Vốn sống và vốn từ

Ngôn ngữ - Văn hóa
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 362 06/05/2023 15:33:27

 “VỐN SỐNG” VÀ “VỐN TỪ”

                                                                                Trần Thị Lam Thủy

Bài đăng trên tạp chí “Ngôn ngữ và đời sống” số 4, 2018, tr. 41 – 45.

TÓM TẮT

Bài báo này bàn về các khái niệm “vốn sống”, “vốn từ”, “kĩ năng”, “kĩ năng sống” và mối quan hệ giữa chúng; xác định các chức năng của vốn sống, từ đó cho thấy việc cần thiết phải bồi dưỡng vốn sống của mỗi người để có thể sống tốt, tạo được giá trị cuộc sống cho chính mình.

Từ khóa: vốn sống, vốn từ, kĩ năng, kĩ năng sống, mối quan hệ giữa các thành tố của vốn sống, chức năng của vốn sống

SUMMARY

This article discusses the concepts of "vốn sống", "word-hoards", "skills", "living skills" and the relationship between them; defines functions of “vốn sống”.  It shows the necessity to foster each person's “vốn sống” so that they can live well, to create life's worth for themselves.

Key words: “word-hoards" "skills", "living skills", the relationship between members of “vốn sống”, defines functions of “vốn sống”

  1. Về thuật ngữ “vốn sống”

“Vốn sống” là thuật ngữ riêng của truyền thống ngữ văn Việt Nam. Nó gần như tương đương với một số thuật ngữ phổ biến hiện nay trong các tài liệu thế giới như “tri thức về thế giới” “tri thức bách khoa”, “thesaurus thông tin”, “kinh nghiệm sống”, v.v. Tuy nhiên, nếu giải thích một cách đầy đủ theo tri nhận của người Việt, nó sẽ bao quát hơn và có một số điểm khác so với những thuật ngữ trên.

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ (Hoàng Phê chủ biên), “vốn sống” là “tổng thể nói chung những kinh nghiệm về cuộc sống tích lũy được của một người” [7, tr. 1428]. Tương tự, trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam của tác giả Nguyễn Lân, “vốn sống” được giải thích là “Kinh nghiệm chung về cuộc sống của người nào: Càng ngày, vốn sống của ông cụ càng phong phú” [4, tr. 2040]. Còn Theo Trần Ngọc Thêm, “vốn sống” là hệ thống các kiến thức bách khoa có thể về thế giới (trong đó có bản thân mình) mà thành viên giao tiếp thu nhận được trong toàn bộ đoạn đời đã sống” [5]. Như vậy, các tác giả ở đây hầu như cùng thống nhất một quan điểm khi định nghĩa về “vốn sống”. Đó là phần kiến thức hoặc kinh nghiệm mà một người thu nhận, tích lũy được trong quá trình sống.

Để hiểu thêm về thuật ngữ này, chúng tôi tìm hiểu thêm một số khái niệm liên quan trong định nghĩa về “vốn sống” của các tác giả. Trước hết về khái niệm
“vốn”. Cũng trong Từ điển của Viện Ngôn ngữ, “vốn” được định nghĩa là “1. Tổng thể nói chung những tài sản bỏ ra lúc đầu, thường biểu hiện bằng tiền, dùng trong sản xuất, kinh doanh, nói chung trong hoạt động sinh lợi. Chung vốn mở một cửa hàng. Đi buôn lỗ vốn. Bán vốn (bán với giá vốn, giá mua vào, không lấy lãi). Vốn đầu tư. 2. Tổng thể nói chung những gì sẵn có hay tích lũy được, dùng trong một lĩnh vực hoạt động nào đó, nói về mặt là cần thiết để hoạt động có hiệu quả. Vốn kiến thức sâu rộng. Vốn từ ngữ của một nhà văn. Người là vốn quý nhất” [sđd, tr. 1428]. Còn tác giả Nguyễn Lân cũng định nghĩa về “vốn”: “1. Tiền gốc bỏ vào một cuộc kinh doanh: Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (PV Khải); Chị ta đi buôn mà mất cả vốn lẫn lãi. 2. Cái do trí tuệ tích lũy: Phải phục hồi, khai hóa, phát huy vốn cổ (PV Đồng); Vốn văn chương dân gian; Vốn ngoại ngữ của anh ấy cũng khá [sđd, tr. 2040]. Bên cạnh đó, “kinh nghiệm” được giải thích là “Điều hiểu biết có được do tiếp xúc với thực tế, do từng trải. Giàu kinh nghiệm. Rút kinh nghiệm. Những bài học kinh nghiệm [7, tr.669].

 Như vậy, có thể nói “vốn” trước hết phải được coi là tài sản mà một người có được để có thể đem ra “đầu tư”, sử dụng sao cho hiệu quả, đưa tới lợi nhuận trong công việc, cuộc sống. “Vốn” có thể là tiền, cũng có thể là tri thức, kinh nghiệm mà người đó thu nhận và tích lũy được. Nếu “vốn” là tiền hoặc có thể quy ra tiền để đem ra kinh doanh sinh lãi gọi là “vốn kinh doanh”; nếu vốn là tri thức để vận dụng trong lĩnh vực chuyên môn gọi là “vốn tri thức” hoặc “vốn kiến thức”, tương tự chúng ta có thể có rất nhiều các dạng “vốn” trong đời sống xã hội: vốn từ (lượng từ ngữ một người qua học tập có được để nói, viết), vốn ngoại ngữ (hiểu biết và khả năng sử dụng (nói/viết) một ngôn ngữ nào đó ngoài ngôn ngữ mẹ đẻ), vốn văn chương (bao gồm những hiểu biết về văn chương), v.v.

Theo cách gọi trong các tổ hợp từ tiếng Việt có “vốn” của người Việt, chúng tôi thấy có các hình thức cấu trúc sau:

Thứ nhất, “Vốn” gắn liền với dạng/loại tài sản: vốn bất động sản, vốn từ ngữ, vốn tri thức, vốn kiến thức, vốn hiện vật, vốn tài chính, vốn cơ bản, v.v.

Thứ hai, “Vốn” gắn với mục đích và cách thức sử dụng: vốn kinh doanh, vốn đầu tư, vốn buôn bán, vốn lưu động, v.v.

Thứ ba, “Vốn” gắn với nguồn và cách thức tạo ra nó: vốn tích lũy, vốn vay, vốn ngân sách, v.v.

Vậy “vốn sống” là khái niệm thuộc về phạm vi nào của “vốn” trong các trường hợp trên? Trở lại cách giải thích của các tác giả ở trên, chúng ta có thể thấy “vốn sống” được định nghĩa từ các phương diện sau:

 - Vốn sống được nhìn từ yếu tố đầu vào, yếu tố “nguồn” trong cách giải thích “vốn sống” là “kinh nghiệm (chung) về cuộc sống” [4, 7].

- Vốn sống được nhìn từ nội dung: “là kinh nghiệm” [4, 7], “là hệ thống các kiến thức bách khoa có thể về thế giới” [5].

- Vốn sống được nhìn từ cách thức để tạo vốn: “tích lũy được” [7], “thu nhận được trong toàn bộ đoạn đời đã sống” [5].

Như vậy, “vốn sống” không phải là một khái niệm đơn thuần, rạch ròi như vốn kinh doanh, vốn từ ngữ, vốn vay… mà chúng tôi đã liệt kê và phân loại ở trên. Vốn sống là một thuật ngữ tổng hợp trong đó gồm nhiều yếu tố: nguồn, dạng, cách thức, v.v. Tuy nhiên, trong các giải thích của các tác giả chưa đề cập đến mục đích sử dụng của “vốn sống”. Tổng hợp và bổ sung thêm từ các ý kiến trên, chúng tôi cho rằng, nội dung của “vốn sống” gồm có nhữngtri thức bách khoa về thế giới (trong đó có cả những hiểu biết về bản thân) và kinh nghiệm của bản thân. Trong cấu trúc của khái niệm “vốn sống” có ba phần: phần thứ nhất là phần NGUỒN (là thế giới cuộc sống xung quanh) mỗi người thu nhận qua học tập và trải nghiệm thực tế để biến thành tài sản của mình); phần LÕI - NỘI DUNG (nội dung vốn sống: tri thức và kinh nghiệm) và phần ĐÍCH (phục vụ cuộc sống / tạo giá trị sống). Chúng ta có thể biểu diễn khái niệm “vốn sống” bằng mô hình như sau:

Như vậy, có thể hiểu: “Vốn sống” là tổng thể những tri thức và kinh nghiệm cần thiết của mỗi người về thế giới và bản thân được tích lũy từ quá trình học tập và trải nghiệm của chính người đó trong quá trình sống để thực hành và tạo ra giá trị cuộc sống.

Cách hiểu này cho thấy bản chất của vốn sống và cả quá trình từ thu nhận, tích lũy để tạo ra “vốn” đến sử dụng “vốn” cho cuộc đời của mỗi người. Bởi vậy, nó khái quát hơn rất nhiều so với các thuật ngữ như “tri thức về thế giới” “tri thức bách khoa”, “thesaurus thông tin”, “kinh nghiệm sống”, v.v.

Một người không nhất thiết phải sống nhiều năm mới có nhiều vốn sống. Trong thực tế, một người sống đến “gần đất xa trời” “đầu hai thứ tóc” nếu không chịu học tập, không tìm hiểu nhiều thì vốn sống có thể vẫn nghèo nàn; ngược lại, một người trẻ tuổi, nếu chăm chỉ học hành, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, trải nghiệm nhiều, tương tác nhiều, ham mê tìm hiểu thì vốn sống có thể vô cùng phong phú. Nhất là trong thời đại ngày nay – khi tri thức nhân loại được “toàn cầu hóa” mọi lúc mọi nơi, một người tuổi 20 có thể có “vốn sống” cả mấy trăm năm của cha ông.

Về NGUỒN của “vốn sống”

Theo hình 1, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra hai mảng nguồn khác nhau của vốn sống: nguồn trực tiếp và nguồn gián tiếp. Nguồn vốn sống trực tiếp là những kinh nghiệm về cuộc sống, được tích lũy qua các hoạt động trực tiếp lao động, tham quan, quan sát, trải nghiệm trong thực tế cuộc sống hằng ngày của riêng mỗi người. Nguồn gián tiếp cho mỗi người là tri thức bách khoa về cuộc sống, được tích lũy thông qua việc học tập từ sách, báo, phim, internet, v.v. Vậy nên một người càng đi nhiều, lao động và trải nghiệm nhiều sẽ có vốn kinh nghiệm nhiều; một người càng tích cực đọc, học, tiếp thu tri thức nhân loại nhiều thì vốn tri thức cuộc sống sẽ càng phong phú.

Trong thực tế, “Nguồn” tốt là cơ sở đầu tiên cho việc có vốn sống tốt. Chuyện của mẹ thầy Mạnh Tử ba lần đổi nhà vì con [1] chính là một trong những minh chứng cho việc chọn “nguồn” để trao dồi tri thức và phẩm hạnh, tạo “vốn sống” tốt của mỗi người. Nói cách khác, “nguồn” như thế nào sẽ cho chúng ta “vốn” thế ấy. Đặc biệt đối với tuổi nhỏ đang ở giai đoạn “bắt chước” như đối tượng học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở. Chính vì vậy mà thầy Mạnh Tử thủa bé, khi nhà ở gần nghĩa địa “Thấy người ta đào, chôn, lăn khóc, về nhà cũng bắt chước đào, chôn, lăn khóc”, khi nhà chuyển về gần chợ “thấy người ta buôn bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước buôn bán điên đảo”. Chỉ đến khi nhà ở gần trường học “thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép”, sau mới thành tài.

Trong mối tương quan giữa “nguồn” và vốn sống, “nguồn” bao giờ cũng lớn hơn. “Nguồn” là tổng hòa mọi tri thức, là bách khoa về cuộc sống trong khi “vốn sống” của mỗi người phụ thuộc vào khả năng tiếp nhận, tích lũy và có sự chọn lọc để phù hợp với mục đích sống của từng người. Vốn sống mang tính chủ quan trong khi “nguồn” của vốn sống mang tính khách quan.

Về “đích” của vốn sống

Cũng như mọi loại tài sản, một khi được gọi là “vốn”, nó phải được đem ra đầu tư nhằm tạo ra giá trị cho người chủ sở hữu của “vốn”. Vốn sống cũng phải được đem ra thực hành để sống sao cho có hiệu quả, sống tốt và tạo ra giá trị cuộc sống. Biểu hiện của đích chính là khả năng nhận biết và ứng xử trong mọi tình huống của cuộc sống;  các kĩ năng trong công việc và giao tiếp trong xã hội. Liên quan đến “đích” của vốn sống, chúng ta cần làm sáng tỏ thêm hai thuật ngữ và mối quan hệ của chúng với vốn sống: kĩ năng sống và vốn từ.

  1. “Vốn từ” và mối quan hệ giữa vốn từ với vốn sống

“Vốn từ” là thuật ngữ được dùng nhiều trong ngôn ngữ học. Theo Nguyễn Văn Tu, vốn từ là “vốn từ vựng bao gồm toàn thể những từ và các đơn vị tương đương với từ” [6, tr.3], Lưu Vân Lăng cho rằng: “Tất cả các từ được dùng trong một ngôn ngữ, họp lại thành cái vốn từ vị của ngôn ngữ đó… Cái vốn từ vị của mỗi ngôn ngữ phát triển theo quy luật riêng của ngôn ngữ đó, nên nó được tổ chức, sắp xếp theo quy luật trong cái hệ thống từ vị của ngôn ngữ đó” [3, tr. 45], còn Đỗ Hữu Châu định nghĩa: “Tập hợp các từ và ngữ cố định được gọi là từ vựng của ngôn ngữ. Vì có nhiều tiêu chí tập hợp khác nhau cho nên có những dạng từ vựng khác nhau. Ở đây, khái niệm từ vựng được dùng với nghĩa rộng nhất: tập hợp tất cả các từ của một ngôn ngữ, không phân biệt tiêu chuẩn tập hợp” [2, tr.6]. Như vậy có thể nói vốn từ là kho từ vựng và các đơn vị tương đương với từ của một cộng đồng sử dụng ngôn ngữ. Nó là một tài sản đặc biệt có thể đem ra sử dụng để trao đổi thông tin, giao tiếp trong cộng đồng. Trong cái “vốn” chung của cả cộng đồng, mỗi người lại có vốn từ riêng có thể nhiều ít khác nhau phụ thuộc vào việc học tập, trau dồi từ ngữ và khả năng diễn đạt của họ.

Xét về chức năng của vốn từ, từ ngữ là phương tiện để định danh mọi sự vật và hiện tượng, biểu thị mọi hoạt động, trạng thái của sự vật hiện tượng. Bởi vậy, trong mối quan hệ với vốn sống, “Vốn ngôn ngữ” (VN) là một bộ phận tách ra từ vốn sống. Nó bao gồm tất cả các tri thức có thể có về ngôn ngữ (các ngôn ngữ)” [5]. Vốn từ là thành tố không thể thiếu để góp phần hiện thực hóa vốn sống trong trí óc của mỗi người. Nó vừa là phương tiện (nhờ vốn từ, vốn sống được gọi đúng tên, được sắp xếp trong não người đúng vào “ô” của nó để có thể đem ra sử dụng khi cần thiết như các tri thức về lịch sử, địa lí, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội…), vừa là đích (trong rất nhiều trường hợp, vốn sống khi đem ra thực hành trong đời sống, nó được thể hiện thành lời nói, thành văn bản…), vừa là nguồn của vốn sống (từ ngữ là một trong những yếu tố nguồn quan trọng của vốn sống như tiếng nói, chữ viết, - là nguồn để có phương tiên hiện thực hóa vốn sống như đã nói ở trên). Sự phát triển của vốn từ và vốn sống là sự phát triển song hành. Vốn từ nghèo thì vốn sống dầu đi nhiều, trải nghiệm nhiều cũng không thể hiện thực hóa những tri thức mình thu nhận được; vốn sống nghèo thì chắc chắn trong kho từ vựng của người đó chưa có những từ ngữ định danh cho phần tri thức đó của vốn sống.

  1. Vốn sống và kĩ năng sống

Trước hết, để hiểu về kĩ năng sống, chúng ta cần xác định được khái niệm “kĩ năng”. Theo Từ điển tiếng Việt, “kĩ năng là khả năng vận dụng kiến thức thu nhận được trong một lĩnh vực nào đó vào thực tế. Rèn luyện kĩ năng trong thực tiễn” [7, tr. 520]. Còn Wikipedia định nghĩa: “A skill is the ability to carry out a task with pre-determined results often within a given amount of time, energy, or both” (Kỹ năng là khả năng thực hiện một nhiệm vụ với các kết quả xác định trước trong một khoảng thời gian và năng lượng nhất định) [8]. Hoặc: “An ability and capacity acquired through deliberate, systematic, and sustained effort to smoothly and adaptively carry out complex activities or job functions involving ideas…” (Khả năng và năng lực được thu thập thông qua các nỗ lực có chủ ý, có hệ thống và bền vững để thực hiện các hoạt động phức tạp hoặc các ý tưởng liên quan đến trách nhiệm công việc…) [9], v.v.

Như vậy, kĩ năng (KN) không phải tự nhiên có được mà phải được hình thành trong quá trình học tập, lĩnh hội và rèn luyện trong thực tiễn. Có thể thấy rằng trong cấu trúc của khái niệm KN có ba nội dung cơ bản:

(1) Cơ sở nền tảng của KN là nguồn tri thức được thu thập, tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn của mỗi người. Tri thức ở đây bao gồm cả tri thức về cách thức hành động và tri thức về đối tượng hành động.

(2) Mối quan hệ giữa KN và tri thức là mối quan hệ có chọn lọc, có chủ ý, được chủ thể chuyển hóa một cách tích cực thành năng lực hành động của chính bản thân.

(3) Kĩ năng mang tính hệ thống và bền vững. Nó được đánh giá thông qua các yếu tố: thời gian thực hiện, năng lượng bỏ ra và hiệu quả đạt được so với mục đích đã đề ra.

Từ sự phân tích trên ta có thể hiểu KN một cách chung nhất: Kĩ năng là năng lực thực hiện một hành động hay một hoạt động nào đó bằng cách lựa chọn và vận dụng những tri thức, cách thức hành động đúng đắn để đạt được mục đích đề ra.

Dựa theo khái niệm KN, kĩ năng sống (KNS) có phải là năng lực sống?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 1993, Kĩ năng sống là năng lực tâm lí xã hội, là khả năng ứng phó một cách có hiệu quả với những yêu cầu và thách thức của cuộc sống.

Theo Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF): Kĩ năng sống là khả năng chuyển đổi kiến thức (phải làm gì), thái độ (ta đang nghĩ gì, cảm xúc như thế nào hay tin tưởng vào giá trị nào) thành hành động (làm gì và làm như thế nào).

Theo Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO), KNS gắn với 4 trụ cột của giáo dục, đó là: Học để biết (Learning to know) gồm các KN tư duy như: tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, ra quyết định, giải quyết vấn đề… nhận thức được hậu quả;  Học làm người (Learning to be) gồm các KN cá nhân như: ứng phó với căng thẳng, kiểm soát cảm xúc, tự nhận thức… tự tin; Học để sống với người khác (learning to live together) gồm các KN xã hội như: giao tiếp, thương lượng, tự khẳng định, hợp tác, làm việc theo nhóm… thể hiện sự cảm thông; Học để làm (Learning to do) gồm KN thực hiện công việc và các nhiệm vụ như: KN đặt mục tiêu, đảm nhận trách nhiệm, v.v.

Từ các định hướng trên, theo chúng tôi, KNS là sự biến đổi tri thức và kinh nghiệm thành hành động thực tiễn một cách có ý thức, là hệ thống khả năng thích ứng và tích cực để có thể đáp ứng nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày một cách có hiệu quả. KNS luôn gắn với hoạt động và mục đích của mỗi cá nhân trong cuộc sống. Trong mối quan hệ với vốn sống, KNS giúp biến nguồn của vốn sống thành vốn tri thức và kinh nghiệm của mỗi người; KNS giúp biến tri thức và kinh nghiệm thành khả năng để làm người, để sống với chính mình, với xã hội, để tồn tại và lao động tạo ra giá trị cuộc sống. KNS chính là phương tiện để có vốn sống và thể hiện vốn sống bằng chính hành động và ứng xử (Tuy nhiên, cần hiểu rằng, những vốn sống ban đầu của mỗi người được đón nhận theo cách tự nhiên – lặp đi lặp lại mà hình thành – cho đến khi có kĩ năng. Ví dụ như giai đoạn hình thành vốn sống ban đầu của trẻ em.) lại vừa là hình thức biểu hiện của vốn sống trong những tình huống, trường hợp cụ thể. Tương tự như vốn từ, KNS là một thành tố cấu thành nên vốn sống và góp phần quyết định giá trị phần ĐÍCH của khái niệm vốn sống.

Giữa vốn sống – vốn từ – KNS luôn có sự tác động qua lại, là mối quan hệ vừa phụ thuộc vừa độc lập nhưng luôn luôn tỉ lệ thuận: tri thức kinh nghiệm càng nhiều thì vốn từ càng lớn, KNS theo đó cũng sẽ phát triển và nhờ vậy vốn sống càng phong phú. Ngược lại, hệ quả cũng sẽ tác động đến cả hệ thống. Đồng thời, về nội dung bản chất, ba thành tố này cũng sẽ luôn luôn tương thích với nhau. Nghĩa là kiến thức cuộc sống của ai ở phương diện nào thì vốn từ cũng sẽ phát triển rộng hơn ở phương diện đó, tương tự những KNS mà người đó luyện tập để có cũng trên lĩnh vực đó. Chẳng hạn, một người sống ở miền biển và một người ở miền núi cao, vốn từ ngữ, hệ thống KNS của họ chắc chắn sẽ có những điểm khác nhau. Tới đây, chúng ta có thể cụ thể hóa cấu trúc của khái niệm “vốn sống” (hình 1) trong mối quan hệ với các khái niệm “vốn từ” và “KNS” như sau:

Như vậy, mỗi người để làm giàu vốn sống cho mình, không thể bỏ qua hay xem nhẹ yếu tố nào trong các thành tố của vốn sống đã được chỉ ra ở đây.

  1. Chức năng của vốn sống

Thứ nhất, vốn sống có chức năng làm phương tiện sinh tồn và chọn lọc. Những kiến thức và kinh nghiệm về cuộc sống trước hết làm cơ sở để con người sống và tồn tại (sinh tồn) trong thế giới loài người, sau nữa, nhờ quá trình thu nhận vốn sống, người ta biết chọn lọc những tri thức ưu việt hơn, để có cách sống, chất lượng sống tốt hơn.

Thứ hai, vốn sống có chức năng điều chỉnh. Vốn sống của mỗi người không tự nhiên có cùng một lúc mà là một quá trình thu nhận và tích lũy dần dần. Qua thời gian, vốn sống phong phú dần lên, nhận thức cũng theo đó mà phát triển, từ đó con người biết điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp hơn, khả năng thích ứng cao hơn. Đây là chức năng giúp con người có khả năng chọn lọc để phát triển. Cơ sở để thực hiện chức năng này chính là chức năng giáo dục. Nhờ vốn sống được tích lũy và chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, lưu giữ và hình thành các giá trị đóng vai trò hình thành nhân cách ở con người. Chính vốn sống của mỗi người góp phần tạo nên nền tảng của xã hội, trở lại, nó góp phần đưa con người gia nhập vào cộng đồng xã hội tốt hơn.

Thứ ba, vốn sống có chức năng tạo lập giá trị. Vốn sống thực hiện chức năng tạo lập giá trị nhờ có khả năng thực hiện các chức năng khác như chức năng nhận thức, chức năng thẩm mĩ, chức năng giải trí. Các chức năng này dựa trên khả năng chọn lọc vốn sống của mỗi người trong quá trình sống.

Như một tài sản quan trọng bậc nhất, vốn sống giúp cho quá trình hình thành và phát triển của con người, tạo nên giá trị chung cho nhân loại. Bởi vậy, vốn sống vừa là nền tảng, vừa là mục tiêu và là động lực phát triển của con người trong suốt cuộc đời. Làm giàu vốn sống chính là làm giàu tri thức, làm tăng khả năng thành công, nâng cao chất lượng và giá trị sống cho chính bản thân mỗi người và cộng đồng xã hội. Vậy nên mỗi người sống trên đời phải tích cực học tập và thực hành kiến thức để làm giàu vốn sống cho chính mình.

* Bài báo thuộc đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường – Trường Đại học Sài Gòn

Tên đề tài: Xây dựng các biện pháp bồi dưỡng vốn sống cho học sinh có năng khiếu tiếng việt ở Tiểu học

Mã số: CS2016-16

Chủ nhiệm đề tài: TS. Trần Thị Lam Thủy  

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Giáo dục & Đào tạo (2005), Mẹ hiền dạy con, Ngữ Văn 6, tập 2
  2. Đỗ Hữu Châu (1985), Từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt, Giáo dục, H., tr.6
  3. Lưu Vân Lăng (1960), Khái luận ngôn ngữ học, Giáo dục, H., tr.45
  4. Nguyễn Lân (2000), Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh
  5. Trần Ngọc Thêm (1989), Văn bản như một đơn vị giao tiếp, “Ngôn ngữ” số 1, 2
  6. Nguyễn Văn Tu (1968), Từ vựng học hiện đại, Giáo dục, H., tr.3
  7. Viện Ngôn ngữ học (2016), Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, NXB Hồng Đức
  8. https://en.wikipedia.org/wiki/Skill
  9. http://www.businessdictionary.com/definition/skill.html

 

THÔNG TIN TÁC GIẢ

Trần Thị Lam Thủy

Đơn vị: Trường Đại học Sài Gòn

Địa chỉ: 273 An Dương Vương, phường 3, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995          Email: ttlthuy@sgu.edu.vn

 

 

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
27867
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26806
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
23831
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18746
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18501
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
11932
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
11893
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9059
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Ngôn ngữ - Văn hóa
5497
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5462
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5402
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Việt Phổ thông
5398
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Tiếng Anh
4051
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3263
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
2999
Từ trái nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:39:45
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo