Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy

Tiếng Việt Phổ thông
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12123 24/08/2021 12:03:50

BÀI 5

TỪ ĐA NGHĨA VÀ HIỆN TƯỢNG CHUYỂN NGHĨA

Tác giả: Trần Thị Lam Thủy

Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn từ trang này

1. Từ đa nghĩa

Từ đa nghĩa (còn gọi là từ nhiều nghĩa) là từ có hai nghĩa trở lên.

Ví dụ 1, từ chân, trong Từ điển tiếng Việt giải thích có 6 nghĩa:

 1. Bộ phận dưới cùng của cơ thể người hay động vật, dùng để đi, đứng; thường được coi là biểu tượng của hoạt động đi lại của con người. Nước đến chân mới nhảy. Vui chân đi quá xa. 2. Chân con người, coi là biểu tượng của cương vị, phận sự của một người với tư cách là thành viên của một tổ chức. Có chân trong Hội đồng. 3. Một phần tư con vật có bốn chân, khi chung nhau sử dụng hoặc chia nhau thịt. Đánh đụng một chân lợn. 4. Bộ phận dưới cùng của một số đồ dùng, có tác dụng đỡ cho các bộ phận khác. Chân đèn. Chân giường. Vững như kiềng ba chân. 5. Phần dưới cùng của một số vật, giáp và bám vào mặt nền. Chân núi. Chân tường. Chân răng. 6. Âm tiết trong thơ ở ngôn ngữ nhiều nước phương Tây. Câu thơ tiếng Pháp mười hai chân. (Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng – Trung tâm từ điển học, tr. 140)

Ví dụ 2, từ “mắt” chúng ta có các nghĩa:

1. Cơ quan để nhìn của người hay động vật; thường được coi là biểu tượng của cái nhìn của con người. Nhìn tận mắt. Nháy mắt. 2. Chỗ lồi lõm giống hình con mắt, mang chồi, ở một số thân cây. Mắt tre. Mắt khoai tây. 3. Bộ phận giống hình những con mắt ở ngoài vỏ một số quả phức, ứng với một quả đơn. Mắt dứa. Mắt na. 4. Lỗ hở đều đặn ở các đồ đan. Mắt võng. Mắt lưới. Lỗ đan thưa mắt. 5. Mắt xích (nói tắt). Đột bỏ một mắt của dây xích. (Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng – Trung tâm từ điển học, 2003, tr. 619)

Ví dụ 3, từ "mũi" chúng ta có các nghĩa:

Mũi (dt) 1. Bộ phận nhô lên giữa mặt người hoặc động vật có xương sống, là cơ quan dùng để thở và ngửi (lỗ mũi, sống mũi, mũi dọc dừa, hai cánh mũi, ngạt mũi, nước mũi); 2. Bộ phận có đầu nhọn nhô ra phía trước của một số vật (mũi tên, mũi kéo, đằng mũi và đằng lái, mũi giày); 3. mũi đất, mỏm đất nhô ra biển (Mũi Cà Mau); 4. Từ dùng để chỉ từng đơn vị lần sử dụng vật có mũi nhọn vào việc gì đó hoặc kết quả cụ thể của việc đó (tiêm ba mũi, mũi khoan không sâu, đường kim mũi chỉ); 5. Bộ phận lực lượng có nhiệm vụ tiến công theo một hướng nhất định (mũi tiến công, cánh quân chia làm 2 mũi). (Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng – Trung tâm từ điển học, 2003, tr. 649)

Các nghĩa của từ đa nghĩa có sự liên hệ chặt chẽ với nhau, quy định lẫn nhau, ý nghĩa này phái sinh từ ý nghĩa kia. Hiện tượng nghĩa phái sinh này được gọi là hiện tượng chuyển nghĩa của từ.

 

2. Hiện tượng chuyển nghĩa của từ

Chuyển nghĩa là hiện tượng thay đổi nghĩa của từ trong ngữ cảnh sử dụng, tạo ra những nghĩa phái sinh (nghĩa chuyển) từ nghĩa ban đầu (nghĩa gốc) của từ.

Nghĩa gốc: là nghĩa xuất hiện từ đầu, làm cơ sở để hình thành các nghĩa khác.

Nghĩa chuyển: là nghĩa được hình thành trên cơ sở của nghĩa gốc, có ít nhất một nét nghĩa trùng với nghĩa gốc.

Phân tích một số ví dụ dưới đây để thấy hiện tượng chuyển nghĩa của từ:

Xét ví dụ 1 ở trên, nghĩa của từ chân trong từ điển được giải thích theo đúng thứ tự như đã trình bày. Nghĩa thứ nhất 1. được nêu đầu tiên chính là nghĩa gốc. Nghĩa thứ 2. được sử dụng theo cơ chế hoán dụ, lấy bộ phận chỉ toàn thể (chân là người trong 1 tổ chức). Nghĩa thứ 3. được sử dụng theo cơ chế nói giảm. Nghĩa thứ 4. 5. 6. sử dụng theo cơ chế ẩn dụ, dựa theo vị trí của chân (bộ phận dưới cùng).

Xét ví dụ 2, nghĩa của từ mắt. Nghĩa thứ nhất trong từ điển giải thích là nghĩa gốc; các nghĩa sau đều căn cứ theo hình dạng của của mắt để sử dụng.

Xét thêm ví dụ 3, về nghĩa của từ đầu. Theo giải thích trong từ điển:

“đầu-d. 1. Phần trên cùng của thân thể con người hay phần trước nhất của thân thể động vật, nơi có bộ óc và nhiều giác quan khác. 2. (dùng hạn chế trong một số tổ hợp). Đầu của con người, coi là biểu tượng của suy nghĩ, nhận thức. Vấn đề đau đầu. Cứng đầu*. 3. Phần có tóc mọc ở trên đầu con người; tóc (nói tổng quát). Gãi đầu gãi tai. Chải đầu. Mái đầu xanh. Đầu bạc. 4. Phần truớc nhất hoặc phần trên cùng của một số vật. Đầu máy bay. Trên đầu tủ. Sóng bạc đầu. 5. Phần có điểm xuất phát của một khoảng không gian hoặc thời gian; đối lập với cuối. Đi từ đầu tỉnh đến cuối tình. Nhà ở đầu làng. Đầu mùa thu. Những ngày đầu tháng. 6. Phần ở tận cùng giống nhau ở hai phía đối lập trên chiều dài của một vật. Hai bên đầu cầu. Nắm một đầu dây. Trở đầu đũa. 7. Vị trí hoặc thời điểm thứ nhất, trên hoặc trước tất cả những vị trí, thời điểm khác. Hàng ghế đầu. Lần đầu. Tập đầu của bộ sách. Đếm lại từ đầu. Dẫn đầu*. 8. Từ dùng để chỉ từng đơn vị để tính đổ đồng về người, gia súc, đơn vị diện tích. Sản lượng tính theo đầu người. Mỗi lao động hai đầu lợn. Tăng số phân bón trên mỗi đầu mẫu. 9. (kết hợp hạn chế). Từ dùng để chỉ tùng đơn vị máy móc, nói chung. Đầu máy khâu. Đầu video*. Đầu đọc*. Đầu câm*.” (Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng – Trung tâm từ điển học, 2003, tr. 299)

Đầu có tất cả 9 nghĩa, nghĩa gốc của đầu là “1. Phần trên cùng của thân thể con người hay phần trước nhất của thân thể động vật, nơi có bộ óc và nhiều giác quan khác”. Các nghĩa khác (2. – 9.) của đã phát triển dựa theo một nét nghĩa nào đó ở nghĩa gốc. Chẳng hạn:

         - Dựa vào biểu tượng về vị trí của cái đầu – vị trí trên hết hoặc trước hết: đầu bài, đầu đề, hàng đầu, đi đầu, đầu đanh, đầu mấu… hoặc vị trí tận cùng: đầu nhà, đầu đường, đầu dây…

          - Dựa vào chức năng điều khiển của bộ óc, đầu được tạo ra ý nghĩa là trí tuệ, ý chí: cứng đầu, đầu mụ mẫm…

         - Dựa vào ý nghĩa định danh, đầu là một bộ phận, có thể phát triển thêm nghĩa chỉ đơn vị dựa trên hoán dụ lấy bộ phận thay cho toàn thể: cá kể đầu, một đầu lợn, tính theo đầu người, v.v.

          Nghĩa từ (2. – 9.) của đầu trong các trường hợp trên là nghĩa phái sinh của một từ đa nghĩa.

Từ những phân tích trên cho thấy, khi sử dụng từ đồng nghĩa, chúng ta cần tìm hiểu rõ nghĩa của từ, xem xét từ trong ngữ cảnh sử dụng để có thể dùng từ đúng, tìm hiểu đúng giá trị của từ.

3. Nhận diện nghĩa gốc và nghĩa chuyển

Vậy, làm thế nào để nhận ra đâu là nghĩa gốc, đâu là nghĩa chuyển của một từ đa nghĩa?

- Cách đơn giản nhất với một người biết và sử dụng từ điển, đó là nghĩa gốc luôn được xếp ở vị trí số 1 trong giải thích nghĩa của từ.

- Trong trường hợp không có từ điển, bằng tri nhận của người bản ngữ (người nói tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ - sống trong cộng đồng nói tiếng Việt từ bé) thì khi nghe một từ vang lên, hình ảnh / hành động / đặc điểm nào hiện lên đầu tiên trong tưởng tượng chính là nghĩa gốc của từ - vì nghĩa gốc là nghĩa được sử dụng nhiều nhất, phổ biến, quen thuộc nhất.

 

BÀI TẬP BỔ TRỢ

1. Xác định nghĩa của từ "chân" được sử dụng trong bài thơ "Những cái chân" dưới đây:

Cái gậy có một cái chân

Biết giúp bà khỏi ngã

Chiếc com pa bố vẽ

Có chân đứng, chân quay

Cái kiềng đun hàng ngày

Ba chân xoè trong lửa

Chẳng bao giờ đi cả

Là chiếc bàn bốn chân

Riêng cái võng Trường Sơn

Không chân đi khắp nước.

                                                                    (Vũ Quần Phương)

2. Xác định nghĩa của răng, mũi tai trong bài thơ dưới đây. Chúng được sử dụng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?

Răng của cái cào

Làm sao nhai được?

Mũi thuyền rẽ nước

Thì ngửi cái gì?

Cái ấm không nghe

Sao tai lại mọc?...

                                                                          (Quang Huy)

HƯỚNG DẪN GIẢI BÀI TẬP

(đang cập nhật)

 

Mọi trao đổi về chuyên môn, vui lòng liên hệ tới: TS. Trần Thị Lam Thủy, Email: dr.lamthuytran@gmail.com

 

 

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
28065
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26917
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
23868
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18820
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18569
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
12123
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
11987
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9111
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Tiếng Việt Phổ thông
5821
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Ngôn ngữ - Văn hóa
5549
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5523
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5458
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Anh
4119
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3301
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
3071
Từ cũ và từ Hán Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 05/09/2021 12:05:39
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo