Ngôn ngữ giới tính ở lời hát hỏi trong hát phường vải Nghệ Tĩnh – một nét đẹp văn hóa của xứ Nghệ

Ngôn ngữ - Văn hóa
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 888 22/07/2021 11:24:45

NGÔN NGỮ GIỚI TÍNH Ở LỜI HÁT HỎI TRONG HÁT PHƯỜNG VẢI NGHỆ TĨNH – MỘT NÉT ĐẸP VĂN HÓA CỦA XỨ NGHỆ

Nguyễn Thị Mai Hoa

  1. Đặt vấn đề

          1.1. Hát ví phường vải (HPV) được coi là một loại hát ví đặc biệt nhất trong gia tài dân ca Nghệ Tĩnh. Mang nét đặc trưng chung của các hình thức hát ví đối đáp (hai đối tượng giao tiếp khác giới "nói chuyện" với nhau, giao duyên với nhau thông qua lời hát), ở HPV Nghệ Tĩnh, tính chất đối đáp càng thể hiện rõ bởi một cuộc HPV chỉ được hình thành khi có các cô gái tụ họp nhau thành phường để quay sợi và hát, còn các chàng trai (có thể quen, có thể lạ) kéo đến để đối đáp, giao duyên. Và tự nhiên hình thành hai đối tượng giao tiếp: bên nam và nên nữ. Do vậy, HPV là một trong những hình thức văn hoá dân gian thể hiện rõ đặc điểm ngôn ngữ giới tính. Ở đây, chúng tôi tập trung khảo sát để tìm ra một số nét đặc điểm ngôn ngữ giới tính trong những lời hát hỏi của thể hát ví độc đáo này.

          1.2. Một trong những tính chất đặc biệt của thể hát ví phường vải chính là ở quy cách, thủ tục khá chặt chẽ của một cuộc HPV với 3 chặng: chặng thứ nhất gồm hát dạo, hát chào mừng và hát hỏi; chặng thứ hai gồm hát đố, hát đối; chặng thứ ba gồm hát mời, hát xe kết và hát tiễn. Như vậy, hát hỏi nằm ở cuối chặng thứ nhất của một cuộc HPV. Xét về đích ở lời, các lời hát thuộc hành động hỏi trong HPV thường hướng tới hai đích: hỏi để tìm hiểu, thăm dò đối tượng (yêu cầu đối tượng phải giới thiệu về bản thân và bộc lộ tình cảm); hỏi để thử trí thông minh - hát đố, hát đối (yêu cầu đối tượng phải giải đố). Soi vào ba chặng của một cuộc hát phường vải, ta sẽ thấy đích thứ nhất ứng với phần hát hỏi (chặng một) và đích thứ hai ứng với hát đố, hát đối (chặng hai). Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ khảo sát phần hát hỏi có đích tìm hiểu, thăm dò đối tượng ( nằm ở cuối chặng thứ nhất gồm 37 lời nữ và 22 lời nam ); còn phần hát hỏi để thử trí thông minh sẽ được xét tới ở một bài viết khác.

          Như vậy xét ở lời trao, trong tổng số 1414 lời hát ví phường vải thể hiện rõ tính chất giới của vai trao được khảo sát (gồm 886 lời nữ trao và 528 lời nam trao) thì số lời thuộc phần hát hỏi là 59 (chiếm 4,2%); trong đó lời hát hỏi của nữ là 37 (chiếm 63%), lời hát hỏi của nam là 22 (chiếm 37 %). Nếu so sánh với ca dao đối đáp nam nữ, tần số xuất hiện của lời hát hỏi trong HPV với ý nghĩa tìm hiểu, thăm dò đối tượng không phải là lớn bởi như chúng tôi đã đề cập tới ở trên, hát hỏi chỉ là một phần nhỏ trong 3 chặng của một cuộc HPV. Mặt khác, ở đây, chúng tôi chưa tính đến những lời hát thuộc hành động hỏi ở các chặng khác.

  1. Đặc điểm ngôn ngữ giới tính trong nội dung lời hát hỏi

          2.1. Gặp nhau, muốn giao duyên với nhau thì trước hết hai bên phải tiến hành tìm hiểu. Hỏi là một hình thức tìm hiểu thông dụng nhất, điều đó hoàn toàn hợp với logic giao tiếp. Và do đó, hát hỏi có tác dụng làm cho hai bên hiểu biết nhau. Sau mỗi câu hát hỏi thì bên nam hoặc bên nữ lựa ý lựa lời mà đáp lại. Với nhu cầu tìm hiểu đối tượng giao tiếp, nội dung lời hát hỏi trong HPV khá phong phú. Tuy nhiên, có thể quy về một số nhóm nội dung sau:

Hỏi về gia thế, lai lịch (quê quán, cha mẹ, anh em, họ tên, nghề nghiệp, tuổi…):

Đến đây hỏi thật quê chàng,

Hỏi danh hỏi họ, hỏi làng làng chi? (HPV, tr 209)

Hỏi về nguyên do, mục đích đến:

Hỏi chàng khách lạ đàng xa,

Đến đây cân sắc hay là kết duyên? (HPV, tr 212)

Hỏi để tìm hiểu chuyện gia thất (đã có vợ, có chồng hay chưa?):

Hỏi nàng đã có chồng chưa,

Hay là chưa có anh thưa vài lời? (HPV, tr 217)

Hỏi để nhận biết tình cảm (tình cảm của đối tượng, thái độ của cha mẹ…):

Mấy lâu anh nhởi (chốn) mô,

Chốn ni (này) anh bỏ cơn (cây) khô lá vàng? (HPV, tr 213)

 Chúng tôi đã tiến hành thống kê, phân loại nội dung lời hát hỏi của nam và nữ như sau:

Bảng 1: Nội dung lời hát hỏi trong HPV Nghệ Tĩnh 

TT

Nội dung lời hát hỏi

Lời nữ

Lời nam

Số lượt

Tỷ lệ (%)

Số lượt

Tỷ lệ (%)

1

Tìm hiểu gia thế, lai lịch

14

38

3

14

2

Tìm hiểu nguyên do, mục đích đến

5

14

0

0

3

Tìm hiểu chuyện gia thất

3

8

12

54

4

Nhận biết, bày tỏ tình cảm

9

24

6

27

5

Hỏi chung (nhiều nội dung)

6

16

1

5

Tổng cộng

37

100

22

100

 

2.2.  Nhìn vào Bảng 1 có thể thấy rõ mối quan tâm chung của cả giới nam và giới nữ khi tiếp cận đối tượng của mình. Cả hai bên đều muốn tìm hiểu những thông tin liên quan tới đối tượng như gia thế, lai lịch, chuyện gia thất, đồng thời cũng muốn qua lời hát hỏi để xác định tình cảm của đối tượng dành cho mình và ít nhiều hé mở tình cảm của mình dành cho đối tượng. Tuy nhiên, vẫn dễ dàng nhận thấy điểm khác nhau giữa giới nam và giới nữ trong lời hát hỏi:

          Thứ nhất, ở đây có sự trái ngược nhau về tỷ lệ tần số xuất hiện lời hát hỏi tìm hiểu gia thế, lai lịch và tìm hiểu chuyện gia thất trong lời nam và lời nữ. Nếu như bên nữ thiên về hỏi gia thế, lai lịch (38% với 14/37 lời) thì bên nam thiên về hỏi chuyện gia thất (54% với 12/22 lời).

Thứ hai, riêng nội dung tìm hiểu nguyên do, mục đích đến chơi thì không hề có ở lời hát hỏi của bên nam mà chỉ xuất hiện ở lời hát hỏi của bên nữ (14% với 5/37 lời).

Thứ ba, lời hát hỏi để nhận biết tình cảm đối tượng của giới nam và giới nữ khá cân bằng về tỷ lệ tần số xuất hiện (lời nữ là 24% với 9/37 lần xuất hiện; lời nam là 27% với 6/22 lần xuất hiện). Tuy nhiên, đi vào nội dung cụ thể các lời hát, giới nam và giới nữ có những mối quan tâm khác nhau. Phần lời hỏi của nam đề cập tới lòng chung thuỷ (Thân em như tấm lụa đào - Còn nguyên hay đã xé vuông nào cho ai?); thăm dò thái độ, tình cảm của đối tượng (…Có ai như bạn, giúp ta một người?; Trăng kia đã đến hôm rằm hay chưa? Hỏi vườn trúc ấy có còn măng không?) . Ở phần lời hỏi của nữ chủ yếu tập trung vào hai nội dung: 3/9 lời băn khoăn về tình cảm của đối tượng (Biết rồi có đỗ chốn này hay không?; Hay chàng còn mắc mối dây chốn nào?; Cao bay xa chạy đã tròn vòng gương chưa; ?); 4/9 lời hát hỏi để trách đối tượng bội bạc (Anh đà có vợ có con - Như đọi nước cúng ai dám chon tay vào; Mấy lâu anh mắc chi nhà - Để em ra đứng vườn hoa trông chừng?; Mấy lâu anh nhởi chốn mô - Chốn ni anh bỏ cơn khô lá vàng?; Mấy lâu anh mắc công chi - Để em nhắn gửi thư đi tờ về?).

Qua xem xét những khác biệt trên đây có thể hiểu thêm nét đặc trưng ngôn ngữ giới tính. Chẳng hạn như sự quan tâm tìm hiểu lí lịch, nguyên do, mục đích trong lời hát hỏi của giới nữ ít nhiều thể hiện một số nét tính cách riêng của họ. Đó là sự tò mò (muốn biết người khách mà mình tiếp chuyện là ai?); là sự cẩn trọng trong giao tiếp (qua tìm hiểu gia thế, lai lịch ít nhiều cũng hiểu được đối tượng là người như thế nào, tên tuổi, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình ra sao; đến chơi với mục đích gì…) - dù rằng trong thực tế, càng về sau này, khi chặng hát đố, hát đối phát triển lại có sự tham gia của các nhà nho khiến cho việc ra lời đố khó hơn, phức tạp hơn thì các chàng trai ít khi trả lời chính xác về gia thế, lai lịch của mình. Đó còn là nét đẹp trong ứng xử của người phụ nữ xứ Nghệ: thích quan tâm tới người khác, muốn có sự chia sẻ với đối tượng (Mẹ già anh ở nơi nao - Để em tìm vào hầu hạ thay anh; Hỏi anh tên họ những chi - Nói cho em biết mai đi em chào); và quan trọng hơn cả là muốn đi đến đích của cuộc giao duyên. Mặt khác, qua nội dung lời hát hỏi hàm ý trách móc có thể nhận thấy ở giới nữ thường tiềm ẩn tâm trạng bất an - bất an vì không biết đối tượng giao duyên của mình có thật lòng không, bất an vì sợ bị lãng quên, sợ bị bỏ rơi.

Trong khi đó, các chàng trai lại quan tâm nhiều tới chuyện gia thất của đối tượng. Trong số 12 lời hỏi, họ chủ yếu tập trung xác định rõ đối tượng của mình đã có chồng hay chưa (Đã kết nguyền mô chưa? Chung tình ai chưa? Có chồng hay chưa?). Qua đó thể hiện thế chủ động và tính cách mạnh mẽ, thẳng thắn đến mức hơi thô của các chàng trai xứ Nghệ.

          2.3. Căn cứ vào xuất xứ và môi trường diễn xướng của HPV thì những điểm khác biệt trên đây cũng dễ lý giải bởi lẽ trong một cuộc HPV, bên nữ đóng vai trò chủ nhà (một nhóm các cô gái tập hợp nhau lại tại một điểm để kéo vải và hát), còn bên nam đóng vai khách (đến để hát giao duyên). Thông thường, khách (Các chàng trai) khi tìm đến chơi thì ít nhiều cũng đã có những thông tin về chủ (các cô gái), và điều họ muốn xác định rõ là đối tượng của mình đã thành gia thất (có chồng) hay chưa. Trong khi đó, với vai trò là chủ nhà, các cô gái hiểu (hoặc do mong muốn, hoặc do ý thức được) mục đích của các chàng trai tìm đến trước là để giao duyên, sau là tính bề gia thất (loại trừ một số trường hợp đến "đàn hát cho vui") và do đó họ băn khoăn nhiều hơn chính là ở lai lịch đối tượng (Mình đang trò chuyện với ai ?); nguyên do, mục đích của đối tượng khi tìm đến tham gia hát ví (Vì sao đến? Đến để làm gì?). Mặt khác, cũng có thể do quan niệm phong kiến, trong quan hệ tình cảm yêu đương, những người phụ nữ thường ở thế bị động, rụt rè, dè dặt; còn  giới nam hoàn toàn ở thế chủ động, tự tin, mạnh bạo.

  1. Đặc điểm ngôn ngữ giới tính qua cách thể hiện nội dung lời hát hỏi

          3.1. Trong đối đáp giao duyên, để đạt được đích giao tiếp (muốn có thông tin trả lời từ phía đối tượng), hành động hỏi thường sử dụng hai cách thể hiện nội dung lời hát hỏi: hoặc trực tiếp hoặc thông qua hình ảnh ẩn dụ.

          Cách hỏi trực tiếp là cách biểu hiện bằng những câu hỏi chứa nội dung cần hỏi cụ thể, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề.

Ví dụ:           Đến đây hỏi thật quê chàng,

Hỏi danh hỏi họ, hỏi làng làng chi?

 (HPV, trang 209)

Cách hỏi thông qua hình ảnh ẩn dụ là cách nói ẩn, ngụ ý xa xôi.

Ví dụ: Chim khôn ăn trái nhãn lồng

         Ngày ăn tối đỗ đã vào lồng ai chưa?

(HPV, trang 216)

Tuỳ vào từng ngữ cảnh, từng đối tượng giao tiếp mà tính hiệu quả của các cách hỏi nói trên được phát huy. Trong HPV cũng vậy, việc sử dụng cách thể hiện nội dung lời hát hỏi trực tiếp hay cách thể hiện nội dung lời hát hỏi thông qua hình ảnh ẩn dụ cũng có thể là cơ sở để tạo nên những điểm khác biệt giữa lời nam và lời nữ. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát, phân loại cách thể hiện nội dung lời hát hỏi của mỗi giới như sau:

Bảng 2: Cách thể hiện nội dung lời hát hỏi 

                   Vai hỏi

Cách hỏi

Lời nữ

Lời nam

Số lượt

Tỉ lệ (%)

Số lượt

Tỉ lệ (%)

Hỏi trực tiếp

14

38

13

59

Hỏi ẩn dụ

23

62

9

41

Tổng cộng

37

100

22

100

 

3.2. Bảng 2 cho thấy cả giới nam và giới nữ đều sử dụng cả hai cách thể hiện nội dung lời hát hỏi nhưng tỉ lệ tần số xuất hiện không đều nhau.

            Nếu như giới nam chuyên dùng cách hỏi trực tiếp (13/22 lời, chiếm 59 %) thì giới nữ lại chủ yếu dùng cách hỏi thông qua hình ảnh ẩn dụ (23/37 lời, chiếm 59%).

          Ngay trong từng nhóm nội dung, việc sử dụng cách hỏi ở lời hát hỏi của mỗi giới cũng có tỷ lệ khác nhau. Trong lời hát hỏi của giới nam, nội dung tìm hiểu chuyện gia thất chủ yếu dùng cách hỏi trực tiếp (8/12 lời, chiếm 67%); ở nội dung tìm hiểu gia thế, lai lịch, cách hỏi trực tiếp và hỏi thông qua hình ảnh ẩn dụ tương đương nhau (50%). Trong lời hát hỏi của giới nữ, cách hỏi ẩn dụ chiếm tỷ lệ lớn ở nội dung nhận biết tình cảm (6/8 lời, chiếm 75 %), còn ở nội dung tìm hiểu gia thế, lai lịch, cách hỏi trực tiếp lại chiếm ưu thế hơn (8/14 lời, chiếm 57%).

          Có thể thấy sự lựa chọn cách thể hiện nội dung lời hỏi đã phản ánh khá rõ đặc điểm giới tính cũng như chiến lược giao tiếp của mỗi giới. Giới nam thường dùng lối hỏi trực tiếp để tìm hiểu chuyện gia thất của đối tượng (Hỏi nàng đã có chồng chưa chưa? Hỏi thăm thục nữ đã kết nguyền mô chưa?…). Sự bộc trực, thẳng thắn ấy xuất phát từ thế chủ động, tính cách mạnh bạo, thái độ tự tin của người con trai. Trong khi đó, ở giới nữ, phương thức hỏi trực tiếp chủ yếu được dùng để hỏi về gia thế, lai lịch bởi đây là phần hỏi có tính chất xác định rõ đối tượng. Điều này hoàn toàn hợp với logic giao tiếp cũng như tính cách của phụ nữ (tò mò, muốn biết ngọn ngành cụ thể). Còn khi đã chuyển sang phần tìm hiểu chuyện gia thất và nhận biết tình cảm của đối tượng, các cô gái lại trở nên rụt rè, dè dặt. Do đó họ thường dùng cách nói ẩn dụ, kín đáo, tế nhị (Đầu dây múi nhợ xe rồi hay chưa? Sông Ngân chàng đã bắc cầu hay chưa?).

  1. Kết luận

          4.1. Hát hỏi là một nội dung khá hấp dẫn trong hát đối đáp giao duyên của ca dao dân ca nói chung và HPV Nghệ Tĩnh nói riêng. Ở bất kỳ một thể hát đối đáp giao duyên nào, các vai giao tiếp cũng đều phải sử dụng lời hát hỏi để tìm hiểu thông tin về đối tượng, xác định rõ đối tượng của mình (tên tuổi, quê quán, hoàn cảnh gia đình, ý định khi tham gia cuộc hát…) rồi chính những thông tin ấy sẽ giúp họ vượt qua chặng đầu tiên và bước vào các chặng khác còn lại: hát đố, hát đối để thử trí thông minh; hát mời, hát xe kết, hát tiễn để bày tỏ tình cảm. Rất tự nhiên, qua hành động hát hỏi, các chủ thể tham gia cuộc hát đã hướng mình vào những chuẩn mực giao tiếp để rồi bộc lộ một cách sâu sắc đặc trưng giới tính của mình.

          4.2. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi mới chỉ xem xét phần hát hỏi ở lời trao, chưa nghiên cứu lời đáp để có được một cái nhìn tổng thể và một sự đánh giá toàn diện về hiệu quả giao tiếp trong phần hát hỏi của một cuộc HPV Nghệ Tĩnh. Hy vọng trong thời gian tới, vấn đề này sẽ được đề cập tới ở một bài viết khác, qua đó góp phần lý giải một cách sâu sắc hơn, đầy đủ hơn những đặc trưng ngôn ngữ giới tính thể hiện trong hát hỏi nói riêng và HPV nói chung.

                                       

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Chung Anh (1958), Hát ví Nghệ Tĩnh, NXB Văn sử địa
  2. Nguyễn Nhã Bản (Chủ biên), Ngô Văn Cảnh, Phan Xuân Đạm, Nguyễn Thế Kỷ (2001), Bản sắc văn hoá của người Nghệ Tĩnh (Trên dẫn liệu ngôn ngữ), NXB Nghệ An.
  3. Nguyễn Ngọc Dũng (2005), Ngữ nghĩa hành vi trao - đáp trong ca dao trữ tình, Luận văn thạc sĩ ngữ văn - ĐHV.
  4. Ninh Viết Giao (2002), Hát phường vải, NXB Văn hoá thông tin.
  5. Lê Đức Luận (2000) "Phương thức tạo lời thoại trong ca dao dân ca Việt Nam, Hội ngôn ngữ học Việt Nam, Ngữ học trẻ.

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
28156
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26949
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
23961
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18853
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18624
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
12198
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
12032
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9159
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Tiếng Việt Phổ thông
6060
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Ngôn ngữ - Văn hóa
5590
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5583
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5501
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Anh
4152
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3327
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
3156
Từ cũ và từ Hán Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 05/09/2021 12:05:39
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo