Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy

Tiếng Việt Phổ thông
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 5600 11/08/2021 17:46:32

BÀI 4

TỪ ĐỒNG ÂM VÀ TỪ ĐA NGHĨA

Tác giả: Trần Thị Lam Thủy

Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn từ trang này

1. Từ đồng âm

1.1. Khái niệm

Từ đồng âm là những từ giống nhau về âm thanh, chữ viết, nhưng nghĩa khác xa nhau, không liên quan gì với nhau.

Ví dụ trong câu đố:

           Mồm bò (i), không phải mồm bò (ii) mà lại mồm bò (iii).

          (i) và (ii) là danh từ chỉ một bộ phận của con bò: mồm (miệng).

          (iii) Không phải danh từ mà là vị từ trong cụm chủ – vị, đem đến thông tin cho người nghe là con vật này bò (di chuyển) bằng mồm.

          Hai nghĩa này hoàn toàn khác xa nhau. Vì vậy, mồm trong (i), (ii) và mồm trong (iii) là hai từ đồng âm.

 

 1.2. Một số lưu ý khi sử dụng từ đồng âm

(1) Trong giao tiếp phải chú ý đầy đủ đến ngữ cảnh để tránh hiểu sai nghĩa của từ hoặc dùng từ với nghĩa nước đôi do hiện tượng đồng âm.

          Ví dụ: Câu “Đem cá về kho” nếu tách khỏi ngữ cảnh có thể dẫn tới hai cách hiểu khác nhau:

          - Cách hiểu 1: Đem cá về để kho (nấu).

          - Cách hiểu 2: Đem cá về cất vào kho.

(2) Từ đồng âm là một hiện tượng phổ biến của ngôn ngữ. Nhờ vào hiện tượng này, người Việt đã sử dụng để chơi chữ đồng âm trong những câu đố, câu đối, truyện cười… tạo nên những cách hiểu mới lạ, đem lại cho người đọc những bất ngờ thú vị.

Ví dụ câu chuyện sau đây:

Cò nhà, vạc đồng

Ngày xưa có anh nông dân nọ mượn của lão phú nông một cái vạc bằng đồng. Sau đó anh ta bắt ba con cò đến trả. Lão phú nông không chịu, đi kiện. Quan gọi hai người đến xử. Lão phú nông thưa:

- Bẩm quan, con cho hắn mượn vạc, hắn không trả.

Anh chàng nói:

- Bẩm quan, con đã đền cho anh ta cò.

Lão phú nông cãi lại:

- Nhưng vạc của tao là vạc đồng.

Anh nông dân hỏi vặn lại:

- Thế cò của tôi là cò nhà đấy hẳn?

Kết cục, quan cho anh nông dân được kiện.

                              (Theo Chuyện vui và thư giãn bốn phương)

Trong câu chuyện, anh nông dân đã vận dụng cách nói mơ hồ của các từ đồng âm để gây ra sự hiểu nhầm (cố tình vi phạm phương châm cách thức) để được kiện. Cụ thể:

- vạc: có 2 từ đồng âm (con chim vạc - cái vạc bằng đồng)

- đồng: có 2 từ đồng âm (cánh đồng - chất liệu bằng đồng)

Từ ngữ gây ra cách hiểu mơ hồ ở đây là vạc đồng (nhờ sự đối lập với cò nhà để tạo ngữ cảnh mơ hồ).

- vạc đồng ở đây được hiểu theo hai nghĩa: cái đỉnh vạc bằng đồng và con vạc ngoài đồng.

Câu chuyện trên cũng nhắc chúng ta một bài học: trong nói năng phải nói đầy đủ, tránh nói tắt, nói qua quýt, gây hiểu nhầm cho người nghe và cũng tránh tổn hại cho mình.

Hoặc câu đối của Nguyễn Khuyến làm giúp vợ người thợ nhuộm khóc chồng bị chết sớm:

Thiếp từ lá thắm xe duyên, khi vận tía lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ.

Chàng ở suối vàng có biết, vợ má hồng con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh.

          Trong câu đối này, ngoài nghĩa hiển ngôn bề mặt (lời khóc chồng thảm thương của người vợ goá), còn có một nghĩa khác giới thiệu nghề thợ nhuộm của người quá cố, qua một loạt từ chỉ màu sắc vốn gắn liền với nghề thợ nhuộm: thắm, tía, đen, điều, đỏ, vàng, xanh, trắng, hồng, tím, v.v.

Có khi hiện tượng đồng âm được vận dụng một cách kín đáo, khó phát hiện hơn:

          Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

          Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

                              (Qua Đèo Ngang – Bà Huyện Thanh Quan)

Ở đây có sự đồng âm giữa từ quốc (trong từ láy quốc quốc), gia (trong từ láy gia gia) với quốc (từ Hán – Việt có nghĩa là nước) và gia (từ Hán – Việt có nghĩa là nhà) để hai từ này lập thành một từ đồng nghĩa với các từ nước, nhà thuần Việt có sẵn trong câu thơ trên.

(3) Khi sử dụng từ đồng âm cần lưu ý tránh sự nhầm lẫn giữa từ đồng âm và từ đa nghĩa (từ nhiều nghĩa) - (vốn cũng là hiện tượng rất phổ biến trong ngôn ngữ).

2. Từ đa nghĩa

          Từ đa nghĩa (còn gọi là từ nhiều nghĩa) là từ có hai nghĩa trở lên.

          Ví dụ, từ chân, trong Từ điển tiếng Việt giải thích có 6 nghĩa: 

1. Bộ phận dưới cùng của cơ thể người hay động vật, dùng để đi, đứng; thường được coi là biểu tượng của hoạt động đi lại của con người. Nước đến chân mới nhảy. Vui chân đi quá xa. 2. Chân con người, coi là biểu tượng của cương vị, phận sự của một người với tư cách là thành viên của một tổ chức. Có chân trong Hội đồng. 3. Một phần tư con vật có bốn chân, khi chung nhau sử dụng hoặc chia nhau thịt. Đánh đụng một chân lợn. 4. Bộ phận dưới cùng của một số đồ dùng, có tác dụng đỡ cho các bộ phận khác. Chân đèn. Chân giường. Vững như kiềng ba chân. 5. Phần dưới cùng của một số vật, giáp và bám vào mặt nền. Chân núi. Chân tường. Chân răng. 6. Âm tiết trong thơ ở ngôn ngữ nhiều nước phương Tây. Câu thơ tiếng Pháp mười hai chân. (Từ điển tiếng Việt, tr. 140)

Các nghĩa của từ đa nghĩa có sự liên hệ chặt chẽ với nhau, quy định lẫn nhau, ý nghĩa này phái sinh từ ý nghĩa kia. Hiện tượng nghĩa phái sinh này được gọi là hiện tượng chuyển nghĩa của từ.

(Xem thêm: Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ)

3. Phân biệt từ đồng âm và từ đa nghĩa

Về bản chất, từ đồng âm là những từ khác nhau, có cùng cách viết và phát âm; trong khi từ đa nghĩa vốn xuất phát là một từ. Để phân biệt rõ 2 loại từ này, chúng ta có bảng sau:

 
Tiêu chí phân biệt  Từ đồng âm  Từ đa nghĩa
 Ví dụ

 Con ngựa đá (1) con ngựa đá (2)

Con ngựa đá (3) không đá (4) con ngựa. 

 

 

 (1) Nước đến chân mới nhảy.

(2) Có chân trong Hội đồng.

 (3) Vững như kiềng ba chân.

(4) Chẳng bao giờ đi cả

Là chiếc bàn bốn chân.

 Về nghĩa

 Nghĩa của các từ đồng âm khác xa nhau, không có mối liên quan nào với nhau.

Xem ví dụ: 

"đá" trong Con ngựa đá (1), (4): động từ chỉ hoạt động;

"đá" trong con ngựa đá (2), (3) chỉ vật liệu tạo nên con ngựa = con ngựa bằng đá.

 Nghĩa của từ đa nghĩa trong mọi ngữ cảnh đều có thể xác định được nét chung nhất.

Ví dụ từ "chân" ở trên có nghĩa trùng với các nét nghĩa sau: chỉ bộ phận dưới cùng của cơ thể người / vật dùng để đi, đứng hoặc bám vào mặt nền, có tác dụng đỡ các bộ phận khác.

 

 Để xác định được đâu là từ đồng âm, đâu là từ đa nghĩa, chúng ta có 3 thao tác cơ bản sau:

  1. Xác định nghĩa của từ được sử dụng trong ngữ cảnh;
  2. Xét mối quan hệ giữa nghĩa của các từ trong các ngữ cảnh.
  3. Có thể xem xét thêm từ loại của từ để thấy rõ hơn sự tương đồng hay khác biệt.

Với 3 thao tác trên, chắc chắn các bạn sẽ xác định được đúng đâu là từ đồng âm, đâu là từ đa nghĩa.

BÀI TẬP BỔ TRỢ

1. Đọc bài ca dao sau: 

Bà già đi chợ Cầu Đông

Xem một quẻ bói, lấy chồng lợi (1) chăng

Thầy bói gieo quẻ nói rằng

Lợi (2) thì có lợi (3), nhưng răng chẳng còn.

                                        (Ca dao)

Từ "lợi" trong bài ca dao trên là từ đồng âm hay đa nghĩa?

2. Chỉ ra hiện tượng đồng âm trong các câu sau:

a. Trời mưa đất thịt trơn như mỡ, dò đến hàng nem chả muốn ăn.
 
b. Bà đồ Nứa, đi võng đòn tre, đến khóm trúc, thở dài hi hóp.

3. Giải các câu đố sau:

a) Trùng trục như con chó thui

Chín mắt, chín mũi, chín đuôi, chín đầu.

                                           (Là con gì?)

b) Hai cây cùng có một tên

Cây xòe mặt nước, cây lên chiến trường

Cây này bảo vệ quê hương

Cây kia hoa nở soi gương mặt hồ.

                                         (Là cây gì?)

Cho biết cơ sở của lời giải đố là gì?

 

Mọi trao đổi về chuyên môn, vui lòng liên hệ tới: TS. Trần Thị Lam Thủy, Email: dr.lamthuytran@gmail.com

       

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
27946
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26878
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
23852
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18776
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18526
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
12076
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
11946
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9080
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Tiếng Việt Phổ thông
5600
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Ngôn ngữ - Văn hóa
5519
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5496
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5426
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Anh
4078
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3281
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
3039
Từ trái nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:39:45
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo