Từ cũ và từ Hán Việt - Trần Thị Lam Thủy

Tiếng Việt Phổ thông
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 2988 05/09/2021 12:05:39

BÀI 7

TỪ CŨ VÀ TỪ HÁN VIỆT

Tác giả: Trần Thị Lam Thủy

Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn từ trang này

1. Từ cũ

Từ cũ là những từ cổ được dùng từ lâu trong ngôn ngữ dân tộc, đến nay hầu như không được sử dụng trong ngôn ngữ giao tiếp hiện đại.

Ví dụ: cao thâm (cao và sâu sắc), lao tâm (lao động trí óc một cách vất vả, căng thẳng), nhất sinh (suốt đời). Trong thơ Nguyễn Trãi ta bắt gặp bui (chỉ, duy), âu (lo), chăng (chẳng), rồi (rỗi rãi); trong văn Nguyễn Công Hoan có bẩm, lạy… là những từ cũ hầu như không được sử dụng trong cuộc sống hiện đại nữa. Chẳng hạn như: đà, nghé trong Truyện Kiều (Bóng tà như giục cơn sầu / Khách đà lên ngựa người còn nghé theo (Truyện Kiều, Nguyễn Du), v.v.

Tuy nhiên, trong các sáng tác văn chương, chúng ta vẫn bắt gặp một số từ cũ được sử dụng với các mục đích sau:

  • Được dùng để tái hiện không gian quá khứ đã qua rất lâu.
  • Thể hiện tính cách nhân vật.

Ví dụ, lời lẽ của nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân: Chữ thì quý thực. Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà phải ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta mà thôi. Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người.

Lưu ý:

- Từ cũ có thể là từ Hán Việt: hoàng thượng, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử, v.v.

- Từ cũ cũng có thể là từ Hán cổ: chàng, thiếp, buồng, ả, v.v.

- Từ cũ có thể là từ biến âm (bị phát âm chệch đi) do phạm húy trong một giai đoạn phong kiến nào đó: huỳnh (hoàng), bổn (bản), nhơn (nhân), v.v.

Tất cả đều chung một điểm là không còn hoặc ít dùng trong giao tiếp hiện đại nữa.

2. Từ Hán Việt

Song song tồn tại với từ thuần Việt (Từ thuần Việt là những từ được dân tộc ta dùng từ rất lâu đời đến nay làm thành vốn từ vựng cơ bản của tiếng Việt. Ví dụ: cha, mẹ, mưa, nắng, bếp, vườn, mặt trời, đẹp, xấu…), từ Hán Việt là bộ phận từ vựng tiếng Việt vay mượn của tiếng Hán nhưng phát âm theo cách của người Việt Nam (theo ngữ âm tiếng Bắc Kinh, Trung Quốc đời nhà Đường), chịu sự chi phối của các quy luật ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa của tiếng Việt. Như: tổ quốc, giang sơn, sơn thuỷ, thiên địa, v.v. Từ Hán Việt chiếm một số lượng khá lớn trong kho từ vựng tiếng Việt và đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp của người Việt trên các lĩnh vực văn hóa, khoa học, chính luận, báo chí, văn chương.

Hiện nay trong vốn từ vựng của tiếng Việt vẫn đang tồn tại hàng loạt cặp từ thuần Việt Hán Việt có nghĩa tương đương (đồng nghĩa) nhưng khác nhau về sắc thái ý nghĩa, về màu sắc biểu cảm, cảm xúc, bình giá, phong cách… Chẳng hạn: phụ nữ - đàn bà, nhi đồng – trẻ em, phu nhân – vợ, hi sinh – chết, thổ huyết – hộc máu, v.v. Sự khác nhau đó là do người Việt trong quá trình sử dụng đã tạo ra các đặc trưng của từ Hán Việt.

3. Đặc trưng cơ bản của từ Hán Việt

3.1. Từ Hán – Việt tạo sắc thái tao nhã, tránh thô tục hoặc tránh gây ấn tượng ghê sợ trước một số hiện tượng

Ví dụ:

-  Dùng từ để tránh thô tục (sắc thái tao nhã): hậu môn, phân, tiểu tiện, đại tiện, hộ sinh, khoả thân, v.v.

- Giảm ấn tượng ghê rợn: thổ huyết, xuất huyết, thi hài, hài cốt, thương vong, di hài, hoả táng, v.v.

3.2. Tạo sắc thái trang trọng, cao quý

- Sử dụng trong các trường hợp giao tiếp, lễ nghi: phụ nữ, phu nhân, nông dân, từ trần, mai táng…

-  Dùng để đặt tên người, tên đất: Nhân Mục (Kẻ mọc), Cổ Loa (Kẻ Lũ), Hùng, Trung Dũng, Đức Mạnh, Bình Nguyên, Thuỵ Nguyên, v.v.

3.3. Tạo sắc thái cổ khi tái tạo hình ảnh các nhân vật và cuộc sống xã hội ngày xưa, đưa người đọc, người nghe trở về không khí của quá khứ. Chẳng hạn dùng các từ như: hoàng thượng, hoàng hậu, trẫm, khanh, hoàng tử, công chúa, xa giá, ngự triều, hạ chỉ, bái yết, bình thân, vấn an, giai nhân, thuyền quyên, tiểu thư, v.v.

3.4. Gợi hình ảnh của thế giới khái niệm im lìm, bất động

Ví dụ:

Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn

Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn

Gác mái ngư ông về viễn phố

Gõ sừng mục tử lại cô thôn

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi

Dặm liễu sương sa khách bước dồn

Kẻ chốn Chương Đài người lữ thứ

Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.

                               (Chiều hôm nhớ nhà, Bà Huyện Thanh Quan)

          Với việc sử dụng một loạt từ Hán–Việt, bài thơ đã kéo ta về cõi vĩnh viễn của ý niệm và nỗi u hoài của nhà thơ - nỗi u hoài của một kiếp người không biết đến tháng năm, thời đại, không có sự tách biệt giữa tôi với anh.

4. Đối chiếu từ Hán Việt và thuần Việt

Có thể so sánh từ thuần Việt và từ Hán Việt qua bảng đối chiếu sau:

Tiêu chí so sánh

Từ Hán Việt

Từ thuần Việt

Về ý nghĩa

Trừu tượng, khái quát mang tính tĩnh tại, không gợi hình, không mang tính chất miêu tả sinh động

Cụ thể, sinh động, gợi hình.

Sắc thái biểu cảm – cảm xúc

Trang trọng, thanh nhã, cổ kính.

Thân mật, trung hoà, giản dị, khiếm nhã

Màu sắc phong cách

Phong cách gọt giũa, cổ kính, không thông dụng.

Đa phong cách, hiện đại, thông dụng.

Lưu ý:

Từ Hán Việt bản thân nó không có những đặc điểm đặc trưng nêu trên. Nguyên nhân là do quá trình sử dụng lớp ngôn ngữ này của người Việt đã tạo nên đặc trưng riêng so với từ thuần Việt như vậy. Cụ thể:

- Nguyên nhân đầu tiên là từ tiếng Hán vào Việt Nam chủ yếu vào bằng con đường khoa cử và hệ thống chính quyền. Vì vậy, chỉ những người thuộc tầng lớp trên của xã hội tiếp nhận và sử dụng;

- Nguyên nhân thứ 2 là khi thâm nhập rộng vào đời sống giao tiếp của người Việt, từ tiếng Hán vốn không phải là ngôn ngữ thân thuộc hàng ngày, vì vậy người Việt chỉ sử dụng trong những môi trường giao tiếp có tính khách khí (cần lịch sự, trang trọng nhưng xa cách).

Lâu dần, môi trường sử dụng của người Việt đã cấp cho từ tiếng Hán những đặc điểm trên.

5. Sử dụng từ Hán Việt

Từ những đặc điểm trên của từ Hán Việt, người Việt khi sử dụng cũng cần lựa chọn để dùng đúng với ngữ cảnh giao tiếp và người giao tiếp với mình. Ví dụ:

- Không sử dụng từ Hán Việt nhiều khi nói với người thân hoặc trong hoàn cảnh cần giúp đỡ. Ví dụ:

Con đề nghị mẹ mua giùm một cuốn sách. (chỉ cần thay đề nghị bằng nhờ)

Anh có thể hỗ trợ tôi khiêng thùng đồ này được không? (chỉ cần dùng giúp thay cho hỗ trợ)

Con mình cần đi đại tiện, anh làm nhé! (em bé con của mình, không ai lại dùng từ đại tiện)

v.v.

- Không dùng quá nhiều từ Hán Việt trong một câu nói. Ví dụ:

Tôi đã yêu cầu đồng chí A hỗ trợ để di dời các hộ công dân ngụ tại tầng thượng ra khỏi tòa nhà. (có thể thay hỗ trợ bằng giúp, di dời bằng chuyển, hộ công dân bằng nhà dân, ngụ bằng sống tại – câu nói sẽ nhẹ nhàng hơn).

 

Mọi trao đổi về chuyên môn, vui lòng liên hệ tới: TS. Trần Thị Lam Thủy, Email: dr.lamthuytran@gmail.com

 

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
27866
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26805
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
23830
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18746
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18501
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
11932
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
11892
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9059
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Ngôn ngữ - Văn hóa
5497
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5462
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5402
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Việt Phổ thông
5398
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Tiếng Anh
4050
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3262
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
2999
Từ trái nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:39:45
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo