Vai trò của phương ngôn trong dân ca hò - ví - giặm xứ Nghệ
VAI TRÒ CỦA PHƯƠNG NGÔN
TRONG DÂN CA HÒ, VÍ, GIẶM XỨ NGHỆ
PGS.TS. Phan Mậu Cảnh(*)
1. Ngôn ngữ được xem là nhân tố đầu tiên và hết sức quan trọng liên kết con người – xã hội, tổ chức giao tiếp và tri nhận về thế giới xung quanh. Trong quá trình hình thành, tồn tại và phát triển, ngôn ngữ chịu sự chi phối của nhiều nhân tố: không gian, thời gian, các yếu tố về văn hóa (như phong tục, tập quán, giáo dục…), các tác động biến thiên của tự nhiên và xã hội, v.v. Các tác động ảnh hưởng đó để lại dấu ấn trong ngôn ngữ, tạo thành các “làn sóng” ngôn ngữ, các vùng ngôn ngữ. Vì vậy, trong ngôn ngữ, bên cạnh cái phổ quát, điển dạng, mang tính chung của cộng đồng, lại có hiện tượng dị biệt, biệt dạng của từng vùng tiếng nói so với ngôn ngữ toàn dân. Sự tồn tại của phương ngôn xuất phát từ những căn nguyên như vậy. Ở góc độ ngôn ngữ học, phương ngôn (dialect) chỉ sự biểu hiện của ngôn ngữ được dùng ở trong phạm vi một vùng địa lí - cộng đồng nhất định có những đặc tính về ngữ âm, từ vựng dị biệt so với ngôn ngữ toàn dân.
Dân tộc Việt Nam đã có 4.000 năm lịch sử, đã trải qua biết bao nhiêu cuộc chiến đấu trường kì và dữ dội để dựng nước và giữ nước, để hình thành và phát triển. Và ngày nay, chúng ta đã có một quốc gia thống nhất, trong đó có nền văn hóa thống nhất, ngôn ngữ thống nhất, nhưng sự thống nhất về văn hóa và ngôn ngữ nằm trong tính đa dạng đặc thù của hai hiện tượng này. Biểu hiện rõ nhất của sự thống nhất trong đa dạng chính là phương ngôn trong mối quan hệ với ngôn ngữ toàn dân. Trong các phương ngôn, phương ngôn Nghệ Tĩnh, thường được gọi là tiếng Nghệ, là một phương ngôn đặc thù: đặc thù về âm sắc, giọng điệu, hệ thống từ vựng; đặc thù về cách sử dụng (nói lái, nói lối), đặc thù về môi trường hình thành và tồn tại giao tiếp… trong đó có môi trường giao tiếp trong sinh hoạt văn hóa dân gian.
2. Văn học dân gian, trong đó có dân ca, cũng như ngôn ngữ, là sản phẩm tinh thần do con người sáng tạo ra, đều nảy sinh từ lao động, sinh hoạt hàng ngày và đều có từ lâu đời, cổ xưa trong đời sống văn hóa nhân loại. Mỗi con người được nuôi lớn lên về thể chất từ dòng sữa mẹ, nhưng đồng thời cũng phát triển về trí tuệ, tâm hồn bằng việc tiếp thu tiếng nói, tiếp nhận nguồn sữa tinh thần từ văn hóa dân gian. Thiếu những cái đó, con người không thể phát triển bình thường. Cũng như nhiều dân tộc khác, nước ta có sự đa dạng về môi trường, sinh thái, phong tục tập quán, tất yếu sẽ có những điểm khác nhau về sinh hoạt văn hóa, xã hội và ngôn ngữ. Kéo theo đó là những sinh hoạt dân gian như phong tục, tập quán, các sáng tác dân gian (ca dao dân ca) cũng có những điểm khác nhau.
Khác với các loại hình sinh hoạt dân gian khác, dân ca là một hình thức sinh hoạt tồn tại với một hệ thống các yếu tố nghệ thuật: làn điệu, ngữ điệu, tiết tấu (nhạc), động tác (múa), ca từ (văn học), v.v. Trong đó, ngôn ngữ là chất liệu đầu tiên hình thành nên dân ca. Chính vì vậy, dân ca không chỉ gắn liền với môi trường xã hội, điều kiện tự nhiên, lao động sản xuất, sinh hoạt của con người... mà còn là tấm gương phản ánh trung thành những tâm tư tình cảm, những suy nghĩ, cảm xúc của con người. Ngôn từ trong dân ca vì thế, là phương tiện chuyển tải đắc dụng và quan trọng nhất nội dung từ chủ thể đến đối tượng tiếp nhận. Không có một chìa khóa vạn năng nào có thể mở cửa tâm hồn dân tộc, ngoại trừ ngôn ngữ của dân tộc ấy. Quả đúng như vậy, muốn tìm hiểu dân ca nói chung, dân ca xứ Nghệ nói riêng, chúng ta cần phải có chìa khóa trong tay, đó là ngôn ngữ - chất liệu quan trọng nhất của tác phẩm nghệ thuật - dân ca.
3. Dân ca xứ Nghệ gồm nhiều thể hát khác nhau như hò, ví, giặm, hát ru, hát nói, sắc bùa, v.v. Trong đó tiêu biểu và phổ biến hơn cả là ba thể: hát ví, giặm và hò. Dù hình thức nào, cách hát nào thì ngôn ngữ cũng là chất liệu quan trọng nhất để biểu hiện, chuyển tải nội dung. Ngôn từ dân ca xứ Nghệ song song tồn tại hai thực thể: ngôn ngữ toàn dân và phương ngôn Nghệ Tĩnh. Trong bài viết này, chúng tôi không đề cập đến những đặc điểm của phương ngôn hay của ngôn ngữ toàn dân mà chỉ xin bàn về giá trị của việc sử dụng phương ngôn trong các thể hát dân ca hò, ví, giặm xứ Nghệ.
3.1. Nếu ngôn ngữ của một dân tộc là một tín hiệu biểu trưng văn hóa dân tộc ấy thì, đến lượt mình phương ngôn lại cũng là một địa chỉ tin cậy để xác tín địa chỉ, nguồn gốc và cũng mang tính biểu trưng văn hóa cho một vùng đất, một địa phương nào đó. Với ý nghĩa đó, nhận xét đầu tiên là phương ngôn Nghệ Tĩnh góp phần làm nên tính đặc thù địa phương của hò, ví, giặm xứ Nghệ. Nghe dân ca xứ Nghệ, qua ca từ, qua làn điệu người ta biết đây đích thị là của xứ Nghệ.
Biểu hiện rõ nhất của phương ngôn trong dân ca xứ Nghệ là hò, ví, giặm đã sử dụng từ ngữ địa phương với tần số rất cao so với dân ca các vùng miền khác. Điều này cũng rất dễ hiểu bởi hò, ví, giặm xứ Nghệ được hình thành và sử dụng trong lao động, gắn liền với lao động. Trên chiếc thuyền xuôi dòng Lam, ngắm cảnh sông nước hữu tình mà cất lên tiếng hò; cùng nhau kéo một cây gỗ, bẫy một tảng đá lớn, dựng nhà, dựng cửa... để vơi bớt mệt nhọc, để hè nhau cùng hợp sức... mà cất lên tiếng hò. Giữa công việc và động tác lao động với câu hò điệu ví gần như có quan hệ khăng khít với nhau. Trong đêm tập trung kéo sợi, chị em ngồi lại lúc chuyện đồng chuyện bể, lúc chuyện nhớ chuyện thương, lúc đối đáp với trai kẻ thượng, lúc lại hát với trai kẻ hạ, lúc hát với người bình dân cũng lại có lúc được thử tài thơ phú với nho sinh có học... Từ mỗi cảnh, mỗi tình mà sinh ra câu hát. Đặc biệt, những câu hát ấy của người Nghệ không có sự chuẩn bị, mà thường là “xuất khẩu” mà thành lời ca vậy. Chính lẽ đó mà trong những câu hát lời ca, ngôn ngữ đời sống (khẩu ngữ – từ địa phương) xuất hiện rất nhiều. Theo thống kê của chúng tôi, trong hát ví (chẳng hạn trong Hát phường vải, Ninh Viết Giao st) trung bình cứ năm câu thì có một câu sử dụng tiếng địa phương (chiếm 20%), riêng hát giặm (Kho tàng vè xứ Nghệ, Ninh Viết Giao), bài nào cũng có từ địa phương (100%), bài ít nhất có một từ, bài nhiều có 7 đến 10 từ. Riêng hò số lượng làn điệu thống kê không nhiều, song trong năm làn điệu thì đã có ba làn điệu sử dụng từ địa phương (chiếm 60%). Những con số trên là minh chứng cụ thể cho mối liên hệ máu thịt giữa dân ca với đời sống, dân ca nghệ thuật bình dân; khởi phát của dân ca là từ những người bình dân, từ lao động sản xuất; ngôn ngữ - nội dung của dân ca xuất phát ở trên chính mảnh đất mà con người đang sống, sinh hoạt, lao động hàng ngày. Điều đó phản ánh và lí giải sự mộc mạc, dung dị, chân thật của hò, ví, giặm xứ Nghệ.
3.2. Phương ngôn đã góp phần tạo nên yếu tố đệm, đưa đẩy lời ca, qua đó tạo nên nhịp điệu, tiết tấu của lời ca. Biểu hiện rõ nhất vai trò của phương ngôn trong dân ca là các từ hư (các quan hệ từ, phụ từ, tình thái từ, trợ từ). Các từ này thực chất không có nghĩa thực, không phản ánh hay biểu thị nội dung trong lời ca, nhưng lại rất quan trọng, thiếu chúng thì lời ca chỉ là những từ ngữ trần trụi, rời rạc. Chúng có tác dụng liên kết, làm phần đệm cho lời, là chỗ ngừng nghỉ của tiết tấu nhịp điệu, góp phần tạo nên tính nhạc điệu cho lời ca. Ví dụ:
Thuyền ngược anh đẩy sào xuôi, (chư) khúc mô vắng ờ vẻ (thì) có người sầu riêng (Ví sông Phố).
Ờ ơ (chư) ai biết nước sông Lam răng là trong là đục, thì biết sống cuộc đời (chư) răng là nhục ị là vinh. (Chư) thuyền em lên thác xuống ơ ơ ghềnh, nước non là nghĩa (hị) là tình ai ơi (Ví đò đưa sông Lam).
Hò ơ ơ ơ hò, nhớ bạn mà nỏ nằm là khoan dô khoan. Hò ơ, mượn một con cá mà đi thăm là khoan dô khoan, cá lội xuôi là xuôi theo nước là khoan dô khoan, cá thẫn thờ là thờ theo nước là khoan dô khoan, hò ơ ơ hò. (Hò trên sông).
Bà con ơi nghĩ ơ lại, cảnh nước mất nhà ơ tan (chứ) nỗi thống khổ muôn ơ vàn ơ khác chi loài trâu ngựa mà nỏ khác loài ơ trâu ơ ngựa (Giặm xẩm).
Có thể thấy tiếng đệm xuất hiện trên cả ba thể hát thành hệ thống nhóm từ: chư (chứ), chơ, răng, nỏ, hị, rồi mì, ... tùy theo âm điệu lên cao hay xuống trầm để vận dụng. Qua bản ghi âm của các tác giả Lê Hàm, Thanh Lưu, Vi phong (Dân ca Nghệ Tĩnh, 1991), chúng tôi nhận thấy:
- Các tiếng đệm ư, chư, chứ được sử dụng ở âm vực cao như các nốt nhạc: Si (Ví sông Phố), Đố (Ví đò đưa sông Lam), Đố (Ví đồng ruộng), Rế (Ví trèo non), Rế – Mí (Giặm xẩm), Rế – Mí, Mí – Rế (Giặm nối), v.v.
- Các tiếng đệm ị, hị, lị thường được sử dụng ở âm vực thấp với các nốt nhạc: Sị (Ví đò đưa sông Lam), Fa (Ví đò đưa chuyển phường vải), v.v.
- Các tiếng đệm thì, rồi mì thường được sử dụng ở âm vực trung bình với các nốt nhạc: Mi, Sol, La như trong các làn điệu: giặm kể, giặm nối, v.v.
Rõ ràng các hư từ địa phương ở đây đã được sử dụng mang tính hệ thống, sử dụng đúng đặc tính âm thanh, âm vực của âm tiết trong phát ngôn. Điều đó giúp cho người hát thể hiện thành công tâm trạng cảm xúc khi hát. Khi tiếng đệm ở âm vực cao, âm thanh thánh thót, lan tỏa; khi ở âm vực thấp, âm thanh lại nhẹ nhàng, tha thiết... Bởi vậy mà hò, ví, giặm có thể làm say đắm lòng người bao thế hệ, khi bâng khuâng, xao xuyến, khi bồi hồi, xót xa... Dù có người nói rằng, hò, ví, giặm xứ Nghệ khúc thức không hoàn chỉnh, đơn giản về cao độ và tiết tấu, nhịp điệu hơi tự do... song chính nó lại làm nên cái đặc thù của dân ca xứ Nghệ so với dân ca các vùng miền khác. Đặc trưng về tiết tấu, nhịp điệu ấy phản ánh trung thực cuộc sống lao động của người dân; đó thực sự là nhịp điệu của lao động, thoát thai từ lao động; đó thực sự phản ánh trung thành tính cách con người ở xứ này: bộc trực, thẳng thắn, mạnh mẽ… Chính cái “đơn giản”, “tự do” ấy làm thành nghệ thuật, tạo thành nét riêng, làm nên sức sống mạnh mẽ trong kho tàng di sản dân ca mà trách nhiệm của chúng ta phải hiểu được, giữ gìn và phát huy trong thời đại ngày nay.
3.3. Từ địa phương xuất hiện trong ca từ như một điểm nhấn, tạo thành tiêu điểm của lời ca. Khi những từ như mô, tê, răng, rứa ... xuất hiện, cũng là lúc mà ý tình của người hát có sự phát triển đến cao trào. Xin thử khảo sát ngay với một làn điệu ví rất cổ nhưng rất quen thuộc với mọi người, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó:
- Lời chàng trai: Ơ... Anh đến giàn hoa thì hoa kia đã nở. Anh đến bến đò thì đò đã sang sông. Anh đến tìm em thì em đã lấy chồng. (Mà) em thương anh như rứa, có mặn nồng lấy chi.
- Lời đáp lại của người con gái: Ơ... Anh đến giàn hoa, hoa đến thì hoa phải nở. Anh đến bến đò, đò đầy, đò phải sang sông. Đến duyên em thì em phải lấy chồng. (Mà) em yêu anh như rứa, có mặn nồng thì tùy anh.
Chỉ một từ rứa thôi mà trong lời người con trai thì biểu thị một sự trách móc pha hờn giận, trong lời người con gái là một tình cảm thân thương (vì cô không hề phủ nhận tình cảm cũ với người cũ). Bên cạnh sự thân thương vương vấn đó vẫn là một thái độ từ chối thẳng thắn mà không lạnh lùng, cương quyết mà không tàn nhẫn với người xưa. Điều đó thể hiện một cách xử sự khéo léo tế nhị. Toàn bộ sự kì diệu của bài ca đã được phát tiết qua từ rứa độc nhất vô nhị. Không thể có một cách diễn đạt nào thay thế nổi.
Hoặc trong một làn điệu của Ví phường cấy:
Rồi mùa toóc rả rơm khô / Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm.
Lời ca gợi lên không khí thôn quê khi bắt đầu vãn mùa toóc rả rơm khô, khi người đi kẻ ở (Thủa xưa, khi vào vụ cấy, vụ gặt, nhiều nơi phải thuê thêm người làm. Những người đến làm thuê từ nhiều làng khác nhau, xong mùa vụ, ai lại về làng nấy. Những ngày làm việc bên nhau, quyến luyến nhau là chuyện thường tình). Câu ca không nói đến tình mà tình chan chứa trong một từ mô chân chất của xứ Nghệ. Mô ở đây vừa là đại từ để hỏi, vừa là định từ xác định nơi chốn, bởi thế mà câu ca vừa như một câu hỏi, vừa như một lời than vì nỗi xa cách, nhớ nhung khiến người nghe không khỏi nao nao xúc động quyến luyến. Giả sử ta cứ toàn dân hoá nó mà thay mô bằng đâu, nào thì câu ca đơn giản chỉ là một câu hỏi, còn đâu cái bịn rịn, quyến luyến của kẻ đi người ở nữa.
Trước đây, trong chương trình dạy hát dân ca trên sóng phát thanh truyền hình, chúng tôi thường được nghe một làn điệu rất quen thuộc:
Râu tôm nấu với ruột bầu / Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.
Mỗi lần nghe câu hát ấy, chúng tôi thường không khỏi giật mình. Thôi còn đâu cái chất Nghệ đậm đà, tha thiết, mộc mạc, chân thành nữa. Phải là:
Râu tôm nấu với rọt bù
Chồng chan vợ húp gật gù khen ngon.
Hai câu ca thực chất chỉ là một, chỉ khác bởi cách gọi rọt bù (phương ngôn) và ruột bầu (từ toàn dân). Cả hai đều mô tả một bữa cơm đơn sơ, nghèo khó (chỉ có râu tôm nấu với ruột bầu – hai thứ mà gia đình Việt Nam bình thường nào cũng đều bỏ đi khi nấu). Nghĩa là cái nghèo, cái khổ của họ có lẽ đã đến tận cùng. Thế nhưng đọc kĩ ta mới nhận ra sự khác nhau giữa hai câu ca. Không phải khác bởi rọt bù hay ruột bầu mà khác bởi những từ hiệp vần với hai từ đó: gật gù hay gật đầu? Giá trị tinh thần trong hai câu ca có mức độ khác biệt: Gật đầu: biểu thị sự đồng tình nhưng ít biểu cảm; gật gù: biểu thị sự đồng cảm, chia sẻ. Sự kết hợp hài hoà giữa cái thiếu thốn của vật chất với cái giàu có của tinh thần, giữa sự mộc mạc hồn hậu trong đời sống hàng ngày với cái ý nhị cảm thông sâu sắc trong nghĩa tình chồng vợ, đem đến cảm nhận về một cuộc sống vợ chồng rất đỗi đằm thắm hạnh phúc - thứ hạnh phúc được tạo dựng bởi sự cảm thông chia sẻ, bởi mỗi người đều biết khích lệ, động viên nhau trong khó nghèo. Những cảm nhận đó chỉ có thể có được khi chúng ta đọc, cảm nhận từ câu ca: Râu tôm nấu với rọt bù. Tạo được dấu ấn đặc sắc đó trước hết phải kể đến vai trò của từ địa phương.
3.4. Về góc độ ngôn ngữ và văn hóa, phương ngôn Nghệ trong dân ca hò, ví, giặm, có thể nói, là tấm gương phản chiếu văn hóa vùng quê xứ Nghệ, tính cách con người xứ Nghệ. Xin thử so sánh một vài trường hợp sau để thấy sự thể hiện phong cách của người Nghệ qua ca từ của dân ca hò, ví, giặm xứ Nghệ.
Thử xét trong cùng một bài ca dao, khi chuyển thành lời hát, làn điệu ví của xứ Nghệ vẫn có những điểm khác so với làn điệu của Bình Trị Thiên. Dưới đây là ca từ trong bài Hò giã gạo của dân ca Bình Trị Thiên:
Nữ hỏi:
Em hỏi anh trong trăm thứ dầu / Có dầu chi là dầu không thắp / Trong ngàn thứ bắp, bắp chi là bắp không rang / Trong vạn thứ than, than chi là than không quạt / Trong triệu thứ bạc, bạc chi là bạc không tiêu / Trai nam nhi anh đối được dải lụa điều em trao.
Nam đáp:
Trong trăm thứ dầu, có mưa gió dãi dầu là dầu không thắp / Trong ngàn thứ bắp, có lắp bắp mồm miệng là bắp không rang / Trong vạn thứ than, có than thở thở than là than không quạt / Trong triệu thứ bạc, có bạc tình bạc nghĩa là bạc không tiêu / Trai nam nhi anh đối được. Hỏi dải lụa điều em có chưa?
Còn trong lời hát của ví phường vải xứ Nghệ:
Nữ hỏi:
Một trăm thứ dầu, dầu chi không ai thắp? / Một trăm thứ bắp, bắp chi không ai rang? / Một trăm thứ than, than chi không ai quạt? / Một trăm thứ bạc, bạc chi bán / chẳng ai mua? / Trai nam nhi đối đặng, gái bốn mùa xin theo.
Nam đáp:
Một trăm thứ dầu, dầu xoa không ai thắp, / Một trăm thứ bắp, bắp chuối chẳng ai rang, / Một trăm thứ than, than thân không ai quạt, / Một trăm thứ bạc, bạc tình bán chẳng ai mua, / Trai nam nhi đối đặng, gái bốn mùa tính răng!
So sánh hai văn bản trên (tất nhiên, do tính dị bản của văn học dân gian, bài ca này còn một số bản khác nữa), ở đây chúng tôi không đề cập đến sự khác nhau về chất liệu âm nhạc, về cung, quãng trong bản nhạc mà chỉ so sánh nó trên phương diện ca từ, tổ chức lời ca đã có thể thấy những điểm khác nhau cơ bản về phong cách giữa hai vùng:
- Về các từ ngữ chỉ lượng, trong Hò giã gạo của Bình Trị Thiên có sự phát triển: trăm – ngàn – vạn – triệu, ngược lại ví phường vải chỉ ổn định với một định lượng nhất định cho các đối tượng được nhắc đến. Sẽ là hơi chủ quan khi kết luận với một ví dụ ở đây, song thực tế, qua rất nhiều tình huống đối đáp (ở đây trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi không thể dẫn ra hết), ta có thể khẳng định một tính cách của người Nghệ: rõ ràng, chắc chắn, có phần hơi cứng nhắc.
- Về cấu trúc lời ca, một điểm dễ thấy là cấu trúc trong câu hát của ví phường vải xứ Nghệ ổn định hơn, lời hỏi và lời đáp đối rất chỉnh cả về ý và từ, số lượng từ trong từng câu; ngược lại Hò giã gạo của Bình Trị Thiên có sự co giãn, luyến láy về câu từ, câu hát hỏi và đáp vì thế thiếu đi sự cân đối, câu dài câu ngắn khác nhau.
- Xét về mặt phương ngữ, Bình Trị Thiên và Nghệ Tĩnh là một vùng phương ngữ Trung (theo sự phân vùng phương ngữ của GS. Hoàng Thị Châu, tiếng Việt phân ra ba vùng phương ngữ chính: Bắc – Trung - Nam). Các từ ngữ như chi – gì, răng – sao... đều được sử dụng giống nhau trong sự đối ứng với ngôn ngữ toàn dân. Tuy nhiên có thể thấy, ý thức sử dụng phương ngữ của người Nghệ rõ nét hơn. Chỉ một câu hỏi cuối: Trai nam nhi đối đặng, gái bốn mùa tính răng. Một từ để hỏi răng thôi, mà thấy sự tinh nghịch, thái độ rõ ràng, dứt khoát của người Nghệ khác với con người xứ khác rồi. Điều đó là gì nếu không phải là phong cách, là bản sắc.
Xin phân tích thêm một ví dụ nữa giữa dân ca Nghệ và dân ca Bắc bộ. Cùng thể hiện một thái độ dứt khoát trong tình yêu, ca từ dân ca Bắc bộ diễn tả một cách nhuần nhị, lưu loát:
Có yêu thì nói rằng yêu / Không yêu thì nói một điều cho xong / Làm gì dở đục dở trong / Lờ đờ nước hến cho lòng tương tư.
Người Nghệ lại tỏ thái độ một cách dứt khoát, chắc nịch:
Đã yêu thì yêu cho chắc / Đã trục trặc thì trục trặc cho luôn / Đừng như con thỏ đứng đầu truông / Khi vui thì giợn bóng, khi buồn thì bỏ đi.
Ở đây, sắc thái chắc nịch không hẳn do từ địa phương đem lại nhưng chính âm sắc của từ: chắc, trục trặc, giợn... tạo nên phong cách cứng cỏi, mạnh mẽ cho con người xứ Nghệ. Có thể thấy, hình thức (ngữ âm) với nội dung (nghĩa của lời) quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách rời. Chính đó là tiền đề để chúng ta hiểu sâu thêm nội dung ngữ nghĩa của ca từ trong dân ca hò, ví, giặm xứ Nghệ. Hiểu như vậy, chúng ta mới hình dung được bức chân dung bản sắc văn hóa của con người xứ Nghệ qua những lời ca.
Một đặc điểm nữa là việc sử dụng ngôn từ trong dân ca xứ Nghệ, bên cạnh những câu, bài mang màu sắc tu từ (như so sánh, ẩn dụ), có nhiều bài có cách nói nôm na, mộc mạc, chân tình. Thẳng thắn như chính cuộc sống, như chính lời nói thường hàng ngày (Tuy mự có chồng nhưng chồng ở ngái / Tui đây có vợ nhưng vợ lại ở xa / Dù hai bên ta trò chuyện xướng ca / Sau ai về có mách miệng thì mự về nhà dù chồng có dùi bảy gậy ba / Tui về nhà dù vợ có nhiếc mắng van la / Hai ta từ chối ơ mự, để sau ra cho dễ dàng).
3.5. Một đặc điểm nữa là phương ngôn góp phần thể hiện và có ảnh hưởng quyết định đến các loại làn điệu dân ca xứ Nghệ. Làn điệu của lời hát thể hiện qua nhiều yếu tố, rõ nhất qua giọng điệu và ngữ điệu. Theo một số kết quả điều tra đã nêu, dân ca xứ Nghệ có khoảng xấp xỉ tám mươi làn điệu, trong đó, ví: mười lăm làn điệu, giặm: tám làn điệu, hò: mười sáu làn điệu, còn lại (khoảng bốn mươi làn điệu) là hiện tượng lai, xẩm. (Theo Dân ca Nghệ Tĩnh, 1991). Như vậy, làn điệu dân ca xứ Nghệ cũng khá là phong phú về cách thức biểu hiện, giàu tính biểu cảm, phản ánh rõ nhịp điệu cuộc sống, ngôn ngữ đời sống; làn điệu dân ca mang đậm bản sắc đặc thù của một vùng phương ngữ. Nó cũng góp phần tạo ra nét riêng của dân ca vùng này so với dân ca các vùng khác. Nghe là nhớ là biết dân ca xứ nghệ…
Yếu tố ngữ điệu, giọng điệu không thể hiện rõ trên văn bản ghi chép ca từ nhưng khi thể hiện thành lời thì rất đậm nét.
Giọng điệu thể hiện rõ nhất là cách phát âm các thanh điệu. Thanh điệu trong ngôn ngữ toàn dân có sáu thanh, xứ Nghệ chỉ có năm hoặc bốn thanh; những thanh ở âm vực cao có xu hướng chuyển xuống âm vực thấp hơn, làm trầm hóa, nặng hóa âm tiết (như: sắc -> nặng, ngã -> hỏi, nặng) điều này không chỉ thể hiện rõ trong lời nói hàng ngày mà thể hiện trong khi hát dân ca xứ Nghệ, nó cũng làm thành nét đặc thù khi hát dân ca. Cho nên tiếng Nghệ có xu hướng đục, trầm, nặng hơn phương ngôn Bắc bộ một phần là vì thế.
Chẳng hạn: Ăn cơm cụng nghẹn / uống nước cụng nghẹn / Nghe lời bạn hẹn / ra bại đứng trông / bại thời thấy bại, người không thấy người…
Còn ngữ điệu là đường nét của âm thanh khi nói khi hát, gồm: trường độ (độ dài - ngắn), cường độ (nhấn mạnh –lướt nhẹ) cao độ (cao - thấp). Phần này muốn chính xác, cần phải nghiên cứu kĩ hơn, công phu hơn. Bước đầu có thể thấy, ngữ điệu dân ca xứ Nghệ, cùng với giọng điệu, có một số đặc điểm sau đây: về trường độ thường ngắn (rõ nhất là hát giặm / so sánh: quan họ, chèo: có xu hướng âm ngân dài, nhiều luyến láy); về cường độ, âm phát ra thường mạnh mẽ dứt khoát (Đã yêu thì yêu cho chắc…); về cao độ, liên quan đến thanh điệu, âm phát ra khi hát thường thấp, trầm hóa, đơn giản (ruốc tui ngon lắm bà ơi; phụ tử tình thâm / công thầy nghịa mẹ).
Ngày xưa… Bởi vì hôm nay, thời thế thay đổi, môi trường “diễn xướng” của lối hát hò đối đáp hồn nhiên như vậy đã không còn nữa. Nó chỉ còn là những kỷ niệm của rất ít người. Đó là tiếng hát hò của “một thời quá vãng”, nhắc lại để mà nhớ. Biết vậy, nên chúng ta càng cần phải quý trọng những gì mà cha ông ta đã tạo nên tự… ngày xưa.
4. Xã hội hiện đại đang ngày một phát triển. Ngôn ngữ cũng vậy, nó không chỉ toàn dân hóa mà ngôn ngữ cũng là một thành tố tham gia vào quá trình hội nhập toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Hàng ngày, chúng ta đang phải nghe không ít những từ ngữ nửa Tây nửa ta, kiểu như: Fan hâm mộ, sau rum (show room), ti vi, ô tô, hon đa... Thậm chí cả trong hát phường vải những năm trước Cách mạng tháng Tám, yếu tố ngôn ngữ Ấn Âu cũng đã được đưa vào trong câu ví khi các thầy đồ Tây tìm về làng quê tham gia hát phường vải:
Sao rua rọi tỏ ngày đêm / Các anh vô nhởi (chơi), dạ em mê hoài / Ra về cất tiếng ô - voa, / Khăn hồng gửi lại, mù - soa em cầm.
(Rua là sao rua, nhưng chữ Pháp nghĩa là ngày (jour), vô là vào nhưng chữ Pháp (vos) là của các anh, ở đây là các anh, em mê chữ Pháp (aimer) là yêu. Trong một câu vừa có jour vừa có ngày, có vos lại có các anh, có aimer lại có mê; Ô-voa (au revoir): chào tạm biệt; mù-soa (mouchoir): khăn tay) (Theo Ninh Viết Giao, 1993, trang 41).
Vấn đề đặt ra ở đây là với nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản dân ca hò, ví, giặm xứ Nghệ, yếu tố đầu tiên chúng ta phải bảo vệ được đó là ngôn ngữ, là bản sắc của xứ Nghệ trong dân ca, trong đó có cả vấn đề phương ngữ. Bởi lẽ, ngôn ngữ nói chung và phương ngữ nói riêng là yếu tố làm thành tâm điểm trong dân ca. Mất điều này là mất đi bản sắc của vùng dân ca. Nhưng nếu giữ, phải giữ thế nào để không lạm dụng, để phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại mà vẫn giữ được sự trong sáng của tiếng Việt, sự độc đáo, bản sắc của từ địa phương.
Từ suy nghĩ đó, chúng tôi đề xuất một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, với những văn bản cổ, làn điệu cổ của hò, ví, giặm, xin được giữ nguyên khi sử dụng. Bởi lẽ, quá trình bảo tồn và phát huy tự nhiên trong đời sống văn hóa từ trước đến nay vốn dĩ là một quá trình bảo lưu, phát triển có ý thức của nhân dân. Bản thân quá trình phát triển văn hóa có sự đào thải yếu tố văn hóa lỗi thời, lạc hậu, không phù hợp với hiện thực khách quan. Những gì còn lại hôm nay, nói không ngoa, như đồng chí Phạm Văn Đồng đã từng nói: là “những viên ngọc quý” đã được mài giũa qua sự đào thải, kiểm định khắt khe của thời gian. Những gì còn lại hôm nay là những tác phẩm có giá trị đích thực, là những gì tinh túy nhất đọng lại qua sự sàng lọc đó. Xin nhắc lại một ví dụ chúng tôi đã phân tích, đừng vì toàn dân hóa mà thay ruột bầu cho rọt bù (Râu tôm nấu với rọt bù). Cái hay, cái đẹp, cái bản sắc một phần chính là từ địa phương trong những câu ca đó.
Thứ hai, trong những trường hợp vận dụng lời mới, đặt lời mới cho làn điệu cũ theo cách “bình cũ rượu mới” hay sáng tác ca khúc mới trên chất liệu dân ca... cần có sự chọn lọc để sử dụng từ ngữ, âm sắc địa phương đúng nơi, đúng chỗ. Thực tế cho thấy, rất nhiều tác giả thành công khi sử dụng phương ngữ trong ca khúc của mình: Nguyễn Văn Tý với ca khúc Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ; Trần Hoàn với ca khúc Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví giặm, Mời anh về Hà Tĩnh; An Thuyên với Hà Tĩnh mình thương; Thanh Chương với Thanh Chương mời bạn về thăm... và rất nhiều các nhạc phẩm khác. Khi chạm đến vùng phương ngữ Nghệ, tự nhiên vậy, người nghe nhìn ra ngay cái gốc Nghệ, và không ai lại không khỏi xao xuyến bâng khuâng. Tuy nhiên nếu dùng với một dung lượng dày đặc, có thể sẽ phản tác dụng, đi ngược lại với mục tiêu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đặc biệt với ngôn ngữ kịch khi vận dụng trong chương trình biểu diễn của Kịch hát xứ Nghệ, càng cần phải chú ý điều này.
Trên đây là những suy nghĩ, nhận xét bước đầu về vai trò của phương ngôn Nghệ Tĩnh thể hiện trong hò, ví, giặm xứ Nghệ. Có thể nói rằng, phương ngôn với hệ giá trị và ý nghĩa của nó, đã làm nên sắc thái dân gian, tâm hồn xứ Nghệ trong dân ca hò, ví, giặm. Đó cũng chính là bản sắc, cốt cách và bản lĩnh của một vùng văn hóa. Mong rằng, bằng quá trình bảo tồn và phát huy di sản dân ca hò, ví, giặm xứ Nghệ, chúng ta sẽ giữ được cho nó phát huy được những giá trị quý giá, để nó trường tồn cùng sự trường tồn của các di sản văn hóa dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Chung Anh, Hát ví Nghệ Tĩnh, Nxb Văn Sử Địa, H., 1958.
- Phan Mậu Cảnh, Suy nghĩ về mấy lời hát ví, Ngôn ngữ và đời sống 3/2006.
- Hoàng Thị Châu, Phương ngữ học tiếng Việt, Nxb ĐHQG Hà Nội, 2004
- Nguyễn Đổng Chi – Ninh Viết Giao, Ca dao Nghệ Tĩnh, Sở Văn hóa Thông tin Nghệ Tĩnh, 1984.
- Ninh Viết Giao, Hát phường vải, Nxb Nghệ An, 1993.
- Ninh Viết Giao, Kho tàng vè xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 1999.
- Thanh Lưu – Lê Hàm – Vi Phong, Âm nhạc dân gian xứ Nghệ, Nxb...
- Thanh Lưu – Lê Hàm – Vi Phong, Dân ca Nghệ Tĩnh, Nxb Âm nhạc, 1991.
- Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam (bản in lần thứ 8), Nxb Khoa học xã hội, H., 1978.
* Hiệu trưởng trường CĐ VH NT Nghệ An