Từ trái nghĩa - Trần Thị Lam Thủy

Tiếng Việt Phổ thông
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 3138 11/08/2021 17:39:45

BÀI 3

TỪ TRÁI NGHĨA

Tác giả: Trần Thị Lam Thủy

Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn từ trang này

1. Khái niệm

Từ trái nghĩa là những từ cùng một từ loại, khác nhau về ngữ âm, trái ngược nhau về ý nghĩa, biểu hiện các khái niệm tương phản về logic nhưng tương liên lẫn nhau.

Ví dụ:

- Về thời gian: sớm – muộn, sáng – tối, nhanh – chậm…

- Về vị trí: trên – dưới, trong – ngoài, trước – sau…

- Về không gian: đông – tây, ra – vào, xa – gần…

- Về kích thước, dung lượng: lớn – bé, to – nhỏ, nông – sâu, cao – thấp, ngắn – dài…

- Về tình cảm, trạng thái: vui – buồn, may – rủi, khoẻ – yếu…

- Về hiện tượng thiên nhiên: nóng – lạnh…

- Về hiện tượng xã hội: giàu – nghèo, thống trị – bị trị…

 Lưu ý:

- Các từ đối lập nhưng biểu hiện các khái niệm không tương liên thì không phải là các từ trái nghĩa. Ví dụ: Mĩ giàu nhưng không mạnh. Khúc sông này hẹp nhưng mà sâu. ở đây giàu – mạnh, hẹp – sâu chỉ là sự đối lập của những khái niệm khác nhau chứ không phải là những cặp từ trái nghĩa, bởi giàu mạnh, hẹp sâu không tương liên với nhau.

- Một từ nhiều nghĩa có thể thuộc nhiều cặp từ trái nghĩa khác nhau. Đó là trường hợp một từ mang nhiều sắc thái ý nghĩa khác nhau, tương ứng với mỗi sắc thái ấy có một từ trái nghĩa. Ví dụ:

           Mở - đóng (cửa)

           Mở – khép (cửa)

           Mở – gấp (vở)

           Mở – che (màn)

          Mở - đậy (vung)

          Mở – hạ (màn)

2. Sử dụng từ trái nghĩa

(1) Khi sử dụng các cặp từ trái nghĩa cần đảm bảo tính cân xứng, nghĩa là dung lượng ngữ nghĩa, hình thức của các từ phải tương đương với nhau. Nói cách khác hiện tượng trái nghĩa xảy ra theo từng cặp. Nếu một vế là từ đơn thì vế bên kia cũng phải là từ đơn, tương tự nếu một vế là từ ghép thì vế bên kia cũng phải là từ ghép (hai vế này đều cùng một từ loại):

                    to – nhỏ

                    lớn – bé

                    thiện cảm - ác cảm

                    trình độ cao – trình độ thấp

(2) Những từ cùng cặp trái nghĩa có thể cùng kết hợp với một từ khác để tạo ra những cặp trái nghĩa mới:

                    ăn mặn – ăn nhạt     

                    tốt bụng – xấu bụng

                    siêng làm – nhác làm

Trong trường hợp chúng không cùng kết hợp được với một từ khác (khả năng kết hợp khác nhau) chứng tỏ chúng không trái nghĩa. Ví dụ: giá cao – giá hạ thì được, nhưng trình độ cao phải trái nghĩa với trình độ thấp, chứ không thể là trình độ hạ. Điều đó chứng tỏ cao hạ trong trường hợp thứ hai này không trái nghĩa. Hoặc đẹp nết – xấu nết thì được, nhưng xấu bụng thì không thể cùng cặp với đẹp bụng mà phải là tốt bụng. Chứng tỏ trong kết hợp với bụng cặp trái nghĩa phải là tốt – xấu.

(3) Thói quen, truyền thống ngôn ngữ cũng là một yếu tố chi phối quá trình lựa chọn, sử dụng từ trái nghĩa. Thói quen ấy tạo nên những liên tưởng đối lập mang tính quy luật. Nghĩa là khi nhắc đến vế thứ nhất, người ta nghĩ ngay đến vế thứ hai. Giả sử vế thứ hai xuất hiện một chuỗi đồng nghĩa thì phải lựa chọn từ ngữ nào có sự liên tưởng thường xuyên nhất, trước nhất và cơ bản nhất. Ví dụ: to có thể trái nghĩa với bé, nhỏ, tí hon… nhưng người Việt thường liên tưởng với nhỏ trước tiên. Tương tự bé – lớn, tí hon – khổng lồ, tiểu - đại, v.v.

Như vậy, để sử dụng đúng từ trái nghĩa, ngoài việc hiểu nghĩa từ cần phải có sự hiểu biết về thói quen sử dụng ngôn ngữ của cộng đồng.

(4) Giá trị nghệ thuật của từ trái nghĩa

Từ trái nghĩa được sử dụng trong thể đối, tạo các hình tượng tương phản, gây ấn tượng mạnh, làm cho lời nói thêm sinh động.

Trong văn thơ, thể đối được vận dụng tương đối phổ biến. Nhà thơ phải sử dụng những cặp từ trái nghĩa để tạo nên sự đối lập về ý nghĩa, đồng thời tạo những điệu tính trái ngược nhau giữa các từ ngữ. Nằm trong mối quan hệ đối chọi nhau, từ ngữ có khả năng gợi liên tưởng đến những hình tượng nhân vật, sự vật, hiện tượng phức tạp, có giá trị nghệ thuật cao. Ví dụ:

Trong thơ:

                    Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi

                    Hương âm vô cải, mấn mao tồi

                    Nhi đồng tương kiến, bất tương thức

                    Tiếu vấn: khách tòng hà xứ lai

                                            (Hồi hương ngẫu thư – Hạ tri Chương)

                     Sàng tiền minh nguyệt quang

                     Nghi thị địa thượng sương

                     Cử đầu vọng minh nguyệt

                     Đê đầu tư cố hương

                                               (Tĩnh dạ tứ – Lí Bạch)

Trong ca dao:

                          - Chị em như chuối nhiều tàu

                   Tấm lành che tấm rách, đừng nói nhau nhiều lời

                          - Số cô chẳng giàu thì nghèo

                   Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà

Trong thành ngữ:

                          Chân cứng đá mềm

                          Có đilại

                          Gần nhà xa ngõ

                         Mắt nhắm mắt mở

                         Chạy sấp chạy ngửa

Trong tục ngữ:

                        Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng

                        Ngày tháng mười chưa cười đã tối

          Như vậy, không chỉ trong văn thơ mà ngay cả trong lời ăn tiếng nói của nhân dân, từ trái nghĩa cũng được vận dụng phổ biến, giúp cho chúng ta tạo được nhịp điệu trong lời nói, diễn đạt nội dung một cách hình ảnh, giàu ý nghĩa biểu trưng. Khi từ trái nghĩa xuất hiện với tư cách là biện pháp tu từ, việc vận dụng từ trái nghĩa được gọi là phép tương phản.

3. Hiện tượng trái nghĩa lâm thời

          Trái nghĩa lâm thời là hiện tượng 2 từ vốn dĩ không trái nghĩa nhau song trong một ngữ cảnh nào đó, nó được sử dụng để đối lập nghĩa.

          Tuy nhiên để có thể sử dụng trái nghĩa lâm thời, cặp trái nghĩa lâm thời vẫn phải thỏa mãn các điều kiện dưới đây:

          (1). cùng từ loại;

          (2). cùng cấu trúc và dung lượng (cùng là từ đơn hoặc cùng là từ ghép và cùng số tiếng);

          (3). nghĩa vẫn cùng trong một mối tương liên (trường nghĩa), logic với nhau.

          Xét ví dụ dưới đây để thấy rõ hơn tính lâm thời của các cặp trái nghĩa:

                   Thiếu tất cả ta rất giàu dũng khí

                   Sống, chẳng cúi đầu. Chết, vẫn ung dung

                   Giặc muốn ta nô lệ, ta lại hóa anh hùng

                   Sức nhân nghĩa mạnh hơn cường bạo

                                                           (Tuổi 25 - Tố Hữu)

Khi được yêu cầu xác định các cặp từ trái nghĩa trong bốn câu thơ trên, hầu hết học sinh sẽ xác định được các cặp:

                 (1). thiếu - giàu

                 (2). sống - chết

                 (3). cúi đầu - ung dung

                 (4). nô lệ - anh hùng

                 (5). nhân nghĩa - cường bạo

Tuy nhiên, ở đây vừa có cặp từ trái nghĩa vừa có cặp từ trái nghĩa lâm thời. Vậy bằng cách nào để xác định đâu là trái nghĩa và đâu là trái nghĩa lâm thời.

Người học cần chú ý:

- Cặp trái nghĩa (đương nhiên) có nghĩa từ vựng đối lập nhau. Nghĩa là không cần có ngữ cảnh, bản thân nó đã có nghĩa đối lập mà với vốn từ của người Việt, đã có thể xác lập được ngay. Ví dụ, nói đến sống – ngay lập tức mọi người Việt Nam đều có ngay từ trái nghĩa là chết.

- Tương tự như vậy, nếu phải xác lập lại các cặp trái nghĩa ở trên, mỗi vế trong (1), (3), (4), (5) sẽ có các cặp trái nghĩa từ vựng riêng như sau:

          thiếu > < đủ;

          nghèo > < giàu

          cúi đầu > < ngẩng đầu;

          lo sợ, hoảng hốt > < ung dung

          nô lệ > < tự do;

          hèn nhát > < anh hùng

          nhân nghĩa > < bất nghĩa, bất nhân;

          nhân từ > < cường bạo

Tuy nhiên, nếu xét về logic nghĩa, các từ được đưa vào cặp vẫn nằm trong một trường nghĩa:

(1). thiếu – giàu (cùng trường đánh giá số lượng)

(2). sống - chết

(3). cúi đầu - ung dung (cùng trường ứng xử)

(4). nô lệ - anh hùng (cùng trường phẩm chất, vị thế)

(5). nhân nghĩa - cường bạo (cùng trường phẩm chất, ứng xử)

Tất cả các cặp từ trên đây đều thỏa mãn 3 điều kiện đã nêu trên của cặp trái nghĩa lâm thời.

          Việc sử dụng trái nghĩa lâm thời bao giờ cũng có dụng ý nghệ thuật nhất định. Người dạy/học cần chú ý để phát hiện và chỉ ra được giá trị này. Ví dụ trong câu Thiếu tất cả ta rất giàu dũng khí; xét về logic tịnh tiến của việc đánh giá vật chất chúng ta sẽ có các mức độ: (1) thiếu – (2) đủ - (3) giàu – có dư thừa. Vậy ý mà tác giả nhấn mạnh ở đây chính là chúng ta không những có đủ mà còn giàu, còn có dư thừa dũng khí để chiến đấu và chiến thắng.

          Như vậy, việc dùng trái nghĩa lâm thời có thể góp phần nhấn mạnh hơn nữa vế khẳng định trong văn cảnh.

BÀI TẬP BỔ TRỢ

1. Cho các từ: nhân ái, tàn ác, bất hoà, lục đục, hiền hậu, chia rẽ, hoà thuận, êm ấm, phúc hậu, hung ác, độc ác, đôn hậu, thuận hoà, trung hậu, nhân từ, tàn bạo.

     Xếp các từ trên thành nhóm và trả lời các câu hỏi:

  1. Tại sao lại chia thành các nhóm như vậy?
  2. Nghĩa chung nhất của các từ trong mỗi nhóm là gì? Mối quan hệ về nghĩa giữa các từ cùng nhóm là mối quan hệ gì?
  3. Chỉ ra sự khác nhau về nghĩa giữa các nhóm?

2. Xếp các từ sau thành từng cặp trái nghĩa. Giải thích vì sao có thể xếp các từ đó thành cặp: hèn nhát, yếu đuối, yếu ớt, già, yếu, dũng cảm, mạnh mẽ, khoẻ mạnh, trẻ, khoẻ, lười biếng, chăm chỉ, siêng năng, cần cù.

3. Tìm những từ trái nghĩa trong các văn bản sau:

Sông Thương bên lở bên bồi

Bên lở thì đục, bên bồi thì trong

                              (Ca dao)

Thiếu tiểu li gia lão đại hồi

Hương âm vô cải mấn mao tồi

Nhi đồng tương kiến bất tương thức

Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai

                              (Hồi hương ngẫu thư - Hạ Tri Chương)

Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh, dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang

                              (Tức cảnh Pác Bó - Hồ Chí Minh)

 

HƯỚNG DẪN GIẢI BÀI TẬP

(đang cập nhật)

 

Mọi trao đổi về chuyên môn, vui lòng liên hệ tới: TS. Trần Thị Lam Thủy, Email: dr.lamthuytran@gmail.com

 

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
28242
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26966
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
24006
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18870
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18651
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
12219
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
12053
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9178
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Tiếng Việt Phổ thông
6139
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Ngôn ngữ - Văn hóa
5633
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5600
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5519
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Anh
4173
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3346
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
3208
Từ cũ và từ Hán Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 05/09/2021 12:05:39
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo