Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy

Tiếng Việt Phổ thông
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 5599 07/08/2021 16:59:08

BÀI 1

CẤU TẠO TỪ TIẾNG VIỆT

Tác giả: Trần Thị Lam Thủy

Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn từ trang này

1. Từ đơn

Từ chỉ chứa một tiếng, có nghĩa, gọi là từ đơn, như: nhà, đá, cát, đất, học, v.v.

Vậy, tiếng là gì?

- Tiếng là âm thanh chúng ta phát ra: tiếng nói, tiếng hát, tiếng cười, tiếng thở dài, v.v.

- Hoặc âm thanh chúng ta nghe được: tiếng gió, tiếng động, tiếng nước chảy, tiếng chim hót, v.v.

Một tiếng là một âm, từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc không bị tách rời, ngắt quãng. 

Ví dụ: Vào thuở ấy, giặc Minh đặt ách đô hộ ở nước Nam. (Ngữ Văn 6, tr. 24 - Chân trời sáng tạo).

Câu trên có 12 tiếng, có 10 từ đơn, 01 từ phức.

2. Từ phức

Từ gồm hai hoặc nhiều tiếng là từ phức, như: trồng trọt, chăn nuôi, đất nước, sạch sẽ, cac-bon-nic, v.v.

Từ phức được chia thành hai nhóm từ (hai phương thức cấu tạo từ) chủ yếu là từ ghép và từ láy.

2.1. Từ ghép

Những từ phức được tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan hệ với nhau về nghĩa được gọi là từ ghép.

Từ ghép có hai loại: từ ghép chính phụ từ ghép đẳng lập.

2.1.1. Từ ghép đẳng lập

Từ ghép đẳng lập có các tiếng bình đẳng về mặt ngữ pháp, các tiếng trong từ có ý nghĩa tương đương nhau (không phân ra tiếng chính, tiếng phụ). Ví dụ: quần áo, ăn uống, điện nước, xăng dầu, tàu xe, nghe nhìn, núi non, binh lính, may phúc, sách vở, ăn mặc, ăn ở, đi đứng, v.v.

Ý nghĩa từ ghép đẳng lập là ý nghĩa tổng hợp (tính chất hợp nghĩa), ý nghĩa chỉ loại sự vật, đặc trưng (hành động, trạng thái, tính chất, quan hệ). Nghĩa của từ ghép đẳng lập khái quát hơn nghĩa của các tiếng tạo nên nó.

Xét các từ sau:

- quần áo có hai sự vật là quần áo cùng chỉ trang phục (hai sự vật cùng loại), khi kết hợp hai sự vật với nhau tạo nên nghĩa chỉ chung là trang phục, cách ăn mặc của con người. Ví dụ: Ngựa xe như nước, áo quần như nen (Truyện Kiều).

- đi đứng chỉ hai hoạt động di chuyển của con người là đi đứng. Khi kết hợp hai hoạt động này với nhau tạo nên nghĩa chỉ hoạt động nói chung và cách hoạt động của vật, đồng thời chỉ ra phong cách của con người cụ thể. Ví dụ: Con gái con gứa đi đứng cho có ý có tứ một chút.

2.1.2. Từ ghép chính phụ

Từ ghép chính phụ có tiếng chính và tiếng phụ bổ sung nghĩa cho tiếng chính. Thông thường, tiếng chính đứng trước, tiếng phụ đứng sau. Trong đó yếu tố chính thường giữ vai trò chỉ loại sự vật lớn, loại đặc trưng lớn, yếu tố phụ thường được dùng để cụ thể hoá loại sự vật, loại đặc trưng đó. Ví dụ: xe đạp, dưa hấu, ngủ gật, vui miệng, sử học, toán học, hội viên, đoàn viên, điệp viên, thức ăn, chạy bộ, sưng húp, sưng mọng, quốc ca, quốc kì, v.v.

Nghĩa của từ ghép chính phụ có tính chất phân nghĩa (ý nghĩa dị biệt và ý nghĩa sắc thái hoá). Nghĩa từ ghép chính phụ hẹp hơn nghĩa của tiếng chính.

Xét các từ sau:

(1) xe là phương tiện đi lại hoặc vận tải trên bộ, có bánh lăn; yếu tố phụ của xe trong từ ghép chính phụ thường làm nhiệm vụ chỉ rõ loại xe cụ thể (ý nghĩa dị biệt)

- xe đạp: xe người đi có hai hoặc ba bánh, tay lái nối với bánh trước, dùng sức người đạp cho quay bánh (hoặc hai bánh) sau.

- xe cải tiến: xe thô sơ do người kéo có hai bánh, trục có lắp thêm ổ bi để kéo cho nhẹ.

- xe bọc thép: xe quân sự có vỏ bằng thép thường có gắn vũ khí

- xe điện: (tàu điện) xe chạy bằng điện trên đường ray, có một hoặc nhiều toa, chở hành khách trên tuyến đường nhất định trong và ven thành phố.

(2) ngủ chỉ trạng thái ý thức tạm ngừng, bắp thịt giãn mềm, các hoạt động hô hấp, tuần hoàn chậm lại, toàn bộ cơ thể được nghỉ ngơi (một trạng thái sinh lí thường có tính chất chu kì theo ngày đêm). Nhắm mắt ngủ. Ngủ một giấc đến sáng. Buồn ngủ…Yếu tố phụ của ngủ trong từ ghép chính phụ làm nhiệm vụ chỉ rõ các sắc thái khác nhau, hoàn cảnh khác nhau của trạng thái ngủ (ý nghĩa dị biệt, ý nghĩa sắc thái hoá).

- ngủ gật: ngủ ở tư thế ngồi hoặc đứng, lơ mơ, không say, đầu thỉnh thoảng lại gật một cái.

- ngủ đông: ở trạng thái ngủ kéo dài vào mùa đông (một trạng thái sinh lí của nhiều động vật ở xứ lạnh).

- ngủ khì: ngủ rất say không biết gì hết.

- ngủ đậu: ngủ nhờ nhà người khác có tính chất tạm thời. Lỡ đường xin ngủ đậu một đêm.

2.1.3. Phân biệt từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ

a. Dấu hiệu nhận biết rõ nhất là đặc điểm của các tiếng trong từ ghép đẳng lập là các tiếng trong từ ghép đẳng lập có các đặc điểm sau đây:

- Cùng từ loại (cùng là động từ: ăn ở, đi đứng; cùng là danh từ: quần áo, nhà cửa; cùng là tính từ: mạnh khỏe, xinh đẹp, ốm yếu...).

- Có nghĩa cùng phản ánh về một phương diện nào đó (cùng biểu thị đồ vật của học sinh: sách vở, bút thước; cùng chỉ đồ dùng trong bữa ăn, nhà bếp: chén bát, nồi niêu; cùng biểu thị trang thái sức khỏe: ốm yếu, mạnh khỏe...).

- Mối quan hệ giữa các tiếng trong từ ghép tương đối lỏng, vì vậy, chúng ta dễ dàng chêm vào các từ như và, với, thì. Chẳng hạn: sách và vở, quần với áo, mạnh thì khỏe.

b. Ngược lại với từ ghép đẳng lập, các tiếng trong từ ghép chính phụ bao giờ có các đặc điểm sau:

- Các tiếng có thể không cùng từ loại. Ví dụ: xe đạp (xe: danh từ; đạp: động từ); xe mi-ni (xe: danh từ; mi-ni: tính từ).

- Nghĩa của tiếng phụ chỉ một đặc điểm hay một phương diện nào đó của tiếng chính. Vì thế, tiếng phụ bổ nghĩa để làm rõ đặc điểm, trạng thái, cách thức... của đối tượng được nêu ở tiếng chính chứ không cùng phương diện với tiếng chính.

Ví dụ: sách giáo khoa, sách bài tập, sách tham khảo, sách giáo viên... đặc điểm, chức năng, đối tượng phục vụ của từng loại sách sẽ được làm rõ ở các tiếng đi sau sách.

Mối quan hệ giữa các tiếng trong từ ghép chính phụ là quan hệ chặt, chúng ta không dễ chêm xen, hoặc nếu cố chêm xen các tiếng khác vào giữa chúng sẽ tạo nên nghĩa hoàn toàn khác. ví dụ: xe đạp và xe để đạp hoàn toàn khác nhau hoặc mất nghĩa xe và đạp (không thể kết hợp).

Tuy nhiên, với từ ghép chính phụ chúng ta dễ dàng xác lập được từ tương đương theo cấu trúc:

TIẾNG CHÍNH + X 

Ví dụ: xe (tiếng chính) có thể tạo ra: xe đạp, xe gắn máy, xe hơi, xe ba bánh...

hoặc:

X + TIẾNG CHÍNH

(mô hình cấu trúc này chủ yếu là từ Hán Việt)

Ví dụ: viên (tiếng chính) có thể tạo ra: nhân viên, học viên, sinh viên, cộng tác viên, v.v.

2.2.  Từ láy

2.2.1. Khái niệm và phân loại

          Những từ phức có quan hệ láy âm giữa các tiếng được gọi là từ láy.

Nói cách khác từ láy là những từ được cấu tạo bằng cách nhân đôi (nhân ba…) tiếng gốc theo những quy tắc nhất định, sao cho quan hệ giữa các tiếng trong từ vừa điệp, vừa đối, hài hoà với nhau về âm và về nghĩa, có giá trị tượng trưng hoá. Ví dụ: xanh xanh, xanh xao, đo đỏ, đỏ đọc, tờ lờ mờ, sát sàn sạt, khấp kha khấp khểnh, luộm thà luộm thuộm, v.v.

Xét về số lượng, từ láy có thể có các dạng: láy đôi, láy ba, láy tư.

Xét về cách thức, từ láy có hai loại: Từ láy toàn bộ từ láy bộ phận.

Từ láy toàn bộ có các tiếng lặp lại nhau hoàn toàn, nhưng cũng có một số trường hợp tiếng đứng trước biến đổi thanh điệu hoặc phụ âm cuối (để tạo ra sự hài hoà về âm thanh). Chẳng hạn:

- láy toàn bộ: xanh xanh, thanh thanh, tà tà, nao nao, v.v.

- láy có biến đổi thanh điệu hoặc phụ âm cuối: xon xón, ha hả, thăm thẳm, bần bật, thơn thớt, v.v.

Từ láy bộ phận, giữa các tiếng có phụ âm đầu hoặc phần vần giống nhau. Chẳng hạn:

- láy phụ âm đầu: nhức nhối, thơ thẩn, lập loè, lónh lánh, vồ vập, nghiện ngập, tới tấp, thập thò, mấp mô, v.v.

- láy phần vần: lom khom, làng nhàng, lừ khừ, lanh chanh, luộm thuộm, lôi thôi, lục đục, bâng khuâng, v.v.

2.2.2. Nghĩa của từ láy

 Nghĩa của từ láy được tạo thành nhờ đặc điểm âm thanh của tiếng và sự hoà phối âm thanh giữa các tiếng. Trong đó tiếng đứng đầu làm tiếng gốc có nghĩa, các tiếng láy sau có thể tạo cho nghĩa của từ láy, có thể có những sắc thái riêng so với tiếng gốc như sắc thái biểu cảm, sắc thái giảm nhẹ hoặc nhấn mạnh.

Có thể phân loại nghĩa của từ láy như sau:

(1) Từ láy mô phỏng âm thanh

Từ láy mô phỏng trực tiếp, gần đúng âm thanh tự nhiên theo cơ chế láy (kính cong, lùng thùng, lộc cộc, í ới, nheo nhéo, oai oái…) để gợi tả cho được những sắc thái khu biệt tinh tế của âm thanh tự nhiên. Các từ láy này có giá trị gợi tả, giá trị diễn cảm rất rõ. Hoặc mô phỏng tiếng cười ha hả, khì khì, hô hố, khà khà, hềnh hệch, lí nhí… vừa mô phỏng âm thanh, vừa có sự mô phỏng khuôn hình của miệng, và cả thái độ bình giá nữa.

(2) Từ láy biểu thị thuộc tính (tính chất, quá trình, trạng thái)

Khi biểu thị thuộc tính được đánh giá theo thang độ, từ láy thường gợi tả mức độ, sắc vẻ của thuộc tính ấy. Ví dụ:

vuông trành trành: vuông đến mức độ cân đối.

đỏ au au: đỏ tươi nhìn thấy thích mắt.

(3) Từ láy biểu thị cách thức

Khi biểu thị thuộc tính không được đánh giá theo thang độ, từ láy thường gợi tả cách thức diễn ra của quá trình. Ví dụ:

chạy con cón: chạy bằng những bước ngắn, nhanh gọn với nhịp độ mau.

giữ khư khư: giữ chặt lấy không muốn rời bỏ vì sợ mất.

(4) Các từ láy bộ phận đổi vần không chỉ có sự hòa phối ngữ âm mà còn có giá trị tạo nghĩa cao, giá trị biểu trưng hoá. Đó là giá trị gợi tả và diễn cảm của từ. Ví dụ:

đỏ đắn là đỏ với một sắc thái khoẻ khoắn.

khoẻ khoắn là rất khoẻ, được biểu thị bằng sự hài lòng.

tròn trịa là tròn gần như triệt tiêu mọi khía cạnh méo mó.

nhấp nháy là nháy rồi tắt rồi lại nháy với cường độ khác nhau theo chu kì.

gật gù là gật liên tiếp, nhưng thong thả, tỏ ý tán thưởng.

2.2.3. Một số lưu ý khi sử dụng hoặc phân tích giá trị nghệ thuật của từ láy

(1) Dùng từ láy để tạo âm hưởng nhịp nhàng cân đối cho dễ nghe.

Ví dụ: ngồi cho ngay / ngồi cho ngay ngắn

Thay vì nói ngồi cho ngay, người ta nói ngồi cho ngay ngắn.

(2) Để gây ấn tượng mạnh, có thể giảm bớt những động từ, tính từ và dùng từ láy (thay thế) làm vị ngữ trong câu. Ví dụ:

- Chị ta xồn xồn cho một chặp.

- Đừng có đứng ngoài ngõ mà ông ổng lên như thế.

(3) Đặt từ láy ở vị trí đầu câu (vị trí nhấn mạnh) thì ấn tượng diễn tả càng mạnh. Ví dụ:

- Tạo ấn tượng mạnh về âm thanh. Thánh thót tàu tiêu mấy hạt mưa (Hồ Xuân Hương)  

- Tạo ấn tượng mạnh về hình ảnh:

Lom khom dưới núi tiều vài chú.

Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

                                        (Bà Huyện Thanh Quan)

Tạo ấn tượng mạnh về hình ảnh lom khom, lác đác của cảnh vật đèo Ngang lúc chiều tà.

(4) Vừa gợi tả hình ảnh, dáng vẻ vừa thể hiện tâm trạng:

Nao nao dòng nước uốn quanh

Nhịp cầu nho nhỏ, suối ghềnh bắc ngang

Sè sè nắm đất bên đàng

Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh

                              (Nguyễn Du)

(5) Trong những điều kiện nhất định (về tiếng gốc, về vị trí của tiếng láy, về kiểu cấu tạo…) mỗi khuôn vần có thể mang vào từ láy một cách đều đặn những nét nghĩa nhất định. Ví dụ từ láy có khuôn vần ấp có hai loại ý nghĩa:

- bập bềnh, khấp khểnh, lập loè… lặp đi lặp lại với cường độ khác nhau, khi ẩn khi hiện, khi mạnh khi yếu, hoặc khi cao khi thấp… theo chu kì; thập thò là thò ra rồi lại thụt vào, và cứ lặp lại theo chu kì như thế.

- vồ vập, nghiện ngập, tới tấp: khi vần ấp ở tiếng đứng sau biểu thị tính chất hay quá trình liên tiếp hoặc kéo dài với mức độ cao.

(6) Trong lời nói hàng ngày, từ láy biểu cảm thể hiện ở nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn láy với iếc để thể hiện sự đánh giá, thái độ không coi trọng điều đang nói tới. Hoặc có khi láy cường điệu với dụng ý phê phán, mỉa mai tuỳ theo hoàn cảnh và tình huống giao tiếp. Ví dụ:

- Láy cường điệu: vội vội vàng vàng, lượt thà lượt thượt, lấc lơ lấc láo, lạch xà lạch xạch, v.v.

- Láy với iếc: xanh xiếc, đỏ điếc, đi điếc, ngủ nghiếc, hay hiếc, đẹp điếc, xinh xiếc, giỏi diếc, v.v.

BÀI TẬP BỔ TRỢ

1. Lập sơ đồ biểu thị mối quan hệ về cấu tạo giữa từ đơn, từ phức, từ ghép, từ láy, từ ghép đẳng lập, từ ghép chính phụ, từ láy toàn bộ, từ láy bộ phận.

2. Đoạn văn sau đây có bao nhiêu từ đơn, bao nhiêu từ phức? Tìm và điền vào bảng dưới đoạn văn:

Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong, lẫm liệt. Tráng sĩ bước lên vỗ vào mông ngựa. Ngựa hí dài mấy tiếng vang dội. Tráng sĩ mặc áo giáp, cầm roi, nhảy lên mình ngựa. (Thánh Gióng)

Từ đơn

Từ phức

 

 

  1. Tìm các từ ghép, từ láy trong đoạn văn sau và điền vào bảng dưới đoạn văn:

Trong khi đó, người trong nhóm dự thi nhanh tay giã thóc, giần sàng thành gạo, lấy nước và bắt đầu thổi cơm. Những nồi cơm nho nhỏ treo dưới những cành cong hình cánh cung, được cắm rất khéo léo từ dây lưng uốn về trước mặt. (Minh Nhương, Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân)

Từ ghép

Từ láy

 

 

  1. Xếp các từ sau vào hai cột (theo sơ đồ): quần áo, tướng tá, điện nước, xăng dầu, tàu xe, xưa nay, chạy nhảy, học tập, nghe nhìn, thu phát, ăn uống, sống chết, tốt đẹp, may rủi, may phúc, núi non, binh lính, cấp bậc, thay đổi, sửa chữa, xe lửa, xe hoả, dưa chuột, dưa gang, làm ruộng, làm rẫy, làm dâu, nhiệt kế, sử học, hoả xa, tập thể hoá, hợp tác hoá, xã viên, điệp viên, bản tính, xa tít, thẳng đuột, xa tắp, thẳng tắp, sưng húp.

Từ ghép đẳng lập

Từ ghép chính phụ

 

 

Giải thích cơ sở để sắp xếp các từ trên vào sơ đồ.

  1. Xếp các từ sau vào hai cột (theo sơ đồ): máu mủ, máu me, mặt mũi, tóc tai, râu ria, khuôn khổ, ngọn ngành, tươi tốt, nấu nướng, ngu ngốc, ngu ngơ, hỏi han, học hỏi, mệt mỏi, nảy nở, chùa chiền, no nê, rơi rớt, nặng nề, lề bề, la lết, lia lịa, chanh chua, lanh chanh, nhỏ thó, nhỏ nhắn, run run, run rẩy, vướng vít, vương vướng, nhỏ nhẹ, nhỏ nhẻ.

Từ ghép

Từ láy

 

 

 Giải thích cơ sở để sắp xếp các từ trên vào sơ đồ.

  1. Phân biệt nghĩa của các từ sau và đặt câu với mỗi từ: nhỏ nhắn, nhỏ nhặt, nhỏ nhẻ, nhỏ nhen, nhỏ nhoi.
  2. Xếp các từ sau vào hai cột (theo sơ đồ): an ủi, anh ánh, ao ước, ào ào, âm thầm, ầm ầm, bàng hoàng, bảng lảng, bão bùng, bát ngát, bập bềnh, bầu bầu, be be, bẽn lẽn, biền biệt, bịt bùng, bong bóng, con cón, cóc cách, cuồn cuộn, cũn cỡn, dạn dày, dang dở, dành dành, đỡ đần, đồm độp, eo sèo, êm đềm, gai gai, gai góc, hì hì, héo hắt, lặt vặt, lấc cấc, lấp lửng.

Từ láy toàn bộ

Từ láy bộ phận

 

 

  1. Phân tích giá trị diễn tả của các từ láy trong đoạn thơ sau:

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh

Ca lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng

                              (Lượm - Tố Hữu)

Mọi trao đổi về chuyên môn, vui lòng liên hệ tới: TS. Trần Thị Lam Thủy, Email: dr.lamthuytran@gmail.com

 

 

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
28241
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26966
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
24006
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18869
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18651
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
12218
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
12052
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9176
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Tiếng Việt Phổ thông
6137
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Ngôn ngữ - Văn hóa
5632
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5599
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5519
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Anh
4172
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3346
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
3207
Từ cũ và từ Hán Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 05/09/2021 12:05:39
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo