Suy nghĩ về mấy lời hát ví - Phan Mậu Cảnh

Ngôn ngữ - Văn hóa
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 698 25/07/2021 18:51:35

SUY NGHĨ VỀ MẤY LỜI HÁT VÍ

                                                  PGS. TS. Phan Mậu Cảnh

 

Một trong những thể loại ca hát đặc sắc của dân ca Nghệ Tĩnh là hát ví. Có nhiều nội dung được thể hiện ở đây, trong đó có một số lời hát thể hiện nội dung khá độc đáo mà giới nghiên cứu ít đề cập tới. Đó là những lời hát giễu, hát mỉa và hát chửi.

Lời chửi, mắng, chế giễu, mỉa mai… là hiện tượng dùng ngôn ngữ để biểu thị thái độ của con người trong ứng xử. Đây là những lời nói đã xuất hiện từ rất sớm cùng với lời chào hỏi, xin lỗi, cảm ơn… Và dân tộc nào cũng có những hiện tượng này. Bằng chứng là các lối nói trên đã được đưa vào trong thành ngữ, truyện cổ tích, ca dao, dân ca… lưu truyền ở nhiều vùng.

Nói chung thì chửi được quan niệm là lối ứng xử tiêu cực, thiếu văn hoá, phi chuẩn mực. Lời mắng giễu, mỉa mai… cũng bị xếp tương tự nhưng ở mức nhẹ hơn. Vì vậy, các hiện tượng này thường bị ngăn cấm trong sử dụng, ít được chú ý nghiên cứu. Mặc dù thế, thật kỳ lạ, các lối nói này không những không mất đi mà trái lại, càng có xu hướng phát triển trong đời sống xã hội.

Riêng trong sáng tác dân gian nói chung, hát ví Nghệ Tĩnh (mà trong bài viết này, chúng tôi lấy đó làm dẫn liệu) nói riêng, ta có thể gặp các hiện tượng trên ở khá nhiều câu, nhiều bài. Có thể nói, cùng với các nội dung bộc lộ tâm tư, tình cảm rất đằm thắm, trữ tình thì những lời hát giễu, hát mỉa, hát chửi… đã làm thành bảng màu cực kỳ đa dạng và sinh động trong hát ví Nghệ Tĩnh.

Có bài thể hiện sự trào lộng về vợ chồng: Chồng hen lại lấy vợ hen / Đêm nằm cò cử như kèn thổi đôi.

Đây là lời nói với bạn: Ở nhà mới bước chân ra / Nom (trông) thấy mặt bạn như ga (gà) chó đòi (đuổi). “Ga chó đòi” là thành ngữ chỉ sự hốt hoảng, thiếu bình tĩnh. Lời hát vừa là nhận xét vừa là sự chế giễu về thái độ.

 Một người vợ nói về chồng mình: Chồng người vác súng đòi voi / Chồng em vác đũa đòi ròi (ruồi) bên mâm. Trong lời hát, tuy có ngoa dụ, nhưng bao hàm một sự than trách về người chồng nhút nhát.

Chiếm phần lớn hát ví Nghệ Tĩnh là những lời đối đáp. Trong cuộc hát, người ta chia thành hai phường, hai phái (nam- nữ), có bên xướng (hỏi) và bên họa (đối đáp). Đây là lời trách của bên nam:

Trách em một chữ vô nghì

Chào anh một tiếng mất đi đàng nào?

 Bên nữ thú nhận pha chút tủi hờn:

 Đi qua nghiêng nón cúi lưng

Không dám chào bạn cộ (cũ) bởi chưng đói nghèo.

Cũng có khi lời hát là sự chế giễu, mỉa mai, chê trách một thói hư tật xấu:

Không tham anh lắm rọng (ruộng) nhiều bò

  Tham anh một nội (nỗi) vác vò xán (ném) cha.

Đáp lại, chàng trai thú nhận:

  Anh vốn có tính hốt hỏa lôi đình

 Lúc tâm thần bất định, có ném ông thân sinh cái vò([1]).

Trong lao động, nam nữ thường trêu chọc nhau:

Hỡi o (cô) cợi (cưỡi) con tru (trâu) đực cao kỳ (sống lưng)

Cho anh cợi (cưỡi) với, tắc hò rì cho quen([2]).

Cô gái cũng tỏ ra mạnh dạn:

Lại đây mà cợi anh nì (này)

Anh tắc bên nọ thì em hò rì bên tê (kia).

  Câu hát ví, cũng như câu ca dao, đều có chung cội nguồn và do quần chúng sáng tác truyền miệng. Nhiều câu hát ví đã thành ca dao, nhiều câu ca dao được dùng trong hát ví. Nhưng vẫn có sự phân biệt. Ngôn từ trong ca dao được chọn lọc, trau chuốt, đạt đến độ chuẩn mực và gần với văn học bác học; còn hát ví, bên cạnh những điểm tương đồng với ca dao, lại thấy những dị biệt: từ ngữ trong ví thường mộc mạc, dân dã, có nhiều từ địa phương, từ ngữ thông tục. Bởi vì, hát ví là những sáng tác tức thì, mang hơi thở nóng hổi của người dân lao động. Nó là thứ ngôn ngữ “nguyên liệu” nguyên sơ cất lên từ trong đời sống lao động, sinh hoạt hàng ngày. Những câu hát hò ấy làm cho không khí lao động thêm phần “văn nghệ” vui nhộn, giảm bớt những mệt nhọc của công việc đồng áng, giã gạo, chèo thuyền, dệt vải…

Có cô gái nghịch ngợm, ví mình như quả khế chua, ai cũng thèm, nhưng lại ở chỗ cấm:

            Em như trấy (quả) khế trong chùa

           Ông đi qua, bà đi lại, chộ (thấy) của chua ai cũng sèm (thèm)       

Bên con trai chế lại:

          Em như trấy khế trong chùa

          Cho anh, anh không lấy

          Bán cho anh, anh nỏ (chẳng) mua

         Vì chưng thằng cu([3]) anh hắn dại, chộ (thấy) của chua hắn sèm (thèm)

Cách “chơi chữ” ấy làm cho cô gái bị một phen đỏ mặt. Cũng cần nói thêm rằng, các đề tài trong chuyện trò, ca hát của dân gian rất phong phú, đa dạng. Có những lời ý nhị lẫn những lời bỗ bã, có những chuyện “thanh” và chuyện “tục”([4]). “Chuyện ấy” và “cái ấy” là một trong những đề tài được nói đến nhiều, đem lại tiếng cười hồn nhiên, thoải mái. Có điều, khi sưu tầm, nghiên cứu, người ta gạt bỏ, né tránh cái vùng cấm ấy. Vì thế, lời tục, chuyện tục vắng bóng trong sách vở ghi chép.

Lời chửi, tuy rằng được xem là “kém văn hóa” nhưng dù sao, vẫn được ghi lại. Trong hát ví, từ việc chế giễu, mỉa mai, chọc tức nhau cũng có thể dẫn đến những “xung đột”, đi đến hát chửi nhau.

Một chàng nho sĩ bị các cô gái hỏi:

                      Nghe tin anh học vấn có tài

            Cha thầy Mạnh Tử là ai rứa (thế) chàng?

Anh chàng bí, vì sách vở không ghi rõ cha Mạnh Tử là ai. Biết có kẻ “gà” cho các cô một câu khá hiểm hóc, chàng bèn chửi một câu:

            Thầy Mạnh, cụ Mạnh sinh ra

            Đù mẹ con hát, tổ cha thằng bày.

Trong lời hát xướng hỏi, có khi là hỏi để thử tài, thử sự nhanh trí. Chẳng hạn lời cô gái:

                      Em muốn hỏi anh một lời

            Ai đào sông cho cá lội, ai chống trời cho chim bay?

Nhưng bên đáp lại chửi thẳng:

                      Em đừng hỏi dại hỏi thàm

            Lấy cọc truồng (chuồng) lợn chống hàm em lên.

Một cô gái không thích chàng trai cứ theo đuổi mình, bèn chửi:

                      Mồ cha mả mẹ chi anh đây

            Mà đêm anh viếng mà ngày anh thăm.

Người con trai bực quá, cũng đốp ngay:

                      Đường cái anh đi thẳng băng

            Anh có đi lên cao tổ thượng tầng nhà em mô (đâu)?                

Cũng tương tự, một cô gái khuyên:

            Ngày ba mươi tháng chạp 

            Ngày mồng một tháng giêng

            Anh không về bái yết tổ tiên

            Cứ lơ lơ lửng lửng cửa thuyền quyên em mãi hoài.

Nghe nói vậy, chàng trai cáu tiết, chửi bâng quơ:

            Cha tiên nhân con bướm trắng

            Mẹ con ong vàng

            Bởi vì ai nông nổi để cho nàng đong đưa.

Có chàng thư sinh hát ghẹo các cô gái đang cấy:

                      Nhà em tội lỗi vì đâu

            Suốt ngày cứ chổng phao câu lên trời? 

Chàng liền bị các cô đáp lại:

                      Bây giờ nông vụ chí kỳ

            Em mà không chổng lấy gì anh ăn?

Câu đáp ấy không có lời chửi nhưng ngẫm kỹ thật sâu cay hơn một lời chửi trực tiếp.

Có thể nhận xét rằng chửi trong hát ví Nghệ Tĩnh về nội dung, động cơ, từ ngữ có nhiều điểm không giống với lời chửi hàng ngày. Đó không phải là lời cay độc hoặc thô tục để nói phạm hay hạ nhục nhau. Cái cớ để chửi cũng không nghiêm trọng (như mất của, bị xúc phạm nặng nề). Lời chửi ở đây chỉ bộc lộ sự bực tức, sự phản ứng trực tiếp, có khi còn có cả sự trêu chọc nghịch ngợm… Vì vậy, nó thường không ảnh hưởng tiêu cực đến tình thân hữu của những người tham gia. Đôi khi nó còn tạo không khí thách thức, kích thích những cảm hứng mới cho cuộc hát. Nó cũng thể hiện tài ứng khẩu, nhanh trí của người đối đáp. Lời chửi, chế giễu, mỉa mai, than trách cũng có những tác dụng nhất định trong việc tác động đến người nghe, gây nên phản ứng và điều chỉnh hành vi, thái độ phê phán…

Nó cũng phản ánh một phần tính cách của người dân Nghệ Tĩnh: bộc trực nhưng nhẹ nhàng, thâm thuý mà dí dỏm, gian khổ nhưng vẫn rất yêu đời. Những lời hát chửi hay mỉa mai, suy cho cùng cũng chỉ là sự vui đùa, giải trí thể hiện tính hài hước, sự lạc quan đến hồn nhiên. Cho nên, đứng ở góc độ nào đó, cũng có thể tìm thấy ở đây nét văn hóa của một lối sinh hoạt đầy ắp hơi thở cuộc sống, thấm đẫm giọt mồ hôi, giọt nước mắt của tiếng khóc, tiếng cười của người lao động ngày xưa.

Ngày xưa… Bởi vì hôm nay, thời thế thay đổi, môi trường “diễn xướng” của lối hát hò đối đáp hồn nhiên như vậy đã không còn nữa. Nó chỉ còn là những kỷ niệm của rất ít người. Đó là tiếng hát hò của “một thời quá vãng”, nhắc lại để mà nhớ. Biết vậy, nên chúng ta càng cần phải quý trọng những gì mà cha ông ta đã tạo nên tự… ngày xưa.

                                                               P.M.C  

Tài liệu trích dẫn chính

  1. Nguyễn Chung Anh – Hát ví Nghệ Tĩnh, Nxb Văn Sử Địa, H., 1958.
  2. Nguyễn Đổng Chi – Ninh Viết Giao – Ca dao Nghệ Tĩnh, Sở Văn hoá thông tin Nghệ Tĩnh, 1984.
  3. Ninh Viết Giao – Hát phường vải (Dân ca Nghệ Tĩnh), Hội VNDG Nghệ An - NXB Nghệ An - 1993.
  4. Vũ Ngọc Phan – Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam (bản in lần thứ 8); Nxb Khoa học xã hội, H. 1978.

Chú thích:

  1. Vò: Cái bình bằng sành, đựng nước.
  2. Ở Nghệ Tĩnh khi cày bừa để điều khiển trâu bò sang phải thì hô “tắc”, sang trái hô “rì”, đứng lại: “hò”.
  3. Cu: vừa chỉ con trai, vừa chỉ “cái ấy” của nam giới.
  4. Cho nên mới có câu:

Khi giận dức mắng (chửi mắng) tả tơi

Khi thương hôn hít những nơi hiểm nghèo!

                    (Ca dao Nghệ Tĩnh, tr.357)

 

[1] Vò: Cái bình bằng sành, đựng nước.

[2] Ở Nghệ Tĩnh khi cày bừa để điều khiển trâu bò sang phải thì hô “tắc”, sang trái hô “rì”, đứng lại: “hò”.

[3] Cu: vừa chỉ con trai, vừa chỉ “cái ấy” của nam giới.

[4] Cho nên mới có câu:

Khi giận dức mắng (chửi mắng) tả tơi

Khi thương hôn hít những nơi hiểm nghèo!

                                        (Ca dao Nghệ Tĩnh, tr.357)

 

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
28263
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26973
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
24033
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18884
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18664
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
12230
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
12066
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9190
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Tiếng Việt Phổ thông
6160
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Ngôn ngữ - Văn hóa
5655
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5608
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5531
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Anh
4183
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3354
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
3231
Từ cũ và từ Hán Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 05/09/2021 12:05:39
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo