèo nuôi những anh hùng, con người nơi đây vươn lên với một sức sống kì lạ. Hình như mọi khó khăn, gian khổ, mọi sự vùi dập của tạo hóa và xã hội đều không thể làm con người nơi đây khuất phục. Tinh thần ấy thể hiện rất rõ trong nhiều làn điệu Hò, Ví, Giặm:

Ơ ơ hò, tháng một, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn tháng nạn, đi vay đi mạn được một quan tiền, ra chợ Kẻ Triêng mua một con gà mái, về hắn đẻ được mười trứng. Một trứng ung, hai trứng ung, ba, bốn, năm, sáu, bảy trứng ung, còn ba trứng nữa hắn nở được ba con, con diều tha, con quạ bắt, con mắt cắt lôi. Đừng than phận khó ai ơi, còn da lông mọc, còn chồi nảy cây, là dô hò là hò dô hò.

                                                                                (Hò chuỗi)

Một dãy số đếm cứ tăng dần với những khó khăn mất mát, dồn dập Một trứng ung, hai trứng ung, ba, bốn, năm, sáu, bảy trứng ung... cho đến lúc chẳng còn gì. Chính lúc này, vẻ đẹp kiên cường, tinh thần lạc quan của người Nghệ mới thực sự tỏa sáng: Đừng than phận khó ai ơi... Phải lí giải như thế nào về tinh thần của người Nghệ qua những lời ca, nếu không phải đó là những con người kiên cường bất khuất, dù trong cuộc sống hàng ngày hay đấu tranh sinh tồn. Khó khăn bao nhiêu, người Nghệ vươn lên bấy nhiêu, tha thiết yêu cuộc sống bấy nhiêu.

Có lẽ không nơi đâu, con người lại có một đời sống tâm hồn đẹp đẽ như nơi đây. Trong tình yêu, họ chân thành, tha thiết, gắn bó với cuộc sống lao động mộc mạc:

- Thiếu chi hoa lí hoa lài

Mà chàng đi chuộng hoa khoai trái mùa?

- Hoa khoai chịu nắng chịu mưa

Hoa lài hoa lí chưa trưa đã rầu.

Và:

Yêu em chẳng phải em giòn

Yêu em chất phác, việc làm siêng năng.

            Họ có thái độ rất rõ ràng, dứt khoát trong tình yêu:

Đã yêu thì yêu cho chắc

Đã trục trặc thì trục trặc cho luôn

Đừng như con thỏ đứng đầu truông

Khi vui thì rỡn bóng, khi buồn thì bỏ đi.

Thương thì thương hết lòng hết dạ:

Muối ba năm muối đang còn mặn

Gừng chín tháng gừng hãy còn cay

Đôi ta tình nặng nghĩa dày

Dù có xa nhau chăng nữa, ba vạn sáu ngàn ngày cũng nỏ xa.

Thử làm một phép so sánh về định lượng, mới thấy người Nghệ hết sức tinh tế trong lời thương. Trong sự phát triển của các cụm từ định lượng: ba năm – chín tháng – ba vạn sáu ngàn ngày, con số càng về sau càng lớn, danh từ đơn vị thời gian càng về sau càng nhỏ. Chuyện của muối, của gừng đã là sự khẳng định chắc chắn rồi, vậy mà chuyện tình cảm của con người – ba vạn sáu ngàn ngày là trăm năm, cả một đời người, thương nhau tính đến từng ngày, trọn vẹn từng ngày. Thế mới biết tình yêu của người Nghệ son sắt, thủy chung, keo sơn gắn bó biết nhường nào.

Nhưng khi ngoa ngoắt thì có lẽ cũng không có đâu hơn:

- Mồ cha mả mẹ chi anh đây

Mà đêm anh viếng, mà ngày anh thăm?

- Trăng sáng thì anh đi chơi trăng

Anh có trèo lên mả tổ thượng tằng nhà em đâu!

            Đây cũng là nơi con người thông minh, dí dỏm. Thực sự tiếng cười tinh nghịch, ý nhị nhiều khi là bài thuốc cứu con người qua khỏi những buồn bực hay thất vọng. Những câu hát hóm hỉnh, nghịch ngược ấy được dân Nghệ gọi là “hát trạng”. Chuyện kể rằng, một lần Phan Bội Châu trên đường đi thi trở về, tâm trạng không được vui vì bài làm không như ý, tình cờ gặp lại một cô gái đã quen trong các đêm hát. Sau buổi cày, cô gái đang ngồi nghỉ hơi, ăn bắp ngô rang đầu bờ ruộng. Vừa thấy ông đầu xứ San liền cất ngay tiếng chào:

Đưa chàng mấy hạt ngô rang

Chàng đúc vô mô cho mọc, thiếp theo chàng hôm nay.

Phan Bội Châu vốn nổi tiếng có tài ứng đối, sau phút ngỡ ngàng, đã ví lại trả lời:

Nơi mô mà nắng không khô

Mà mưa không ướt đúc vô mọc liền.

Tự nhiên vậy, lời hát tinh nghịch trong bất kì hoàn cảnh nào cũng là cứu cánh giúp con người vượt qua những tình cảnh éo le. Cái éo le ấy nhiều khi chỉ là thế bí trong cuộc hát. Đó là chuyện chàng trai khi được mời vô nhà, vừa tới trước cửa, chẳng ngờ sân trơn bị ngã. Nhưng dù bị chị em cười, chàng vẫn nhanh trí ví được:

Đất đâu có đất lạ lùng

Đứng thì không chịu, nằm cùng lại cho.

Hoặc có khi nghịch ngược:

- Con rồng kia phải bệnh ngáp dài

Hỏi chàng quân tử uống bài thuốc chi?

- Hai củ nhân sâm, một củ hoàng kì

Ăn vào nó khỏi, uống thì nó thôi.

Phải nói rằng, người nghĩ ra tình huống ví thông minh, hóc hiểm chừng nào thì người trả lời cũng nhanh trí và hóm hỉnh chừng ấy. Tiếng cười vui trong dân gian chính từ những tình huống ví von ý nhị mà tinh nghịch như vậy.

Khác với các sinh hoạt dân ca ở các vùng miền khác, Hò, Ví, Giặm xứ Nghệ có đủ thành phần tham gia, từ người lao động bình dân đến những nhà chí sĩ yêu nước, các văn nhân, nho sĩ... Chính vì vậy, chất trí tuệ, tính triết lý trong lời ca rất rõ và cả tính nghệ thuật: gieo vần, đối chữ, đối nghĩa... trong câu hát phần lớn rất chỉnh. Có lẽ, nếu không giới thiệu đến những người như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Quýnh... sau này là Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Trần Văn Lương... thì qua ngôn từ của các làn điệu (đặc biệt là ví phường vải), chúng ta cũng đã phần nào hình dung được người trí thức trong kho tàng lời ca của Hò, Ví, Giặm.

Thiên nhiên kì thú, nên thơ, con người thông minh, anh dũng, kiên cường... có thể nói, dân ca Hò, Ví, Giặm đã và đang lưu giữ một phần lớn linh hồn, bản sắc của một vùng quê giàu truyền thống văn hóa. Yêu quê hương, trân trọng những thành quả của cha ông để lại, chúng ta càng phải chú ý hơn việc bảo lưu, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống đồng thời phát huy, phát triển nó tốt hơn nữa trong thời đại ngày nay, để những giá trị đó trường tồn mãi cùng sự trường tồn của dân tộc.

                                                                                   

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Đổng Chi (chủ biên), Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ An, 1995.
  2. Ninh Viết Giao, Hát phường vải, Nxb Nghệ An, 1993.
  3. Ninh Viết Giao, Kho tàng vè xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 1999.
  4. Hoàng Xuân Hãn, Nguồn gốc văn Kiều, Tạp chí Thanh Nghị, số 32, 1943.
  5. Thanh Lưu - Lê Hàm - Vi Phong, Âm nhạc dân gian xứ nghệ, Nxb Âm nhạc, 1994.
  6. Thanh Lưu – Lê Hàm – Vi Phong, Dân ca Nghệ Tĩnh, Nxb Âm nhạc, 1991.

 

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
28266
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26975
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
24035
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18884
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18667
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
12230
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
12067
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9190
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Tiếng Việt Phổ thông
6161
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Ngôn ngữ - Văn hóa
5656
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5609
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5531
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Anh
4183
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3356
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
3235
Từ cũ và từ Hán Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 05/09/2021 12:05:39
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo