Sự biến đổi ngữ nghĩa của con số ba trong mối quan hệ với những con số khác

Ngôn ngữ - Văn hóa
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 845 25/07/2021 18:22:13

SỰ BIẾN ĐỔI NGỮ NGHĨA CỦA CON SỐ BA

TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI NHỮNG CON SỐ KHÁC

(Qua thành ngữ, tục ngữ, ca dao)

 Trần Thị Lam Thủy

Bài đăng trên Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 2 (16), tháng 3/2012

1. Đặt vấn đề

Trong giao tiếp ngôn từ, để truyền đạt một thông điệp nào đó thì các từ ngữ chỉ sự vật, hoạt động, tính chất, tình thái, quan hệ… đóng vai trò quan trọng trong tổ chức nội dung phát ngôn; bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, các từ ngữ có ý nghĩa chỉ lượng cũng có vai trò đáng kể trong việc biểu đạt ngữ nghĩa liên quan đến tiêu điểm của thông báo. Trong số các từ ngữ chỉ lượng, các từ ngữ trong hệ thống từ chỉ số (con số) có tần số xuất hiện cao, thể hiện các ý nghĩa linh hoạt, sống động, sâu sắc trong nhiều ngữ cảnh. Trong bài viết này, chúng tôi khảo sát đặc điểm ngữ pháp, ngữ nghĩa của con số ba trong các ngữ cảnh mà nó xuất hiện là thành ngữ, tục ngữ và ca dao người Việt. Sự xuất hiện của con số ba trong các sáng tác dân gian khá là đặc thù.

Qua thống kê chúng tôi nhận thấy, hầu hết con số ba được dùng trong mối quan hệ đối sánh với các con số khác. Trong ca dao, trên tổng số 712 bài sử dụng con số ba chỉ có 231 bài sử dụng độc lập (chiếm 32,44%); trong tục ngữ, trên tổng số 579 câu có sử dụng con số ba chỉ có 141 câu được dùng độc lập (chiếm 24,35%), và 24 / 101 thành ngữ sử dụng độc lập con số ba (chiếm 23,76%). Như vậy hơn 70% còn lại con số ba xuất hiện trong sự kết hợp hoặc đối xứng với các con số khác.

Trong những ngữ cảnh ấy, con số ba xuất hiện như là một biện pháp nghệ thuật ngôn từ, ý nghĩa của số ba cũng vì thế mà biến đổi theo từng kết hợp.

2. Các ngữ cảnh và ý nghĩa của con số ba

2.1. Con số ba trong các kết hợp so sánh

So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. Đây là biện pháp tu từ được người Việt sử dụng nhiều trong đời sống cũng như trong các văn bản nghệ thuật. Nó giúp người nói, người nghe “nhìn vào cái này mà xem xét cái kia để thấy sự giống nhau, khác nhau hoặc hơn kém” (Từ điển tiếng Việt, trang 830).

Xét trong cả ba thể loại, có thể thấy những kết hợp so sánh kiểu như: Một lần dỡ nhà bằng ba lần nhà cháy; Một người siêng bằng ba người nhác; Ba tháng trông cây không bằng một ngày trông quả... chủ yếu xảy ra trong tục ngữ, thành ngữ và ca dao hầu như không có kiểu kết hợp này hoặc nếu có một vài câu thì sự so sánh là ngầm ẩn. Kiểu như: Chưa ai ba họ cùng giàu / Chưa ai nghèo khổ đến đâu ba đời; hoặc: Thóc phơi ba nắng thì giòn / Vợ anh ba nắng sắp đòn mà khiêng, v.v.

Một điều đặc biệt là con số tham gia trong những kết hợp kiểu so sánh cùng với con số ba trong tục ngữ, hầu như chỉ có con số một. Theo thống kê của chúng tôi, trong số 579 câu có 103 câu kết hợp một và ba. Hai con số này cùng tồn tại, đảo vị trí cho nhau. Với mỗi vị trí, con số ba lại mang một ý nghĩa khác.

2.1.1. Khi con số ba đứng trước

Có 84 trường hợp con số 3 đứng trước trong các kết hợp so sánh bamột. Kiểu như: Ba năm ở với người đần, chẳng bằng một lúc đứng gần người khôn; Kiếm củi ba năm thiêu không đầy một giờ; Làm ruộng ba năm không bằng chăn tằm một lứa... Chủ yếu là so sánh một sự vật, hiện tượng được định lượng nhiều với một sự vật hiện tượng được định lượng ít: ba tháng – một ngày; ba năm – một lúc; ba năm – một giờ; ba năm – một lứa... song phần được đánh giá cao lại nghiêng về sự vật, hiện tượng được định lượng ít. Con số ba lúc này như một cái phông nền dù rất rộng lớn – ba năm: quãng thời gian rất dài – nhưng không đủ để bằng một lúc, một giờ, một lứa: một thời điểm ngắn ngủi trong chuỗi thời gian dằng dặc của ba năm song lại đóng một vai trò quan trọng. Sự vật được gắn liền với con số một như là một điểm nhấn về cảm giác, về hiệu quả, chất lượng khi nó được đem ra so sánh. Như vậy, con số ba ở đây dù là con số lớn, con số đầy đủ (đủ chiều dài của thời gian, không gian, vật chất) song với mục đích so sánh của người nói, giá trị được nhấn mạnh nghiêng về sự vật, hiện tượng gắn với con số một, vì vậy con số ba lại trở thành con số biểu trưng cho cái yếu, cái ít.

2.1.2. Khi con số ba đứng sau

Ngược lại với dụng ý của người nói trong kết hợp ba – một, khi con số ba đứng sau, tình hình lại khác hẳn. Chúng ta có thể thấy điều đó qua các ngữ cảnh so sánh: Ăn một bát chạy ba quãng đồng; Đẹp lòng một lúc, gục đầu ba năm; Con ơi nhớ lấy lời cha, một đêm ăn trộm bằng ba năm làm; Khách một chủ nhà ba; Một mẹ già bằng ba đụn thóc... Xét trong các câu tục ngữ trên, rõ ràng người nói đang muốn nhấn mạnh đến sự vất vả không tương xứng trong ba quãng đồng; hậu quả ghê gớm trong gục đầu ba năm; giá trị của một đêm trộm trong bằng ba năm làm cũng như những giá trị của cuộc sống khi ai còn có mẹ già trong ba đụn thóc... Với vị trí sau trong kết hợp, con số ba xuất hiện với đúng ý nghĩa toàn vẹn của nó – là con số lớn bao chứa những giá trị vật chất. Ở đây, quan niệm về con số ba của người Việt đã gặp sự tương đồng với các dân tộc trên thế giới như Trung Quốc, Hi Lạp cổ đại mà chúng tôi trình bày ở phần sau.

Khi diễn tả đời sống tình cảm trong ca dao, sự so sánh giữa Một và Ba mới thực sự ấn tượng: Thương nàng nên phải ra đi / Một ngày vắng bạn xem thì ba đông; hoặc: Xa anh một ngày xem bằng ba tháng / Như cầm con dao vàng cắt bộ ngũ tạng đem bỏ xuống sông; Thiên cao đằng đẵng / Nguyệt chiếu phi hằng / Một ngày gặp mặt cũng bằng ba thuSự diễn tả các cung bậc nhớ thương của tình cảm bằng cách so sánh hai khoảng thời gian kết hợp với hai con số Một và Ba có lẽ đã trở thành một mô-típ trong ca dao. Theo thống kê, trong 38 ngữ cảnh sử dụng Một – Ba, đã có 24 trường hợp được dùng để bộc lộ tình cảm. Trong các ngữ cảnh ấy, hầu hết, con số Ba được nhấn mạnh như là đỉnh cao của niềm hạnh phúc (khi được gặp bạn tình) hay nỗi nhớ thương khắc khoải khi xa cách. Có lẽ đây là chính là “mạch nguồn” làm nên sự gặp gỡ kì diệu giữa ca dao và câu thơ tài hoa của Đại thi hào Nguyễn Du: Sầu đong càng lắc càng đầy / Ba thu dọn lại một ngày dài ghê (Truyện Kiều).

Như vậy, nếu tục ngữ thiên về nhấn mạnh lôgic của trí tuệ thì ca dao lại sử dụng cặp kết hợp này như là một biện pháp nghệ thuật đắc dụng để thể hiện tình cảm, cảm xúc. Trong cả hai thể loại, cặp so sánh một – ba đều để lại ấn tượng đặc biệt; có khả năng diễn tả sâu sắc, thâm thúy tình ý của thông điệp.

2.2. Con số ba trong các kết hợp kiểu đối xứng

Kiểu đối xứng xuất hiện trong các cấu trúc đối khi hai từ hoặc hai vế câu cân xứng với nhau về nội dung, giống nhau về từ loại, trái nhau về thanh điệu bằng trắc và được đặt ở thế trên dưới ứng với nhau thành từng cặp (ở một số quy định trong vế câu) để tạo nên giá trị tu từ nhất định (TĐTV, trang 327).

Nếu kết hợp so sánh hầu hết chỉ xuất hiện trong tục ngữ thì kết hợp kiểu đối xứng lại chủ yếu chỉ xuất hiện trong thành ngữ. Tục ngữ và ca dao chỉ có một số câu rất ít được diễn đạt kiểu này. Xét đặc trưng của các thể loại ta có thể lí giải được điều đó. Thành ngữ là thể loại tồn tại như một tổ hợp từ cố định, tham gia vào quá trình giao tiếp như là một đơn vị ngôn ngữ đặc biệt với ý nghĩa bóng bẩy, giàu tính biểu trưng; yêu cầu đối với thành ngữ là làm sao dễ nhớ, dễ thuộc và đặc biệt là dễ vận dụng. Chính vì vậy mà thành ngữ được lưu ý đặc biệt về tính cân đối, tính nhịp nhàng và tính hàm súc.

Với những thành ngữ chứa con số ba, mỗi thành ngữ thường tách thành hai vế cân đối, kiểu như: Ba bè / bảy mảng; Ba bề / bốn bên; Ba cha / bảy mẹ... Tác giả Hoàng Văn Hành xếp chúng vào nhóm “Thành ngữ ẩn dụ hóa đối xứng”. Với kiểu kết hợp này, ý nghĩa của con số ba xảy ra hai trường hợp:

2.2.1. Hai vế cân đối - bằng nhau về mặt định lượng

Một điều lí thú là phần lớn những thành ngữ này đều gồm có bốn yếu tố, lập thành hai vế đối xứng với nhau, mỗi vế gồm hai yếu tố. Mối quan hệ đối xứng này được thiết lập nhờ vào những thuộc tính tương đồng về ngữ nghĩa và ngữ pháp của các yếu tố trong hai vế đó. Về mặt ngữ pháp, các yếu tố đối xứng nhau phải thuộc cùng phạm trù từ loại (nghĩa là phải có cùng một thuộc tính ngữ pháp). Ở đây chúng ta đã có những con số (cùng một từ loại, cùng nghĩa định lượng) và hai từ còn lại cũng không thể là hai từ loại khác. Chẳng hạn: ba bò / chín trâu; ba bó / một giạ; ba gian / hai chái... thì trâu cùng là danh từ chỉ sự vật, giạ, gian chái cùng là danh từ chỉ đơn vị. Về mặt ngữ nghĩa, nội dung ý nghĩa của các yếu tố cũng phải đối xứng nhau trong hai vế. Nghĩa là chúng đều có đặc trưng chung là biểu thị những sự vật, hiện tượng, thuộc tính, quá trình ... thuộc cùng một tiểu nhóm hay cùng một phạm trù ngữ nghĩa, có cùng một bậc quan hệ, loại giống nhau. Trong các ví dụ trên thì trâu cùng chỉ con vật dùng để cày bừa, cùng là yếu tố định giá tài sản của người nông dân; giạ cùng là đơn vị ước chừng chỉ đơn vị tính thóc lúa; gian chái cùng chỉ các phần trong ngôi nhà của người Việt, cùng nói về kiến trúc nhà ở... Sự cân bằng về số lượng các yếu tố trong mỗi vế, sự tương đồng về ngữ nghĩa - ngữ pháp của các yếu tố đi kèm con số tạo cho người nghe cảm giác về mặt định lượng cũng ngang bằng nhau giữa hai sự vật của hai vế. Như vậy, tất cả các con số cùng tham gia vào cấu trúc này đều có thể được đánh giá ngang bằng nhau (tất nhiên sự ngang bằng nhau về phương diện nào đó của sự vật là do từng ngữ cảnh quy định). Chẳng hạn ba thê = bảy thiếp; ba chốn như bốn nơi; ba chân như bốn cẳng; ba máu = sáu cơn; ba câu = hai điều; ba cung = sáu viện, v.v.

Trong ca dao, khi đặt con số trong sự đối sánh, ngang bằng nhau, con số Ba có khi còn thể hiện sự chua chát, bẽ bàng của nhân vật trữ tình. Chẳng hạn trong bài ca dao Trèo lên cây bưởi hái hoa, chỉ có Ba đồng một mớ trầu cay, của chẳng đáng bao nhiêu, ít ỏi, thậm chí đơn giản, vậy mà để tuột mất người mình yêu. Sự định lượng ba đồng càng tăng thêm nỗi tiếc nuối trong một sự đối sánh đến mức nghiệt ngã với: một mớ (nhỏ hơn đến ba lần). Hoặc trong ngữ cảnh: Em ngồi thềm giếng giặt tơ / Ba năm giữ trọn một giờ thất danh thì sự đối lập giữa ba năm một giờ cũng đem đến cảm giác tiếc nuối, xót xa. Sắc thái biểu cảm ở đây chính là một thế mạnh mà con số (chứ không phải là yếu tố ngôn ngữ nào khác) đem đến hiệu quả biểu cảm cho bài ca dao.

2.2.2. Hai vế cân đối - tạo thành một phép cộng

Khi tạo thành một phép cộng, con số ba thường đi kèm với con số bảy (một vài trường hợp có con số bốn, chín, mười song không nhiều) để diễn tả sự vật, hiện tượng tồn tại với số lượng lớn hoặc ở thời kì trưởng thành. Chẳng hạn: babảy mảng; babảy mối; ba cha bảy mẹ; ba chìm bảy nổi; ba hồn bảy vía; ba lần bảy lượt; ba vuông bảy tròn... Trong tục ngữ, qua thống kê có tới 59 trường hợp con số ba kết hợp với con số bảy, hầu như cũng với ý nghĩa chỉ một con số lớn. Với ý nghĩa kết hợp này, con số ba thường được sử dụng trong một số ngữ cảnh sau:

- Chỉ sự rắc rối, lộn xộn trong một tổng thể thiếu sự kết hợp, thống nhất giữa các thành viên: thành ngữ nói babảy mảng; babảy mối; ba cha bảy mẹ; ba vua bảy chúa, v.v.

- Chỉ sự toàn vẹn, toàn thể: ba vuông bảy tròn; ba bể chín chu; ba tháng mười ngày, v.v.

- Chỉ sự vất vả, lận đận hay việc phải làm đi làm lại nhiều lần: ba lần bảy lượt; ba chìm bảy nổi; ba cơm bảy mắm, v.v.

Trong tục ngữ, ca dao, sự kết hợp của ba và bảy lại được vận dụng để răn dạy con người khi chỉ ra hậu quả của nó. Chẳng hạn: Ba lọc bảy lừa mắc cái bừa không răng; Ba vợ bảy nàng hầu, đêm nằm chuồng trâu gối đầu bằng chổi (bằng que); Hoặc để diễn tả sự toàn vẹn đến mĩ mãn: Ba vuông sánh với bảy tròn, đời cha vinh hiển, đời con sang giàu, v.v.

Lí giải vì sao những kết hợp babảy trên thường biểu trưng cho những sự vật, hiện tượng mang tính rộng lớn. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, nếu thực sự làm một phép tính nhỏ, tất nhiên ba cộng bảy sẽ là mười – đây là con số toàn vẹn nhất, uy lực nhất, mạnh nhất, đầy đủ nhất. Các nhà phong tục học Trung Quốc giải thích bằng sự sùng bái của người nguyên thuỷ với các hiện tượng tự nhiên, trong đó uy lực nhất, mạnh nhất là mặt trời: “Tương truyền thời cổ có đến mười mặt trời với các tên gọi là Giáp, ất, Bính... (Thập can mà chúng ta gọi bây giờ). Mỗi ngày mặt trời chiếu rọi xuống nhân gian, 10 ngày một vòng (gọi là tuần)” (1 - tr 10). Mỗi mặt trời chiếu rọi xuống nhân gian 10 ngày. Số 10 được coi như con số biểu trưng cho sức mạnh của mặt trời, là con số trời định, trong nó bao hàm tất cả diện rộng, dài, sâu, cao, nhiều... Khi các con số bằng sự kết hợp của mình đạt đến mười thì có nghĩa là nó đã vươn tới sự toàn vẹn, rộng, lớn của giá trị vật chất.

2.3. Con số ba trong các kết hợp kiểu tăng tiến, trùng điệp

Tăng tiến là một biện pháp tu từ ngữ nghĩa trong đó người viết (nói) cố tình sắp xếp các thành tố của phát ngôn cùng nói về sự vật theo trình tự tăng dần cường độ biểu cảm, cảm xúc; trùng điệp là việc lặp lại những từ ngữ đồng nhất về nghĩa và đồng nghĩa về ngữ pháp trong một câu hay một đoạn lời. Sự sắp xếp các con số trong một ngữ lưu theo kiểu càng về sau càng lớn hoặc điệp lại chính số đó trong vế tiếp theo tương đối phổ biến trong cả ba thể loại. Với con số ba, hiện tượng trên không phải là ít. Ở đây chúng tôi chỉ xét những câu có đến ba con số được sắp xếp tăng tiến, kiểu như: Ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh; Thứ nhất vợ dại trong nhà / Thứ hai trâu chậm, thứ ba rạ cùn... và chỉ liên quan đến con số ba.

2.3.1. Trong các kết hợp chỉ thứ tự

Trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao những con số chỉ vị thứ thường không tuân theo sự sắp xếp, đánh giá khách quan mà vẫn là những ước lệ văn chương. Bởi vậy trong những trường hợp như: Thứ nhất vợ dại trong nhà / Thứ hai trâu chậm, thứ ba rạ cùn thì rạ cùn không phải là thứ gây khó chịu thứ ba mà cả ba thứ ấy đều gây khó chịu. Tương tự như vậy Thứ nhất đom đóm vào nhà, thứ hai chuột rúc, thứ ba hoa đèn thì cả ba hiện tượng ấy, theo quan niệm của dân gian, đều là những dấu hiệu gia chủ sẽ gặp điều tốt lành. Như vậy, ở đây giá trị định lượng khu biệt của từng con số nói chung và con số ba nói riêng bị nhòa đi trở thành những con số định tính cho sự vật, hiện tượng.

2.3.2. Trong các kết hợp tăng tiến khởi đầu bằng con số ba

Với sự sắp xếp các con số tăng tiến khởi đầu bằng con số ba, kiểu như Ba đầu, sáu tay, mười hai con mắt; Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò chạy đi; Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh; Ba bị chín quai mười hai con mắt, hay bắt trẻ con, v.v. Sự sắp xếp các con số tăng tiến ở đây đã đem đến cho người đọc, người nghe cảm nhận rõ nét về sự vật, hiện tượng đang phát triển hoặc tồn tại với những hình thức biểu trưng cho sức mạnh to lớn của sự vật, sau mỗi con số xuất hiện, đối tượng được nói đến xuất hiện ở mức độ cao hơn, thể hiện rõ hơn dụng ý của người nói. Trong ca dao, với đặc trưng là phương tiện biểu hiện tình cảm, khi những con số xuất hiện liên tục trong một câu ca dao, đặc biệt khởi đầu bằng con số ba, thì những cung bậc tình cảm cũng dâng trào với khát vọng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách một cách quyết liệt: Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo / Thất bát giang cũng lội, tam thập lục đèo cũng qua... những con số theo thứ tự tăng dần mãi: tam - tứ - thất - bát- tam thập lục như một sự biểu trưng cho những khó khăn ngày một chồng chất trong tình yêu của đôi trai gái. Con số ấy càng lớn bao nhiêu thì quyết tâm và tình yêu của họ càng mãnh liệt bấy nhiêu.

Tuy nhiên với sự khởi đầu là con số ba, hình như trong cả ba thể loại, những sự vật được nói đến đều hàm chứa những khó khăn, những rủi ro nhiều hơn so với những con số khác. Sự khởi đầu ấy là sự khởi đầu của gian khổ: ba chìm; cả trong tình yêu khó khăn cũng bắt đầu là tam tứ núi. Có lẽ đây cũng là một biểu hiện của ý thức kiêng kị đối với con số ba trong đời sống hàng ngày của người Việt.

2.3.3. Trong kết hợp trùng điệp ba và ba

Hiện tượng sử dụng con số trùng điệp đối với con số ba trong thành ngữ không nhiều, qua thống kê, chúng tôi chỉ thấy bốn câu: ba cọc ba đồng; ba gai ba đồ… song tục ngữ và ca dao lại góp một số lượng không nhỏ: 41 câu (tục ngữ) và 51 bài (ca dao). ở đây con số ba dường như không biểu thị ý về số lượng, mà biểu thị sắc thái nghĩa về tính khẳng định, tính tăng cường về mức độ do phép lặp đi lặp lại. Ví dụ: Cờ ba cuộc, cơm ba bát, thuốc ba thang; Người ba đấng, của ba loài; Đứa ở ba mùa, thầy chùa ba năm... (tng). Hoặc trong ca dao: Sâu nhất là sông Bạch Đằng / Ba lần giặc đến ba lần giặc tan. Sự lặp lại trùng điệp ba ba trong ca dao không nhiều so với những cặp số kết hợp khác song khi đã xuất hiện thì sự vật được nói đến thường hiện ra trong sự đối sánh đến nghiệt ngã: Thóc phơi ba nắng thì giòn / Vợ anh ba nắng sắp đòn mà khiêng… Hoặc khẳng định một cách chắc chắn: Chưa ai ba họ cùng giàu / Chưa ai nghèo khổ đến đâu ba đời; Phong phanh ba thước lụa hồ / Ba vuông khăn nhiễu cơ đồ có khi, v.v.

Sau đây là thống kê các cặp số kết hợp của con số Ba và kiểu kết hợp, ý nghĩa của chúng trong cả ba thể loại theo bảng sau:

BẢNG HỆ THỐNG CÁC KẾT HỢP CỦA CON SỐ BA VỚI CÁC CON SỐ KHÁC 

TRONG THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ VÀ CA DAO

Cặp số

Kiểu kết hợp

Số lượng

Các ý nghĩa của con số Ba

Thành ngữ

Tục ngữ

Ca dao

3

Độc lập

21

141

227

(Xem *)

3 – 1

So sánh

9

33

42

Biểu trưng cho cái ít, cái yếu.

1 – 3

4

70

38

Biểu trưng cho những sự vật có giá trị vật chất lớn, toàn vẹn.

3 – 2

Đối sánh

9

6

8

Biểu trưng cho những sự vật hay những mối quan hệ lỏng lẻo, thiếu sự ổn định, không đáng để tin cậy; định lượng ít ỏi.

2 – 3

2

6

16

3 – 3

Điệp

4

41

51

- Biểu thị thái độ của người nói: khẳng định chắc chắn.

- Biểu trưng cho số nhiều, sự đầy đủ, cần thiết.

3 – 4

Phép cộng

5

12

50

- Biểu trưng cho sự toàn vẹn, nhiều, đầy đủ.

4 – 3

Đối sánh

0

2

10

Biểu trưng cho sự vật được định lượng tương đương với nhau.

3 – 5

Phép cộng

5

3

12

Biểu trưng cho sự vật nhiều, đầy đủ nhưng phức tạp.

5 – 3

1

8

23

Biểu trưng cho những sự vật tương đối ít, không xác định hoặc mang tính chất sơ sài.

3 – 6

Phép cộng

17

8

5

Biểu trưng cho số nhiều, sự chuẩn mực.

6 – 3

0

2

2

3 – 7

Đối sánh

 

27

28

31

- Biểu trưng cho những sự vật nhiều, phức tạp như nhau.

- Kết hợp tạo nên sự toàn vẹn.

7 – 3

3

26

29

3 – 8

Đối sánh

3

10

5

- Biểu trưng cho sự khó khăn.

- Biểu trưng cho sự vật, hiện tượng nhiều, phức tạp.

8 – 3

0

2

2

3 – 9

Đối sánh

5

10

17

Biểu trưng cho sự vật, hiện tượng nhiều, đầy đủ, toàn vẹn.

9 – 3

0

2

1

3 – 10

So sánh

0

8

4

Chỉ thời gian; biểu trưng cho sự khó khăn.

10 – 3

0

3

1

3 số trở lên

- Tăng tiến: 1-2-3.

- Bắt đầu bằng số 3

5

49

90

- Các con số bằng nhau, ý nghĩa định lượng bị nhòa đi, mang nghĩa định tính như nhau.

- Biểu trưng cho những sự vật, hiện tượng đang phát triển, phức tạp.

- Biểu trưng cho những khó khăn chồng chất, những sự vật có sức mạnh to lớn.

(Bảng hệ thống trên chỉ tổng hợp những ý nghĩa của con số Ba qua các kết hợp; riêng trong ca dao, với những bài xuất hiện nhiều số, chúng tôi chỉ tổng hợp những kết hợp có giá trị tu từ).

3. Một vài kiến giải và kết luận

Từ những ý nghĩa biểu trưng của con số ba trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao chúng ta phần nào lí giải được vì sao con số ba lại được sử dụng với nhiều ý nghĩa biểu trưng như vậy. Rõ ràng con số ba bản thân nó là một hiện tượng rất phức tạp trong đời sống ý niệm của người Việt. Nó vừa ít, vừa nhiều, vừa vững vàng, chắc chắn, vừa hay thay đổi... luôn luôn những ý nghĩa biểu trưng của nó ở thế đối lập nhau, hoặc cực này, hoặc cực kia. Để giải thích cho hiện tượng con số ba, chúng ta lại phải quay về với những quan niệm của người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng về con số ba.

Cũng như quan niệm của người phương Đông, người Việt cho rằng mọi vật luôn tồn tại với hai mặt âm và dương, phải đủ âm và dương thì mới tồn tại và phát triển được. Có câu: Nhất âm nhất dương chi vị đạo (có âm có dương mới thành đạo). Đạo ở đây chính là cuộc sống, là lẽ tự nhiên của trời đất. Chính vì vậy, theo họ, ở đâu có sự hài hoà âm dương, ở đó phát triển. Trong tư duy của người Việt, con số ba bao chứa trong nó cả âm và dương, nó là tổng của 2 + 1 (2 là con số chẵn, con số âm đầu tiên; 1 là con số lẻ, con số dương đầu tiên - đều là hai con số sinh). Sự hoà hợp của hai con số này trong con số ba chính là cơ sở đầu tiên cho phép chúng ta lý giải vì sao người Việt vận dụng được nó trong nhiều ngữ cảnh, sản sinh cho nó nhiều giá trị biểu trưng khác nhau mà những con số khác không có được. Bên cạnh đó, trong bản thân con số ba không thuần tuý âm hay dương mà ẩn chứa hai cực trái dấu. Với một khởi đầu như thế, con số ba không thể thuần tuý một phương diện nghĩa mà tồn tại hai phương diện nghĩa trái ngược nhau là lẽ đương nhiên.

Ngay trong Kinh dịch, con số ba cũng tồn tại với hai chức năng: “Như con số Một thường gọi là thiếu dương, con số Ba thường gọi là thái dương. Kỳ thực số một là thiếu dương ở thời kỳ vừa sinh ra, mà số ba là thiếu dương ở thời kỳ thành” (4 - tr 274). Vậy nên khi là thiếu dương thì nó là ít, yếu, nhỏ, nhưng khi là thái dương thì nó là lớn, vững vàng. Chính vì vậy, sự tồn tại nhiều ý nghĩa biểu trưng như trên của con số ba là một tất yếu, nó chứng tỏ tư duy của người Việt rất phong phú, rất linh hoạt và sự hiểu biết về con số trong triết lí âm dương cũng đặc biệt sâu sắc.

Rõ ràng văn hoá Việt đã có điểm gặp gỡ với những nền văn hoá của các dân tộc khác trên thế giới (Hi Lạp cổ đại, Trung Quốc)* trong quan niệm về con số ba. Thiết nghĩ, sự gặp gỡ ấy không đơn giản chỉ là sự gặp gỡ, giao thoa về văn hóa mà đó là vấn đề mang tính nhân loại. Bất kì một nền văn hóa nào trên thế giới, chúng ta đều có thể gặp những quan niệm về con số. Đến lượt nó, con số lại giúp nhận diện bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền, dân tộc; kéo khoảng cách giữa các dân tộc lại gần nhau hơn trong sự tương đồng về văn hóa.

Nếu có thể dành thời gian nghiên cứu về con số nói chung và con số ba nói riêng với tư cách là một biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao, chắc chắn rằng nó sẽ là một đề tài thú vị và còn rất nhiều điều để nói. Trên đây mới chỉ là bước đầu để minh họa cho một thực tế là những biện pháp tu từ cũng góp phần tạo cho con số những ý nghĩa biểu trưng mà bản thân nó nếu đứng một mình riêng lẻ sẽ không có được. Quả thật, sử dụng từ ngữ như thế nào là cả một quá trình sáng tạo nghệ thuật và việc sử dụng con số cũng không đi ra ngoài quá trình ấy. Nghiên cứu nó, tìm hiểu nó, chúng ta càng hiểu hơn sự tinh tế, am hiểu của người đã đưa con số từ đời sống vào nghệ thuật, từ nghệ thuật đến văn hoá và từ trong văn hoá trở thành bản sắc của người sáng tạo như thế nào. Có thể nói đó là cả một quá trình lao động, sáng tạo suốt mấy nghìn năm của cả dân tộc mà hôm nay trách nhiệm của chúng ta không chỉ là trân trọng, giữ gìn và phát huy mà còn phải “tạo” được “dáng vóc” của nó để có thể “trưng bày”, để mọi người đều có thể “nhìn”, “ngắm”, “nhận ra” đó là gia sản quý báu của dân tộc, từ đó cùng trân trọng, giữ gìn.

 

* Xem thêm:Đặc điểm ý nghĩa của con số ba qua khảo sát thành ngữ, tục ngữ và ca dao người việt” – Ngữ học trẻ 2009 (cùng tác giả).

                                                                                            

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Gia Anh. Con số với ấn tượng dân gian. Nxb Hải Phòng, 2003.
  2. Trần Gia Anh. Con số dân gian. Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2006.
  3. Bùi Hạnh Cẩn. Từ vựng chữ số và số lượng. Nxb văn hoá - thông tin, 1997.
  4. Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Dịch học tinh hoa. Nxb thành phố Hồ Chí Minh, 1992.
  5. Phan Mậu Cảnh. Lí thuyết và thực hành văn bản tiếng Việt. Nxb ĐHQG Hà Nội, 2008.
  6. Phan Mậu Cảnh. Tiếng Việt thực hành. Nxb Nghệ An, 2009.
  7. Hoàng Văn Hành. Thành ngữ học tiếng Việt. Nxb KHXH, H., 2004.
  8. Nguyễn Xuân Kính – Phan Đăng Nhật. Kho tàng ca dao người Việt, Nxb VH - TT Hà Nội, 2002.
  9. Nguyễn Xuân Kính (chủ biên). Kho tàng tục ngữ người Việt, Nxb VH - TT Hà Nội, 2002.
  10. Vũ Ngọc Khánh. Văn hoá dân gian, Nxb Nghệ An, 2003.
  11. Nguyễn Xuân Kính. Thi pháp ca dao, Nxb ĐHQG Hà Nội, 2004.
  12. Nguyễn Hữu Lương. Kinh dịch với vũ trụ quan phương Đông, Nxb thành phố Hồ Chí Minh, 1992.
  13. Lê Văn Siêu. Việt Nam minh sử, Nxb Lao Động.
  14. Trần Ngọc Thêm. Cơ sở văn hoá Việt Nam. Nxb Giáo dục, H.1998.
  15. Bùi Khắc Việt. Về tính biểu trưng của thành ngữ trong tiếng Việt. Tạp chí ngôn ngữ số 1, 1978.
  16. Viện KHXH Việt Nam - Viện ngôn ngữ học. Từ điển tiếng Việt. Trung tâm từ điển ngôn ngữ, H., 1992.
  17. Trần Quốc Vượng. Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb Giáo dục, 1997.

 

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
28242
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26966
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
24006
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18870
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18651
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
12219
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
12053
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9178
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Tiếng Việt Phổ thông
6139
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Ngôn ngữ - Văn hóa
5633
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5600
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5519
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Anh
4173
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3346
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
3208
Từ cũ và từ Hán Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 05/09/2021 12:05:39
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo