Từ địa phương với cấu trúc sóng đôi trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh

Ngôn ngữ - Văn hóa
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 956 22/07/2021 12:23:44

TỪ ĐỊA PHƯƠNG  VỚI CẤU TRÚC SÓNG ĐÔI

TRONG THƠ DÂN GIAN NGHỆ TĨNH

                                                                      PGS.TS. Hoàng Trọng Canh

                                                                          

1. Thơ dân gian là thơ trữ tình do nhân dân lao động sáng tạo trong trường kì lịch sử. Trong môi trường tồn tại đích thực và sống động của mình, nó bao gồm vừa thành phần nghệ thuật ngôn từ vừa các thành phần nghệ thuật khác mang tính chất biểu diễn như nhạc, vũ,... Khi tập hợp trong các sách sưu tầm, ghi chép như chúng tôi đang khảo sát, thường chỉ có thành phần nghệ thuật ngôn từ của nó là được lưu giữ lại. Mặc dù vậy, phần được lưu giữ này vẫn có mối liên hệ ngầm với những thành phần khác không phải văn học đã bị tước bỏ bớt đi trong khi chép và cấu trúc riêng của nó vẫn mang đậm dấu ấn của một cấu trúc tổng thể lớn hơn. Về nội dung, thơ dân gian Nghệ Tĩnh (TDGNT) là tấm gương trung thực phản ánh tâm tình, ước vọng, cái nhìn của nhân dân lao động trước mọi vấn đề của đời sống vùng quê xứ Nghệ. Tâm hồn giản dị, cởi mở, thuần phác có lúc thô ráp của người bình dân cùng môi trường sống quen thuộc của họ đã được bộc lộ một cách vừa ý nhị vừa trực tiếp qua lời của các tác phẩm mà chúng tôi khảo sát là Ca dao Nghệ Tĩnh (CDNT), Hát phường vải (HPV), Hát giặm Nghệ Tĩnh (HGNT), Vè Nghệ Tĩnh (VNT). Về ngôn ngữ, tuy các sáng tác dân gian Nghệ Tĩnh mang đặc điểm chung về sử dụng từ ngữ địa phương nhưng mỗi loại hình thơ dân gian khác nhau có một kiểu, một mức độ ngôn ngữ được sử dụng không giống nhau, thể hiện một kiểu ứng xử riêng với chất liệu và công cụ sáng tác. Đối với nhà thơ dân gian xứ Nghệ, lời nói là thứ “chẳng mất tiền mua", là “của kho vô tận" không chỉ có từ ngữ thuộc tiếng nói chung của mọi miền trên đất Việt mà còn có thứ tiếng “trọ trẹ" nhưng quen thuộc của vùng quê mình nên cứ mặc nhiên “lựa lời" mà sử dụng.

        Các tác phẩm TDGNT mà chúng tôi khảo sát được xem là thuộc thể loại văn vần. Trong công trình Ngôn ngữ và thi ca (Cao Xuân Hạo dịch), R. Jakobson, khi bàn về chức năng thi ca của ngôn ngữ trong một phạm vi đối tượng rộng là văn vần, tác giả khẳng định: “Trong thực tế văn vần vượt ra ngoài phạm vi của thơ ca nhưng đồng thời văn vần bao giờ cũng bao hàm chức năng thi ca" [5, tr. 18]. Khảo sát các sáng tác TDGNT, tuy “tính chất thơ" của các tác phẩm có khác nhau, nếu như VNT và HGNT nặng về văn vần thì CDNT và HPV mang tính chất thơ rõ hơn, nhưng thực tế tác phẩm cho thấy trong VNT và HGNT từ ngữ địa phương cũng được lựa chọn và tổ chức không kém gì hai tác phẩm kia trong vai trò thể hiện nội dung tác phẩm. Từ ngữ địa phương có thể được chọn lựa sắp theo những hình thức, trong những vai trò khác nhau tuỳ theo tình huống cụ thể nhưng tất cả đều là nhằm đạt đựơc giá trị, hiệu quả giao tiếp ngôn ngữ. Việc lựa chọn từ ngữ được thực hiện trên cơ sở của sự tương đồng hay sự khác biệt, tính đồng nghĩa hay tính trái nghĩa; còn việc kết hợp, tức là việc xây dựng nên chuỗi lời là căn cứ vào quan hệ kế cận (nối tiếp).

         Trong hoạt động sáng tạo TDGNT, từ ngữ địa phương và từ ngữ toàn dân đã được lựa chọn cùng thực hiện nhiều chức năng cho nên chúng ta có thể phân tích ngôn từ ở nhiều góc độ, trong nhiều quan hệ. Ở đây chúng tôi chỉ giới hạn phân tích từ ngữ địa phương trong hoạt động tổ chức lời nói theo những quan hệ lựa chọn và kết hợp để có được giá trị nghệ thuật trong cấu trúc sóng đôi - một trong các biện pháp tổ chức ngôn ngữ rất nổi bật trong TDGNT. Về nghệ thuật sử dụng từ địa phương (TĐP) trong TDGNT, ở bình diện chung đã được một vài tác giả phân tích khái quát ([2], [3], [4], [6]), riêng nghệ thuật sử dụng TĐP trong cấu trúc sóng đôi mới chỉ được nhắc đến.

2. Cấu trúc đối hay sóng đôi, trùng điệp, điệp ngữ, hay song hành, tuy gọi khác nhau nhưng loại cấu trúc này đặc bịêt phổ biến trong thơ dân gian và cổ điển, rất nổi bật trong truyện kiều. Đó là một hình thức tu từ có đặc điểm một cấu trúc được lặp lại kế tiếp nhau với dụng ý nhấn mạnh hoặc gây ấn tượng cho người nghe. Nét riêng ở TDGNT là ở chỗ các thể loại sáng tác ngoài hình thức điệp quen thuộc như trong thơ nói chung, cấu trúc điệp này có tính chất như bắt buộc, cố định đối với HGNT. Đối với HGNT, hai dòng cuối khổ lặp lại cấu trúc và gần như toàn bộ các từ; người ta chỉ thay một hoặc một vài từ ở dòng trên bằng một hoặc một vài từ khác đồng nghĩa với chúng ở dòng điệp lại, trong đó một trong các từ ở giữa hai dòng đối nhau ấy thường có một từ là TĐP. Việc thay thế từ đồng nghĩa như vậy không chỉ là ở việc dùng TĐP như một biện pháp tránh trùng lặp mà còn để tăng thêm sức khái quát cho lời thơ. TĐP được đặt trong thế lựa chọn cùng loạt với các từ đồng nghĩa toàn dân, đó cũng là một ưu thế của các sáng tác dân gian địa phương, chủ thể sáng tạo được tự do sử dụng vốn từ rộng rãi nhất nhưng không hề ảnh hưởng đến giao tiếp. Loạt câu, hay dòng sử dụng hình thức đối (giữa các câu, giữa các vế trong câu trong dòng) trong TDGNT phải chăng vì thế mà phong phú?

         Chẳng hạn, ở HGNT, theo sự khảo sát của chúng tôi, dường như khổ thơ nào của các bài hát giặm cũng đều sử dụng hình thức sóng đôi mà trong rất nhiều câu, TĐP đồng nghĩa hoặc trái nghĩa được dùng trong thế đối vừa tránh lặp vừa có tác dụng khái quát nghĩa. Hơn nữa, các cặp từ đó lại còn có thể được dùng theo cách phối hợp chặt chẽ với từ toàn dân (TTD) khác mà các TTD này cũng đối nhau giữa hai dòng theo quan hệ đồng nghĩa, gần nghĩa hay trái nghĩa vì thế nội dung của câu càng được nhấn mạnh và khái quát hơn. Ví dụ, kiểu dùng theo quan hệ sóng đôi giữa một TĐP với một TTD như trường hợp nỏ (không) đi sóng đôi với không trong các dòng sau:        

                               - Không bằng đây vô đó

                               Nỏ bằng đây vô đó

                               - Nhà hết ló hết khoai

                                Không bằng mô dở nữa

                                Nỏ bằng mô dở nữa

Như đã nói, có khi trong cấu trúc sóng đôi, tác giả dân gian dùng phối hợp nhiều cặp từ đồng nghĩa, gần nghĩa hay trái nghĩa với nhau làm cho nội dung ngữ nghĩa của cả câu được bổ sung nhấn mạnh hơn. Chẳng hạn, cách dùng phối hợp tạo thành các cặp đối: không / nỏ; mạnh / bạo; gạo / tiền như hai dòng sau đây:

                              - Không chi mạnh bằng gạo

                               Nỏ chi bạo bằng tiền

Cách dùng phối hợp giữa TĐP với TTD, giữa TĐP với TĐP hoặc giữa các TTD với nhau tạo thành từng cặp đối sóng đôi, trong sự phối hợp như vậy, vị trí của TĐP được dùng trong cấu trúc đối rất linh hoạt. TĐP và TTD đối nhau có thể ở vị trí đầu các dòng:

                           - Mắc đường kia nỗi nọ

                              Bận đường này nỗi nọ

                            - Kêu dì hai đổ tượng (phân)

                              Gọi dì hai đổ tượng

Cặp TĐP và TTD đối nhau có thể ở vị trí giữa các dòng:

                            - Đừng trăn triu (so bì) không khá

                               Đừng hà tiện không nên

                            - Bầy tui cức (tức) cái phận

                               Bầy tui giận cái duyên.

Cặp từ đối nhau có thể đều là TĐP và chúng đứng ở cuối các dòng:

                              - Đền Cao Sơn rờ rỡ

                             Đền Bản Thổ nguy nguy (cao lộng lẫy)

                              - Chồng gạo lòn bên nớ (ấy)

                               Chồng gạo nếp bên ni (này)

Cặp TĐP và TTD đối nhau có thể vừa đứng ở đầu vừa đứng ở cuối các dòng:

                              - Nhìn cái mặt cũng sọi (đẹp, giỏi)

                                Nom (nhìn) tay đánh cũng đều

                               - Rú thì rậm rì rì

                                Núi thì cao cồi cội (vòi vọi).

 Tính chất phong phú, đa dạng và linh hoạt của hình thức đối, sóng đôi giữa TĐP đồng nghĩa với TTD hoặc giữa TĐP với TĐP còn được thể hiện trong một cách tổ chức khác. Đó là sử dụng hình thức đối trong một dòng; các cặp từ đối nhau giữa các vế tạo thành quan hệ sóng đôi không những tạo nên âm hưởng cân đối hài hòa cho câu thơ mà nghĩa cũng được nhấn mạnh khái quát hơn. Hình thức này cũng rất phổ biến trong TDGNT. Kiểu như:

                      - Quân ông chơi bờ / nhởi bẩn.

 Hay :                             

                      - Hát lên ta nhởi / ta chơi

                          Nào ai hát được thưởng cho cơi trầu này.

Hoặc tạo ra hình thức đối phối hợp giữa các từ ngữ trong một dòng và giữa các dòng với nhau:

                        - Chàng ra đi: chân dùng (chùng) / chân dắng

                            Thiếp ở lại: mắt ngó / mắt trông

 Có thể lấy thêm ví dụ về trường hợp dùng từ đối theo hình thức kết hợp song song hai từ đồng nghĩa trong một dòng thơ mà trong đó một từ là từ địa phương nên vừa tạo cảm giác không lặp vừa dường như làm cho nội dung của câu thơ có sức bao quát hơn. Chẳng hạn, qua cách dùng thành cặp sóng đôi đối với từ ngái và xa trong các ví dụ sau đây chúng ta có thể thấy rằng biện pháp tổ chức từ ngữ này đã được tác giả dân gian rất chú ý:

                     - Đến đây đất nước lạ lùng     

                      Xa cha / ngái mẹ biết cậy cùng với ai

                                                                           (CDNT)

                    - Đến đây xa quán xa lân.

                           Xa cha / ngái mẹ gửi thân cho chàng.

                                                                           (CDNT)

                    - Xa lắm anh ơi / ngái lắm anh ơi,

                      Muốn gần ta trổ (mở) ngọ (ngõ) đôi cho gần.

                                                                           (HPV)

3. Như vậy, cách dùng TĐP đồng nghĩa trong các cấu trúc sóng đôi với các hình thức khác nhau như thế là một đặc điểm về cách sử dụng từ ngữ địa phương trong các sáng tác dân gian Nghệ Tĩnh. Đó là một biểu hiện mang tính lựa chọn về nghệ thuật sử dụng từ ngữ tạo nên một nét sắc thái phong cách riêng của TDGNT. Về hiệu quả, cách sử dụng từ ngữ như vậy không chỉ có giá trị tránh lặp, tạo nên sự hài hòa duyên dáng tính liên kết chặt chẽ về hình thức của câu thơ mà nội dung ý nghĩa cũng có sức bao quát, khái quát hơn, nghĩa được nhấn mạnh tăng cường hơn.

        Chỉ qua khảo sát hình thức sử dụng từ ngữ địa phương trong cấu trúc sóng đôi cũng có thể thấy ngôn ngữ của TDGNT là ngôn ngữ hồn nhiên, tự nhiên, dễ dàng, rất gần với khẩu ngữ; không hề mang vẻ đẹp của một công trình chế tác công phu. Nhưng chính cái hồn nhiên, chân chất, mộc mạc thô ráp ấy lại là cái đẹp riêng đối với người dân xứ Nghệ, bởi đó là tiếng nói “thật lòng" của họ; họ nói cho họ nghe, và chính người trong môi trường sáng tác, lĩnh xướng ấy mới cảm hết được. Cái riêng của TDGNT có lẽ là ở chỗ sự “lựa chọn" dùng TĐP thay cho TTD trong những hoàn cảnh mà bản thân sự lựa chọn đó là phù hợp về một phương diện nào đó về nội dung và nghệ thuật biểu hiện hay về sắc thái địa phương, sắc thái biểu cảm cần thiết của nó. Cái riêng của TDGNT còn là sự kết hợp hài hoà hai loại phương tiện mang phong cách khác nhau trong một cấu trúc sóng đôi rất hiệu quả về nghệ thuật biểu hiện và nội dung thể hiện.

 

                                 TÀI LIỆU KHẢO SÁT

  1. Nguyễn Chung Anh (1958), Hát ví Nghệ Tĩnh, NXB Văn Sử Địa.
  2. Nguyễn Đổng Chi (1963), Hát giặm Nghệ Tĩnh, NXB KHXH, Tập I, thượng.
  3. Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao (1963), Hát giặm Nghệ Tĩnh, NXB KHXH, Tập I, hạ.
  4. Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao (1984), Ca dao Nghệ Tĩnh, NXB Nghệ Tĩnh.

                                  

                                   TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Nhã Bản, Hoàng Trọng Canh, Phan Mậu Cảnh, Nguyễn Hoài Nguyên (1999), Từ điển tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, NXB Văn hoá Thông tin.
  2. Nguyễn Nhã Bản (2001), Bản sắc văn hoá của người Nghệ Tĩnh (Trên dẫn liệu ngôn ngữ), NXB Nghệ An.
  3. Hoàng Trọng Canh (2001), Nghiên cứu đặc điểm lớp từ địa phương Nghệ Tĩnh, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQG Hà Nội.
  4. Ngô Văn Cảnh (2004), Đặc trưng hình thức của các thể thơ dân gian Nghệ Tĩnh, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường ĐH Vinh.
  5. R. Jakobson (1998), Ngôn ngữ và thi ca (Cao Xuân Hạo dịch), chưa in.
  6. Phan Thị Vẽ (1996), Vốn từ địa phương Nghệ Tĩnh (Trên dẫn liệu thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh), Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Sư Phạm Vinh.

* Bài được in trong cuốn “Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ”, NXB Nghệ An, 2012.

                                    

 

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
27876
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26810
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
23836
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18751
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18504
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
11956
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
11898
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9064
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Ngôn ngữ - Văn hóa
5502
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5470
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5420
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Tiếng Việt Phổ thông
5408
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Anh
4053
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3267
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
3010
Từ trái nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:39:45
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo