NGUYỄN KIM THẢN - Chân dung một người khai phá

Ngôn ngữ - Văn hóa
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 1167 22/07/2021 19:45:50

NGUYỄN KIM THẢN - CHÂN DUNG MỘT NGƯỜI KHAI PHÁ

                            PGS. TS. Phạm Văn Tình

 

 

PGS Nguyễn Kim Thản (1926-1995)

 

18-11-1996, hôm nay là tròn một năm PGS Nguyễn Kim Thản ra đi. Tính theo âm lịch thì đã qua giỗ đầu của ông. Tôi chầm chậm bước lên cầu thang tầng năm nhà E8, Khu tập thể Văn Chương, Hà Nội, nơi có căn phòng của PGS Nguyễn Kim Thản. Trước đây đã rất nhiều lần tôi đến ngôi nhà này, có lúc chỉ đến chơi, nhưng chủ yếu là đến vì công việc. Lúc đó, PGS Nguyễn Kim Thản là Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống (của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam). Cơ quan của Hội ở xa, lại quá chật hẹp, việc đi lại bằng xe đạp của ông rất khó khăn, vì vậy chúng tôi thường trao đổi trực tiếp với ông tại nhà. Nhiều lần thấy tôi vất vả đi lại, ông ái ngại nói: “Mình rất khổ tâm khi thấy cậu phải đội mưa đội gió đi như thế này. Cũng vì ngành mình, Hội mình còn nghèo quá... Thôi ta đành phải cố gắng rồi trông chờ vào một sự đổi thay nào đó, may ra cải thiện được điều kiện của chúng mình ...”. Ấy vậy mà tôi không hề quản ngại, vì mỗi cuộc tiếp xúc với ông, bao giờ cũng đem lại cho tôi một niềm vui, một cái gì phấn chấn khó tả...

Vậy mà, một năm đã qua rồi... Tôi ngắm nhìn căn phòng nhỏ bé của ông còn bề bộn những sách. Bà Nguyễn Kim Thu - vợ ông - đang cặm cụi xếp lại các bộ sách, các bộ từ điển đủ loại theo một hệ thống của riêng bà. “Tôi cứ xếp đại theo ý tôi cho gọn, để nếu cần tôi tìm cho dễ. Mất nhiều công lắm anh ạ, vì sách của ông ấy đủ loại, tôi không hiểu hết... Nhưng bây giờ, ông ấy mất rồi, phải thu thập lại...” - Bà Thu vừa làm vừa nói thế. Tôi thật ngạc nhiên, không hiểu sao mà số lượng sách của ông lại còn nhiều đến thế, vì tôi biết cách đấy hơn chục năm, chính căn phòng này của ông bị hoả hoạn tàn phá. Đồ đạc, sách vở cháy gần hết. Những sách tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh và đặc biệt là các bộ từ điển bách khoa lớn của thế giới như Larousse (Pháp), Americana, Westers (Mỹ), Oxford (Anh), СЭС (Nga)... thật là quý (Nhiều thư viện chuyên ngành đã đặt vấn đề xin được mua lại với giá cao để có thể sở hữu khai thác vốn tư liệu quý này nhưng gia đình không đồng ý. Gia đình muốn lưu giữ những kỉ vật cuối cùng trong sự nghiệp khoa học của ông). Tôi bồi hồi ngắm những chồng sách và nhớ lại những gì tôi biết, tôi hiểu và hình dung về con người ông, người mà tôi từng có thời gian làm việc, gắn bó cho đến cả những giây phút cuối cùng trước lúc ông đi xa.

 NHỮNG THÁNG NGÀY GIAN KHÓ

PGS Nguyễn Kim Thản kể với tôi là, lúc đầu cuộc đời ông không hề có duyên nợ gì với ngôn ngữ hay văn chương cả. Ông vốn dĩ là một cán bộ làm công tác Đảng, làm tới chức Bí thư huyện uỷ Huyện Kim Thành, Hải Dương, rồi Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ... Nhớ lại chuyện đó ông hay nói đùa: “Nếu mình cứ tiếp tục con đường này dễ có khi bây giờ mình vào Trung ương rồi cũng nên. Lúc đó các cậu muốn gặp tớ cũng khó đấy!”. Kể cũng lạ cho cho bước đường công danh sự nghiệp của ông. Có ai ngờ từ một cán bộ hành chính công chức, ông lại trở thành một trong những nhà ngôn ngữ học đầu ngành. Chính nhờ có sự phân công của Đảng, ông được cử đi học ngữ văn và sau đó làm chuyên gia Việt Nam giảng dạy tại các trường đại học ở Bắc Kinh, Trung Quốc (từ năm 1950 đến 1957). Những ngày ở Trung Quốc, ông nóng lòng muốn về Việt Nam để góp sức mình cho cuộc kháng chiến, nhất là khi biết tin ngay tại Chiến khu Việt Bắc, Ban Văn - Sử - Địa (tiền thân của Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam rồi Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia sau này) đã được thành lập theo quyết định của Trung ương. “Nghe tin Ban Văn - Sử - Địa thành lập mình vui lắm, nhất là ban này do ông Trần Huy Liệu phụ trách. Chà, ông này thì quả là một kho tri thức. Mà toàn là tự học thôi nhé. Có lần ông Trần Huy Liệu kể với mình, hồi ông bị tù ở Côn Đảo, ông đạt ra nhiệm vụ mỗi ngày học thuộc 120 từ trong Từ điển Larousse (Một từ điển nổi tiếng của Pháp - PVT). Thế mà ông làm được mới tài... Quả là Lê Quý Đôn tái thế”. Từ nước ngoài, ông lần lượt gửi bài cho Tạp chí Văn - Sử - Địa  và vì vậy, khi trở về nước GS Trần Huy Liệu thiết tha mời ông cộng tác. Thời kì ấy cuộc sống khó khăn thiếu thốn đủ điều. Hoà bình lập lại chưa được bao lâu, đất nước còn bao điều phải lo. GS Trần Huy Liệu thật thà tâm sự : “Tôi rất muốn anh về cộng tác. Nhưng nói thật, anh về đây thì phải tự lo liệu lấy chỗ ăn ở đấy. Chúng tôi chưa lo được đâu ...”. Rồi ông được phân về Viện Văn học (do GS Đặng Thai Mai làm Viện trưởng), làm ở Tổ Ngôn ngữ, một bộ phận của Viện. Chính từ đây ông đã viết và cho công bố một công trình ngôn ngữ học đầu tiên và nổi tiếng nhất của ông:  Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt (NXB Khoa học, tập 1: 1963, 436 trang; tập 2: 1964, 292 trang, NXB Giáo dục tái bản 1977, 638 trang). Đây quả là một công trình đồ sộ về dung lượng nhưng điều quan trọng là qua cuốn sách này, ông đã nghiên cứu và miêu tả một cách hệ thống nhất mọi vấn đề liên quan tới tiếng Việt: từ, từ loại, cú pháp, v.v. Điều kì lạ là đã gần bốn chục năm trôi qua mà những tư tưởng học thuật của cuốn sách vẫn còn rất nhiều điều bổ ích đối với giới ngôn ngữ học. Đành rằng nhiều quan điểm học thuật của ông chịu ảnh hưởng khá nhiều của ngữ pháp châu Âu, nhất là ngữ pháp Pháp, nhưng tính hệ thống cũng như cách thức miêu tả chặt chẽ của tác giả đã giúp ích rất nhiều cho những người nghiên cứu sau này về phương pháp luận nói chung. Các phương pháp tiếp cận cũng như các kết luận học thuật của cuốn sách vẫn giữ được sức sống lâu bền của mình. Với một hoàn cảnh khó khăn nhiều bề về cuộc sống vật chất, tư liệu khoa học, không khí nghiên cứu lúc bấy giờ... thì việc công bố một công trình như vậy quả là một nỗ lực phi thường, đáng khâm phục.

Nhưng rồi chiến tranh phá hoại của Mỹ nổ ra ở miền Bắc. Ông cùng đồng nghiệp ở Uỷ ban Khoa học xã hội khăn gói đi sơ tán lên vùng rừng núi Hiệp Hoà, Hà Bắc. Cùng ăn cơm sắn, cùng lên nương trồng, trồng lúa, trồng khoai... với đồng bào. Dĩ nhiên là vẫn phải đảm đương công việc chuyên môn đang canh cánh bên lòng. Đó là việc biên soạn cho xong cuốn bộ Từ điển tiếng ViệtNgữ pháp tiếng Việt, hai công trình quan trọng làm nền móng cho việc dạy - học tiếng Việt ở nước Việt Nam thời kì mới - điều mà trước đây chưa hề được nghĩ tới chứ chưa nói tới chuyện làm một việc gì, dù nhỏ. Chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó trực tiếp chỉ thị cho giới ngôn ngữ học phải thực hiện ngay nhiệm vụ này. Khi nhớ lại, PGS Nguyễn Kim Thản bồi hồi xúc động kể: “Quả là một nhiệm vụ đầy trọng trách. Nhưng nói thật với các bạn, lúc đó bọn mình lo lắm. Vừa lo cho cuộc sống, cho cuộc chiến đấu sống còn của dân tộc, vừa phải bắt tay vào làm nghiên cứu biên soạn với hai bàn tay trắng. Sách vở, bút mực còn thiếu thì nói sao làm tốt được. Rồi đào hầm chống bom, dựng lán, làm mọi việc cùng nhân dân... Có hôm máy bay Mỹ ném bom gẫn chỗ bọn mình, lán cháy đỏ rực... Đêm cũng không dám thắp đèn sợ lộ. Ấy thế mà mọi người vẫn tìm ra cách có ánh sáng để làm việc ban đêm”. Ông cười và đọc cho chúng tôi nghe bài vè mà hồi đó anh em tổng kết về đặc điểm của các nhà ngôn ngữ theo các chuyên ngành khác nhau : “Hăng say ngữ pháp (làm ngữ pháp rất khó, phải mạnh dạn mới dám làm), ba láp tu từ (mấy vị tu từ học rất láu lỉnh, hay pha trò), lừ đừ dân tộc (anh em làm ngôn ngữ dân tộc rất kín đáo, ít lời), lộc cộc ngữ âm (tổ ngữ âm thường phải mang theo máy móc ghi âm lỉnh kỉnh), lâm râm từ điển (mấy anh làm từ điển hay ngồi một chỗ lẩm bẩm như cầu nguyện để tìm ra định nghĩa sao cho thích hợp). Trong những tháng ngày gian khó ấy, ông đã cùng anh em hoàn tất các công trình ngôn ngữ, trong đó có bộ Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam (Vũ Ngọc Phan), v.v. vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay.

“HAI” VỊ TỔNG BIÊN TẬP ĐẦU TIÊN

Trong cuộc đời hoạt động ngôn ngữ học của mình, PGS Nguyễn Kim Thản là người duy nhất hai lần làm Tổng biên tập đầu tiên cho hai tờ tạp chí cùng chuyên ngành: Tờ Ngôn ngữ và tờ Ngôn ngữ & Đời sống.

 Cách đây 31 năm (1969), sau một thời gian chuẩn bị, Viện Ngôn ngữ học quyết định cho ra mắt tờ Tạp chí Ngôn ngữ, một diễn đàn chung cho ngành ngôn ngữ học Việt Nam còn non trẻ. Đây là nỗ lực to lớn của mọi anh chị em - những nhà ngôn ngữ học đầu đàn, như Nguyễn Khánh Toàn, Hoàng Tuệ, Hoàng Phê, Nguyễn Tài Cẩn, Đỗ Hữu Châu, Đái Xuân Ninh, Cù Đinh Tú, Tạ Phong Châu... Thực tế ngành ngôn ngữ học Việt Nam đã thực sự hình thành và đã có những bước tiến mạnh mẽ từ những năm sáu mươi mà người đi tiên phong là GS Nguyễn Tài Cẩn. Ông đã có nhiều đóng góp đáng kể cho giới ngôn ngữ bằng tài năng, sức lực và tâm huyết của mình. Theo lời PGS Nguyễn Kim Thản, tạp chí Ngôn ngữ đang chuẩn bị ra số đầu (9-1969) thì Bác Hồ mất. Thật là một cái tang lớn chung cho toàn dân tộc, nhưng với những người làm công tác ngôn ngữ thì còn là một nỗi niềm thương tiếc vô cùng lớn lao. Bác (và Thủ tướng Phạm Văn Đồng) vốn là những người rất quan tâm tới tiếng Việt và việc giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc. Vì vậy, anh em trong Viện muốn Bác chia sẻ niềm vui của mình khi tạp chí ra số đầu. Thế nhưng, báo chưa kịp ra thì Bác đã ra đi vĩnh viễn. Ông Thản nói: “Thật đau buồn, số tạp chí đầu tiên lại là số đăng tin Bác Hồ mất và Di chúc của Bác. Đây là điều ân hận và nuối tiếc lớn nhất của chúng mình. Thật đau xót biết bao khi nguyện vọng tặng Bác số đầu của Tạp chí không bao giờ thực hiện được...”

Tạp chí Ngôn ngữ, số đầu tiên in rất dày dặn, chững chạc (108 trang khổ 16x24) với hàng loạt bài của các nhà ngôn ngữ đầu ngành. Và PGS Nguyễn Kim Thản đã có bài nghiên cứu dài, đặt vấn đề về việc tập trung biên soạn một quyển ngữ pháp tiếng Việt phổ thông - một nhu cầu, một nhiệm vụ luôn canh cánh bên lòng của ông và của bao người. Nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao cho là đồng thời phải biên soạn các bộ sách ở các lính vực xã hội chính yếu: Lịch sử Việt Nam, Địa lí Việt Nam, Từ điển tiếng Việt, Ngữ pháp tiếng Việt... Đó là những bộ sách làm nên quốc hồn, quốc tuý đối với một dân tộc. Cách mạng Tháng Tám thành công mở ra những chân trời mới cho khoa học, nhưng cũng đòi hỏi tiếng Việt phải phát triển ngang tầm thời đại. Cuộc sống đòi hỏi các nhà ngôn ngữ bao điều vừa to lớn, vừa quan trọng, vừa cấp bách...

“Trước hết là phổ cập, trên cơ sở phổ cập mà nâng cao” - PGS Nguyễn Kim Thản luôn luôn nhắc đi nhắc lại lời căn dặn của Bác khi tập trung xây dựng tờ Tạp chí Ngôn ngữ. Ông lấy đây là nơi tập hợp các ý kiến, các trí tuệ, các thành tựu ngôn ngữ học nước nhà, từ đó mà tiếp tục thực thi các nhiệm vụ trọng tâm. Và thật không ngờ, tờ Ngôn ngữ trở thành một trong những tờ tạp chí chuyên ngành có uy tín khoa học cao trong lĩnh vực khoa học xã hội. Giờ đây, mọi người vẫn ngạc nhiên và khâm phục các bài viết của tạp chí đã ra đời từ hàng chục năm nay, của bao nhiêu thế hệ, trong những tháng ngày gian khổ. Năm 1999, Tạp chí đã kỉ niệm 30 năm ngày thành lập với công trình Tổng mục lục 1969-1999, với hơn 1.300 bài viết của hàng trăm tác giả, hệ thống theo các hướng nghiên cứu khác nhau. Quả là một thành tựu to lớn, đáng tự hào mà trong đó, mọi người không thể nào quên công sức của PGS Nguyễn Kim Thản - vị Tổng biên tập đầu tiên.

Thế nhưng... lùi lại 5 năm so với cái mốc này (1999), PGS Nguyễn Kim Thản lại trở thành vị tổng biên tập đầu tiên của một tờ ngôn ngữ khác: Ngôn ngữ & Đời sống (trực thuộc Hội Ngôn ngữ học Việt Nam). Hội Ngôn ngữ đã thành lập từ năm 1990, nhưng vẫn chưa ra được một tờ tạp chí của riêng mình. Vì Hội là một tổ chức tự nguyện, điều kiện kinh phí rất khó khăn. Lúc đó, Hội rất cần một người có đủ uy tín và năng lực để đứng ra lo việc ra tạp chí. Xin phép ra thì dễ đấy, nhưng ra rồi thì lấy gì duy trì cho nó tồn tại. Nào trụ sở, lực lượng biên tập, tiền in ấn, phát hành... Chưa có ai có kinh nghiệm về việc này cả. Sau bao ngày tháng tìm tòi, cân nhắc, cuối cùng Hội đành phải gõ cửa nhờ PGS Nguyễn Kim Thản - lúc này đã nghỉ hưu mấy năm rồi - đứng ra “lãnh ấn tiên phong”. Tưởng là có thể an trí tuổi già, ai dè “cái nghiệp” vẫn chưa “buông tha”, PGS Nguyễn Kim Thản lại cùng anh em lo dựng lại cơ nghiệp từ đầu, đúng là hoàn toàn bằng con số không.

Tạp chí đầu tiên không có trụ sở. Ngay cả đến Hội Ngôn ngữ cũng không có nổi một căn phòng nhỏ để trực tạm chứ nói gì đến Tạp chí. Hội chỉ có một hòm thư liên lạc duy nhất là 53 Nguyễn Du - trụ sở của Liên hiệp các Hội Khoa học và kĩ thuật Việt Nam. Rồi sau Hội thuê tạm một phòng ở 25 Hàn Thuyên, nhưng trực tuần có hai buổi. Chúng tôi, những cán bộ “biên chế ngoài” (tức là ăn lương cơ quan khác làm việc cho Hội), được điều động làm cho Tạp chí tuỳ theo công việc. Họp hành cũng tuỳ hứng, rỗi thì họp, còn không thì lại quay về cơ quan chính để làm. PGS Nguyễn Kim Thản thường nói đùa: “Các cậu là các biên tập “chui”! Chỉ có tớ là Tổng biên tập chính danh thôi đấy!”. Làm việc thì chủ yếu ở nhà riêng. Hôm thì ở nhà này, mai nhà khác. May mắn nhờ ai đó có cơ quan rộng cho mượn tạm một buổi thì quá “hên”. Có chỗ ngồi, có nước nôi, có khi có cả rượu uống... đàng hoàng. Điện thoại tha hồ gọi. Tuy nhiên, nơi làm việc thường xuyên nhất vẫn là nhà Tổng biên tập, vì ở đó tiện nhất. Hơn nữa PGS Nguyễn Kim Thản lại không có phương tiện như người khác. Lúc nào cũng cái xe đạp lọc cọc thì đi đâu cũng ngại, và rồi anh em lại phải đợi chờ. Vì vậy mà anh em thông cảm, cố gắng quá bộ đến nhà ông để ông khỏi phải đi. Tôi nhớ nhiều lần, khi tôi đến, ông nhất quyết không để cho tôi gửi xe, sợ tốn tiền. Ông nhờ bà xuống tận sân đứng trông để tôi lên làm việc. Có hôm phải làm việc quá lâu mới xong tôi rất áy náy. Nhưng ông gạt đi: “Cậu cứ làm cho xong đi. Bà ấy nhà mình quen việc này rồi, đừng ngại. Mỗi tuần đến mấy lần thế này mà gửi xe thì tốn tiền lắm...”. Tôi thật chẳng còn biết nói thế nào, đành phải cố gắng làm việc cho nhanh để bà Thu (vợ ông) khỏi chờ lâu.

Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống ra đời cũng rất chật vật. Số đầu tiên Hội chỉ có thể cấp kinh phí 2 triệu đồng (in cỡ 13 x 19cm, 1.000 bản). Nhưng khi ra đời, ngay lập tức nó đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc, nhất là các bậc cao niên, các giáo viên, học sinh. PGS Nguyễn Kim Thản đã định hướng rất rõ tính chất phổ cập tri thức của tờ tạp chí này. Ông nói: “Ngành mình đã có một tờ Ngôn ngữ rồi, ta lại ra một tờ nữa thì phải khác đi về tôn chỉ mục đích. Mình sẽ không viết những gì “hàn lâm” quá, phải tập trung vào những vấn đề có tính thời sự ngôn ngữ, như cách dùng một vài từ mới, chính tả, viết hoa, viết tắt... Hơn nữa, bài viết sao cho ngắn gọn, dễ hiểu mà phải vui. Người ta cứ ăn mãi một món thì cũng chán. Nên có các tranh vui, nụ cười ngôn ngữ cho dí dỏm, hài hước. Các cậu nên nhớ tờ Ngôn ngữ & Đời sống của chúng ta mang tính magazine (báo) hơn là riview hay journal (tạp chí)”. Đây là những định hướng rất quan trọng đối với bước đường đi tới của tạp chí sau này.

Sau khi ra số thử nghiệm (1992), PGS Nguyễn Kim Thản bắt tay ngay vào việc cho ra báo định kì bằng việc cho ra tiếp 2 số đặc san (1993), và đầu năm 1994 mọi việc chuẩn bị xin phép Bộ Văn hoá Thông tin cho ra tạp chí chính thức đã hoàn tất. Có thể nói phải qua khá nhiều trăn trở, nhiều cuộc họp, nhiều cuộc tiếp xúc. Và việc Hội Ngôn ngữ bắt đầu ra mắt Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống vào tháng 6 năm 1994 là một thành công lớn, một cái mốc trong việc truyền bá các hoạt động của Hội. Sự kiện này làm nhiều người ngạc nhiên, ngay cả một số hội viên của Hội. Thực tế thì còn rất nhiều hội trong Liên hiệp Hội Khoa học kĩ thuật thành lập lâu rồi mà vẫn chưa ra được tạp chí, mặc dù điều kiện vật chất của họ khá hơn nhiều ...

Công việc đang tiến triển với nhiều triển vọng. Tạp chí từ 3 tháng 1 số đã bắt đầu ra định kì 2 tháng. Bài vở, nội dung khá dần dần. Và hình thức cũng khá lên. Độc giả chưa nhiều nhưng cũng đã tăng dần lên. Đại hội lần thứ II của Hội Ngôn ngữ học đã đánh giá cao sự nỗ lực của Tạp chí. Hội quyết định bầu PGS Nguyễn Kim Thản vào Thường vụ Ban chấp hành khoá mới, đảm trách toàn bộ công tác Tạp chí (dự kiến sẽ tăng 1 tháng 1 số). Nhưng thật không ngờ...

15h20 ngày 18-10-1995, khi đang chuẩn bị cho nội dung số tạp chí cuối năm, PGS Nguyễn Kim Thản đã đột ngột ra đi sau một cơn nhồi máu cơ tim đột ngột. Bất ngờ hơn cả là thời kì này ông tỏ ra sung sức và sức khoẻ khá hơn nhiều so với trước (Có lẽ vì thế mà ông đã có phần chủ quan). Cú đột quỵ có thể do nhiều lí do, nhưng phần nào cũng là do một tuần làm việc quá sức của ông...

Thế là vị Tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống đã ra đi. Ra đi với bao điều dang dở ...

Ý TƯỞNG VỀ MỘT CUỐN TỪ ĐIỂN BÁCH KHOA

Có lẽ đa số mọi người chỉ biết PGS Nguyễn Kim Thản là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ chứ ít ai biết ông còn là một nhà từ điển, và hơn nữa, một nhà từ điển bách khoa.

Từ điển bách khoa (còn gọi là từ điển tri thức) có thể nói còn quá xa lạ với độc giả Việt Nam. Do điều kiện và hoàn cảnh, chúng ta chưa có một công trình bách khoa xứng tầm với sự phát triển của khoa học nước nhà. Vì vậy, năm 1981, khi Ban Từ điển Bách khoa (thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam) thành lập, ông được phân công làm Trưởng ban - sau này khi thành lập, ông được Lãnh đạo Uỷ ban KHXH quyết định làm quyền Viện trưởng, Uỷ viên Hội đồng quốc gia biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam. Trong 5 năm làm việc ở đây, PGS Nguyễn Kim Thản đã bắt đầu xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và đặc biệt là nền tảng lí luận (gọi là bách khoa thư học) để tiến tới biên soạn một cuốn từ điển bách khoa theo đúng nghĩa của nó.

PGS Nguyễn Kim Thản kịch liệt phản đối quan điểm cho rằng, cứ có nhiều nhà khoa học là có thể tiến hành làm từ điển bách khoa (cũng giống như cứ có người giỏi ngoại ngữ là có thể làm từ điển song ngữ). Ông đưa ra các nguyên lí có tính nguyên tắc cho việc biên soạn loại sách này :

  1. Từ điển Bách khoa phải tổng hợp được tri thức đúng nhất của nhân loại của dân tộc tại thười điểm công bố.
  2. Từ điển Bách khoa phải có tính hệ thống, cấu trúc chặt chẽ, chuẩn mực về tri thức, diễn đạt và ngôn ngữ ...

Nhận thấy được thực trạng về hiện tại, PGS Nguyễn Kim Thản đã có đóng góp rất nhiều trong việc “khuấy” lên một thái độ, một định hướng cho công việc này. Nhiều hội thảo, các cuộc trao đổi bàn bạc đã được tiến hành. Ông còn cho xuất bản tờ tạp chí không định kì Từ A đến Z, coi đó như một ấn phẩm thử nghiệm nhằm tạo tiền đề và thăm dò dư luận trong công chúng. Có thể nói, đó là một cách thức triển khai rất bài bản, khoa học, cần thiết. Những đóng góp của ông đã được mọi người ghi nhận và ít nhiều đã đóng góp cho việc biên soạn các cuốn Bách khoa thư và Từ điển Bách khoa sau này.

Trong đống sách vở, tài liệu của GS Nguyễn Kim Thản để lại, người ta ngạc nhiên là trong một thời gian chưa nhiều, ông đã tập hợp được một số lượng tài liệu lớn tới mức kinh ngạc, từ các cuốn từ điển các loại: Larousse (Pháp), Wester’s (Mỹ), Oxford (Anh), СЭС (Nga), đến những cuốn từ điển bách khoa mới đây của Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ... theo nhiều chủng loại, cỡ... Các phiếu tư liệu còn dở dang thì nhiều không kể xiết (ông đang có dự định đưa vào máy vi tính). Thật đáng tiếc là những ý tưởng về việc biên soạn một cuốn Từ điển Bách khoa Việt Nam mới còn nằm trong dự định. Những năm cuối cùng này, ông đang hợp tác với một số nhà khoa học (Nam và Bắc) để biên soạn một Từ điển Bách khoa Việt Nam ngắn (quãng 1.000 trang), làm tiền đề cho bộ Từ điển Bách khoa sau này.

     VÀI NÉT VỀ TIỂU SỬ PGS. NGUYỄN KIM THẢN

Tên thật: Nguyễn Kim Thản

Bút danh: Hồng Giao, Nguyên Kim, TKN, Khương Đình Nhân, Kim Thu, Hoàng Thanh, Nam Thắng ...

Sinh ngày: 6-7-1927 tại Khương Thượng, Hà Nội.

Vào Đảng Cộng sản Đông Dương 1946.

Từ 1946 đến 1950, giữ các cương vị: Huyện uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Kim Thành, Chánh văn phòng Tỉnh uỷ Hải Dương, Uỷ viên Ban tuyên huấn Liên khu uỷ Khu 3.

Từ 1950 đến 1957, học tập và giảng dạy tại Trung Quốc.

Từ 1957 đến 1961, cán bộ giảng dạy Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Từ 1961 đến 1963, cán bộ giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Leningrad (Liên Xô).

Từ 1963 đến 1976, công tác tại Tổ Ngôn ngữ học (thuộc Viện Văn học) rồi Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ, Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ.

Từ 1976 đến 1981, chuyên viên của Viện Thông tin Khoa học xã hội.

Từ 1981 đến 1988, công tác tại Viện Từ điển Bách khoa với các cương vị: Trưởng ban Từ điển Bách khoa, Phó Viện trưởng, Quyền Viện trưởng Viện Từ điển Bách khoa.

Từ 1994 đến 1995, Uỷ viên BCH (khoá I), Uỷ viên Thường vụ Hội Ngôn ngữ học VN (khoá II), Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống.

               CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ 

  1. Bách khoa thư - Nguồn gốc, phân loại. Tạp chí Tri thức bách khoa, 1984, số 1, tr. 11-12 và 16.
  2. Bách khoa thư - Phác qua lịch sử từ cổ đại đến cận đại. Tạp chí Tri thức bách khoa, 1984, số 2, tr. 14-16.
  3. Bách khoa thư Điđơrô. Tạp chí Tri thức bách khoa, 1985, số 4, tr. 7 và 10.
  4. Bách khoa thư Xô viết - bách khoa thư mácxít - lêninnít đầu tiên trên thế giới. Trong: Khoa học xã hội - Thành tựu. Vấn đề. Triển vọng. UBKHXHVN, 1987, tr. 86-95.
  5. Bàn về việc chuẩn hoá tiếng Việt văn học ngày nay. Trong: Một số vấn đề ngôn ngữ học Việt Nam. H., Nxb ĐH và THCN, 1981, tr. 437-453.
  6. Bước đầu tìm hiểu một số chủ trương của Đảng đối với các ngôn ngữ, chữ viết ở Việt Nam. Tạp chí Ngôn ngữ, 1970, số 1, tr. 1-9. [Hồng Giao]
  7. Các bách khoa thư Việt Nam thế kỉ 18-19. Tạp chí Tri thức bách khoa, 1985, số 5, tr. 11-12. [Hồng Giao]
  8. Các ngôn ngữ chữ viết ở Việt Nam. Trong: Việt Nam - đất nước, lịch sử, văn hoá. H., Nxb Sự thật, 1991, tr. 105-138.
  9. Cần có một hệ thống phiên âm thống nhất tiếng Mường. Tạp chí Văn học Hoà Bình, 1971, số 7, tr. 59-63.
  10. Chung quanh vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Báo Giải phóng, 1976 (ngày 27-6), số 291, tr. 6.
  11. Cống hiến của Hồ Chủ tịch đối với sự phát triển của tiếng Việt hiện đại. Tạp chí Thông tin KHXH, H., 1980, số 6, tr. 27-34. Trong: Kỉ yếu Hội nghị khoa học về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỉ niệm lần thứ 90 ngày sinh của Người (1890-1980). H., UBKHXHVN, 1981, tr. 379-387.
  12. Cơ sở ngữ pháp tiếng Việt. NXB TP. Hồ Chí Minh, 1981, 241 trang.
  13. ĐọcKhảo luận về ngữ pháp Việt Nam” (xuất bản ở Huế). Tạp chí Văn học, 1965, số 7, tr. 91-97.
  14. Động từ trong tiếng Việt., Nxb KHXH, 1977, 270 trang.
  15. Góp phần tìm hiểu ngôn ngữ học dân gian về ngữ pháp tiếng Việt. Tạp chí Văn hoá dân gian, 1988, số 1+2, tr. 26-34.
  16. Góp phần tìm hiểu ngôn ngữ học dân gian về tiếng Việt. Tạp chí Văn hoá dân gian, 1986, số 2, tr. 3-8.
  17. Gợi ý về một số vấn đề có tính chất nguyên tắc chung quanh việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ. Báo cáo khoa học, Hội nghị Ngôn ngữ học toàn quốc, 1979. Trong: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ, t. 1, H., Nxb KHXH, 1981, tr. 103-111.
  18. Hội thoại thương mại Việt - Trung. H., NXB Thế giới, 1992, 296 trang.
  19. Khái luận ngôn ngữ học. H., NXB Giáo dục, 1961, 300 trang.
  20. Làm từ điển bách khoa. Báo Nhân dân, 1987 (ngày 13-12), tr. 3.
  21. Lê Quý Đôn và sự nghiệp biên soạn bách khoa thư ở Việt Nam. Trong: Lê Quý Đôn - nhà bác học thế kỉ XVIII (Kỉ yếu Hội nghị Chuyên đề về những cống hiến khoa học của Lê Quý Đôn), Sở Văn hoá và Thông tin Thái Bình, 1988, tr. 42-45.
  22. Lời ăn tiếng nói của người Hà Nội., Nxb Hà Nội, 1982, 116 trang.
  23. Lược sử ngôn ngữ học. 1. H., Nxb ĐH và THCN, 1984, 539 trang.
  24. Mấy ý kiến về việc nghiên cứu và biên soạn ngữ pháp Việt. Báo Giải phóng, 1976 (ngày 27-6), số 291, tr. 8. [Hồng Giao]
  25. Một giả thuyết nữa cần đặt ra về tên gọi Văn Lang. Báo Nhân dân, 1978 (ngày 15-4), tr. 3.
  26. Một số suy nghĩ bước đầu về các phương pháp nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt. Trong: Những vấn đề ngữ pháp tiếng Việt. H., Nxb KHXH, 1988, tr. 33-46.
  27. Một số suy nghĩ trong khi tìm hiểu di sản của Hồ Chủ Tịch về ngôn ngữ. Tạp chí Ngôn ngữ, 1970, số 2, tr. 1-5. Trong: Học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh. H., Nxb KHXH, 1980, tr. 25-34.
  28. Một số vấn đề về tiếng và chữ dân tộc. Tạp chí Văn học, 1964, số 12, tr. 65-72.
  29. Một số vấn đề về biên soạn một quyển Ngữ pháp phổ thông. Tạp chí Ngôn ngữ, 1969, số 1, tr. 36-65.
  30. Một vài nhận xét về các đặc điểm loại hình của tiếng Việt.

- Notes sur quelques caractéristiques typologiques du vietnamien. “Etudes vietnamiennes”, N0 40, Essais linguistiques, 1974, pp. 49-66.

- Notes on some typological characteristics of Vietnamese, “Vietnamese studies”, N0 40, Linguistic essays, 1974, pp. 48-64.

  1. Một vài ý kiến về dạy và học tiếng việt ở miền núi. Tạp chí Văn học, 1965, số 9, tr. 101-106.
  2. Một vấn đề trong hệ thống vần tiếng Việt: ưu hay iu”? Tạp chí Ngôn ngữ, 1973, số 1, tr. 49-52. [Hồng Giao]
  3. Ngành Ngôn ngữ học ở CHXHCN Việt Nam. Báo cáo tại Đại hội lần thứ III Hiệp hội các Hội đồng nghiên cứu Khoa học xã hội châu Á tại Manila, Philippines, 1979. Trong: Tạp chí Thông tin KHXH, 1979, số 10, tr. 59-63.
  4. Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt, 1. H., NXB Khoa học, 1963, 436 trang.
  5. Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt, t. 2. H., NXB Khoa học, 1964, 292 trang.
  6. Ngữ pháp tiếng Việt., NXB KHXH, 1983, 281 trang. [Đồng tác giả]
  7. Nhân vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ. Tạp chí Tổ quốc, 1960, số 164, tr. 13-15.
  8. Những vấn đề cơ bản của phạm trù động từ trong tiếng Việt (tóm tắt luận án). M., Viện HLKHLX, Viện các dân tộc châu Á, 1964, 32 trang (bằng tiếng Nga).
  9. Nói năng và năng nói. Báo Hà Nội mới, 1981 (ngày 15-2), tr. 3,4. [Hồng Giao]
  10. Nói và viết đúng tiếng Việt., NXB KHXH, 1967, 130 trang. [Đồng tác giả]
  11. Phác thảo Từ điển Bách khoa Việt Nam (cỡ nhỏ). Tạp chí Tri thức bách khoa, 1984, số 1,2, và 1985, số 3,4,5 (từ A đến Z). [Ban biên tập TĐBK]
  12. Phong cách ngôn ngữ và việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Báo Nhân dân, 1978 (ngày 24-6).
  13. Rèn luyện về ngôn ngữ. , NXB Khoa học, 1966, 71 trang.
  14. Sổ tay chính tả. Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1979, 385 trang. [Đồng tác giả]
  15. Sổ tay từ ngữ thường dùng (chính trị, kinh tế, văn hoá). NXB TP Hồ Chí Minh, 1980, 355 trang. [Đồng tác giả]
  16. Sự phản ánh một nét văn hoá vật chất cổ xưa vào tiếng Việt. Báo cáo khoa học, Hội thảo “Việt Nam - những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá “, H., 1992.
  17. Tham luận về cải tiến chữ Quốc ngữ. Trong: Vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ. H., Văn hoá, 1961, tr. 199-221.
  18. Thử bàn về một vài đặc điểm trong phương ngôn Nam Bộ. Tạp chí Văn học, 1964, số 8, tr. 87-95.
  19. Thử nhìn lại chặng đường lịch sử của tiếng Việt trong ba mươi năm qua. Tạp chí Ngôn ngữ, 1975, số 3, tr. 1-14.
  20. Thử tìm hiểu một số đặc điểm của tiếng Việt. Tạp chí Ngôn ngữ, 1974, số 1, tr. 41-50 và số 2, tr. 10-21. [Hồng Giao]
  21. Thử tìm nguồn gốc ngữ nghĩa của từ tốLạc”. Tạp chí Khảo cổ học, 1971, số 9, 10, tr. 51-55. Tr : Hùng Vương dựng nước, t. 4. H., NXB KHXH, 1974, tr. 143-141. [Nguyễn Kim Thản - Vương Lộc]
  22. Tiến tới biên soạn Bách khoa thư Việt Nam. Báo Quân đội nhân dân, 1985 (ngày 30-3), tr. 2.
  23. Tiếng Việt (La langue vietnamienne). Trong: Le Courrier du Vietnam (nouvelle série), 1976. số 49, tr. 19-21.
  24. Tiếng Việt của chúng ta. NXB TP Hồ Chí Minh, 1983, 147 trang.
  25. Tiếng Việt của chúng ta hôm qua và hôm nay. Báo Giải phóng, 1975 (ngày 25, 26-5), tr. 3. [Nguyễn Kim Thản & Võ Huỳnh Mai]
  26. Tiếng Việt, một ngôn ngữ thống nhất. Báo Nhân dân, 1975 (ngày 8, 9 và 10-12). Trong: Hội non sông. H., Thanh niên, 1976.
  27. Tiếng Việt phải chăng là một ngôn ngữ cụ thể? Tạp chí Tổ quốc, 1980 (tháng 3), số 402, tr. 20-22.
  28. Tiếng Việt trên con đường tiến lên của dân tộc. Tạp chí Tổ quốc, 1974, số 3, tr. 12-13.
  29. Tiếng Việt trên đường phát triển., NXB KHXH, 1982, 312 trang. [Đồng tác giả]
  30. Tìm hiểu chính sách ngôn ngữ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tạp chí Thông tin KHXH, 1980, số 1, tr. 28-36.
  31. Tình hình ngôn ngữ ở Việt Nam và công tác ngôn ngữ học ở Việt Nam dân chủ cộng hoà. Tạp chí Những vấn đề ngôn ngữ học. M., 1974, số 2, tr. 27-30 (tiếng Nga).
  32. Tính thống nhất của tiếng Việt. Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, 1976, số 4, tr. 10-12.
  33. Tổng quan về ngữ pháp tiếng Việt.

- Aperou sur la grammaire vietnamienne. Tr: Études vietnamiennes, N0 40. Essais linguistiques, 1975, pp. 157-232.

- An outline of vietnamese grammar. Tr: Vietnamese studies, 1975, N0 40. pp. 148-217.

  1. Trau dồi lời nói có văn hoá. Báo Hà Nội mới, 1976 (ngày 16-5), tr. 2. [Hồng Giao]
  2. Từ điển chính tả thông dụng., NXB Đại học và THCN, 1984, 344 trang.
  3. Từ điển Hán - Việt hiện đại. (Lê Văn Quán chủ biên). H., NXB Đại học và THCN, 1992, 94 trang. [Kim Hồng Giao, đồng tác giả]
  4. Từ góc nhìn dân tộc - ngôn ngữ học, thử xem xét một số hiện tượng tiếng Việt. Tạp chí Dân tộc học, 1980, số 1, tr. 28-32. Trong: Sưu tập Dân tộc học. H., Viện Dân tộc học, UBKHXHVN, 1980, tr. 114-117.
  5. Từ góc nhìn dân tộc - ngôn ngữ học, thử xem xét trật tự cú pháp trong tiếng Việt. Trong: Sưu tập Dân tộc học. H., 1981, tr. 201-204.
  6. Từ Hải mới - một thành tựu lớn của từ điển học Trung Quốc ngày nay. Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, H., 1992, tr. 65-73.
  7. Từ tấm gương sáng của Bác Hồ kính yêu đối với ngôn ngữ. Báo Giải phóng chủ nhật, 1976 (ngày 30-5), số 267, tr. 7.
  8. Từ việc dạy và học ngoại ngữ đến việc đào tạo biên - phiên dịch viên. Báo cáo khoa học, Hội thảo KH “Những vấn đề ngôn ngữ và dịch thuật”. H., Hội Ngôn ngữ học VN, 1993.
  9. Vài nét về hệ thống âm vị tiếng Mường và phương án phiên âm tiếng Mường. Tạp chí Ngôn ngữ, 1971, số 1, tr. 1-11.
  10. Vài nhận xét về cách bày tỏ ý phủ định trong tiếng Việt. Tạp chí Ngôn ngữ, 1972, số 2, tr. 12-20.
  11. Vài nhận xét về tên người Việt. Tạp chí Dân tộc học, 1975, số 4, tr. 68-80.
  12. Vài ý kiến về tiếng Việt hiện thời. Tập san Văn Sử Địa, 1957, số 26, tr. 61-81. [Hồng Giao]
  13. Vài ý kiến về việc dùng ngôn ngữ trong tác phẩm văn học. Tạp chí Nghiên cứu văn học, 1960, số 4, tr. 42-47.
  14. Văn hoá trong sự nói năng. Trong: Sáng tác Hà Nội, 1977 (tháng 11-12), tr. 85-88.
  15. Vấn đề chuẩn hoá tiếng Hán hiện đại. Thông tin KHXH, phần Ngôn ngữ học, 1977, t. 3, tr. 24-30.
  16. Vấn đề cụm từ. Tạp chí Ngôn ngữ, 1977, số 3, tr. 30-41.
  17. Vấn đề La tinh hoá chữ Thái. Tạp chí Ngôn ngữ, 1970, số 1, tr. 10-28.
  18. Vấn đề nói tắt trong tiếng Việt. Trong: Nghiên cứu ngôn ngữ học, t. 1 (Vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt). H., Nxb KHXH, 1968, tr. 68-82.
  19. Vấn đề viết tên riêng nước ngoài. Báo Khoa học và đời sống, 983, số 15, tr. 3.
  20. Về chính sách ngôn ngữ đối với các dân tộc ít người ở nước ta. Tạp chí Dân tộc học, 1977, số 2, tr. 1-11.
  21. Về tiếng nói vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong: Mấy đặc điểm văn hoá đồng bằng sông Cửu Long. H., Viện Văn hóa, 1984, tr. 142-155.
  22. Về việc chuẩn hoá tiếng Việt văn học ngày nay. Tạp chí Thông tin KHXH, 1979, số 4, tr. 85-94.
  23. Về việc nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt. Tạp chí Văn học, 1964, số 6, tr. 43-49. [Hồng Giao]
  24. Về việc xây dựng thuật ngữ khoa học bằng tiếng Việt. Trong: Những vấn đề ngôn ngữ học trong thuật ngữ khoa học kĩ thuật. M., Nxb Khoa học, 1970, tr. 95-101 (bằng tiếng Pháp và tiếng Nga). [Lê Khả Kế - Nguyễn Kim Thản]
  25. Việc biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam. Báo Nhân dân, 1982 (ngày 5-3), tr. 3,4. [Nguyễn Kim Thản - Nguyễn Trọng Báu]
  26. Việc xây dựng và cải tiến chữ viết cho các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Báo cáo khoa học, Hội nghị Kh tại Bắc Kinh - Trung Quốc, 1964 (bằng tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Trung Quốc).
  27. Yêu biết mấy tiếng của non sông đất nước. Tp Hồ Chí Minh, Báo Giải phóng, 1975 (ngày 26-7). [Nguyễn Kim Thản - Võ Huỳnh Mai]
  28. Từ điển Hán - Việt hiện đại. NXB Thế giới, 1994, 1.744 trang.
  29. Nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt (tái bản), NXB Giáo dục, 1997, 638 trang.
  30. Tuyển tập Nguyễn Kim Thản, NXB Khoa học xã hội, 2003, 726 trang.

 

 

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
28156
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26949
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
23961
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18853
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18624
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
12198
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
12032
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9159
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Tiếng Việt Phổ thông
6060
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Ngôn ngữ - Văn hóa
5590
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5583
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5501
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Anh
4152
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3327
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
3157
Từ cũ và từ Hán Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 05/09/2021 12:05:39
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo