Từ đồng nghĩa - Trần Thị Lam Thủy

Tiếng Việt Phổ thông
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 2386 07/08/2021 20:19:18

BÀI 2

TỪ ĐỒNG NGHĨA

Tác giả: Trần Thị Lam Thủy

Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn từ trang này

1. Khái niệm

Từ đồng nghĩa là những từ giống nhau hoặc gần giống nhau về nghĩa nhưng khác nhau về âm thanh, chúng biểu thị những sắc thái khác nhau của một khái niệm. Một từ nhiều nghĩa có thể thuộc vào nhiều nhóm từ đồng nghĩa khác nhau.

          Từ đồng nghĩa có hai loại: những từ đồng nghĩa hoàn toàn và những từ đồng nghĩa không hoàn toàn.

1.1. Từ đồng nghĩa hoàn toàn

Từ đồng nghĩa hoàn toàn là những từ trùng nhau về nghĩa và sắc thái nghĩa, có thể thay thế cho nhau trong mọi trường hợp. Ví dụ: trái quả, phi cơ máy bay. Ví dụ:

- Rủ nhau xuống bể mò cua

đem về nấu quả (trái) mơ chua trên rừng

- Chim xanh ăn trái (quả) xoài xanh

Ăn no tắm mát đậu cành cây đa

Thông thường những từ đồng nghĩa hoàn toàn là những từ thoả mãn một trong những điều kiện sau:

- đều chỉ có một ý nghĩa và ý nghĩa đó trùng nhau;

- là từ thường dùng nhất, dễ hiểu nhất, có thể tiêu biểu cho cái chung của nhóm từ đồng nghĩa;

- là từ mang ý nghĩa chung nhất, có tính chất trung hoà về mặt ý nghĩa;

- đóng vai trò trung tâm với nghĩa gốc, nghĩa cơ bản của mình.

Ví dụ: chết trong nhóm từ đồng nghĩa chết, hi sinh, bỏ mạng, toi mạng, mất, ra đi, về chầu trời… hoặc ăn trong nhóm từ ăn, xơi, chén, nhậu, v.v.

1.2. Từ đồng nghĩa không hoàn toàn

Từ đồng nghĩa không hoàn toàn là những từ gần giống nhau về mặt ý nghĩa, cùng chỉ một sự vật, hiện tượng, khái niệm song có sắc thái nghĩa khác nhau. Vì vậy trong nhiều trường hợp chúng không thể thay thế cho nhau. Từ đồng nghĩa không hoàn toàn có thể xảy ra trong những trường hợp sau:

- Một từ đơn nghĩa (chỉ có một nghĩa) trùng với một ý nghĩa của từ nhiều nghĩa (từ đa nghĩa).

Ví dụ: ăn ở cư xử. Ăn ở có hai nghĩa, một nghĩa trùng với nghĩa của từ cư xử, một nghĩa là nói chung.

- Một nghĩa của từ đa nghĩa này trùng với một nghĩa của từ đa nghĩa khác.

Ví dụ:

trông dựa cùng biểu thị ý nghĩa nương vào (Trăm điều hãy cứ trông (dựa) vào một ta). Nhưng ngoài ý nghĩa đó trông còn có các ý nghĩa: a) nhìn; b) coi sóc, giữ gìn cho yên ổn; c) mong. Dựa còn có nghĩa là: a) theo; b) căn cứ vào, v.v. Những ý nghĩa này của hai từ không trùng nhau. Vì vậy một từ nhiều nghĩa có thể thuộc vào nhiều nhóm từ đồng nghĩa khác nhau.

Từ trông có thể tham gia ba nhóm từ đồng nghĩa:

(1) trông, nhìn, ngó, nhòm, dòm, liếc

(2) trông, trông coi, chăm sóc

(3) trông, cy, ta, da, nương

Từ ăn ở có thể tham gia hai nhóm từ đồng nghĩa:

(1) cư xử, đối xử, đối đãi, ăn ở

(2) ở, ăn

2. Sử dụng từ đồng nghĩa

Sử dụng từ đồng nghĩa là một nghệ thuật trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Có thể nói đó cũng là một biện pháp tu từ trong giao tiếp của chúng ta hàng ngày dù dưới dạng nói hay viết. Khi sử dụng từ đồng nghĩa cần lưu ý một số điểm sau:

(1) Các từ đồng nghĩa tuy cùng chỉ một sự vật, hiện tượng, đặc điểm, trạng thái… giống nhau song mỗi từ có thể mang một sắc thái riêng. Không phải bao giờ các từ đồng nghĩa cũng có thể thay thế cho nhau. Vì vậy, khi sử dụng cần cân nhắc để chọn trong số các từ đồng nghĩa những từ thể hiện đúng thực tế khách quan và sắc thái biểu cảm. Ví dụ, trong nhóm từ đồng nghĩa: chết, hi sinh, bỏ mạng, toi mạng, lìa đời, đi, toi, ngoẻo… mặc dù có cùng một nghĩa chỉ trạng thái mất khả năng sống, không còn có biểu hiện của sự sống, song mỗi từ mang một sắc thái ý nghĩa khác nhau, sử dụng trong những văn cảnh khác nhau. Chẳng hạn:

          - Công chúa Ha-ba-na đã hi sinh anh dũng, thanh kiếm vẫn cầm trên tay. (Truyện cổ Cu-ba)

          - Cậu Vàng đi đời rồi ông giáo ạ. (Lão Hạc – Nam Cao)

          - Trước sức tấn công như vũ bão và tinh thần chiến đấu tuyệt vời của quân Tây Sơn, hàng vạn quân Thanh đã bỏ mạng.

(2) Khi nói, viết, để tránh lặp đi lặp lại một từ ngữ nào đó, người ta có thể dùng những từ đồng nghĩa với nó để gọi tên đối tượng (hiện tượng, hành động) đã được nói đến. Ví dụ:

          - Một cái mũ len xanh nếu chị sinh con gái. Chiếc mũ sẽ đỏ tươi nếu chị đẻ con trai. (Anh Đức)

          - Ăn ở với nhau được đứa con trai lên hai thì chồng chết. Cách mấy tháng sau đứa con lên sài bỏ đi để chị ở lại một mình. (Nguyễn Khải)

          - Phụ nữ lại càng cần phải học. Đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới. (Hồ Chí Minh)

(3) Khi hai hay nhiều từ đồng nghĩa cùng xuất hiện trong một văn cảnh để diễn đạt một ý nghĩa nào đó, các từ đồng nghĩa sẽ bổ sung cho nhau, làm chính xác thêm, nêu đặc trưng của đối tượng một cách đầy đủ nhất, vì mỗi từ đồng nghĩa chỉ diễn đạt một sắc thái ý nghĩa. Ví dụ:

          - Tôi cảm nhận được nỗi lưu luyến của bà tôi và cùng với cảm giác đó tôi nhận ra vẻ hài lòng, mãn nguyện ở ánh mắt bà.

          - Bố tôi đã nâng niu, giữ gìn cẩn trọng cái tiểu đựng hài cốt bà suốt dọc đường ô tô lên tới đây.

          - Nhưng đúng như dự đoán của bà tôi! Cuối cùng mẹ tôi đã trở về sau bao nhiêu ngộ nhận, lầm lạc, sau những cơn trầm uất vì ân hận, vò xé nội tâm… Nhưng có thể tóm tắt thế này: bà đã đuổi theo một cái bong bóng, vì quẫn trí, mê lú. (Ma Văn Kháng)

 

BÀI TẬP BỔ TRỢ

(đang cập nhật)

 Xác định các cặp đồng nghĩa trong 4 bài ca dao dưới đây:

1. Mẹ thương con qua cầu Ái Tử

Gái trông chồng đứng núi Vọng Phu

Chàng mà đối được thiếp làm du mẹ thầy.

2. Lúa ba trăng cấy hồ bán nguyệt

Con hươu sao ăn lá hoàng tinh

Anh đà đối được em thuận tình em nghe.

3. Con kiến đất leo cây thục địa

Con ngựa trời ăn cỏ chỉ thiên

Chàng mà đối được gái thuyền quyên theo về.

4. Con rắn mà lặn qua xà

Con gà mà mổ bông kê

Chàng đà đối được, thiếp phải về hôm nay.

Mọi trao đổi về chuyên môn, vui lòng liên hệ tới: TS. Trần Thị Lam Thủy, Email: dr.lamthuytran@gmail.com

 

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
27867
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26806
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
23831
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18746
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18501
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
11932
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
11893
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9059
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Ngôn ngữ - Văn hóa
5497
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5462
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5402
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Việt Phổ thông
5398
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Tiếng Anh
4051
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3263
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
2999
Từ trái nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:39:45
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo