Qua khảo sát từ chỉ nghề nông ở Nghệ Tĩnh, suy nghĩ về mối quan hệ giữa từ nghề nghiệp với phương ngữ và ngôn ngữ toàn dân

Ngôn ngữ - Văn hóa
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 941 22/07/2021 20:11:19

QUA KHẢO SÁT TỪ CHỈ NGHỀ NÔNG Ở NGHỆ TĨNH

SUY NGHĨ VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA TỪ NGHỀ NGHIỆP VỚI PHƯƠNG NGỮ VÀ NGÔN NGỮ TOÀN DÂN

                                                                                              PGS. TS. Hoàng Trọng Canh

                   Khoa Ngữ văn – Đại học Vinh 

 1. Trước sự tác động mạnh mẽ của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiều nghề thủ công truyền thống đã không còn tồn tại, hoặc mai một dần. Những nghề truyền thống lâu đời phổ biến rộng khắp trong nhiều vùng như nghề nông và nghề ngư đã góp phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam, ngày càng phát triển nhưng cũng đã và đang thay đổi nhiều. Cùng với sự thay đổi của đời sống kinh tế xã hội là sự thay đổi từ vựng dân tộc. Trong Việt ngữ học, cho tới nay có rất ít công trình được công bố nghiên cứu về từ nghề nghiệp, cho nên nghiên cứu từ nghề nghiệp là một đòi hỏi mang tính cấp thiết. Việc thu thập từ nghề nghiệp là một công việc cần được tiến hành trước hết, không chỉ góp phần cho thấy sự đa dạng của ngôn ngữ dân tộc mà còn đóng góp vào việc bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc. Về lí luận, nội dung khái niệm, đặc điểm từ nghề nghiệp, mối quan hệ giữa từ vựng nghề nghiệp với các thành phần từ vựng khác trong tiếng Việt (với từ địa phương, từ toàn dân) cho tới nay cũng còn chưa được làm rõ và có sự thống nhất trong giới nghiên cứu, cho nên việc thu thập và nghiên cứu từ nghề nghiệp cũng có những vướng mắc. Góp phần cùng các tác giả quan tâm tới từ nghề nghiệp trong tiếng Việt, viết bài này theo quan niệm của mình, chúng tôi mạnh dạn muốn làm rõ hơn nội dung khái niệm từ nghề nghiệp, mối quan hệ giữa lớp từ vựng nghề nghiệp và các thành phần từ vựng khác trong vốn từ tiếng Việt.

          2.  Từ nghiên cứu vốn từ ngữ nghề biển [1] và nay đang khảo sát từ ngữ nghề nông ở Nghệ Tĩnh, một trong khó khăn trong quá trình nghiên cứu mà chúng tôi gặp phải là xác định từ - đơn vị nào được xem là từ nghề nghiệp? Liên quan đến việc nhận diện, thu thập loại từ ngữ này là việc xác định nội dung khái niệm từ nghề nghiệp và làm rõ mối quan hệ giữa từ vựng nghề nghiệp với từ vựng địa phương, từ vựng toàn dân trong sự vận động của ngôn ngữ dân tộc. 

       Vốn từ của một ngôn ngữ bao chứa trong nó nhiều lớp từ vựng khác nhau. Nói cách khác, nếu vốn từ là một hệ thống thì trong vốn từ của ngôn ngữ dân tộc có nhiều tiểu hệ thống. Mỗi tiểu hệ thống như vậy cũng được xem là vốn từ nếu xét theo số lượng từ ngữ và mối quan hệ giữa các đơn vị từ vựng đó. Xét về phạm vi sử dụng, theo ranh giới địa lí, ta có vốn từ toàn dân, vốn từ địa phương. Nếu xét theo tính chất xã hội của người dùng, ta có vốn từ nghề nghiệp, vốn từ thuật ngữ, tiếng lóng, ... Việc xác định tư cách từ, quy từ về từng loại thì loại của từ chỉ là tương đối. Sở dĩ nói như vậy bởi khi phân loại, từ đã được trừu tượng hóa, cô lập khỏi những mối quan hệ khác. Vả lại, trải qua sử dụng, từ có thể  thay đổi về chức năng, phong cách, thay đổi phạm vi sử dụng, chuyển hóa từ loại này sang loại khác. Vốn từ toàn dân có được là do chúng được xây dựng, bổ sung từ nhiều lớp từ vựng khác nhau. Nói như vậy để thấy nếu xét từ nghề nghiệp theo cách đối lập một cách tuyệt đối (về mặt đồng đại cũng như lịch đại) với các lớp từ khác thì sẽ có nhiều vấn đề cụ thể khó rạch ròi làm chúng ta không khỏi không băn khoăn.

        2.1. Về khái niệm từ nghề nghiệp. Có thể nói, cho tới nay còn rất ít công trình nghiên cứu về từ nghề nghiệp. Quan niệm của các nhà Việt ngữ học về từ nghề nghiệp nói riêng từ vựng nghề nghiệp nói chung cũng còn chưa có sự nhất trí; dường như có hai cách hiểu rộng hẹp khác nhau về phạm vi sử dụng của loại từ này.

       Quan điểm của các tác giả Nguyễn Như Ý, Hà Quang Năng, Đỗ Việt Hùng, Đặng Ngọc Lệ sách Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học (1996), nhấn mạnh tính đặc trưng của từ nghề nghiệp. Theo các tác giả, từ ngữ nghề nghiệp là “các từ, ngữ đặc trưng cho ngôn ngữ của các nhóm người thuộc cùng một nghề nghiệp hoặc cùng một lĩnh vực hoạt động nào đó” [7, tr.389]. Nếu hiểu chặt chẽ theo nghĩa của từ đặc trưng thì rõ ràng những từ mang đặc trưng ngôn ngữ của người làm nghề đích thị là từ nghề nghiệp 100 % nhưng thật khó cho người vận dụng khái niệm này vào nghiên cứu từ nghề nghiệp. Những từ như thế nào thì gọi là đặc trưng cho ngôn ngữ của các nhóm người thuộc cùng một nghề? Liễu không biết những từ của nghề nông như: cày trở, cày ải, bón lót, bón thúc đòng,…nếu theo quan niệm trên, chúng có được xem là từ nghề nghiệp hay không? Từ một hướng khu biệt khác, Nguyễn Văn Tu phân biệt lớp từ nghề nghiệp với từ thuật ngữ, ông phát biểu: “Những từ nghề nghiệp khác thuật ngữ ở chỗ được chuyên dùng để trao đổi miệng về chuyên môn chứ không phải dùng để viết. Từ nghề nghiệp cũng khác thuật ngữ ở chỗ chúng gợi cảm, gợi hình ảnh có nhiều sắc thái vui đùa” [6 tr.215]. Qua phát biểu của ông ta thấy nếu lấy tiêu chuẩn đối lập nói / viết để phân biệt từ nghề nghiệp với thuật ngữ thì việc xác định từ nghề nghiệp cũng sẽ mơ hồ, gặp khó khăn.

        Khuynh hướng thứ hai, nhiều nhà nghiên cứu quan niệm từ nghề nghiệp rộng hơn, bao gồm nhiều loại hơn. Trong định nghĩa về từ nghề nghiệp mà các tác giả nêu lên, các loại từ nghề nghiệp cũng được chỉ ra cụ thể hơn. Đó là quan niệm của các tác giả Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến trong sách Cơ sỏ ngôn ngữ học và tiếng Việt [3], Đỗ Hữu Châu trong Từ vựng -  ngữ nghĩa tiếng Việt [2] và Nguyễn Thiện Giáp trong Từ vựng học tiếng Việt [4]. Theo Đỗ Hữu Châu, “từ vựng nghề nghiệp bao gồm những đơn vị từ vựng được sử dụng để phục vụ các hoạt động sản xuất và hành nghề của các ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và các ngành lao động trí óc (nghề thuốc, ngành văn thư v.v…)”. Ông còn chỉ ra đặc tính cơ bản của từ nghề nghiệp xét về mặt phản ánh là  “ ý nghĩa biểu vật trùng với sự vật hiện tượng thực có trong ngành nghề và ý nghĩa biểu niệm đồng nhất với các khái niệm về sự vật hiện tượng đó.” [2, tr.253]. Nếu theo nội dung khái niệm mà Đỗ Hữu Châu nêu lên thì từ nghề nghiệp bao gồm cả những từ được dùng rộng rãi trong xã hội như cày, bừa, cuốc, cào (nghề nông), đục, cưa, bào,…(nghề mộc) bởi đây là những từ chỉ công cụ của nghề. Nguyễn Thiện Giáp cũng nhìn nhận giống Đỗ Hữu Châu, khi cho rằng: “Từ ngữ nghề nghiệp là những từ ngữ biểu thị những công cụ, sản phẩm lao động và quá trình sản xuất của một nghề nào đó trong xã hội”. Song ông hạn định thêm về phạm vi sử dụng: “Những từ ngữ này thường được người trong ngành nghề đó biết và sử dụng. Những người không làm nghề ấy tuy ít nhiều cũng có thể biết những từ nghề nghiệp nhưng ít hoặc hầu như không sử dụng chúng…” [4, tr.265].

            Như vậy, nếu dựa vào quan niệm của các tác giả trên về khái niệm từ nghề nghiệp thì rất khó cho người thu thập khảo sát từ nghề nghiệp. Qua thực tế khảo sát từ chỉ nghề trong phương ngữ Nghệ Tĩnh, chúng tôi thấy việc xác định tư cách từ nghề nghiệp đối với các nghề thủ công có địa bàn hoạt động hẹp trong một vài làng xã, ở một vài địa phương (như nghề rèn, nghề đúc đồng, nghề giấy, nghề gốm,…) thì không khó, bởi những từ này có phạm vi sử dụng về mặt xã hội khá rõ, thường chỉ có người trong nghề biết và dùng một cách tự nhiên, người ngoài nghề có thể chỉ biết nhưng không quen dùng. Ví dụ những từ chỉ công cụ nghề giấy như: bin, bồi vạc, cây ép cuốn, cối đạp lề, đòn cách, đòn kéo, gáo thang,…(dẫn theo Nguyễn Thiện Giáp [4, tr. 267]). Ngược lại, những nghề có địa bàn hoạt động rộng lớn như nghề biển, nghề nông thì số từ ngữ chỉ công cụ, hoạt động, sản phẩm của nghề, người ngoài nghề cũng hiểu và sử dụng không phải là ít. Đó là những từ như cày vỡ, cày ải, bừa cỏ, gieo thẳng,…(nghề nông), mắm, mắm chượp, lưới quét, thuyền câu,…(nghề biển). Như vậy có thể nói, ranh giới, phạm vi hoạt động của từ nghề nghiệp là rất sinh động, tùy thuộc vào từng nghề trong xã hội. Đối với những nghề như nghề đánh cá, nghề nông, số lượng từ ngữ có mức độ sử dụng tương đối thông dụng là rất nhiều. Trong từ vựng những nghề này, về lịch đại, có một lớp từ đã gia nhập vào vốn từ toàn dân, như cày, bừa, cấy, lưới, cá… Cho nên, để tiện cho việc thu thập, tùy theo phạm vi, mục đích nghiên cứu, chúng tôi nghĩ, có thể dùng khái niệm từ chỉ nghề phân biệt với từ nghề nghiệp. “Từ chỉ nghề” dùng để chỉ những đơn vị từ vựng được sử dụng để chỉ công cụ, sản phẩm lao động và quá trình sản xuất của một nghề nào đó trong xã hội. Sự tập hợp từ chỉ nghề được xem như là sự tập hợp các từ theo trường ngữ nghĩa. Như vậy, từ chỉ nghề không chỉ có những từ người trong nghề mới hiểu và sử dụng mà còn cả loại từ nay đã dùng phổ biến trong xã hội như cày, bừa, đục, cưa, bào… Đặt trong sự đối lập với từ toàn dân về phạm vi sử dụng, có thể xem “từ nghề nghiệp” là những từ biểu thị những công cụ, sản phẩm lao động và quá trình sản xuất của một nghề nào đó trong xã hội mà phạm vi sử dụng tự nhiên nhất của chúng là giữa những người cùng làm nghề với nhau. Như vậy, những từ như cày, bừa, cào, cuốc… tuy cũng là từ chỉ nghề, người làm nghề nông là những người sử dụng thường xuyên nhất trong nghề của mình nhưng do tính phổ biến và quen thuộc của lớp từ này trong xã hội nên có thể không xem chúng là từ nghề nghiệp nghề nông nữa.

         2.2. Khi nói đến vấn đề phạm vi tồn tại, sử dụng của từ nghề nghiệp, còn có một vấn đề có liên quan đến từ nghề nghiệp nhưng ít được bàn đến đó là mối quan hệ giữa từ nghề nghiệp và từ địa phương. Quan hệ đó nằm trong một quan hệ rộng hơn đó là quan hệ giữa phương ngữ xã hội và phương ngữ địa lý. Có lẽ trong các nhà nghiên cứu quan tâm đến vấn đề ngôn ngữ học địa lí và ngôn ngữ học xã hội trong tiếng Việt, Nguyễn Văn Khang là người nói rất rõ về mối quan hệ này. Tác giả viết: “một khi phương ngữ địa lí cộng thêm “giá trị xã hội”, sẽ trở thành phương ngữ xã hội” [5, tr. 115]. Quan niệm như thế cũng phản ánh đúng thực tế của từ vựng tiếng Việt. Vả lại, không thể có đối lập cứng nhắc lớp từ địa phương với lớp từ nghề nghiệp, bởi hai lớp từ vựng này được phân không theo cùng một tiêu chí. Như ta biết, bất cứ nghề nào trong xã hội cũng có phạm vi hoạt động trong một khu vực địa lí nhất định. Xét về phạm vi sử dụng theo ranh giới địa lí, cư dân làm bất cứ nghề gì trong vùng đều có thói quen chung về phát âm, dùng từ địa phương của phương ngữ đó. Những từ ngữ địa phương họ quen dùng có sự khác biệt tít nhiều so với ngôn ngữ toàn dân (về âm, nghĩa hay ngữ pháp) trong đó gồm cả lớp từ ngữ mà nếu xét theo tính chất xã hội, những từ ngữ này lại thuộc lớp từ nghề nghiệp. Ví dụ các từ như ló, má, toóc, me, tru bò, gắt, sương, dắm, trục ló, mần rọng, đâm gấu… được xem là từ địa phương Nghệ Tĩnh bởi chúng có sự khác biệt với ngôn ngữ toàn dân, người Nghệ Tĩnh quen dùng. Nhưng cũng chính những từ này, nếu xét theo tính chất xã hội người dùng thì đây là những từ nghề nông. Như vậy từ nghề nghiệp gắn liền với từ địa phương. Mối quan hệ giữa từ nghề nghiệp và từ địa phương diễn ra tự nhiên trong đời sống hàng ngày, đó cũng là sự phản ánh mối quan hệ khăng khít không tách rời giữa phương ngữ địa lí và phương ngữ xã hội. Mặc dù không tách biệt khỏi phương ngữ, song từ nghề nghiệp cũng không đồng nhất với từ phương ngữ. Quan hệ giữa từ nghề nghiệp với từ phương ngữ là quan hệ tác động qua lại, đan xen phức tạp. Có những từ nghề nghiệp trùng với từ phương ngữ, như ví dụ vừa nêu, cũng có những từ nghề nghiệp chỉ chịu ảnh hưởng của cách cấu tạo từ phương ngữ. Cư dân của từng địa phương có thể có những từ ngữ khác với ngôn ngữ toàn dân để chỉ những đặc điểm riêng của nghề. Lại có những từ nghề nghiệp mà phạm vi sử dụng của chúng rất hẹp, chỉ có những người trong ngành nghề đó mới hiểu, thậm chí chỉ một vùng, một làng nào đó mới hiểu, vì chúng gắn với thổ ngữ, vì thế cũng được xem là từ thổ ngữ, như: vè, que vè, cày vè, ló đưng, mắt mắt… Như vậy, theo chúng tôi cả hai loại vừa dẫn, lớp từ mang tính phương ngữ và lớp từ mang tính chất thổ ngữ đều được xem là từ nghề nghiệp, khi xét chúng theo tính chất xã hội.

          3. Từ những vấn đề đặt ra như trên, chúng tôi đi đến mấy kết luận như sau:

          3.1. Đặt trong mối quan hệ với từ địa phương và từ vựng toàn dân, từ nghề nghiệp có quan hệ khăng khít, giao thoa, đan xen với các lớp từ vựng này. Từ vựng nghề nghiệp vừa có những đặc điểm riêng nhưng cũng vừa mang những đặc điểm chung của lớp từ địa phương, từ toàn dân. Khi xét từ nghề nghiệp không thể không đặt chúng trong các quan hệ với phương ngữ (địa lí) và ngôn ngữ toàn dân.

  3.2. Tùy thuộc vào tính chất đặc điểm, quy mô phạm vi hoạt động của từng nghề mà từ nghề nghiệp có phạm vi, mức độ sử dụng rộng hẹp khác nhau. Tùy theo mức độ xã hội hóa của từng ngành nghề mà sự lan tỏa của từ nghề nghiệp cũng có mức độ không giống nhau. Như vậy có thể hình dung từ nghề nghiệp của nghề này có rất nhiều loại, số lượng lớn nhưng từ nghề nghiệp của nghề kia lại ít loại, số lượng ít; lớp từ ngữ nghề nghiệp này khá quen thuộc với người ngoài nghề, với nhiều vùng nhưng lớp từ ngữ nghề nghiệp kia lại xa lạ với mọi người, có thể lã lẫm ngay cả đối với cư dân sống trong cùng một vùng địa lí dân cư hẹp.

3.3. Nên có sự phân biệt từ vựng chỉ nghề và từ vựng nghề nghiệp. Từ vựng chỉ nghề là sự tập hợp các từ ngữ chỉ công cụ, sản phẩm, hoạt động của nghề nào đó trong xã hội. Có thể hình dung từ vựng chỉ nghề bao gồm các lớp từ:

(1). Những từ ngữ mà người trong nghề dùng để chỉ những công cụ, hoạt động sản phẩm của nghề đồng thời lớp từ ngữ này cũng đã quen thuộc với người ngoài nghề, đã được toàn dân hóa, trở thành từ toàn dân.

(2). Những từ ngữ mà người trong nghề dùng để chỉ những công cụ, hoạt động sản phẩm của nghề nhưng người ngoài nghề cũng dùng quen thuộc trong một vùng phương ngữ. Xét theo phương ngữ địa lí, các từ ngữ này đồng thời cũng là từ địa phương.

(3). Những từ ngữ mà người trong nghề dùng phổ biến để chỉ những công cụ, hoạt động sản phẩm của nghề mà thường người ngoài nghề ít dùng hoặc không hiểu. Lớp từ ngữ này thường có phạm vi sử dụng trong một phạm vi địa lí hạn chế, gắn với từng thổ ngữ nhất định.

           Nằm trong sự đối lập với từ toàn dân, xét trong quan hệ với phương ngữ địa lí, từ vựng nghề nghiệp có quan hệ không tách rời phương ngữ và thổ ngữ, vì thế cũng có thể hình dung, từ nghề nghiệp là những từ mà người làm nghề dùng để chỉ công cụ, sản phẩm, hoạt động của nghề, đồng thời từ ngữ đó cũng có thể được dùng quen thuộc trong vùng. Có thể hình dung từ ngữ nghề nghiệp thuộc hai loại, (2) và (3) nêu trên.

 

 

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
27876
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26810
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
23836
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18751
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18504
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
11956
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
11898
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9064
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Ngôn ngữ - Văn hóa
5502
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5470
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5420
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Tiếng Việt Phổ thông
5408
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Anh
4053
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3267
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
3010
Từ trái nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:39:45
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo