Viết đúng chính tả D và Gi
Viết đúng chính tả D và Gi |
TS. Nguyễn Hoài Nguyên Khoa Ngữ văn - Đại học Vinh
TT. Để giải quyết bài toán chính tả D/GI, bài viết đề xuất các quy tắc: dựa vào thanh điệu và khả năng kết hợp để viết chính tả các âm tiết D/GI Hán Việt; dựa vào từ láy âm, khả năng kết hợp và những quan hệ lịch sử để viết các âm tiết D/GI thuần Việt. Các quy tắc này dễ áp dụng, giải quyết căn bản cách thể hiện âm vị /z/ bằng hai con chữ D và GI.
1. Đặt vấn đề 1.1. Chữ viết của bất kì ngôn ngữ nào cũng phải đạt được hai yêu cầu cơ bản: chữ viết càng hợp lí càng tốt và chính tả phải thống nhất. Chính tả có thống nhất thì mới phát huy đầy đủ chức năng của nó là làm cho giao tiếp không bị hạn chế bởi khoảng cách không gian và, trong những điều kiện nhất định, cả trong thời gian. Đồng thời, chữ viết càng hợp lí thì càng tiện dùng, nhất là cho số đông và việc phát huy chức năng của nó mới thuận lợi. 1.2. Về cơ bản, chữ viết tiếng Việt tương đối hợp lí và nhìn chung, chính tả thống nhất ở cách viết âm tiết. Nguyên tắc cơ bản của chữ quốc ngữ là nguyên tắc ngữ âm học, nghĩa là, giữa chữ viết và ngữ âm có sự nhất trí. Cố nhiên, chữ quốc ngữ chưa phải là lối chữ ghi âm hoàn thiện, vì trong một số trường hợp, giữa chữ và âm có sự xê dịch quá lớn. Điều này dẫn đến có quá nhiều trường hợp chưa có sự thống nhất về chính tả, gây không ít trở ngại trong giao tiếp hàng ngày, đặc biệt trong hoạt động văn hoá, giáo dục, khoa học... Thực tế ấy đã và đang đòi hỏi phải có những quy định chặt chẽ về chính tả và tiến tới xây dựng chuẩn chính tả nhằm bảo đảm cho việc thực hiện tốt chức năng xã hội của chữ viết. 1.3. Ngày nay, trừ một số thổ ngữ Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, nói chung, trong toàn quốc đều không phân biệt D, GI trong phát âm nhưng trong chữ viết (và cả chính tả) thì lại có sự phân biệt. Tình hình này dẫn đến cách viết chính tả D/GI thiếu thống nhất và trở thành bài toán chính tả cho toàn quốc. Bài viết này muốn bàn góp về thực trạng chính tả D/GI và đưa ra lời giải cho bài toán phức tạp đó. 2. Cách viết chính tả D và GI 2.1. Cơ sở ngữ âm học của bài toán D và GI Nói không còn sự phân biệt D/GI trong phát âm, cả hai đều phát âm [z], là xét trong hệ thống ngữ âm tiêu chuẩn tiếng Việt. Thực tế, trường hợp được ghi D và GI, hiện nay có cách phát âm khá khác nhau giữa các vùng. Ở Bắc Bộ, nói chung, ghi D ở chữ quốc ngữ phát âm là [z], ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ phát âm là [j]. Nhưng trong nội bộ khu vực Bắc Bộ lại cũng có sự khác nhau: ở những thổ ngữ còn có sự phân biệt /s/ (x) và /ş/ (s) thì D là âm hữu thanh /z/, ứng với /s/ (x); ở những thổ ngữ không có sự phân biệt ấy (nghĩa là /s/ và /ş/ nhập lại làm một /s/), D và GI đều phát âm [z] thì /z/ (d) và /s/ không còn nhất thiết tương ứng nhau. Ở Bắc Trung Bộ, hầu hết các thổ ngữ Nghệ Tĩnh, một vài thổ ngữ Bố Trạch (Quảng Bình), D phát âm thành [dj], còn các thổ ngữ Bình Trị Thiên phát âm mềm thành [z'] nên cũng không tương ứng với cấu âm cứng của /s/ (x). Lùi xa hơn nữa vào quá khứ, ta thấy một số từ có D, trong Từ điển Việt -Bồ - La [7], A.de Rhodes ghi bằng de (hoặc dě). Con chữ D được A.de Rhodes ghi bằng con chữ de, đôi khi là dě là biểu thị âm tắc đầu lưỡi /d/ và biến thể có cấu âm ngạc hoá mạnh /dj/, là một phụ âm xát mặt lưỡi. Hàng loạt từ có D, hầu hết các thổ ngữ Nghệ Tĩnh phát âm thành [dj]: (con) đao (< dao), đưới (< dưới), (đi) đáy (< dạy), đám (< dám), (con) đam (< dam), (để) đèng (< dành), (nói) đối (< dối), (lá) đong (< dong)... Như vậy, cách phát âm D thành [dj] trong các thổ ngữ Nghệ Tĩnh phản ánh cách phát âm của một phụ âm (đầu) tiếng Việt thế kỉ XVII. Về con chữ GI, nhìn chung, ở các phương ngữ chính, không có một âm riêng dàng cho GI. Ở Hà Nội, GI phát âm thành [z] (bao gồm cả D và R). Ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ, GI phát âm thành [j] (bao gồm cả D và V). Còn ở nhiều thổ ngữ Nghệ Tĩnh và một số thổ ngữ Quảng Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình) GI phát âm thành [cj], một phụ âm mặt lưỡi, tắc, ngạc hoá mạnh. Về mặt lịch sử, những từ hiện nay viết với GI vốn xưa không phải cùng một gốc. Các từ giời, giăng, giầu, gio, gianh... lên đến thế kỉ XVII đang còn viết với bl. Quá trình bl > GI mới xẩy ra gần đây (cuối thế kỉ XIX) và chỉ xẩy ra ở Bắc Bộ. Theo Nguyễn Tài Cẩn [1], một số từ hiện nay viết với GI còn có gốc là */c/. Trong Từ điển Việt - Bồ - La [7], những từ như gì, giá A.de Rhodes đã viết với GI. Trường hợp */c/ đưa đến GI có thể chứng minh qua những tương ứng sau đây trong cách phát âm của các thổ ngữ Nghệ Tĩnh: chự (bò) - giữ (bò), (con) chán - (con) gián, (cái) chiếng - (cái) giếng, (cái) chờng - (cái) giường, chận (chắc) - giận (nhau), (cười) chon - (cười) giòn, chạng (háng) - giạng (háng), (ngủ một) chớc - (ngủ một) giấc... Như vậy, cách phát âm [cj] của các thổ ngữ Nghệ Tĩnh phản ánh âm đầu /cj/ trong tiếng Việt cách nay hơn ba thế kỉ. Vậy là, quá trình */c/ > GI xẩy ra qua trung gian là phụ âm có yếu tố ngạc hoá [cj]. Tóm lại, xét về mặt lịch sử, âm xát /z/ (d, gi) ngày nay là kết quả diễn biến của hai âm đầu cổ /d/ (và biến thể /dj/) và /c/ (và biến thể /cj/). Âm /z/ được thể hiện trên chữ viết là D và GI phát âm khác nhau trong các phương ngữ, thổ ngữ dẫn đến tình trạng viết chính tả D, GI lẫn lộn trong phạm vi toàn quốc. Chính vì tình trạng lẫn lộn D, GI phổ biến như vậy, lại thiếu cơ sở ngữ âm, dù là ngữ âm địa phương, cho nên, nhiều người đề nghị bỏ sự phân biệt này trong chính tả và thay D, GI bằng con chữ Z. 2.2. Thực trạng viết D và GI 2.2.1. Cách viết D và GI trong các từ điển tiếng Việt a. Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (2000) - Trong Từ điển tiếng Việt (TĐTV), có 3616 âm tiết D và GI, trong đó, có 2252 âm tiết với với D, 3164 âm tiết viết với GI. Ở cấp độ từ, có 539 từ đơn tiết D và GI, trong đó, có 339 từ viết với D, có 200 từ viết với GI. - Có 19/539 từ đơn tiết tồn tại hai cách viết: vừa viết D, vừa viết GI. Đó là các trường hợp: dải 238 - giải 387, dại 239 - giại 388, dàm 239 - giàm 390, dang 240 - giang 391, dàng 240 - giàng 369, dành 242 - giành 392, dăng 243 - giăng 396, dâm 245 - giâm 397, dẫm 245 - giẫm 397, dậm 245 - giậm 397, dấn 248 - giấn 398, dận 250 - giận 397, dồi 262 - giồi 403, dội 262 - giội 403, dông 263 - giông 403, dũa 265 - giũa 405, duộc 267 - giuộc 406. Có ba từ song tiết có hai cách viết: dăng dăng 244 - giăng giăng 396, dâu da 249 - giâu gia 398, dở dói 263 - giở giói 404. b. Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên (1999) - Đại từ điển tiếng Việt (ĐTĐTV) có 9060 âm tiết D và GI, trong đó, có 5835 âm tiết viết với D, có 3225 âm tiết viết với GI. Ở cấp độ từ, có 711 từ đơn tiết viết D và GI, trong đó, có 491 từ viết với D, có 220 từ viết GI. - Có 6/711 từ đơn tiết tồn tại hai cách viết: vừa viết với D, vừa viết với GI. Đó là các trường hợp dạc 506 - giạc 725, dắm 516 - giắm 743, dòi 544 - giòi 754, dóng 546 - gióng 765, dấm 553 - giấm 740, doi 567 - gioi 748. Một số trường hợp, ở TĐTV có hai cách viết thì ở ĐTĐTV chỉ có một cách viết. Chẳng hạn: viết D trong dải (đất), dông (tố), dàm, dũa, duộc... viết GI trong giồi, giội, giận, giâu gia... 2.2.2. Cách viết D và GI trong các từ điển chính tả a. Việt ngữ chánh tả tự vị của Lê Ngọc Trụ (1959) Trong công trình này, có 15 trường hợp vừa viết D, vừa viết GI. Đó là các trường hợp: dả/ giả 127, dải/ giải 133, dàm/ giàm 135, dám/ giám 136, dặm/ giặm 161, dệu/ giệu 160, dít/ gít 164, dìm/ gìm 166, diềng/ giềng 167, dong/ giong 177, dọng/ giọng 180, dọt/ giọt 181, dợn/ giợn 188, dượng/ giượng 204. b. Từ điển chính tả phổ thông của Viện văn học (1963) Trong công trình này, có 9 trường hợp tồn tại hai cách viết vừa D vừa GI. Đó là các trường hợp: dạm 77/ giạm 109, dăng 79/ giăng 111, diết 83/ giết 113, dói 85/ giói 114, dỏng 86/ giỏng 115, dở 88/ giở 116, dùi 89/ giùi 117, dụi 89/ giụi 117, dượng 92/ giượng 117. c. Chính tả tiếng Việt của Hoàng Phê (1999) Đây là công trình từ điển chính tả công phu nhất và có tính khoa học cao vì tác giả biên soạn theo từng vấn đề chính tả, trong đó có chính tả D/GI. Trong công trình này, có 15 cặp âm tiết D/GI, tức là vừa viết D, vừa viết GI. Đó là các trường hợp: (quả dâu) da/ gia 50, (dối) dà/ già 50, (con) dang/ giang 54, (sóng đánh) dạt/ giạt 56, (dục) dặc/ giặc 56, (đánh) dậm/ giậm 58, dấn/ giấn (đầu xuống) 58, (rau) dền/ giền 61, dò/ giò (phong lan) 64, (dở) dói/ giói 65, (ăn) dỗ/ giỗ 66, dở/ giở (dói) 66, (dập) dờn/ giờn 68, dũa/ giũa (cái cưa) 69, dục/ giục (dặc) 69. 2.2.3. Nhận xét - Qua thống kê trên văn bản, chúng ta dễ dàng nhận thấy cách viết D/ GI giữa các từ điển tiếng Việt là chưa nhất quán. So sánh đối chiếu TĐTV và ĐTĐTV, chúng tôi thấy rằng, so với TĐTV thì ĐTĐTV có số lượng mục từ nhiều hơn nhưng một số âm tiết D/GI có trong TĐTV lại không có trong ĐTĐTV như: dắt, dẫm, doạng, dũa, duộc, giạt1, giạt2, giầm, giấn, giấp, giầu1, giầu2, gièm, giẹp, giếc, gìn, giảy, giô, giồ, giỗi, giùi, giúi1, giúi2, giụi. - Trong các từ điển chính tả, cách viết D/GI cũng không thống nhất. Chẳng hạn, Từ điển chính tả phổ thông viết dông (tố), dải (thưởng), trong khi đó, tất cả các từ điển khác đều viết giông (tố), giải (thưởng). Các từ điển khác viết dìm (xuống nước), trong khi đó, Từ điển chánh tả tự vị lại viết gìm (xuống nước)... Một số trường hợp, cách viết trong các từ điển chính tả khác với cách viết phổ biến hiện nay. Chẳng hạn: gia giết, gìm, (láng) diềng, (già) giặn, giây (thừng), giầm (mưa), giềnh giàng, (trán) giô, (rau) dền... (cách viết trong các từ điển) - da diết, dìm, (láng) giềng, (già) dặn, dây (thừng), dầm (mưa), dềnh dàng, (trán) dô, (rau) giền... (cách viết phổ biến hiện nay). - Bỏ qua cách viết D/GI trên sách báo và trong các bậc học phổ thông và đại học (vốn hết sức phức tạp), chỉ khảo sát trong các từ điển, chúng ta cũng có thể hình dung bài toán chính tả D/GI là nan giải. Do đó, dựa vào từ điển, trong đó có từ điển chính tả để viết D/GI cũng không hoàn toàn có đủ độ tin cậy. Lâu nay, trong một số công trình của Nguyễn Tri Niên, Nguyễn Phan Cảnh [4], Phan Ngọc [3], Hoàng Phê [6]... vấn đề chính tả D/GI cũng đã được giải quyết ở một mức độ nhất định. Trong một phương hướng như thế, chúng tôi cũng muốn đưa ra một giải pháp góp phần giải quyết căn bản bài toán chính tả D/GI. 2.3. Đề xuất viết đúng chính tả D và GI 2.3.1. Cách viết chính tả các âm tiết D/GI Hán Việt (1) Dựa vào thanh điệu Trên chữ viết, các thanh điệu được ghi lại bằng các dấu (thanh). Trong các âm tiết D/GI Hán Việt, sự khác nhau trong cách viết D/GI biểu hiện cụ thể và khá triệt để gắn với dấu thanh. Âm tiết Hán Việt viết D đi với dấu ngã và dấu nặng (mẹo dưỡng dục của Phan Ngọc), còn âm tiết Hán Việt viết GI đi với dấu sắc và dấu hỏi (mẹo giảm giá của Phan Ngọc). Theo đó, ta viết chính tả với D trong các trường hợp: diễn (viên), (hấp) dẫn, dưỡng (lão), dũng (cảm), (điền) dã, dĩ (nhiên), (bình) dị, (kì) diệu, dược (phẩm), dạ (hội)... Viết GI trong các trường hợp (cam) thảo, giải (thích), giả (thiết), giản (lược), (can) gián, giá (trị), (tam) giác, giới (tuyến)... Âm tiết Hán Việt không có dấu (thanh ngang) mà chữ cái sau chữ cái âm đầu không phải "a" thì viết D, còn "a" thì viết GI. Theo đó, ta viết D: di dân, diêm (sinh), do (thám), du (lịch), dung (nhan), dư (luận)...; Viết GI: gia (đình), giai (cấp), giang (sơn), giam (cầm)... (2) Dựa vào khả năng kết hợp - Âm tiết Hán Việt D/GI có chữ cái liền sau chữ cái ghi âm đầu là "a" thì hầu hết viết với GI. Ngược lại, âm tiết Hán Việt D/GI có chữ cái liền sau chữ cái ghi âm đầu không phải là "a" thì đều viết với D. Theo cách này, ta viết D/GI như sau: + Viết GI: gia (đình), (thính) giả, giá (cả), giác (ngộ), giai (đoạn), giải (pháp), giam (cầm), gia giảm, giám (định), gian (trá), giản (đơn), gián (đoạn), giang (sơn), giảng giải, giáng (cấp), giao (liên), giảo (quyệt), giáo (sư), giáp (binh)... Có 5 ngoại lệ phải nhớ: dã (sử), dạ (hội), (nhân) dạng, danh (tính), (tiêu) dao. + Viết D: dâm (ô), dân (sự), (năm) dần, (bán) dẫn, (ẩn) dật, (năm) dậu, di (truyền), dĩ ( nhiên), dị (nhân), dịch (chuyển), diêm dân, diễm (lệ), diệm (sơn), (ngoại) diên, diện (tích), diệp (lục), (tiêu) diệt, diễu (binh), diệu (kì), dĩnh (ngộ), do dự, (phủ) doãn, doanh (trại), du (lịch), (công) dụng, duy (trì), duyên (số), duyệt (binh), dư dật, dữ dội, (tham) dự, dược (phẩm), dương (cầm), dưỡng dục... 2.3.2. Cách viết chính tả các âm tiết D/GI thuần Việt (3) Dựa vào láy âm Trong từ láy âm, D và GI không láy âm được với nhau, cho nên, những từ láy điệp âm đầu thì hoặc là điệp D, hoặc điệp GI, chứ không lẫn lộn. Dựa vào láy âm ta viết: - Những từ láy âm điệp GI: giặc giã, giây giướng, giẹo giọ, giềnh giàng, giệnh giạng, gióng giả, giấm giúi, giữ giàng, giùi giập... - Những từ láy âm điệp D: dai dẳng, dài dặc, dại dột, dãi dầu, dạn dĩ, dào dạt, dầm dề, dằn dỗi, dí dỏm, dõng dạc, dông dài, dồn dập, dở dom, dửng dưng. Cũng trong láy âm, GI không bao giờ láy âm với l, nhưng D lại láy âm với l. Do đó, gặp những chữ băn khoăn viết D hay GI, nếu láy âm với l thì phải viết D. Đó là các trường hợp: lẹt dẹt, lở dở, lâm dâm, lim dim, lò dò, lù dù, lang dang, líu díu, lềnh dềnh, lầm dầm... (4) Dựa vào kết hợp Về mặt kết hợp, GI không bao giờ xuất hiện trước các vần bắt đầu bằng oa, oă, oe, uy, uê, uyê, còn D lại có thể đứng trước các vần đó. Vậy nên, trong các trường hợp sau đây, ta phải viết D: doạ (nạt), doãng (chân), duềnh (nước), (do) doe, duy (nhất), duyên (số)... (5) Dựa vào những quan hệ lịch sử Theo tác giả Phan Ngọc [3], có thể dựa vào những quan hệ lịch sử làm cơ sở để viết chính tả D/GI. Để tránh trình bày những điều quá uyên bác, ta không nói âm nào có trước, âm nào có sau mà xuất phát từ những điều có thực trong cảm thức của những người Việt bình thường là có những chữ cùng nguồn gốc với nhau. Theo đó, tác giả trình bày thành hai mẹo: Dặn đến nhà thương và Giao tranh cho tôi cầm. Mẹo Dặn đến nhà thương để viết D, nghĩa là những chữ có D thì cùng nguồn gốc với những chữ có D (dặn), có Đ (đến), có NH (nhà), có TH (thương). Cụ thể: D (dặn): dùng - dụng, (nói) dài - (nói) dai, dáng (người) - dạng (người), dù - dầu, dễ dàng - dung dị... Đ (đến): dứt - đứt, (con) dao - (con) đao, dằng dẵng - đằng đẵng, dày dặn - đầy đặn, (cây) da - (cây) đa, dằn (xuống) - đằn (xuống), (để) dành - (để) đèng, dĩa - đĩa... NH: dớn dác - nhớn nhác, dồi - nhồi, dút dát - nhút nhát, dừ - nhừ, dơ (bẩn) - nhơ (bẩn), (một) dúm - (một) nhúm, dường (bao) - nhường (bao)... TH: dư - thừa... Còn mẹo Giao tranh cho tôi cầm dùng để viết GI, nghĩa là những chữ có GI cùng gốc với những chữ có GI (giao), có TR (tranh), có CH (cho), có T (tôi), có C/K (cầm). Cụ thể; GI: giềng (mối) - giường (mối), giẫm (chân) - giậm (chân)... TR: giả - trả, giời - trời, giầu - trầu, giăng - trăng, giun - trùn, gio - tro, gianh - tranh, giồng - trồng... CH: giặm - chêm, giong (đèn) - chong (đèn), giồi (mài) - chùi (mài), giàng (dịt) - chằng (chịt), (cái) gì - (cái) chi, (bây) giờ - (bây) chừ, giống (loài) - chủng (loại)... T: giạt - tạt, (vóc) giạc - tuổi tác, giọng - tiếng, giặc (nước) - (thuỷ) tặc... C/K: giỗ - kị, gian (nhà) - căn (nhà), giao - keo, giác - cắc... Trên đây là những quy tắc viết đúng chính tả D và GI. Trong thực tế, áp dụng các quy tắc này vẫn còn những trường hợp ngoại lệ nhưng nắm vững những quy tắc trên chúng ta sẽ giải quyết cơ bản bài toán chính tả D/GI. 3. Kết luận Từ những tư liệu thống kê trong các loại từ điển, ta nhận thấy chính tả D và GI vẫn đang là bài toán nan giải. Để viết chính tả D/GI một cách thống nhất và giản tiện, chúng tôi đề xuất các quy tắc, đó là: dựa vào thanh điệu và khả năng kết hợp để viết chính tả âm tiết Hán Việt D/GI; dựa vào láy âm, khả năng kết hợp và những quan hệ lịch sử để viết chính tả các âm tiết thuần Việt D/GI. Các quy tắc trên dễ áp dụng, giải quyết căn bản các trường hợp thể hiện âm vị /z/ trên chữ viết bằng hai con chữ D và GI.
Tài liệu tham khảo 1. Nguyễn Tài Cẩn, Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo), Nxb Giáo dục, H. 1995. 2. Cao Xuân Hạo, “Mấy nhận xét về chữ quốc ngữ”, Tiếng Việt mấy vấn đề ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp, Nxb Giáo dục, H. 1998. 3. Phan Ngọc, Chữa lỗi chính tả cho học sinh, Nxb Giáo dục, H. 1982. 4. Nguyễn Tri Niên, Nguyễn Phan Cảnh, “Sơ lược về tình hình phát âm D và GI hiện nay”, Nghiên cứu văn học, 1961, số 8. 5. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học, H. 2000. 6. Hoàng Phê, Chính tả tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học, H. 1999. 7. A.de Rhodes, Từ điển Việt - Bồ - La, Nxb Khoa học xã hội, H. 1999. 8. Trương Thị Kiều Thuỷ, Vấn đề chính tả D, GI và I, Y, Luận văn thạc sĩ ngữ văn, (Nguyễn Hoài Nguyên hướng dẫn) Trường ĐH Vinh, Vinh, 2010. 9. Lê Ngọc Trụ, Việt ngữ chánh tả tự vị, Nxb Sài Gòn, 1959. 10. Viện văn học, Từ điển chính tả phổ thông, Nxb Văn học, H. 1963. 11. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H. 2002. |