Trần Thị Lam Thủy. Di sản văn hóa và việc bảo tồn các di sản văn hóa trong thời kì hội nhập

Xã hội và Nhân văn
Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 131 05/02/2024 09:55:40
  • BÀN VỀ VẤN ĐỀ DI SẢN VĂN HÓA VÀ VIỆC BẢO TỒN CÁC DI SẢN VĂN HÓA TRONG THỜI KÌ HỘI NHẬP

    (Xét trường hợp di sản văn hóa phi vật thể Ví, Giặm xứ Nghệ)

    TS. Trần Thị Lam Thủy

     

Cũng như mọi di sản văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể cũng cần được quan tâm khai thác, góp phần đem đến nguồn lợi về vật chất lẫn tinh thần cho cộng đồng. Về giá trị vật chất, có thể bằng con đường du lịch để tạo ra nguồn lợi trực tiếp. Về giá trị tinh thần, có thể bằng con đường giáo dục, văn hóa, nghệ thuật để gián tiếp bồi dưỡng, kích thích những tình cảm nhân văn, ý chí vươn lên trong mỗi người, tạo động lực sáng tạo và cống hiến. Có như vậy, di sản văn hóa của ông cha để lại mới có thể phát huy được giá trị, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại.

 

1. Đặt vấn đề

Quản lý và khai thác di sản văn hóa trong thời kì hội nhập đang là một trong những vấn đề có nhiều ý kiến “trái chiều” hiện nay – đặc biệt đối với di sản văn hóa phi vật thể. Nguyên nhân của hiện tượng trái chiều này có điểm xuất phát từ cách trả lời của chúng ta đối với những câu hỏi dưới đây:

(1) Thế nào là di sản văn hóa phi vật thể? Đối tượng đó (đối tượng cụ thể mà chúng ta nói tới) có phải là di sản văn hóa phi vật thể không?

(2) Giá trị của di sản đó trong thời đại hiện nay là gì?

(3) Chúng ta muốn gì và cần gì ở di sản đó?

(4) Làm thế nào để bảo tồn và khai thác di sản đó hiệu quả trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay?

Nếu tất cả chúng ta cùng có thể tìm thấy câu trả lời chính xác thì có lẽ sẽ tạo ra được sự đồng thuận trong việc bảo tồn và khai thác các giá trị của di sản văn hóa dù trong bất cứ thời đại nào.

Năm 2003, tại Khóa họp thứ 32, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể. Việc thông qua Công ước này trở thành một mốc quan trọng trong sự phát triển của các chính sách quốc tế nhằm thúc đẩy sự đa dạng văn hóa. Cũng từ đó đến nay, Việt Nam đã có 10 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Trong đó có di sản Ví, Giặm xứ Nghệ - di sản thứ 9 được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bài viết này dựa trên cơ sở phân tích một trường hợp điển hình là di sản dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ để hướng tới tìm hiểu cách trả lời những câu hỏi mà chúng tôi vừa nêu trên cho loại hình di sản văn hóa phi vật thể.

2. Khái niệm di sản văn hóa phi vật thể

Điều 4 trong Luật Di sản văn hóa của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã xác định rõ: Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác” [Văn phòng Quốc hội 2013].

Như vậy, khác với di sản văn hóa vật thể như các đền tháp, các bộ sưu tập hiện vật, di sản văn hóa phi vật thể là những biểu đạt văn hóa mang tính truyền thống, có sự trao truyền chặt chẽ giữa các thế hệ tạo ra và duy trì nó như truyền thống truyền khẩu, các loại hình nghệ thuật biểu diễn, các phong tục xã hội, các nghi lễ, lễ hội, tri thức và các phong tục tập quán liên quan đến thiên nhiên và vũ trụ… Công ước của UNESCO cũng xác định rõ những hình thức này lại phải đảm bảo được các yêu cầu sau:

(1) Là kiệt tác có giá trị đặc biệt do nhân loại sáng tạo nên.                                 

(2) Có sức ảnh hưởng lan tỏa trong cộng đồng và sự độc đáo của bản sắc văn hóa.

(3) Có tính ứng dụng, các chất lượng kĩ thuật và các khả năng mang lại hiệu quả.

(4) Mang giá trị như một chứng nhân độc đáo cho truyền thống văn hóa;

(5) Thời gian tồn tại và phát triển của di sản ít nhất một thế kỉ [UNESCO 2003].

Một di sản ra đời, tồn tại và phát triển trong môi trường nhất định với ba yếu tố: thời gian, không gian gắn liền với chủ thể sáng tạo ra di sản. Không phải ngẫu nhiên mà Hội đồng UNESCO đặt ra điều kiện thời gian tối thiểu cho một di sản phải là một thế kỉ. Với khoảng thời gian đó, trải qua bao biến đổi của vạn vật, con người, một sản phẩm tinh thần vẫn tồn tại có sức lan tỏa trong cộng đồng và tạo nên bản sắc, thích ứng được và tạo ra giá trị có tính ứng dụng và các chất lượng kĩ thuật mang lại hiệu quả, mới thực sự khẳng định được có xứng đáng là kiệt tác của nhân loại mang giá trị như một chứng nhân độc đáo cho truyền thống văn hóa. Như vậy, xét về thời gian, di sản phải có tuổi đời trên 100 năm song để được coi là một di sản, bản thân nó phải mang tính đương đại. Nghĩa là tại thời điểm được xác nhận rằng nó là một di sản, bản thân nó phải vừa có tính truyền thống vừa mang những biểu đạt văn hóa của đương đại. Trong nó, cùng một lúc phải truyền thống và đương đại.

Mỗi một di sản lại có không gian thực hành riêng với cộng đồng tinh thần của nó. Cồng chiêng Tây Nguyên gắn với núi rừng và những nghi lễ linh thiêng của đồng bào Tây Nguyên; Nhã nhạc cung đình gắn với triều đình Huế và vẻ đẹp thơ mộng, trầm mặc của cố đô; hát Xoan Phú Thọ gắn với vua Hùng và đất Tổ Hùng Vương mỗi dịp xuân về; hát Ví, Giặm xứ Nghệ gắn với những làng nghề và sinh hoạt cộng đồng quanh năm của người Nghệ Tĩnh… Di sản nào cũng có địa chỉ riêng và cách thực hành riêng… Tuy nhiên, các di sản đều phải có khả năng tiến hóa theo môi trường xung quanh ở mỗi thời điểm mà nó sống để tạo ra bản sắc, kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai.

Một điểm nữa vô cùng quan trọng đó chính là chủ thể tạo ra và duy trì di sản. Một biểu đạt văn hóa “chỉ có thể được gọi là di sản văn hóa phi vật thể khi nó được thừa nhận bởi chính cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân tạo ra, lưu giữ và chuyển giao nó – nếu không có sự thừa nhận này, không ai khác có thể quyết định biểu đạt văn hóa hay tập quán nào là di sản của họ” [UNESCO].

3. Những biến động về giá trị của di sản trong thời đại mới

Hầu hết các di sản văn hóa phi vật thể của chúng ta hiện nay được hình thành từ những thế kỉ trước dưới chế độ phong kiến của nền văn minh Lạc Việt và văn minh Đại Việt. Đến nay, đất nước bước sang nền văn minh Việt Nam mới với chế độ xã hội chủ nghĩa, càng ngày càng phát triển hòa vào tiến trình toàn cầu hóa. Cả ba yếu tố: thời gian – không gian – chủ thể sáng tạo, quyết định đến sự hình thành và tồn tại của các di sản đều đổi thay, tạo nên những biến đổi vô cùng mạnh mẽ, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của di sản. Có thể điểm qua một số thay đổi cơ bản:

Về không gian thực hành di sản

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã kéo không gian sống chủ yếu của người Việt Nam từ làng xã thành không gian phố phường, văn hóa làng xã chuyển dần thành văn hóa phố phường với quá trình đô thị hóa; không gian quốc gia thành không gian quốc tế với quá trình toàn cầu hóa. Kết quả đầu tiên là nếp sinh hoạt của cộng đồng sáng tạo ra di sản xưa cũng buộc phải thay đổi để phù hợp với thời đại mới. Nhiều ngành nghề truyền thống không còn. Nhiều lễ nghi truyền thống bị lược bỏ. Chính vì vậy, môi trường thực hành di sản cũng dần biến đổi hoặc biến mất. Đây chính là lí do khiến nhiều di sản văn hóa phi vật thể rơi vào tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp.

Về chủ thể tạo ra và thực hành di sản

Những biến đổi về không gian ở trên đã tác động trực tiếp đến con người, dẫn đến sự biến đổi của chủ thể thực hành di sản trong thời đại mới. Nhiều ngành nghề thủ công xưa, nay đã không tồn tại. Con người đã có thể dùng máy móc để tạo ra sản phẩm cần thiết. Đã không còn cảnh phải gánh nặng đường xa; đã không còn cảnh cùng nhau ngồi hàng ngày, hàng đêm để chằm nón, kéo sợi, dệt vải; niềm tin vào sức mạnh của tạo hóa để phải “trông trời, trông đất, trông mây…” cũng không còn mãnh liệt như trước. Giá trị vật chất lên ngôi thay thế cho nhiều giá trị tinh thần vốn có trước đây. Bên cạnh đó, công cuộc hòa nhập vào không gian quốc tế đòi hỏi con người phải nỗ lực hơn để nâng cao tri thức cũng là một gánh nặng – đặc biệt đối với thế hệ trẻ khiến cho việc duy trì và thực hành một số di sản hiện nay hầu như trông cả vào những người ở tuổi đã gần về với đất.

Biến đổi về thời gian

Song song tồn tại cùng biến đổi về không gian và bối cảnh chủ thể của di sản. Thời gian như một vị thuốc đắng nghiệt ngã của tạo hóa để thử thách mọi giá trị. Mỗi một biến động của đất nước và nhân loại là một lần thử thách. Văn hóa Việt Nam trải qua nhiều biến động mạnh mẽ cùng lịch sử. Chỉ tính từ cuối thế kỉ XIX đến nay, văn hóa Việt Nam đã trải qua ba lần tiếp biến. Lần thứ nhất, tiếp nhận các giá trị văn hóa phương Tây thông qua đại diện là văn hóa Pháp; Lần thứ hai, biến động mạnh sau Cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời với sự ảnh hưởng trực tiếp các giá trị của văn hóa xã hội chủ nghĩa qua mô hình Trung Quốc và Liên Xô; Lần thứ ba với công cuộc đổi mới bắt đầu từ nửa sau những năm 1980, đất nước bước vào giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập [Trần Ngọc Thêm 2015: tr. 289]. Bấy nhiêu lần tiếp biến là bấy nhiêu lần đổi thay, khiến những gì được tạo ra từ trước thế kỉ XIX thay đổi, có nguy cơ biến mất là điều không thể tránh khỏi.

Với Ví, Giặm xứ Nghệ, không gian thực hành vốn là thôn xóm gắn liền những làng nghề. Khi người ta quây quần cùng nhau chằm nón, kéo sợi, đổ kẹo,… hay chung bước gánh nặng đường xa của người buôn chuyến ngược Lường hay vào rừng lấy củi… họ vừa làm vừa hát, đố nhau đặt lời để tạo không khí vui vẻ, quên đi nỗi mệt nhọc của công việc. Cuộc sống lao động vất vả kéo dài hàng bao thế kỉ gắn với hình thức sinh hoạt này đã cho người Nghệ một di sản quý báu với hàng nghìn câu hát lưu lại đến ngày nay một kho ca từ óng chuốt giàu giá trị văn học; hệ thống làn điệu hát phong phú và cách thực hành ứng tác sáng tạo của người xứ Nghệ cũng đã góp phần tạo nên không ít nhà thơ, nhạc sĩ tài hoa cho đất nước.

Đến nay, các làng nghề không còn, hình thức tụ tập vừa làm việc vừa thi thố, đặt lời, ứng tác cũng đã mai một. Trước tình hình đó, UBND hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, trực tiếp là Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trong đời sống đương đại. Đồng thời đệ trình lên Chính phủ và Tổ chức UNESCO đề nghị ghi danh và các biện pháp bảo tồn. Năm 2014, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh chính thức được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

4. Biện pháp bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể

Một cách rất tự nhiên, bao giờ cũng có sự trao truyền và gìn giữ các giá trị tinh thần và vật chất giữa các thế hệ trong mỗi cộng đồng. Tuy nhiên, trước sức biến đổi của thời đại, nếu để trao truyền một cách tự nhiên, di sản khó lòng giữ được sức lan tỏa trong cộng đồng để tạo nên giá trị. Thậm chí chỉ có thể lay lắt trong một nhóm người rồi dần đi đến diệt vong. Bởi vậy, cần có những biện pháp bảo tồn có hệ thống. Hệ thống biện pháp này phải dựa trên các nguyên tắc:

(1) Cần làm cho nó phù hợp với một nền văn hóa, phải được thường xuyên thực hành và chuyển giao giữa các thế hệ khác nhau trong cộng đồng.

(2) Đảm bảo cho di sản là một phần cuộc sống của thế hệ hiện tại và sẽ được truyền dạy sang các thế hệ tương lai (đảm bảo sự sống còn, sự liên tục làm mới và truyền dạy).

(3) Bảo vệ và tạo ra nguồn phát triển kinh tế quan trọng (trực tiếp hoặc gián tiếp) [UNESCO].

Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ di sản trong giai đoạn hiện nay, hầu hết các đơn vị trực tiếp bảo vệ di sản đều phải thực hiện hai nhiệm vụ cơ bản:

Thứ nhất, xác định và tư liệu hóa di sản. Thứ hai, xác định biện pháp bảo vệ và chuyển giao. Đây là bước cụ thể hóa câu trả lời cho các câu hỏi (2), (3), (4) đã được nêu ra ở Mục 1. của bài viết này.

Với việc xác định và tư liệu hóa di sản, đây là bước kiểm kê di sản nhằm xác định rõ các biểu đạt và hình thức có thể được coi là di sản văn hóa phi vật thể. Từ đó làm cơ sở cho nhiệm vụ thứ hai – xác định biện pháp bảo vệ. Đây là hoạt động vô cùng quan trọng, chỉ cần chúng ta xác định không chính xác, việc bảo vệ di sản có thể dẫn đến việc không phát huy được giá trị của di sản mà ngược lại còn có thể bóp méo nó. Nói cách khác, giống như khoa học nhân bản, nếu chúng ta chọn sai tế bào hạt nhân để tái tạo một phiên bản mới, rất có thể phiên bản được tạo ra sẽ bị lỗi hoặc không có giá trị.

Xét trong trường hợp cụ thể của di sản dân ca Ví, Giặm, đâu là hạt nhân làm nên giá trị của di sản? Hệ thống ca từ đậm tính nghệ thuật? Các làn điệu hát Ví, Giặm mang đậm bản sắc của giọng Nghệ, người Nghệ hay cách thức thực hành của di sản?... Đồng thời, trong các cách thức đang được thực hành hiện nay, đâu là cách thức khởi điểm – hạt nhân của biểu đạt văn hóa này? v.v…

Nếu biểu diễn các hình thức của di sản Ví, Giặm thành sơ đồ, chúng ta sẽ có sơ đồ như hình sau:

LT

Nếu nhìn theo chiều từ trong ra ngoài (A), chúng ta sẽ thấy hình thức ỨNG TÁC TẠI CHỖ là điểm hạt nhân của di sản. Từ hình thức này, người ta tạo ra lời thơ (ca từ), khi đã có lời, họ sẽ ngân nga (bằng cách này âm thanh họ tạo ra sẽ vang xa hơn, khắc phục được hạn chế không gian, khoảng cách giữa người hát và người nghe). Từ đó mà nảy sinh làn điệu. Chính vì người hát là người xứ Nghệ, giọng Nghệ nên hệ thống làn điệu được tạo nên lưu giữ đến nay mang đậm âm sắc của người Nghệ. Đây là một trong những điểm tạo nên bản sắc của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Khi đã có lời, có làn điệu, có những câu hát thấm thía lòng người, người ta ghi nhớ và cất lên trong những không gian khác vượt ra ngoài không gian ứng tác. Vậy là có hát hội, hát lẻ trong vô số sinh hoạt khác của cộng đồng như ru con, hát trong lễ cưới, đám ma, các dịp tế lễ,... những lần hội ngộ anh em bạn bè và đến nay, còn có cả biểu diễn nghệ thuật nhạc kịch trên sân khấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, những hình thức này lại hoàn toàn dựa trên những bài bản đã có sẵn từ trước.

Ngược lại, nếu nhìn từ ngoài vào (hình A), chúng ta sẽ thấy sự phong phú đến độ viên mãn của các hình thức thực hành di sản hiện vẫn đang tồn tại trong cuộc sống cộng đồng mà dễ dàng quên mất rằng, lõi hạt nhân ứng tác tại chỗ của Ví, Giặm xứ Nghệ từ lâu đã không được thực hành.

Từ hai điểm nhìn khác nhau có thể dẫn chúng ta tới hai kết luận khác nhau, hai hệ thống biện pháp bảo vệ cũng khác nhau:

Từ điểm nhìn của A, chúng ta sẽ thấy Ví, Giặm xứ Nghệ có giá trị kích thích sáng tạo, rèn luyện bản lĩnh và kĩ năng giao tiếp, ứng xử mau lẹ nhưng rất nhân văn và giàu tính nghệ thuật ngay trong chính từng lời nói của mình trong mọi hoàn cảnh. Có lẽ nhờ yếu tố này mà nhiều người từng “theo phường đi hát” thủa xưa đã trở thành những nhà cách mạng, những nhà ngoại giao lỗi lạc trong lịch sử như Nguyễn Du, Phan Bội Châu và sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, từ góc nhìn này, di sản Ví, Giặm đã và đang bị mai một, cần phải có biện pháp bảo vệ khẩn cấp.

Ngược lại, từ điểm nhìn B, chúng ta thấy độ lan tỏa khá rộng rãi trong sinh hoạt cộng đồng của người Nghệ hiện nay, song đó là sự lan tỏa trên bề mặt. Ngay chính những người trực tiếp đào tạo, triển khai việc trao truyền vẫn khẳng định: “Dân ca Nghệ Tĩnh (cũng như nhiều loại hình nghệ thuật dân ca, dân vũ khác) đang mai một theo thời gian. Cho đến nay dân ca vẫn “sống”, nhưng chủ yếu là trên sân khấu chuyên nghiệp, trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trong một số hoạt động khác (câu lạc bộ, lễ hội) và “kí sinh” trong một số ca từ đương đại mà không có được sự tồn tại tự nhiên trong dân gian như những ngày xưa...” [Phan Mậu Cảnh 2014]. Để Ví, Giặm tồn tại đúng bản chất tự nhiên của nó, rất cần thiết phải xác định được đâu là hồn cốt, là tinh túynổi trội để có biện pháp giữ cái hồn cốt, tinh túy của di sản.

Với việc xác định biện pháp bảo vệ và chuyển giao, đây là bước cơ bản quyết định việc giữ gìn cho di sản vẫn là một phần của “văn hóa sống” trong cộng đồng. Để di sản “sống”, hơn hết phải cho nó “cuộc sống tự nhiên” chứ không phải bằng hình thức cưỡng chế hay bó hẹp với một số cá nhân tiêu biểu. Để đạt được mục đích đó, UNESCO nhấn mạnh: “Bảo vệ di sản là sự chuyển giao tri thức, kĩ năng và ý nghĩa. Nói một cách khác, bảo vệ nhấn mạnh vào các quy trình chuyển giao hay truyền dạy các di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác, thay vì tập trung vào việc tạo ra các biểu đạt cụ thể như các điệu múa, bài hát, nhạc cụ hay các sản phẩm thủ công.”

Hiện nay, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đang không ngừng triển khai các hoạt động thực hành và trao truyền di sản Ví, Giặm thông qua các hình thức:

(1) Trên sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp:

- Tổ chức các liên hoan/hội thi dân ca Ví, Giặm giữa các câu lạc bộ, trường học, đơn vị sự nghiệp;

- Biểu diễn các vở kịch, hoạt cảnh, bài hát,… của Trung tâm Bảo tồn Di sản Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ.

- Tổ chức các cuộc thi đặt lời mới, sáng tạo làn điệu mới, sáng tác ca khúc dựa trên âm hưởng của dân ca Ví, Giặm.

(2) Trên hoạt động trao truyền:

- Tổ chức dạy hát dân ca trên truyền hình;

- Dạy hát dân ca trong trường học (bao gồm cả hai hình thức chính quy và không chính quy).

Đây là những cố gắng đã đem lại thành quả không nhỏ song vẫn phải nói rằng, cái mà chúng ta đang tạo ra mới chỉ dừng lại ở những biểu đạt cụ thể, những yếu tố bị mai một vẫn chưa được “cứu sống” trong cộng đồng người Nghệ. Thiết nghĩ, bên cạnh những việc đã làm được, chúng ta cần có biện pháp bổ sung, tái tạo và trao truyền, chuyển giao tri thức, kĩ năng ứng tác của Ví, Giặm. Điều đó chắc chắn sẽ giúp chúng ta khai thác ở mức cao hơn các giá trị của di sản Ví, Giặm hiện nay.

5. Một vài kết luận

Cũng như mọi di sản văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể cũng cần được quan tâm khai thác, góp phần đem đến nguồn lợi về vật chất lẫn tinh thần cho cộng đồng. Về giá trị vật chất, có thể bằng con đường du lịch để tạo ra nguồn lợi trực tiếp. Về giá trị tinh thần, có thể bằng con đường giáo dục, văn hóa, nghệ thuật để gián tiếp bồi dưỡng, kích thích những tình cảm nhân văn, ý chí vươn lên trong mỗi người, tạo động lực sáng tạo và cống hiến. Có như vậy, di sản văn hóa của ông cha để lại mới có thể phát huy được giá trị, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Để làm được điều này, chúng ta cần tiến hành song song trên các lĩnh vực:

- Trên lĩnh vực nghiên cứu: cần có các chuyên gia nghiên cứu, tìm hiểu, giúp xác định các giá trị của di sản làm cơ sở cho việc xác định đúng giá trị cần bảo tồn và phát triển phù hợp với thời đại.

- Trên lĩnh vực trao truyền: cần có đội ngũ nghệ nhân sẵn sàng truyền dạy cho thế hệ trẻ, đảm bảo luôn có sự chuyển giao liên tục giữa các thế hệ.

- Về phía chính quyền, cần có chính sách thu hút, đãi ngộ, đặc biệt đối với những bạn trẻ có tình yêu và đam mê gìn giữ di sản của cha ông.

Không chỉ riêng Ví, Giặm xứ Nghệ mà di sản nào cũng cần phải nhận được sự trân trọng và ý thức gìn giữ của toàn xã hội. Trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, việc tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng để duy trì, gìn giữ và phát triển di sản văn hóa lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi lẽ chỉ có sự đồng thuận của toàn xã hội mới có thể giúp chúng ta có thái độ ứng xử đúng đắn với di sản và tìm ra được biện pháp bảo vệ đúng đắn để di sản luôn là một phần “văn hóa sống” của cộng đồng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phan Mậu Cảnh, 2014, “Các giá trị của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh với việc đưa dân ca vào giảng dạy và học tập trong nhà trường”Hội thảo Quốc tế Bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca trong xã hội đương đại trường hợp dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
  2. Trần Ngọc Thêm, 2015, Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai, NXB Văn hóa – Văn nghệ.
  3. Trần Thị Lam Thủy, 2015, “Ví, Giặm xứ Nghệ - Những giá trị trường tồn”, Tạp chí Khoa học, Đại học Sài Gòn.
  4. UNESCO, 2003, Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
  5. UNESCO, “Di sản văn hóa phi vật thể là gì?”, Nguồn: unesdoc.unesco.org/images/0018/001891/189113vie.pdf
  6. Văn phòng Quốc hội, 2013, Luật Di sản văn hóa.

 

 Nguồn: Sách “Quản lý và khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập

 

DANH MỤC

TOP XEM NHIỀU
Ngôn ngữ - Văn hóa
28066
Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 25/07/2021 17:26:33
Ngôn ngữ - Văn hóa
26917
Viết đúng chính tả D và Gi Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 21:30:44
Tiếng Anh
23868
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: do – make – have – give – go – take away Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 19:39:10
Tiếng Anh
18820
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NO – NONE – NOT Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 20:01:28
Tiếng Anh
18569
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm - LACK OF – SHORTAGE OF Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 18:34:25
Tiếng Việt Phổ thông
12124
Từ đa nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/08/2021 12:03:50
Ngôn ngữ - Văn hóa
11987
Các kiểu cấu trúc thông tin của câu đơn tiếng Việt Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 24/07/2021 17:54:27
Giáo dục và PPDH
9111
Dạy học biện pháp tu từ cho học sinh tiểu học theo hướng tích hợp Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 17/04/2021 18:50:37
Tiếng Việt Phổ thông
5821
Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 11/08/2021 17:46:32
Ngôn ngữ - Văn hóa
5549
Đặc trưng văn hóa lúa nước của người Việt thể hiện qua tục ngữ Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 22/07/2021 18:51:50
Tiếng Việt Phổ thông
5523
Cấu tạo từ tiếng Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 07/08/2021 16:59:08
Tiếng Việt Phổ thông
5460
BÀI 6 - TỪ XƯNG HÔ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 02/09/2021 17:18:35
Tiếng Anh
4120
Phân biệt các từ, cụm từ dễ nhầm: NEAR – NEARLY – NEARBY Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 12/09/2021 19:51:08
Tiếng Việt Phổ thông
3302
Bài 8 - Từ ngữ trong khẩu ngữ - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 06/09/2021 21:07:02
Tiếng Việt Phổ thông
3071
Từ cũ và từ Hán Việt - Trần Thị Lam Thủy Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 05/09/2021 12:05:39
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT MỸ

Quyết định thành lập số 18-51/QĐ/VAYSE-VPNB ngày 12/07/2018 của Trung ương Hội Trí Thức Khoa Học Và Công Nghệ trẻ Việt Nam.

Giấy CNĐKHĐ: A-1953 cấp ngày 31/07/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 94/44 Lưu Chí Hiếu, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903328995

Email: info@vmied.edu.vn

Mạng xã hội
Đăng Ký Tư Vấn Qua Zalo